bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 152
Trong tuần: 1003
Lượt truy cập: 630432

TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

TIẾNG CUỐC GỌI NGƯỜI

 

 

 
  

nh_v_thin_khi_1

                          NHÀ VĂN VŨ THIỆN KHÁI


       Một ngày giáp Tết, tôi dắt thằng cháu ngoại thủng thẳng đi dạo phố chợ Tân Châu, chủ ý muốn xem thiên hạ chuẩn bị vui xuân đón Tết thế nào. Hình như những ngày này ai cũng có nhu cầu nao nức, đi đây đi đó nên hai bên hè phố người đông như nước chảy. Trên lề đường, có đoạn tràn xuống cả mặt đường, kẻ bán chen nhau bày bán hằng hà sa số đặc sản Tết, người mua chen nhau hối hả mua như sợ hết thứ mình ưa thích. Đang mải mê nhìn ngó không biết chán, tôi chợt trông thấy một chị đầu trùm khăn rằn kín mít, hai tay giơ cao hai chùm chim cuốc dễ đến mấy chục con. Con rã cánh xạc xờ đau khổ, con nhắm nghiền hai mắt cam chịu. Con đôi mắt mở to ngác ngơ chẳng hiểu vì sao. Con há mỏ chừng như ngạt thở. Con nào cũng một vẻ tội nghiệp như nhau. Chị ta lơ lớ cất tiếng rao lạc lõng: Cuốc… cuốc, chim cuốc ai mua. Thật chẳng lời nào tả được nỗi lòng thương cảm trong tôi lúc ấy. Đã hơn nửa đời người xa quê, luôn day dứt nhớ nhung những buổi chiều thổn thức, ngồi nghe chim cuốc gọi mòn đêm da diết trên đồng. Nên trong sâu lắng hồn tôi, vẫn hằng đêm âm thầm vang lên từng tràng tiếng cuốc quê xưa chói lói gọi người.

Mấy năm niên thiếu sống ở làng, tôi đã có nhiều buổi tối cùng chúng bạn ngồi sát vai nhau trên bờ ruộng, nín thở lắng nghe chim cuốc theo nhau gọi từng hồi vang vọng khắp đồng không mông quạnh. Tiếng chim cuốc không du dương thánh thót. Nhưng xin hãy thử một lần mơ mộng lắng nghe, rồi thả vào hồn mình từng chùm tiếng gọi rất xa, rất xa Cờ ruốc cuốc… cuốc. Khi tách bạch từng tiếng một. Khi đan quyện hòa nhau thành cơn gió âm thanh ào ạt, dập dờn thổi về đâu đó. Giữa bát ngát trăng thanh, giữa mênh mang đồng nội, giữa vô tận trời mây, tiếng cuốc gọi nhau hay gọi ai mà nghe da diết, nghe khắc khoải một bầu tâm sự khôn nguôi thương nhớ, cứ ngỡ là cụ thể mà xem ra rất mực mơ hồ. Mà nôn nao khơi gợi những chân trời khát vọng trong tôi, trong tâm hồn các bạn tôi thuở lên chín, lên mười đầy ắp mộng mơ phiêu lưu xứ lạ.

Ai xui con cuốc gọi vào hè, câu thơ cũ, tôi chắc chắn những ai bây giờ cỡ tuổi ngoại bẩy mươi như tôi, cũng đều còn ghi nhớ trong lòng. Bời nó là bài học văn chương vỡ lòng thân thuộc của thế hệ tôi một thuở. Cũng bởi nhưng tiếng cuốc gọi hè buổi ấy, không đêm nào không vang vọng trên khắp nẻo làng xa, khắp cánh đồng gần. Nó thân thuộc như một phần đời sống tinh thần làng quê xưa cũ. Phải sống với đồng quê, được nhiều lần ngồi tĩnh tại hàng giờ lắng nghe cuốc gọi, mới thâm thấm, mới hiểu ra cái tài tình của tác giả bài thơ đã chọn được động từ cuốc gọi thay cho cuốc kêu. Mới ngộ ra cái linh thiêng của tiếng con cuốc cuốc, được cho là tiếng hồn Thục Đế nhớ thương nước cũ đã về tay quân giặc, đêm đêm lang thang thống thiết gọi Nước, gọi nhà. Đớn đau đến độ cào rách họng, vọt máu tươi mà chết. Thực tế chưa có ai trông thấy con cuốc nào, dùng móng nhọn của mình cào họng đến chết. Cũng như chưa hề có ai bắt gặp con cuốc nào chết rũ giữa bụi cây. Lạ vậy. Cho nên mới lưu truyền câu chuyện anh nông dân trong một buổi cày, trông thấy xác một con chim cuốc chết khô đậu trên cành tre đầu ruộng. Tò mò anh ta giơ chiếc roi đánh trâu, chọc vào thân chim cho rụng xuống. Một phép lạ đã lập tức xẩy ra. Chỉ một roi quất mông trâu, con trâu vốn hung dữ ương bướng bỗng trở nên ngoan ngoãn nghe lời, chăm chỉ kéo cày thuần thục không cần người cày quát tháo. Trên đường về nhà, chiếc roi của anh vô ý quệt vào cô con gái xinh đẹp của ông bá hộ. Khiến cho cô ấy mang bệnh tương tư, một hai đòi lấy bằng được anh thợ cày nghèo khổ. Từ đấy mới lan truyền câu chuyện, ai tìm được xác con chim cuốc chết rũ treo cành tre, thì được sở hữu lá bùa tình yêu vô cùng linh diệu. Thú thật thời niên thiếu tôi và các bạn tôi đã mất nhiều công sức, nghển cổ săm soi các rặng tre già trong làng, mong tìm được xác con cuốc rũ làm lá bùa yêu kỳ diệu. Bây giờ nghĩ lại, thấy là trẻ con vớ vẩn. Nhưng nhờ vậy mà kỷ niệm tuổi thơ của chúng tôi thêm long lanh đẹp đẽ biết bao nhiêu.

Ngày xưa, tôi chưa được một lần cầm trong tay một con chim cuốc nào. Nhưng đã được nhiều lần trông thấy khi một đàn, khi một con đơn độc cúi cúi cái đầu nhỏ bé, lủi lủi trong lùm cỏ rậm dưới những rặng tre già vây kín rìa làng. Chưa bao giờ tôi thấy một chú cuốc nào đường hoàng kiếm ăn trên đất trống. Hình như cả đời chúng luôn sống trong trạng thái bất an, sợ sệt một kẻ thù nào đó. Đặc tính giống chim cuốc ít khi bay. Khi bị xua đuổi bất ngờ mới chấp chới vỗ đôi cánh nâu đen màu đất một đoạn ngắn, rồi lại tìm bụi cỏ gần đấy trốn sâu vào trong. Quả thật chỉ nhìn từng con chim cuốc kiếm ăn đơn độc, màu lông thì xin xỉn lem luốc, thân hình thì gầy guộc còm nhom, cử chỉ dường như lấp ló hèn hèn, thường khơi gợi nơi ta một liên tưởng cảm thương những số phận người nhỏ nhoi bất hạnh. Có thể đó cũng là lý do những chú cuốc đã hiện vào thơ văn kim cổ, với rất nhiều mỹ từ ngợi ca đẹp đến nao lòng. Cũng chả hiểu sao, thân phận thì thấp bé vậy nhưng tiếng kêu, tiếng gọi của chúng vừa bền bỉ, vừa diết da từ thâu đêm đến suốt sáng, lại tấu lên được bao nỗi niềm khắc khoải, dọc theo cuộc đời những kiếp người bé mọn luôn chịu khổ đau, luôn chịu thiệt thòi từ kim chí cổ. Và có thể còn muôn đời sau nữa cũng nên.

Tôi là kẻ trọn đời tha hương. Mỗi lần nhớ quê lại nôn nả tìm về. Mỗi lần về sau là mỗi vắng thưa dần tiếng cuốc. Cứ từng chùm chim cuốc thản nhiên hiện diện nơi chợ búa thế này, cứ đà phát triển nông thôn hóa đô thị lộn xộn thế này, thì những tràng cuốc gọi thao thức hằng đêm, sẽ chỉ còn trong ký ức những người già nặng niềm hoài niệm.

Và con cháu chúng ta cũng sẽ chỉ còn nghe tiếng cuốc gọi rất xa vắng, rất mơ hồ trong những áng văn chương dĩ vãng. Và thực tế bây giờ, mỗi lần về thăm lại quê xưa, bọn già chúng tôi đang phải cô đơn đứng giữa cánh đồng làng bé tẹo, mà đau đớn thốt lên tiếng gọi:

- Cuốc ơi! Cuốc ơi, vì đâu nên nỗi một giống loài hiền lành, chẳng làm hại một chân tơ kẽ tóc con người, từ bao đời nay luôn là người bạn tâm giao gần gũi với con người, qua tiếng gọi hằng đêm thao thiết, vậy mà nay bị con người không tha săn bắt đến tận diệt, chỉ với mục đích đưa chúng lên bàn nhậu?

Có lẽ nào mai kia chúng ta sẽ phải chịu buồn tẻ biết bao, khi đời sống tắt hẳn những tiếng cuốc gọi người nhói lòng khắc khoải!!!

     

 unnamedmn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)