bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 30
Trong ngày: 104
Trong tuần: 971
Lượt truy cập: 685868

THƯƠNG NHỚ PHÚ YÊN

THƯƠNG NHỚ PHÚ YÊN

(Tạp văn)

 

          Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Hải Dương, một thành phố nhỏ nằm trong vùng đồng bằng Bắc bộ. Hải Dương quê tôi cách Tuy hoà Phú Yên trên 1200km nhưng tự bao giờ Tuy Hoà - cái thành phố duyên hải xinh đẹp đã ở trong trái tim tôi.

          ... Đó là vào khoảng đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, lúc đó tôi còn rất trẻ. Cả nước đang đánh Mỹ, có phong trào kết nghĩa Bắc Nam giữa các thành phố tỉnh miền Bắc với các thành phố tỉnh miền Nam như Hà Nội với Huế - Sài Gòn, Hải Phòng với Đà Nẵng... và Hải Dương với Phú Yên. Từ đó, miền Nam ruột thịt và Phú Yên kết nghĩa đã trở thành tình yêu và nỗi nhớ của người Hải Dương trong đó có tôi.

          Hướng về Phú Yên kết nghĩa, Hải Dương lúc đó đã đổi tên những phố cổ: Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Lọng, Kho Bạc, thành phố Sơn Hoà, Xuân Đài, Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hoà là những địa danh của Phú Yên. Hàng ngày người thị xã quê tôi đi trên những con đường đó và mỗi bước đi lại nhớ về Phú Yên xa xôi.

          Quê tôi có chợ Phú Yên (trước đây gọi là Chợ Lớn vì nó lớn nhất thị xã) nằm ngay trung tâm thị xã. Gia đình tôi mấy thế hệ từ mẹ tôi, chị em tôi và các con tôi đã hàng ngày đi chợ ấy, và mỗi lần bước qua cổng chợ có dòng chữ "Chợ Phú Yên" ấy lòng chúng tôi lại thầm nhớ Phú Yên.

          Trong bài thơ "Miền Nam" của Tố Hữu viết vào năm 1963 có những câu thơ nhức nhối lòng người:

                   "Nếu tâm sự cùng ta bạn hỏi:

                   Tiếng nào trong muôn ngàn tiếng nói

                   Như nỗi niềm nhức nhói tim gan

                   Trong lòng ta hai tiếng miền Nam"

          Phú Yên là "miền Nam" của Hải Dương đấy. Phú Yên đau thương, Phú Yên kiên cường đánh Mỹ, bao giờ Hải Dương Phú Yên "sum họp một nhà"?

          Bao giờ đến cái ngày:

          ...       "Là Nam về với Bắc

                   Là ba mốt triệu người

                   Mừng nhau trong nước mắt

                   Là Bác Hồ làm thơ

                   Bài thơ vui sướng nhất

                   Trong thơ Người từ xưa."

          Những năm đánh Mỹ, bao người Hải Dương đã vào Phú Yên chiến đấu, để chi viện cho Phú Yên, chi viện cho miền Nam với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" và "Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Phú Yên kết nghĩa". Sau này tôi mới được biết hàng trăm người con Hải Dương đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Phú Yên. Máu của các anh đã đổ càng tô thắm thêm tình nghĩa sâu nặng Hải Dương - Phú Yên.

          Hướng về Phú Yên, chúng tôi đã tìm đọc những bài thơ về Phú Yên như để tìm hiểu thêm, để yêu thêm mảnh đất cách xa ngàn trùng ấy với những địa danh oanh liệt và danh lam thắng cảnh như Đèo Cả, Vũng Rô, Núi Đá Bia, Tuy Hoà. Bài thơ "Đèo Cả" của Hữu Loan và "Nhớ máu" của Trần Mai Ninh đã có những câu như vậy.

          Bài "Đèo Cả", một bài thơ bi tráng được Hữu Loan viết năm 1946 có những câu:

                   "Đèo Cả

                   Đèo Cả

                   Núi cao ngất

                             mây trời A Lao

                             sầu đại dương

                             dặm về hun hút

                   Đá Bia mù sương

                   ...........................

                   Giặc từ Vũng Rô bắn tới

                   Giặc từ trong đánh ra

                   Đèo Cả

                              vẫn

                                   giữ

                                       vững."

          Còn bài "Nhớ máu" (một trong những bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX) của nhà thơ liệt sĩ Trần Mai Ninh cũng được sáng tác năm 1946, lúc ấy Tuy Hoà cùng cả nước đang sục sôi chờ đợi kháng chiến toàn quốc sắp nổ ra. Bài thơ "bất tử" ấy (lời Thanh Thảo) được hình thành từ cái gió Tuy Hoà:

                   "Ơi cái gió Tuy Hoà

                   Cái gió chuyên cần

                   Và phóng túng

                   Gió đi ngang đi dọc

                   Gió trẻ lại - lưng chừng

                   Gió nghỉ,

                   Gió cười

                             Gió reo lên lồng lộng."

          Tôi đã đọc những bài thơ viết về Tuy Hoà, Phú Yên với một niềm đam mê và cả niềm thương nhớ.

          ... Biết về Tuy Hoà Phú Yên từ năm hơn mười tuổi thế mà hơn nửa thế kỷ sau tôi mới được đặt chân lên mảnh đất này trong một chuyến đi công tác thật may mắn, hiếm hoi cùng đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương cuối tháng 10 năm 2014 vừa qua. Biết bao mong chờ, hồi hộp, xúc động. Khi xe chúng tôi lăn bánh trên đèo Cả bắt đầu từ Khánh Hoà sang đất Phú Yên. Kia Vũng Rô, nơi diễn ra khúc bi tráng của lịch sử Đoàn tàu không số trên biển Đông. Kia Núi Bia, "Nam thiên đệ nhất trụ" (cây trụ kì vĩ nhất trời Nam). Kia đầm Ô Loan, cái đầm có nước mặn từ biển vào mỗi khi thuỷ triều lên, có nước ngọt từ sông Cát đổ từ các suối để về, cái đầm có con sò huyết ngon nổi tiếng. Kia, kia... chúng tôi reo lên như gặp lại người thân sau bao ngày xa cách.

          Khi xưa thi sĩ Trần Mai Ninh đã viết:

                   "Ơi cái gió Tuy Hoà

                   Cái gió chuyên cần

                   Và phóng túng"

          Đến Tuy Hoà, ấn tượng đầu tiên là "gió". Chúng tôi đã cảm nhận bằng tất cả giác quan của mình về ngọn gió vừa lạ lùng vừa lãng mạn và thơ mộng ấy. Nó thổi dọc ngang phóng túng, nó lồng lộng trên đường phố ven biển. Và chúng tôi cũng cảm nhận cái chất người Tuy Hoà "chuyên cần và phóng túng" nơi đây.

          Đi qua hai mươi mốt tỉnh, đến đâu cũng được bạn bè ân cần tiếp đón nhưng về Tuy Hoà, chúng tôi mới thực sự là "về nhà". Gặp anh chị em văn nghệ sĩ Phú Yên thật cảm động. Những cái bắt tay thật chặt, những vòng ôm thân ái, những ánh mắt than thiết. "Trăm núi ngàn đèo anh tới đây...". Chúng tôi hiểu giây phút sum họp như thế này thật hiếm hoi, quý giá.

          Bạn đối đãi chúng tôi như những người khách quý, đúng hơn là như những người anh em thân thiết trở về.

Sau này chúng tôi còn được Hồng Cờ, một nhà thơ Hải Dương kể lại: trong những năm tháng chống Mỹ ông đã từng chiến đấu ở Phú Yên.Ông cũng làm thơ nhiều về Phú Yên. Năm 2011,Hồng Cờ vào Phú Yên dự “ Đêm thơ Nguyên Tiêu”. Ông kể: “ Từ bé đến giờ chưa bao giờ, ở đâu tôi được người ta quý như thế”. Người Phú Yên còn nhớ mãi câu nói của ông:” Được đến Phú Yên rồi…tôi chết cũng mãn nguyện”.

Bạn đưa chúng tôi đến thăm những di tích, danh lam thắng cảnh của quê hương: này Tháp Nhạn, này nhà thờ Mằng Lăng, này gành Đá Đĩa, này đầm Ô Loan... Chúng tôi hiểu những nơi đó là niềm tự hào của quê hương bạn.

          Bạn bảo Phú Yên là nơi sinh ra nghề câu cá ngừ đại dương mà cả nước biết đến, rằng đánh cá ngừ đại dương là mũi nhọn kinh tế của Phú Yên, rằng Phú Yên có ngư trường lớn nhất, sản lượng cá ngừ lớn nhất miền Trung, rằng bất chấp "tàu lạ" ngư dân Phú Yên vẫn kiên cường bám biển.

          Bạn kể về cái "gió Tuy Hoà", đến tháng 6 tháng 7 dù đi đâu lúc về Tuy Hoà, khi đi qua đèo Cả, bỗng nghe bên ngoài tiếng ù ù át tiếng xe, ngọn gió lồng lộng là biết "về nhà rồi".

          Bạn tâm sự rằng, người Phú Yên xa quê, về đồ ăn nhớ nhất là nước mắm và bánh tráng. Hễ ra bến tàu, bến xe đón người thân (kể cả ga Sài Gòn), thấy ai kè kè bên nách gói giấy căng phồng bánh tráng thì chắc chắn đó là dân Phú Yên trăm phần trăm. Họ mang quà cho người thân đấy. Có nhiều thứ quý hơn, nhưng đi đâu họ cũng mang chồng bánh tráng, dường như đó là niềm tự hào của mọi người bất luận giàu nghèo... Rồi đi nước ngoài nhớ nước mắm quê nhà, về Hà Nội ăn một bữa cơm có nước mắm, trúng thực "muốn chết luôn". Bạn bảo, mỗi lần gặp anh chị em văn nghệ sĩ Hải Dương thì rất vui, bạn luôn miệng kể "vui quá trời...".

          Bạn có biết nghe bạn kể mà lòng chúng tôi trào lên bao thương mến. Người Phú Yên cần cù chịu khó, kiên cường gan góc, người Phú Yên giàu tình cảm, mến khách, người Phú Yên mộc mạc, cởi mở, chân thành.

          Chúng tôi đến Phú Yên đúng những ngày đoàn Sao Biển của Phú Yên vừa đi Hải Dương biểu diễn về để chào mừng 210 năm khởi lập Thành Đông và 60 năm giải phóng Hải Dương. Tôi đã được các em trong đoàn Sao Biển kể rằng đã đi biểu diễn ở các huyện Thanh Miện, Cẩm Giàng, Thanh Hà và thành phố Hải Dương, rằng đi đến đâu cũng được bà con Hải Dương yêu mến. Ở Tuy Hoà chúng tôi đã gặp đoàn đại biểu của thành phố Tuy Hoà do bà chủ tịch thành phố làm trưởng đoàn ra Hải Dương dự lễ. Thật ấm lòng khi từ một nơi xa Hải Dương hàng nghìn cây số, chúng tôi được nghe lời giới thiệu hân hoan: "Đây là đoàn văn nghệ sĩ Hải Dương...", "Hải Dương đấy..." của người Tuy Hoà. Chúng tôi hiểu rằng "Hải Dương" luôn nằm trong trái tim, niềm thương nỗi nhớ của những con người trên mảnh đất phương Nam đầy nắng và gió này.

          Nhân dân Phú Yên luôn biết ơn nhân dân Hải Dương vì những năm tháng chống Mỹ. Chúng tôi đã nhận thấy điều đó khi đến thắp hương ở "Đài tưởng niệm" toạ lạc trên núi Nhạn. Trên những bia đá trong nhà tưởng niệm có trân trọng khắc tên những người con Hải Dương đã hy sinh ở đây.

          Đêm giao lưu giữa Ban chấp hành hai hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương, Phú Yên cũng thật cảm động. Chúng tôi đọc cho nhau, hát cho nhau nghe những bài thơ, bài hát sáng tác về Hải Dương, Phú Yên. Lạ thế, những bài ấy sao hay có câu: "Thương lắm Hải Dương ơi" "Thương lắm Phú Yên ơi". Đêm nay ngồi đây, ngày mai ta chia tay nhau rồi. Nghe mà muốn khóc.

          Đến đây chúng tôi mới hiểu: tình nghĩa Phú Yên - Hải Dương đã đi vào chiều sâu, không chỉ ở các cấp, các ngành của hai tỉnh mà đã đi vào từng gia đình, từng cá nhân. Ở đây rất nhiều gia đình có chồng hoặc vợ là người Hải Dương. Từ đất Hải Dương xa xôi họ đã đến đây xây tổ ấm và coi Phú Yên như quê hương thứ hai của mình. Và những đứa con trong những gia đình ấy vừa biết nói giọng Bắc vừa biết nói giọng Nam.

          Tôi đã gặp những văn nghệ sĩ ở hai tỉnh có tâm hồn đồng điệu với nhau. Họ là những nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Họ "gặp nhau" trong tình yêu nỗi nhớ về Hải Dương và Phú Yên yêu dấu và trong tình cảm chung đó, có chút tình cảm riêng tư quý trọng nhau vì "sắc", vì "tài".

          Hai ngày hai đêm trên đất Phú Yên thật ngắn ngủi. Chúng tôi đã được hưởng cái gió Tuy Hoà, được ngắm cảnh Phú Yên, được nắm bàn tay nghe giọng nói tiếng cười của người Phú Yên, ăn những bữa cơm, uống những ngụm nước Phú Yên, hít thở bầu không khí Phú Yên, đêm nằm lắng nghe tiếng sóng biển Phú Yên mơ hồ vọng lại...

          Đêm cuối cùng chúng tôi cùng nhau dạo bước trên đường phố Tuy Hoà, ra biển đi chân trần trên cát, đón gió từ biển thổi vào để cảm nhận lần cuối hơi thở, sự sống nơi đây. Chưa xa Tuy Hoà mà lòng đã chất đầy nỗi nhớ.

          Sáng ra, khi xe của đoàn chớm lăn bánh vào đường 1A, nhiều người trong chúng tôi hiểu rằng từ giờ phút này trở đi, Phú Yên, Tuy Hoà đã trở thành ký ức, hoài niệm bởi rất khó có dịp được trở lại. Chào Phú Yên nhé. Thương lắm Phú Yên ơi.

Hải Dương, tháng 11 năm 2014

nh_my_mh

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)