bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 554
Trong tuần: 1458
Lượt truy cập: 640470

TRUYỆN NGẮN LÃ THANH TÙNG

TIẾNG XÀO CỦA ĐẤT

Kính tặng cán bộ, nhân dân hai xã Nghĩa Hòa,

Mỹ Thái- huyện Lạng Giang

 

LÃ THANH TÙNG 

 

 

 

Đã hai giờ chiều.

Ông Mậu thức dậy.

Giấc ngủ trưa dù chỉ chớp thoảng cũng nhiều phần giúp ông tỉnh táo và sảng khoái.

Sau chuyến về thăm cơ sở vợ chồng thằng con trai đang lăn lộn với thương trường ở Hà Nội, một giấc ngủ như thế luôn là một phần thưởng xứng đáng cho cái tuổi già đầy truân lao và vất vả của ông.

Ông đã dự định sẵn rồi, xuống xe đầu phố Bằng, bỏ qua anh lòng lợn tiết canh bởi đang dịch tả Châu Phi rơi rớt, rẽ vào quán vịt Xiêm nhà chú Hòa làm bát tiết canh với chén rượu thuốc, về nhà bà lão đỡ lịch kịch cơm nước, ngủ qua quýt rồi dậy xem đá bóng, thế là sướng nhất. Thì giờ đây kế hoạch diễn ra đúng như vậy. Thế có phải là ông vẫn còn minh mẫn chán không? Nhưng còn sớm, 8 giờ tối đội tuyển Việt Nam mới gặp UAE - đối thủ sừng sỏ vùng Tây Á đang lăm le đứng đầu bảng đấu. Ông phải tranh thủ ra xem mấy chậu mè đen cuối vườn đã, xem mấy ngày ông đi Hà Nội thì bà lão ở nhà có tưới tắm hộ ông chu đáo hay không.

Ông lập cập xỏ dép bước ra sân. Đàn gà đồi thấy bóng ông thì chen nhau chạy nháo nhác. Chú Vá quen mui quấn chủ, lóng ngóng thế nào bị ông tương cho một nhát “má ngoài chân phải”, bắn ra xa, vừa “té” vừa kêu ăng ẳng. Rõ khổ, cái máu thích cổ vũ bóng đá của ông toát cả ra khí sắc lẫn dáng đi, cứ khuềnh khoàng nhấp nhô như lúc nào cũng sắp rồ lên hô “Vào!”. Thằng cháu ngoại ông nó bảo thế nào nhỉ? “Ông là con khủng long già, dẫm bẹp hết cả đồ chơi của cháu!” Khổ thế đấy, nào ông có cố tình gì cho cam. Ông chỉ vô ý cả thảy có 6 lần, thế mà nó lại dám ví ông với bọn hóa thạch trần truồng thời tiền sử, cái thời chưa có huấn luyện viên Pak Hang Seo cùng chàng Quang Hải! Cháu với chả chắt, chỉ giỏi bắt nạt ông. Nhưng ông không chấp bọn U thủng đít, chúng nó thì hiểu làm sao được giá trị của “lớp cầu thủ thứ… mười mấy nhỉ? À phải rồi, 12!” đã kinh qua hai cuộc kháng chiến” như ông. Và ông chỉ lắc đầu cười độ lượng.

Thời trai trẻ, ông mải cống hiến sức lực cho việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, không có điều kiện phát triển năng khiếu. Vào bộ đội, cứ mỗi khi đơn vị có giải bóng đá phong trào, bao giờ ông cũng là cổ động viên hăng hái nhất, mặc dù chỉ được giao nhiệm vụ nhặt bóng mỗi lúc cú sút văng ra xa. Mấy cô bên trạm thông tin chú ý dáng chạy le te của ông lắm. Họ bảo anh vừa chạy vừa ôm hôn trái bóng giống hệt cầu thủ đội bạn lúc cuối hiệp vừa gỡ hòa, vừa đáng yêu vừa đáng ghét. Khi đó ông không để bụng, chỉ lườm xéo bọn họ và nghĩ tới kế hoạch chủ nhật tới sẽ sang xin mấy tờ giấy pơluya viết thư, bọn họ không cho thì ông cũng có dịp cầm tay cầm chân cho đỡ nhớ cô Nụ láng giềng. Ấy thế mà thấm thoắt đã ngót nửa thế kỷ rồi, cô Nụ đã thành u thằng Đoán doanh nhân giỏi của Tỉnh. Đời người thế mà nhanh thật. Giá mà trọng tài Giời cho đấu lại cuộc đời, thể nào ông cũng là “cầu thủ xuất sắc nhất”. Tuy vậy, ông không tiếc. Chỉ cần đội nhà giành phần thắng, đất nước độc lập, toàn vẹn, đi lên chủ nghĩa xã hội, quê hương Nghĩa Hòa- Lạng Giang nhà ông trở thành Nông thôn Mới, còn cá nhân ông nguyện làm cầu thủ số 12 đứng ngoài nhặt bóng, thì ông vẫn vui lòng. Vinh quang cho Tổ quốc là quan trọng nhất.

Chợt ông sững lại khi nhìn thấy con gà mái tơ gốc Yên Thế yêu quý của mình bị nhốt trong cái lồng, buộc chân, để bên luống măng tây đang kỳ thay lứa. Chết thật, sao lại thế này? Con gà ông đang nuôi thả theo phương pháp truyền thống, định tháng sau sẽ có ổ trứng ngon đi thăm vợ thằng Đoán sắp đẻ, vậy mà sao bà lão còn nhốt lại cho nó bó giò bó cẳng, nhỡ nó tịt đẻ thì sao? Cái bà Nụ này thật lẩn thẩn quá rồi, hôm trước đã thống nhất với nhau về kế hoạch tăng gia sản xuất như đinh đóng cột, giờ còn vi phạm thỏa thuận. Hay bà lão sợ nó chạy nhảy nhiều thì sẽ dập trứng? Rõ khổ, cái gì cũng sợ. Bọn cháu ông chúng bảo bà lão là gì nhỉ? Người hay lo nhất thái dương hệ, quả đúng như vậy. Đi chợ thì lo ông quản chợ quên thu thuế vệ sinh. Về nhà thì lo mải tỉa măng, bọc ổi, ngộ nhỡ láng giềng sang chơi không ai tiếp nước. Xem đá bóng nữ thì lo chạy nhiều thế về sau đẻ đái làm sao? Nhìn con cháu tập xà đơn xà kép thì lo tuột tay ngã biêu đầu sứt trán. Đến như việc ông Mậu thích hò reo cổ vũ đội tuyển nước nhà, bà cũng lo ông bong gân khản cổ. Cứ theo như bà, thì mình là chủ nhà, mình hẵng nhường cho khách lấy mấy quả, đã chết gì ai? Mình cứ thắng mãi thì ai người ta còn muốn chơi với mình? Rõ thật là chả ra thế nào. Mấy lần ông Mậu bảo bà không hiểu gì về luật việt vị, bà bảo nó có giống như luật giao thong ngoài Vôi không? Nhỡ đèn xanh mình còn đứng, người ta húc vào đít thì sao? Ông lắc đầu ngao ngán, thì bà bảo thôi tôi đi ngủ, cho ông cháu nhà ông thoải mái về một phe, kẻo gia đình mất đoàn kết.

Giờ đây bà Nụ lại nhốt con gà mái tơ nòi Yên Thế của ông, thế thì chẳng hóa làm cho cầu thủ tăng cân, xệ dáng, còn đá đấm gì nữa? Ông phải thả nó ra mới được. Con gà con chó nó cũng như con người, có phóng khoáng tự do, khởi động kỹ trước trận đấu thì mới cống hiến được nhiều. Nghĩ vậy ông luồn tay thả con vật cưng đang kêu cục cục.

Chợt bà lão ở đâu chạy về có vẻ hớt hải: “Ông đã dậy đấy à? Có mau ra mà xem người ta đang đo đường vào đất nhà mình”. Ông Mậu chưa kịp trách bà về tội nhốt con mái tơ của ông, thì bà đã vào tủ, định lấy bìa đất sổ đỏ ra quyết đấu lý với mấy anh thước dây cầm sổ địa chính Huyện Ông Mậu thấy buồn cười. Rõ thật là cái bà này lẩm cẩm hẳn rồi. Nếu chính quyền định lấy đất thì sổ đỏ là cái gì? Đất đai là công thổ quốc gia, mình có công trình hoa màu, chính quyền bồi thường hẳn hoi, lại còn đền bù cho chỗ khác nếu thiếu diện tích. Vả lại, cái gì thì cũng phải bình tĩnh. Hôm trước, ông đã nghe loáng thoáng các anh trên xã nói đang định quy hoạch cái sân kho ngày xưa thành sân vận động cho thanh niên có chỗ tập thể thao. Nhà ông ở sát cạnh, nếu nhỡ bị xén đôi phần thì cũng vì quyền lợi tập thể, mất đi đâu mà thiệt. Nghĩ vậy ông chắp tay sau đít đủng đỉnh bước ra, hệt như một vị trọng tài nghiêm minh trước một lỗi vi phạm.

Mấy anh thước dây nhìn thấy ông Mậu thì chào rõ to và bảo:

- Ông ơi, bà cháu cứ bảo chúng cháu đo ra ngoài xa kia, nhà bà đã có sổ đỏ. Ông khuyên bà cháu một câu.

Ông Mậu tươi cười:

- Dưng cơ mà có phải các anh đo đất làm sân vận động không? Nếu phải tôi xin hiến thêm.

- Dạ, không phải đâu ạ. Sân vận động mở tại sân kho Đội 4 cũ, mé gần bờ mương. Chúng cháu đây đang xem xét mốc giới làm Nhà văn hóa thôn Sâu. Sắp tới cả xã Nghĩa Hòa mình sẽ ngang bằng với bên Mỹ Thái, hoàn thành chuẩn Nông thôn mới, có khi còn được Tỉnh, Huyện ưu tiên đầu tư cho nhiều hạng mục dân sinh nữa đấy. Nhà ông ngay gần thế này, đi sinh hoạt các cụ, hay xem thiếu nhi biểu diễn văn nghệ đêm, cũng tiện lắm ạ.

- Ờ...

Ông Mậu thầm phấn khởi trong bụng, nhưng vẫn lên giọng chỉ bảo:

- Tôi có ý kiến thế này, nhá. Thằng con tôi nó cũng từng sinh hoạt Đoàn thanh niên, giờ mở mang thị trường gì đó dưới Hà Nội. Nó bảo làng ta rồi cũng sẽ phải quy củ, hiện đại như ngoài Thành phố. Vậy thì các anh phải “phối - kết - hợp” với bên Văn hóa- Thể thao thế nào đó… cho thật đồng bộ… nhá. Kẻo mà ban này dẫm lên chân ngành kia, thì khác gì mình rối chiến thuật, có lúc đá phản lưới nhà?

Bà Nụ từ nãy vẫn khư khư tấm bìa sổ đỏ trên tay, giờ nghe không phải làm đường lấn vào đất vườn bà, thì cười móm mém:

- Các chú ơi. Tôi già rồi, ông lão nhà tôi cũng già rồi, có thế nào các chú cứ bỏ qua cho, nhá. Nếu cần thì cứ xén thêm qua gốc mít nhà tôi, phía góc xa kia cũng được, kẻo các cháu thiếu nhi đến không có chỗ chơi, thì khốn.

Chợt đâu đó vang lên tiếng hô “Vào!”. Ông Mậu nháo nhác: “Chết thật, đã đá chưa mà hô vào rồi?”. Mấy anh địa chính cười:

- Chưa đâu ông ạ. Đấy là cánh thanh niên đang xem lại băng hình, mình thắng Malaysia 1-0 bữa trước. Còn hôm nay Việt Nam đấu với UAE lúc 20 giờ, sau thời sự tối cơ mà.

- Thôi được rồi. Thế các chú làm nhá- Ông Mậu kéo tay bà Nụ giục về- Mà sao bà nhốt con mái tơ của tôi? Mấy bữa nữa lấy đâu trứng sạch đi thăm con dâu?

Bà Nụ vừa thủng thẳng vắt cành cam qua rào, vừa trách:

- Ông rõ thật là... Chúng nó doanh nhân giữa Thủ đô thiếu gì? Tôi đã để phần con vợ thằng Đoán giỏ bồ kết, để nó đẻ xong có cái mà hơ chân. Còn con gà mái thì tí nữa tôi làm thịt, thể nào ông chả bảo bố con thằng cháu ngoại ông sang xem đá bóng cùng, vừa xem vừa uống bia. Thết con đãi cháu con gà mà ông còn tiếc ư?

Ông Mậu nhìn bà Nụ, ngạc nhiên xen lẫn âu yếm, như hồi đầu tiên ngày nảo ngày nào bà gật đầu đồng ý làm vợ ông.

Tiết đầu đông, trời sập tối khá nhanh. Đâu đó lại vang lên tiếng nhạc rộn rã. Hình như bài “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi” anh Trần Lập gì đó ngày xưa hay hát. Ông vội vã giục bà về kẻo mất buổi bình luận trước trận đấu Việt Nam – UAE. Ông bảo cái anh bình luận viên Quang Quang gì đấy là hay nói liều lắm, mình không theo dõi nhỡ họ dại mồm, xúi quẩy. Bà Nụ cười:

- Họ là người Trung ương, giỏi giang khéo léo lắm ấy chứ. Rõ là ông cũng hay lo mà cứ chê tôi.

Hai ông bà về đến cổng thì đã thấy anh con rể bế thằng cháu ngoại đứng đợi sẵn. Họ cùng vào nhà bật ti-vi lên xem bình luận trước trận đấu bóng.

Ngoài xa, trời đêm như có tiếng xạc xào trên vòm lá…

Gần đến giờ hai đội ra sân, bà Nụ bưng mâm cơm có bát măng tây tái bò bốc khói, cùng đĩa thịt gà tơ lên, cả nhà vừa xem đá bóng vừa ăn uống vui vẻ.

Hôm đó đội tuyển Việt Nam vượt qua UAE với tỷ số 1-0, đúng như mong ước của ông Mậu. Cả nhà ngây ngất trước thắng lợi. Anh con rể cứ suýt xoa mãi rằng giá như trận trước trên đất Bankok cũng thắng Thái Lan tưng bừng như thế này, thì vợ anh đã chịu mua ti -vi màn hình cong 50 inh. Nhưng chưa kịp tiếc thì Đoán, con trai ông Mậu gọi điện từ Hà Nội về thông báo: số phiếu dự đoán kết quả của ông Mậu khi xuống Hà Nội thăm con đã trúng giải khuyến khích của điện thoại Samsung Note 10. Cả nhà ôm nhau mừng chảy nước mắt.

Chợt bà Nụ như nhớ ra, kêu khẽ:

- Nhà mình có điện thoại cục gạch rồi, ông còn dùng cái loại vuốt vuốt ấy làm gì, nhỡ lại rơi vỡ.

Cả nhà cùng cười tóa lên vì cái tính hay lo của bà. Không biết tới trăm tuổi bà có còn lo ông mải xem đá bóng quá nữa không? Rõ thật là thời buổi thị trường bốn chấm không rồi, mà bà vẫn còn như cái ngày quần thâm áo vá...

 vbnhuy

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)