bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 37
Trong ngày: 375
Trong tuần: 1144
Lượt truy cập: 686576

TRẦN THỊ NƯƠNG

Trần Thị Trâm

TRẦN THỊ NƯƠNG VÀ NIỀM KHÁT KHAO ĐI TÌM CÁI ĐẸP LÝ TƯỞNG GIỮA CUỘC ĐỜI

   Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, Trần Thị Nương đã trở thành gương mặt quen thuộc trên văn đàn với một giọng thơ nồng nàn, sâu lắng, bùng cháy và phóng khoáng. Là người đam mê thơ, chị tôn thờ và luôn khát khao đi tìm cái đẹp lý tưởng giữa đời thường, đi tìm cái ánh sáng trong bóng tối, đi tìm niềm tin ngay khi trái đất đang đầy biến động. Bởi chị quan niệm, bản chất nghệ thuật là không ngừng đổi mới, vì thế người nghệ sĩ cần phải đi đến tận cùng của cái đẹp để hình thành cho mình một cá tính sáng tạo riêng:
Cái đẹp là gì? Đi tìm mãi
Càng đi càng thấy sóng không lời
 (Tiên núi)

 Hành trình đi tìm cái đẹp lý tưởng đã thắp sáng niềm tin giúp tác giả luôn bay về phía mặt trời, thăng hoa, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại để có thể đi xa và đạt được những thành công:
Niềm tin như nắng mai
Ngời ngời trên mặt đất
Cuộc đời thi vị nhất
 Bởi chúng mình tin nhau
(Niềm tin)

Tài hoa và cần mẫn, “vững vàng trong cấu tứ, đa dạng về nội dung, giàu kinh nghiệm khi thể hiện” (Nguyễn Giang), Trần Thị Nương đã trình làng tới 17 tập sách (trong đó có 16 tập thơ và 1 tập văn xuôi), với tổng số hơn 700 bài và đã được nhận tới 14 giải thưởng từ Trung ương đến địa phương. Thơ chị không chỉ có diện mà còn có đỉnh. Năm 2001, bài Dây bầu và bức tường mảnh chai của chị đã vinh dự được Văn nghệ Quân đội chọn là một trong những bài thơ hay sau 1975. Hướng thiện và đa sắc, thơ Nương có những câu lấp lánh ánh sáng trí tuệ của trái tim, tinh tế, trong vắt và mềm như lụa:
Tháng Mười
Ai thả
Hương cốm
Lừng chiều?
Trầu xanh cánh phượngimg20230806143946
Ngập ngừng lời yêu
(Tháng Mười)

Kia rồi em gánh mùa xuân tới
Dịu dàng bước ngọc vóc hoa tươi
 (Sắc thắm)

Có những câu thật sâu lắng, nồng nàn tình yêu cuộc sống:
Cuộc đời ơi
Yêu Người
Say đắm
Ta nâng niu
Từng
Phút
Giây
Vàng
(Bóng thời gian)

Ta say trái đất người nhân hậu
Trái tim thắp lửa cháy từng ngày
(Mùa xuân mới)

Nhưng lại có nhiều câu trĩu nặng nỗi đau nhân thế, được viết từ trong máu ứa, từ dưới thứ ánh sáng tỏa ra từ cội nguồn triết mỹ, trên cơ sở của một nền tảng kiến thức vững chắc:
Đã tàn bao cuộc chiến tranh
Vẫn nghe ruột đất nấc thành tiếng đau
 (Cõi linh)  

Trên bức tường
Mảnh chai cứa vào không gian
Dây bầu
Ung dung
Trĩu quả…
(Dây bầu và bức tường mảnh chai)

   Trong quá trình kiếm tìm những mật số của cuộc đời, dường như mọi cảm xúc đều được người viết đẩy lên đến tận cùng vì thế đã có được những câu thơ nồng tình mà sáng trí, giàu tính tư tưởng, hàm chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc, những tuyên ngôn nghệ thuật tường minh:
Ai tìm về rượu để say
Tôi tìm nhân thế tháng ngày ủ men
(Đường nhân gian)

Tận cùng trong mỗi nỗi đau
Hóa vào thơ bắc nhịp cầu thảnh thơi
(Tiếng gọi)

Mặt người thật ở đằng sau
Nghìn gương chiếu hậu, nghìn bầu trời riêng
(Ngắm)

Trái tim không còn yêu nữa
Đời người sống cũng như không
(Yêu)

Tôn thờ và khát khao kiếm tìm cái đẹp lý tưởng nên với chị, yêu mang ý nghĩa khai sáng; yêu - ghét phân minh, rạch ròi, quyết liệt: Yêu là mở ngôi nhà vũ trụ/ Những hành tinh lạ hoắc đợi chân người … Yêu là diệt đến cùng loài sâu mọt/ Gậm nhấm gầm cầu, gậm nhấm nhân tâm (Mặt trời yêu). Cái đẹp mà chị tôn thờ phải là cái đẹp gắn với sự cao cả. Sống là phải yêu bởi: Sống không yêu nhân loại có cũng thừa (Mặt trời yêu). Yêu là thủy chung như nhất: Thiếu nhau bạc tóc cũng tìm (Tiếng gọi).

   Với chị, để xã hội phát triển văn minh, con người phải được giáo dục để trở thành những người có lý tưởng - những người ngọc mà chị tha thiết kiếm tìm: Giữa mấy tỉ người trên trái đất/ Tôi tìm người ngọc của riêng tôi (Chợ đá). Đã là thơ phải là con thuyền tải đạo - bình tâm/ Gắn mọi kiếp người buồn vui trăn trở (Con thuyền); mỗi vần thơ phải đọng mấy kiếp người… là mái chèo thuyền nhân gian (Ngẫm). Hoa (biểu tượng của cái đẹp) phải là những loài tinh khiết, thanh quý, hữu sắc, hữu hương, như: huệ trắng, sen vàng, là đóa hồng: Thánh thiện, trinh nguyên, bờ thế kỷ/ Lọc hết tạp giao để trong ngần (Hoa hồng). Nếu là hoa dại thì phải là mạy may với vẻ đẹp nguyên thủy hoang dã hương thơm ngát miền đồi. Qua đó, chị gửi gắm lòng biết ơn sâu nặng của mình với đồng bào các dân tộc miền núi, những con người mộc mạc, nhân hậu và ân tình. Trong thơ Nương có lửa, ngọn lửa của lòng đam mê, nghị lực và trí tuệ. Ngọn lửa ấy có khi bùng cháy rực rỡ nồng nàn nhưng có khi lại Cháy lặng im một cách thật dịu dàng. Theo người thơ có con mắt xanh Phạm Tiến Duật thì “bùng cháy là một phẩm chất thơ Trần Thị Nương”.

   Khảo sát Men lửa, tập thơ chọn lọc của tác giả (Nxb Văn học, 2022), ta dễ dàng nhận thấy: có rất nhiều bài thể hiện sự khao khát, bùng cháy: Vẫn cháy, Cháy lặng im, Men lửa, Lửa hồng, Lửa nồng, Lửa xòe, Lửa reo, Lửa Prômêtê, Khát, Khát bạn, khát nhau, Sóng khát, Giếng khát… Tần số xuất hiện của các từ cháy, lửa và những từ gần nghĩa với chúng (khát, ngọn đuốc, mặt trời…) rất lớn: Một chút dịu êm chẳng làm tan băng giá/ Ngọn lửa nào ngùn ngụt cháy quanh em. (Chuyến đò đầy); Trái tim thắp lửa cháy từng ngày (Mùa xuân mới) Vần thơ cháy đến khôn cùng (Nợ); Em nhớ anh như nước nhớ nguồn/ Ngọn lửa cháy ngầm trong than ủ (Vĩnh hằng); Cõi người ngút lửa đam mê (Cung bậc) Ta khát sống như người đời khát sống/ Ta khát yêu như cây khát mặt trời (Bóng thời gian); Khát nhau như khát nước lành (Nhật thực)…  
   Điều thú vị là, thơ Trần Thị Nương không chỉ sâu sắc, nồng nàn, bùng cháy, mà vô cùng phóng khoáng - điều ít thấy ở những cây bút nữ khác.
   Thơ chị phóng khoáng trước hết vì nhà thơ không dừng lại ở chuyện bếp núc củi lửa, mà luôn vươn tới những đề tài lớn mang ý nghĩa xã hội và có tính vĩnh cửu: tình yêu Tổ quốc, tình yêu con người, yêu thiên nhiên; tình yêu thi ca, cái đẹp và cái thiện… Nó làm cho thơ chị mang tính tư tưởng rất rõ, lãng mạn đấy mà vô cùng tỉnh táo:
Tổ quốc con yêu trong tình thương của mẹ
Mỗi hạt giống bây giờ
Lấp lánh nắng
Mai sau
 (Cánh đồng thời gian)

 Ôi Tổ quốc!
Con mang người trong ngực
Lời Bác giữa đền Hùng
Linh vọng thấu mai sau
(Khúc hát biển xanh)

Thơ Nương phóng khoáng còn bởi vì chị luôn có những tìm tòi sáng tạo, giầu liên tưởng, phát hiện mối liên hệ đa tầng giữa tình cảm riêng tư với những tình cảm thiêng liêng và lớn lao: Tiếng hát trái tim mình/ Trong nhịp đập Thăng Long (Mắt trời xanh). Điều này làm cho thơ chị có tính khái quát cao: Lệch chiều trĩu gánh ca dao/ Chợ tan…bóng mẹ tạc vào thời gian (Bóng mẹ). Dù viết về những vấn đề đời tư, đời thường như: tình yêu, tổ ấm, hạnh phúc gia đình, tình yêu mẹ cha…thơ Nương vẫn giữ được phẩm chất bùng cháy và phóng khoáng:
Có phải tình yêu là ngọn đuốc
Cháy tận cùng trong mắt người yêu
(Thiên thần tình yêu)

Em mang tình anh
Cao nguyên đầy gió
Em mang tình anh
Cao nguyên mặt trời
(Tình anh - cao nguyên)

Nhưng có lẽ sự phóng khoáng của thơ Nương là do tư duy thơ độc đáo, với một không gian vũ trụ, ngôn ngữ của vũ trụ và một trường liên tưởng khác lạ. Nhà thơ luôn liên tưởng tới những gì kỳ vĩ, dữ dội như núi cao, biển rộng, sóng trào, thác đổ, lửa cháy, sấm chớp, bão giông, gió giật, mưa lũ…. và những biểu tượng của ánh sáng như mặt trời, mặt trăng, ánh nắng, hào quang… Nỗi buồn cô thành đá/ Niềm vui chớp chân mây (Hai mươi năm tìm bạn); Đời có nhau sấm sét nghe rất nhỏ (Riêng tư); Một vùng chênh vênh đá/ Tựa vào nhau tầng tầng/ Chạm vút vào thiên cổ/ Rạn mình trong hư không (Hồn đá núi); Biển động quất liên hồi vách đá/ Rút máu mình - yến làm tổ ban mai (Không biết tự khi nào). Giống như dân gian, chị thường so sánh con người (Tiểu vũ trụ) với đại vũ trụ thiên nhiên: Tiếng anh như tiếng suối/ Cất từ ruột núi xa (Tiếng anh); Anh là thủy triều của biển/ Dâng thành con sóng đời em/ Anh là mặt trời của núi/ Trăng em mòn mỏi đi tìm (Giấc mơ); Có phải anh là thác ngọt/ Để em chết khát tìm về (Núi nhớ).
   Thậm chí, ngay cả khi diễn tả nỗi lòng thương con (thời khắc chàng trai cưới vợ), người mẹ làm thơ cũng liên tưởng với rền trời sấm động và lập tức có được một độc sáng, vì thế, độ phóng khoáng của thơ chị đã được đẩy lên một nấc cao hơn: Ngày mai con lấy vợ. Đêm nay trăng khuyết sân nhà…Thương con rền trời sấm động. Đời người biết mấy phong ba (Lời của lửa).

  Sự phóng khoáng còn được thể hiện khi nhân vật trữ tình xuất hiện trong một không gian vũ trụ với những hành động dứt khoát, mạnh mẽ: Em bay lên bầu trời trở gió/ Anh hóa cầu vồng, bẩy sắc đợi trong mưa/ (Tri âm); Em khoan đá gọi mạch trong/ Anh men núi thẳm hứng mong manh trời (Cung bậc). Ngàn năm vạn năm tỉ năm/ Bão xoay mặc bão. Sương vằm mặc sương (Đợi).
 Cũng như những thi nhân tài hoa khác, chị có thể Tiên cảm cả đất trời (Đồng hành), có khả năng chuyển đổi cảm giác để có thể hữu hình cái vô hình, Tìm lại cái có trong cái không/ Cái còn trong cái mất (Cánh đồng sau mùa gặt): Xòe tay bên bờ gió/ Hứng từng tiếng chim rơi (Ai gọi); Mưa vẫn dày, nắng vẫn mỏng như xưa/ Hồn khô khát buồm nâu đợi gió/ Một chút dịu êm chẳng làm tan băng giá/ Ngọn lửa nào ngùn ngụt cháy quanh em (Chuyến đò đầy); Em hái mùa xuân ấm áp/ Qua bao đông giá đợi chờ (Hương chè)…

   Khát khao sáng tạo, Trần Thị Nương không chấp nhận sự nhạt nhòa, sáo rỗng, luôn vươn lên trong cách nhìn, cách sống: Tôi thừa tôi khắc giây nhạt thếch (Tự mất). Với ý thức rất rõ về vai trò và trách nhiệm xã hội của người cầm bút, chị đã không ngừng nỗ lực đổi mới thơ và đổi mới chính mình. Đề cao cái đẹp trong lao động, nhà thơ lặng lẽ Tháng năm gieo chữ âm thầm (Có một cánh đồng) trên cánh đồng chữ nghĩa, Vắt óc ra gọi vần…Vắt hồn lên trang viết (Đồng hành), Quên ngày rút ruột tơ cùng thời gian (Vẫn chờ) để dâng hiến cho đời những bài thơ hay, những tứ thơ mới lạ, sâu sắc và độc đáo. Để đi tới đích chị không ngại thử bút ở nhiều thể loại. Truyền thống như lục bát, song thất lục bát (Lời, Duyên, Màu thời gian, Cõi linh, Nắng miền Tây…). Hiện đại với thể thơ tự do, mỗi dòng dài ngắn rất khác nhau: 1 tiếng, 2 tiếng, do 3 tiếng, 4 tiếng, 5 tiếng, 7 tiếng (Vấp, Ngày xuân, Sông ơi…), thơ văn xuôi (Cung bậc của mùa Đông, Cất sóng, Lời của lửa). Thậm chí có bài mang dáng vẻ của Tân hình thức (Vấp). Thơ chị có độ dài ngắn khác nhau: có thơ hai câu, thơ tứ tuyệt, thơ bát cú, lại có cả thơ trường thiên… (bài Bóng thời gian dài tới 72 câu). Mặt khác, nhà thơ Trần Thị Nương còn đóng góp và làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc bằng những từ rất mới, rất lạ: Nông nênh, thông thênh, mặm muội, lâng khâng, hoáng… Trăng vàng đậu giữa bàn tay/ Mây đem trăng giấu hoáng đầy không gian (Một thoáng trăng vàng). Suốt đời đi tìm cái đẹp lý tưởng, Trần Thị Nương đã có: “một sự chuyển đổi chắc chắn tinh tế, nhiều góc cạnh và ngày càng đa nghĩa, ám ảnh” (Nguyễn Hưng Hải). Với niềm đam mê và không ngừng sáng tạo, hy vọng, từ thơ chị Mùa xuân/ Vĩnh viễn/ Đơm chồi (Xòe bên hầm Đờ Cát).

                                                   Hà Nội, Hè Nhâm Dần 2022.
                                                    Phó GS-Tsĩ Trần Thị Trâm
img20230806143900

GIỚI THIỆU MỘT CHÙM THƠ TRONG "MEN LỬA"

Lên Mường Trời

Một ngày cùng anh lên núi
Tuyết bay trắng cả Mường Trời
Chè thơm Suối Giàng quên tuổi
Âm thầm trổ búp non tươi.

Tiếng khèn người Mông da diết
Bồi hồi thắc thỏm chờ trao
Quả còn nằm mơ gặp bạn
Trống trường dội đá khát khao.

Bao năm vượt rừng lội suối
Ngón chân bấm vẹt cổng trời
Chắt chiu tháng ngày mong đợi
Hạt vàng tách vỏ sinh sôi.

Một ngày bâng khuâng về núi
Ngỡ trong huyền thoại Mường Trời
Lặng im cái nhìn bối rối
Lửa lòng cháy đến khôn nguôi.
 
Ở phía bên này

Ở phía bên này chạnh nhớ bên kia
Núi tỏa hương vòm mây bạc
Suối vắt mình vào bức tranh thuỷ mạc
Em vắt nỗi nhớ thầm qua mảnh trăng thanh.

Phía bên kia ngôi nhà lá chiều chiều
Cha mẹ ngóng em hoài trước ngõ
Chưa một lần bế bồng em thủa nhỏ
Nên quý nên thương tự bao giờ?

Em thờ ơ trước ồn ã si mê
Lòng hút về ngôi nhà bé nhỏ
Củi xoan gầy cháy hết mình làm lửa
Mẹ cời ủ chín hoàng hôn.

Ở phía bên này nhớ phía bên anh
Tóc cha bạc trên cánh đồng không tuổi
Chiếc gầu sòng cả đời buộc mối
Mẹ tát cạn đời mình năm tháng tươi xanh
Mẹ dốc cạn đời mình em được có anh.

Ở phía bên này trĩu nhớ xuống bên anh.
 
Phía mặt trời

Hướng mặt trời
ngất ngây cao nguyên mây phủ
gọi mai về trong tiếng hót Rlưng
ngọn thác chưa bao giờ biết ngủ
ai thương ai ngùn ngụt ngọn lửa rừng.

Hướng mặt trời có mẹ và anh
cây đa lớp truyền đời xanh nóc đá
hoa văn nở suốt tháng ngày cách trở
trăng vẫn tròn sau bão... tinh khôi.

Bon, làng xa xôi
nhà ai vách núi?
Cồng chiêng ưu tư
hút hồn vía ai rồi?
Một lần gặp, một đời đứng đợi
phía mặt trời
đau đáu
khôn nguôi.

Hai mươi năm tìm bạn
Tặng Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Dòng đời như thác chảy
Chao sóng nghiêng mạn thuyền
Thơ người neo tôi lại
Trước bến bờ đau riêng...
 
 Nâng niu tuổi thơ người
Xanh rờn trong ký ức
Người đem tuổi thơ tôi
Hành trang thời xa cách.
 
Nỗi buồn cô thành đá
Niềm vui chớp chân mây
Hai mươi năm tìm bạn
Lặng im giọt lệ gầy...
 
Bạn nhiều không kể xiết
Ào ạt thuỷ triều dâng
Đáy ngày vơi con nước
Biết ai người tri âm.

Mùa xuân

Có một mùa xuân bất chợt
Chuông reo sáng cả giao thừa
Không hẹn không chờ không đợi
Lạ lùng như thể bùa mê.
 
Mùa xuân tràn lên mặt đất
Đất run rẩy nụ thân cành
Mùa xuân chạm vào ngực đá
Xù xì đá thốt âm thanh.
 
Mùa xuân về non bến nước
Sáo ai ngơ ngẩn nhành chiều
Ríu ran chim chuyền cành biếc
Cho ngày bớt hẹp thương yêu.
 
Xuân sang đậm đà hương sắc
Ngỡ chưa xuân thế bao giờ
Đổi cả chuỗi ngày lạnh ngắt
Cháy cùng lửa trái tim thơ.

                   T.T.N
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)