bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 189
Trong tuần: 997
Lượt truy cập: 630525

VÀNH ĐAI MỀM Ở KHO K28

Nguyễn Hùng Sơn

VÀNH ĐAI MỀM Ở KHO K28

     Trong khi cơn bão số 10 đổ bộ vào miền Trung thì đoàn nhà văn của báo Văn nghệ do phó tổng biên tập Lã Thanh Tùng dẫn đầu đang ở kho K28,  nơi tiếp giáp ba tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Phú Thọ, cách vùng tâm bão Hà Tĩnh - Quảng Bình hơn 700 cây số. Xa cách vậy mà ảnh hưởng của bão vẫn thấy rõ. Bầu trời xám xịt. Không một giọt nắng và mưa thì cứ lay nhay như người bị sốt vi rút. Được biết, trước khi làm việc với chúng tôi, các đồng chí chỉ huy kho  K 28 vừa đi kiểm tra các kho tàng về. Bão tuy ở xa nhưng mưa như thế thì khó mà thoát khỏi lũ lụt. Thậm chí là những trận gió lốc sẽ ập tới. Quả đúng vậy. Tối hôm đó mưa sầm sập, mưa kèm theo gió mạnh, keó dài đến chiều hôm sau mới tạnh. Nhiều đoạn đường của Quốc lộ 2  từ Đoan Hùng đến Việt Trì, Phú Thọ bị ngập. Nước tràn chảy như suối khiến nhiều xe ô tô chết máy, phải mất tiền cứu kéo, sửa chữa mới đi được. Trong số đó có xe của chúng tôi. Nhìn nhà văn Lã Thanh Tùng, trưởng đoàn kiêm lái xe, đội mưa, bì bỏm lội nước đi tìm thợ sửa xe, thương lắm, nhưng chúng tôi biết làm gì hơn là ngồi chờ xe đến kéo cả xe và người về xưởng sửa chữa.

   Thật may là chúng tôi có hơn nửa ngày để tìm hiểu về đơn vị kho K28 và đến thăm quan các di tích lịch sử và một số gia đình ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, trước khi mưa, lũ ập đến. 

  Đơn vị kho K28 được thành lập tháng 11năm 2005 trên cơ sở sáp nhập kho 814 và kho K20, hai kho vũ khí, đạn lớn nhất của Quân khu 2. Đây cũng là hai đơn vị có bề dày truyền thống của ngành vũ khí, đạn Quân khu và của toàn quân trong  cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc. Cả quá trình trước đây cũng như hiện nay, đơn vị luôn phấn đấu thực hiện cuộc vận động “ Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”. Với hệ thống kho tàng được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Với đội ngũ thợ bảo quản, sữa chữa được học tập bài bản, lại thường xuyên huấn luyện bổ sung, hoặc tổ chức hội thao để nâng cao kỹ năng bảo quản, tiếp nhận, phân lô, phân loại quản lý chắc số lượng, chất lượng vũ khí trang bị kỹ thuật. Mọi người luôn tập trung cao độ, tuân thủ các quy trình công nghệ, quy định, quy tắc. Cùng với các thao tác khởi động, kiểm tra trước khi vào kho làm việc, ai cũng luôn nhớ làm đầu khẩu hiệu: “ Cẩn trọng bao nhiêu cũng chưa đủ, sơ sẩy một ly cũng quá thừa”   

img_5936

    Không như các đơn vị chiến đấu, dù là cấp Sư đoàn, Trung đoàn hoặc chỉ là một Đại đội bộ binh thôi, cũng  dễ dàng  nhận thấy bề dày truyền thống qua những trận đánh, những chiến dịch, những chiến công lập được. Các kho, xưởng quân khí, dù là kho lớn như kho K28, với khối lượng vũ khí, đạn, dược phải bảo quản hàng ngàn tấn, với muôn vàn công việc phải làm hàng ngày  thì bản thành tích cũng chỉ là bảo quản giữ gìn trang bị vũ khí an toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu. Tuy vậy, cán bộ chiến sỹ kho K28 luôn tự hào với nhiệm vụ của mình, đã và đang bảo quản, giữ gìn vũ khí trang bị, một tài sản lớn của quân đội, một yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. 

 Sau khi tóm tắt về tình hình đơn vị, thượng tá Đặng Quốc Bảo, Chính trị viên kho K28 nói: 

- Đặc điểm nổi bật nhất của ngành vũ khí, đạn, trong đó có kho K28 chúng tôi là ở trong rừng, dựa vào rừng. Chả thế mà anh em thường nói vui: “ Bao giờ chạch đẻ ngọn đa / Thì ngành quân khí mới ra khỏi rừng”. 

  Mọi người cười xòa nhưng cũng gật gù thừa nhận, đó là một thực tế, kho đạn không thể để ở thành phố hoặc đồng bằng, nơi dân cư đông đúc. Thiếu tá Phạm Văn Đang phó chủ nhiệm kho, tiếp lời thượng tá Bảo:

- Tuy ở rừng núi xa phố phường nhưng các cán bộ, chiến sỹ rất lạc quan, gắn bó với đơn vị. Nhiều đồng chí nhập ngũ vào đơn vị, phấn đấu rèn luyện tốt được đi học các trường rồi tiếp tục trở về công tác cho đến khi nghỉ hưu. Có những đồng chí nghỉ hưu vẫn ở lại khu gia đình gần đơn vị.

- Như vậy là chúng ta có cả khu gia đình quân nhân, số này chiếm bao nhiêu phần trăm quân số đơn vị ? - Tôi hỏi.

Thượng tá Đặng  Quốc Bảo trả lời : Gia đình quân nhân chiếm tỷ lệ khoảng 50% quân số đơn vị nhưng hầu hết ở xen trong dân, khu gia binh  chỉ mấy chục hộ thôi. Có gia đình cả hai vợ chồng đều là là người ở kho. Cũng có gia đình vợ hoặc chồng là người địa phương. Nhờ có khu gia đình mà anh chị em yên tâm công tác, đơn vị cũng thêm lực lượng nòng cốt trong vành đai mềm bảo vệ an ninh, an toàn vùng kho.

 Vành đai mềm! Lần đầu tiên nghe xướng lên ba từ ấy, chúng tôi ai cũng ngỡ ngàng và thích thú, liền đề nghị  giải thích thêm.Thượng tá Bảo nói:

- Chúng tôi xác định để bảo vệ an toàn kho cần phải có hai vành đai vững chắc, đó là vành đai trong và vành đai ngoài. Vành đai trong là tường bao kiên cố, là hàng rào dây thép gai và lực lượng bảo vệ, canh gác, tuần tra nghiêm ngặt. Còn vành đai ngoài là sự hợp tác của chính quyền và người dân  địa phương cùng tham gia bảo vệ an ninh, an toàn kho tàng. Vành đai mềm, đơn giản chỉ là cách gọi khác của vành đai ngoài thôi mà.

- Gọi vành đai mềm ấn tượng hơn anh ạ! 

Nhà văn Lã Thanh Tùng nói vậy và đề nghị được gặp một số nòng cốt của “vành đai mềm”. 

   Hai đại diện mà chúng tôi đã gặp là Đại úy Phạm Thị Bích Thủy, phụ trách Bảo mật, văn thư kiêm Chủ tịch Hội phụ nữ  và đại úy Thân Trọng Dũng cán bộ chuyên trách công đoàn kho K28. Chồng của Thủy là đại úy lái xe cùng đơn vị.  Còn vợ Dũng là giáo viên cấp ba huyện Yên Sơn. 

   Đại úy Phạm Thị Bích Thủy năm nay 38 tuổi, đã là mẹ của hai con, cháu lớn 13 tuổi học lớp 9, cháu thứ hai 9 tuổi học lớp 4. Nếu không được giới thiệu trước thật khó tin nữ đại úy trẻ trung, xinh đẹp ngồi đối diện chúng tôi đã 38 tuổi, đã có thâm niên 19 tuổi quân. Nhà văn Cầm Sơn, kiêm thêm nhiệm vụ chụp ảnh, ghi hình của đoàn, hào hứng:

    - Nghe nói Bích Thủy là cây văn nghệ, đoạt huy chương vàng Hội diễn Quân khu, đề nghị Bích Thủy hát  vài bài để ghi hình trước khi làm việc. 

Mọi người cùng đồng tình cổ vũ và Thủy vui vẻ nhận lời. Quả thật, Thủy có giọng hát ấm mà vang. Bài hát mọi người từng quen nghe đã đành, bài “ Mời anh về Tuyên Quang” rất lạ mà vẫn “ lọt” tai lắm.

    Làm công tác văn thư, bảo mật rất bận rộn lại đòi hỏi phải luôn có mặt tại cơ quan, nhiều khi còn phải làm việc cả chủ nhật, giờ nghỉ, trong khi những việc gia đình cũng rất cần bàn tay người phụ nữ nhưng Thủy vẫn thu xếp để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa trọn vẹn việc nhà. Mặc dù ít tuổi nhất nhưng Thủy được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ của kho K28 nhiệm kỳ 2011- 2016 và tái đắc cử nhiệm kỳ 2016- 2021. Là một hạt nhân văn nghệ từng tham gia và đạt giải cao tại hội diễn văn nghệ Cục Kỹ thuật, và hội diễn quân khu. Từng  đạt giải ba hội thao văn thư lưu trữ quân khu, nên phong trào phụ nữ đơn vị từ khi Thủy làm hội trưởng có nhiều chuyển biến, khởi sắc. Với cách nghĩ, cách làm mới đã phát huy khả năng và sự nhiệt tình của chị em giúp nhau  vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa làm kinh tế gia đình. Giữ lửa hạnh phúc, giáo dục con cháu tiến bộ. Phong trào “ Cùng nhau góp vốn” hội đã huy động được hơn 100 triệu cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn vay làm kinh tế. Phong trào “ Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc” cũng dược chị em tích cực hưởng ứng. Tất cả các hội viên đều hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, các gia đình hội viên đều đạt Gia đình văn hóa. Nhiều chị em được công nhận là “ “Chiến sỹ tiên tiến”, được tặng giấy khen. Hội phụ nữ kho K28 được chọn đi giao lưu với phụ nữ các đơn vị phía Nam. Hội trưởng Phạm Thị Bích Thủy được chọn tham gia thi “ Cán bộ Hội phụ nữ giỏi toàn quân” và đạt thành tích cao. Chị đã được tặng 7 giấy khen, bốn năm liền đạt danh hiệu “ Chiến sỹ tiên tiến”.

   Cùng với những thông tin về công việc, về phong trào phụ nữ của đơn vị, Phạm Thị Bích Thủy cũng chia sẻ đôi điều về gia đình mình. Thủy ở Văn Chấn, Yên Bái, còn anh Thảo, chồng chị quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Hai người ở hai đơn vị khác nhau nhưng đều có năng khiếu văn nghệ. Thủy hát hay, còn Thảo thông thạo các nhạc cụ nên họ gặp nhau ở các hội diễn văn nghệ Quân khu. Chung niềm đam mê lại ý hợp tâm đầu, họ đã nên duyên chồng vợ. Tuy đã được tổ chức quan tâm điều động chồng về cùng đơn vị, nhưng công việc văn thư, bảo mật rất bận rộn, chị phải luôn thường trực ở cơ quan mà chồng lại thường hay đi  xa. Nhiều khi đột xuất, ngày nghỉ cũng đi công tác nên họ phải thật khéo thu xếp để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa trọn vẹn việc gia đình.  

    Đại úy Thân Trọng Dũng chủ tịch công đoàn cơ sở ba cấp kho K28, tuổi Quý sửu (1973) quê ở Mê Linh, Hà Nội,  nhập ngũ năm 1993 . Sau 5 năm công tác ở một kho vũ khí thuộc cục kỹ thuật Quân khu 2,  anh được đơn vị cử dự thi vào trường Đại học Công đoàn. Tốt nghiệp đại học anh về nhận công tác  ở kho 814. Trong một lần đi làm công tác dân vận ở Mỹ Bằng, chàng sỹ quan trẻ gặp cô sinh viên đại học sư phạm Hoàng Thị Định nghỉ hè về quê. Anh đã “ dân vận” luôn cô làm vợ bộ đội, làm dâu kho 814 ( khi ấy 814 chưa sáp nhập vào K28). Hoàng Thị Định vui vẻ nhận lời và khi về  dạy ở trường cấp 3 gần nhà, cô đã lên xe hoa về làm dâu bộ đội. Vợ chồng  Dũng - Định  ở cách đơn vị chừng một cây số, họ có hai con ngoan, học giỏi. Con gái đầu là sinh viên đại học luật năm thứ nhất, con trai thứ 2 năm nay học lớp 8.

     Về công tác chuyên môn, Thân Trọng Dũng chia sẻ: Công đoàn cơ sở K28 có  hai công đoàn bộ phận và nhiều tổ trực thuộc, với hàng trăm đoàn viên. Địa bàn hoạt động rất rộng nên việc theo dõi, nắm tình hình và triển khai công tác gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy kho và công đoàn cấp trên nên chúng tôi đã đạt kết quả khá tốt. Nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn Công đoàn vững mạnh. Được Tổng cục chính trị tặng cờ “ Công đoàn vững mạnh xuất sắc”. 

    Với đặc thù công việc, ngày ngày tiếp xúc với vũ khí, đạn dược, lao động nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại rất ảnh hưởng sức khỏe của người lao động, nhất là bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo. Thu nhập chủ yếu từ lương nên đời sống của hầu hết các đoàn viên công đoàn gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc tuyên tuyền giáo dục, động viên mọi người an tâm tư tưởng hoàn thành nhiêm vụ chuyên môn, tham gia phong trào thi đua, công đoàn luôn bám sát tình hình, bám sát các chính sách chế độ để đề xuất với lãnh đạo đơn vị và cấp trên giái quyết kịp thời các chế độ đãi ngộ người lao động. Như làm thẻ Bảo hiểm y tế cho thân nhân của các quân nhân. Hàng trăm lượt người được nhận phụ cấp quân sự đặc thù, nhận trợ cấp đột xuất. Nhiều người được giám định bệnh nghề nghiệp.  

      Nếu như  vợ chồng Thảo - Thủy và Thân Trọng Dũng xa quê, chọn Mỹ Bằng, Yên Sơn an cư lạc nghiệp thì  Trung tá Dương Đức Cường, trưởng Ban Chính trị kho K28 là một trong nhiều quân nhân là người địa phương . Anh là người dân tộc Cao Lan, một nhánh của người Dao khá đông ở Mỹ Bằng.  Đức Cường cao 1,8 mét, đẹp trai, phong độ, lại là sỹ quan trẻ, nhiều cô mê nhưng anh vẫn không quên người bạn cùng học một lớp ở trường cấp ba ở quê nhà. Cô bạn cùng lớp ấy học Đại học sư phạm rồi về làm giáo viên ở ngôi trường mà hai người đã học. Gia đình anh ở cách đơn vị 4 cây số. 

     Có một gia đình cựu chiến binh ở xen giữa những hộ người dân tộc Cao Lan, Mỹ Bằng rất ấn tượng. Ông là Nguyễn Văn Côi, 74 tuổi từng là thợ bảo quản vũ khí đạn ở kho 814, trước khi sáp nhập K28 và vợ là bà Nguyễn Thị Mạnh, người dân tộc Cao Lan, năm nay 68 tuổi, giáo viên nghỉ hưu. Là người nhiều năm gắn bó với ngành quân khí nên ông như một cuốn sử sống về đơn vị kho và công việc bảo quản vũ khí.  

  Năm 1987 ông nghỉ hưu, các con còn nhỏ dại, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông bà xoay xỏa nhiều nghề, nhiều việc mà vẫn không  khá lên được. Phải làm sao để có cuộc sống sung túc, để ba đứa con được học hành đến nơi đến chốn ? Để tìm câu trả lời, năm 2002, ông quyết định về quê hương Bắc Ninh, rồi về Hà nội tìm hiểu học tập các mô hình làm kinh tế hiệu quả. Được các kỹ sư ở Viện gia súc gia cầm tư vấn, ông đã chọn cho mình công việc kinh doanh gà giống. Sau quá trình chuẩn bị, năm 2003 gia đình ông bắt đầu xây lò ấp trứng gà giống. Từ một lò được vài ba nghìn con một tháng, khi đã có kinh nghiệm, có sự tín nhiệm của khách hàng, ông  xây tiếp ba lò ấp, mỗi tháng xuất một vạn rưỡi con gà giống có chất lượng nên kinh tế gia đình ngày một khá giả. Con cái có điều kiện học hành thành đạt. Con trai cả là cán bộ quân đội, con trai thứ học xong cấp ba, làm nghề kinh doanh và tiếp nhận công việc phát triển gà giống, gà thịt với quy mô lớn hơn trước. Theo chân ông, chúng tôi tham quan cơ ngơi trại gà với  700 gà mái đẻ trong chuồng và cơ man gà thịt, vàng hươm sườn đồi. Phía dưới là những ao cá bao bọc, ngoài cùng là tường bao quây kín cả khu vực rộng chừng một ha. Phía ngoài tường bao là cánh đồng lúa đang thì con gái mơn mởn kéo dài tận chân núi Là. Ngắm nhìn cơ ngơi của gia đình ông bà, chúng tôi càng cảm phục nghị lực của người cựu chiến binh, người chiến sỹ quân giới năm nào.     

  • Còn cô con gái của bác làm gì, hiện nay ở đâu ạ?

Nhà văn Lã Thanh Tùng hỏi.

   - Cháu làm giáo viên cấp ba. Chồng nó đây - Ông Côi trả lời và chỉ vào trung tá Dương Đức Cường.

  - Ồ ! Ui dà! – Chúng tôi reo lên vì ngạc nhiên, vì thú vị - Con rể cụ bảo chúng tôi vào thăm gia đình một cựu chiến binh, từng là cán bộ của kho vũ khí mà không hề “ bật mí” là bố vợ.        

  - Nó thực hiện phương châm bí mật, bất ngờ đây mà.

 Bà Mạnh tủm tỉm cười, khiến  chúng tôi cũng vui lây với niềm hạnh phúc của ông bà.

     img_5974

  Cuối chiều hôm ấy, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Bằng, Ngô Đức Tuyên dẫn  chúng tôi thăm khu di tích lịch sử Đá Bàn, nơi thành lập Chính phủ kháng chiến Lào. Chủ tịch Xu Pha Nu Vông, đồng chí Cay Xỏn Phôn vi Hản và hơn 200 cán bộ cốt của Lào  làm việc ở đây từ giữa năm 1950 đến cuối năm 1951. Ngày 13 tháng 8 năm 1950 Bác Hồ đã đến thăm và làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào. Người đã dừng chân nghỉ ở cây đa làng Ngòi. Tại đây,  Người đã ân cần nói chuyện với cán bộ và nhân dân địa phương về  sự gắn bó của hai nước Việt- Lào trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Địa phương ta có vinh dự được bạn chọn làm căn cứ hoạt động của Chính phủ kháng chiến, bà con hãy bảo vệ và giúp đỡ các bạn Lào trong thời kỳ đầu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vâng lời dạy của Bác, nhân dân Mỹ Bằng đã có nhiều hoạt động giúp đỡ bạn. Để ghi nhớ kỷ niệm vinh dự được bác về thăm, nhân dân địa phương gọi cây đa làng Ngòi là “ Cây đa Bác Hồ”. Năm 2000 bà con đã góp tiền xây nhà bia lưu niệm. Sau đó, nhà văn hóa làng Ngòi được xây ở khu đối diện làm cho khu lưu niệm  Bác Hồ thêm  trang trọng, đầm ấm.

   Tối hôm đó dù mưa gió vẫn ràn rạt trên mái ngói nhưng cuộc giao lưu giữa đoàn nhà văn với cán bộ nhân viên cơ quan kho K28 vẫn diễn ra hết sức vui vẻ. Một số cô, trò ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Mỹ Bằng cũng đội mưa đến làm cho cuộc gặp gỡ thêm nồng ấm và cảm động. Đơn cử như cô giáo Bàn Thị Mai đã hát hay, múa dẻo lại chia sẻ một kỷ niệm rất ấn tượng. Nhà cô là nơi Chủ tịch Xu pha Nu vông ở và làm việc. Đặc biệt là dịp lên thăm Chính phủ cách mạng Lào năm 1950, Bác Hồ đã đến thăm nhà, khen ngợi ông bà nội cô đã nhường nhà chính cho lãnh đạo cấp cao của bạn ở. Còn gia đình ở cái nhà ngang bé nhỏ. 

   Sau khi cách mạng hai nước thành công, nhân dịp đồng chí Cay Xỏn Phôn Vi Hãn và Xu Pha Nu vông sang thăm Việt Nam, ông bà cô được đón về Hà Nội gặp các vị lãnh đạo nước bạn. Tuy lúc ấy Bàn Thị Mai chưa sinh nhưng nghe ông bà, bố mẹ kể, lại có những bức ảnh kỷ niệm, cô rất tự hào với vinh dự lớn của gia đình và quê hương mình.  

   Mỹ Bằng vinh dự, tự hào được Bác Hồ về thăm, được là nơi thành lập chính phủ kháng chiến Lào và là nơi có kho K28, một công trình quốc phòng quan trọng của quân đội. Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề về Bảo vệ , giữ gìn các di tích lịch sử và cụm kho K28. Trong đó xác định rõ : Tham gia bảo vệ an toàn hệ thống kho tàng K28 là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quần chúng và mỗi người dân. Thực tế trong nhiều năm qua địa phương đã làm rất tốt việc phối hợp với kho K28 trong các hoạt động bảo vệ vòng ngoài như luyện tập phòng chữa cháy, báo động xử lý các tình huống  mất an toàn…Thực hiện nền nếp giao ban giữa địa phương và đơn vị K28. Cung cấp cho đơn vị những thông tin cần thiết. Phát huy những kết quả đã đạt được, sắp tới địa phương sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ phối hợp với đơn vị bảo vệ an toàn vùng kho, cũng chính là bảo vệ an ninh, an toàn quê hương mình.

      Phó chủ tịch Ủy ban xã Mỹ Bằng nói với chúng tôi như vậy trước lúc chia tay. Ý kiến của anh là một minh chứng thực tế có một vành đai mềm bền vững và tuyệt đẹp, mà các đồng chí chỉ huy kho K28 đã giới thiệu. Xin nói thêm, vị phó chủ tịch Ủy ban xã  cũng ca ngợi đơn vị kho K28 đã làm công tác dân vận rất tốt. K28 thực sự là một thành viên trong khối đại đoàn kết ở quê hương Mỹ Bằng.

                                                  Ngày 21-9-2017

                                                        N.H.S

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)