bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 43
Trong tuần: 1326
Lượt truy cập: 644584

SUỐT ĐÊM

SUỐT ĐÊM

    TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THỊ THOA

 

      Đã quá nửa đêm. Chuông đồng hồ trên tường vừa điểm mười hai tiếng, cô Ngọc Diệp vẫn không tài nào ngủ được. Cô nằm im, mắt nhắm mà như vẫn mở, con mắt đó đang trân trân nhìn vào khoảng tối đen mù mịt. Cô chưa thấy dấu hiệu buồn ngủ hay dấu hiệu của sự mệt mỏi. Cô vẫn tỉnh táo, mặc dù mắt vẫn nhắm và nằm im trên giường, nửa kia chồng cô đang ngon giấc ngáy nhè nhẹ. Sợ ảnh hưởng đến chồng cô cố không trở mình.

       Cái trò không ngủ được thì hay nghĩ ngợi linh tinh. Bao nhiêu diễn biến cuộc đời nối nhau tái hiện trong suy nghĩ của cô đêm nay. Cô là hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tân Khai. Dù chức vị chẳng to tát là mấy nhưng cũng là người đứng đầu một tổ chức giáo dục. Cô hiểu vai trò, trách nhiệm của người quản lý. Đêm nay cô không ngủ là vì công việc ngày mai. Ngày mai đoàn thanh kiểm tra Giáo dục của Sở về làm việc với trường. Cuộc thanh tra toàn diện lần này có ý nghĩa rất lớn đối với thầy trò trường cô. Đó là bước ngoặt của quá trình phấn đấu mà tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh đã luôn gắng sức trên bước đường khẳng định trường THCS Tân Khai có đạt chuẩn quốc gia hay không. Nếu đạt thì tập thể nhà trường cùng toàn thể phụ huynh học sinh vô cùng phấn khởi và tự hào. Trường sẽ được chú ý nhiều hơn, là cơ hội tốt cho các thầy cô giáo thăng tiến. Điều quan trọng là cơ sở vật chất của nhà trường sẽ được quan tâm cải thiện đáng kể. Một năm học có chín tháng thì có đến bốn, năm cuộc thanh kiểm tra của phòng, sở ban ngành chuyên môn. Ngoài ra còn kiểm tra tài chính, y tế học đường, UBND xã về khảo sát cơ sở vật chất, các vấn đề công tác Đảng, Đoàn, nữ công… Nhưng cuộc thanh kiểm tra của Sở giáo dục ngày mai vẫn là quan trọng nhất. Nhất về quy mô, nhất cả về nội dung, số lượng… Đoàn của Sở bao giờ cũng đông đủ các thành phần, quân số gấp ba gấp bốn đoàn của huyện. Trước khi đoàn sở về, để giảm bớt thời gian làm việc, đoàn thanh tra của phòng đã về làm việc “dọn đường”. Mọi số liệu cần thiết được phác họa chỉ dẫn cụ thể, các thành viên đoàn Sở chỉ cần kiểm tra đối chiếu với báo cáo của cô là xong.

Chính bản báo cáo mà cô phải trình bầy ngày mai đã làm cô trằn trọc suốt đêm, thao thức suốt đêm. Bởi trong cô hiện đang có hai bản báo cáo. Một bản cô đã viết rất nghiêm túc về những thành công và thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là dậy và học của nhà trường. Lấy kết quả học tập của học sinh làm minh chứng. Một bản đã được sửa theo sự chỉ đạo, góp ý của phòng. Buổi làm việc của phòng Giáo dục – Đào tạo huyện vài tuần trước lại hiện rõ về trong trí nhớ của cô. Hôm đó đoàn chỉ có ông Quang - phó trưởng phòng giáo dục kiêm Trưởng ban thanh tra và Đạt - trợ lý theo dõi thi đua sáu trường cụm phía bắc huyện. Ông Quang là người trao đổi trực tiếp với cô mọi công việc cần làm.

Ông phó trưởng phòng hỏi sau khi đã nghe cô đọc toàn bộ bản báo cáo dài hơn năm trang đánh máy:

- Cô về trường Tân Khai được bao lâu rồi nhỉ?

- Ba năm anh ạ, giờ đang là học kỳ I của năm thứ tư.

- Ba năm! Đủ thời gian để cô hòa nhập với môi trường và cuộc sống của con em vùng quê rồi chứ?

- Đây là quê hương nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên anh ạ.

- Thế mà kết quả học tập của học sinh thật đáng thất vọng. Ba năm mà không có lấy một học sinh giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ khá giỏi cũng rất khiêm tốn.

- Vâng, đó là thực chất của học sinh ở đây, một vùng quê bán sơn địa. 

- Nhưng chúng tôi cùng các đồng chí bên UBND huyện và bên UBND xã rất kỳ vọng ở cô. Một hiệu trưởng có trình độ thạc sĩ duy nhất của huyện. Tôi thiết nghĩ cô sẽ làm thay đổi được toàn bộ cung cách giảng dạy và học tập trong nhà trường. Đưa chất lượng học tập của học sinh vươn cao hơn các trường bạn chứ.

- Vâng! Các anh kỳ vọng cũng là đúng. Song, mong các anh hiểu cho muốn thay đổi nhận thức của con người đâu chỉ là một sớm một chiều. Ba năm, quả là quá ngắn đối với việc nâng cao chất lượng học tập của cả một lớp người.

- Tôi đồng ý. Nhưng từ ngày cô về trường đến nay số học sinh yếu kém, cá biệt, hư hỏng ở trường ta không giảm mà còn tăng lên. Cô nghĩ sao về những con số đã nêu trong báo cáo?

Ngọc Diệp im lặng, khẽ thở dài. Ông Quang nói tiếp:

- Cô cần hiểu rằng, cô đang là hiệu trưởng một trường miền núi khó khăn là vậy. Nhưng khi cô đã bảo vệ thành công luận án thạc sỹ chúng tôi mới kỳ vọng, cân nhắc, quyết định điều cô về đây. Gần nhà, gần chồng con. Cô không thấy đó là sự quan tâm, sự ưu ái lớn của lãnh đạo hay sao?

Ngọc Diệp vẫn ngồi im, cô chưa vội trả lời câu nói hàm ý ban ơn của ông Quang. Cô tự nhủ: Quan tâm ư! Ưu ái ư! Không có… “Bác dẫn đường” thì sự quan tâm của các ông có hiệu quả hay không? Thấy Ngọc Diệp không nói gì ông phó trưởng phòng lại tiếp:

- Cô giở lại báo cáo của nhà trường mấy năm trước khi cô chưa về mà xem. Chất lượng học tập của học sinh đâu đến nỗi. Ngừng một lát… đưa mắt nhìn đồng hồ, ông tiếp:

- Thôi, cô hãy suy nghĩ cho kỹ, cho thấu đáo đi. Chiều chúng ta làm việc tiếp.

Ngọc Diệp gọi hai cô hiệu phó Hoàng Hồng Nhung và cô kế toán Lưu Ngọc Mai đến nói nhỏ:

- Chị có chút việc gia đình phải tranh thủ về nhà một lát, các em tiếp khách giúp chị nhé.

Dặn xong, Ngọc Diệp về phòng làm việc của mình đóng cửa ngồi vào vị trí làm việc hàng ngày. Cô không làm gì mà gục đầu xuống bàn, trán gối lên cánh tay khoanh lại, tóc xõa phủ kín hai bờ vai. Cô đang suy nghĩ rất lung về buổi làm việc sáng nay với cán bộ phòng. Qua cuộc tiếp xúc này, cô hiểu rằng cô không thể báo cáo một cách thẳng thắn, thật thà những sự việc thực tế đang diễn ra của trường cô được. Cô phải tô vẽ làm sao cho báo cáo thành rồng, thành phượng. Mọi số liệu đều phải thay đổi. Nghĩa là tỷ lệ học sinh khá giỏi phải tăng lên, tỷ lệ học sinh hư hỏng yếu kém phải giảm xuống, đa số học sinh phải đạt đạo đức tốt. Ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết giúp nhau trong học tập… mỗi thứ đều phải tăng thêm. Nhất là con em các cán bộ xã không thể là học sinh trung bình, đạo đức khá được mà phải nâng lên thành học sinh tiên tiến, đạo đức tốt. Mấy năm vừa qua cô phải làm thế vì cô không muốn thay đổi đột ngột cách báo cáo đã tồn tại thành cố tật của nhà trường. Lâu nay trường cô luôn đạt danh hiệu này danh hiệu nọ, không thua kém các trường bạn cũng bởi cái bệnh thành tích này. Từ khi về trường trong tay cô luôn có hai bản báo cáo. Một bản để cấp trên xem; Một bản để nói thẳng, nói thật với tập thể CBGVNV nhà trường cùng học sinh và các bậc phụ huynh. Như thế mỗi lần trường có đoàn thanh kiểm tra về sẽ dễ bề ăn nói. Hóa ra nói dối cũng được coi là một môn nghệ thuật. Nhiều người rất thành thạo môn nghệ thuật này nên họ được thăng tiến đến mức chóng mặt, gây nên sự bất ngờ cho bao người khác. Cái khẩu hiệu “Nói không với bệnh thành tích” mà ông Bộ trưởng ngành đề ra hồi nào có lẽ chỉ là khẩu hiệu in trên giấy, trên tường thôi…

Đang mải suy nghĩ thì Mai đẩy cửa bước vào, đứng lặng ngơ ngác khi thấy Ngọc Diệp đang trầm ngâm.

- Chị không về nhà à? Rồi Mai nói:

- Ăn trưa xong có cần chi phong bì luôn không chị?

- Có chứ! Mình có hơn trăm triệu dùng để tiếp khách thì cứ sử dụng cho hết…

Mai ngồi xuống đi văng khẽ thở dài, nói:

- Chị cần gì phải nghĩ ngợi nhiều… Người ta sao mình vậy… Trên bảo thế nào mình cứ làm như thế cho yên cho lành. Trường mình trông lên ngó xuống có kém ai đâu, việc gì phải chịu để các trường khác vượt mặt.

Ngọc Diệp khẽ thở dài, bằng giọng rầu rĩ:

- Khổ một nỗi, chị lại không có năng khiếu nói dối. Chỉ nói sai sự thật một chút thôi là chị cảm thấy khó chịu day dứt, mất ăn mất ngủ. Mấy năm vừa rồi chị giao tất cho Hồng Nhung làm báo cáo. Thì ra mình lại a dua với cái sai chung, cứ nhắm mắt ký tên với tư cách hiệu trưởng. Năm nay chị trực tiếp viết báo cáo mới thấy thật khó...

- Phải tùy cơ ứng biến thôi chị ạ. Có vừa lòng cấp trên thì trường mình mới có cơ hội vượt lên và trường đạt chuẩn… Được thế thì dân cũng mừng, học sinh cũng sẽ có niềm tự hào để cố gắng học tập đạt kết quả sẽ cao hơn.

- Thôi được. Chiều nay chị sẽ cố gắng tiếp thu và đề ra phương án thích hợp…

Buổi làm việc chiều, Ngọc Diệp đã cố gắng lắng nghe sự chỉ đạo của cấp trên và sửa báo cáo cho mọi số liệu mềm hơn. Xem chừng sửa chữa như thế vẫn chưa thực sự hợp ý cấp trên. Ngày mai làm việc với đoàn thanh kiểm tra của sở chắc cô sẽ phải sửa tiếp. Không, ngày mai thì muộn mất, phải sửa ngay bây giờ. Ngọc Diệp rón rén trở dậy đọc đi đọc lại bản báo cáo. Cô chú ý sửa từng câu, từng chữ sao cho ngữ điệu câu văn thanh thoát. Cô còn chú ý sửa đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Cô thầm nghĩ bản báo cáo như thế này chắc sẽ rất vừa lòng cấp trên. Nghe xong họ sẽ tha hồ mà xuýt xoa khen trường tiến bộ vượt bậc, xứng đáng đạt trường chuẩn quốc gia. Rồi tiếng vỗ tay đôm đốp vang lên. Đoàn công tác thanh kiểm tra toàn diện đã làm việc hiệu quả, nghiêm túc, có chất lượng. Sau đó là chén chú chén anh dẫn nhau đi “Bắc Cạn” 100%…

Lác đác tiếng gà… Đêm đã chuyển dần về sáng. Ngọc Diệp vẫn không tài nào ngủ được. Có lúc tưởng mình đã thiếp đi nhưng chỉ chập chờn giây lát cô lại giật mình bừng tỉnh. Ngày mai… Cô cố nhắm mắt, mong ngủ được một chút để đầu óc tỉnh táo mai đọc báo cáo cho lưu loát. Vẫn không ngủ được! Cô nghĩ biết đâu mai lại có cả giám đốc hoặc phó giám đốc Sở về dự thì sao? Mình phải cố gắng thể hiện cho đúng với tư cách một hiệu trưởng có trình độ, có năng lực, có tầm nhìn xa biết nắm bắt thực tế một cách chính xác. Biết đâu mình lại có điểm trong mắt cấp trên. Được cấp trên để mắt thì mình mới có cơ hội dành được danh hiệu cho mình, cho trường và cho các anh chị em giáo viên trường mình chứ. Cô dùng cả cánh tay chặn đôi mắt sao cho mắt chỉ còn nhắm không thể mở được. Cô nhớ không nhầm, từ khi đi học đến giờ có bao nhiêu đêm cô phải trằn trọc không ngủ được như thế này. Nhiều lắm, nhưng cô nhớ nhất, không kể đêm nay là hai đêm. Một đêm cô đi chơi với Thắng, người bạn học thân thiết, người cùng làng cũng là người ngỏ lời yêu đầu tiên với cô. Tối ấy hai đứa sóng đôi đi trên đê sông Mười rồi chọn một bãi cỏ mềm mượt ngồi tâm sự với nhau. Ngọc Diệp ngồi tựa đầu vào vai Thắng, Thắng quàng tay qua vai cô. Im lặng hồi lâu. Thắng nói:

- Ngày mai mình nhập ngũ rồi. Không biết huấn luyện xong sẽ lên biên giới hay ra hải đảo.

Ngọc Diệp khẽ nói:

- Bộ đội thời bình thì biên giới hay hải đảo cũng đều là bình thường. Diệp mong Thắng giữ gìn sức khỏe, giữ vững niềm tin. Nếu ở đơn vị chiến đấu thì cố mà dành lấy tấm huân chương.

Hai đứa bên nhau suốt đêm không ngủ mà Thắng và Diệp vẫn tỉnh như sáo. Ngọc Diệp và Thắng nắm tay nằm dài trên bãi cỏ, ngửa mặt nhìn bầu trời đầy sao, trăng mười sáu sáng vằng vặc, gió mơn man nhè nhẹ thổi lướt qua mặt làm Ngọc Diệp xốn xang tâm hồn. Cái tuổi mới lớn lúc ấy nó thánh thiện và trong trắng làm sao. Hai đứa cứ nằm cầm tay nhau như hai người bạn nói đủ mọi thứ chuyện cho đến sáng. Trời sáng bạch Thắng mới dắt tay Ngọc Diệp về. Lúc chia tay Thắng nói nhỏ vào tai Diệp “Đợi anh em nhé!”. Đó là ngày 01 tháng 5 năm 1982.

Nhập ngũ được ba năm. Thắng tham gia chiến đấu ở Vị Xuyên, Thắng đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại tại ngọn đồi có tên là “Đồi thịt băm”.

Nỗi đau mất bạn, mất người yêu đầu đời khiến Ngọc Diệp choáng váng tưởng chừng không thể ngượng dậy, cô suy sụp trông thấy. Được gia đình, bạn bè, thầy cô ân cần động viên, chia sẻ. Cô đã cố gắng đứng vững, kỳ thi tốt nghiệp Đại học sư phạm cô đạt kết quả tốt. Ra trường Ngọc Diệp được phân công về dạy ở một trường thuộc huyện miền núi cách nhà chừng 200 km. Hàng ngày Ngọc Diệp vẫn lên bục giảng, nhưng trong cô vẫn phảng phất một tâm trạng u buồn, nặng trĩu nhớ thương. Cô nhớ mãi cái đêm trăng ấy. Cái đêm cô và Thắng nắm tay nhau nằm trên bãi cỏ suốt đêm nói đủ thứ chuyện mà không hề vượt qua danh giới tình bạn. Trong những ngày giảng dạy ở đây, cô đã quen Khoa. Khoa là kỹ sư điện người cùng huyện với cô, lên công tác xây dựng trạm điện Mini cho dân bản. Tình yêu của Khoa đã bù lấp nỗi đau cho cô bằng sự thật thà, chất phác của anh. Thuyền tình cập bến, hôn nhân thuận lợi không vấp phải một cản trở nào. Cái đêm tân hôn thực sự là khó quên, khó tả đối với Ngọc Diệp. Cũng giống như đêm nay cô đã thức trắng suốt đêm. Sau khi chia tay bạn bè cô cùng Khoa vào phòng. Trên chiếc giường đôi cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ. Khoa bóc quả quít âu yếm đút từng múi cho cô ăn, xong Khoa ôm ghì lấy cô đặt lên môi cô những nụ hôn cháy bỏng. Lần đầu tiên trong đời cô lên giường cùng một người khác giới. Cô vô cùng ngượng ngập. Cô nói với Khoa: Anh ơi, chắc hôm nay chúng mình chỉ dừng lại ở đây thôi. Khoa càng ghì chặt cô hơn, anh nói trong hơi thở gấp gáp dồn dập “tại sao… tại sao lại như vậy em?” Em đang sốt cà chua, đã hai ngày rồi. Mới lại mấy ngày hôm nay phải lo cho đám cưới, phải tiếp khách, mà vừa rồi em thấy anh uống cũng hơi nhiều chắc anh mệt lắm phải không? Ta nên nghỉ sớm anh nhé. Chuyện chăn gối chúng mình đành để dành vài hôm nữa. Khi nào em sạch hẳn, em rất muốn được anh yêu hết mình… Khoa cứ để bàn tay âu yếm lướt nhẹ trên toàn thân Ngọc Diệp, tay Khoa bỗng dừng ở “nơi ấy”. Một cái bọc cồm cộm nằm đè bên ngoài. Ngọc Diệp vội rút tay Khoa ra, đừng bẩn đấy anh. Khoa nghĩ, yêu nhau mấy năm anh còn chờ được, chấp gì mấy ngày nữa. Anh đồng ý chiều theo vợ, ôm vợ chặt hơn trong vòng tay âu yếm, rồi từ từ vào giấc. Ngọc Diệp lạ nhà cứ chăm chăm nhìn ngắm chồng ngủ. Một mình với đôi mắt thao láo mở trừng trừng. Không ngủ được, đêm nay sao dài thế, mọi ý nghĩ vớ vẩn cứ hiện ra trong óc Ngọc Diệp: Sao mình lại ở đây? Tự dưng sao lại khăn gói đến nhà người khác, lại có thêm thầy mẹ, thêm anh chị em… hay thật… Nghĩ chán cô thấy nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cha… cồn cào, cô bật dậy ngồi khóc… cố nén không cho bật thành tiếng bởi cô biết qua bức tường buồng vợ chồng cô ở, bên ngoài là giường bà nội chồng và mẹ chồng đang ngủ. Trong đêm tĩnh lặng cô nghe rõ tiếng ngáy của từng người. Cô chỉ mong trời mau sáng. Ôi! Cái đêm tân hôn sao mà dài thế… Đêm tân hôn của cô đã trở thành một đêm thuần khiết, không giới tính. Đó là cột mốc dẫn dắt và định hướng cuộc hôn nhân của cô ngày thêm tràn đầy hạnh phúc.

Đã gần hai mươi năm. Hai đêm ấy chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí cô. Và đêm nay nữa, có lẽ sẽ lại là một đêm khó quên.

Trời sắp sáng, tiếng gà gáy đã dầy thêm xen lẫn tiếng chim líu ríu gọi nhau. Ngọc Diệp trở mình bật dậy. Tuy không ngủ được nhưng cô vẫn tỉnh táo. Vệ sinh cá nhân xong, cô vào bếp nấu bữa sáng cho chồng con và mình. Trong lúc nấu ăn cô hình dung ra cuộc đón tiếp đoàn thanh kiểm tra Sở. Cô nói thầm một mình:

- Thưa các đồng chí, tôi xin phép được trình bầy bản báo cáo thành tích của trường Tân Khai học kỳ một năm học…

Cô tưởng tượng ra ai sẽ phát biểu đầu tiên sau khi nghe cô đọc báo cáo. Hẳn là Trưởng ban thi đua, rồi mới đến các vị đại diện Phòng. Cuối cùng đại diện chủ chốt của Sở. Bao giờ cũng thế, đã thành thói quen rồi. Các vị ấy đánh giá thế nào khi nghe những con số đã được sửa đi sửa lại không dưới chục lần như thế này… thật mềm mại, thật tốt, tốt quá...

Lần kiểm tra này, vị Giám đốc Sở mới được bổ nhiệm đích thân đến Tân Khai là trường THCS đầu tiên trong nhiệm kỳ mới toanh của ông. Chắc chắn ông sẽ phải nghiêm lắm. Có nghiêm thì các trường khác mới sợ cái uy của ông. Cho nên vị Phó trưởng phòng đã nhắc khéo cô làm sao cho các vị cấp trên vui lòng là rất có lý. Những số liệu trong báo cáo cô đã sửa theo gợi ý của lãnh đạo rồi. Cô yên tâm và vững tin. Cô chỉ còn do dự chút xíu nếu bị ai đó phát hiện, nhất là các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh họ mà biết về sự tô vẽ của bản báo cáo thì cái mặt cô sẽ không biết lấy gì để che. Danh dự, uy tín của cô sẽ tiêu thành mây khói.

Một hồi trống trường vang lên như mọi ngày. Học sinh, thầy cô bộ môn lớp nào vào lớp ấy. Chỉ vài phút sau, sân trường đã vắng lặng. Tiết trời cuối năm, đang là cuối thu nên hơi lành lạnh. Phải nói là thời tiết rất đẹp, không có mưa, không có nắng chỉ có gió heo may nhè nhẹ đùa rỡn thỉnh thoảng lại bứt một vài chiếc lá vàng thả xuống sân trường.

Trong văn phòng nhà trường Ngọc Diệp cùng mấy thầy cô trong ban giám hiệu đón đoàn thanh kiểm tra Sở. Họ bắt tay nhau, giới thiệu, làm quen, trò chuyện. Đúng tám giờ, ông trưởng đoàn tự giới thiệu tên và nhân danh giám đốc Sở trực tiếp đến thanh tra. Ông lần lượt giới thiệu tên chức danh các vị trong đoàn rồi giõng dạc nói:

- Để nắm bắt được tình hình thực tế hoạt động của nhà trường chúng ta hãy lắng nghe đồng chí Hiệu trưởng thạc sỹ Nguyễn Thị Ngọc Diệp đọc bản báo cáo.

- Kính thưa… Trong không khí thi đua… (bao giờ chả có không khí).

Một hồi dài Ngọc Diệp đọc với giọng trôi chảy, sang sảng, tự tin nêu bật những đặc điểm, khó khăn, thuận lợi của nhà trường trong năm học này. Tình hình học sinh và đội ngũ giáo viên có biến đổi như thế nào. Cô yên tâm vì tất cả lặng yên theo dõi từng chi tiết của báo cáo. Đến mục kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là dạy và học cô bỗng ngắc ngứ như học trò không thuộc bài trong giờ kiểm tra miệng. Những số liệu trên tay cô, hôm trước cô đã sửa rồi sao hôm nay nó lại hiện ra như thế này. Cô vẫn đọc mặc dù cứ ngờ ngợ:

- Tỷ lệ học sinh đạt khá giỏi là 6,6%; Học sinh đạt trung bình: 65%; Yếu kém là: 28,4%. Học sinh nhìn chung còn học lệch: Các môn sử, địa lý, giáo dục công dân rất nhiều điểm kém. Thậm chí có học sinh bị điểm không liên tục khi kiểm tra thường ngày và học kỳ…

Cô bỗng dừng lại, dường như cô đã nhận ra. Thôi chết rồi, đây là bản báo cáo để dành nói trước phụ huynh học sinh nhằm phối hợp giữa nhà trường cùng gia đình tìm biện pháp khắc phục để nâng cao chất lượng dậy và học. Bản báo cáo trước đoàn thanh kiểm tra huyện đã duyệt đâu rồi? Cô không biết nữa. Có lẽ sau một đêm thức trắng tâm thần căng thẳng, đầu óc cũng không được thăng bằng nên cô đã nhầm lẫn. Bây giờ làm gì có thời gian cho cô lục tìm nữa. Nếu xin phép là nhầm thì có khác nào lậy ông tôi ở bụi này, sẽ lòi ra cái mặt chuột ngay. Thôi, đâm lao thì phải theo lao vậy. Thế là cô mạnh dạn đọc:

- Về giáo dục phẩm chất đạo đức: Số em đạt trung bình chiếm 34%, bạo lực học đường xảy ra liên tiếp. Học sinh đánh nhau trong giờ học hay ở ngoài nhà trường chỉ vì lý do không đâu tăng hơn cùng kỳ năm trước 4 vụ. Có thầy cô giáo còn có hành vi xúc phạm học sinh bằng những lời nói và hành động thiếu tính sư phạm… khiến phụ huynh vì bức xúc quá mức đã xông thẳng vào lớp mạt sát thầy cô giáo bất chấp kỷ cương phép tắc.

Cứ thế cô đọc khiến nhiều người trong đoàn ngơ ngác như không hiểu cô đọc cái gì, bởi các vị đến thanh kiểm tra nhiều trường chỉ quen nghe những con số đẹp báo cáo thành tích. Nhất là ông Quang, ông ngồi kia mà như chết đứng. Mọi ý kiến chỉ đạo của ông đã không được cô nghe theo. Ông bực lắm, như có hàng trăm con kiến đang quây đốt vào ông. Ông cởi phanh một cúc áo ra cầm tờ giấy quạt quạt cho đỡ nóng. Ông Giám đốc sở thì ghi ghi chép chép, chốc chốc lại ngẩng lên nhìn cô. Có lẽ cô nhận được sự đồng tình của người nghe nên cô đọc mạch lạc, khúc triết, giọng đọc mỗi lúc một sôi nổi hơn. Có lúc cô xin dừng để giải thích ý nghĩa của số liệu:

- Tôi cho rằng học sinh không thích học môn lịch sử, địa lý hay giáo dục công dân là do diễn biến của xã hội. Những học sinh ở các trường học môn này rất ít có cơ hội xin được việc làm sau khi tốt nghiệp. Nghĩ đến tương lai nên các em đã đầu tư nhiều cho các môn khoa học tự nhiên…

Khoảng chừng 15 phút, cô kết thúc bản báo cáo. Đến lượt các thành viên trong đoàn có ý kiến. Tất cả ngồi im khiến Ngọc Diệp không khỏi hồi hộp, lo lắng. Cô lo cho mình sẽ bị khiển trách là lãnh đạo quản lý kém, lo cho trường sẽ mất điểm thi đua. Cô tự trách mình không chuẩn bị chu đáo để lẫn lộn văn bản nên xảy ra nông nỗi này. Cô im lặng nhìn lướt qua mọi người chờ đợi sự phán xét. Mọi người hướng về vị tân Giám đốc sở. Ông buộc phải đứng dậy phát biểu:

- Nghe qua bản báo cáo của cô hiệu trưởng tôi thấy trường ta ít thành tích quá. Thế này thì trường khó mà đạt điểm thi đua, vấn đề đưa trường vào danh sách đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia lại càng không thể. Song có điều tôi rất mừng là cô hiệu trưởng đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, không bị cái bệnh thành tích làm cho sai lệch số liệu. Tôi nghĩ bản báo cáo của cô là phát súng đầu tiên tấn công vào căn bệnh thành tích, vốn đã trở thành một bệnh mãn tính trong xã hội ta nói chung và ngành giáo dục ta nói riêng. Thay mặt lãnh đạo Sở tôi rất cám ơn cô. Tôi cho rằng, mọi nghề, mọi người để hoàn thành công việc của mình cần có trình độ kiến thức, có đạo đức nghề nghiệp và trên hết cần có lòng dũng cảm. Chỉ có dũng cảm chúng ta mới nhận rõ ta có sai lầm, thiếu sót, từ đó có biện pháp khắc phục triệt để.

Kết thúc buổi làm việc. Đoàn ra về để lại dư âm, đặc biệt lời phát biểu của ông Giám đốc Sở đã ám ảnh tới toàn thể thầy cô giáo trong trường. Người thì cho rằng cô báo cáo như thế là trung thực được cấp trên đánh giá cao. Người lại cho cô là dại, vạch áo cho người xem lưng. Có người còn nói toạc ra rằng:

- Thời buổi này người ta còn mang tiền đi mua thành tích, còn chạy ngược chạy xuôi để có danh hiệu này danh hiệu nọ sao mình lại đi ngược thời đại, ngược xu thế làm gì. Thật là tai hại!

Nhiều người theo trường phái này đều tỏ thái độ trách móc cô, cho là cô không thức thời, cô còn chưa theo kịp thời đại, cô sẽ bị lạc lõng trong dòng chảy hiện nay. Người ta cho rằng, sớm muộn cô sẽ được nghỉ hưu trước tuổi. Cô giải thích với mọi người rằng: Cô đã lỡ rồi. Không kịp sửa sai. Cô đành chấp nhận mọi hậu quả. Cô tự nhủ: Tính mình nó thế, thôi thì thế nào cũng được.

Chẳng phải đợi lâu chỉ một tháng sau Ngọc Diệp nhận được quyết định thuyên chuyển công tác do Giám đốc sở ký. Chưa ai biết cô sẽ phải chuyển đi đâu và làm gì nhưng họ cứ xì xào:

- Đấy mà. Nhân bảo như thần bảo, bị cách chức rồi nhé!

Nhưng họ đâu biết đó là quyết định điều động cô về nhận chức Phó trưởng ban Thanh tra Sở Giáo dục – Đào tạo của tỉnh…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)