bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 32
Trong ngày: 555
Trong tuần: 1457
Lượt truy cập: 640473

VẤN ĐỀ SINH THÁI TRONG VĂN XUÔI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU

Vấn đề sinh thái trong văn xuôi

viết về nông thôn của Nguyễn Quang Thiều

 

                   TS BÙI NHƯ HẢI

 

Như chúng ta đã biết, môi trường sinh thái đóng một vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự sống còn của con người trên trái đất. Thế kỷ XX đã đánh dấu một thời đại đầy hoàng kim của khoa học kỹ thuật. Nhưng đây cũng chính là một thế kỷ, mà nhân loại phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủ ro của sự biến đổi khí hậu, sự xuống cấp của môi trường, sinh thái. Vấn đề này không còn riêng của một quốc gia, một lãnh thổ nào, nó đã trở thành vấn đề chung của toàn thế giới, nên cần phải cùng chung tay để giải quyết, đem lại sự cân bằng, duy trì, hài hòa hệ sinh thái và tiếp tục phát triển, bền vững hơn, lâu dài hơn. Việt Nam - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề trong việc biến đổi khí hậu, môi trường. Nhất là trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, đất nước ta đã phải chống chọi, hứng chịu nhiều trận mưa bão, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng cao, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng,... Nước ta vì thế đã/đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ sinh thái và khủng hoảng môi trường trầm trọng. Từ những căn nguyên đó, văn học sinh thái và phê bình sinh thái đã ra đời, ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng với mong muốn chỉ ra các nguyên nhân nguy cơ sinh thái, tinh thần sinh thái ở mỗi người, nhằm cảnh báo, thức tỉnh con người trước sự khai thác quá mức làm kiệt quệ trái đất. đồng thời qua đó, con người cần phải có thái độ ứng xử với thế giới tự nhiên hài hòa, thiên thiện và văn minh hơn. Thấu hiểu và ý thức được vấn đề, giới văn nghệ sĩ có trái tim đa cảm, giàu lòng trắc ẩn như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Mai Văn Phấn, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trí, Trần Duy Phiên, Nguyễn Ngọc Tư,... đã tiếp cận, tìm hiểu, kí thác để tạo nên một khuynh hướng văn học sinh thái trong cùng dòng chảy với văn học đương đại. Trên tinh thần sinh thái, Nguyễn Quang Thiều - nhà văn tiên phong với trào lưu hiện đại cũng đã quan tâm, phản ánh một cách trực diện, sâu sắc trong văn xuôi viết về nông thôn. Các tác phẩm như Kẻ ám sát cánh đồng (tiểu thuyết); Lời hứa của thời gian, Người thổi kèn lá dứa, Hương khúc nếp cuối cùng (truyện ngắn); Có một kẻ rời bỏ thành phố, Những cái chết không nhìn thấy, Trong tiếng vọng những mùa sen đã chết, Đã mất rồi những cái cây có ma, Trò chuyện về những cái cây đã chết (tản văn),... đã chạm đến những vấn đề cấp thiết của sinh thái nông thôn, với nhiều góc khuất của hiện thực sinh thái nông thôn trong sự

hài hòa giữa con người với thế giới tự nhiên; trong sự biến đổi, tàn phá, hủy hoại của con người đối với thiên nhiên, muông thú,... Trong phần dưới đây, chúng tôi đi sâu vào hai bình diện sinh thái nông thôn, đó là: sinh thể thiên nhiên làng quê - một vẻ đẹp nên thơ, thanh bình, đáng sống; làng quê bị xâm lấn, tàn phá bởi cơn lốc của đô thị hóa, kinh tế thị trường.

  1. Không gian làng quê thanh bình, đáng sống

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều hơn một lần đã tâm sự rằng: “Linh hồn và tinh thần của tôi luôn trú ngụ ở làng quê. Còn thành phố chỉ là nơi tôi kéo thể xác mình đi qua mà thôi”. Dưới ngòi bút tài hoa của mình, ông đã miêu tả thế giới thiên nhiên làng quê rất phong phú, bình dị, yên ả, thơ mộng, tràn đầy âm thanh và màu sắc, rất đáng sống của con người. Đặc biệt, làng Chùa - một làng quê nghèo hiền hòa, bình dị đã đi vào kí ức tuổi thơ, trở thành nguồn cảm hứng dạt dào, vô tận trong sáng tác văn xuôi viết về nông thôn của Nguyễn Quang Thiều. Hình ảnh thiên nhiên làng quê như con sông Đáy, cánh đồng làng bát ngát, bờ bãi rực vàng hoa cải, hoa tầm xuân sắc trắng hồng,... rất mộc mạc, gần gũi và thơ mộng, khiến lòng người không thể không xuyến xao, xúc cảm. Sông Đáy như người mẹ bao dung, nảy nở, hoài thai, dưỡng nuôi sự sống, kết tinh hạt mầm tinh khôi của con người, vạn vật nơi đây: “Dòng sông chợt dừng chảy, im phắc, lắng nghe cô, rồi bỗng trào lên những đợt sóng reo vui, nhảy nối nhau loan báo cho các loài thủy tộc biết điều hạnh phúc thiêng liêng. Quanh họ, có những con cá bay lên khỏi mặt nước như một mảnh trăng con lấp lóa”(1). Những “con thuyền lững lờ trôi dọc sông trong sắc chiều tím như những quả dâu chín”(2). Hai bên triền sông Đáy, đất đai phì nhiêu, trù phú, xanh mướt của “những cành hoa cải nhỏ nhắn, mềm mại, ấp áp đung đưa theo gió”, của “tiếng lá ngô khua xào xạc”, “mùi dâu ngô dịu ngọt”(3). Dọc các con đường của làng quê “cỏ lên mầm tỏa hương thơm ngát”, những “bông hoa dại li ti nở trắng”(4). Cách đồng một phần của mảnh hồn làng quê, gắn bó với con người từ ngàn xưa đến nay, vì thế

.....................

(1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, tr.77.

 (2) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.356.

(3) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.83.

(4) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.333.

nó đã trở thành một hình ảnh thân thuộc, không thể phai mờ trong kí ức của mỗi người dân quê nơi đây. Cứ mỗi độ mùa sang, những đứa trẻ trong làng bước “thênh thang như lướt” ra cách đồng bát ngát tìm hái rau khúc, ngắm những đàn chim bay về trú ngụ kêu vang rộn ràng như tiếng sáo trúc. Cánh đồng còn nơi quay về, dừng chân, đích đến của những người đã từng rời quê hay trốn khỏi vòng xoáy, xô bồ của thị thành: “Hắn rời khỏi thành phố. Và một con đường chạy thẳng ra cánh đồng. Với hắn, đấy là một cánh đồng liền với chân trời,... đường chân trời màu thiên thanh hòa vào đất đai nâu thẫm và ngũ cốc vàng ấm ở cuối cánh đồng”(1). Ở triền đê, cứ mỗi độ mùa Xuân về, gió xuân ấm áp thổi tới, “nắng cuối chiều trước khi tắt hừng lên rực rỡ lạ thường. Cỏ sườn đê ánh lên như ngọc. Những bông hoa tầm xuân nở sớm thoang thoảng hương”(2). Thu đến, cỏ may xao xác. Hạ sang, đầm sen “phủ kín một màu lá xanh như ngọc và ngào ngạt hương,... Làng tôi được ướp trong hương sen ngào ngạt,... Tất cả những ngôi nhà và mọi người trong làng đều tỏa ra hương sen thơm ngát”(3). Những con mối hân hoan,  vui mừng “xòe đôi cánh mỏng

..........................

(1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.165-166.

(2) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.257.

(3) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố..., tr.122 - 124.

như màng nước từ một ổ đất dưới gốc cây cuồng nhiệt bay lên”(1) trong cơn mưa đầu mùa. Những đám cây khúc nếp mọc dày như rêu, hương nồng nàn, đậm đà của đất phù sa, thanh cao của khí xuân sông Đáy: “Những cây khúc nếp thường mọc từng đám dày như rêu. Ngọn khúc nếp nhỏ li ti, phủ một lớp lông trắng như mốc,... Hương khúc nếp mang cái đậm đà của đất phù sa, cái thanh tao của khí xuân sông Đáy và cái gần gũi của ký ức những mùa rau và những chiều đồ bánh”(2). Nhà cửa, vườn tược nơi chốn quê này cũng rất đơn sơ, bình yên, gợi lại kí ức về làng quê xưa cũ, nghèo khó: “Những ngôi nhà với những bức tường đất và lợp rạ lúc nào cũng lụp xụp và đầy bóng tối,... Và những ngày ấy, làng quê đầy cây cối và những khu vườn hoang um tùm cây dại”(3). Ngôi nhà thân thương ấy, cũng chính là nơi níu giữ những người con xa quê gặp phải giông bão trong đời, lại muốn được trở về với ngôi nhà bình yên của mình: “Tôi vẫn thường một mình trở về làng quê, nơi đã dựng lên một thế giới đầy bí ẩn cho tuổi thơ tôi. Về và ngồi xuống, với hi vọng một ngày nào đó, những cảm giác ...................

(1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.82.

(2) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.278.

(3) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố..., tr.118.

và trí tưởng tượng thuở xưa lại trở về. Để cho tôi được sự sợ hãi mơ hồ, được quyến rũ mê dại, và được tin rằng có những phép lạ trong chính đời sống này”(1). Cái làng quê ấy còn ẩn chứa bao điều huyền bí, tâm linh về những câu chuyện kể của cây thị, cây gạo có ma kì quái của các bà, các mẹ cho bọn trẻ con nghe hằng đêm. Đời sống của người dân quê nơi đây cũng rất giản dị, đạm bạc, đầy tình nghĩa, luôn gìn giữ và phát huy những phong tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp. Những lúc khó khăn, thiếu thốn, loạn li vì chiến tranh họ cùng nhau đùm bọc, sẻ chia từng “bữa cơm độn khoai lang khô” hay “một bát cà và một đĩa măng tre luộc chấm tương”. Và cả những lúc khấm khá, có của ăn của để, họ cũng trân trọng biếu nhau những thức quà ngon như bánh khúc được đồ với gạo nếp. Cảnh sắc thiên nhiên làng quê nên thơ, tươi đẹp, trù phú và bình yên đã khiến cô thiếu nữ tên Chinh thích thú, đắm say ngay cái nhìn đầu tiên, khơi lên một niềm ao ước, khát khao muốn rời khỏi không gian tù hãm, chật chội của con thuyền, của thị thành để đến với chốn quê yên ả, tươi đẹp: “Cô thèm khát được đặt chân lên dải đất mịn màng phù sa. Cô muốn được nằm trên thảm cỏ xanh ven đê làng. Có nhiều đêm cô bơi sát bờ và khi nghe thấy tiếng lá ngô ....................

(1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố..., tr.120.

khua xào xạc, khi ngửi thấy mùi râu ngô non dịu ngọt và mùi cỏ đêm hăng hăng, người cô lại cảm thấy nôn nao, nhịp tim cô dồn dập,... Suốt cả ngày hôm đó cô không thể nào rời tâm trí khỏi thảm hoa vàng kia. Một cái gì náo nức vẫy gọi cô,... Nó làm cho ngực áo cô bỗng đầy lên đến nghẹt thở”(1). Và nó cũng đã đánh thức con tim thổn thức, khao khát một tình yêu vẫy gọi, để rồi Chinh đã se duyên cùng với Thao bên bến sông đầy hoa cải vàng rực rỡ. Ông Hiền (Tiếng gọi lúc hoàng hôn), Người lính già cô đơn (Lời hứa của thời gian) và một số nhân vật khác cũng có trái tim ấm nóng, chan chứa tình yêu thương với cây cối, muông thú. Người lính già đã chăm sóc, nuôi dưỡng chú trâu như chính cuộc đời của mình, xem chú trâu như một người bạn, người anh, người em thân thiết, không thể thiếu vắng trong cuộc đời. Do hoàn cảnh lâm vào đường cùng, cuộc sống cực khổ, mái ấm hạnh phúc tan vỡ, người lính già cô đơn không muốn chú trâu của mình phải khổ cực nên đã quyết định trả nó về rừng để được tự do, sung sướng hơn. Nhưng chú trâu đã không về rừng, về với đồng loại của mình, mà đã quay trở lại với người lính cô đơn ấy. Ông Hiền cũng có tình yêu thương như thế, ông đã dồn hết tình yêu của mình cho con chó Mu. Ông nuôi nấng, vuốt ve, âu ...................

 (1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.70 -72.

yếm con chó Mu như chính con trai ruột của mình. Con chó Mu cũng đã cảm nhận được tình thương yêu của ông Hiền đối với nó, nên nó rất quấn quýt bên ông Hiền mỗi ngày và giúp đỡ ông mỗi khi gặp nạn. Chinh, người lính già cô đơn, ông Hiền,... là những nhân vật - con người có ý thức, có trái tim nồng nàn, trân trọng thiên nhiên, muông thú, nên đã được thiên nhiên, muông thú chở che, bảo vệ.

  1. Không gian làng quê bị xâm lấn, tàn phá

            Nhà văn Nguyễn Quang Thiều không chỉ miêu tả, khắc họa không gian làng quê với những nét đẹp bình dị, trong lành, mát mẻ của những con sông, lũy tre làng, vườn hoa cải, ngôi nhà ba gian ngói đỏ,... mà còn  ưu tư, đau xót vì làng quê bị xâm lấn, tàn phá trước làn sóng kinh tế thị trường cùng cơn bão đô thị hóa mạnh mẽ. Diện mạo về cảnh quan làng quê, về đời sống của người nông dân nơi ấy từ sau Đổi mới đến nay đã có sự đổi thay, văn minh và nhộn nhịp, sôi động hơn: “Ánh sáng của đèn điện bảo vệ dọc đường, có tiếng hát karaoke của đám thanh niên trong một xóm gần đấy, có tiếng hò hét một trận đấu bóng đá giải ngoại hạng Anh,…”(1). Nhưng làng quê nơi ấy cũng đã/đang đánh mất đi rất nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc biệt không gian sinh thái thiên nhiên ...............

(1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố..., tr.119.

bị xâm lấn, thay đổi trước những tác động xấu của quá trình đô thị hóa, của kinh tế thị trường. Làng quê nơi đây cũng như bao làng quê khác của đất nước ta, phải đối mặt với một vấn đề khá phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hóa nông thôn, đó là sự trì trệ, tối tăm, bẩn thỉu, ô nhiễm về môi trường sống của con người. Những con sông quê vốn dĩ trong lành, mát ngọt nhưng giờ đây trở thành con sông “chết”, con sông “đen”, vì nó đã bị ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải sinh hoạt, “ỉa đái xuống dòng sông rồi lại nói nước sông trong sạch, lấy nước sông ăn, lấy nước sông uống”(1) của người dân sinh sống trên thuyền ven sông; khai thác nguồn lợi thủy sản bừa bãi, vấy bẩn; xác động vật hay những người xấu số nào đó “đã rữa tỏa mùi tanh nồng nặc”(2); những “nhà máy giết chết cả một con sông và đe dọa sự sống của cư dân đôi bờ”(3). Các công trình đường xá, nhà ở, khu công nghiệp,... xây dựng đã làm thay đổi, biến mất không gian thiên nhiên thôn dã. Hoa tầm xuân, hoa sen, rau khúc - những loại thảo mộc thân thuộc, gắn bó với đời sống sinh hoạt, trở thành nét đẹp văn hóa của người nông dân nhưng giờ đây đã bị phá bỏ, vì thế thưa dần, ít ỏi. Những đóa hoa tầm xuân thơm ngát ................

(1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.71.

(2) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.70..

(3) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố..., tr.130.

dùng để ướp trà, nấu chè và làm đẹp mái tóc cho người phụ nữ,... đã biến mất là kết quả của một sự thay thế, đánh đổi: “Gò sông bây giờ khác xưa quá nhiều. Một hệ thống lò gạch máy dựng lên làm mất hết những bụi tầm xuân. Chỉ còn lại một vài khóm nhỏ mọc quanh hai ngôi mộ”(1). Những rau khúc người dân dùng làm nguyên liệu để gói bánh, trở thành phong tục, đặc sản, nét đẹp của quê hương mỗi độ tết đến xuân về hay mùa đông giá lạnh. Họ làm bánh để ăn và đem biếu cho nhau như một sự trao gửi ân nghĩa quanh đời: “Vào mùa rau khúc, trẻ con trong làng thường tập trung ở những nơi có nhiều rau khúc. Chúng tôi hái rau từ đầu mùa đến cuối mùa để làm bánh,... Mùi hương khúc nếp mang cái đậm đà của đất phù sa, cái thanh tao của khí xuân sông Đáy và cái gần gũi của kí ức những mùa rau và những chiều đồ bánh”(2). Những đầm sen trở thành một phần của hồn làng, họ rất yêu mến, tự hào, có ý thức trong việc chăm bón, gìn giữ. Cứ mỗi năm, mùa sen nở, cả làng háo hức, vui như trẩy hội, thu xếp công việc đồng áng để ra đầm sen ngắm những cây sen vươn mình “trên mặt nước lấp lánh buổi hửng đông,... những mầm sen như những thỏi bạc sáng đâm thẳng lên mặt nước”. Hoa sen nở cả đầm sen khiến không ..................

(1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.47.

(2) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.278.

gian làng như “được ướp trong hương sen ngào ngạt”, “tất cả những ngôi nhà và mọi người đều tỏa ra hương sen thơm ngát”(1). Nhưng rồi, các đầm sen của làng càng ngày càng bị thu hẹp, lần lượt biến mất trước cơn lốc của kinh tế thị trường. Người ta cho đấu thầu để phá sen nuôi cá, nuôi vịt, làm ô nhiễm môi trường, bờ đầm “hôi nồng mùi phân vịt”, nhiều cây dại rất đẹp quanh bờ đầm chỉ còn trơ ra của sỏi đá, đất sét đã đầu độc bầu không khí trong lành, mát mẻ của làng quê: “Người ta cho đấu thầu sen. Những người thắng thầu của nhiều năm nay đã tát cạn đầm để đào hết sen không sót một gốc nào. Họ lấy đầm sen nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp. Trên bờ đầm là những trại nuôi vịt chứa hàng ngàn con,...”(2). Không chỉ có dòng sông, đầm sen, cây cối,... mà còn những loại động vật cũng cùng chung số phận. Những đàn chim mòng két ở đầm Lai đã trở thành đối tượng săn lùng của các tay thợ săn bắn động vật, khiến bờ đầm Lai trở nên hoang vu, vắng vẻ, không còn một con chim nào đến đây trú ngụ nữa. Hành động bắn những chú chim mòng két “xõa cánh, ngực bê bết máu” rơi xuống “như lá khô gặp gió” chính là bằng chứng của sự toan tính, thực dụng, vô cảm của con người. Quả thật, sinh thái nơi làng quê đã có sự thay ...............

(1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.122. (2) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố..., tr.125.

đổi, biến mất đầy xa xót, thương tâm, và dường như, rất ít người để tâm đến, chỉ biết lợi nhuận, chỉ biết thỏa mãn cho thú vui tiêu khiển của mình. Những con rắn cũng trở thành đối tượng “săn mồi” của con người sống nơi vùng biển. Những tay ăn nhậu chuyên đi bắt rắn để làm mồi nhậu, vì rắn là món nhậu “đặc sản”, nhất là quả tim của con trắn trở thành nghi lễ chứng tỏ lòng thành với nhau trong tiệc nhậu. Họ chỉ biết thỏa mãn thú vui ăn nhậu, không hề bận tâm về việc làm, hành động của mình đã chết một sinh mệnh bé nhỏ, đang gào thét, kêu cứu, trì níu trước khi lìa khỏi sự sống và tiếng rền rĩ, giận dữ của biển cả: “Những con rắn bơi trong mù khơi. Những quả tim bé bỏng đập trong đĩa. Và tiếng rền rĩ bất tận của biển cả”(1). Chính lòng tham, sự ích kỉ, thiếu ý thức của con người đã tàn phá, hủy diệt các sinh mệnh nên dẫn đến phá vỡ nghiêm trọng môi trường sống của con người, không gian văn hóa của làng quê vốn kiến tạo, hun đúc nên từ ngàn năm.

Tốc độ đô thị hóa nông thôn quá nhanh, khiến không gian sinh thái làng Chùa cũng như các làng quê khác ở Bắc Bộ thay đổi, biến động đến chóng mặt, ngày càng bộc lộ những bất cập, dẫn đến mai một, tàn phá, hủy diệt thiên nhiên, văn hóa cổ truyền vốn lưu cửu ngàn đời theo thời gian, và tình người vô cảm, hụt vơi

.............

 (1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.259.

cứ dần lớn lên. Hiện thực này, Nguyễn Quang Thiều rất trăn trở, suy ngẫm nhưng không hề bi quan, trái lại vẫn thể hiện một cái nhìn lạc quan, phản tỉnh về sự hồi sinh của tự nhiên, về sự ý thức của con người trong việc bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên, văn hóa làng quê trước cơn lốc phát triển thần tốc của tiến trình đô thị hóa nông thôn. Cái nhìn ấy, thông điệp ấy, mong ước ấy của ông đã thể hiện qua nhân vật “tôi” trong Hương khúc nếp cuối cùng: “Tôi cầu mong những cô bé làng tôi lớn lên mãi cùng những mùa rau khúc thiêng liêng của xứ sở mình. Và chúng sẽ hiện dẫn lên trong những mùa rau khúc thanh tao, ấm áp và lộng lẫy,... tiếng đập cánh của bầy chim và cả tiếng kêu khe khẽ của chúng. Tiếng đập cánh mỗi lúc một thấp dần về phía bờ đầm”(1). Thế giới tự nhiên cũng giống như con người. Nó cũng có cảm xúc, biết đau, biết buồn, biết giận hờn, biết nổi giận, nên con người cố tình tàn phá thiên nhiên, sát hại muông thú tàn nhẫn, thô bạo thì con người sẽ nhận lại hậu quả bằng cách nó tự biến mất.

Vấn đề sinh thái trong văn xuôi viết về nông thôn được Nguyễn Quang Thiều miêu tả, phản ánh rất chân thực, sinh động và sâu sắc, đúng như nó đã/đang tồn tại. Bên cạnh một nông thôn với những

.............

(1) Nguyễn Quang Thiều, (2012), Mùa hoa cải bên sông...,tr.288 -307.

cảnh làng quê thanh bình, yên ả, tươi đẹp, thì nông thôn trong quá trình đô thị hóa, kinh tế thị trường cũng đã làm vỡ tung, thấu triệt không gian thiên nhiên làng quê vốn tồn tại, dựng xây trước đó. Vấn đề sinh thái nông thôn được đặt ra trong văn xuôi viết về đề tài này, đúng vào thời điểm nước ta cũng như cả thế giới đang/sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh thái nông thôn nghiêm trọng. Nó như một liều thuốc làm thức tỉnh ý thức của con người, biết nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hệ sinh thái nông thôn đối với con người; biết yêu quý, tôn trọng, bảo vệ của trái đất cũng như sự sống của con người, xem thiên nhiên, muông thú là người bạn thân thiết, quan trọng không thể thiếu đối với con người, đất với mỗi quốc gia và toàn nhân loại.

                                                            Hải Thiện, 20/4/2016

Trích " Đường biên của chữ", nxb Văn Học

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)