bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 14
Trong tuần: 1140
Lượt truy cập: 634229

TRUYỆN KÍ CỦA LƯƠNG KY

DƯ ÂM ẤT DẬU

 

Truyện kí của LƯƠNG KY 

 

...Suốt chặng đường trên chuyến xe khách liên tỉnh khá dễ chịu, tôi lim dim ngủ gà ngủ vịt. Thực ra tôi không mệt mỏi nhưng trong đầu cứ lởn vởn câu hỏi vì sao ông bạn hồi nào công tác cùng đơn vị nay đã nghỉ hưu lại muốn đem chuyện chuẩn bị lấy vợ của đứa con đầu ra bàn với tôi, để "xin ý kiến ông" như anh ấy phôn, xem ra quan trọng lắm. Đã đành chúng tôi không là anh em ruột, nhưng rất thân tình. Thằng Quyết và cái Tâm con nhà ấy tôi cũng coi như thằng Kiên con Định nhà mình. Có điều bây giờ tôi và anh ấy ở cách xa nhau cả trăm cây số. Nếu là mời cưới thì tất nhiên tôi có mặt rồi. Sao chỉ có việc thằng Quyết yêu cái con bé thế nào mà anh ta bảo "băn khoăn quá, cứ phải nói chuyện với ông. Ông dứt khoát phải sang chỗ tôi "?

Xe lắc lư vượt lên đỉnh đèo Khế thơ mộng. Gió bấc thổi ào ào từ phía Thái Nguyên đem theo cái lạnh lách qua cửa xe làm tôi bừng tỉnh mở to mắt nhìn cảnh vật quen thuộc khi xe từ từ xuống đèo quanh co nguy hiểm. Trước mặt tôi hình ảnh ông bạn thủa cùng khóa trung cấp cảnh sát, ra trường cùng rong ruổi trên những nẻo đường thời chiến và cả thời bình như hiện rõ mồn một. Rồi mỗi người được điều động về mỗi tỉnh, xa xôi nhưng vẫn luôn nhớ tới nhau. Giờ cả hai đã nghỉ chế độ, tình cảm trước sau vẫn thế. Thằng Quyết nhà ấy theo cái nghiệp của bố, chắc khi lấy vợ người ta phải xem kỹ "đối tượng" nên có chuyện chăng?

Lâu không gặp nhau, chúng tôi tay bắt mặt mừng. Thằng Quyết trông khác lạ hẳn. Nó trang nghiêm trong bộ đồ cảnh sát cấp bậc trung úy. Hôm đấy tôi và ông bạn đã ngồi chuyện trò thâu đêm bên ấm trà Tân Cương thơm đượm, đặc cắm tăm. Đúng hơn là tôi chỉ ngồi nghe ông bạn kể, tâm sự, thỉnh thoảng hỏi vài câu.

-... Con bé thằng Quyết tìm hiểu ấy, ông ạ - Ông bạn rủ rỉ - trông hình thức cũng được. Nó tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, đang dạy ở một xã vùng núi của tỉnh. Thằng con nhà này làm bên hình sự, nay xuống huyện, mai về xã luôn, phải duyên phải số thế nào không biết "bập" vào con bé đấy dứt ra không nổi. Ở tỉnh, đám bạn con em nó khối đứa hay, học hành, công việc khá cả, nó lại chả theo đứa nào. Tôi ngẫm nghĩ, ậm ừ:

- Chuyện ấy có gì lạ đâu!

- Cơ mà ông ạ, đến đoạn phải xem xét tới bên thông gia mới oái oăm.

- Sao? Thế nhà ấy có "vấn đề" à? Nghĩa là bố mẹ con bé "vướng" cái gì hay sao Chứ con nhỏ, như lời ông vừa nói thì có gì nào. Cô giáo, tốt quá...

- Kể cũng không. Ông bà ấy cũng mới ngoài sáu mươi, nhà nông. Trước đây bà ấy làm cán bộ xã. Ông còn là thương binh. Nhưng...

- Nhưng thế nào? Tức là không môn đăng hộ đối? Họ không là cán bộ như vợ chồng ông chứ gì. Ông cổ hủ bỏ mẹ! Con cái nó tìm hiểu, yêu thương nhau thật sự là cái cốt lõi, còn mình là cha là mẹ ...Ừ, thì đã đành trong ngành ta có chuyện phải xem xét "bên kia", nhưng tôi thấy chả vướng mắc gì. Tôi nói và định "đả thông" cho ông bạn, nghĩ bụng "cha này, bây giờ nghỉ hưu lại gàn đến vậy sao".

- Nhưng...Thế này cơ ông ạ. Ông bạn hạ giọng- Nó lại lằng nhằng thế này cơ. Lại còn bà xã nhà tôi là bác sỹ, ông biết rồi còn gì...

Câu chuyện ông bạn tôi kể sau đó làm tôi lặng người:

...Vào một ngày đầu năm Ất Dậu, xứ Thái Nguyên hun hút trong giá rét tháng Ba. Người đi ăn xin ăn mày ở xuôi lên dong từng tốp...Kẻ áo tơi, người bao tải, quần áo rách mướp che qua quít, vật vờ trong gió bấc mưa phùn. Đói, đói đến thở không ra hơi. Họ cố lần sâu về vùng đồi núi, vùng đồng bào mình. Nơi ấy còn có củ khoai, củ sắn, củ chuối, củ mài, rau má...Người chết vật bên đường, dân bản xúm nhau cuốn chiếu, cuốn cót chôn vùi...

Có một người mẹ trẻ tiều tụy, mặt mày hốc hác, mắt đờ dại đi trong tốp mấy người. Chị cắp nách một bé gái chừng hai tuổi ốm nhách. Bám sau chị ta một thằng nhỏ chừng mươi tuổi còm nhom lại còn dắt thằng cu chừng dăm tuổi bụng ỏng đít beo...Lang thang xó xỉnh, người ta biết đấy là chị em nhà nọ cùng với hai đứa con của chị ấy, quê đâu tận Thái Bình. Hai đứa nhỏ trông mặt khá giống nhau. Thằng anh không có đặc điểm nào, nhưng con bé có cái nốt ruồi hồng hồng nằm giữa hai hàng lông mi, trông ngồ ngộ như trẻ con Ấn Độ cha mẹ chấm cho nốt son trên trán. Họ lưu lạc đến mấy bản bên dòng suối lớn vừa xin việc, vừa xin ăn...Có một gia đình nhận cậu nhỏ để giúp việc chăn trâu. Một bản khác có nhà hiếm con xin thằng bé làm con nuôi. Người mẹ tiếp tục bế con bé mà đi. Đến một một bản heo hút một gia đình muộn con người ta nhận nuôi bé gái...Còn lại mình nhà chị kia đành phải dứt đi cho qua đận đói khát. Thế là từ đó họ li tán...

Rồi cách mạng về. Rồi chín năm kháng chiến. Thời gian lặng lẽ trôi, họ đã chẳng ai còn biết ai sinh sống ra sao...

Hòa bình lập lại, cuộc sống yên hàn đem bát cơm manh áo, nụ cười...cho bao người. Riêng anh em nhà nọ cũng dần lớn lên trong sự đùm bọc cưu mang của những người đồng bào tốt bụng. Trong kí ức thơ trẻ của chúng có lẽ phai mờ những tháng ngày lang thang cơ cực năm nào. Cha đâu, mẹ đâu, đâu người thân thích...chúng không biết nổi. Chúng thực sự gắn bó với bản làng miền sơn cước. Anh em chúng, mỗi đứa tuy ở mỗi nơi nhưng cũng đã trở thành trai làng, gái bản như bao chàng trai, cô gái xứ Thái...

Những năm sáu mươi sôi động phong trào đổi công, hợp tác về đến tận bản làng. Một đợt dân công dài ngày làm con đập thủy lợi ở thượng nguồn suối lớn, huyện tập trung nhiều thanh niên các dân tộc trong vùng chung sức xây dựng. Người ta thấy có chàng trai tuổi hai mươi ở xã nọ khỏe mạnh xốc vác gặp cô gái mười bảy người xã trên nước da trắng ngần, mặt tươi tắn với cái nốt ruồi hồng trên trán như tranh vẽ, rạng rỡ trong bộ áo cánh màu chàm. Họ mê nhau ngay từ phút vô tình gặp trên công trường và bám riết nhau ở lớp bình dân học vụ buổi tối. Họ đến với nhau như con nai, con hươu của núi rừng khi mùa xuân về. Ai cũng khen họ đẹp đôi phải lứa như trời sắp đặt. Vượt qua dị nghị trai xã này, gái xã nọ...sau đợt dân công, họ đã đưa hai gia đình đến với nhau bàn định ngày lành tháng tốt...

Chàng trai trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Không đắn đo, anh tìm đến chia tay cô gái để lên đường nhập ngũ. Có phút giây bịn dịn nước mắt, có lời hò hẹn đợi chờ. Cô gái chỉ kịp thêu gấp gáp đôi chim bồ câu chụm mỏ vào nhau tung cánh bên chùm hoa sim tím giản dị trên chiếc khăn mút-xoa nho nhỏ, đặt vào tay người yêu...

Gần năm sau huấn luyện quân ngũ, anh chàng chững chạc bộ quân phục với phù hiệu binh nhất đỏ tươi trở lại gặp cô gái. Và một lần nữa họ chia tay vì chàng trai được điều động vào chiến trường Miền Nam. Cô gái gửi tặng người yêu tấm ảnh kỉ niệm với mấy chữ "em đợi anh". Nghe đâu phải cất công về tận phố huyện mới chụp được.

Họ hầu như không liên lạc nổi với nhau những năm tháng chiến tranh. Cho tới một ngày chàng trai trở về với khuôn mặt khác lạ, đầy sẹo và mất một cánh tay, chỉ có đôi mắt vẫn tươi như ngày nào. Bố mẹ anh đã lần lượt khuất núi. Tin tức về người con gái nọ không mấy rõ ràng, vì chính anh cũng đã ngoài ba chục tuổi. Sau ít ngày ổn định, anh chàng cất công "trinh sát" về nơi cô gái. Đến bản ngoài đã nghe được chuyện người hội trưởng phụ nữ xã có cái nốt ruồì đỏ trên trán siêng năng việc chung, đảm việc nhà, chăm lo cho các em khi cha mẹ khuất núi và chẳng chịu lấy chồng...Như nắng hạn gặp mưa rào, họ ào lại với nhau sau bao năm xa cách. Được họ hàng đồng ý, anh thương binh nọ đã cùng người hội trưởng phụ nữ xã bạn xây dựng gia đình và chuyển về vùng quê núi cao, suối trong yên tĩnh với chị. Hạnh phúc đến muộn màng nhưng thật ngọt ngào, cho dù gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Mấy đứa con ra đời nối nhau như để đền đáp mong mỏi của họ...

Tôi lờ mờ hiểu ra chuyện gì mà anh bạn cần nói.

...Số là thế này nữa. Về cậu em mươi tuổi ở lại chăn trâu ngày nọ ấy. Lớn lên trốn theo Việt Minh, vào bộ đội cụ Hồ. Những năm loạn lạc gian khó ông chưa thể đi tìm người chị và các cháu, nỗi đau canh cánh bên lòng. Hòa bình lập lại, thời gian sau ông ấy được chuyển ngành sang xây dựng nông truờng quốc doanh ở một tỉnh lân cận và vợ con ở đó. Nhờ kí ức tuổi thơ và điều kiện cho phép, ông đã kiên nhẫn tìm về được quê hương- vùng vựa lúa Thái Bình. Ông biết tin về người chị gái phiêu bạt năm nào đã gửi tấm thân ở đâu đó. Còn hai cháu, ông nghĩ dù li tán mỗi đứa mỗi nơi, nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong vùng ông ở hồi xưa chứ không thể đi xa lắm. Ông quyết tâm dò hỏi, lần tìm. May sao, người cậu ruột đã gặp và nhận ra được cô cháu gái nhờ khuôn mặt hao hao giống mẹ và cậu nó cùng cái nốt ruồi son kì kì kia...Người cậu đã muốn mối mai cháu mình cho anh em cùng đơn vị và đưa vào làm nông trường viên, nhưng cô cháu cứ khăng khăng xin ở lại nơi mình đang sống. Khi cháu gái báo tin xây dựng gia đình với anh thương binh người dân tộc khác xã cùng huyện vốn là người cô yêu và hò hẹn đợi chờ, cậu phấn khởi lắm, tận tình vun đắp, bù trì cho cháu.

Cháu rể với ông trở nên thân tình và hợp gu. Họ thường xuyên qua lại thăm nhau. Mấy lần cháu gái sinh con ông cậu đều có mặt. Chuyện về quê hương của hai cậu cháu vợ mình làm anh thương binh bồi hồi xúc động. Những tháng ngày thơ ấu hình như được thức dậy trong lòng và anh lơ mơ nhớ lại thời mình còn thơ dại, hình như mẹ dắt đi lang thang, hình như mình đi cùng đứa em có cái nốt ruồi ngồ ngộ trên trán...Hình như, tất cả chỉ là hình như thôi...Người cậu biết hoàn cảnh cháu rể bố mẹ đã mất nên có nguyện vọng đến chơi thăm anh em họ mạc bên nhà cháu vào một dịp cúng giỗ các cụ. Người cậu vợ được anh em bên đó tiếp đãi tử tế thân tình. Trong bữa cơm ngồi bên các cụ bô lão địa phương, người cậu đã nghe được những lời khen, câu nói rất tốt về cháu rể từ miệng một cụ già: "...Cái anh này, con nuôi của ông bà đây mà khác gì con đẻ. Với bản làng nó cũng như con như cháu chúng tôi. Ấy, thế mà đến hôm gần quy tiên cụ ông nhà đây mới kể về anh ấy, chắc cụ biết mình chết không gặp được đứa con nuôi nhận từ tay người đàn bà đói khát cái năm Ất Dậu. Cụ còn tỏ ra ân hận đã không nhận nuôi luôn cả hai anh em nhà nọ...". Lẽ nào lại như vậy? Ông nhớ lại lần đầu gặp anh thương binh và bây giờ nhìn kỹ mặt cháu rể như thấy nét thân quen của người chị.

Sau buổi giỗ ông cậu vẫn giữ kín những gì vô tình nghe được. Vào vai một cán bộ hội cựu chiến binh đến xã tìm hiểu về người đồng đội thương binh cụt tay nọ, ông dò hỏi và tìm gặp chính quyền sở tại. Chính kiến được xác nhận. Trong lòng mung lung bao nhiêu suy tư về xử lý thế nào tình huống này đây, ông cậu trở lại chỗ các cháu. Ông vẫn không hé nửa lời, nuốt nước mắt trước cảnh vợ chồng con cái nhà cháu quấn quýt bên nhau đầy hạnh phúc. Ruột đau chín chiều, ông bàn bố trí cùng gia đình cháu làm chuyến về thăm quê cha đất tổ...

Trở về, người cậu đã quyết định nói rõ sự thật những gì ông xác minh cho riêng vợ chồng các cháu. Bên bếp lửa hồng, một đêm não nề lạnh lẽo, cùng vợ chồng cháu, nhìn bé gái thiêm thiếp ngủ trên tay mẹ nó và mấy đứa lớn hơn nằm ngủ say sưa ria bếp, ông phải hắng giọng mấy lượt, cổ nghẹn đầy xúc động mãi mới nói nên lời.

Vợ chồng cháu gái thất thần. Anh thương binh vốn không khỏe mạnh là mấy choáng váng đổ vật người. Cô cháu gái ôm con vào lòng khóc nấc từng hồi...Ông cậu, một lần nữa lại phải cầm lòng, nắm chặt tay hai cháu, khuyên bảo:

- Sự thể là trời sui đất khiến, các con ơi!

Người cháu gái gạt nước mắt, phá tan bầu không khí u ám, nói:

- Thế này có được không, cậu ơi. Cháu nghĩ, cậu làm chứng cho chúng cháu đặt cơi trầu, bát nước ngoài giọt gianh nhà lễ tạ cha mẹ cháu, thề làm anh em một nhà từ ngày giờ này đây!

Người cậu đã ngồi giữa hai cháu trong đêm khuya bên ngọn đèn dầu leo lét cùng cơi trầu cúng thổ công thổ kì, thần linh chúa đất và cơi trầu tạ cha mẹ các cháu nghi ngút khói hương. Anh thương binh nọ chuẩn bị một con dao sắc để sẵn sàng chém đôi bát nước, thề trước đọi đèn vĩnh viễn làm anh em, đoạn tuyệt duyên tình chồng vợ...Anh chị lầm rầm khấn vái, cầu xin trời đất, tổ tiên, cha mẹ tha thứ cho họ người trần mắt thịt không nhìn thông nhìn thấu mà đã đến với nhau, chứng giám và rộng lượng cho họ được vẫn sống chung một nóc nhà, nương tựa vào nhau nuôi dạy lũ trẻ. Anh chàng vung con dao huơ vào không khí định bổ xuống bát nước thì người cậu ngăn lại, giữ tay anh, giành lấy con dao đặt ngay ngắn lên miệng bát, nghẹn ngào nói:

- Cậu hiểu lòng các cháu lắm!...

Tôi không nói được thêm câu nào với ông bạn. Bố thằng Quyết cũng thừ mặt ra. Lúc sau ông bạn bảo:

- Ông ạ, khi thằng Quyết nhà này nói chuyện lấy vợ, vợ chồng tôi mừng quá chứ. Nhưng việc xem xét lai lịch cô người yêu của nó tất nhiên phải qua cơ quan nó rồi và cả trách nhiệm ở nhà mình nữa. Tôi cứ cẩn trọng, xin "thỏa thuận" với lãnh đạo cơ quan thằng Quyết rằng anh em trong ngành với nhau, cho phép tôi tự "tăm" xem đã, dù nó lấy ai thì sau này là con cháu nhà mình cơ mà. Ông ạ- ông bạn kể tiếp- Tôi đã phi đến nhà trường nơi con bé dạy học hỏi han, không thấy có gì khác lạ. Qua con bé, tôi bố trí đến nhà bố mẹ cháu cho biết gia cảnh. Với con mắt cánh mình...Gặp bố mẹ cháu tôi cứ linh tính có điều gì vì ông bà ấy thoáng trông có cái nét tựa tựa nhau. Điểm này hiếm đấy, ông biết vợ chồng vốn là hai người khác lạ đến với nhau mà thành, thường chẳng mấy khi giống nhau. Ông bà ta bề ngoài có vẻ rất tâm đầu ý hợp, nhưng sao có cái gì thiếu tự nhiên, lại lạnh lạnh với nhau...Tôi cất công đến gặp gỡ chính quyền địa phương hỏi về tông tích họ và sơ bộ nắm được sự trú ngụ của họ từ cái năm bốn nhăm. Tôi cũng tìm đến cả người cậu ruột mẹ cháu, theo lời bà ấy nói về người thân thuộc nhất của gia đình, đã khéo "dân vận" để nghe được mọi chuyện một cách cởi mở chân thành từ người đàn ông tầm bảy mươi tuổi đó.

- Tức là...Con bé ấy chính là...Và cũng là đứa con cuối cùng của ông bà ấy!

- Rõ rồi, con bé đồng huyết thống...Vợ tôi lại làm bác sỹ, ông biết rồi. Bà ấy lồng lên, kiên quyết cản trở. Tôi nghĩ mung lung quá. Thương vợ thương con là một nhẽ, còn nghĩ về hoàn cảnh nhà ấy. Chẳng biết cư xử thế nào cho nó phải. Ông bảo thế có oái oăm không?

Hai chúng tôi trầm ngâm, cứ ngồi lặng bên nhau. Trong đời công tác của mình, với biết bao nhiêu chuyện, bao tình huống...Chúng tôi đã gặp bao mảnh đời, bao số phận éo le, phức tạp...Nhưng một việc cụ thể thế này lại chưa từng biết đến...

- Ấy chết, mình ngả lưng một tý đi ông ơi. Gần năm giờ sáng rồi còn gì.

Đầu ngõ, cái loa công cộng đã ọt ẹt, chuẩn bị nhạc hiệu ngày mới.

- Nằm làm gì nữa. Tôi nói- Ta đi bách bộ, thể dục quanh khu đây...

Nhà ông bạn tôi sáng đó rôm rả, xôm chuyện. Lại là ngày chủ nhật, chị vợ anh ấy đi chợ mua về đủ thứ làm bữa đãi khách. Thằng Quyết, cái Tâm hôm nay ở nhà cả, chúng xăng xái bên chúng tôi. Gần vào bữa, thấy thằng Quyết cứ ra ra vào vào, vò đầu bứt tai chừng sốt ruột điều gì...Mẹ nó hỏi:

- Có chuyện gì mà cậu cả như kiến đốt đít?

Gặng mấy lần, thằng Quyết ấp úng thưa:

- Cô bạn con...Tuần này đang về tỉnh tập huấn đổi mới sách giáo khoa...Con muốn đón đến ăn cơm cho vui...Nhưng mẹ...

- Mẹ làm sao? Mẹ nó có vẻ khó chịu, có lẽ tôi đứng đó nên gượng cười đấu dịu- Nếu chỉ là bạn bè thì cứ mời đến chơi, có sao!

- Nếu không phải chỉ là bạn bè thì sao? Cái Tâm léo xéo xen vào- Còn hơn cả bạn bè...Hí hí...

Mẹ nó ngẩn người, không trả lời, lườm sắc lạnh. Cái Tâm thấy mẹ im, giục anh:

- Anh phóng xe đi đón chị ấy, còn đứng đó làm gì.

- Ừ, thì đi...

Buổi trưa hôm đó ấm cúng và thân tình. Tôi cùng ông bạn nâng ly liên tục, nhưng nói chuyện vu vơ. Bà chủ cũng ít lời, thỉnh thoảng đưa mắt về phía cô gái. Duy có cái Tâm lém lỉnh, kiếm câu pha trò trêu cô gái xa lạ và anh trai mình. Cô kia ngượng chín mặt, lóng ngóng làm rơi cả đũa...Có dịp nhìn con bé, tôi hơi bất ngờ: khuôn mặt trái xoan dịu dàng, nước da trắng hồng của con gái miền núi, trên trán một nốt ruồi hồng hồng như duyên thêm. Ông bạn cứ gắp thức ăn lèn vào bát cho tôi, lúc sau hướng về cô bé, hắng giọng, nói:

- Thế bố mẹ cháu dạo này có khỏe không Cháu về nhà thăm bố mẹ luôn chứ?

- Dạ...Trường cháu dạy cách nhà cũng xa xa một tý, nên cả tháng cháu về chừng được một đôi lần thôi ạ. Bố cháu cũng yếu, thương binh mà bác…

Tôi cứ băn khoăn, chẳng rõ cô gái ấy đã biết những gì về bố mẹ mình. Nhìn gương mặt dễ thương và bình thản của nó, tôi tự nghĩ: chắc là không, và cũng chẳng nên để chúng biết rõ quá khứ làm gì. Riêng về mẹ thằng Quyết, tôi nghĩ sau bữa trưa thế nào tôi cũng kiếm cớ nói chuyện với chị. Tôi sẽ nói, sẽ cùng chị ấy tâm sự, cùng mường tượng cái cảnh đói rét cơ hàn năm Ất Dậu...Và bảo rằng: Mọi chuyện trên đời đều có thể xảy ra.

 hqdefault

 

 

-----------------   

* Năm ất Dậu (1945)

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)