bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 88
Trong tuần: 1312
Lượt truy cập: 645707

TRUYỀN THUYẾT AM LINH ĐIỂU

TRUYỀN THUYẾT

Am Linh Điểu

 

       TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

 

 
  

 

Mỗi chủ nhật, anh em chúng tôi thường thay nhau giả bộ trêu cố nội: Cố tên là gì vậy? Đôi lúc cố giả bộ giận, he hé đôi môi khô héo để hở hai hàm chỉ còn trơ lợi trả lời: Thưa các ngài, tôi tên Năm Hòe ạ. Biết rồi còn cắc cớ. Nhiều khi Cố ngơ ngác lắc đầu, mở to cặp mắt lờ lờ cùi nhãn: Không biết… không nhớ. Ấy là thời khắc tâm trí Cố đang chìm vào quên lãng hằng ngày. Vậy mà hôm nhận được tấm thiệp mời dự lễ mừng bốn mươi năm thành lập thị xã TC, Cố tỉnh như sáo. Sai chắt gái phải ngay tức thì ủi phẳng bộ sắc phục công an của Cố vẫn treo trong tủ, sai tôi mở ngăn kéo lấy ra những tấm huân, huy chương óng ánh cài sẵn lên đấy. Tôi thử góp ý: Từ đây đến đấy hơn trăm cây số, tròn trăm tuổi rồi, sức Cố không chịu nổi đâu. Cố khum khum lòng bàn tay che sau vành tai dài như tai Phật, phào phào hỏi: Anh nói gì cơ? Tôi hét to nhắc lại. Nghe thủng, cố phán: Đi chứ, người ta có tình nhớ đến mình. Anh không thấy ông Chủ Tịch trịnh trọng bút phê khách đặc biệt à. Nghỉ một lát, Cố hỏi: Dương lịch, năm nay bao nhiêu rồi? Tôi ghé môi vào gần thái dương Cố, chậm rãi từng con số: Hai ngàn không trăm sáu mươi tám ạ. Cố gật đầu ra hiệu biết rồi. Đoạn ngửa bàn tay mỏng đét, cong cong mấy ngón khô khảu chỉ còn da bọc xương, nhắm tịt mắt, bấm lên bấm xuống từng đốt. Cứ tưởng Cố lại phiêu phiêu nhập hồn vào cơn mê mê tỉnh tỉnh hằng ngày. Bất ngờ cố rành rọt cất lời, không phập phào, không nhầm lẫn, nói với tôi mà như nói với chính mình: Vậy là cái thị xã ấy có chiều dài lịch sử hơn tám chục năm rồi. Mau thật. Ngày ấ

Từ thuở còn học cấp một, anh em chúng tôi đã bí mật rỉ tai nhau: Đứa nào lảng vảng qua phòng Cố, khôn hồn đừng gây ra tiếng động. Hễ để Cố phát hiện, đập cây gậy cộc cộc vào cánh cửa, ấy là tín hiệu triệu tập: Vô đây, vô đây, có việc.  Chả nhớ tôi đã bao nhiêu lần thót tim, nghe cộc cộc dội vào sát gáy: Thằng chắt đích tôn đấy hả? Vậy là phải nem nép ngồi xuống cuối giường, bấm bụng ngồi đấm bóp hai ống chân Cố lúc nào cũng lạnh ngắt như đồng. Tới lúc Cố thiu thiu thì đã mất hàng tiếng đồng hồ. Chưa ngủ thì còn phập phào cái điệp khúc ngày ấy… ngày ấy, Cố lôi ra từng đoạn, từng đoạn hồi ức xửa xưa, lặp đi lặp lại thứ tự chương hồi giống hệt truyện Tầu. Cố có bao nhiêu đứa chắt thì bấy nhiêu đều thuộc làu làu, những chuyện ngày ấy

Ngày ấy... sau 30 tháng 4, đại đội thanh niên xung phong của anh Năm Hòe, đồng lứa thanh xuân mười tám đôi mươi phơi phới, được lệnh lên rừng nhận nhiệm vụ mới. Lại nguyên vẹn tác phong thời chiến, lại ba lô trên lưng, cán xẻng, con dao trên vai, hành quân về nẻo rừng họ vừa từ biệt chưa được bao ngày. Chỉ khác không còn vành lá ngụy trang xanh rờn, nhấp nhô theo bước đội hình. Nẻo rừng xưa họ đến triển khai công việc, mặt đất không còn một bóng quân thù, nhưng còn nồng nồng mùi thuốc súng. Và trên mỗi thân cây cổ thụ còn lưu chi chít những vết thương chưa kịp lành da. Ròng rã hơn nửa năm trời, chỉ với sức lực hai bàn tay, toàn đơn vị đã đốn cây, phát cỏ, đào đất đắp nên những con đường dọc, lối ngang. Rồi phân lô, chia thửa, dựng nên mấy trăm căn nhà tranh vách đất, giữa rừng già, cơ ngơi ban đầu cho một làng kinh tế mới đông đúc sau này. Đại đội hoàn thành nhiệm vụ tháng trước, tháng sau đã từng chuyến xe đò liên tiếp đổ mấy trăm hộ từ một thành phố đông dân nhất nước, lục tục về đây khai hoang lập nghiệp. Anh đại đội trưởng Năm Hòe được giữ lại bổ xung vào ban điều hành, phụ trách an ninh.  Một năm sau, làng kinh tế mới ấy trở thành xã Tân Thạnh. Năm Hòe chính thức nhận chức danh Trưởng Công An, rồi Chủ Tịch xã hai khóa liền. Hai mươi năm sau, xã Tân Thạnh được nâng cấp lên Thị trấn TC. Rồi vù vù, qua hai mươi năm tiếp theo, thị trấn nở bung thành thị xã TC. Đến thời điểm hai ngàn không trăm sáu mươi tám này, con số tám mươi năm tuổi của thị xã TC, là cố tôi tính tự cái thuở ban đầu nó ra đời ấy. Có thể ví ngày ấy, nó như cô gái sống giữa rừng sâu, nghèo khổ thiếu thốn muôn bề, vụt cái lớn phổng thành nàng tiên mỹ miều xiêm y lộng lẫy, vàng đeo ngọc dát đầy mình.

Buổi sáng lên đường trở về chốn cũ, cố tôi vui vẻ khác thường. Cố đùa: Được đích thân Trung tá an ninh lái xe đưa đón, già này vinh hãnh quá. Tôi phụ họa theo cố: Vâng, cố đang hưởng tiêu chuẩn cấp tướng đấy ạ. Chừng mấy giờ sau, xe chúng tôi đã lẫn vào rồng rắn những chiếc xe đời mới bóng loáng chầm chậm nối đuôi nhau lăn bánh trên những con phố bốn làn đường êm ru của thị xã TC. Cố tôi nôn nả xoay người nhìn ngắm hai bên nhà lầu san sát, biệt thự tân kỳ, không ngớt xuýt xoa: Thật không tưởng tượng được. Giầu có ức vạn của cải. Tôi quay qua hỏi Cố: Có phải con đường này, ngày ấy cố xẻ rừng đào đất đắp nên không? Cố cười tít mắt: Đến thằng cha anh cũng chẳng thể nhớ nổi nữa là tôi. Xe chạm cổng trụ sở Ủy Ban, ông Chủ Tịch thị xã đích thân ra đón. Vừa dìu Cố xuống xe, Chủ Tịch vừa ghé sát tai Cố: Chúng con phải lục tung hàng đống hồ sơ mới tìm ra địa chỉ các vị lãnh đạo thời mảnh đất này còn là xã kinh tế mới. Chỉ duy nhất mình cụ còn tại thế. Còn thì quy tiên hết cả rồi. Cụ chính là vị khách đặc biệt của nhân dân và chính quyền thị xã đấy. Cố tôi cảm động: Cám ơn, cám ơn. Đoạn khoát một vòng tay bao quát khoảng sân mênh mông trước tòa thị chính, lắc lắc mái đầu bạc phơ: Chả biết căn nhà Ủy Ban xã bé tẹo hồi ấy nằm ở chỗ nào.

Chiều hôm ấy, anh Trưởng phòng Văn Hóa Thông Tin và Du lịch lái xe chở chúng tôi chạy loanh quanh tham quan mấy phố chính, cuối cùng xe dừng bên con đập tràn Tha La. Con suối này, thượng nguồn xuất phát từ bên kia biên giới với nước bạn. Phía hạ nguồn bây giờ chảy vào hồ Dầu Tiếng. Con Đập tràn nằm giữa, nối liền hai đoạn đê cao lừng lững. Sườn bên này, dòng suối dềnh lên mấp mé chân đê, nhà cửa phố xá lấn đến mép rừng. Sườn đê bên kia nước hồ dâng mênh mông, hàng hàng những con sóng liên tục oàm oạp vỗ bờ kè đá. Nơi đây đã thành một điểm du lịch dập dìu du khách thập phương. Mặt hồ lúc này đang có nhiều xuồng máy sơn xanh, sơn vàng rẽ nước chở từng đôi nam nữ chạy về phía núi xa mờ. Trên mặt đê, người tản bộ thong thả từng tốp hoặc thư thái ngồi dựa lưng ghế đá quay mặt phía hồ đón gió. Chúng tôi bước xuống một trong vài chục nhà hàng thủy tạ đông nghịt khách đang neo dưới tán những cây rừng mọc ven hồ. Cây nào cũng được gắn tấm biển cổ thụ hàng trăm tuổi. Trước cửa nhà hàng này dựng một cây cột lớn, gắn tấm biển khắc nổi hai chữ Linh Điểu. Trên đỉnh cột treo một con chào mào đỏ đít, một con vẹt mỏ đỏ chót. Chả hiểu sao chúng đều được tạc đôi mắt giống mắt người, buồn bã nhìn xuống thực khách. Anh Văn hóa Du lịch thao thao thuyết minh: Bên dưới chỗ ta ngồi đây, chìm dưới nước hiện còn di tích một khu rừng toàn cây ổi, cây mít với cây soài mấy trăm năm tuổi. Dưới sâu hàng chục mét, vẫn còn nguyên vẹn cái Am Linh Điểu được dựng nên từ đôi tay ông Tám Chim và vị Đạo sĩ hình thù giông giống con chim cao cát. Khi con đập tràn và con đê kia hoàn thành thì nước hồ Dầu Tiếng đổ về, chỉ một đêm đã lên chạm hết mức cao trình. Khu rừng cây ăn trái và cái am ấy ngập băng, sáng hôm sau chỉ thấy loi thoi mấy chỏm xoài già nhô lên giữa vùng mênh mang sóng vỗ. Chả ai biết ông Tám và vị Đạo sĩ Cao Cát ấy sống chết ra sao. Chỉ nghe loan truyền từ bấy đến nay nhiều chuyện có vẻ hoang đường lắm. Nào là họ đã hóa thành chim bay lên đậu chót vót ngon cây, đêm đêm cùng hót từng tràng dài lạnh lẽo lan trên sóng nước. Nào là mấy bác nhà chài mạo hiểm lặn xuống chỗ đấy tìm kiếm, chỉ thấy xác hai con chim to lớn nằm úp lưng châu đầu trước cửa am, vừa động vào đã xôi lên ùng ục từng cuộn nước vọt khỏi mặt hồ. Nào lúc sinh thời các vị ấy chỉ ăn ổi, ăn soài với uống nước suối mà vẫn khỏe mạnh như thường. Truyền thuyết mảnh đất này nhiều lắm. Hư thực, thực hư, chả có cơ sở nào mà kết luận. Từ nãy, Cố tôi ngôi im phắc, nhắm mắt, nghiêng tai. Tưởng cố mệt, thiu thiu ngủ. Bỗng, Cố chống đầu gậy cộc cộc xuống mặt sàn, ngắt lời anh Du lịch: Không hư hư thực thực đâu. Vườn ổi rừng có thật. Vợ chồng nhà Tám Chim có thật. Lão đạo sĩ Cao Các có thật. Họ đã sống ở đấy, chỉ ăn trái cây rừng, uống nước suối, không ăn thứ gì khác. Chính tôi đã có một thời sống cùng với họ. Tất cả không phải hoang đường đâu. Tôi thoáng giật mình nghi hoặc. Chả nhẽ những câu chuyện về rừng ổi, về đàn chim chào mào tội nghiệp và về lão Tám Chim mà Cố tôi thường kể đi kể lại trong những lúc mơ mơ, tỉnh tỉnh kiểu người già lẫn cẫn, mà bấy lâu nay anh em chúng tôi thường cười diễu sau lưng Cố, đâu phải hoang đường. Đến đứa con gái mười tuổi của tôi cũng chả tin lời Cố. Một lần nghe cố hỏi: Chắt ăn cơm chưa? Nó nhay nháy mắt: Dạ, cháu không biết ăn cơm, chỉ toàn ăn trái cây Cố ạ. Cố cộc vào đầu nó: Chắt ăn phải bả của thằng cha mày thì có. Chuyện thật không tin. Tin bọn nhăn răng cười bá láp.

Tám chục năm trước, vợ chồng Tám Chim cùng những hộ dân cuối cùng tự nguyện về làng kinh tế mới được chở trên mấy chiếc xe đò khởi hành từ thành phố XX. Ở đấy, những căn nhà tranh tọa lạc trên những vị trí thuận tiện đã bị những hộ đến trước nhanh nhẩu nhận cả rồi. Còn lại một căn nằm tận mút con đường cuối làng, gần bờ suối Tha La, ông cán bộ điều hành an ủi: Chỉ còn duy nhất căn này thôi. Nó chắc chắn nhất đấy. Hơi vắng vẻ chút. Anh chị nhận tạm vậy. Nghe mấy tiếng oác oác khác thường từ con chim cao cát bay sát sạt đỉnh đầu, cùng lúc từ phía cửa rừng vọng đến một hồi  bìm bịp buồn bã kêu chiều, chị vợ thở dài, thất vọng. Tám Chim lại vui ra mặt, nói: Hợp ý tôi lắm. Được ở gần suối, gần rừng gì bằng. Rồi hào hứng đẩy tấm cửa ghép bẳng những cây le bước vào căn nhà đã nặng mùi ẩm mốc lâu ngày. Không lỉnh kỉnh những giường chiếu, bàn tủ như nhiều hộ khác, hành trang của vợ chồng Tám Chim vỏn vẹn mỗi người một bao bàng chứa mấy bộ quần áo và mấy cái xoong nồi với hai tấm mùng mền. Đi lập nghiệp giữa chốn hoang vu sơn cùng thủy tận mà nhẹ ơ như đi du lịch. Vợ chồng nhà này coi bộ bất bình thường. Vài bữa sau, một người dân mới lên đây tuần trước, trên đường cùng đi lĩnh dụng cụ khai hoang, anh ta nhận ra đồng hương Tám Chim, ngạc nhiên hỏi: Tưởng mi di tản với nhạc phụ rồi? Á… a, mần răng mi cũng lạc đến đây? Chả là ngày ấy tau lừa con vợ, cố ý trì hoãn ngày về Sài Gòn, nại ra lý do ba má tau bệnh sắp chết. Đợi sau 30-4, tình hình tạm yên ổn, chờ chực mãi mới mua được hai vé xe đò, dắt díu nhau về đến thành phố thì, gia đình ông đại úy ba vợ tau đã di tản rồi. Gặp đợt chính quyền vận động đi kinh tế mới, chúng tau đăng ký luôn. Căn biệt thự của ổng tau giao cho phường quản lý. Họ ríu ran với nhau rền rền thổ âm eng eng, cheng chéc, mới biết Tám Chim quê gốc vùng Tây Sơn, Bình định.

Như một sự sắp đặt có vẻ tình cờ, căn vườn nhà Tám Chim còn sót lại mấy cây ổi và một gốc khế rừng cổ thụ đang mùa nặng trĩu trái chín. Gặp thời điểm mùa mưa dữ dội, xe tiếp tế tiêu chuẩn lương thực hỗ trợ mấy tháng ban đầu, có chuyến chậm cả tuần. Dân kinh tế mới nháo nhào ra chợ địa phương mua cái này, bán cái nọ kiếm lời mua gạo. Vợ chồng Tám Chim vẫn bình chân như vại. Mỗi ngày hái vài rổ ổi chín nhai thay cơm rồi ngồi nhòm qua cửa sổ nghe mưa rả rích. Buồn tình, Tám Chim lên cơn chu mỏ hót mấy tràng dài: Truých… truých. Âm thanh cao vói uy quyền xuyên qua thăm thẳm màn mưa. Lát sau, mấy chục con chào mào đã vội vã bay về đậu xếp hàng trên những chạc cây, rũ rũ nước mưa long lanh bám trên đôi cánh. Không chí chóe, không xập xòe, chúng cam chịu chẩu mỏ hướng về phía Tám Chim đang ngự trị. Từ trong bóng tối căn nhà, Tám Chim thoắt biến thành người khác, hai con ngươi mắt đỏ rực, tay lần cây ná cao su luôn dắt bên mình, tay moi viên bi sắt nhỏ trong túi áo. Rồi, ná giương cao. Soạch một tiếng lạnh lùng buông ra. Một con chào mào vỡ toác đầu lặng lẽ xõa cánh rớt xuống đất, hai con ngươi tròn như hai hạt đậu dính máu đỏ lòm trợn trừng lòi ra ngoài hốc mắt. Cảnh này luôn diễn ra mỗi ngày. Mỗi ngày vợ Tám Chim đều run run nắm tay chồng van vỉ: Em van anh mà. Tội sát sinh của anh đã chất chồng như núi. Oan gia quả báo đấy anh ơi. Tám Chim chợt tỉnh, ôm vai vợ thì thào: Anh hứa, anh hứa đây là lần cuối cùng. Nhưng qua ngày mai, màu máu sát sinh lại bừng bừng đỏ tía trong mắt hắn.

Dân tình để ý mái bếp nhà Tám Chim cả tháng mới phất phơ ngọn khói đôi lần. Hằng ngày nó không nấu cơm nước sao? Người ta tò mò hỏi nhau. Một người có vẻ thạo tin, thề sống thề chết kể rằng: Nhà ấy toàn ăn ổi xanh, uống nước giếng mà sống ngoay ngoảy. Người khác bĩu môi: Còn lâu nó mới chịu nuốt ổi xanh. Mỗi bữa chén mấy cặp chim rừng chết oan. Đến tết Công Gô mới ngoẻo. Lại nghe bà khác rụt rè phản bác: Đừng nghi oan cho người ta phải tội. Nhà tôi ở sát bên vườn nhà họ. Chính mắt tôi chứng kiến chị vợ ngày nào cũng mang mấy xác chim ra góc vườn chôn, vừa lấp đất vừa khóc, thấy tội lắm. Những chuyện có vẻ hoang đường ấy đến tai Năm Hòe. Anh tìm đến nhà Tám Chim coi bộ thực hư thế nào. Chả thấy vợ chồng họ có biểu hiện bí ẩn hay dị giáo gì. Chị vợ Tám Chim thì vẫn óng ả lưng ong, hai má trắng hồng với đôi môi chẳng thoa chút son nào vẫn đỏ chót như mỏ con chim vẹt. Còn anh chồng vẫn tòn teng xà lỏn màu cam quây dưới rốn, mái tóc đen nhánh vón lại thành chùm nhọn hoắt xiên xiên giữa đỉnh đầu. Bữa ấy, Tám Chim thân mật mời Năm Hòe ăn chơi đĩa khoai mì nóng hổi, hí hửng khoe: Vợ tui chỉ được cái tài khéo luộc khoai mì. Nhìn cái miệng chảu chảu giống mỏ chào mào của hắn, Năm Hòe suýt chút nữa buột mồm: Hót mấy chùm tiếng chim cho nghe chút coi. Nhưng kịp cất vào trong bụng. Ra khỏi cổng nhà họ, Năm Hòe cúi đầu xăm xăm bước, Tâm trí tự dưng đu đưa bay bổng đâu đâu. Chợt nghe mấy tiếng u ơ: Nhận ra sự lạ gì không? Chúng là chim cả đấy. Người chim… chim người. Giật mình, Năm Hòe vội nghiêng người kịp tránh ông lão đi ngược chiều. Ông ta bước qua vai Năm Hòe như gió. Vương lại mùi hôi hôi của loài chim rừng. Có phải lão ta vừa nói câu ấy với mình không nhỉ? Ờ mà cái sống mũi vàng vàng, vừa to vừa dài quá khổ nằm che gần hết khuôn mặt hạt soài của lão ấy, sao trông giống mỏ con chim cao cát thế. Hoang mang, lục lọi trí nhớ, Năm Hòe chắc chắn cư dân mình quản lý, không có vị nào giống lão này. Quay ngoắt lưng, Chỉ thấy nẻo bìa rừng gần đấy, một một màn khói sương mờ ảo dâng lên ngùn ngụt. Mất hút bóng lão già cao cát.

Ở chưa ấm chỗ, Tám Chim đã lên ban điều hành đệ đơn xin cho mình chuyển vô khu rừng ổi nằm bên bìa rừng, cạnh suối Tha La. Anh ta mới phát hiện ra chỗ này trong một buổi hai vợ chồng vô rừng chặt le về gia cố căn nhà vách trát đất. Mùa mưa, qua suối phải ngồi đò. Từ bến đò, bờ suối bên kia cứ thấp dần về phía hạ lưu, khoảng hơn cây số thì khoét vào mép rừng già tạo thành một hõm đất trũng rộng chừng vài hecta. Phủ kín khu rừng ấy toàn những cây cho trái, nhiều nhất là ổi, rồi đếm mít với soài. Nhưng toàn là thứ trái rừng, nhiều chua ít ngọt, không hợp khẩu vị người nên chẳng ai nhòm ngó. Quanh năm không người qua lại, chỉ có chim chóc ríu ran suốt bốn mùa. Cộng sinh trên đấy, ngoài chuột từng bầy, còn vô số rắn hổ mang, rắn ráo. Ban Kinh tế mới đã khảo sát kỹ khu rừng ấy, không nỡ giao cho ai khai phá. Mặt bằng trũng sâu như vậy, trồng mì  chớm mọc củ đã thối nhão thành bột chua, trồng lúa, sau ba đêm, lũ chuột đã chén sạch không còn hạt lép. Cầm tờ đơn trong tay, Năm Hòe nghĩ: Thằng này điên thật rồi. Lại chợt nghĩ: Tình hình trị an lúc này đang nhộn nhạo, biết đâu nó là mắt xích nằm vùng của địch thì nguy quá. Sáng hôm sau, Năm Hòe cho mời ông đồng hương với Tám Chim đến văn phòng hỏi han mấy điều nghi vấn. Ông ta khẳng định: Tôi lấy đầu tôi đảm bảo, thằng nớ chẳng Việt gian phản động chi mô. Người cùng xóm với nó, tôi biết. Lọt lòng nó đã hình dạng vậy rồi. Đầu nhọn hắt chiếc mao đen nhánh. Ra khỏi bụng mẹ đã đỏ loe vết bớt đóng chỗ  xương cùng lỗ đít. Bốn năm tuổi chưa biết bập bẹ tiếng người. Chập chững bước đầu tiên đã rướn cần cổ, chu mỏ kêu truých truých y hệt giọng hót chim chào mào. Có điềy kỳ lạ, hễ nó truýt truýt, lát sau từng đàn chào mào ở đâu đã bay về đầy vườn, xập xòe, nháo nhác nhưng tuyệt nhiên không con nào dám hó hé một tiếng đáp lại. Còn đang tuổi học vỡ lòng, chả hiểu sao nó đã biết giương ná cao su bá phát bá trúng sau ót vô số những chú chim vô tội. Ngày nào bàn tay nó cũng dính máu chim. Bạn cùng lứa chẳng đưa nào dám chơi thân với nó. Nó là con một của nhà ấy. Tới tuổi quân dịch, ông già nó đổ tiền chạy cho suất lính địa phương quân để được ở gần nhà. Đại đội nó đồn trú giữa rừng sâu, phiên gác đêm ấy nó nghe một tràng truých truých cao vói đè bẹp tiếng hót quyền uy của nó. Tức khí, Nó bỏ súng, lần theo dấu con chim kia. Mất đúng một tuần lễ mới mò về đơn vị cùng với con chào mào tuyệt đẹp. Con này quả thật đáng mặt thống lĩnh ba quân. Đã tiếng hót ngân dài dũng mãnh, lại khoác bộ lông vàng anh ánh rất khác thường. May gặp viên đại úy đồn trưởng vốn là tay mê chim hơn mê gái, giấu thượng cấp, đưa nó về ở hẳn trong nhà mình làm nhiệm vụ chăm sóc bầy chim quý của y và con chào mào đặc biệt vừa tóm được. Mười mươi bị tống vô trại lao công đào binh, cái số của Tám Chim chuyển sang thời vận đỏ tươi như hai nốt đỏ dưới dái tai của nó. Chả biết nó chim chuột thế nào mà cô con gái rượu của nhà ấy phinh phính chiếc bụng bầu. Ả bị bà má bí mật lôi đi nhà thương nạo thai. Sau đấy bọn nó có cưới hỏi hẳn hoi, nhưng tịt đẻ luôn. 

Gạt bỏ nghi ngại, Năm Hòe ký giấy giao hai hecta rừng hoang ấy cho Tám Chim. Được hơi ấm con người chăm sóc, chưa đầy một năm sau, cả khu rừng ấy hồi xuân mơn mởn. Cây nào cây ấy mọng căng trái chín. Chả riêng giống chào mào, những loài chim khác cũng về đây làm tổ, chim mẹ chim con chấp chới từ sáng đến chiều. Nhưng cái mùi tử khí vẫn luôn vung vãi ngày càng hung dữ từ hai bàn tay nhuốm máu của Tám Chim. Đã mệt mỏi khuyên nhủ mà chồng chẳng hồi tâm, chị vợ Tám Chim chỉ còn biết từng ngày tuyệt vọng tìm nhặt những xác chim bết máu, tay đào huyệt, miệng niệm Phật, hy vọng chuộc được một phần tội ác của chồng. Cho đến một hôm, thương xót một chú chim rã cánh mắc vào cành gai trên ngọn cây soài, chị trèo lên gỡ xuống, trượt chân té vỡ đầu ngay trước mắt Tám Chim. Anh ta kinh hoàng hét một tiếng rợn người, ngã dúi lên xác vợ. Như kẻ điên khùng, hai tay mân mê chiếc đầu vỡ toác của vợ mình, run rẩy nhét hai hòn con ngươi tròn xoay đã lòi ra ngoài hốc mắt. Nhưng cố gắng hết sức, chúng vẫn trơn nhuồi nhuội nhảy bật khỏi mấy ngón tay nhoe nhoét máu tươi, trợn trừng nhìn thẳng vào mặt hắn. Lần này là máu vợ hắn, không phải máu chim. Giữa khung cảnh tang thương tàn khốc ấy, tự trời cao, từng thác lời van vỉ của vợ ào ào đâm bổ xuống đầu, Tám Chim vô thức nhắm nghiền đôi mắt từ đỏ đã chuyển sang màu xanh lét. Ăn năn thì đã quá muộn rồi  Ba ngày sau, anh em bà con trong xã đến giúp việc chôn cất, Tám Chim lôi chiếc ná tội ác, móc hết những viên đạn tử thần thảy vào lỗ huyệt. Đoạn hộc lên một tiếng rồi ngất xỉu. Từ đấy, anh ta mỗi ngày lấy nước mắt rửa hai bàn tay tôi lỗi. Mỗi ngày nhai qua loa vài trái ổi. Mỗi ngày khom lưng, xã cánh y hệt con chào mào lầm lũi quẹt quét thảm lá khô đợi ngày đền tội.

 Cố Năm Hòe tạ thế vào đúng ngày sinh nhật thứ một trăm lẻ sáu. Trước đấy mươi ngày, Cố vời tôi đến bên giường, đột nhiên tỉnh táo, thều thào: Ta còn một chuyện cuối cùng phải kể chắt nghe. Ngày ấy, ai cũng tưởng vợ mất rồi thì Tám Chim sẽ quay về nhà cũ. Nhưng hắn vẫn thui thủi một mình trong khu rừng u ám ấy. Vẫn hằng ngày nhai ổi xanh, ổi chín cùng với bầy chim. Có điều, bàn tay hắn không dính máu nữa. Nghe báo cáo hắn đang ở chung với một lão già nửa giống người, nửa giống chim cùng nhiều câu chuyện có vẻ hoang đường bí ẩn từ cửa miệng dân gian, buộc ta phải nhiều lần tới lui chỗ đó điều tra hư thực. Sự thật khác với lời đồn đại chắt ạ. Cây ná và túi đạn, Tám Chim không chôn cùng xác vợ. Chính ta đã mục sở thị hai vật ấy lủng lẳng trên đỉnh cây cột lõi dựng trước cửa căn lều của vợ chồng Tám Chim, lúc này đã sửa thành ngôi am Linh Điểu. Bữa ấy, ta thấy trong đó lỏng chỏng cái bàn ghép vụng về bằng những thân cây le chưa kịp khô. Một bát hương bằng đất nung đặt chính giữa. Một lão già đang trong tư thế co gối nằm úp mặt trên nền đất, lẩm nhẩm những lời nghe không rõ. Lão ngẩng đầu thao láo mắt nhìn khách, ta nhận ra đấy là ông già bí ẩn suýt lao vào mình trong buổi chiều nhập nhoạng ngày nào. Vẫn cái mũi nhọn, dài, to cỡ trái chuối chín vàng chạy dọc hai bên má hóp. Thoáng nhìn đã khiến người ta liên tưởng đến con chim cao cát cô đơn đậu giữa rừng sâu. Lão cất lời âm u như bữa ấy: Chào người quen. Ngài đến đây vì việc công gì vậy? Tôi đến bắt chim. Lão thản nhiên: A Di Đà Phật. Xin ngài nán cho ít bữa để bần đạo độ cho thí chủ Tám Chim thoát khỏi vô lượng kiếp sát sinh thù hận đã. Ta hỏi lão: Nó mắc tội giết người à? Xin thưa, Sát điểu, không phải sát nhân. Nó vốn là quân vương của xứ chào mào từ muôn kiếp trước. Chỉ vì hoàng hậu của nó ngoại tình với viên quan ngự lâm quân. Nó đã tự mình trừng trị hai kẻ trọng tội kia bằng hình phạt mổ vỡ đầu, lòi mắt. Vẫn chưa hả cơn điên giận, nó liên tiếp giết chóc thần dân xứ ấy vô cùng tàn bạo, đến độ dân chúng đã phẫn nộ vùng lên lật đổ ngai vàng. Trải qua bao nhiêu kiếp luân hồi với đủ loại xác phàm, nó vẫn không hề hối cải, cứ lao vào cuộc tàn sát điên cuồng đổ lên đầu vô vàn đồng loại. Đến kiếp người này, nó vẫn chưa hề tỉnh ngộ. Nghe vậy, ngoài miệng ta nói lời xã giao: À ra vậy. Nhưng trong lòng nghi hoặc không tin. Nhưng rồi, nhiều lần chứng kiến bọn họ lặng lẽ sống bên nhau trong khu rừng âm u vắng vẻ ấy, ta nảy ra thắc thỏm sự này. Thử giải thích ta nghe, vị đạo sĩ kia, nếu không có sức mạnh tinh thần khủng khiếp thì sao khuất phục được Tám Chim, khiến hắn chịu quy y, chịu tự nguyện làm đệ tử, ngày ngày chịu nằm phủ phục nghe kinh, nghe mõ?

Còn chuyện này, chắt hãy nhập tâm mà nhớ lấy. Lão Già đạo sĩ Cao Cát vẫn đang luẩn quẩn giữa cõi đời này đấy. Sau ngày ngôi am Linh Điểu chìm xuống đáy hồ, ta còn gặp lão mấy lần. Chả nhớ cách nay bao lâu, lão mò vào tận phòng ta, nói vài câu rồi thoắt biến: Báo để ngài yên tâm mà thụ hưởng tuổi già thanh thản. Đến thời khắc ngài tròn một trăm lẻ sáu tuổi, Phúc Thần sẽ đón về trời. Vợ Tám Chim lại được trở về giữ ngôi Hoàng Hậu vương quốc Chim rồi. Thằng Tám Chim, tôi chỉ có khả năng độ cho nó tái sinh vào xứ không thiện không ác thôi ngài ạ.

 Những chuyện của Cố Năm Hòe kể trong những lúc tâm thần tỉnh tỉnh mê mê, đã trở thành truyền thuyết dân gian của vùng đất mà Người đã có công khai phá thuở ban đầu. Nghe đồn đã có nghị quyết xây dựng khu rừng ổi bổ xung vào quần thể khu du lịch ven hồ Tha La, điểm nhấn là ngôi Am Linh Điểu với ba bức tượng lão già Cao Cát và vợ chồng Tám Chim. Cảm tưởng Cố Năm Hòe của tôi cũng đã trở thành truyền thuyết dân gian rồi. Sáng qua, ngồi cùng bàn cà phê với một ông làm ngạch chính quyền vừa nghỉ hưu, thông báo: Thị Xã TC ta đã được chính thức nâng lên cấp hành chính thành phố rồi. Cầu mong trong buổi lễ công bố quyết định nay mai, lại được đón cụ Năm Hòe. Nghe nói năm ấy cụ đã một trăm hai chục tuổi. Lần đại lễ này, cụ ngất ngưởng trăm sáu chục trở lên là cái chắc.

Tôi phụ họa theo: Đúng vậy. Cụ sẽ vượt qua ngưỡng hai trăm tuổi thọ là cái chắc. Có truyền thuyết nào không hình thành từ hiện thực cuộc sống. Vắng bóng truyền thuyết, cõi nhân gian này tẻ lắm.

7583.jpg_wh860

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)