bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 323
Trong tuần: 1453
Lượt truy cập: 643338

TẢN VĂN CỦA TÂM DUNG

TIẾNG THOI CANH CỬI TẰM TANG
(Tản văn của Phạm NgọcTâm Dung.
Xin cảm hứng sáng tác sau khi đọc bài thơ "Người đàn bà bên khung cửi" của Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc)

                   tm_dung
Giữa đường đời bề bộn toan lo, những lúc thấy chân mình mệt mỏi, tôi chỉ muốn được lạc về miền ký ức tuổi thơ yên bình và hiền dịu. Đang khi rất tâm trạng thì bỗng một chiều xuân, tôi bắt gặp bài thơ "Người đàn bà bên khung cửi" của Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc.
Thơ anh đã dắt tôi nhẹ nhàng trở về với giấc mộng tuổi thơ cổ tích trong veo và dịu ngọt . Tai tôi đang nghe thấy tiếng thoi canh cửi thân thương trong không gian lãng mạn làng quê ngày nào.
Nhớ khi xưa, con đường về nhà ta chỉ là con ngõ đất quanh co, chạy men theo cánh đồng, dọc bờ Sông Sứ, ôm trọn lấy Xóm Trại, với mươi nóc nhà tranh bé nhỏ, cây rơm khô, mảnh vườn xuân giản dị khiêm nhường. Mỗi độ nông nhàn, cánh bãi dâu lại thấp thoáng những người thu hái trên ngút ngàn xanh mượt. Tiếng thoi lách cách gõ nhịp, cầm canh thâu, tạo ra những thước vải làm mê hoặc người làng gần phố xa. Không kể những người đẹp đài các chốn thị thành, mà ngay những cô gái lam lũ chân lấm tay bùn, ngày hội xuân, ngày vinh quy, với "áo đồng lầm quần lĩnh tía" thì độ xinh đẹp, sang trọng "nào đã thua ai, đã kém ai"! Ngay cả khi chỉ giản đơn với "cái yếm lụa sồi, cái dây lưng đũi" cũng đủ làm ai đó chết mệt, chết mê!
Làm nên kỳ tích đó, chỉ là chiếc khung cửi bằng gỗ lim được truyền lại từ thời các cụ. Nó đen bóng bởi bàn tay lam lũ, cần cù; bởi nước thời gian đêm ngày dầu dãi và bởi tình yêu gia đình, làng xóm... tấu lên trong những tiếng thoi khoan nhặt, hiền lành! Nhìn khung dệt, thiết kế đơn sơ, theo kiểu cổ xưa với những con cò, chân dậm, tay thoi, những sợi tơ mỏng như sợi nắng, đều tăm tắp, dập dờn... với con thoi vút bay trong búp tay ngà có ngón út cong cong nhẹ nhàng, điệu đà như thể ta người đang múa. Chỉ có người thợ dệt mới thấm cái mỏi rã rời của những thớ thịt da, cùng những vết chai sượng nơi "ngón tay ngà" cộng với nỗi niềm toan lo bao năm tháng...
Nếu ai đã từng có tiếp xúc ít nhiều với nghề canh cửi, khi nhìn hoa văn, sắc màu của tấm lụa, sẽ đoán biết được sự tinh tế của người con gái thợ dệt; đoán biết được thế giới nội tâm của nàng; ấy là khi khúc dệt này nàng đang nghĩ tới ai; đang ước mơ, gửi gắm điều gì trong ấy!
Ngày ấy, tôi từng mê mẩn nghe tiếng thoi chị gái tôi dệt lụa tơ tằm. Ban ngày đi học hay đi chơi, tôi không mấy để ý; chỉ vào ban đêm, tiếng thoi để lại ấn tượng thật đậm và thật nhiều cung bậc trong tôi.Tiếng thoi lách cách khuyến khích những con đom đóm thắp đèn đi tìm bạn tình, đánh thức cho đám mây suốt ngày bận rộn, bất chợt ngủ quên, phủ đè lên mặt trăng, vội vàng cựa quậy và từ biệt "nàng thơ" rồi đem hơi nước làm mưa tưới mát cho thế gian. Tiếng thoi ru chàng gà trống ngủ gà, ngủ gật, để sang canh còn làm nhiệm vụ báo giờ cho đất giời bừng tỉnh. Tiếng thoi cũng đánh thức những mầm cây đang cựa quậy trong vườn để thành lá xanh, cành biếc; đánh thức những nong tằm đang ngủ để rào rào ăn rỗi, rồi chín mọng au au, dâng kén ngọc cho đời; đánh thức những lứa đôi ríu rít bàn chuyện đời, chuyện tình duyên, những bà mẹ thức khuya dậy sớm xay giã, dần, sàng, băm bèo, nấu cám...
Tôi đặc biệt nghe cái cách chị tôi đưa thoi mà đoán biết tường tận được sự dịch chuyển của thời gian trong đêm trường thanh vắng.
Này nhé: chập tối, cơm nước xong, tiếng thoi nghe cầm chừng, vì chị vừa dệt, vừa chuyện trò hầu bà nội đang ngồi đánh suốt kế bên. Tầm canh hai, tiếng thoi khi nhanh giòn giã, lúc chậm khoan nhặt - ấy là lúc cậu tú Bình bên Xóm Đông, lộc cộc dắt xe đạp qua ngõ (cậu học đâu tận trên tỉnh, tối muộn mới về qua). Lý ra, cậuTú đi lối khác gần hơn, nhưng tầm nửa năm nay, không hiểu sao, lại cứ...đi vòng. Mà thật lạ! bao giờ về qua ngõ nhà tôi, chiếc xe tinh quái của cậu cũng..."tuột xích".
Phải dừng lại để sửa! Thật lâu!
Rồi có đôi lần, tôi bắt gặp cậu ngập ngừng vào nhà, xin vài gáo dừa nước mưa ở chum...rửa mặt! Có lẽ bị...dính...dầu xe chăng?
Tôi còn...ngạc nhiên khi nghe cậu "học trò trường tỉnh" nổi tiếng hay chữ ấy, nói khó với chị tôi, xin mấy...sợi tơ tằm để xe chỉ... đóng vở! Khi đó, chị tôi mủm mỉm, cúi mặt như cố tình che đôi má thắm, rực rỡ như mặt trời. Và lúc ấy, tiếng thoi chị tôi gieo lại...run rẩy, dồn dập như thể người ta...thở dốc!
Thế mà mới thoáng cái, đã mấy chục năm! Anh rể và chị gái của tôi đã trở thành...hai cụ!
Trong ký ức nơi tôi, còn lưu giữ rất nhiều những kỷ niệm đẹp về nét duyên mặn mà, thiêng liêng của những người đàn bà bên khung cửi, mà dân tộc và lịch sử phải ngàn lần tôn vinh.
Đó là một chiều thu, tôi lặng đi trong niềm xúc động, lúc đứng trước chiếc khung cửi cũ, lưu dấu một thời tảo tần của Mẫu thân Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong ngôi nhà lưu niệm nơi Làng Sen của Người!
Lại những lần khác, tôi bần thần ngắm chiếc khung cửi cổ xưa, nằm trang nghiêm trong những Bảo tàng Dân tộc học...mà hoài niệm, tự hào về truyền thống cha ông...
Đã đôi lần đi du lịch, ghé vào nhà sàn Bản Lác miền Tây bắc, làng lụa Vạn Phúc Hà Đông, làng lụa Mãn Châu Quảng Nam... tay tôi, khi rờ rẫm vào từng thành gỗ cũ kỹ, lúc mân mê cái "go" vải bạc thếch màu thời gian; và lại lúc, thử đạp lên đôi "con cú" ngật ngưỡng... mà chạnh niềm nhớ mẹ, nhớ chị vô vàn!
Rồi khi trước mắt bè bạn, tôi cũng... ra điều..."ta đây con nhà canh cửi", cố gắng ngồi trên khung, tạo dáng, nhằm nhái bác thợ dệt, để "làm" tấm hình khoe chơi!
Song, thật tiếc! Chẳng dễ gì mà... đặng thành duyên!
Con người ta sinh ra, từ "ăn no, mặc ấm", rồi đến "ăn ngon, mặc đẹp" là khát vọng vươn tới của muôn đời. Do vậy, trong thi ca, bên cạnh vẻ những đẹp bình dị của người nông dân, chẳng hạn như cảnh: "Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa"...còn mang thật nhiều vẻ đẹp tảo tần, thanh nhã của những người làm nghề tằm tang canh cửi:
"Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ"
( ca dao)
Và đây là ước mơ thật giản đơn mà sâu sắc của người con gái nết na:
- " Tằm em ăn rỗi hôm nay
Hái dâu em bận suốt ngày hôm qua
Mong sao tằm tốt tơ già
May đôi áo mới làm quà cho anh"...
( Thơ Nguyễn Bính)
Thời nay, ta về quê, không còn nhìn thấy dâu xanh trên cánh bãi; không còn nghe tiếng lách cách thoi đưa; và cũng chẳng có chàng nào mong được tặng áo lụa từ người mình yêu dấu, nhưng nào có ai cấm ta thèm kỷ niệm tuổi thơ! Ai cấm ta thèm cảm giác được bước đi bằng đôi chân trần trên đất! Được nghe miên man bao ký ức dội về!
Ai cấm ta đọc đến thuộc làu những bài thơ đong đầy nỗi nhớ, niềm yêu, như từ "Người đàn bà bên khung cửi" của Thi sĩ Nguyễn Đình Bắc mà chúng ta từng rưng rưng xúc cảm!
Và cũng thời nay, ngành dệt may thế giới có những cỗ máy siêu hiện đại, một giờ đồng hồ có thể sản xuất ra hàng trăm mét vải, nhưng những tấm lụa dệt tay của người phụ nữ Việt Nam không chỉ đẹp nền nã, tinh xảo, độc đáo, hút khách sành "chơi", mà còn ung dung đi vào huyền thoại, trong dịu dàng, ngan ngát những mầm thơ!
Mùng 3 tết Giáp Thìn 2024
TD
Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)