bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 186
Trong tuần: 678
Lượt truy cập: 612869

Truyện ngắn của VŨ THIỆN KHÁI

BÀI HỌC

 

 

 truyện ngắn của VŨ THIỆN KHÁI

 
  

 


     Lên tám tuổi tôi mới được đi học lớp đồng ấu trường làng. Ngày ấy đang thời kháng chiến chống Pháp, nhưng bom đạn còn ở đâu đâu xa tận chiến khu Việt Bắc. Làng tôi tạm thời còn chút không khí yên bình. Vào dịp tôi được nghỉ hè thì ông nội tôi cho vớt bè gỗ soan, mấy chục cây to nhỏ ngâm dưới ao lên phơi đầy sân. Chọn được ngày tốt, ông mời toán thợ cụ phó Hỗ đến phạt mộc khởi công, dựng cho chú tôi nếp nhà ba gian. Ông định cuối năm cưới vợ cho chú. Ròng rã hai tháng trời, sân nhà tôi ngày nào cũng chí chát tiếng dùi đục, tiếng lưỡi bào gọt gỗ nghe xoèn xoẹt, tiếng vồ thúc gỗ vào mộng, vào ngoàm vui như một công trường. Mươi người thợ toàn là con cháu một nhà cụ phó Hỗ, lớn bé người nào việc ấy qui củ răm rắp. Năm ấy cụ phó cả ngoài sáu chục tuổi rồi. Cụ chỉ vạch kích thước, vẽ lỗ mộng to, mộng nhỏ là chính. Cả một nếp nhà mấy hàng cột là bấy nhiêu cái bẩy, cái kẻ, cái kèo với bao nhiêu ngàm mộng mà chẳng cần một bản vẽ. Tất tật nằm trong đầu cụ. Ngồi chuyện vãn với ông tôi, cụ phó thật thà tâm sự:

- Quen rồi ông chủ ạ. Một tay tôi đã dựng mấy chục nóc nhà, to như cái đình cũng có, chưa bao giờ sai xẩy.

Rồi ngôi nhà của chú tôi hoàn thành mỹ mãn. Nhìn chỗ nào cũng sáng hồng màu gỗ soan mới, ai cũng phải xuýt xoa khen ngợi. Trước hôm tổ chức mừng nhà mới, ông tôi sắm một cái lễ gồm mấy chục vuông vải tơ tằm vàng óng và cơi giầu bảo tôi đội theo ông sang tạ ơn cụ phó Hỗ. Tới nơi, ông trịnh trọng đặt lễ lên mặt bàn bằng tre, rồi ngồi xuống chiếc ghế cũng đóng bằng tre đơn giản như căn nhà ba gian, mọi vật liệu cũng toàn bằng những cây tre, từ trên mái tới hai hàng cột. Nghi thức diễn ra đơn giản mà trang trọng. Sau khi vòng tay xá nhau, hai ông già cùng an tọa thưa gửi nhẹ nhàng, thân mật đỡ lời nhau. Được chứng kiến cảnh ấy, thực sự lòng tôi ấm áp đến tận giờ.

Trên đường về chiều ấy, ông tôi rủ rỉ trò chuyện với tôi đại ý: Cháu nhớ lấy, một đời cụ thợ đã làm nên mấy chục nếp nhà gỗ cho người, mà phần mình chỉ có nếp nhà tre đơn giản. Vùng mình lắm gió to bão lớn, ai chẳng muốn một nếp nhà vững chãi.

Cái chiều hôm ghi đậm nét trong đời tôi ngày xưa tới bây giờ, đã hơn sáu chục năm trôi qua rồi. Năm ngoái cháu ngoại tôi lên tám tuổi, học lớp hai, tới dịp nghỉ hè thì tôi khởi công xây cho nhà nó căn nhà cấp bốn. Ông chủ thầu cũng độ tuổi cụ phó Hỗ xưa. Mươi anh thợ hồ chính phụ cũng toàn con cháu trong nhà ông. Cũng ròng rã hơn hai tháng trời mới hoàn thành. Trước khi cho nhà cháu về nhà mới, theo nền nếp xưa, tôi sắm một cái lễ, thay vì vải vóc, trầu cau như cái lễ của ông tôi xưa, tôi mua chai rượu quí và kèm một phong bì tiền. Thằng cháu ngoại lễ mễ xách túi đồ lễ theo sau tôi, y như ngày xưa tôi theo ông nội mình. Chỉ khác ngày ấy chúng tôi đi trên đường làng, còn bây giờ trên đường phố, cách làng xưa gần hai ngàn cây số. Thủ tục thưa gửi cám ơn qua lại vẫn như xưa. Nhà ông chủ thầu chỉ lớn hơn nhà cụ phó Hỗ một chút. Không bằng tre pheo nhưng cũng chỉ chồng gạch mộc tuềnh toàng không tô ve trát vữa. Chắc một đời ông đã xây cho thiên hạ, không phải chỉ một nếp nhà khang trang. Hai ông phó mộc, phó nề, hai thời cách nhau hơn nửa thế kỷ, mà chẳng khác nhau mấy nỗi phận người. Địa vị, thứ bậc xã hội chẳng hơn người, bé nhỏ, mộc mạc vậy mà ngôi vị hai ông trong lòng người tử tế chúng ta cao quý biết bao nhiêu. Bài học trên đường về, tôi sẽ dạy cho cháu tôi như ông tôi đã dạy tôi xưa. Nhưng thời của cháu tôi đâu còn nhiều nếp ăn nếp nghĩ như ngày xưa cũ. Chẳng biết nó có thấm thía học được phần nào. Hay là lời tôi nói nó để trôi tuột vào những tiệm trò chơi điện tử nhan nhản trên mỗi bước chân hàng ngày tới trường.

 

                     hinh-anh-ve-hoa-phuong-vi-dep-36                               

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)