bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 216
Trong tuần: 686
Lượt truy cập: 667171

SỮNG SỜ ĐỌC \"LÀ ANH\" CỦA PHẠM MINH TÂN

Đăng Bẩy
 
ĐỌC “LÀ ANH”
(Tập truyện ngắn của Phạm Minh Tân, Nxb Hội Nhà văn, 2020)    
 
   Tôi sững sờ đón nhận Là anh – tập truyện của nhà văn Phạm Minh Tân vừa ra lò cuối năm ngoái. Sững sờ, vì trước đó - từ kho tàng sáng tạo của mình - chị chỉ công bố phần thơ (Nắng chiều, Hội Nhà văn 2008; Tiếng thầm, Văn học, 2011; Khoảng lặng, Văn học 2014 và Khúc ru cánh cò, Hội Nhà văn 2017).
Đều đặn cứ ba năm là trình làng một tập thơ, đột nhiên tác giả lại tìm đến thể loại truyện ngắn, ắt hẳn có điều gì đó gửi gắm? Cho nên, đọc kỹ cuốn truyện này, ta có thể đoán rằng đó là sự nung nấu, tích cóp từ nhiều năm của một tác giả tuổi đã ngoại bảy mươi.
   Truyện của Phạm Minh Tân có khi xuất phát từ những tình huống hết sức đời thường, hồn hậu. Đó là truyện về một ông thầy vốn là giáo viên nhiều tài vặt, nhưng chỉ vì mê thơ, lãng mạn, nên không được lãnh đạo bố trí đứng lớp, phải làm chân văn phòng nên bất mãn bỏ về, làm đủ các nghề, sau có con trai thành đạt và in thơ cho bố (Vạ thơ). Đó là truyện về một cô con gái chỉ mong mẹ sống lâu nên đổi con số ghi mừng sinh nhật mẹ trên bánh 72 thành 27 tuổi (Chiếc bánh mừng sinh nhật). Đó là truyện về một cô gái lưu lạc, làm bưng bê ở quán ăn, được tay anh chị bảo lãnh rồi dẫn về quê, sau đó anh chết, cô ở vậy với bà cụ và được hưởng thừa kế mảnh đất đang tranh chấp (Chuyện của Sương). Hay như cuộc phiêu lưu ly kỳ thời chiến tranh, có khi hút chết, của người phụ nữ đi thăm chồng là bộ đội, suốt dọc đường chị hỏi, chỉ “gặp” một nguyên tắc bất thành văn được toàn dân tuân thủ: tuyệt đối giữ bí mật “Ba không”, nhưng rồi cũng tìm được đến nơi người chồng đóng quân và ra về may mắn.
   Đọc những truyện đó ta có cảm giác nhẹ lòng bởi cái kết có hậu cho người lương thiện, nhưng ở những truyện khác, Phạm Minh Tân biết khiến cho người đọc phải bứt rứt. Ví dụ, tác giả kể về một típ người lạ lùng, khi sống luôn luôn ki cóp, quên cả cuộc sống vợ con hiện tại để dồn hết kinh tế gia đình cho việc hậu sự, tậu đất ở quê định xây nghĩa trang cho bản thân và gia đình, để lại cho người đang sống một tiếng cười thương hại (Cõi tạm). Một ông chồng nổi cơn ghen tuông mù quáng khi vợ chồng gặp lại người bạn trai từng cùng học, nên tự mình gây ra hỏa hoạn, và Vết sẹo trên thân thể của người chồng sẽ còn đó cho đến hết đời để nhắc nhở rằng “suýt nữa đã đánh mất người anh yêu quý nhất”, v.v... Có những khi tác giả còn quyết liệt hơn, khi kể về một cô thôn nữ từ bỏ tình quê ra tỉnh để mong đổi đời ở nơi thành thị, cụ thể là có một thời gian làm gái bán hoa, may mà cô kịp tỉnh ngộ, định trở về chốn cũ, nhưng than ôi – thật là không may: sắp gặp người yêu cũ nay đã thành đạt, cô xấu hổ vội vã bỏ đi, đến nỗi bất ngờ gặp phải tai nạn giao thông và không còn kịp làm gì nữa để cứu Canh bạc của đời mình.
   Trong tập Là anh, ngoài những cốt truyện đơn giản như đã kể trên, tác giả còn thử bút lực vào những hoàn cảnh hết sức éo le, phức tạp.
   Một cô gái ngoan hiền trả ân thay bố bằng cách chấp nhận lấy anh Thông, người bị bố lỡ mạnh tay gây chấn thương cột sống, bị gù. Hai vợ chồng tưởng vô sinh vô vọng, sau được ông Đạt mách cho cách chữa, có con. Bà Đạt vốn chẳng hiểu gì về mối quan hệ của họ, cứ nghi cho ông là đã về hưu rồi còn ham của lạ, nên ông bà cùng nhà mà như thể mỗi người sống trong một cõi riêng tư, cho đến khi bà biết được sự thật về chồng mình rồi bất ngờ gặp tai ương thì mới nhận ra thế nào là Hạnh phúc
   Một gia cảnh bi đát: bị vợ chồng con trai đối xử nhẫn tâm, bà cụ thuê người viết đơn kiện. Sau đó chính người con trai cũng bị câm vì cô vợ phụ bạc mang hết của nả theo trai. Trong một xung đột giữa mẹ và con trai, người em gái vốn bị câm từ bé bị xô ngã, bỗng nhiên nói được bình thường và rốt cuộc, ở vậy nuôi cháu, chăm anh (Giời ơi!). Hay câu chuyện rắc rối giữa một gia đình gia giáo nhưng có hai anh em ruột cùng yêu một cô gái, người anh muốn cưới không được, đâm ra mắc “tâm bệnh”, phải vào bệnh viện tâm thần rồi sau đó đi tu, người em bỏ đi biệt xứ, còn người con gái ở vậy cho đến cuối truyện (Duyên phận)… Trong tất cả các bi kịch đó, đáng phục nhất và cũng đáng thương nhất là những nhân vật nữ trẻ của Phạm Minh Tân: ở Giời ơi có cô Cầm, ở Duyên phận có cô Bích…
   Truyện của Phạm Minh Tân thường miêu tả những tình tiết dung dị trong đời thực, từ đó cố gắng đưa người đọc đến một kết luận, một chiêm nghiệm nào đó. Như với truyện ngắn có tên được đặt theo tên cả tập (Là anh), tác giả mượn hồi ức thời trẻ thơ với người anh để nói về nỗi ân hận của mình khi gặp lại, cả em cả anh đã ở tuổi xế chiều: “Vì sao khi được sống gần nhau ta thường vô tâm, không biết trân trọng những tình cảm yêu thương, những điều quý giá mà cuộc đời đã ưu ái dành cho ta? Chỉ đến khi mọi sự có nguy cơ tuột khỏi tầm tay, ta mới ngộ ra, mới tiếc nuối, mới hết lòng níu kéo?”…
   Với bốn tập thơ, Phạm Minh Tân đã chứng tỏ mình là cây bút “từng trải”, còn với tập truyện Là anh - tác phẩm văn xuôi người lớn đầu tay (không kể tập truyện thiếu nhi Hai chú cào cào) - thì chị vẫn là “lính mới” trong thể loại. Ấy là do cách đặt tít cho từng truyện chưa phải đắc địa nhất, ấy là do trong quá trình bồi đắp cốt truyện, tác giả còn thiếu dụng công. Ví dụ: để giải quyết mâu thuẫn, tác giả rất hay dùng đến cái chết của nhân vật nào đó hoặc sự cố bất ngờ những thiếu logic (như tai nạn đến với vợ ông Đạt, với cô Hoài chẳng hạn). Thiết nghĩ, ở những truyện sau nếu tác giả còn viết, cần có cách dẫn chuyện nhuần nhị, hợp lý hơn để cho sức thuyết phục đến với người đọc được lớn hơn.  ./.

                                                                               Đ.B


 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)