bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 294
Trong tuần: 1459
Lượt truy cập: 639566

TS. BÙI NHƯ HẢI VIẾT VỀ VŨ NHO

v_nho_nguyn_kh
 
                              NHÀ VĂN PGS.TS. VŨ NHO
 
Cảm ơn tạp chí Ninh Bình đã đăng bài viết giới thiệu về bài viết “PGS. TS. Vũ Nho trên hành trình tận hiến khoa học và giáo dục” số 267/7/2022.
​​​​​​​​2. Sau đây là nội dung bài viết. Mời các bạn quan tâm đón đọc.
​Vũ Nho - Trên sóng và Trong lòng bè bạn là cuốn sách tập hợp, tuyển soạn các bài viết của các nhà khoa học, đồng nghiệp, bạn bè, môn sinh và của chính PGS. TS. Vũ Nho vừa mới trình làng, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành vào quý IV năm 2021, dày 448 trang, khổ 14,5 X 20,5 cm, in tặng không bán, số lượng 1.000 bản. Công trình chính là một món quà tinh thần quý giá, vừa thể hiện sự tôn kính, tri ân, tri kỷ vừa khẳng định, ghi nhận, tôn vinh PGS. TS. Vũ Nho trên nhiều phương diện: một nhà thơ, nhà văn và dịch giả, một nhà nghiên cứu, phê bình văn học và giáo dục uy tín, chuẩn mực, xuất sắc, một nhân cách lớn, thiện lương của đời thường, mang cốt cách, tâm hồn của một vùng đất Ninh Bình - được mệnh danh Cố đô xưa của đất nước.
​PGS. TS. Vũ Nho mang bút danh Võ Nhu, Anh Nhu, Võ Ninh Bình sinh năm 1948, tại thôn Trà Đính, xã Gia Minh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông là một trong những người thuộc thế hệ miền Bắc trước 1975 được học hành, đào tạo bài bản, chính quy (Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Việt Bắc 1970; Tiến sĩ Đại học sư phạm Ghéc-xen, Lê Nin grát (Liên Xô cũ) 1984; Phó giáo sư 1991), và đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác như Giảng viên Đại học Sư phạm Việt Bắc, Chuyên viên chỉ đạo bộ môn ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam,...
PGS. TS. Vũ Nho là một người đa năng, đam mê sáng tạo trên nhiều địa hạt như sáng tác thơ, truyện, nghiên cứu phê bình, dịch thuật, viết sách hướng dẫn tham khảo phục vụ trong việc giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh ở bộ môn Ngữ văn,... Hơn 40 mươi năm qua - nếu tính từ tác phẩm dịch đầu tay Luống cày của Vít ca vào 1979, ông đã in được 114 tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau, viết chung hoặc riêng về văn học và giáo dục, đã công bố hơn 600 bài viết trên báo, tạp chí của Trung ương và địa phương, trong đó có 3 bài công bố ở nước ngoài, nhưng thành tựu chủ yếu thuộc mảng nghiên cứu, phê bình, có thể kể đến những tác phẩm như Thơ chọn và lời bình (tập 1, Nxb. Văn học, 1993; tập 2, Nxb. Văn học, 1995; tập 3 Nxb. Thanh Niên, 1999), Đi giữa miền thơ (tập 1, Nxb. Văn học, 1999; tập 2, Nxb. Văn hóa thông tin, 2001; tập 3, Nxb. Hội Nhà văn, 2006), Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi ( 5 tập. Nxb. Giáo dục 1999), Nghệ thuật đọc diễn cảm (Nxb. Thanh niên, 1999), Thơ những vẻ đẹp (Nxb. Giáo dục 2008), Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca (Nxb. Văn Hoá thông tin, 2000), 33 gương mặt thơ nữ (Nxb. Hội nhà văn, 2009), Thơ và dạy học thơ (Nxb. Đại học Thái Nguyên, 2012), Bình thơ (Nxb. Hội Nhà văn, 2015), Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều (Nxb. Hội Nhà văn, 2016), Hà Nội Văn chương từ một góc nhìn (Nxb. Hội Nhà văn, 2019),… Hầu hết các phẩm của Vũ Nho đều được giới chuyên môn, đồng nghiệp và độc giả, bạn bè trong nước cũng như ngoài nước quan tâm, yêu mến, đánh giá cao, nể phục nên đã viết bài giới thiệu, phê bình, bình luận trên báo, tạp chí, các trang mạng, được các phóng viên của Báo, Đài truyền hình, Đài phát thanh phỏng vấn, khẳng định những đóng góp, cống hiến của PGS. TS. Vũ Nho đối với nền văn học, sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
2. Ấn phẩm Vũ Nho - Trên sóng & Trong lòng bè bạn ra đời chính là sự đáp tạ, tri ân tình cảm bạn đọc đã gần gũi, động viên, khích lệ PGS. TS. Vũ Nho trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Ngoài Lời thưa, Vài thông tin về tác giả và Mục lục, cuốn sách được chia thành 2 phần chính: Phần thứ nhất: Trong lòng bè bạn và Phần thứ hai: Trả lời phỏng vấn.
Phần thứ nhất: Trong lòng bè bạn, gồm 210 trang, tập hợp 56 bài viết của 50 cây bút thuộc các thế hệ khác nhau, sống và làm việc ở các cương vị, lĩnh vực cũng khác nhau viết về các tác phẩm tiêu biểu của PGS. TS. Vũ Nho trong tổng số 114 công trình in riêng, chủ biên hoặc in chung từ năm 1979 đến 2021. Các bài thơ, bình thơ,… của bạn bè, đồng nghiệp, học trò trân quý mến tặng và cả những bài đáp tạ, đối đáp của nhà văn Vũ Nho vừa mang ý nghĩa triết lý về cuộc sống, nhân sinh vừa dí dỏm, hài hước đã góp phần sáng rõ thêm về con người – chân dung PGS. TS. Vũ Nho: minh tuệ, mẫn tiệp, tài hoa, khoan hòa, nhân hậu. Ở phần này, tôi chỉ chọn mảng nghiên cứu khoa học rất được nhiều người quan tâm, đánh giá cao và viết bài bình luận, giới thiệu (cả khen lẫn góp ý) trong gần nửa thế kỷ cần bút của PGS. TS. Vũ Nho - một trong những nhà nghiên cứu, phê bình văn học có tên tuổi, “thương hiệu” trong giới học thuật văn chương đương đại, để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả một gia tài văn chương khá đồ sộ, đa dạng và phong phú.
Đi giữa miền thơ là tác phẩm tiểu luận - phê bình, gồm ba tập, in rải rác vào các năm 1999 (tập 1), năm 2001 (tập 2), năm 2006 (tập 3) cũng rất được độc giả yêu mến, chú ý đến. Đi giữa miền thơ với Vũ Nho, TS. Chu Văn Sơn đã nêu lên cái tạng, cái niềm đam mê lớn nhất của PGS. TS. Vũ Nho, đó là đọc thơ, làm thơ và bình thơ. Trọng tâm Đi giữa miền thơ vì thế “không chỉ là tập hợp những mảng cơ bản mà anh hằng quan tâm, mà đó cũng là một hành trình. Ấy là càng ngày càng đi sâu mãi vào những chốn sơn cùng thủy tận, những địa chỉ giấu vàng của miền thơ” (tr.15 - 16). Họ Chu ngợi ca cách đối nhân xử thế, tấm lòng rộng rãi với thơ nhưng công phu với chữ của cây bút phê bình kỳ cựu Vũ Nho nên đã lượm hái được khi đi giữa miền thơ:“Viết phê bình, người ta hay hướng tới những giá trị lớn, những trường hợp nổi danh. Làm thế, kẻ phê bình dễ bề xoay xở và dễ thơm lây. Âu cũng là lẽ thường. Vũ Nho không theo cái lẽ ấy. Ngòi bút của anh chuyển động theo một lẽ khác,.. dễ thấy tâm huyết của anh chia đều cho tất thảy, không phân biệt đối xử ngôi sao với đốm lửa, tùng bách với cỏ may, ông nghè với ông tú… Đối tượng nào cũng được anh dành cho sự trân trọng nâng niu, chắt chiu thành thực đến thật thà. Ở điểm này, các tập phê bình khác dễ gì đã có được! Và Vũ Nho đã giành được thiện cảm, thiện chí của người đọc trước tiên bằng điều đó.” (tr.16). Và giữa miền thơ, ngòi bút phê bình của Vũ Nho có cái vũ điệu riêng khác, ấy là khi “những miên man biến tấu lề lối trường quy xen với những nét quy phạm đang tung tẩy ngẫu hứng. Ấy là sự đan xen giữa cái tượng hình tài hoa với những “người quê say khúc trăng vàng”,… không ít tinh tế và hóm hỉnh” (tr.20).
Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca ra mắt bạn đọc vào năm 2000, do Nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành. Tác phẩm là một chuyện luận tiêu biểu, để đời của PGS. TS. Vũ Nho, chủ yếu tập trung bàn về thơ Trần Đăng Khoa trong giai đoạn thiếu nhi. Trong bài viết Cảm nhận Vũ Nho qua tập sách Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca, TS. Trần Đăng Thao đã khẳng định rằng: Mặc dù trước đó cũng có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về thơ Trần Đăng Khoa ở tuổi thần đồng, nhưng lại chưa có người nào nghiên cứu chuyên biệt, có hệ thống, chuyên sâu như PGS. TS. Vũ Nho. Công trình đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc tìm hiểu, giải mã và giải quyết thấu đáo hai vấn đề then chốt về thơ của Khoa ở tuổi thần đồng, đó là: “Cái hồn nhiên và cái siêu việt trong thơ Khoa và Vai trò ảnh hưởng của thơ ca dân gian đối với toàn bộ hành trình thơ Trần Đăng Khoa” (tr.10). Sau khi phân tích, lý giải hai vấn đề này một cách thấu tình đạt lý, tác giả bài viết đã đi đến kết luận: Với nhiều hướng tiếp cận, nghiên cứu, PGS. TS. Vũ Nho đã có những phát hiện rất mới mẻ, vì thế công trình rất có giá trị, ý nghĩa, đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu và giải mã thơ Trần Đăng Khoa trên cả hai bình diện lí luận lẫn thực tiễn sáng tác.
Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều: So sánh & Bình luận là một công trình khảo cứu so sánh văn học để đời của PGS. TS. Vũ Nho. Tác phẩm này được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2016, gồm 392 trang, được Vũ Nho tập trung trí tuệ, sức lực cũng như nhiệt huyết, tình cảm rất nhiều. Chuyên khảo rất được giới nghiên cứu, phê bình văn học, bạn đọc đánh giá cao, bởi có lẽ đây là một trong những công trình khoa học nghiên cứu đầu tiên về Truyện Kiều công phu, chi tiết đầy đủ, được luận chứng cụ thể, đáng tin cậy, đạt kết quả khả quan, thuyết phục mà các công trình trước chưa làm được. Ở bài viết Một công trình nghiên cứu so sánh văn học có giá trị, TS. Đường Văn đã cho rằng: Cuốn sách Từ Kim Vân Kiều đến Truy ện Kiều của PGSTS. Vũ Nho là một trong những công trình nghiên cứu khoa học thực sự có ý nghĩa thực tiễn và lý luận, rất đáng được ghi nhận trên mặt bằng chung của tình hình và thực trạng nghiên cứu phê bình văn học ở nước ta hiện nay. Theo tác giả bài viết, công trình có những đóng góp mới sau: Thứ nhất là, tác phẩm có kết cấu, bố cục “vừa chặt chẽ, mạch lạc, các phần, mục hô ứng, nối tiếp, liên hệ, bổ sung cho nhau cùng nhằm giải quyết một yêu cầu chung như một định đề, một tiên đề đã có sẵn,… mỗi phần, mục lại có tính độc lập tương đối, có thể tách ra thành một bài nghiên cứu độc lập, chững chạc (mà thực tế là như vậy)” (tr.112). Thứ hai là, tác phẩm có một mô hình trình bày rất “thống nhất, xuyên suốt, mạch lạc, logich, chặt chẽ và hiệu quả” (tr.113). Cách tìm kiếm, liệt kê, đối sánh giữa Kim Vân Kiều và Truyện Kiều rất khoa học, có khả quan, bởi vì “hầu hết những điều, những điểm, những vấn đề mà tác giả soi chiếu, phát hiện để thấy rõ sự khác biệt trong Truyện Kiều so với Kim Vân Kiều đều chính xác, đều được minh chứng cụ thể bằng ý kiến, câu chữ rõ ràng, thuyết phục. Các biện pháp so sánh văn học được thực hiện một cách cẩn trọng, nghiêm túc, đúng quy trình, khách quan và trung thực cho nên vừa quen vừa lạ, hấp dẫn và thuyết phục.” (tr.114). Trong các vấn đề so sánh, thì có 3 vấn đề rất quan trọng, nổi bật đã được nhà khảo cứu Vũ Nho đề cập tới, đó là: vấn đề tiền bạc, số phận người phụ nữ và triết lý trong Truyện Kiều mà Kim Vân Kiều Truyện không có. Thứ ba là, văn phong và giọng điệu cũng đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng độc giả, bởi “Vũ Nho thuộc loại nhà nghiên cứu phê bình văn học viết văn khảo cứu có v ăn. Nghĩa là lời văn, câu chữ không khô khan, thuần luận lý mà khá dồi dào cảm hứng và hình tượng, hình ảnh, trong khi vẫn giữ được sự mực thước, chặt chẽ, điềm đạm trong quá trình luận chứng.” (tr.119). Ở bài viết Cảm nhận cuốn sách Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều so sánh và bình luận của Vũ Nho, Phạm Tâm Dung cũng đã đánh giá rất cao về sự đóng góp của PGS. TS. Vũ Nho trong việc nghiên cứu, phát hiện ra sự sáng tạo của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều: Mặc dù dựa vào truyện Kim Vân Kiều để viết nên Truyện Kiều nhưng Nguyễn Du đã có những sáng tạo mới, làm thay đổi nội dung cũng như ý nghĩa của câu chuyện. Đặc biệt là, Nguyễn Du “đã đưa thêm ba vấn đề quan trọng mà Kim Vân Kiều Truyện không có là: Vấn đề số phận phụ nữ, vấn đề tiền bạc, vấn đề triết lí” (tr.150), trong đó gây chú ý là vấn đề triết lí được tác giả Vũ Nho khẳng định rằng: tác phẩm Kim Vân Kiều truyện không có triết lí, còn trong Truyện Kiều lại được Nguyễn Du vận dụng một cách sáng tạo triết lí của đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão. Từ những phát hiện mới mẻ này, tác giả bài viết đã nêu lên quan điểm, ý kiến của mình: “Sai đúng đến đâu còn phải kiểm chứng, nhưng tôi thấy tác giả đã mạnh dạn nói khác những người đi trước. Một thái độ dũng cảm đáng trân trọng”. Và có một kết luận rất xác đáng, ghi nhận công sức, trí tuệ, bản lĩnh của PGS. TS. Vũ Nho: “Có thể nói là tác giả đã làm việc nghiêm túc, khoa học, công phu. Giữa khi người ta đã viết quá nhiều bài báo, in kha khá các cuốn sách về Truyện Kiều mà tác giả vẫn dùng hình thức văn học so sánh để viết cả một cuốn sách gần 400 trang về Truyện Kiều thì quả là một thành công đáng ghi nhận.” (tr.154). Ở bài viết Công trình nghiên cứu Truyện Kiều vẫn tiếp diễn, Cao Ngọc Thắng cho rằng: Công trình này là một sự tiếp nối, kế tục con đường nghiên cứu và hiểu Truyện Kiều, đồng thời Vũ Nho cũng đã đặt ra mục tiêu, hướng đi, cách làm riêng trong “việc đối chiếu và so sánh giữa hai tác phẩm Truyện Kiều và Kim Vân Kiều, để thấy rõ tài năng và sức sáng tạo vượt bậc của Đại thi hào nước Việt - Nguyễn Du, đã thu hút rất nhiều học giả từ xưa đến nay”. Chính cách làm này của tác giả công trình đã “đạt được là rõ ràng, khúc chiết nhờ ở sự nhất quán trong phương pháp đối chiếu, so sánh giữa hai văn bản một cách chi tiết, những bình luận của ông là thỏa đáng. Những thông tin cuốn sách đưa ra và đề cập rất có ích trong công tác nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm Truyện Kiều, - một tác phẩm đồ sộ với nhiều điển tích, nhiều tầng ngữ nghĩa, nhiều cách hiểu khác nhau -, trong nhà trường, bởi nó cung cấp những tri thức tường minh, giúp người giáo viên bớt khó khăn trong khi điều kiện tiếp xúc với các nhận định của chuyên gia còn rất hạn chế. Đó cũng là một đóng góp nhất định của PGS. TS. Vũ Nho với môn Kiều học” (tr.81), góp phần làm sáng rõ một số vấn đề, bổ sung một số điểm mà các công trình trước đó chưa nhắc tơi.
33 gương mặt thơ nữ, do Nxb. Hội nhà văn ấn hành vào năm 2009 cũng là một cuốn sách tiêu biểu trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của PGS. TS. Vũ Nho. Trong bài viết Một vài cảm nhận về tập sách 33 gương mặt thơ nữ, Nguyễn Thanh Mai đã có những kiến giải rất đúng khi cho rằng: Một là, cuốn sách chính là một công trình nghiên cứu rất có giá trị vì đã đem đến bạn đọc một cái nhìn tương đối đầy đủ, toàn diện về thơ nữ Việt Nam. Và để có được cái nhìn tổng quan ấy, Vũ Nho “đã khá cẩn trọng trong khâu tuyển chọn thơ của mỗi nhà theo tiêu chí,… đã có thể hình dung ra phần nào dấu vân chữ của những phong cách, những gương mặt, những chân dung không nhòa nhạt. Từ tuyển tập này, những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu về thơ nữ Việt Nam sẽ dễ dàng có một tư liệu quí để tiếp tục khai phá, làm những công trình kế tiếp về một mảng đề tài rộng và hãy còn khá mới mẻ.” (tr.50). Hai là, qua công trình này, độc giả sẽ thấy rõ hơn tâm huyết cũng như những đóng góp của PGS. TS. Vũ Nho qua mảng tiểu luận thơ, đó là những tuyên ngôn, nhận xét rất xác đáng, mới mẻ khiến người đọc ngỡ ngang, thán phục. Ví như từ tuyên ngôn “Những người phụ nữ là những người đáng kính trọng nhất trong xã hội”, Vũ Nho đã đưa ra một nhận xét rất trúng và đúng khi cho rằng: “Vì sao hàng chục thế kỉ qua đi, cũng chỉ có một vài phụ nữ có tên tuổi trong làng thơ?” (tr.51) nhưng vẫn tạo nên được một diện mạo thơ nữ đất Việt. Ba là, mặc dù PGS. TS. Vũ Nho chọn 33 gương mặt thơ nữ tiêu biểu, cùng mang một mẫu số nữ tính và mẫu tính nhưng không lặp lại là một điều không dễ. Sự không lặp lại đó thể hiện ở chỗ, Vũ Nho đã rất “khéo chọn cho mình cách viết đa dạng, những lối tiếp cận riêng, khá thuyết phục với từng trường hợp. Với các nhà thơ lớp trước là cái nhìn tổng thể về thời gian, không gian theo từng chặng đường sáng tác, với các nhà thơ lớp mới là sự cố gắng lý giải, cắt nghĩa về sự độc đáo, mới mẻ trong bút pháp” (tr.53). Bốn là, tác giả của công trình có một lối viết – văn phong “nghiêng về sự giản dị mà tinh tế, vừa lý giải, cắt nghĩa để thuyết phục người đọc bằng chứng cứ rõ ràng, không áp đặt, cưỡng bức độc giả phải yêu, phải tin, nhưng thái độ và tình cảm rõ ràng của anh, cách làm việc cẩn trọng và khách quan, khoa học của anh tự nó đã có sức thuyết phục” (tr.56). Kết thúc bài viết, Nguyễn Thanh Mai đã khẳng định rằng: “33 gương mặt thơ Nữ là một quyển sách quý trong nhiều quyển sách quý mà thêm một lần nữa, nhà văn, nhà giáo, nhà phê bình Vũ Nho đã góp được cho đời. Cảm ơn tác giả, người đã giúp ta hiểu đến tận cùng những nông nỗi, những thân phận, những khát khao hi vọng đầy giá trị nhân văn của người phụ nữ,... Người đã làm bao nhiêu phận đàn bà xứ Việt phải rơi lệ khi gặp lại nỗi mình trong lời thơ, lời bình đau nhức. Cảm ơn tác giả, một - người - lạ - quen - biết: thầy giáo, nhà phê bình văn học Vũ Nho.” (tr.58).
Cuộc đời của PGS. TS. Vũ Nho chủ yếu gắn bó với ngành giáo dục nên đã viết rất nhiều sách tham khảo về dạy và học văn cho giáo viên và học sinh. Trong hàng chục công trình ấy, phải kể đến cuốn sách Thơ và dạy học thơ, do Nxb. Đại học Thái Nguyên ấn hành vào năm 2012, dày 308 trang, in khổ 16 x 24 cm, gồm ba phần: Phần thứ nhất: Thơ, gồm năm chương; Phần thứ hai: Dạy học thơ, gồm ba chương; Phần thứ ba: Ít nhiều trải nghiệm, gồm bốn mục. Cuốn sách rất hay và độc đáo, được độc giả yêu mến, đón nhận và đã viết bài bình luận, đánh giá, thẩm định. Thơ và dạy học thơ với Vũ Nho của Nguyễn Thị Lan là một trong những bài viết công phu, sâu sắc, đặc biệt tác giả đã nêu một số điểm nổi bật của công trình, chẳng hạn như: Cuốn sách chính là một công trình nghiên cứu khoa học mang tính hàn lâm: “Có thể coi cuốn sách như một chuyên luận bàn về khái niệm thơ, đặc trưng thơ, ngôn ngữ thơ, cảm thụ thơ và dạy học thơ,… Những thao tác cơ bản khi nghiên cứu khoa học là thống kê, phân loại, so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, khái quát, tiếp cận hệ thống đã được người viết vận dụng thành thục, sắc bén, linh hoạt” (tr.25); trong các phương pháp dạy học văn mới, thì phương pháp đọc - hiểu tác phẩm văn học theo con đường phân tích văn bản rất quan trọng: “Với Vũ Nho “đọc hiểu” mang một hàm nghĩa rộng bao gồm toàn bộ hoạt động cảm thụ, tiếp cận tác phẩm. Đọc như một quá trình “đồng sáng tạo” của người đọc, nó khác với khái niệm giảng văn” (tr.28); bình thơ là cả một quá trình khó khăn luôn thách thức người viết, cũng lắm công phu, bởi “từ đọc tác phẩm, đến tìm hiểu tác giả, tìm ra một giọng thích hợp, rồi mở đề thế nào cho phù hợp, hấp dẫn, kết thúc thế nào sẽ nâng cao giá trị của bài viết” (tr.29); cuốn sách được viết ra bằng một lối văn tươi tắn, giàu sức thuyết phục luận lí, giàu hình ảnh, chất thơ. Tuy nhiên, công trình cũng có một số hạn chế vì “nội dung cuốn sách ôm chứa nhiều vấn đề lớn nên không thể không có những điều chưa thấy hết hoặc chưa tới của cuốn sách” (tr.32). Kết thúc bài viết, Nguyễn Thị Lan đã có một đánh giá rất đúng khi cho rằng: Cuốn sách như một công cụ thiết thực, một người bạn gần gũi và có ích cho những ai tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, giảng dạy và thưởng thức thơ. Không những thế, không ít trong đó còn đem đến cho người đọc những khoái trá về trí tuệ, những khoái cảm thẩm mỹ. “Thơ và dạy học thơ” là món quà có ý nghĩa tác giả gửi đến các bạn bè đồng nghiệp làm nghề dạy học, các em học sinh, sinh viên, các nhà thơ và công chúng yêu thơ, những người mà Vũ Nho yêu quý.” (tr.33 - 34).
Hà Nội văn chương từ một góc nhìn, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào năm 2019, dày 655 trang, khổ 14,5x 20,5, gồm ba phần: Người Thăng Long - Hà Nội, Viết ở Hà Nội và Viết về Hà Nội là một trong những công trình rất công phu, tâm huyết, đồ sộ của PGS. TS. Vũ Nho – một con người không sinh ra tại Hà Nội nhưng đã trở thành người con của Hà Nội với tất cả niềm tự hào, tấm chân tình và là một minh chứng cho niềm say mê văn chương và tình yêu Hà Nội của ông. Công trình đã tổng hợp, ghi chép, sáng tác, nghiên cứu - phê bình dựa trên các sáng tác âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kịch, múa, điện ảnh về Hà Nội, đặc biệt trong cuốn sách này là những tiểu luận phê bình từ góc nhìn văn chương từ cổ chí kim về Thăng Long – Hà Nội. Tác phẩm rất có giá trị văn học, rất bổ ích đối với bạn đọc, góp thêm một “món ăn” ngon trong bữa biệc văn chương, là kho tàng để nhiều người tìm đến, yêu mến Hà Nội. Thấm đậm một tình yêu Hà Nội của Bùi Việt Thắng là bài viết giới thiệu về tác phẩm này khá chi tiết, sâu sắc. Tác giả bài viết đã cho rằng: Hà Nội văn chương từ một góc nhìn thuộc thể loại “tạp kỹ” - “hiệp đồng binh chủng” (gồm tiểu luận, phê bình, đối thoại, biên soạn, sáng tác thơ), tác phẩm chính là một cuộc “tổng duyệt” đội ngũ sáng tác văn chương về Thủ đô” nhưng phần “ruột” của cuốn sách nằm ở viết về các nhà văn hiện đại, gần hơn là đương đại (đương thời/cùng thời)”. Ở phần viết về văn chương đương đại (tác giả, tác phẩm, thể loại, vấn đề,…) ngòi bút của Vũ Nho “đã làm chủ ngòi bút, tự tin, linh hoạt, sinh động, có phát hiện và đóng góp”. Để làm sáng rõ vấn đề này, Bùi Việt Thắng đã dẫn chứng, phân tích, đánh giá cụ thể một số trường hợp tiêu biểu, từ đó nhận xét rất hợp lý, đúng với cái tạng, cái tài, cái tâm của Vũ Nho: Với “tư cách nhà giáo giúp ông tính chuẩn mực trong nghiên cứu, tư cách nhà báo giúp ông cập nhật thời sự, tư cách nhà văn giúp ông viết có tình, khoan dung và hòa hiếu trong đánh giá, theo tinh thần “gạn đục khơi trong”. Riêng tôi thấy ông luôn mềm mỏng, vui vẻ, có cái khí chất nho sỹ đời trước khi cầm bút.” (tr.131 - 132); đồng thời qua tác phẩm độc giả sẽ “ghi nhận sức đọc, sức nghĩ, sức viết của Vũ Nho. Ông hội đủ phẩm chất “3 trong 1”: nhà giáo - nhà báo - nhà văn”. Ở bài viết Thêm một góc nhìn văn chương Hà Nội, Khánh Dư cũng đã nhận xét đung và sắc sảo khi cho rằng: “Với hơn 600 trang, cuốn sách mới nhất của Vũ Nho đã phác họa bức tranh khá sinh động về văn chương Hà Nội từ góc nhìn của riêng ông. Bức tranh ấy có bóng dáng của những tác giả trung đại,… có sự hiện diện của nhiều tác giả hiện đại,… và có cả những gương mặt mới của văn chương Hà Nội hiện nay. Nhưng dù viết về ai, chọn một bài thơ, một tập thơ hay một tập truyện trong rất nhiều sáng tác của họ để đề cập thì cái đích cuối cùng mà Vũ Nho hướng tới vẫn là làm nổi bật bức tranh văn chương Hà Nội.” (tr.139 - 140).
Phần thứ hai: Trả lời phỏng vấn, gồm 210 trang, tập hợp 20 bài trả lời của PGS. TS. Vũ Nho với các phóng viên của Báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình phỏng vấn liên quan đến các vấn đề về đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật và giáo dục,… hiện nay được mọi ngành, mọi giới quan tâm. Ở bài viết này, tôi chỉ điểm trọng tâm một số vấn đề tiêu biểu, có tính thời sự hiện nay như: về vấn đề chấn hưng giáo dục, sách giáo khoa THPT, lý luận - phê bình văn học,…
Về giáo dục và đào tạo, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Minh Hằng, báo Thái Nguyên về một vài khía cạnh của những thực trạng, bất cập trong giáo dục ở nước ta hiện nay, PGS. TS. Vũ Nho đã có một số ý kiến, đánh giá rất đúng khi cho rằng: Hơn nửa thế kỷ qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đã tập trung rất nhiều cho ngành giáo dục, nhờ thế nền giáo dục cũng đã đạt được nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, nền giáo dục nước ta từ “mẫu giáo đến tiểu học, trung học, trung học chuyên nghiệp và Cao đẳng, Đại học. Lĩnh vực nào cũng có cái rất được và cái chưa được. Nhưng có vẻ như khu vực Đại học, Cao đẳng đang có nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn. Ví như chuyện có nhiều trường Đại học được mở nhưng chưa đủ điều kiện dạy và học, chuyện gom các Đại học độc lập thành Đại học vùng cồng kềnh, quản lí kém hiệu quả” (tr.222); vấn đề dạy thêm và học thêm là rất đáng khuyến khích, bởi “một xã hội học tập là xã hội khuyến khích người ta học thêm. Các cụ ngày xưa nói ông bảy mươi học ông bảy mốt là nhấn mạnh việc học suốt đời”, thế nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường cũng đã làm tha hóa biến chất một số giáo viên dùng mọi thủ đoạn để ép học sinh học thêm, do đó cần phải “lên án những giáo viên dùng quyền uy của mình để bắt học sinh học thêm, phê bình những giáo viên dạy trên lớp chiếu lệ, hời hợt, còn dạy thêm thì tận tình, tận tụy” (tr.223); vấn đề “tiền trường” - các khoản thu hiện nay cũng rất bất cập, phụ huynh phản ánh, không đồng tình vì có một số trường “lạm” thu; thực trạng học sinh và phụ huynh hiện nay không mặn mà, quay lưng lại với khối C, đặc biêt là môn văn. Thực trạng này một phần do “người thầy dạy kém. Còn với người thầy dạy giỏi, các em vẫn say mê, dù rằng cái đích các em không chọn văn chương làm nghề hay chọn việc dính dáng đến văn chương”, và một phần là do “lỗi của cả xã hội về quan niệm quá thực dụng” (tr.226 - 227). Chọn trường nào đây (trường công hay trường tư - BNH nhấn mạnh) là chủ đề của cuộc trao đổi của PGS. TS. Vũ Nho trên sóng JoyFM trực tiếp vào lúc 22 giờ, ngày 15 tháng 11 năm 2017. Trường công hay trường tư cũng là một vấn đề liên quan đến giáo dục rất thú vị, rất có ý nghĩa thực tiễn trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay. Theo PGS. TS. Vũ Nho: “Việc chọn lựa trường công (công lập) hay trường dân lập, tư thục (ngoài công lập) thực tế chỉ mới xuất hiện khoảng hơn chục năm nay” và “gần đây mới có sự cạnh tranh và so sánh trường dân lập với trường công. Đặc biệt là khi xuất hiện trường quốc tế hay có yếu tố quốc tế ở Việt Nam”, trong đó trường công vẫn là “lực lượng nòng cốt trong hệ thống trường học của ta” (tr.346 - 347). Trường công hiện nay vẫn có sức hút đặt biệt, bởi vì trường công thu học phí thấp nên phù hợp phần lớn các gia đình có điều kiện kinh tế bình thường; trường công thuộc địa bàn dân cư, gần gũi, đi lại dễ dàng hơn; trường công thường có khuôn viên đẹp, khang trang, đầy đủ các phòng chức năng, sân chơi, bãi tập,… Tuy nhiên, hiện nay trường công vẫn đang tồn tại một số hạn chế như: “số lượng học sinh đông nên giáo viên không thể quan tâm đầy đủ,… so với một số trường dân lập chất lượng mới xây dựng, thì hệ thống lớp học, khuôn viên đẹp hơn, phương tiện học tập cũng tốt hơn trường công đã xây dựng nhiều năm trước, cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp,…”; “đầu tư cho giáo dục có hạn, cơ sở vật chất không tăng, nhưng nhu cầu học trường công vẫn rất lớn” (tr.350). Hai là, trao đổi về vấn đề giáo viên chọn trường công hay trường tư và đâu là bến đỗ tốt hơn đối với các thầy cô giáo. Theo PGS. TS. Vũ Nho: Trường dân lập có nhiều ưu đãi, chế độ hơn trường công. Dĩ nhiên, giáo viên giỏi chuyên môn, yêu nghề thì ở đâu đều được nhà trường, phụ huynh và học sinh yêu quý.
Về một số vấn đề liên quan đến đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng là cuộc trả lời phỏng vấn của PGS. TS. Vũ Nho với báo Đại đoàn kết thật sự thiết thực, có ý nghĩa. Theo PGS. TS. Vũ Nho, thì chủ trương chấn hưng giáo dục lần này của Trưng ương đã đem lại một tín hiệu vui, lạc quan, nhiều cơ hội cho ngành giáo dục. Nhưng đề án này cũng không khỏi có những lo lắng, băn khoăn, những thách thức lớn đối với những người làm giáo dục vì cần có sự đột phá, lựa chọn các khâu mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra, đánh giá. Động thái cụ thể trong việc đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là dừng tuyển sinh 207 ngành trình độ Đại học của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014 là tốt nhưng phải làm đồng bộ và chắc chắn mới nâng cao được chất lượng đào tạo. Đề án đưa ra phương án 4 hoặc 5 môn thi, trong đó có môn tự chọn thay vì bắt buộc 6 môn như trước đây chẳng có gì là mới cả. Nhưng cái mới, nét “đột phá” trong thi cử và kiểm tra đánh giá chính là việc học sinh thi ngoài hai môn bắt buộc Văn và Toán sẽ tự chọn môn thi còn lại. PGS. TS. Vũ Nho cũng đã có ý kiến “nên thi ngoại ngữ như một môn bắt buộc, như thế phù hợp với thời hội nhập hơn”, đồng thời “phản đối việc một buổi thi, học sinh phải làm bài thi 2 môn. Dù mỗi môn chỉ làm bài với thời lượng 60 hoặc 90 phút. Đó là một việc làm phản khoa học và làm khổ học sinh,… Chính đây là một trong các nguyên nhân gây căng thẳng, làm cho học sinh thiếu tự tin, phải làm “phao”, không trung thực” (tr.413 - 414). Việc đưa ra tỷ lệ 20% học sinh được miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ở mỗi địa phương là có lý do nhưng lại không thuyết phục, vì chất lượng của các vùng miền không đồng đều. Quan điểm của PGS. TS. Vũ Nho là “không nên miễn thi, trừ các trường hợp đặc biệt như ốm đau đột xuất, tập trung đi thi quốc tế,…” (tr.415). Đề cập đến đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, PGS. TS. Vũ Nho cho rằng: tuổi thọ trung bình của sách giao khoa khoảng trên dưới 10 năm là ổn định, bởi vì nếu cứ thay đổi nhiều, liên tục thì vừa tốn kém lại gây khó khăn cho cả người dạy lẫn người học; để tạo điều kiện cho người dạy và người học lựa chọn thì cần phải có nhiều bộ sách giáo khoa cho một môn học. Vũ Nho trả lời phỏng vấn báo điện tử VOV vào ngày 2 tháng 6 năm 2014 là cuộc phỏng vấn của phóng viên báo Điện tử VOV với PGS.TS. Vũ Nho xoay quanh về đề thi Ngữ văn THPT năm 2014 theo cách thức đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. PGS.TS. Vũ Nho cho rằng: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay so với đề thi các năm trước có khác biệt, có đổi mới bởi đề thi “đã có phần giảm nhẹ so với năm trước, chỉ tập trung vào nghị luận xã hội và nghị luận văn học”, đặc biệt đề nghị luận xã hội khá hay, có tính “thời sự, gắn bó trực tiếp với vận mệnh của đất nước”, kiểm tra được nhiều kiến thức của học sinh. Tuy nhiên, đề thi năm nay “có thêm vấn đề xác định phong cách ngôn ngữ văn bản, tác dụng diễn đạt, nhưng đây là hai câu hỏi đơn giản. So sánh với nội dung đề thi gợi ý, tham khảo thì rõ ràng đề thi dễ hơn hẳn. Nếu ngay từ đầu, đề tham khảo sát với đề thi chính thức về hình thức và cấu trúc thì không đến nỗi gây bức xúc, lo lắng cho mọi người, nhất là giáo viên và học sinh” (tr.403). Cắt giảm thời gian 150 phút giảm xuống còn 120 phút không phải là vấn đề quan trọng trong việc quyết định đến chất lượng bài thi bởi “những người ra đề đã dự liệu việc cắt giảm thời gian để ra đề cho phù hợp” nên đề thi năm nay “thì quả thật không đáng phải lo ngại về chất lượng do ảnh hưởng của việc rút bớt thời gian. Vì thực tế là các em chỉ phải làm 2 câu hỏi thay vì 3 câu như trước” (tr.305). Sau khi trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề nội dung và thời gian đề thi, PGS. TS. Vũ Nho đã đóng góp ý kiến đối với đề thi năm đầu tiên thực hiện chủ trương đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Theo quan sát của tôi, đề thi những năm vừa qua là tốt. Cả về thời lượng lẫn nội dung thi. Vừa có nghị luận văn chương, vừa có nghị luận xã hội. Đồng thời có những kiến thức tối thiểu về tác phẩm, tác giả, chi tiết tác phẩm của nhà văn trong nước và nước ngoài,… Trên cơ sở những gì đã có, tôi tin là đề thi càng ngày càng sát chương trình, sát cuộc sống, thiết thực và có độ mở hơn, càng tạo điều kiện cho các em đạt được chuẩn của một học sinh có bằng tú tài để bước vào cuộc sống thuận lợi” (409).
Về vấn đề sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông, PGS. TS. Vũ Nho đã có cuộc đối thoại, trao đổi thẳng thắn với sinh viên Nguyễn Nhật Minh về chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn đang được giảng dạy ở cấp học phổ thông hiện nay. Trong cuộc trao đổi này, PGS. TS. Vũ Nho đã đánh giá khái quát về chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn rất chính xác, thuyết phục khi cho rằng: Một là, nhìn một cách tổng thể, thì “chúng ta đã có một bước tiến dài về làm chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn hiện đại, tiên tiến”. Nhưng khi chúng ta đi vào chi tiết, cụ thể thì “vẫn có thể chỉ ra những điều chưa ổn” (tr.292). Cái chưa ổn thể hiện ở chỗ có một số tác phẩm hay nhưng lại chưa phù hợp lắm với học sinh phổ thông; có cái thừa cái thiếu, ví như “khi đưa bài viết của GS Trần Đình Hượu “Nhìn về vốn văn hóa dân tộc” vào chương trình lớp 12, một số người đã băn khoăn. Đó là bài viết hay, nhưng khi tác giả viết còn chưa có những thông tin về Hoàng thành Thăng Long, chưa có nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Bây giờ thì càng thấy rõ là sự đánh giá của tác giả bài viết đã không còn đúng với thực tế nữa” (tr.293). Hai là, mảng văn học Việt Nam sau 1975 trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn THPT chưa được chú ý, ưu tiên nhiều, vì thế số lượng tác phẩm rất ít, nếu chi li ra thì cả sách nâng cao và không nâng cao chỉ có các tác phẩm như Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, Mùa lá rụng trong vườn (đọc thêm) của Ma Văn Kháng và một bài thơ chỉ duy nhất của nhà thơ Thanh Thảo. Từ thực tế đó, PGS. TS. Vũ Nho đã nêu lên quan điểm, kiến nghị là “cần phải chọn cả thơ, văn và lí luận phê bình văn học sau 1975 nhiều hơn và gần chúng ta hơn”, đặc biệt là cần phải “dành thời lượng Thời sự văn học trong chương trình. Vì không thể mỗi năm thay đổi chương trình hay thay đổi sách, nên cơ quan chuyên môn của Bộ sẽ chọn tác phẩm được giải thưởng, tác phẩm được công chúng chú ý, hoặc nhà văn nước ngoài được giải nô-ben để hướng dẫn học cho từng năm. Như thế văn học trong nhà trường mới không lạc hậu với thời sự văn học” (tr. 297). Ba là, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay “học gì thi nấy” có vẻ rất chuẩn, vì “chỉ thi những gì được học thôi. Thi ra ngoài những thứ được học là đánh đố học sinh” nhưng quan niệm như thế “sẽ bó buộc các nhà ra đề thi”, “sẽ làm hại người học” (tr.300). Bốn là, để nâng cao chất lượng dạy và học, PGS. TS. Vũ Nho đã có một số kiến nghị với Bộ Giáo dục & Đào tạo như: ngoài 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết thì cần chú ý kĩ năng sáng tạo; sách giáo khoa cần phải có những thay đổi, tránh nội dung rậm rạp, hình thức cồng kềnh như một số văn bản đọc thêm không nên đưa vào sách mà đưa lên mạng của cơ quan quản lý và chỉ đạo để giáo viên và học sinh cập nhật,… Cũng luận bàn về vấn đề sách, phóng viên Hà Anh - báo Điện tử Tổ quốc đã phỏng vấn, trao đổi với PGS. TS. Vũ Nho về vấn đề sách văn mẫu hiện nay. Những quan đểm, đánh giá và kiến nghị của PGS. TS. Vũ Nho về sách văn mẫu rất đung, phù hợp với thực tế, với xu thế phát triển của thời đại: văn mẫu cũng rất cần cho dạy học, cần để học sinh tham khảo, rồi từ đó sáng tạo. Nhưng nếu coi văn mẫu là mẫu mực, là chuẩn, thì thật là một sai lầm rất nghiêm trọng, bởi vì như thế là “phản khoa học, không có tính giáo dục. Bởi vì tập làm văn là sự tập sáng tạo của học sinh. Nếu các em “rập khuôn” theo văn mẫu thì chỉ có những sản phẩm giả, giống nhau y chang” (tr.323).
Về vấn đề thực trạng hoạt động lý luận – phê bình văn học ở nước ta hiện nay, PGS. TS. Vũ Nho đã có những cuộc trả lời phỏng vấn với báo, đài rất thú vị, đúng với thực tiễn đời sống hoạt động lý luận, phê bình văn học hiện nay. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Quân đội Nhân dân Cuối tuần vào ngày 15 tháng 8 năm 2012, PGS. TS. Vũ Nho cho rằng: hoạt động lý luận - phê bình văn học ở nước ta hiện nay khá nhộn nhịp, chất lượng và hiệu quả khá tốt, có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, chẳng hạn như “chỉ riêng trong nhiệm kỳ khóa VII của Hội Nhà văn Việt Nam, từ năm 2006 đến năm 2010 cả nước ta có hơn 50 tập sách lý luận - phê bình văn học của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên được xuất bản. Có thể do số lượng sách in hạn chế, nên nhiều người chưa được biết, nhưng trên báo chí thì lại rất “nhộn nhịp” những bài điểm sách, giới thiệu tác giả - tác phẩm… và cả những cuộc trao đi đổi lại nhiều kỳ giữa các tác giả về một vấn đề, một hiện tượng văn học được dư luận rất quan tâm” (tr.269 - 270). Bên cạnh đó, phê bình – lý luận hiện nay cũng đang tồn tại nhiều bất cập, cụ thể là đội ngũ nghiên cứu lý luận – phê bình thiếu hụt, nhất là đội ngũ trẻ kế cận; không ít các bài viết, công trình “chỉ mới dừng ở mức độ “cảm nhận”, khen - chê nhiều khi chỉ xuất phát từ cái “gu” hết sức chủ quan; nhiều bài gọi là phê bình nhưng chỉ dừng ở mức “đọc sách, điểm sách”, giới thiệu tóm tắt tác phẩm,… Lại có những bài phê bình “bốc thơm” quá đà khiến công chúng hoài nghi, phản ứng” (tr.273). Để khắc phục những mặt hạn chế, “chưa được” của phê bình văn học hiện nay, PGS. TS. Vũ Nho cho rằng: Muốn có một bài viết phê bình văn học đạt chất lượng cao, trách những sai sót không đáng có, những nhận định thái quá về một hiện tượng văn học, một tác giả, một tác phẩm,… thì người viết cần phải “có một cơ sở khoa học vững chắc, một cơ sở lý luận đáng tin cậy”; trong khi phê bình “một tác giả, một tác phẩm hay một hiện tượng văn học nào đó, phải không vì bất cứ sự nể nang nào, không vì bất cứ lý do gì mà đưa ra các đánh giá, các nhận định “loạn chuẩn”, những người trong giới phê bình văn học cũng “cần có sự “quan tâm” lẫn nhau, phải đọc sách của nhau, cùng nhau trao đổi, bàn bạc và lắng nghe nhau khi đứng trước một hiện tượng văn học”; đã “mang lấy “nghiệp” phê bình văn học thì phải gắn bó, trung thành với nó. Phải đọc và học suốt đời để sống chết với nó!” (tr.274 - 275).
Những cuộc trao đổi, luận bàn của PGS. TS. Vũ Nho đã thể hiện được trường kiến thức sâu rộng ở các lĩnh vực khác nhau, có những quan điểm đúng đắn, khách quan, có những sang kiến, giải pháp mới mẻ, góp phần đổi mới cách nhìn, cách viết, cách quản lý, cách dạy học của các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu - phê bình văn học, các nhà lãnh đạo, giáo viên, học sinh,…
Đọc những trang sách Vũ Nho - Trên sóng và Trong lòng bè bạn, độc giả thấy được chân dung của một nhà nghiên cứu khoa học, nhà giáo, nhà văn Vũ Nho - một trong những cây bút đương đại lực lưỡng, tâm huyết, hết mình, miệt mài vì niềm đam mê qua chặng đường hơn nửa thế kỷ trong lao động khoa học, giáo dục và trên từng trang sách khiến bất kì, ai cũng cảm thấy nể phục. Cuốn sách còn là kho tư liệu chân thực, sinh động, một minh chứng thuyết phục cho tài năng và nhân cách của PGS. TS. Vũ Nho đã tận hiến hết mình cho sự nghiệp văn học nghệ thuật, giáo dục nước nhà.
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
16-08-2023 14:20:31 VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN TS BÙI NHƯ HẢI VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU, CHI TIẾT VÀ HÀO PHÓNG LỜI KHEN!

Trả lời

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)