bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 38
Trong tuần: 782
Lượt truy cập: 625995

THƠ DƯƠNG KIỀU MINH

 Đỗ Ngọc Yên

CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ DƯƠNG KIỀU MINH 
  1. Dẫn nhập
  I.1. Thời gian là một đại lượng khách quan dùng để xác định hiệu quả các hoạt động sống của con người. Chỉ từ khi loài người xuất hiện trên trái đất, khái niệm/ phạm trù thời gian mới ra đời.
Nhưng đối với quá trình sáng tạo văn chương - nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, thời gian là một đại lượng mang đầy tính chất chủ quan và rất khó xác định. Nó vừa cụ thể, sáng tỏ, đến từng giây, từng phút, hoàn toàn có thể cân đo đong đếm được, lại vừa vô cùng, vô tận, vô thủy, vô chung, không có khởi đầu cũng không có kết thúc, rất mơ hồ, hỗn độn, thậm chí lộn tùng phèo, khiến nhiều khi người ta chỉ có thể nắm bắt được nó bằng cảm thức, nên đã gây không ít khó khăn làm ách tắc quá trình tiếp nhận văn bản thơ đối với người đọc. Tuy nhiên, ai cảm thức được thời gian chắc chắn sẽ có trong tay một thứ vũ khí lợi hại trong quá trình sáng tạo cũng như tiếp nhận văn bản thơ. 
  Cảm thức được thời gian thực/ vật chất trong các hoạt động sống hàng ngày đã là một việc khó, thậm chí là rất khó đối với không ít người. Cảm thức được thời gian không có thực/ ảo trong quá trình vận động của tâm lý sáng tạo còn muôn vàn lần khó, nhiều khi tưởng như không thể. Với hầu hết chúng ta, có lẽ ông Trời chỉ phú cho một số ít người nào đấy khả dĩ có thể cảm thức được một cách tương đối thời gian tâm lý sáng tạo, để họ đem đến cho đời một trong những báu vật mà chúng ta quen gọi là thơ.
Theo tôi, thời gian trong thi ca nói riêng và trong nghệ thuật nói chung thường tồn tại dưới hai dạng thức khác nhau.
  Thứ nhất, đấy là thời gian thực, hay còn được gọi là thời gian vật chất được biểu hiện bằng các các thước đo thông qua các giác quan bình thường của con người. Chẳng hạn như giây, phút, giờ, sáng, trưa, chiều, tối, đêm, ngày, tháng năm, thập kỷ, thế kỷ, thiên kỷ, mùa vụ...
Thứ hai, đấy là thời gian không có thực/ ảo, còn được gọi là thời gian tâm lý sáng tạo rất khó xác định, nên không thể dùng giác quan bình thường của con người để đo đếm. Thời gian tâm lý sáng tạo chỉ có thể cảm thức được bằng sự đồng điệu của quá trình vận động tâm lý sáng tạo bên trong của chủ thể thẩm mỹ với các mối liên hệ chằng chịt, chồng chéo và hết sức mơ hồ của khách thể thẩm mỹ. Chẳng hạn như: ký ức, cõi đời, kiếp người, thiên thu,...
  Phải chăng Dương Kiều Minh là một trong số ít những người được ông Trời ban cho bảo bối cảm thức thời gian để tạo nên những mặc khải thi ca linh diệu (!?)
  I.2. Dương Kiều Minh nguyên là một công nhân kỹ thuật thuộc Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, khoảng từ cuối những năm 70 đến hết những năm 80 của thế kỷ trước và thuộc thế hệ nhà thơ hậu đánh Mỹ. Bởi lẽ, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước kết thúc (1975) ông mới 15 tuổi. Ông không phải là người trực tiếp tham gia cuộc chiến, lại được sinh ra ở Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội), một vùng quê khá yên bình, xa với đạn bom của chiến tranh, thuộc vùng phi chiến địa, nên những dấu ấn về chiến tranh trong ông không nhiều và rất nhạt nhòa. Nếu có một chút hương vị nào đấy của chiến tranh, đối với ông chỉ được cảm nhận một cách gián tiếp qua lời kể của người khác hoặc qua sách vở. 
  Vì thế, so với các nhà thơ thuộc thế hệ chống Pháp và chống Mỹ, thơ Dương Kiều Minh khá mới ở cả hai phương diện: cảm quan thế giới, cuộc đời và con người và thể hiện bằng giọng điệu, ngôn từ, vần nhịp,... khá mới mẻ. Cùng thế hệ với Dương Kiều Minh còn có các nhà thơ như Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn, Ngô Tự Lập,... Hầu hết trong số họ đều được đánh giá là những nhà thơ có xu hướng cách tân và là những người đại diện cho dòng Thơ cách tân thời kỳ hậu đánh Mỹ.
Điều này được lý giải từ hai khía cạnh:
  Về khách quan, thế hệ Dương Kiều Minh là những nhà thơ ngoài cuộc chiến, nên thời thế, hoàn cảnh khách quan cũng như cuộc sống thường nhật những năm tháng chiến tranh không còn là áp lực trực tiếp quá lớn đến đời sống cũng như tâm lý như các nhà thơ sâu rễ bền gốc trong các cuộc chiến chống quân xâm lược trước đây.
  Khi cuộc chiến dần mãi lùi xa vào quá vãng, thay vào đấy là cuộc sống thời hậu chiến với những lo toan thường nhật, cùng những mối liên hệ vô cùng phức tạp, xoắn quyện vào nhau, khiến họ không dễ gì có thể lý giải một cách sáng tỏ được ngay tức thì. Nhưng biết đâu, sự bối rối, cuống cuồng kiểu như gà mắc tóc ấy, về khía cạnh tâm cảm lại là mảnh đất phù sa mầu mỡ cho thi ca hậu đánh Mỹ đâm chồi nẩy lộc và phát triển theo một chiều hướng khác (!?). 
  Về chủ quan, những nhà thơ thuộc thế hệ hậu đánh Mỹ không bao giờ có thể nhập cuộc lại được những năm tháng chiến tranh đã từng xảy ra trước đó đối với các thế hệ cha ông, nên buộc lòng họ phải đi tìm tiếng nói riêng cho thế hệ mình và cũng là để khẳng định chính cái tôi của mỗi người, nếu họ không muốn làm một cái bóng nhạt nhòa như một bản photocopy thiếu mực, lẽo đẽo theo sau thế hệ trước trên diễn đàn thi ca Việt thời hậu chiến.
   Đối với các nhà thơ bước ra từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp,  chống Mỹ, đổi mới là một cơn vật lộn hóa sinh đầy gian nan và cực nhọc, là sự nỗ lực cá nhân phi thường của chủ thể sáng tạo, vì họ sinh ra và lớn lên được trẫm mình một cách bền vững trong tâm thế đối kháng giữa ta và địch, thì các nhà thơ thế hệ hậu chiến, những người được coi là ngoài cuộc ấy, đổi mới là nhu cầu đến từ cả hai phía chủ quan và khách quan. Họ không thể ca mãi bản anh hùng ca chiến trận với âm hưởng chủ đạo ta thắng, địch thua như các thế hệ cha anh họ đã từng làm rất thành công trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc ta trước đây. Thay vào đấy, lịch sử cần các người thơ thời hậu chiến nói lên một cách thẳng thắn, chân thực nhất những vấn đề mà xã hội thời hậu chiến quan tâm, những tâm tư, nguyện vọng cá nhân của con người đang sống và dựng xây đất nước hôm nay. Do vậy, đổi mới thơ trở thành lẽ đương nhiên, khó có thể cưỡng lại được với hầu hết các nhà thơ hậu chiến. Vấn đề là đổi mới cái gì và đổi mới như thế nào để thơ vẫn mãi là món ăn tinh thần thường trực của công chúng dân tộc Việt, góp phần bồi đắp cho tâm hồn người Việt ngày càng trong sáng và thánh thiện hơn lại là một câu chuyện dài, khiến không ít người nhầm tưởng.
  1. Cảm thức thời gian thực/ vật chất
   II.1. Dương Kiều Minh được ghi nhận như một trong những nhà thơ có nhiều đóng góp trong quá trình cách tân thơ Việt từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước. Các tác phẩm thơ của ông gồm: “Củi lửa” (1), “Dâng mẹ” (2), “Những thời đại thanh xuân” (3), “Tựa cửa” (4), đã in trong “Thơ Dương Kiều Minh” (5), “Tôi ngắm mãi những ngày thu tận” (6), “Khúc chuyển mùa” (7) đã in trong “Thơ Dương Kiều Minh” (8). Đây là cuốn sách tập hợp đầy đủ nhất các tác phẩm thơ của ông từ trước đến nay.
Có lẽ Dương Kiều Minh là một trong những người hiếm hoi thuộc thế hệ các
nhà thơ hậu đánh Mỹ đã dành trọn cả cuộc đời mình cho sáng tạo thi ca, đặc biệt là quá trình đổi mới thi pháp thơ. Còn những công việc khác đối với ông chẳng qua chỉ là áng mây sà buổi mai. Điều quan trọng là, dường như đã biết trước được ý Trời, nên ông đã lĩnh trọn trách nhiệm cao cả ấy với một tinh thần tự giác cao và thỏa nguyện, để rồi ứng xử với nó một cách hết sức tự nhiên, nghiêm túc và có văn hóa khi ông cầm bút viết nên những dòng thơ như thế này:
“Mẹ ạ!
Giấc mơ con đã đủ đầy cơn gió lành đồng nội
Mương nước ngập tràn, cánh đồng đổ ải
Những đám mây đã đợi con thênh thang trời rộng
Những đám mây đã chở con qua dâu bể cuộc đời
Con nhận thấy giấc mơ dịu dàng vừa đậu xuống
Ðồng loạt vươn bông tiểu li lan”... (9)
Có người bảo, dường như Dương Kiều Minh đã mơ hồ linh nghiệm thấy đây là một sứ mệnh mà ông Trời đã phó thác cho mình để mang theo suốt đời và làm cái để chơi với người. Căn số và Âm vận ấy không phải ai muốn cũng có thể, khi ông Trời chưa phú cho. Nhiều người vẫn bảo rằng thơ cũng như tình yêu. Ấy là duyên số. Đã là duyên số, thì muốn dứt cũng chẳng ra, muốn vơ cũng chẳng vào. Chả thế mà có người hễ đặt bút là thành thơ, nói cũng nên thơ, còn có người hì hụi cả đời làm thơ mà chẳng thành, thậm chí còn gieo họa cho nhân quần.   
 
  II.2. Tôi chọn ngẫu nhiên 52 bài thơ, ứng với số tuổi thọ của Dương Kiều Minh, thuộc tất cả các tập đã và chưa xuất bản của ông để đọc. Cảm nhận đầu tiên và cũng là ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THI PHÁP THƠ của ông ở tất cả các thi phẩm mà tôi đã đọc.
Có 4/52 bài tác giả nhắc tới thời gian một lần:
Bông loa kèn nở ngang tàng mùa hạ...(10);
Tiếng đầu tiên mẹ gọi giữa trưa nồng (11);
Dâng rực tím vòm bằng lăng nước
em về dãy phố mùa hè (12);
Điềm non nước
hung khí này tụ phát
nửa đêm (13) choàng thức”... 
Và có 1/52 bài nhiều nhất, 45 lần Dương Kiều Minh nhắc tới thời gian:
“Tôi tế vọng vầng trăng đầu hạ
vừa cơn mưa mùng 8 tháng tư
để lại nền trời cao trong vời vợi”screenshot_387
...
“Việc vừa hôm qua đã như hoá thạch
mọi chuyện tựa hồ số phận định đoạt
mọi chuyện tựa hồ xoay chuyển gió trời”
...
“Lòng mình gửi cùng thôn dã
rơm rạ theo ta
ngày qua ngày xiết xiết
hơi lạnh đầy đầy vẻ thu chừng mãn
bông hoa không tuổi tên nằm nép bờ quê
con thuyền phơi mờ nắng hanh sau mùa lũ
em gái quê rút rơm tất tả bữa chiều
đường làng um tùm cây dương xỉ
mẹ vừa đám hỏi trở về ngậm miếng trầu cay”
...
“Hẹn với nhà sư, nhà sư nhỡ hẹn
tuần đông chí
đóng cửa ở nhà
trang sách đọc dở, hôm sau
bụi phủ trắng
Sương móc đẽo gọt mòn mỏi
ngã bệnh nằm bệt
dời núi sáu năm cước khí vẫn theo mình
Đời người thấm thoắt
đời người hiu hắt
Người nhà báo tin việc xây cất mộ
nhớ mẹ cha nằm quạnh quẽ cánh đồng quê cũ
nhớ tuổi thơ dạn dày giá rét
người thân, người thân tản mát bên trời
Bái vọng sườn tây nghiêng tuần trăng khuyết
cố gượng sa sầm chiều lạnh
trang giấy chẳng giúp gì
nỗi lòng cuồn cuộn tựa gió không biết từ đâu
tràn lan trên đất”
...
“Mơ trở về cánh đồng vụ cấy trồng áp Tết
đụn khói và lũ trẻ
lo toan cuối năm dồn gương mặt”
...
“mùa xuân mương nước
mùa xuân đất ải
mùa xuân những đống tro trên bãi cỏ ngái nồng mùi khói
Tôi vừa qua giấc mơ theo cậu bé gặp lại mùa xuân của mình”
...
“Cuối chiều đốt trầm gây lại niềm thanh tĩnh
đỉnh hương nghi ngút niềm trần tục
Mối tâm sự ngày một dày đặc rậm rạp
đang ở giữa mùa xuân lòng ngổn ngang bề bộn
Đời người chẳng mấy
gió thổi phất bức rèm mỏng mảnh
ôm hận thời nào cũng có
tóc bạc chẳng chừa ai”
 ...
 “Mang mối cảm hoài người xưa đang bay dần về phía cửa sổ
dằng dặc nỗi niềm kéo dọc thế gian”
...
“Lặng lẽ theo lối mòn ghập ghềnh thung lũng
qua nghĩa địa dân bản, qua nghĩa địa công trường
buồn nẫu ruột bên đường bụi hoa hoang dại mùa xuân nở trắng
đám trinh nữ trải dài
vắng lặng hanh hao ngày xuân ra tết Xứ sở ngang qua đời tôi
mỗi lần hiện trong mơ, lòng không yên ổn
sáng dậy đầm nước mắt”
“Nhớ giao thừa đón xuân mới tới
tôi ngước lễ tế trời
đêm mịt mùng xóm bản”
...
“Sông Nhuệ cuối đông sương khói lan tràn khắp
những chóp nhà, đụn cây, dòng người tuôn không dứt
Sách vở chất chồng
người như người bạn cũ rũ lớp bụi thời gian, trở lại
ngọn lửa lộ dưới màu ố vàng
Ôi những gì quên lãng những gì chợt thấy
bạn cũ
lối xưa
gió lật những quả đồi xơ xớp
Ngọn lửa, vâng, ngọn lửa
niềm tin hiện đỉnh núi ban mai nào đấy
có lẽ lòng mình đã thời gian bụi phủ
Ô con thuyền không mui từ bao giờ lặng lẽ
sông Nhuệ cuối đông nặng chở điều gì”
...
“Giấc mộng còn đây, người anh hùng về đâu
khoảng trời nguyên xưa mây chất chồng chiều xuống
Đêm mênh mông san sát bầu tâm sự
tiếng chim khuya nhắc mình thời vận
thời vận
thời vận
 thời vận”...(14)
 
  II.3. Trong số 52 bài thơ mà tôi khảo sát có tới 437 lần Dương Kiều Minh sử dụng các từ/cụm từ chỉ về hoặc liên quan đến thời gian, trung bình mỗi bài có tới hơn 8,4 lần. Có lẽ đây là một kỷ lục độc nhất vô nhị, có thể ghi vào sách Guinness Việt Nam (!?). 
Vấn đề ở đây là tại sao người thơ lại quan tâm nhiều đến thời gian như vậy. Và cảm thức thời gian đã chi phối quá trình sáng tạo các thi phẩm của ông, nhất là về khía cạnh thi pháp như thế nào?
Trong số 45 lần nhắc tới thời gian ở bài Nềm vọng niệm, có 37 từ/cụm từ biểu thị thời gian thực/ vật chất, còn lại 8 từ/ cụm từ biểu thị thời gian không có thực/ ảo mà tôi gọi là thời gian tâm lý sáng tạo. Các từ/ cụm từ chỉ thời gian ảo nằm ở các câu thơ:
“hơi lạnh đầy đầy vẻ thu chừng mãn;
rũ lớp bụi thời gian, trở lại;
có lẽ lòng mình đã thời gian bụi phủ;
Ô con thuyền không mui từ bao giờ lặng lẽ;
nhắc mình thời vận;
thời vận;
thời vận;
thời vận”
  Trong số các bài thơ mà tôi quan sát, có 312 từ/cụm từ chỉ thời gian thực. Riêng bài Niềm vọng niệm có tới 37 từ/ cụm từ như vậy. Quan sát những câu thơ trên, mọi người dễ dàng có thể nhận ra điều ấy. Đấy là các từ/ cụm từ chỉ hoặc liên quan đến thời gian thực trong bài thơ: đầu hạ, mùng 8 tháng tư, hôm qua, mùa lũ, tuần đông chí, hôm sau, sáu năm, đời người, đồng quê cũ, nhớ tuổi thơ, chiều lạnh, vụ cấy trồng áp Tết, cuối năm, mùa xuân, cuối chiều, giữa mùa xuân, tóc bạc, người xưa, sáng dậy, đón xuân mới tới, đêm, cuối đông, bạn cũ, lối xưa, ban mai, cuối đông, chiều xuống, đêm,...
  Tuy nhiên, sự phân chia các từ/ cụm từ chỉ thời gian ra thựcảo theo cảm nhận cá nhân và hoàn toàn mang tính chất tương đối, vì có những từ/ cụm từ đặt trong văn cảnh này là thực, nhưng nếu đặt vào một văn cảnh khác có thể nó trở thành ảo. Chẳng hạn như cụm từ cuộc đời nếu đi cùng với một đại từ nhân xưng như: tôi, anh, chị, cô, gì, chú, bác, mẹ, cha... thì đấy là một cụm từ chỉ thời gian thực, vì nó có thể xác định được bằng các giác quan thông thường. Còn nếu nó đứng riêng ra thì cuộc đời được xem như một cách nói không xác định về thời gian, mà chỉ có thể cảm thức nó ở dòng chảy tâm lý - ý thức trong quá trình sáng tạo. Nếu đi với một từ cảm như: ối, á, cha... lại chỉ về thái độ không bằng lòng về một điều gì đó của người nói/viết. Chẳng hạn như khi nghe một ai đó chửi thề: Cha cuộc đời! thì cụm từ cuộc đời ở đây lại biểu thị thời gian ảo. 
  Điều khiến tôi quan tâm ở đây không phải là số lượng từ/ cụm từ chỉ thời gian có tần xuất cao hay thấp và sự phân loại thực hay ảo trong thơ Dương Kiều Minh chính xác đến mức nào. Quan trọng hơn là vì sao ông lại sử dụng nhiều từ/ cụm từ chỉ thời gian như thế nhằm mục đích gì, liệu có gây nhàm chán bởi sự lặp lại? Ở đây không thể nói rằng, nhà thơ thích thì dùng. Rõ ràng có một sự vận động không ngừng bên trong tâm lý sáng tạo - dòng ý thức của ông, nên những từ/ cụm chỉ thời gian luôn ám ảnh chi phối quá trình sáng tạo đến mức Dương Kiều Minh không thể nào cưỡng lại được.
 
  II.4. Quan sát các từ/ cụm từ chỉ thời gian thực ở bài thơ trên, chúng ta không thể nào nhận ra bài thơ được viết vào lúc nào, nếu như không có sự ghi chú từ chủ nhân của nó ở cuối bài. Vì các từ/ cụm từ chỉ một quãng thời gian khá dài và rất khó xác định: đầu hạ, mùng 8 tháng tư, hôm qua, vẻ thu chừng mãn, mùa lũ, tuần đông chí, hôm sau, sáu năm... Tuy các từ/ cụm từ này khá cụ thể, nhưng phía sau những cái cụ thể ấy là một tâm trạng rối bời như canh hẹ của người thơ, đặc biệt khi ông nghĩ và liên tưởng đến những điều muôn thưở của cõi đời, kiếp người. Lúc ấy, những từ/ cụm từ chỉ thời gian thực, cụ thể bỗng dưng trở nên vô nghĩa và tan biến đi đâu mất, chỉ còn lại cảm thức về một dòng thời gian bất định với các từ/ cụm từ như: bụi thời gian, thời gian bụi phủ, từ bao giờ, thời vận,....
  Khởi xuất là những đại lượng thời gian thực và kết thúc là đại lượng thời gian ảo. Thậm chí ông đã 4 lần nhắc tới từ thời vận ở cuối bài thơ, một đại lượng thời gian không có khởi đầu, cũng không có kết thúc, vô thủy, vô chung, nhưng nó lại luôn hiện tồn trong tâm thức nhà thơ như một hằng số bất biến. Và quan trọng hơn nó còn tồn tại trong tâm thức của Dương Kiều Minh như một đại lượng xác tín.
 
III. Cảm thức thời gian ảo/ tâm lý sáng tạo
  III.1. Tuy số lượng từ/ cụm từ chỉ thời gian ảo chỉ có 125 so với 312 trong tổng số 437 từ/ cụm từ cùng biểu thị về thời gian. Nhưng điều đáng nói ở đây là tuy sử dụng các từ/ cụm từ chỉ thời gian đậm đặc đến như thế, nhưng người đọc thơ ông vẫn không hề cảm thấy nhàm chán vì sự vô lối của các từ và cụm từ ấy. Ngược lại, càng làm cho người ta đi từ thích thú đến sự ngưỡng vọng thơ ông. Mới mà không lạ hoắc, nhiều mà không trùng lặp, ấy chính là tài năng sử dụng ngôn ngữ và cũng là một trong những đặc trưng thi pháp thơ của Dương Kiều Minh.
  Những từ/ cụm từ chỉ thời gian thực, có thể xác định được như: đầu hạ, mùng 8 tháng tư, hôm qua, vẻ thu chừng mãn, mùa lũ, tuần đông chí, hôm sau, sáu năm... và những từ/ cụm từ chỉ thời gian ảo như: bụi thời gian, thời gian bụi phủ, từ bao giờ, thời vận... luôn đan xen lẫn nhau, chứng tỏ tâm thức của người thơ luôn ở trong trạng thái rối nhiễu, dùng dằng, chẳng thể nào vượt thoát được, vì sự dan díu với cuộc đời này. Để rồi cuối cùng thi sĩ đành mượn cách nói của tiền nhân là thời vận để tự giải thoát cho chính mình.
 
  III.2. Trong thơ Dương Kiều Minh cảm thức thời gian được đặc trưng bởi hình tượng mùa. Với 52 bài thơ mà chúng tôi khảo sát có tới 217 lần thi nhân nhắc tới từ/cụm từ mùa, mùa vụ, mùa màng, vẻ thu, hơi xuân, chiều đông... Tính trung bình mỗi bài có tới trên 4,17 lần ông nhắc đến các từ/cụm từ gắn liền với hình tượng này. Các từ/ cụm từ chỉ thời gian khác như: ngày, tháng, năm, sáng, sớm, trưa, chiều, tối, đêm, khuya, thời thơ ấu, thời thơ trẻ, ngày trẻ dại, bước chân trẻ thơ,... cũng được Dương Kiều Minh sử dụng khá phổ biến. Đặc biệt các từ/cụm từ chỉ thời gian ảo như: cõi người, kiếp người, xưa cổ, thời vận, thiên thu... được nhà thơ tinh dùng vào những vị trí hết sức đắc địa:
“... Đêm mênh mông san sát bầu tâm sự
 tiếng chim khuya nhắc mình thời vận
thời vận
thời vận
thời vận”...
  Trong các mùa của năm, dường như mùa thu có duyên nợ nhất đối với Dương Kiều Minh, nên nó có sức ám ảnh lạ thường. Trong số 52 bài thơ như tôi đã nói, có tới 37 lần tác giả nhắc tới từ/cụm từ chỉ/ liên quan đến mùa thu. Trung bình cứ khoảng 0,7 bài thơ ông lại nhắc đến mùa thu một lần.
Tại sao vậy? Lý giải điều này, theo tôi cần lưu ý những khía cạnh sau:
Thứ nhất, nước ta là nước nông nghiệp, có truyền thống sản xuất, gieo trồng theo mùa vụ. Mùa thu thường gắn với việc thu hoạch lúa, hoa màu của nhà nông. Suốt quãng đời tuổi thơ Dương Kiều Minh gắn với làng quê nghèo trồng lúa của huyện Mê Linh, nên mùa thu đã để lại trong ông nhiều ám ảnh kỷ niệm tuổi ấu thơ tung tăng trên cánh đồng vàng.
  Thứ hai, mùa thu là mùa đất trời dần chuyển về những ngày đông cuối năm. Lá xanh dần ngả sang màu vàng, báo hiệu bắt đầu một sự lụi tàn theo quy luật tự nhiên của trời đất. Sang thu tâm lý con người thường chộn rộn hơn, vì thời gian của một năm đã đi qua quá nửa, con người cần phải làm việc gấp gáp mới mong đạt được dự định của mình.
  Thứ ba, mùa thu khí trời thường mát mẻ hơn với những cơn mưa rào bất chợt,
hơi thu se lạnh dễ đem đến niềm hứng khởi cho thi nhân sáng tác.
Đối với Dương Kiều Minh, dường như trong ông đã hội đủ được cả ba yếu tố trên, nên đã tạo ra được những thi phẩm da diết và thẳm sâu về mùa thu với đủ các cung bậc, sắc thái, xa gần, sâu rộng khác nhau. Dù cho đôi khi điều ấy có làm cho người đọc cảm giác thơ ông đượm một vẻ buồn mang mác, hắt hiu, nhưng không hề sầu não, bi lụy. Trái lại chính nó càng dễ xoáy sâu vào lòng người.  
 
  III.3. Chúng ta hãy xem xét một bài thơ cụ thể về mùa thu, bài Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống sau đây của Dương Kiều Minh được viết vào ngày 24 - 8 - 2011, tức là cách ngày ông ra đi 28 - 3 - 2012, đúng 7 tháng 4 ngày, để thấy khả năng khai triển thi pháp của ông một cách bài bản, nhưng không kém phần táo bạo và đã đem lại hiệu quả khả quan cả về mặt ý tưởng lẫn giá trị thẩm mỹ cho thi phẩm:
“Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống
vươn dậy đồng loạt bông tiểu li lan mùa thu 
Cơn mưa đêm để lại vệt nước trên tán lá khóm đại hồng môn
bài ca đuổi theo bước chân trẻ thơ con đường ô tô chạy men đồng bãi
ai như tiếng mẹ gọi ngôi làng khói tỏa xa xa
Mẹ ạ,
con đang trở về bên giấc mơ dịu dàng lanh canh những chiếc chuông nhỏ xíu
bên mùa thu âu yếm chở che
mang mộng tưởng lang bang qua trời xanh đồng rộng
những đám mây thong dong đợi cùng theo với
ta đang trở về giấc mơ ngày trẻ dại
ta đuổi theo hoài giấc mơ ngày trẻ dại những bờ cỏ tươi nồng những cánh đồng sương nước
Một ngày mới dần hiện ra
một ngày mới  bắt đầu
Mẹ ạ,
giấc mơ con đã đủ đầy cơn gió lành đồng nội
mương nước ngập tràn cánh đồng đổ ải
những đám mây đã đợi con thênh thang trời rộng
những đám mây đã chở con qua dâu bể cuộc đời
con nhận thấy giấc mơ dịu dàng vừa đậu xuống
đồng loạt vươn bông tiểu li lan
theo bài ca dài bước chân trẻ thơ vang vang đầu thu con đường sương khói.
Ồ, trên tán khóm đại hồng môn còn để lại vệt mưa đêm trước.”
  Bài thơ viết về một mùa thu trong giấc mơ dịu dàng, hay nói cách khác đây là một mùa thu vừa thực lại vừa ảo, có những cơn mưa đêm bất chợt để lại những giọt nước trên khóm lá, với những bàn chân trẻ thơ đón chào một ngày mới đang đến. Chính lúc này nhà thơ thấy mình như trở về ngày thơ dại, lon ton những bước chân chạy ùa tìm gặp mẹ nơi chín suối trong tiếng chuông của những bông tiểu li lan nhỏ xíu, khóm đại hồng môn cùng những đám mây lang thang bay về phía cánh đồng nơi mẹ yên nằm.
  Thật nhẹ nhàng, không ồn ào, không có những từ, những câu gây cảm giác mạnh, trái lại rất gần gũi thân quen, đặc biệt là đối với những ai đã sinh ra và có quãng đời tuổi thơ gắn bó với vùng quê trung du nghèo, mới cảm nhận hết được nỗi niềm của Dương Kiều Minh khi viết những câu thơ này.
  Bài thơ mới và lạ về ý tưởng, cảm quan về con người, cuộc đời và thế giới tự nhiên. Nó là chiếc cầu, kẻ mang trên mình thông điệp nối đôi bờ giữa hai thế giới hư và thực, sống và chết, giữa cái hữu hạn của đời người với cái vô hạn của đất trời, vũ trụ. Và đối với Dương Kiều Minh, dường như chỉ có thơ mới đủ năng lực đảm trách sứ mệnh ấy. Dù vậy, bài thơ đã được thể hiện dưới hình thức ngôn từ hết sức mộc mạc, chân thành, đúng với bản chất của vùng quê nghèo, với tình mẫu tử, nghĩa sinh thành và với cõi vô biên. Điều ấy đã tạo nên một bức tranh quê thật sự hiền hòa, với hình tượng trung tâm là người mẹ thân thương đã quá cố, vừa lung linh huyền ảo, thơ ngây, vừa đủ da diết để níu kéo tâm tưởng người đọc can dự vào mối tình cốt nhục của thi nhân.
    Có lẽ, điểm nhấn rõ nhất trong sự vận động của thi tứ là cảm thức về thời gian. Bài thơ chỉ có 26 câu mà Dương Kiều Minh đã 12 lần sử dụng các từ/ cụm từ chỉ thời gian. Như vậy, trung bình cứ hơn 2 câu, ông lại nhắc đến thời gian một lần, mà chủ yếu là thời gian của mùa thu, mùa của sự bắt đầu từ cái hữu hạn chuyển dần sang cái vô hạn của muôn thưở kiếp người.
   Tuy nhiên, người đọc lại không hề cảm thấy nhàm chán hay tắc tị, khó hiểu về cái sự có vẻ như cố ý lặp lại quá nhiều về thời gian ấy. Trái lại, nó càng làm cho người đọc cảm thông, chia sẻ với ông, khi mà dường như ông đã cảm thức được thời gian vật chất đối với đời một con người không phải là vô hạn.
Bài thơ với nhiều biểu tượng khá đắt được đặt ở những vị trí đắc địa của nó,
khiến cho sức lay động càng sâu, càng xa mãi vào cõi vô thường. Có thể coi đây là một trong những bài thơ viết về mẹ và mùa thu hay nhất của Dương Kiều Minh nói riêng và của thơ ca Việt đương đại nói chung. Bài thơ đã đạt đến độ chín về cảm xúc, chiều sâu về suy tưởng, lung linh về hình ảnh ngôn từ. Mẹ sinh ra và suốt đời nuôi ta khôn lớn nên người, ai mà chẳng nhớ chẳng thương, nhất là lúc mẹ đã lìa xa cõi đời trần tục này để trở về cõi thiên thu, chẳng bao giờ ta có thể được nhìn thấy mẹ nữa, thì sự nhớ thương ấy còn được nhân lên gấp bội. Nhưng để có thể nói ra được điều ấy bằng một bài thơ như thế, không phải ai cũng làm được như Dương Kiều Minh.
   Nhìn từ một góc độ nào đấy, đây có thể coi là lời báo hiếu hay là bài thơ tuyệt mệnh của ông đối với người mẹ quá cố của mình. Chẳng ai có thể nói rằng bài thơ này không đổi mới hay cách tân so với truyền thống thi ca Việt trong thời kỳ đánh Pháp và đánh Mỹ trước đây, cũng như thi ca Việt đương đại, xét trên mọi phương diện.
  1. Thay lời kết
  Ý thức về thời gian trong cảm quan quay về với quá khứ kỷ niệm, vượt ra khỏi những ràng buộc của đời sống thường nhật, tiến gần sát đến độ nghiệm sinh thời vận, siêu thoát khỏi cõi phàm trần, đấy chính là sự biến thiên của thời gian tâm lý sáng tạo thường thấy trong nhiều bài thơ của Dương Kiều Minh.
  Ông tuyên chiến với đời sống thực tại, vốn đầy rẫy những nhiễu nhương, luôn làm phiền lòng người thơ chân chính và cũng là tuyên chiến với thứ thơ quá dễ dãi, tắc tị, hũ nút vốn được du nhập từ các nhà thơ tượng trưng Pháp cuối thế kỷ XIX, cũng như một số nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới của Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, mà không ít người nhầm tưởng rằng đấy là Thơ cách tân. Cái làm nên phong cách thi pháp thơ Dương Kiều Minh chính là việc ông không bao giờ chối bỏ thực tại, mơ hồ, viển vông và vô cảm với nó. Trái lại ông chấp nhận và dung nạp tất cả vào đời sống tâm tưởng cá nhân, để rồi nhào nặn thành một thực tại khác bằng ngôn ngữ thi ca của riêng mình. Đấy chính là năng lực phóng sinh trong tâm lý sáng tạo ở những tài năng thơ ca đích thực như Dương Kiều Minh.
   Thời gian là một thước đo khách quan chia đều cho tất thảy chúng ta. Nhưng với Dương Kiều Minh, thước đo ấy, không chỉ dùng để đo hiệu quả hoạt động sống của con người, mà hơn thế còn để đo chiều sâu của lòng người, cõi đời, cũng tức là để đo tầm vóc tư duy sáng tạo nghệ thuật của chính ông. Thời gian trong mắt ông, thực đấy, mà ảo đấy, hữu hình đấy, mà vô hình đấy, hữu hạn đấy, mà cũng vô hạn đấy. Nếu chỉ căn cứ vào các từ/cụm từ chỉ thời gian đến mức đậm đặc trong các thi phẩm của ông mà bảo Dương Kiều Minh cố chấp, tức là chưa hiểu được ngôn ngữ thơ ông phía sau văn bản. Ngược lại chính sự có vẻ như cố chấp ấy không những giúp ông thỏa nguyện trong cuộc rong ruổi những suy tư sáng tạo thi ca của mình, mà nó còn tạo nên nét khu biệt độc đáo về thi pháp thơ Dương Kiều Minh so với các nhà thơ cùng thời và các thế hệ nhà thơ đi trước, giống như một lực sĩ vắt kiệt sức lực của mình ra để chiến đấu đến cùng cho diễn trình đổi mới thi ca đương đại Việt./.
 
                                                                           Hà Nôi, 4/2012
                                                                                   Đ.N.Y
..................
 (1) Củi lửa, Dương Kiều Minh, Thơ, Nxb Tác phẩm mới, 1989
(2) Dâng mẹ, Dương Kiều Minh, Thơ, Nxb...,1990
(3) Những thời đại thanh xuân, Dương Kiều Minh, Thơ, Nxb..., 1991
(4) Tựa cửa, Dương Kiều Minh, Thơ, in trong tập Thơ Dương Kiều Minh, Nxb Văn học, 2001
(5) Thơ Dương Kiều Minh, Nxb Văn học, 2001
(6) Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, Dương Kiều Minh, Thơ, Nxb Hội nhà văn, 2008
(7) Khúc chuyển mùa, đã in trong Thơ Dương Kiều Minh, Nxb Hội nhà văn, 2011
(8)Thơ Dương Kiều Minh, Nxb Hội nhà văn, 2011
(9) Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống, tên bài thơ của Dương Kiều Minh
(10) Không đề, tên bài thơ của Dương Kiều Minh
(11) Hy vọng, tên bài thơ của Dương Kiều Minh
(12) Thành phố buổi đêm, tên bài thơ của Dương Kiều Minh
(13) Hương Sơn vọng khí, tên bài thơ của Dương Kiều Minh
(14) Niềm vọng niệm, tên bài thơ của Dương Kiều Minh
(15) Những chữ gạch chân và in đứng là của tác giả Đỗ Ngọc Yên nhấn mạnh
…………………..
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)