THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU VIẾT VỀ KHUẤT NGUYÊN

THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU VIẾT VỀ KHUẤT NGUYÊN TRONG MẢNG THƠ ĐI SỨ VÙNG HỒ NAM ( TRUNG QUỐC )

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
( Tóm lược )
Khi đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du, tôi đặc biệt chú ý tới mảng thơ nói về các danh nhân văn hóa - lịch sử, nhất là về các bậc thầy văn chương Trung Hoa như Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Liễu Tông Nguyên, v.v.
Trong bài viết này, tôi xin khảo sát 8 bài thơ Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên, xoay quanh mấy vấn đề chủ chốt sau:
1. Là một nhà văn - nghệ sĩ tài năng, Nguyễn Du có thể nói là người VN đầu tiên đánh giá về tài năng văn chương của Khuất Nguyên, và ông có đủ tư cách để làm điều này một cách chính xác.
Nguyễn Du đã từng trăn trở đi tìm thêm cái nguyên do, cái cội nguồn của sự sáng tạo văn học, thông qua những bậc thầy văn chương nước bạn cùng những tư tưởng văn học từ thời cổ đại Trung Quốc, mà đặc biệt là cái tư tưởng, nói như học giả Lixêvich: “xem văn học như một sự tự biểu hiện của những chiều sâu bí ẩn của tồn tại. Với tư cách đó người ta sử dụng văn học vào việc sáng tạo cuộc sống và bản thân con người như là nơi chứa đựng của khí, một thực thể cực kỳ tinh vi của thế giới, như là điểm quy tụ của tinh thần thế giới có khả năng nhận được hồi âm từ mọi phía của vũ trụ […] là một sự đột phá trong khoảnh khắc vào bản chất, là sự bừng sáng thi vị, một trong những phương thức nhận thức siêu cảm tính”
Như vậy, Nguyễn Du quan tâm sâu sắc tới số phận của Khuất Nguyên không chỉ bởi đó là một nhân cách sáng chói về đạo làm người trong thời đại loạn ly, tàn bạo, mà còn bởi đấy là một nghệ sĩ ngôn từ, được đời sau như Lixêvich đánh giá: “Bắt đầu từ Khuất Nguyên tác giả cá nhân trong thơ đã trở thành chuẩn mực”; Nguyễn Du không chỉ coi “ngôn từ chỉ là môi giới của cái vĩ đại”, mà ông đã coi bản thân ngôn từ nghệ thuật cũng là một hiện hữu vĩ đại không kém. Chắc chắn Nguyễn Du đã biết tới Khuất Nguyên qua Sử ký của Tư Mã Thiên, mà điều ông tâm đắc nhất trong đó là sự kết hợp giữa cái khí chất con người Khuất Nguyên với văn chất của Khuất Nguyên như hai mặt của một tờ giấy mà sử gia vĩ đại đã phát hiện thần tình. Sau đó, nhà Đông Phương học người Nga Alecxâyep cũng nhấn mạnh tới vẻ đẹp của văn chương Khuất Nguyên hòa hợp kỳ diệu với chiều sâu tâm hồn ông: “Tất cả những gì ông nói bằng thơ hình thức thì không lớn, nhưng về nội dung thì rất to tát, vượt ra ngoài mọi thước đo. Những cái ông đưa vào hình ảnh thì gần gũi, nhưng ý tứ thì sâu xa…”.
Rõ ràng là bắt đầu từ Khuất Nguyên, văn chương đã có một mẫu hình tác giả và thoát thai ra khỏi các tài liệu triết học - đạo đức - chính trị mà sẽ còn ám ảnh suốt nhiều thế kỷ sau đó ở các nước Á Đông. Và bằng sự hiểu biết sâu sắc cộng với mối thiện cảm tuyệt đối của mình, Nguyễn Du đã có một đánh giá chân xác về tác phẩm của Khuất Nguyên cũng như vị trí của ông trong lịch sử văn học Trung Quốc qua hàng ngàn năm:
Tông quốc tam niên bi phóng trục, Sở từ vạn cổ thiện văn chương. (Ba năm bị đày xa tổ quốc, khôn xiết đau buồn. Nhưng muôn đời Sở Từ của ông vẫn là áng văn chương tuyệt tác).
Các nhà lý luận văn học Trung Quốc các thời đại và các nhà Đông Phương học, Trung Quốc học Phương Tây hiện đại cũng đều nhất trí khẳng định: “Khuất Nguyên - nhà thơ vĩ đại đầu tiên của Trung Quốc, trường ca và ca khúc của ông đánh dấu sự ra đời của một loại văn học mới”. Lixêvich viết: Ông vĩ đại “ở chỗ cá tính của người sáng tác, tính khác thường và tính sinh động thực tại trong số phận của nhân vật trữ tình chưa từng có trong văn học, ở sức mạnh và sự hùng vĩ của bản thân nhân cách nhà thơ” - “Văn học cổ đại Trung Quốc cũng không truyền lại cho ta một tác phẩm nào khác giống như Ly tao với một tâm hồn cởi mở và sự bay bổng mãnh liệt của trí tưởng tượng”.Và Nguyễn Du khẳng định: tác phẩm Ly tao nối theo Quốc phong (tức là Kinh Thi). Sau ngọn núi thi ca hùng vĩ Kinh Thi khuyết danh, qua mấy trăm năm nữa, qua hết các thời kỳ tản văn lịch sử, tản văn triết học chư tử, mới có đỉnh cao sáng tác văn chương của Khuất Nguyên - nổi bật nhất là Ly tao; đó là sự thật khách quan mà khoa lịch sử văn học tại chính quốc từ thời đó và các nước Âu - Mỹ sau này đã chỉ ra.
2. Trong mảng thơ này, nhất là trong hai bài viếng Khất Nguyên, tôi thấy có thể khai thác rất tốt nghệ thuật thơ của đại thi hào trong việc giảng dạy Nguyễn Du: trong hai bình diện cảnh vật và nội tâm có cả quá khứ và hiện tại, cả mộng ảo và thực, và tất cả hòa lẫn nhau trong một cái khí của văn chương mà “theo cái nhìn của Lưu Hiệp thì đó là hình tượng một sinh thể có xương có thịt, nhưng xuyên qua mọi ví von văn học, vẫn là một cái gì sống động, thậm chí còn sống động hơn bất cứ thứ cỏ cây cầm thú nào trên quả đất, bởi nó mang đầy khí, một thứ khí tinh vi, trong sạch chỉ có ở các nấc thang thẳng tiến cao nhất của tinh thần” [Lixêvich]. Cảnh vật mùa thu với làn gió lạnh (thu phong, phong hàn) từng xao động, vận hành trong cảm hứng thơ ca phương Đông nhiều thế kỷ, ở đây, lúc này hơn bao giờ hết đã rung động mạnh mẽ tâm hồn Nguyễn Du, chuyển hóa hầu như toàn bộ cái khí của thiên nhiên thành sức mạnh tinh thần khi tìm kiếm, tưởng nhớ Khất Nguyên, lắng nghe trong những tiếng lá rụng bay qua sông như tiếng sắt ấy “một thứ khí tinh vi, trong sạch” mang nỗi buồn ai oán của Khuất Nguyên; bởi theo Trang Tử, “Khúc ca của con người là phong của người đó, có điều đó là thứ phong có thể nghe thấy được”. Thế là, trước cảnh vật thê lương não nề, khi Nguyễn “nhìn hết tầm mắt” cũng là đồng thời nghe thấy những gì cần nghe bằng mọi cung bậc suy tư cảm xúc; ông đau lòng khôn xiết khi không tìm thấy dấu tích cũ, song bởi vậy lại có khả năng cảm nhận hết nỗi niềm của người xưa… Đó cũng là cách “ý đáo nhi bút bất đáo” (ý đến mà bút không đến) đặc sắc của nghệ thuật Đường thi.
3. Trong chương trình PTTH có dạy bài “Phản chiêu hồn”. Nhiều bài viết đã nêu ra: giá trị tố cáo hiện thực gắn liền với tinh thần nhân đạo bao la là cốt cách, là vẻ đẹp của bài thơ này. Điều đó là chính xác, song theo tôi chưa đủ. Gần đây, có một số nhà nghiên cứu đã đi sâu vào tập Bắc hành tạp lục dưới khía cạnh tìm hiểu tư tưởng “giải ảo, giải thiêng” Trung Hoa cũng như chế độ phong kiến mạt kỳ, con đường này có thể giúp chúng ta giải mã được rất nhiều giá trị còn ẩn sâu trong thơ chữ Hán Nguyễn Du nói chung, bài Phản chiêu hồn nói riêng. Bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng là khá tiêu biểu, có đoạn: “Dường như, bằng nghệ thuật, Nguyễn Du muốn nói rằng, Trung Hoa không phải là mảnh đất “thiên đường” như nhiều người ảo tưởng, mà chỉ là một “mảnh đất lắm người nhiều ma”, cũng đầy đau khổ và bất trắc”. Trong “Phản chiêu hồn”, chúng ta nhận ra: Nguyễn Du như mang trong lòng nỗi “ly ưu”, uất hận nóng bỏng của chính Khuất Nguyên, với tư cách là một “đồng tâm nhân”, ông thay mặt Khuất Nguyên ném ra lời lên án, phán xét hùng hồn, nghiêm khắc của một sử gia, và với sức mạnh của sự “phân tích tâm lý tàn nhẫn” ( Phan Ngọc) của một nhà văn lớn.
Trong khi trải nghiệm trên sóng nước của vùng “Tiêu Tương bát cảnh”, đại thi hào Nguyễn Du đã viết hơn chục bài thơ nhưng hầu như không có một dòng thơ nào ngâm vịnh những cảnh đẹp nổi tiếng của chúng; thiên nhiên tuyệt mỹ như chỉ càng giúp ông thấm thía hơn cái bi kịch đau buồn của Khuất Nguyên dường còn ẩn hiện giữa khói sóng từ suốt hai ngàn năm qua. Và viết về vùng Hồ Nam, ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm hồn Nguyễn Du chỉ là cảnh tang thương khốn khổ của người dân lành gây ra bởi biết bao kẻ “Không để lộ nanh vuốt nọc độc, Mà cắn xé thịt người ngọt xớt như đường”, khiến ông phải thốt lên tiếng than: “Không thấy sao mấy trăm châu ở Hồ Nam, Chỉ có người gầy gò, không ai béo tốt!”- Phản chiêu hồn, và ông đã không chỉ một lần chảy máu mắt trước cảnh dân lành trong nước cũng như ở nước bạn “chết lăn nơi ngòi rãnh, máu thịt nuôi béo lũ sói lang”- Sở kiến hành.
Viết về Khuất Nguyên với tất cả sự đồng cảm sâu sắc của một “đồng tâm nhân” cùng sự đánh giá xác đáng của một người cầm bút “quán thông kim cổ”, Nguyễn Du đã vô tình bộc lộ bản lĩnh tâm hồn lẫn bản lĩnh văn chương có thể sánh ngang với văn hào Trung Hoa cổ đại. Tám bài thơ trên quả là đã mang những phẩm chất cao quý để văn chương Nguyễn Du đạt tới độ “Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương” (Nghìn thuở nơi chín suối vẫn có mùi hương).
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
( Xin đọc trọn bài tham luận trên: http://vanviet.info/.../tho-chu-hn-nguyen-du-viet-ve.../
hoa-sen-phat
 


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung