bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 183
Trong tuần: 945
Lượt truy cập: 629978

SỨC BẬT SIẾNG RÁN

Nguyễn Xuân Mẫn

NGUỒN LỰC SIẾNG RÁN

1 - Trịnh Tường.   

Một bản người Giáy của huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai nằm ven sông Hồng.  Trước kia thường bị bọn giặc cỏ tràn vào giết người cướp của. Để chống giặc, nhà nhà đều trình trường đất tránh đạn súng kíp. Không cho giặc vào bản, người dân xếp đá xung  quanh bản tạo nên bức tường đá cao dầy. Người ta bảo tường đá của bản và tường đất của nhà dân đều vững chắc, được người Giáy ví như Siếng Rán (vách đá hay tường đá) dần dần gọi chệch sang tiếng Kinh là Trịnh Tường. Không chỉ dành riêng cho bản người Giáy ven sông mà thực dân Pháp lấy địa danh Trịnh Tường đặt tên cho một xã gồm 7 xã hiện nay từ Cốc Mỳ lên tận Y Tý. Ở vị thế trung tâm nên đến nay, Trịnh Tường vẫn là nơi cấp ủy,  chính quyền và các tổ chức quần chúng của các xã này thường về tập trung hội họp, giao ban và trao đổi kinh nghiệm.        

2 - Trịnh Tường.

 Một chiến công kiên cường nổ phát súng đầu tiên của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đánh thực dân Pháp khi chúng lên xâm chiếm tỉnh ta. Ngày 19/8/1886, phái đoàn phân định biên giới của thực dân Pháp đi khảo sát dọc sông Hồng, chúng tưởng chừng không ai dám động đến chân lông chúng. Khi 55 lính khố đỏ và lê dương đang loay hoay chèo chống 11 chiếc thuyền hộ tống 6 sĩ quan Pháp vượt con thác (ở đầu bắc phố Trịnh Tường hiện nay) định cập bến vào Trịnh Tường thì bất ngờ bị nghĩa quân người Giáy do Đội Bàn họ Thào chỉ huy đã phục kích đánh trả.  Chỉ có súng kíp và súng hỏa mai nhưng nghĩa quân dấu mình trong bụi lau sậy mai phục, diệt 2 tên sỹ quan Pháp cùng 11 tên lính và chiếm được 5 chiếc thuyền. Bỏ mặc xác đồng bọn, toán địch còn lại hốt hoảng chạy thuyền về tận Lào Cai. Nơi con thác diễn ra chiến công ấy, sau này gọi theo tiếng Giáy là Pạc Srải Củi (thác quỷ da trắng hay thác Tây). Hàng năm Đảng bộ và nhân dân xã Trịnh Tường vẫn tổ chức kỷ niệm chiến thắng Thác Tây với niềm tự hào và truyền lại cho thế hệ mai sau. 

 3 - Trịnh Tường.don_phap

Một miền khí hậu hiếm có. Ở sát mép sông Hồng chỉ cao chưa đầy 100 mét so với mực nước biển nhưng đồi và núi cứ nâng nhau cao dần về phía tây để dãy núi Dền Thàng cao 2.570 và có đỉnh đứng trên mốc cao 2.829 mét như hòn đảo giữa biển mây trời lồng lộng. Cách nhau 7 cây số đường chim bay có biên độ chênh cao 2.700 mét ấy để cho một ngày Trịnh Tường có cả hai mùa. Giữa trưa hè nóng nực, các làng xóm ven sông nóng vã mồ hôi thì ở các thôn bản trên núi cao nằm ngủ phải đắp chăn vì lạnh. Khí hậu đặc trưng đã đem đến cho Trịnh Tường nhiều loại cây rừng, cây ruộng, cây nương hiếm nơi nào có đủ cây cấy mùa hè, cây trồng vụ đông. Khách lên chợ Trịnh Tường đều tấm tắc khen nông lâm sản ở đây đa dạng phong phú. Mùa hè rau muống, rau đay, nhãn, dứa, mít…chỉ trồng ở vùng thấp, bầy xen với thồ cải nương, nấm hương, đậu hòa lan… trên vùng cao. Mùa đông người trên núi thồ xuống xuyên khung, bạch truật, thảo quả, sâm đất; người vùng thấp bày bán  sắn tươi, sắn khô, táo xanh không trồng được ở vùng cao.

4 - Trịnh Tường.

 Một trung tâm của vùng đông bắc Bát Xát. Bởi vì từ Cốc Mỳ, Bản Vược ngược lên, trên Y Tý, Ngải Thầu, Nậm Chạc, A Mú Sung xuôi xuống và bên huyện Hà Khẩu tỉnh Vân Nam nước bạn qua sông sang đều thuận tiện. Đây là ngôi chợ đầu tiên của dòng sông Hồng trên đất nước ta nên nó kéo theo bệnh xá, nhà bưu điện, trường học… của khu vực để thành phố núi. Gọi là phố  nhưng Trịnh Tường làm gì có nhà trọ, nhà nghỉ đón khách. Này xưa bộ đội biên phòng, cán bộ, thầy cô giáo từ huyện vào, dưới tỉnh lên các xã vùng cao công tác đều dừng chân nghỉ lại Trịnh Tường lấy sức để sáng hôm sau leo dốc lên Y tý, A Mú Sung. Bà con ở các xã dưới, từ trên núi cao về chợ Trịnh Tường cũng đi từ chiều hôm trước xin nghỉ lại ở các nhà người Giáy phố Siếng Rán để hôm sau tranh thủ mua bán sớm rồi về nhà sớm kịp đi nương ra ruộng. Người đi chợ và đi công tác dần dần kết nối sợi dây tình cảm thân thiết với người phố chợ dù không phải đồng tộc, chẳng có anh em ruột thịt.     

5 - Trịnh Tường.

Một ngôi nhà chung của hơn 6.500 người thuộc 5 dân tộc anh em. Ngày trước, vùng thấp là nơi cư ngụ của người Giáy, Cách đây hơn 60 năm trước có thêm người Kinh từ miền xuôi lên khai hoang. Lưng chừng núi là các chòm, bản của đồng bào Dao đỏ. Làng người Mông, bản người Hà Nhì vắt vẻo trên triền núi cao. Vài chục năm gần đây do xếp sắp lại dân cư để phù hợp với sự phát triển nên nhiều thôn bản có hai hoặc ba dân tộc chung sống, tạo thành những làng xóm đa sắc màu văn hóa quần cư. Cả 17 thôn bản dù sống độc lập hay ở đan xen nhưng nhân dân các dân tộc Trịnh Tường luôn luôn phát huy tinh thần đoàn kết vì một Trịnh Tường giàu mạnh và hạnh phúc.

 6 - Trịnh Tường.

 Một tán rừng che phủ hơn 56% trên diện tích 8.230 ha đất tự nhiên của toàn xã. Giữ vị thế rừng chủ công là hơn 1.100 ha rừng tự nhiên nằm trên dãy núi cao. Khí hậu nhiệt đới gió mùa đưa lại cho rừng Trịnh Tường màu xanh quanh năm. Những loài gỗ quý như đinh, sến, táu, pơ mu trên rừng già đang được bảo vệ nghiêm ngặt để hồi sinh và phát triển. Tán rừng Trịnh Tường còn là vườn dược liệu khổng lồ, được thiên nhiên trồng cho con người nhiều loài cây thuốc quý. Lá cây phủ màu xanh quanh năm nên rừng Trịnh Tường cũng bốn mùa hoa tỏa hương khoe sắc. Dưới vùng thấp, hoa mỡ rừng trồng khoe màu trắng như vô vàn sao trời sà xuống nền lá thắm xanh. Những ngày xuân đi trong rừng tái sinh tưởng đang nghe bản nhạc rì rào bởi vô vàn con ong bay về hút mật trên những vòm cây kháo xanh, cây dẻ hồng. Leo lên trên núi cao mới thấy rừng già là rừng hoa muôn màu muôn sắc. Đỗ quyên thân cành cổ thụ khoe đủ màu hoa trắng, hồng, vàng, tím. Thân mềm nên sống ký sinh trên cây gỗ hoặc nép vào khe đá nhưng hàng trăm loài phong lan nở hoa suốt mùa xuân sang giữa hạ, đua nhau khoe sắc tỏa hương. Rừng còn là tài sản vô giá không thể tính bằng tiền. Đó là lá phổi xanh khổng lồ điều hòa không khí. Đó là bể chìm tích nước mưa trong lòng đất rồi dần dần rỉ thành mạch nhỏ, nhả thành khe to suối lớn tiếp sức cho sông Hồng chảy về xuôi.

7 - Trịnh Tường.

Một kho thóc mấy năm nay, mỗi năm cân được chừng 2.200 tấn. Để có được kho thóc này, trước hết người Trịnh Tường phải một nắng hai sương vật lộn với trời và đất. Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, khi lúa trổ đòng phơi màu, có năm trời mưa ròng rã cả chục ngày, trút hết phấn lúa, những hạt lúa chỉ còn là vỏ trấu. Trời nắng hạn, vì khe suối nhiều ít khi lúa bị nghẹn nhưng nắng tạo đà cho sâu bệnh sinh sôi. Sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ rầy đua nhau đẻ đàn, sinh bầy khắp các cánh đồng. Mùa mưa đến nước trên nguồn dồn về biến những khe suối lớn nhỏ thành những con rồng hung dữ, cuốn phăng tất cả những gì mà nó gặp trên đường đi. Đêm ngày 8 rạng ngày 9/8/2008, một trận lũ kinh hoàng tràn qua xã Trịnh Tường. Hơn 80 ha ruộng lúa mùa đang tròn cây bị nước lũ cuốn sạch và đưa về vô vàn đá như  con bò nằm co khắp các cánh đồng. Đau lòng nhất là 19 người cùng 19 ngôi nhà và tài sản ở bản Tùng Chỉn bị thủy thần cuốn phăng không còn dấu tích.

Để có được kho thóc này, nông dân xã Trịnh Tường phải tìm cách mở rộng thổ cư cho cây lúa. Năm 2000 chỉ mới có 180 ha lúa xuân và 230 ha lúa mùa. Hai mươi năm sau cả hai loại ruộng đã lên 205 và 330 ha. Để có phần ruộng tăng ấy, người vùng thấp phải cải tạo các khe lạch hoang thành ruộng, người vùng cao phải san thêm ruộng bậc thang. Người đi đầu san ruộng bậc thang ở vùng cao là ông Phàn Phù Lìn, dân tộc Dao trên bản Phìn Ngan. Thấy ông làm, mọi người trong bản cũng làm theo, chỉ mấy năm sau, những mảnh nương bỏ hoang đã thành 10 ha ruộng bậc thang cấy lúa nước. Ông được tặng thưởng huân chương lao động hạng Ba và được chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi thư khen ngợi. Việc làm của ông lão người Dao ấy còn vào trong sách Tập đọc của lớp 5 bằng bài: Ngu công xã Trịnh Tường.

Để có kho thóc đầy, người dân xã Trịnh Tường phải vật lộn với cả chính mình. Giống lúa cũ đã có từ lâu, ít bị sâu bệnh, chăm sóc không vất vả. Nếu cấy giống lúa mới liệu có thành ăn vì nó chưa quen với đồng đất chắc gì chịu được khí hậu của mình. Vì vậy đến  năm 2000, cả xã mới có 25% diện tích ruộng cấy giống lúa lai. Tuy chỉ có một phần tư diện tích nhưng sau một vụ các giống Nhị ưu, tam ưu đã rải dần rải dần đến năm 2004 đã sinh trưởng trên hầu hết ruộng Trịnh Tường. Mấy năm nay canh tác truyền thống kết hợp với khoa học tiên tiến gọi là phương pháp canh tác mang ký hiệu “Sơ ri”. Tuy đòi hỏi công sức và đầu tư nhiều hơn nhưng năng suất mỗi ha cao hơn canh tác lúa đại trà tới hơn 3 tạ mà chất lượng thóc lại tốt hơn. Không tính đến năng suất, người Trịnh Tường còn gieo cấy các giống lúa chất lượng cao như séng cù, hương thơm số 1 và  nếp cái hoa vàng để làm sao mỗi mảnh ruộng cho thu về hầu bao nhiều tiền. Giữ vị trí chủ công trong nông nghiệp, cây lúa dắt cây ngô, cây trồng các loại nhất là chuối mô trải lá ra hơn 400 ha cùng đàn gia súc gia cầm cũng tăng theo, chung sức góp phần xóa đói giảm nghèo cho người Siếng Rán.      

8 - Trịnh Tường.

Một khu du lịch đầy tiềm năng trên vùng đông bắc Bát Xát đang chờ khai thác. Không khí trong lành cùng bản nhạc rừng do các loài chim hòa tiếng hót giúp cho du khách xua tan mệt mỏi. Những cây đa cổ thụ, những thác nước như dải lụa trắng mịn màng nép mình trong tán rừng sẽ làm nền cho những thước phim, những tấm ảnh của khách du lịch.  Ngâm mình trong suối nước nóng Bản Mạc, du khách thấy người bừng bừng sảng khoái. Khoáng chất và hơi nóng xua tan cảm cúm và các bệnh ngoài da. Truyền thống hiếu khách của người Trịnh Tường sẽ thết đãi du khách những  món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng là đặc sản chỉ có ở vùng cao. Thịt sấy khô, lạp xường, bánh chưng đen, bánh dầy gạo nếp cẩm cả nước chấm đậu tương cay... chỉ một lần thưởng thức nhưng du khách không thể nào quên.

9 - Trịnh Tường.

Một huyện lỵ của Bát Xát trong tương lai. Do nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, huyện lỵ Bát Xát sẽ được chuyển lên Trịnh Tường. Dự án đang được lập đã mở ra cho vùng Siếng Rán nguồn lực mới. Đường sá, nhà tầng, khu hành chính, nhà ở dân cư, các các công trình phục vụ dân sinh…đang hiện dần trên các bản vẽ để tạc vào vùng đông bắc Bát Xát bức tranh sinh động, khoe mình trên dòng sông biên giới.      

                                                                    Tháng 6 năm 2022

                                                                           N . X . M

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)