bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 282
Trong tuần: 1301
Lượt truy cập: 645491

SÔNG MÃ THÁNG BA

SÔNG MÃ THÁNG BA

                                                           (Tản văn)

NGUYỄN THỊ LAN

 

“ Sông Mã xa rồi, Sông Mã ơi...”

Không phải bây giờ khi đã xa Sông Mã câu thơ đó mới cất lên. Ngay từ khi xe

của đoàn vừa rời khỏi địa phận huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La nó đã ngân nga trong lòng chúng tôi như một lời tri ân, một lời từ biệt.

          ... Bấy giờ đang là cuối Xuân. Chúng tôi đến Sông Mã, một huyện biên giới sát nước bạn Lào, mảnh đất có núi Mường Hung, có dòng Sông Mã. Đây là mảnh đất thiêng bởi vì trong tâm thức người Việt nơi nào có cặp đôi sông – núi (cặp Âm – Dương, Cha – Mẹ) nơi đó được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, sinh ra những bậc hiền tài.

          Huyện Sông Mã là nơi dòng sông Mã chảy qua. Được bắt nguồn từ núi Tuần Giáo tỉnh Điện Biên, dòng sông xinh đẹp và mạnh mẽ này chảy qua huyện Sông Mã, rồi vòng vèo trên đất Lào 102 cây số, tạo nên trăm ngàn ghềnh thác. Sau đó sông Mã ầm ầm đổ vào đất Thanh qua 9 huyện, để đến cuối sông lượn lờ như một gã lãng tử giữa thành phố rồi mới chịu đổ ra biển cửa Hới, Sầm Sơn.

          Sông Mã là chốn “sơn thuỷ hữu tình” một trong những đặc điểm của mỹ học phương Đông. Nơi đây trù phú phong cảnh đẹp tuyệt vời.

          Mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật tốt tươi. Cả huyện Sông Mã bát ngát một màu xanh: từ màu xanh mơn mởn của cỏ non cây biếc, của những ruộng lúa bậc thang đến màu xanh của dãy núi xanh om, rồi màu xanh của những hồ nước, dòng sông...

          Đẹp nhất là các loài hoa. Mùa Xuân trăm hoa đua nở. Ở đây hoa thực sự là “logo” của mùa xuân phổ biến, vĩnh cửu. Sông Mã tràn đầy hương sắc của các loài hoa nở mùa xuân: hoa dại trên núi, hoa ban, hoa gạo, hoa nhãn, hoa xoan... Nhìn hoa lòng rưng rưng xúc động. Chợt nhớ câu thơ của Thi Hoàng: “Không có hoa ta không thành người lương thiện”. Phải chăng hoa là điều kì diệu, lạ lùng nhất trần gian. Hoa khiến những ngày dài rong ruổi trên đường của chúng tôi ở cái huyện miền núi này lúc nào cũng rực rỡ thần tiên.

          Có gì thân thiết hơn trên đường đi ta bắt gặp hàng cây nhãn, quê hương ở tận Hưng Yên. Mấy chục cây số dọc sông Mã về huyện lỵ hàng ngàn, hàng vạn cây nhãn đang ra hoa. Hoa nhãn hai bờ sông Mã, hoa nhãn phủ các ngọn đồi, các khu vườn. Những chùm hoa nhãn vàng vàng, nhỏ xíu nở trĩu cành. Năm nay chắc nhãn sai quả. Hoa nhãn như sứ giả báo tin vui một mùa nhãn bội thu. Một cảm giác thật vui và ấm áp.

          Có gì thanh thản hơn trên đường đi ta bắt gặp cây hoa ban. Sau mùa hoa đào nhuộm thắm sắc xuân trên các bản Mèo, Dao bây giờ đến thời điểm hoa ban đồng loạt nở rộ, trang điểm màu trắng tinh khiết cho các bản người Thái. Cánh hoa ban trắng muốt tạo nên một gam màu ấn tượng nhất trong bức tranh phong cảnh vùng Tây Bắc. “Hoa ban trắng trời biên giới”, “Hoa ban nở hết mình”, “Hoa ban đẹp đến nao lòng”, hình như có ai đã thốt lên như vậy. Hoa ban đẹp nhưng cũng rất cô đơn bởi ở đây giữa rừng xanh đầy nắng và gió hoa đẹp với ai? Chính vì vậy cây hoa ban dậy lên trong lòng du khách nỗi buồn bã, bâng khuâng.

          Có gì êm ả, thanh bình và gợi nhớ hơn khi trên đường đi ta bắt gặp rất nhiều cây xoan. Bây giờ hoa xoan đã bắt đầu rụng. Những cánh hoa tim tím nhỏ li ti, rơi rơi, cứ đườm đượm buồn, rơi nhẹ nhàng, rơi như không hết. Chợt nhớ quê nhà: những cái ngõ nhỏ bằng đất, nằm cô quạnh, vắng lặng, u hoài trong trời mưa phùn, một chiều trở gió hoa xoan tơi tả rụng...

          Có gì bồn chồn, rạo rực hơn khi trên đường đi ta bắt gặp một cây gạo cheo leo trên sườn núi. Hoa gạo như những bóng đèn đỏ rực rỡ ngay trên đầu ta, như tiếng gọi trìu mến, thân yêu của đất trời về tiễn mùa xuân đi, để cái tiết oi ả của mùa hè sắp tới. Phút chốc nhớ câu thơ của Nguyễn Duy: “Tương tư hoa gạo quê nhà/Tự nhiên áo đỏ làm ta giật mình” (Hoa gạo)

          Có gì xao xác hơn khi trên đường đi ta bắt gặp thế giới ngàn lau, thế giới của man mác buồn. Nếu ở miền xuôi hoa lau được cắm trong lọ độc bình như một thú chơi tao nhã đầy vẻ hoài niệm thì ở đây bạt ngàn lau. Những cây lau sống hoang dại mãnh liệt, bất chấp đất cằn sỏi đá. Đi qua đây chợt lòng mình rung lên câu thơ của Chế Lan Viên:

Ai đi biên giới cho lòng ta theo với

Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình

Bạt  ngàn lau ở tận cùng bờ cõi

Suốt một đời cùng với gió giao tranh

                                    ( Lau biên giới)

          Bây giờ không phải là mùa hoa lau trổ bông nhưng sao trước mắt tôi cứ chập chờn những bông lau lơ thơ vươn cao, óng mượt, trắng muốt giữa ngút ngàn với cái vẻ đìu hiu sương khói. Bông lau bạc đầu. Tóc lau trắng trời. Lau thương nhớ ai mà lau bạc tóc? Nghĩ ngợi thế lại thấy thương ngàn lau đang lùi dần lại phía sau.

          ... Và trên đường đi còn biết bao những loài hoa dại phủ kín các sườn đồi, núi mà chúng tôi không biết mặt, biết tên.

          Nhưng yêu thương và quý nhất vẫn là những con người ở nơi đây, những bông “hoa của đất”. Họ là những người cần cù, chịu khó, lầm lụi, bền gan trong mọi hoàn cảnh. Bằng đôi bàn tay của mình họ đã “vẽ” lại núi đồi: những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh làm say lòng người, những quả đồi bạt ngàn ngô, nhãn, những vườn mận, vườn đào, những chiếc nhà sàn như những tổ chim cheo leo nơi lưng chừng trời.

          Những con người ấy thuần khiết, hồn hậu, hiền hoà và tốt lạ thường với nhu cầu yêu thương vô hạn. Bà con ở đây thật thân thiện và mến khách khiến chúng tôi bước chân lên ngôi nhà sàn mà thân thiết, ấm áp, bình yên như trở về nhà của mình.

          Những con người ấy thật vất vả, lam lũ với “đầu trần, chân đất” ( hiểu theo đúng nghĩa đen của từ này). Chợt nhớ về câu nói của Lê Duẩn, đại ý: Nếu gặp một người phụ nữ kéo xe bò dưới trời nắng mà không thấy xúc động thì anh không phải là người cộng sản. Ở đây chúng tôi đã gặp rất nhiều người như thế. Dưới trời nắng chang chang một mế già đầu trần, mái tóc xơ xác, chân đất đen nhẻm đang dắt trâu đi chăn; một người mẹ trẻ đầu trần, chân đất vừa địu con vừa ôm một bó củi to kiếm ở rừng về, chị đổ người về phía trước với bước đi nặng nhọc. Thương nhất là những  đứa trẻ gầy gò, còi cọc cũng đầu trần, chân đất lấm lem. Các em phải vượt hàng chục cây số đường rừng đến trường, lê la bên đường, oằn mình vì những bó củi nặng trĩu trên lưng. Có những đứa trẻ nhỏ xíu đã biết bế em. Nhìn chúng lòng chúng tôi se lại.

          Thương biết mấy những con người ở nơi đây. Sẽ còn rất lâu, rất lâu khoảng cách đời sống vật chất giữa miền xuôi và miền ngược mới được lấp đầy.

          Những con người ở nơi đây còn mang đến cho chúng tôi những bất ngờ làm thay đổi ít nhiều ở chúng tôi những quan niệm về hạnh phúc, nhân sinh. Những người dân tộc thiểu số ở đây sống hết sức đơn giản. Ở cái huyện vùng cao biên giới xa xôi hẻo lánh này chỗ nào cũng thấy người lớn, trẻ con chỉ cần ăn no là hết sức thư thái, ung dung ngồi sưởi nắng, ánh mắt hiền hoà như nai rừng. Chúng tôi, những người từ “xã hội đô thị” đến “ngộ” ra một điều: sống sung sướng không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần, đúng hơn chủ yếu là tinh thần. Trong nghèo khổ con người cũng có cái sung sướng: sung sướng từ trong yên tĩnh, từ trong tình yêu, từ trong thư giãn, không nôn nóng, hấp tấp, không hư vinh, không tham lam. Và phải chăng đó là hạnh phúc, cái mà ta suốt đời tìm kiếm? Sống đơn giản chính là hạnh phúc!

          Không chỉ người lớn hiền hoà, thanh thản mà trẻ con ở đây cũng thật ngoan ngoãn, đáng yêu. Các em rất rụt rè, bẽn lẽn khi khách đến chơi nhà. Dường như chúng tôi thấy niềm hạnh phúc vỡ oà khi nhìn lên ánh mắt trong trẻo, nụ cười hồn nhiên, nét mặt bừng sáng của chúng khi nhận những gói kẹo, gói bánh... của khách. Và thật thật bất ngờ chúng biết nói lời “cảm ơn”. Nghĩa là các em biết cảm động, biết bày tỏ lòng cảm ơn, biết yêu người khác (và cũng được người khác yêu). “Cảm ơn” đã trở thành con chim bồ câu trắng trong tâm hồn non nớt của các em. “Nó là thước đo chính xác đạo đức cao hay thấp, văn minh lớn hay nhỏ, mạng sống nặng hay nhẹ”, một nhà văn Trung Quốc đã nói như vậy.

          Nếu “hạnh phúc không phải là điểm đến mà trên từng chặng đường mình đi” thì chúng tôi đã có những giây phút hạnh phúc trong những ngày ở Sông Mã.

          Mỗi chuyến đi đời người “đầy” thêm một chút: đó là vốn sống, là tri thức, là niềm cảm xúc, là sự trải nghiệm, là tình yêu, hạnh phúc và cả những nỗi đắng đót mà không thể không viết ra.

          Và chúng tôi sẽ yêu thương, sẽ nâng niu, sẽ gìn giữ những hồi ức về Sông Mã. Những hồi ức ấy sẽ tưới mát, nâng cao tâm hồn và là nguồn đem lại cho chúng tôi những khoái cảm tốt đẹp.

 

                                                          Hải Dương, đầu Đông năm 2011

thumb

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)