bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 593
Trong tuần: 1466
Lượt truy cập: 640629

TRÊN ĐỈNH CHÈ MÈ

Cầm Sơn
 
TRÊN ĐỈNH CHÈ MÈ
 
  Chúng tôi xuất phát từ phố Vàng thị trấn Thanh Sơn hồi 6h00 lên Sơn La theo chương trình của nghệ sĩ Nhiếp ảnh Út Mười chụp hình nghệ thuật dân tộc Mông. Để có chuyến đi này, Út Mười đã liên hệ với Chiến là cháu rể tôi hiện đang làm đội trưởng một đội trồng rừng tại Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn. Do phải thuê lao động cho việc chăm sóc, bảo vệ rừng trồng, Chiến có liên hệ mật thiết với nhiều bản làng bà con dân tộc thiểu số Tây Bắc, trong đó có bản Chè Mè thuộc xã Mường Bang huyện Phù Yên tỉnh Sơn La. Bản Chè Mè có trên 100 hộ hoàn toàn là người dân tộc Mông thuộc dòng Mông Si (Mông đỏ). Xe chúng tôi lên đến Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn đón thêm Chiến và một thanh niên người Mông đang làm việc cho Chiến tên là Phàng A Cở dẫn chúng tôi về bản. Đường đi về bản phải qua các xã Tân Lang, Mường Do rồi mới đến Mường Bang. Từ xã Mường Do về đến xã Mường Bang là một con lộ lởm chởm đá, nhiều chỗ tất cả phải xuống xe rồi khuân đá sửa đường xe mới qua được. Đoạn đường này dài khoảng trên dưới 10 Km.
 
  Đến Trung tâm Mường Bang, chúng tôi phải để xe lại bên ven đường rồi thuê xe ôm chở lên bản với đoạn đường khoảng 8 cây số. Mà phải là người bản xứ cũng mới làm được nghề xe ôm ở xứ này bởi đoạn đường đã đá lại còn phải leo dốc dựng đứng chạy ngoằn ngoèo khúc khuỷu, chênh vênh. Nếu tay lái không thành thạo thì rất dễ cho xe lao xuống vực. Có một điều may mắn là lúc sáng mới ra đi thì trời vần vũ tưởng mưa nhưng khi đến đây thì lại nắng kèm theo có gió phơn làm bầu trời xanh ngắt, trong vắt, rất thuận lợi cho việc chụp ảnh phong cảnh.
 
  Đến được bản thì đã muộn.  Chiến đưa chúng tôi vào nhà Sùng A Ly là anh rể Cở nấu cơm ăn trưa. Trong khi đợi cơm, tôi trò chuyện với Ly được biết anh sinh năm 1973 có vợ là Phàng Thị Mạy sinh năm 1977 còn đang ở trên nương tối mới về. Ly có ba đứa con trai, đứa lớn 18 tuổi cũng đã có con. Vậy là vợ chồng Ly thành ông bà nội. Đứa thứ hai học hết lớp 3 thì bỏ học, duy chỉ còn đứa thứ ba đang theo học lớp 8 ngoài trường nội trú của huyện. Về kinh tế chủ yếu làm nương rẫy, mỗi năm thu hoạch trên dưới 12 tấn ngô, 2 tấn lúa nương và nuôi được vài con lợn thả rông. 
  Cả bản làng chỉ thấy toàn nhà gỗ lợp ngói fibro ciment, trông cái nào cũng có vẻ tuềnh toàng, tạm bợ.  Duy nhất chỉ có một cái Nhà Văn hóa làm bằng khung bê tông, bưng ốp xung quanh và lợp bằng tôn mạ màu. Tuy có điện lưới đến tận bản nhưng đời sống còn nhiều thiếu thốn. Không đói nhưng nhìn chung là nghèo.
  Những nương ngô trùng điệp phủ kín mênh mông đồi núi đã khô trắng nhưng chưa thu hoạch. Cở bảo thương lái còn đang mải mê ở những nơi thuận lợi giao thông chưa có anh nào mò lên bản. Nếu đem về thì không có chỗ phơi nên cứ để phơi ngoài nương bao giờ thương lái đến mua mới cho thu hoạch. Đoạn đường từ trung tâm xã về vì là đường đất nên mỗi năm phải sửa một lần do qua một  mùa mưa đường sẽ lại bị phá. Và việc sửa đường cũng phải chờ cánh thương lái mua ngô bỏ tiền ra  chứ bà con dân bản lấy đâu ra tiền mà sửa. Vậy mà con đường đi qua bản Chè Mè này phía trong còn có hai bản nữa, xa hơn nhiều. Việc đi lại là bắt buộc nên dù đường xấu thì cũng vẫn cứ phải đi, chính vì vậy mà cánh đàn ông người Mông đi xe máy trên những con đường dốc đá gồ ghề này là chuyện thường ngày đâu có gì là đặc biệt.
  Cũng trong khoảnh khắc này, Út Mười đã tranh thủ đến một nhà có bà cụ trên 100 tuổi để ghi hình. Tôi đi theo Út Mười và cũng đã quay được một số cảnh sinh hoạt của cộng đồng dân bản.
  Trong khi đó nghệ sĩ Tiến Hải cũng sách máy đi vào nhiều nhà trong bản ghi lại được nhiều kiểu ảnh sinh hoạt thường nhật theo phong cách riêng của ông.
 
   Chúng tôi ăn cơm và cũng uống một hai chén rượu với chủ nhà, sau đó mặc chủ nhà với những người bạn khác trong bản ngồi tiếp nhau, chúng tôi tranh thủ nghỉ trưa để lấy sức làm việc. 14 giờ chiều, Phàng A Cở huy động được một số dân bản tham gia làm mẫu cho cánh nhiếp ảnh, có cả phụ nữ trung niên và cả những cháu gái trang phục dân tộc truyền thống tham gia. Riêng nam giới thì chỉ có một mình Cở vì đi làm lên nương vắng không huy động được. Việc chụp ảnh  chủ yếu là nghệ sĩ Út Mười lo sáng tác ảnh nghệ thuật chứ tôi và nghệ sĩ Tiến Hải chỉ là đi du lãm tìm hiểu để biết thêm một vùng đất mới. Tôi lo quay phim ghi hình giữ làm kỷ niệm và cũng để làm tài liệu cho đoạn phim này. Trời nắng đẹp lại chọn được vị trí rất thuận lợi. Cánh nhiếp ảnh chúng tôi cùng những người mẫu mải mê quên cả cái nắng chói chang. Sau khoảng hai giờ đồng hồ làm việc, cảm thấy đã “no” ảnh. Chúng tôi quay lại nhà Ly để gọi Chiến huy động xe ôm xuống núi. Vậy mà lúc này Ly cùng với hai người nữa vẫn đang ngồi quanh mâm rượu, có lẽ họ sẽ còn ngồi đến tối.
   Khoan hãy nói về môi trường, về kinh tế, xã hội hay vân vân những điều gì đó,  chỉ nói đến những tấm ảnh và những cảnh quay hôm nay, tại bản làng của một tộc người thiểu số trên đỉnh núi trong dãy Hoàng Liên Sơn, giữa trập trùng ngô, mênh  mông nắng gió có những người dân bản xứ trong trang phục dân tộc truyền thống cùng những con vật gần gũi với sinh hoạt thường nhật như con dê, con ngựa, con chó ẩn hiện trên khung hình ống kính, dẫu còn nghèo còn khổ nhưng người dân nơi đây thật hạnh phúc, họ không bị ảnh hưởng bởi những cơn bão hụi hè, những thói bon chen ganh đua kèn cựa, những cạm bẫy lọc lừa ngon ngọt, những tráo trở chộp giật trắng trợn dã tâm. Họ bằng lòng với cuộc sống của mình trên đỉnh núi khi thì ẩn hiện trong mây, khi thì ngập tràn nắng gió, vui với tiếng sáo bổng, tiếng khèn trầm, tiếng kèn lá da diết rủ bạn cùng nhau khoe váy áo đẹp đi xuống chợ tình để khi quay về thong dong dắt dây cương có ông chồng say khướt men lá rượu ngô do chính tay những người đàn bà nấu nằm vắt ngang lưng ngựa. Những ngày bản làng có hội, đàn ông đánh quay, múa khèn, còn đàn bà thì ném pao, nhẩy dây...Hình ảnh của họ được thu vào ống kính mấy gã "phó nháy" chúng tôi thấy cứ phiêu bồng, hòa quyện cùng mây trời, sương khói.

                                                                                                 C.S


 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)