bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 17
Trong ngày: 55
Trong tuần: 1518
Lượt truy cập: 642254

THƯ GỬI CHA Ở CÕI VÔ CÙNG

Dương Thiên Lý
 
THƯ GỬI CHA Ở CÕI VÔ CÙNG
                         Truyện ký
 
         Kính gửi ba yêu quý của con!..
  Thưa ba, dẫu biết khi viết những dòng thư này cho ba, sắp đến ngày 24 Tết hàng năm. Lần này con viết tính đã 30 mùa xuân ba đã ở chốn cửu tuyền xa cách muôn trùng. Nhưng con vẫn như thấy ba đang ở đâu đó, có thể đang ở mặt trận. Con mường tượng ba trong dáng hình người lính, áo xanh màu lá cây, dép cao su mòn vẹt. Không ai biết trong người lính giản dị ấy, một lý tưởng cao cả vì đất nước, một tâm hồn tận tụy yêu thương vợ con. Ba là niềm kiêu hãnh, nơi tin cậy và lý tưởng cao đẹp của cuộc đời con. Thực ra, ba đã đột ngột ra đi, vì một cơn bạo bệnh, để lại một khoảng trống thăm thẳm trong ký ức con, cùng một điều hệ trọng đang giấu kín. Khi ba còn sống, chưa bao giờ con có ý định nói cho ba biết...
Quả thật, cuộc sống tầng tầng lớp lớp tháng ngày đi qua, cũng là tầng tầng lớp lớp sự kiện xảy ra. Chồng chất lên mỗi cuộc đời ở cõi con người. To nhỏ, lớn bé. Sâu sắc, nông cạn. Kín đáo, phô phang. Ngoài mặt, trong lòng. Nhưng không phải cái gì cũng nói ra được, phải không ba?
 Con nghĩ, năm mươi năm làm người trên đời, thì mười lăm năm ba xa nhà biền biệt. Không một lá thư, không một lời nhắn gửi. Mẹ và hai chị em chúng con, vò võ đợi trông. Con còn hơn em trai con, được sống bên ba những ba năm. Còn thằng Phúc, nó chỉ được ở với ba mấy năm sau ngày giải phóng ba trở về. Nó ra đời, khi ba đã đi chiến trường được năm năm... Quả là, quá thiệt thòi cho những đứa trẻ như chúng con, thiếu tình phụ tử...
  Nhưng không sao, có hàng vạn gia đình như gia đình mình, vất vả đau thương, trong chiến tranh loạn lạc. Con vẫn ôm ấp bóng hình ba, một người lính rất hiền, một người cha bao la tình thương yêu, nỗi ấm áp chất đầy trái tim con. Một bóng đại thụ ngợp xanh, ôm ấp che chở cuộc đời nhỏ bé của con. Con hồi tưởng lại, những tháng ngày hai chị em con sống ở quê nhà, đói cơm rách áo, cô đơn vây bủa tuổi thơ. Mẹ phải lam lũ bòn tro đãi trấu, nuôi con rau cháo từng ngày. Lén nuốt nỗi nhớ chồng, nỗi cô đơn, nỗi đợi chờ tê tái gái hai con, dằng dặc suốt mấy chục năm trời...
  Thời gian cứ như trêu ngươi, lững lờ trôi đi không đoái thương con người. Con lớn lên như nhành cây ngọn cỏ. Ngọn cỏ gặp hòn đá tảng, biết lách mình né tránh, vươn lên tìm ánh sáng. Chúng con sắn khoai qua bữa, rồi cũng học hành như bạn bè. Tình thương của mẹ và bà con cô bác, cho hai chị em con khôn lớn dần...
Thằng Phúc, em trai con, sớm thành ông cụ non, siêng năng nhưng lầm lì ít nói. Có lẽ vắng bóng người cha, nó sớm ý thức được là người đàn ông gia đình. Ai biết trời mấy tuổi? Cũng như ai biết cuộc chiến tranh này còn kéo dài bao lâu? Hết thảy người dân nước Việt, ý thức sẵn sàng cho cuộc trường chinh đánh Mỹ, như cuộc trường kỳ kháng chiến đánh Pháp chín năm xưa kia...
   Bỗng một ngày, làng xã như thức giấc. Rộn rực xóm dưới xã trên. Tin truyền đi nóng bỏng. Sài Gòn đã được giải phóng! Cả miền Nam được giải phóng! Tổ quốc thống nhất. Non sông liền một giải, không còn chia cắt...
  Cả nước hân hoan, tưng bừng đón chào Tổ quốc được độc lập thống nhất. Ngày 30/ 4/1975 quê hương mình rợp đỏ bong cờ bay trên các đường thôn ngõ xóm. Rồi ngày đó ba về. Bao nhiêu thương nhớ, đợi chờ mười tám năm qua của ba mẹ con con, đã được toại nguyện. Ba mặc bộ quân phục màu xanh lá cây, vai đeo bao lô, vẫn đi dép cao su, đội chiếc mũ tai bèo đã bạc màu. Khuôn mặt phong trần rám nắng trận mạc. Cả ba mẹ con con, chạy líu chân, lao ra ôm chặt lấy ba. Những giọt nước mắt mừng tủi, nhớ thương, mặc sức rơi. Nước mắt ba cằn khô lặng lẽ. Nước mặt mẹ dàn dụa tủi hờn. Nước mắt chúng con mừng vui khôn tả. Tất cả đẫm nước mắt. Đúng hơn là tuôn trào. Tuôn trào mừng vui khôn xiết. Tuôn trào thương nhớ đầy vơi. Tuôn trào hạnh phúc...
   Sau giây phút hàn huyên, ba nhìn thằng Phúc trân trân. Tuồng như ba muốn hỏi, đứa nào đây? Con cái nhà ai có mặt ở đây lúc này? Nhưng hình như gương mặt đẫm nước mắt của mẹ, có những dòng tạ tội, xin lỗi. Hơn thế, là sự cắn rơm cắn cỏ cầu xin ba tha thứ của mẹ, trước mặt hai con, đã cho ba hiểu ra.
  Người lính trận đối mặt nguy hiểm bao lần, và bao lần cận kề cái chết. Cho ông hiểu ra, ở hậu phương cũng không ít cam go. Sống chết cũng cận kề gang tấc bởi cuộc chiến tranh phá hoại của địch, muốn đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Rồi cuộc mưu sinh của gái một con, xa chồng đằng đẵng, nỗi cô đơn như trái núi trên vai. Kiếm miếng cơm manh áo trên cánh đồng thiếu bàn tay đàn ông, cực nhọc vô cùng. Bất giác, ba cúi xuống, bế thốc thằng Phúc chín tuổi lên, hôn liền mấy cái lên trán, khiến nó mừng rung que rung cọng. Nước mắt của mẹ càng tuôn trào, trên hai gò má ửng đỏ. Có lẽ không gì vui hơn chuyện đó, đối với mẹ lúc này...
Căn nhà vách đất mái rạ, mới làm lại sau chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ, trở nên chật chội khi có ba về. Mẹ ngăn đôi thành hai phòng, bằng tấm vải dù hoa ba mang từ mặt trận về. Phòng trong đặt giường ngủ ba mẹ, phòng ngoài là chỗ học và phản ngủ của hai chị em con. Khuya, học bài xong, thằng Phúc lăn ra ngủ như chó con. Tiếng ngáy trẻ con vo vo, thanh thản trong ngôi nhà bố mẹ yên ấm sau bao năm xa cách.       Nhưng con vẫn thao thức, chưa thể ngủ được ngay.
Bỗng con nghe tiếng mẹ khóc rấm rứt, với tiếng thổn thỉ rất nhỏ:
- Em cám ơn anh!.. Mẹ nuốt nước mắt - Anh đã bỏ qua cho em, mà không truy cứu...
- Thôi nào!.. Tiếng ba gạt đi - Cá ai vào ao ta, là cá ta! Em ngủ đi!..
- Nhưng em thấy áy náy, cắt rứt lương tâm... Mẹ vẫn thỏn thẻn - Tội lỗi của em đối với anh lớn lắm...
- Hồi đó... Ba rĩ rãi nói - Em làm sao êm thấm, làng xóm không tiếng vào lời ra..?
- Nhắc lại xấu hổ lắm!.. Mẹ thổn thỉ - Sau mấy lần phá thai không được, em như con gà mái trước khi đẻ trứng, toang toác cái miệng, ả ơi, chị ơi, em ơi... Tối qua eng nhà tui có về tranh thủ. Eng ra Bắc nhận quân, xin thủ trưởng ghé nhà một chốc...
Sáng ra, ba gọi mấy anh em chú bác xung quanh, đến nhà uống chén rượu, gọi là mừng yên hàn sau trận trở về. Mọi người trải chiếu ngồi quanh, ba kéo thằng Phúc đến, cho ngồi vào lòng, cà cái cằn đầy râu lên mái tóc nó. Đoạn nói to, vẻ hả hê:
- Đêm nớ mưa to, trời tối, đường trơn!.. Tuồng như ba vừa nói, vừa dàn dựng câu chuyện - Tui mò về được nhà đã nửa đêm. Vợ chồng gặp nhau được tiếng đồng hồ, thì đến giờ hẹn với thủ trưởng. Vội vàng khoác ba lô ra đi... Không ai ngờ, trời cho cục vàng ni đây!..
Ba nói, ôm thằng Phúc âu yếm, rung đùi một cách thỏa mãn...
Mọi người nâng ly chúc mừng. Kẻ khen thằng Phúc chóng lớn, người khen thằng Phúc giống bố như tạc...
Riêng con áy náy, ray rứt vô cùng! Sự thật khác kia! Nhưng con không muốn ba buồn. Cũng không muốn xóm giềng dị nghị, sinh khinh ghét, coi thường mẹ. Con giấu biệt chuyện động trời ấy, trong lòng cô gái tuổi mười lăm, có dáng vóc xinh đẹp của mẹ thời thơ ấu...183937996734
 Hai chị em con, bị hút theo các câu chuyện của ba ở chiến trường. Những ngày sống bên ba sau khi trở về từ cõi chết, với hai chị em con thật ý nghĩa. Con như được theo chân ba tham dự nhiều trận đánh. Có trận đánh nơi ngã ba Bà Quẹo, trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Mũi trinh sát đặc công hoạt động trong nội thành của ba, đã đánh thọc sâu vào trung tâm thành phố Sài Gòn. Cố chiếm giữ ngã ba, làm bàn đạp cho đơn vị bộ binh phía sau phát triển chiến đấu, mở các chiến dịch đánh vào trung tâm thành phố. Nhưng lực lượng đặc công mỏng, địch đem mấy xe tăng chặn đứng. Từ những miệng lô cốt, đạn vãi ra từng luồng, chống tăng phóng ra đỏ lòe. Bộ đội ta không thể lên được. Xe tăng ta lên được chiếc nào, bị bắn hỏng, hay thiêu rụi chiếc đó. Ngã ba thành nơi dồn nén lực lượng hai phía...
 Ba bị bao vây, mắc kẹt trong một ngách hào. Lại bị thương ở cánh tay, máu chảy ướt đẫm. Bọn địch vây chặt ngày đêm, lương khô nước uống đều cạn kiệt. Một số đồng đội hi sinh. Bên cạnh ba chỉ còn chú Tư Lạc và chú Bảy Đờn, có lúc phải dùng nước tiểu chống chọi cơn khát...
Ta phải chuyển cách đánh. Không thể để mũi tiến công bị ghìm chân ở ngã ba khỉ gió này. Để một lực lượng giữ chân địch, sẵn sàng lao lên khi mở được đường. Lượng lượng còn lại mở hai cánh vòng cung, tránh ngã ba, bất ngờ nổ súng vào sau lưng địch. Bị đánh tập hậu bất ngờ, địch tan rã nhanh chóng. Ngã ba như nước vỡ bờ, đại binh của ta trào lên...
 Ba được thoát. Đồng đội đã đưa ba về nhà má Năm  ở Mỹ Tho. Má Năm nuôi giấu ba cho đến khi lành vết thương. Trận tổng tấn công bất ngờ tết Mậu Thân năm ấy, ta chỉ mới đánh chúng trọng thương. Ba ngày sau kẻ địch gượng dậy được, chúng tổ chức phản kích dữ dội. Ta buộc phải rút lui, bảo toàn lực lượng còn lại...
Ta phải làm lại từ đầu. Gây dựng lại cơ sở bí mật từ đầu. Mất mát khá lớn sau đợt tổng tấn công bất ngờ năm ấy, nhưng cũng cho ta kinh nghiệm quý báu to lớn. Như viên đá ném ao bèo, địch đánh mạnh, ta dạt ra ém giấu.  Rồi tất cả đâu vào đấy, bèo lại phủ dày mặt nước. Dân lại bí mật mở những cơ sở bí mật, những lối đi bí mật, dẫn bộ đội ta vào. Ba lại vào thành phố tiếp tục hoạt động. Không thế lực nào trên thế giới, có thể chặn nổi cuộc chiến tranh nhân dân...
 Ba căn dặn hai chị em con: “Nay đất nước đã hòa bình, thống nhất,  các con phải cố gắng học tập rèn luyện tốt, trở thành người có đức có tài để giúp ích cho xã hội” Không ngờ, đó là lời dặn sau cùng của ba, đối với chị em chúng con...
  Dạ thưa ba! Con đã làm theo lời ba dặn, đã thi đỗ đại học sư phạm. Khó khăn mấy, con cũng vượt qua. Đã vinh dự trở thành người giáo viên nhân dân, dạy bảo thế hệ mầm non tương lai, cho quê hương đất nước. Ngay mảnh đất ba nhiều lần đóng quân, nơi quê hương Bình Phước...
Ba là người nông dân, mặc áo lính đi đánh trận, khi Tổ quốc bị kẻ thù xâm lược. Đánh giặc xong, lại về với đồng đất quê nhà, với chiêm mùa hai vụ khó nhọc. Hình như ba suy tư rất nhiều, trước hạt lúa củ khoai, mồ hôi công sức bời bời, cánh đồng manh mún như cái áo vá. Và cuộc sống vẫn luẩn quẩn đói nghèo. Phải có cách nhìn mới về nông thôn, cách làm mới về nông nghiệp. Phải quy hoạch lại, tạo cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh năng suất cao. Đưa máy móc hiện đại, kỹ thuật canh tác tiên tiến, đưa giống mới chất lượng cao, tạo hàng hóa nông sản xuất khẩu. Hình thành các công ty trong nông nghiệp nông thôn...
Ý tưởng của ba được trên chấp thuận, cổ vũ nhiệt thành. Người ta mời ba vào ban quy hoạch ruộng đồng của xã. Ba lặn lộn ngoài đồng cả ngày, quên một mảnh đạn nằm sâu trong hộp sọ. Và một hôm, chính mảnh đạn ấy cựa quậy, cứa đứt mạch máu não. Máu chảy rỉ bên trong, rất sâu. Ba quỵ xuống ngay trên bờ ruộng quê nhà...
  Ba đột ngột ra đi, như đi vào một giấc ngủ say, không bao giờ tỉnh lại. Trong tiếc thương của vợ con, xóm giềng và đồng đội. Như người lính ngã xuống, khi hoàn thành nhiệm vụ được giao...
Hẳn là ba thanh thản nơi suối vàng an nghỉ. Nhưng mỗi lần nhớ đến ba, lòng con lại bần thần, ray rứt không nguôi. Lại buốt nhói nơi sâu thẳm tim mình, nghĩ về khiếp con người. Con người, nhất là phụ nữ thời trận mạc, nổi chìm trong đa đoan...
Giờ con đã là người phụ nữ trưởng thành, nghĩ về em trai con, thằng Phúc, con lại thương mẹ bời bời. Và con càng kính trọng ba không bờ bến, về cách ứng xử của người lính ngày trở về, khi ba lô còn khét mùi thuốc súng chiến trận...
  Mẹ con đã gian ngoan, cục tác quang quác với xóm giềng, về chuyện ba ghé nhà đêm ấy, trước khi cái bầu lộ rõ. Thằng Phúc, em trai con, ra đời mang họ của ba, như con. Êm thấm mọi bề. Nhưng ba không thể biết, cha đẻ của em trai con, là ai đâu! Giờ ba đã ở rất xa, con viết thư này gửi đến. Mong ba thấu tỏ, và phù hộ độ trì cho mẹ, cho chị em chúng con...
  Ngày ba ra trận, con mới năm tuổi, chưa hiểu chuyện gì. Nhưng năm năm sau, nghĩa là con mười tuổi, thì đã hiểu mọi bề. Nhà ta khổ lắm. Công điểm làm ở hợp tác xã chỉ tính bằng lạng thóc. Máy bay Mỹ gầm thét, xé nát bầu trời, cây lúa ngọn khoai, cấy trồng dưới bom đạn. Đói vàng mắt. Nhưng mẹ gái một con, cứ xinh đẹp rạng ngời. Nông quê dẫu nâu sồng, mẹ vẫn nổi rõ đường nét một thân thể lẳn chắc.
Quê nhà thanh niên đăng lính hết, chỉ còn người già trẻ con. May còn chú Quặt, bị ngã gãy chân thời mới lớn. Quê nghèo, xa bệnh viện hàng trăm câu số, chú đành để vậy cho nó tự lành. Thành ra chân đi cà nhắc, không thể vào bộ đội hay thanh niên xung phong. Chú làm đội trưởng sản xuất làng mình. Không biết do mẹ có học, chữ nghĩa rõ ràng, hay vì mẹ xinh đẹp, chú đã đưa lên làm thư ký đội.
 Từ đây, không phải bán mặt cho đất bán cật cho trời, mẹ đẹp phây phây. Cũng không lo bị đói nữa. Thỉnh thoảng còn được mua mét vải láng đen, hay mấy lạng đường ở quày mua bán hợp tác xã. Đôi khi được uống nước chanh, con thích lắm. Mẹ hay trực đêm. Nhiều đêm về rất khuya.
Một đêm, con chưa ngủ lại được, sau khi máy bay địch treo pháo sáng và ném bom ở đâu đó. Nằm dưới hầm, con nghe tiếng bước chân đi đôi, nơi đoạn hào gần đó. Rồi giây sau, họ dừng lại cách cửa hầm nhà mình không xa. Tiếng mẹ hờn dỗi lo lắng:
- Mặc kệ anh đó!.. Mẹ nói có giọng nũng nịu - Đã nhủ đừng thế, mà anh cứ liều... Chừ thì nguy to, em thấy trễ kinh tuần nay rồi!..
Tiếng người đàn ông lúc đầu không nghe rõ, sau thì rõ dần. Vả chăng, ở trong làng, lúc đó chỉ còn mỗi chú Đỗ Quặt, gọi là đàn ông trai tráng.
- Bình tĩnh nào!.. Chú nói khẽ, giọng an ủi - Có khi năm năm em không có đàn ông, chừ biến động sinh lý, đâm ra trễ tràng vậy thôi!..
- Nhưng mà... Tiếng mẹ sụt sịt - Không! Không phải rứa... Em thấy trong người khang khác rồi!..
- Khác... như răng? Chú Quặt cười - Anh vẫn thấy em như mọi khi, đêm mô gặp cũng... hừng hực như lửa!..
Có tiếng xô đẩy. Hình như mẹ giận, xô chú Quặt xuống hào.
- Ai... ve vãn gái này..? Tiếng mẹ cứng cỏi - Đây là vợ bộ đội đi B đấy nhá. Động vào, phạm chính sách hậu phương, tù mọt gông!.. Mai tôi lên báo cáo đảng ủy...
- Thôi, thôi!.. Tiếng chú Quặt đấu dịu - Thì từ từ đã, rồi tính...
- Tính gấp đi!.. Mẹ dồn thúc - Em thấy... miệng thèm chua lắm rồi!..
- Hay là... ta đi bệnh viện, giải quyết..?
- Hừm!.. Mẹ thở hắt ra - Bệnh viện thời chiến, lo cứu chữa thương binh, người đau ốm nặng, ai đi làm chuyện ni? Với lại, nếu có làm, cũng bắt khai này khai nọ, rằng chị ăn nằm với ai? Ai là bố đứa bé? Phải có giấy xác nhận của Ủy ban xã... Khác chi lạy ông tôi ở bụi này!..
Hình như cả hai rơi vào bế tắc. Đúng hơn, cả hai đã đi vào con đường hầm không lối thoắt. Ít lâu sau, thấy mẹ vồn vã mỗi lần gặp người trong đội. Nếu là người già, mẹ kính cẩn phân bua kiểu thông báo.
- Chào bác!.. Mẹ cất tiếng chào, rồi nhìn bụng cười hì hì - Chẳng giấu gì bác, tháng trước ba hắn về tranh thủ...
- Rứa há? Ba con Chụt có về há? Mừng hỉ?
- Dạ, về chỉ một lúc. Mẹ thỏn thẻn phân trần - Anh ấy ra Bắc nhận quân. Trên đường xin thủ trương tạt qua nhà một lúc...
Gặp người tuổi sàn sàn, mẹ rủ rỉ:
- Ả đi cấy à? Mẹ khẽ lấy tay vuốt cái bụng lùm lùm, ra chiều mình khó khăn khi bầu bị lúc bom đạn - Tưởng gặp lúc vội vàng, không có chi. Ai ngờ anh đi ít hôm, thì tui ra ri đây!..
- Hả? Anh ấy về lúc mô? Răng không ai biết chi?
- Đang khuya nửa đêm, nghe tiếng gõ cửa, hóa ra anh ấy... Mẹ tỉ tỏn kể - Ni lông ni lá ượt nhoẹt, anh nói ra Bắc nhận quân. Trên đường, xin thủ trưởng tạt về nhà một chút...
Rồi như vào mạch, mẹ rỉ rỏn rất cảm động, giữa sự tin như ruộng cấy nếp của người nghe:
- Có con gà tơ, định thịt nấu cho anh bát cháo. Anh gạt đi. Hì hì... Nắm cổ tay em kéo tuột lên giường...
- Rưa thì... nhất em rồi đó!.. Không khéo trời cho thằng cu...
- Em cũng mong rứa!.. Mẹ được đà, rỏn rẻn nói - Chiến tranh chưa biết khi mô kết thúc. Chưa biết chừng, chừ còn nằm trong bụng mạ, mai tê lại ôm súng lên đường...
Đàn bà nhà quê, dễ tin rứa đó, ba ạ.
  Mấy tháng sau, em trai con chào đời. Nó được mẹ khai sinh là Trần Nguyên Phúc, đúng họ cha con mình. Mẹ nói, đặt tên Phúc, mong nó để phúc ấm cho gia đình ta. Lỡ ra ba không trở về, đã có nó trụ cột gia đình mai sau. Bây giờ, em trai con đã vào đại học, khôi ngô tuấn tú lắm ba ạ. Nó chững chạc ra dáng cột nóc nhà ta. Ba có thể thanh thản ngậm cười nơi chín suối. Việc chăm lo gia đình, ông bà tổ tiên, đã có em trai con...
Chuyện bí mật nhà ta là thế, chỉ có mẹ (và cả con vô tình được biết) điều được sâu kín đó. Còn em trai con, nó không biết chi về chú Đỗ Quặt đội trưởng sản xuất xưa kia...
Con gửi thư này cho ba, về chốn Cửu Tuyền, thuộc Cõi Vô Cùng, theo hộp thư coivocung@gmail.com. Ba mở ra mà đọc nhé?
                                                                                                D.T.L
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)