bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 141
Trong tuần: 554
Lượt truy cập: 612383

THƠ THIẾU NHI CỦA NGUYỄN HOÀNG SƠN

THƠ THIẾU NHI CỦA NGUYỄN HOÀNG SƠN

               VŨ NHO

 n.hong_sn

   Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn

Nguyễn Hoàng Sơn viết truyện, làm thơ cho người lớn, viết phê bình, tranh luận văn học có thành tựu, nhưng thành tựu nổi bật hơn cả là thơ và truyện thơ cho trẻ em. Không kể Trần Đăng Khoa là nhà thơ thần đồng viết về các em, cho các em, nhắc đến các nhà thơ có thành tựu, sau những tên tuổi như Huy Cận, Phạm Hổ, Xuân Quỳnh, Định Hải, người đọc thường nhắc đến Nguyễn Hoàng Sơn, Đặng Hấn, Trần Mạnh Hảo.

Nguyễn Hoàng Sơn đã in các tập thơ cho các em: Mèo con để râu,1981; Sự tích rước đèn trung thu, 1989; Dắt mùa thu vào phố, 1992; Ù ù cạc cạc – kịch thơ hoạt hình, 1993; Bài hát trăng tròn, 1996; Bức tranh của bé Hằng, 2000.

Bút danh Nguyễn Hoàng Sơn được khẳng định khi tập truyện thơ Sự tích rước đèn trung thu được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1990.

Tập truyện thơ Sự tích rước đèn trung thu của Nguyễn Hoàng Sơn là một tập sách hay hiếm hoi. Tập thơ vừa có cốt truyện gọn gang, chững chạc, vừa hàm súc và giàu chất thơ.

Chất thơ ấy thấm đượm trong cách giới thiệu và miêu tả nhân vật.

Người đọc thích thú vì trong thế giới truyện thơ của Nguyễn Hoàng Sơn có những nhân vật giàu cá tính và ngộ nghĩnh. Chẳng hạn, con gà, một con vật nuôi hết sức quen thuộc, nhưng trong truyện của Nguyễn Hoàng Sơn, nó hiện ra với tư cách một thím mái hoa te tái, hay một chị mái nâu cần mẫn, chăm chỉ, rất giàu tính đàn bà. Con Ngan thì thành bác ngan thạo nghề sông nước, đạo mạo, pha tí chút cao ngạo, ra dáng một đấng mày râu từng trải, lịch lãm. Một chú lợn con nhưng ngay từ những câu thơ giới thiệu lai lịch đầu tiên, đã hứa hẹn nhiều chuyện hấp dẫn:

                 Có một con lợn nhỏ

                 Tên chữ là Văn Choai

                 Đêm nay đêm ba mươi

                 Ngồi mơ toàn chuyện tết

Những con Cáo, con Sói trong các chuyện cổ tích loài vật hay truyện ngụ ngôn mọi người đều quen thuộc và chẳng lạ gì tính cách của chúng. Nhưng rồi ta vẫn bất ngờ khi gặp chúng trong những vai ca sĩ:

                 Cáo hát sòn la đô

                 Ngoáy đuôi theo điệu nhạc

                 Sói già không biết hát

                 Hú lên như phát rồ

Con cá sông hiền lành nhút nhát, ai nghĩ lại có thể nổi máu giang hồ tiến hành một cuộc chu du về biển lớn. Gặp Còng Gió ba hoa, cô ả đã xử sự rất chi là theo kiểu cá:

                 Cá sông nghe khiếp vía

                 Dựng đứng hết cả vây

                 Không kịp chào Còng Gió

                 Vẫy đuôi – đằng sau quay!

Nhân vật gặp gỡ với nhân vật. Kẻ tốt có, người xấu có. Người vô tình ba hoa, kẻ cố ý mưu sâu hiểm độc. Mỗi nhân vật một khát vọng, một gương mặt, một tính cách.Hoàn cảnh để các nhân vật gặp gỡ, va chạm, thử thách cũng rất đa dạng. Vì thế luôn có những bất ngờ, lí thú trong những điều tưởng chừng quen thuộc.

Điều làm cho những truyện thơ của Nguyễn Hoàng Sơn có một vẻ riệng biệt, độc đáo chính là sự tham gia của người viết vào diễn biến của câu chuyện. Tác giả vốn là người thông minh, vui tính, thích khôi hài. Thường hay bắt gặp những nụ cười mủm mỉm giấu sau những câu thơ tự sự, thấp thoáng trong các câu thơ có tí lí sự ngồ ngộ. Có khi nụ cười ấy đằm trong nhận xét sắc sảo diễn đạt bằng lối nói dân gian độc đáo.

Nhân vật trữ tình tác giả vui tính, hỏm hỉnh in dấu ấn rất đậm trong từng ý thơ, tứ thơ. Anh luôn luôn có mặt kịp thời để duy trì nhịp hứng thú. Khi thì anh bắt chước kiểu kết thúc của một số truyện cổ tích châu Âu nhưng không uống rượu ướt đẫm râu như họ mà chỉ đưa ra chứng tích để câu chuyện thêm ý vị (Truyện bác Rùa biết bay). Khi thì anh cung cấp cho Còng Gió – một anh chàng mít đặc nhưng thích huyênh hoang – những lời lẽ thật là độc đáo:

                 Biển chỉ là cái chảo

                 Suốt ngày đêm sục sôi

                 Nước biển là nước mắm

                 Tất nhiên mặn ra trò

                 Chị mà về dưới ấy

                 Lập tức thành cá kho.

Anh có thể cảm thông với chú Rùa chậm chạp mà ôm mộng lớn: chí ngao du để ở bốn trời, nhưng lại cũng dễ dàng nhập vào đám trẻ con để mà tranh cãi, lí sự: Rùa nào rùa biết bay? Đến bò còn chẳng nổi!

Sự hiện diện đa dạng và biến hóa ấy làm cho câu chuyện lúc nào cũng như có ánh sáng tỏa ra từ bên trong.

Tập thơ Dắt mùa thu vào phố được tặng giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1993, thể hiện một năng lực sáng tạo khác của Nguyễn Hoàng Sơn. Những bài trội trong tập này không phải là truyện thơ, mà là những bài thơ ngăn ngắn và trung bình. Bạn Chu Văn Sơn, giảng viên khoa văn, ĐHSP Hà Nội đã viết lời bạt cho tập thơ này và anh cho nét nổi bật, cái duyên hơn người của Nguyễn Hoàng Sơn là lém lỉnh và tài hoa. “Một mình làm được cả vườn bách thú, thông thạo nhiều ngoại ngữ: từ tiếng nước trâu đến tiếng nước hành mỡ, từ thổ ngữ ầm ầm của tiếng thác đến sinh ngữ ngọt ngào của loài kẹo. Xuống biển thạo muối, lên núi thạo nhà”. Tôi thấy quả là đúng. Nguyễn Hoàng Sơn đã góp cho thơ một chú Vện khá độc đáo bên cạnh chú Vàng trong Sao không về vàng ơi của nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa:

                 Nhưng mà ngộ nhất

                 Là lúc nó vui

                 Chẳng hề nhếch mép

                 Nó cười bằng đuôi.

Anh lí giải rất ngộ nghĩnh về cái đuôi của chú voi:

                 Cuối cùng là cái đuôi

                 Vì ở rừng vắng vẻ

                 Voi cũng buồn một tị

                 Có đuôi làm…đồ chơi

Những câu thơ tinh tế, hóm hỉnh có thể gặp trong nhiều bài, chẳng hạn Sa bẫy, Thư, Quả thị đi chơi, Hoa sen, Đêm qua chim chích ngủ đâu, Con vỏi con voi… Điều quan trọng nhất là dù còn có ông bạn xấu, còn có các cuộc cãi nhau, có anh bạn thích tót đi chơi, nhưng thơ Nguyễn Hoàng Sơn hướng bạn đọc đến cái thiện, đến những quan hệ thân ái gắn bó, nâng đỡm quan tâm lẫn nhau. Cái cách giáo dục của thơ Nguyễn Hoàng Sơn, nói như Xuân Diệu là in cái tốt đẹp, thánh thiện lên tâm hồn các em. Thơ Nguyễn Hoàng Sơn như lời chào của anh: Là cơn gió mát Buổi sáng đầu ngày Như một bàn tay Chân tình cởi mở. Chính vì thế mà các bạn đọc nhỏ tuổi, và cả người lớn nữa, đều yêu thích.

 

31/3/2001

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)