bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 12
Trong tuần: 698
Lượt truy cập: 669642

THẰNG BÉ

Đan Thành
 
THẰNG BÉ CÓ CẶP MẮT ĐEN TRÒN
 
   Tôi không có ý ghen tỵ với nó nhưng mà những đứa trẻ con nhà khá giả thường  nhõng nhẽo và điệu bộ một cách đáng ghét. Nó ấy! Cái thằng bé có cặp mắt đen tròn, trông cũng khá thông minh, có lẽ bằng tuổi với tôi hoặc kém một chút, vẫn được người giúp việc đưa đi học qua cửa nhà tôi. Buồn cười thật, tôi chỉ là một đứa trẻ lang thang, kiếm sống bằng nghề đánh giày, làm gì có nhà, hay nói cho đúng: Nhà của tôi là căn lều tranh ở mãi một tỉnh rất xa. Cái chỗ tôi gọi là nhà bây giờ thực ra chỉ là góc khuất hẻm tường bên hông một ngôi nhà không lớn lắm. Tối tối tôi về đây trải tấm vải mưa cũ trên đám lá khô làm ổ để ngủ. Cũng may, phía trên hẻm tường ấy có mái hiên nhô ra nên nhỡ có mưa nước cũng không hắt vào chỗ tôi nằm. Nhích ra khỏi mái hiên, phía trên có một ô cửa sổ màu xanh ở mãi tận gác ba chiếu sát xuống chỗ “giường” của tôi. Nhiều lúc nghĩ mẩn: Giá cái cánh cửa sổ rơi xuống chắc thiến của tôi mất cặp giò nhưng việc đó đến bây giờ chưa xảy ra. Ngôi nhà có ô cửa sổ ấy là một biệt thự nhỏ nhưng đẹp, trông ra con phố hẹp, trước cửa là khoảng sân cũng nhỏ đặt mấy chậu cảnh, cổng và hàng rào đều bằng sắt uốn hoa văn sơn xanh khớp với toà biệt thự một cách khá thuận mắt. Ngày nào thằng bé có cặp mắt đen tròn cũng được người giúp việc gia đình đưa qua cổng đến trường ở phố bên cạnh.
   Tôi thường dậy muộn, chẳng có ai lại đi đánh giày sớm bao giờ, vì thế sáng nào cũng nhìn thấy thằng bé có cặp mắt đen tròn đến trường. Người nó gầy, da hơi xanh, tay phải luôn bám vào người giúp việc một cách rụt rè, chẳng có một tí tự tin nào. Thỉnh thoảng nó đưa mắt nhìn trộm tôi. Hình như thằng này tưởng tôi không phải là người và sắp xông ra cắn nó đến nơi, trông cung cách ấy cũng đủ bực mình. Không biết ở trường nó học được những gì, hay người ta chỉ dạy nó mỗi cái tính nhút nhát. Chẳng bù với bọn chúng tôi, đi khắp mọi nơi, tự kiếm lấy mà sống, còn phải lo dành ra chút ít gửi về cho mẹ nuôi em. Đứa nào “chơi” lắm mới dám “xì” ra hai nghìn mỗi tối để được ngủ ở nhà trọ của xóm lao động, còn thì tự tìm lấy chỗ mà chúi. May mắn có được một cái cơ ngơi giời cho như của tôi bây giờ thì thật là chúa đã rủ lòng thương.
   Hàng ngày tôi xách hộp đồ tha thẩn vào các quán cà phê hoặc chỗ đông người trên mấy con phố quanh đây, mời khách đánh giày. Từ con phố ngang kia ra đến ga là địa phận của thằng Tuấn Trọc cai quản, không bao giờ tôi dám bén mảng đến mấy phố ấy. Phía này và cả phía này nữa mỗi nơi đều có chủ của nó canh giữ, làm ăn. Giới lang thang chúng tôi đã có minh ước bằng lời: Không xâm phạm biên giới của nhau. Tuy không cần văn bản giấy tờ và con dấu nào cả nhưng minh ước luôn được thực hiện nghiêm chỉnh, bởi vì chúng tôi biết coi trọng cái ngoắc tay cam kết. Tuy nhiên nghề đánh giày không phải là nghề hái ra tiền, phải tinh ý lắm mới được, phải trông mặt khách mà mời, lại cần phân biệt được một cách chính xác đồ da thật hay hàng giả da và biết cách mềm mỏng đòi tiền những gã công tử bột ném bạc không cần đếm nhưng lại thích ăn quỵt của trẻ con. Nói chung là phải cố gắng, vất vả lắm mới kiếm được miếng mà ăn và không bị kẻ khác bắt nạt. Còn từ con phố lớn kia vào đến khu trung tâm, tất cả bọn trẻ lang thang không đứa nào được làm ăn ở đấy, thằng nào đầu bò đầu bướu lần tới hẳn là vào đồn cảnh sát ngồi chơi xơi nước  mười lăm ngày là cái chắc.
   Gom được ba trăm nghìn, sáng ra tôi tìm đến chỗ người làng đi buôn hàng chuyến, gửi cả về cho mẹ rồi đi làm. Gần trưa trời nổi gió, mưa suốt buổi chiều,  cả đêm nữa. Trời sáng, tôi ngồi thu lu trong “nhà” nhìn ra ngoài, mong sao cho mưa chóng tạnh. Cái ổ của tôi ẩm rình, bốc lên mùi hôi của nấm. Người giúp việc của ngôi biệt thự che ô, dắt thằng bé có cặp mắt đen tròn ra khỏi cổng. Trước khi sang bên kia đường, người ấy còn ném vào cạnh đống rác một bọc toàn là táo và lê, trông rất ngon. Sao họ lại phí của đến vậy? Tôi định chạy ra nhặt làm thức ăn tạm trong lúc trời mưa nhưng thằng bé có cặp mắt đen tròn đã quay lại đá hất tất cả chỗ hoa quả đắt tiền ấy xuống vũng nước bẩn. Có lẽ nó đoán được ý của tôi và không muốn cho tôi lấy những thứ vứt đi của nhà nó. Thật là một thằng nhóc độc ác! Tôi thất vọng, rủa thầm một câu, căm tức nhìn theo cái bóng của nó và người giúp việc nhoà dần trong màn mưa.an_thnh
   Nhịn liền ba bữa, bụng tôi cồn lên vì sự cọ sát của hai má dạ dày, lại không có tiền. Trời mưa mãi, chẳng khách nào đánh xi đôi giày da ướt bao giờ. Cách tốt nhất để cho thời gian trôi đi nhanh là ngủ, tôi ngủ một giấc đến chiều mới tỉnh, định trở dậy ra ngoài kiếm xem có được cái gì cho vào bụng vì trời đã ngớt mưa nhưng đầu óc choáng váng quay cuồng, không sao đứng lên nổi, muốn nôn vì đói nhưng trong bụng chẳng có gì mà nôn. Tôi đang hoang mang không biết làm cách nào thoát ra khỏi tình trạng đói lả như vậy. Bỗng “sẹt”. Có cái gì rơi ngay cạnh chân, tôi nhỏm lên nhìn, thì ra một gói giấy báo. Ai lại vứt rác vào đây- tôi nghĩ như vậy. Một tia hy vọng vu vơ về món đồ ăn - Những người bị đói thường là thế - đã khiến tôi phải mở cái gói báo ấy. Trời ơi! Tôi không tin ở mắt mình nữa, thật là trời cứu. Trong gói giấy báo có năm chiếc bánh bích quy và hơn nửa cái bánh mỳ. Chẳng cần suy nghĩ lâu la gì cả, tôi vội vã tống ngay những thứ của quý kia vào cái bao tử lép kẹp đang sắp bốc cháy của mình. Công việc ấy xong xuôi một cách gọn ghẽ và chóng vánh. Người tỉnh dần, bấy giờ tôi mới có thời gian nghĩ xem món quà tự nhiên kia từ đâu gửi tới, có thể từ ô cửa sổ màu xanh rơi xuống chăng? Tôi ngó đầu ra ngoài, ngước nhìn lên nhưng hai cánh của ô cửa sổ vẫn đóng im ỉm, không có gì chứng tỏ là nó đã từng được mở ra. Hay là chị hàng xóm bán nước chè ở bên kia tường đoán biết được nỗi nguy khốn của tôi nên  bố thí cho chăng? Cũng không phải, vì mấy ngày mưa chị ấy có ra quán đâu mà biết tôi đói lả ở đây. Bác thợ cắt tóc? Hay bà cụ bán cháo trai?… Cuối cùng tôi vẫn không sao tìm ra được câu trả lời ai là người  tặng mình món đồ ăn quý giá ấy. Thôi thì mặc, miễn là tôi vẫn còn sống được đến sáng hôm sau.
   Sáng hôm sau, sáng hôm sau nữa cũng vậy. Sáng nào cũng có gói giấy báo sạch sẽ đựng một ít đồ ăn đặt sẵn vào chỗ tôi từ khi tôi chưa kịp tỉnh ngủ. Như thế chẳng phải là thú vị lắm sao? Ngay phố cạnh đây là vùng làm ăn của thằng Tín Gầy. Thằng này vừa bé vừa yếu, tháng nào cũng gửi hết tiền về nhà cho em nó đi học, chẳng bao giờ nó dám ăn quà sáng. Chắc nó không thể có cái số hên được người ta cho không bữa ăn sáng như tôi thế này, kệ nó, số thế thì phải chịu, biết làm sao. Dần dần tôi cũng quen và tự cho mình cái quyền được hưởng của trời ban tự nhiên nên không để ý làm gì nữa. Chỉ bực một nỗi cái thằng bé có cặp mắt đen tròn ấy, mỗi sáng đến trường nó lại nhìn vào chỗ tôi. Đôi mắt nó chẳng ra ngây thơ cũng chẳng ra soi mói, đầy ắp sự e dè như sợ ai bắt được quả tang làm điều xấu. Có khi tôi đang mở gói báo lấy đồ ăn nó cũng nhìn, thật khó chịu. Nếu nó không đi cùng người giúp việc, hẳn là tôi đã chạy ra cho vài cái đá vào mông.
   Bẵng đi mấy hôm, tôi không thấy thằng bé có cặp mắt đen tròn đi học, làm sao thế nhỉ, đã đến kỳ nghỉ hè đâu? Nhưng mà kệ nó, ai dỗi hơi để ý đến một thằng công tử yếu dề và độc ác như thế, tôi còn bận khối việc, ngay cả việc tìm ra vị ân nhân sáng nào cũng cho quà để cảm ơn người ta cũng chưa làm được. Thế nhưng mà sáng nay có một chiếc ô tô đẹp lắm đậu ngay trước cổng sắt. Tôi thấy thằng bé có cặp mắt đen tròn được bố nó bế vào ngồi trong chiếc xe ấy, mẹ nó kéo một chiếc va ly khá to kiểu du lịch đưa cho người lái xe bỏ vào trong khoang chứa đồ ở phía sau ô tô rồi cũng vào xe ngồi. Chiếc xe lăn bánh, lướt nhẹ ra con đường lớn, chỉ có người giúp việc bế con chó phốc bé tí đứng trên hè phố nhìn theo. Có lẽ cả nhà họ đi nghỉ mát ở đâu đó.
   Phải đến vài tuần, tôi không bị cặp mắt đen tròn của thằng bé nhòm ngó mỗi buổi sáng và bình tĩnh ăn hết phần quà gói trong tờ báo một cách thích thú. Đến một hôm, sớm lắm, hãy còn đèn đường, trời vào thu hơi se lạnh về buổi sáng, tôi đã thức nhưng vẫn nằm lười. Có cái gì mềm mềm chạm vào chân, tôi mở mắt. Ôi! Người giúp việc nhà thằng bé có cặp mắt đen tròn. Người ấy đặt cạnh chân tôi một bọc vải to khá đẹp và một ít quà gói trong giấy báo như mọi ngày. Hoá ra đây là ân nhân của tôi. Tôi muốn oà khóc. Tôi muốn nói lời cảm ơn nhưng miệng cứ cứng ra, rưng rưng không sao thốt được thành lời. Người giúp việc nhà thằng bé như đọc được niềm cảm súc trong lòng tôi, bảo:
   - Bé con ạ! Mày không cần phải cảm ơn tao. Những việc tao làm cho mày là đều theo ý cậu chủ nhà cả đấy.
   Tôi hoang mang hỏi:
   - Cậu chủ nhà là ai?
   - Cái cậu bé tao vẫn dắt đi học qua đây này.
   - Thật á? Thế sao hôm trước nó đá hất túi hoa quả xuống rãnh nước bẩn, không cho tôi nhặt?
   - Hoa quả ấy là hàng của Tàu, hỏng rồi, không ăn được nữa. Cậu ấy sợ mày ngộ độc thuốc bảo quản nên mới làm như  vậy.
   Tôi càng hoang mang hơn, hỏi:
   - Thế nó đâu rồi?
    Người ấy ngậm ngùi, nói như mếu:
   - Ca mổ đã thất bại! Cậu ấy không bao giờ về nữa. Bố cậu ấy bị nhiễm chất độc màu da cam ở chiến trường nên cậu ấy bị dị tật ở tim từ lúc mới đẻ.
   Toàn thân tôi nổi gai ốc, không thể tin được tai mình nữa, chỉ còn biết ngồi chết lặng. Người kia cũng lặng đi một lúc rồi mới nói tiếp:
   - Trước khi lên bàn mổ, cậu ấy gọi điện từ miền Nam ra dặn tao đem những thứ áo quần và cái chăn nhỏ này cho mày vì trời sắp lạnh rồi. Cả cái việc cứ để yên cho mày ở trong góc hẻm này cũng là ý cậu ấy ngay từ  hôm đầu đấy. Cậu ấy bảo ở trường cô giáo dạy: “Phải biết thương yêu những người cơ nhỡ”.
   Người giúp việc nhà cậu bé nói xong, đứng lặng một lát rồi quay bỏ đi. Rõ ràng tôi không khóc vì không muốn tin vào cái sự thật đau buồn kia nhưng những giọt nước mắt cứ theo nhau chảy xuống, không sao cầm lại được. Những điều thằng bé có cặp mắt đen tròn đã làm cho tôi, hoá ra là nó học được ở trường. Tôi chưa được đến trường bao giờ, cũng không muốn đến và chẳng cần biết ở đấy người ta dạy trẻ con những gì. Bây giờ thì tôi hiểu, giá như có một ngày nào đó tôi được đến trường! Tôi ngồi nghĩ ngợi mông lung như thế cho đến lúc trời sáng hẳn và thấy hơi đoi đói. Chắc thằng Tín Gầy chưa ăn gì, tôi cầm gói quà sang cho nó ăn cùng. Trên đường đi, vẫn có cặp mắt đen tròn của thằng bé nhìn tôi. Hình như nó còn cười nữa.
                                                   Đ.T                                                                                                                                                                                                         

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)