bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 387
Trong tuần: 1506
Lượt truy cập: 641809

TẢN VĂN CỦA PHẠM TÂM DUNG


TRỞ VỀ VỚI CÁI “NÔI VĂN HÓA” TRONG  “THƠ HÀ NỘI”

                             Ghi nhanh của Phạm Ngọc Tâm Dung (trong ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn- 2024)

 

  1. Phần một

 

BUỔI ĐẦU SÂN THƠ QUẦN CHÚNG

 

   Như đã hẹn trước cùng mùa Xuân, đúng 8h 30 phút ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn, chúng tôi đã có mặt với sẵn sàng đầy đủ vật phẩm, thiết bị dựng quán thơ...và cái chính là tâm tình phấn khởi, rộn ràng được tham gia lễ hội truyền thống năm 2024 mang một cái tên đầy ý nghĩa : “Ngày thơ Hà Nội”- một nếp đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc trong dịp rằm tháng Giêng.

Hôm nay, không gian Hà Nội đẹp như mơ với gió nồm nam non mơn mởn và mưa xuân lất phất. Văn Miếu Quốc Tử Giám -Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam bừng lên một không khí khác thường với sân khấu lớn, và sân thơ quần chúng được thiết kế sang trọng. Vẳng đâu đây tiếng nhạc rộn ràng bài ca mùa xuân và bổng trầm tiếng đàn bầu cây nhà lá vườn vọng ra, trong vắt và mê ly nơi quán thơ Miền Cổ Tích.

Từ các ngả đường, từng nhóm các nhà thơ, các công chúng yêu thơ, các nam thanh nữ tú, các cháu học trò... như dòng thác chảy về trung tâm văn hóa của cả nước, chẳng khác gì cảnh “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” của lễ hội cổ xưa.

Cùng với tấp nập trẩy hội của hàng nghìn người Việt từ Thủ đô và các tỉnh thành lân cận, còn có rất nhiều người nước ngoài với đủ sắc tộc, màu da.

Thi nhân Miền Cổ Tích là một trong 12 đơn vị, vinh dự được Hội Nhà văn Hà Nội chọn tham gia.

Gian quán số 3 của chúng tôi tọa lạc nơi sân đình, quây quần cùng 11 quán của đơn vị bạn.

Ngắm nhìn “công trình kiến trúc” của quán, lòng ta xúc động xiết bao! Bởi đây chính là hình ảnh thu nhỏ của mái ấm Việt Nam bao đời, nay bỗng hồi sinh lại. Nhờ bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công, đặc biệt là sự sắp xếp, trang hoàng cẩn thận, sang trọng và đậm chất thơ của những Người Thơ Miền Cổ Tích, mà quán thơ của chúng ta vừa mang chút hình hài cổ kính, dân dã nơi mái tranh, vách trúc hiền lành, giản dị, vừa mang vóc dáng thanh cao bay bổng,  của nghệ thuật tạo hình. Bức chính giữa nổi bật ngời ngời bởi tác phẩm hội họa, hội tụ cốt hồn nhân văn của Miền Cổ Tích do bàn tay, khối óc, tấm lòng của Họa sĩ Nhà thơ Lê Tiến Vượng sáng tạo.

Hai bên vách ngăn là trang trọng chân dung và tác phẩm thơ tiêu biểu của các Thi nhân Miền Cổ Tích.

Chủ đề chính của các tác phẩm là ca ngợi phong cảnh đẹp của mùa xuân trên quê hương, đất nước; ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp truyền thống...của người Hà Nội nói riêng và Dân tộc Việt Nam nói chung.

Đặc biệt, tọa lạc đằng trước quán thơ là một chậu đào thế rồng đang xum xuê lộc lá. Hoa của cây đào đặc biệt độc đáo này, không chỉ chào gió xuân, nắng sớm và khách sành thơ, bằng những bông hoa tươi hồng, rực rỡ của tạo hóa, cây đào còn được “nở ra” những “bông hoa thơ” đẹp hơn, sang trọng hơn và bền bỉ hơn; đó là  “Những câu thơ đi cùng năm tháng”. Chúng tôi biết: để có được “rừng hoa” lung linh lộng lẫy này, mỗi chủ nhân của nó phải trả giá bằng cả kho tích lũy vốn sống cũng như tri thức, có khi là của cả cuộc đời chắt chiu và trải nghiệm; Và nữa, nó lại được một nhóm thi nhân, yêu Miền Thơ Cổ Tích, như chính ngôi nhà của mình, mà nữ sĩ Kim Hoa từ Vương quốc Bỉ xa xôi đến Nữ sĩ Vũ Cần, Nguyễn Đình Bắc...mấy đêm trường thức trắng mà chế bản, trau chuốt, gửi tình yêu văn chương, nghệ thuật và con người vào từng nét hoa văn mà... “đẩy” những câu thơ hay chọn lọc lên tầm cao hơn của nghệ thuật trình bày, làm xúc động và nao lòng các tác giả và chiếm được khá nhiều cảm tình sâu sắc của khách thập Phương!

Cây đào thơ dịu dàng, trang nhã và xinh đẹp của chúng ta, trở thành cây cầu nối thân thiện và trí tuệ với không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách.

Bao nhêu sự trầm trồ khen ngợi; Bao nhiêu bức hình là bấy nhiêu niềm vui lan tỏa...

Ngay trước cửa quán: một chiếc bàn giản dị nhưng mang một trọng trách to lớn, đó là những tác phẩm của các tác giả được trưng bày và bán. Nhưng điều hút hồn tao khách thơ hôm nay, chính là những vị chủ nhân của quán thơ.

Không thể nào tả hết vẻ đẹp duyên dáng của những tà áo dài đa sắc màu truyền thống của các nữ Thi nhân; những bộ trang phục lịch lãm của các nam thi sĩ.  Những lời chào, những bàn tay nắm chặt, những ánh mắt, nụ cười thay cho lời muốn trao; Những cặp kính cận, kính viễn bị hút vào những bài thơ; Tiếng xuýt xoa kèm những cái gật đầu khi “vớ” được những câu thơ vừa ý. Tôi đã quan sát, có một người đàn bà đứng lặng thật lâu trước bài thơ treo trên pano, ánh mắt chị thăm thẳm và vương đôi giọt nước. Chắc là chị đang xúc động vô vàn!

Và tôi gặp một cụ già râu tóc bạc, đang luận bàn về câu thơ hay với một nhà thơ trung niên và một em gái sinh viên Văn khoa. Sự giao thoa giữa hai, ba thế hệ như thể ba nhánh sông lớn nhỏ khác nhau, cùng gặp gỡ nơi ngã ba của dòng chảy văn chương trong ngày đại lễ. Thật đáng trọng, cảm động và thú vị biết bao!

Khách thơ thong thả tản bộ ghé vào đôi quán thơ, nghe tiếng chào mời của “cô hàng bán sách” cũng chính là một trong những tác giả của quầy sách “cây nhà lá vườn”. Chị bác sĩ xin mua vài cuốn. Và tôi đọc thấy trong mắt họ ánh lên nụ cười đẹp long lanh...

Trên quầy sách trưng bày lịch sự và tao nhã của Miền Cổ Tích, người ta đều thấy sự hiện diện của những bộ sách in đẹp, dày cộp có giá trị lớn, mang tầm quốc gia, của các vị PGS.TS. Nhà văn gạo cội, các nhà văn, nhà thơ đàn anh tên tuổi, ba tập “Thi nhân Miền Cổ Tích” là tình yêu, niềm tự hào của năm trăm thi nhân, được đặt trang trọng bề thế trên giá, còn có phần đông các tác phẩm văn xuôi, tác phẩm thơ mong mỏng, xinh xắn, nhẹ nhõm, khiêm nhường của các miền viên, đang trên đà phấn đấu, giống như những chiếc lá còn xanh, những bông hoa còn ấp nụ đợi mùa của các “Người thơ trẻ” mà tuổi đời không mấy... trẻ!

“Thị trường” sách ở đây chẳng giống bất cứ nơi nào. Sách quý được bán tùy hứng khách. Có người trả đúng giá bìa, có người thừa tiền không cần thối, có người móc túi, có bao nhiêu đưa hết bấy nhiêu, thiếu đủ không thành vấn đề. Và đôi khi chị hàng sách thay mặt tác giả kính tặng mà chỉ xin lấy một nụ cười.

Tôi cùng mấy người bạn văn đi dạo một vòng quanh “phố văn”. Tuy trang trí mỗi quán mỗi khác, nhưng bên cạnh sự trăm hồng nghìn tía kia vẫn là vẻ tuyệt đẹp của những người làm thơ và đông đảo công chúng yêu thơ trong ngày lễ hội.

 

du

  1. Phần hai:

NIỀM VUI, NIỀM HẠNH PHÚC ĐONG ĐẦY

 

         Có thể nói: hàng chục năm nay, chưa bao giờ người yêu “Ngày Thơ Việt Nam” - năm nay là “Ngày Thơ Hà Nội” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, lại phải vất vả “trả công đắt đỏ” cho cuộc vui sum vầy với Nàng Thơ trong Tết Nguyên Tiêu rằm tháng Giêng như năm nay.

Hôm trước - 13 tháng Giêng năm GiápThìn, lễ hội khởi sắc với biết bao tưng bừng, bởi tiết Xuân mong manh, non tơ, dịu dàng, hơi đỏng đảnh mà duyên dáng. Ban sáng, đôi giọt mưa bay bay, đủ làm cho cây lá ươn ướt, mọng mọng như môi người đàn bà xuân sắc; Đủ làm mềm mái tóc bềnh bồng, tà áo dài của những “Nàng Thơ” Thủ đô nô nức hội mùa; Đủ gợi lên trong lòng ta sự xốn xang, tươi mới với niềm vui được góp phần cùng Hội Nhà văn Hà Nội, lần đầu nhập cuộc lễ hội thơ Xuân tại cái nôi văn hóa Thủ đô ta, và cũng vừa đủ để ta bồi hồi nhớ thương những khung cảnh, cốt hồn cũ xưa - nơi các bậc tiền nhân xây đắp, vun trồng; Nơi những bóng dáng thi nhân ta quen thân, trân quý đã từng lưu dấu trên Miền Thơ thiêng liêng này...

Ban trưa và chiều, sức ấm áp của đôi sợi nắng non, cũng đủ điểm chút hồng hồng cho những “khuôn trăng” của người đi hội. Bầu không gian tưng bừng như được thăng hoa...

Đêm mùa Xuân, niềm vui lan vào trong mơ. Ta chỉ muốn trời mau sáng mà về với hội...

Sáng 14 tháng Giêng, tôi trở dậy thật sớm, bởi tiếng chuông điện thoại hẹn hò reo vang của mấy Nàng Thơ Miền Cổ Tích. Ngoài tíu tít bàn công việc chung cho quán thơ “của nhà”, chúng tôi còn bàn nhau cùng mặc áo dài màu nào, để tóc kiểu gì cho “nền”, rồi điểm trang ra sao cho “xuynh” mà không chói lóa... trong ngày chính hội.

Tôi mở tung cửa sổ, đón làn gió non và đôi hạt mưa Xuân ngọt ngào, hiền dịu... “phơi phới bay” mà bụng thầm nghĩ : nhất định thời tiết hôm chính hội, đẹp giống hôm qua.

Con đường đến hội sáng nay nao nức nhường bao!

Cũng như tôi, “bà con nhà mình” ai cũng hồ hởi tay xách nách mang trở về “quán nhà”. Dù trời mưa dày hạt hơn nhưng ai cũng tay nào việc nấy. Nhà thơ Nguyễn Quang Hoàn che ô cho tôi và Đỗ Bạch Mai treo “bướm” thơ. Ừ thì tóc có và áo dài có hơi nhàu nếp một chút, nhưng mà niềm vui đã hút chặt lấy chúng tôi. Thành ra: “ướt thì mặc ướt việc làng em lo”!

Rồi giờ vàng của lễ hội đã điểm với tiếng nhạc, tiếng người dẫn chương trình vang từ sân Thái Miếu vọng sang. Sự háo hức hiện lên trong từng ánh mắt. Khỏi phải miêu tả, bạn đọc cũng tưởng tượng ra sự hoành tráng mà ban tổ chức Hội nhà văn Hà Nội, đã kỳ công thiết kế cho sân khấu chính, ghế ngồi đại biểu và khách thơ sang trọng và chu đáo như thế nào.

Nhưng, mưa cứ dần nặng hạt, gió dường như cũng vào hùa với mưa mà...lũng loạn “thị trường” thơ! Trống cứ dạo, nhạc cứ nổi, ai phát biểu cứ phát biểu, ai trình diễn cứ trình diễn, ai lắng nghe, nhiệt liệt vỗ tay cứ vỗ tay và mưa...cứ mưa!

Khách thơ càng lúc càng đông. Đông đến mức, đôi chỗ người ta phải chung nhau hai người một ghế và còn lại thì tự che ô mà đứng ven lề. Sàn hội trường nước ngập lênh láng, ì ọp và giá lạnh như thả chân vào chậu...nước đá. Gió mưa và rét! Cái bạt che mưa khổng lồ đôi khi bị cơn gió đỏng đảnh hất tung, làm cho các “túi nước” văng ra, ồ ồ tuôn xuống sân. “Phải ai, tai người nấy”!

Tuy nhiên, sự thử thách tai quái của ông giời cũng không làm giảm đi lòng nhiệt huyết của tiếng thơ, tiếng hát, điệu múa và hàng trăm tấm lòng người hâm mộ đang say sưa thưởng thức như nuốt từng lời.

Hai Thi nhân xuất sắc của Miền Cổ Tích: Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc và Nhà thơ Lê Hà trình diễn hai tiết mục đặc sắc, trong lấp lánh hào quang sân khấu và trong sự chú ý lắng nghe, trầm trồ của độc giả!

Vì “một chốn hai nơi”, nên chúng tôi phải năng động như con thoi, khi ở hội trường lớn, lúc lại về với quán thơ nhà.

Bên sân Thái Học, người đi hội cả ta và “tây” vẫn đông đúc đội mưa rét, hồ hởi mà đi.

Quán Miền Cổ Tích khá đông khách. Phần lớn là khách quen: bạn thơ có, các đàn anh văn chương, các nhà khoa học có. Quán không rộng. Kẻ đứng người ngồi mà những câu chuyện đời, chuyện thơ, bên tách trà pha vội, cứ nổ như pháo rang, trong ánh mắt cười, yêu thân...

Mưa mặc mưa. Gió mặc gió. Áo ướt mặc áo ướt. Rét run kệ rét run. Những người thơ và khách vẫn dan tay nhau ra bên ngoài trời, bên “cây đào mắn thơ” làm tấm ảnh kỷ niệm. Ai có ô thì che ô, ai không ô thì cứ việc để...đầu trần mà...cười tươi!

Yêu đời lắm và trẻ trung lắm lắm!

Thế mới biết, người Hà Nội yêu thơ và yêu bạn nhường bao!

Sau những vụ cười tươi như hoa, và “lên hình” xinh đẹp kiêu sa...như mộng, cánh “nữ thi nhân” Miền Cổ Tích lại...co dúm lại với nhau. Chúng tôi nhường nhau ghế, nhường chiếc áo ấm cho người yếu sức hơn. Không trụ nổi nữa rồi, tôi phải gọi điện về nhà cho con tiếp tế áo ấm.

Đến phần cuối của chương trình, chúng tôi cố gắng gồng lên để chiến thắng hoàn cảnh và chiến thắng chính mình.

Lúc chúng tôi đàng hoàng và “duyên dáng”, “phong độ” bước lên lễ đài để nhận giải quán quân của Miền Cổ Tích, thì cái rét, cái mệt tan biến theo gió, theo mưa, bay về phương khác, trong chúng tôi dâng dâng niềm vui, niềm tự hào và hạnh phúc đong đầy!


Hà Nội ngay 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn

vnp_hoi_hoa_xuan_ecopark_2019_1

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)