bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 159
Trong tuần: 949
Lượt truy cập: 629935

VÀO CHÙA GẶP LẠI

Minh Chuyên
 
VÀO CHÙA GẶP LẠI                  
 
   Thấy một nữ tu sĩ xinh đẹp, vận quần áo gụ, đầu chít khăn nâu, da trắng, dáng đi hơi lệch, cầm tập hồ sơ từ phòng thương binh huyện bước ra, tôi hỏi anh Toại:
 
- Nữ tu sĩ vừa rồi ở đâu đó, lên phòng làm gì thế anh? Anh Toại nói:
 
- Sư thầy Đàm Thân ở chùa Quang Bình đấy. Nhà sư là thương binh, lên huyện đề nghị chúng tôi giới thiệu đi khám để nâng loại thương tật.
 
Thấy tôi có vẻ quan tâm và ngạc nhiên về việc nhà sư đi làm thủ tục lên loại thương binh, anh Toại bảo:
 
- Ở vùng này có hơn 30 nhà sư nữ nguyên là thanh niên xung phong, là bộ đội về đi tu mà.
 
Vừa lúc ấy, người nữ tu sỹ lại quay vào phòng xin anh Toại chữ ký. Chợt nhận ra tôi, nhà sư liền nói:
 
- Mô Phật. Anh là… anh Minh Chuyên đúng không?
 
- Vâng.
 
- Trời ơi. Nhà sư vồn vã. Không ngờ lại được găp anh ở đây.
 
- Thân có khoẻ không? Tôi hỏi.
 
- Anh cũng nhận ra tôi ư?
 
- Vâng. Ban nãy thoáng gặp, tôi cứ ngờ ngờ, sau nhớ ra, nhà sư đúng là Lương Thị Thân rồi.
 
- Anh thấy tôi thay đổi nhiều lắm phải không?
 
- Vâng. Cô chuẩn uý quân y sĩ đường dây 559 ngày xưa, nay thành một nhà sư, sao lại không thay đổi.
 
Thân khẽ mỉm cười, một nụ cười buồn tẻ.
 
- Mô Phật. Đã hơn hai chục năm rồi. Ngày ấy, nhờ có anh, Thân mới qua được cơn sốt hiểm nghèo đấy.
 
Nghe chuyện nhà sư và tôi có vẻ thân thiết, anh Toại hỏi:
 
- Hai người trước cùng đơn vị à.
 
- Không. Ngày ấy chúng tôi gặp nhau ở Trường Sơn.
 
Tôi và Thân cùng nhớ lại rồi kể cho anh Toại nghe:
 
- Tháng 3 năm 1968, khi ấy tôi là quân y sĩ, cùng đơn vị hành quân vào B2, nghỉ lại một ngày ở binh trạm 31. Thân cũng là quân y sĩ, phụ trách quân y của binh trạm. Tôi vào lĩnh thuốc bổ sung cho đơn vị, do Thân cấp phát. Là đồng nghiệp, lại đồng hương “Thái lọ” nên chúng tôi thân quen nhau rất nhanh. Hôm đó vừa phát thuốc xong, Thân lên cơn sốt rét ác tính, mê man, bất tỉnh. Đắp hai cái chăn mà người vẫn run bần bật. Sốt ác tính nguy hiểm lắm, có người chỉ một cơn đã vĩnh viễn lìa bỏ cõi đời. Hoảng quá, tôi và anh y tá binh trạm cấp cứu suốt một buổi Thân mới hồi tỉnh. Hôm sau chúng tôi chia tay, tôi theo đơn vị tiếp tục hành quân vào tuyến trong, còn Thân ở lại binh trạm. Hai mươi sáu năm rồi, hôm nay tình cờ mới gặp lại nhau.
 
Ngồi nói chuyện thăm hỏi nhau, Thân cho tôi biết, bạn bè cùng đơn vị của Thân một số người đang tu hành nơi cửa Phật. Tôi hứa một dịp nào đó sẽ tới thăm họ và thăm chùa Quang Bình nơi Thân đang chủ trì. Sau khi tiễn Thân ra về, anh Toại bảo tôi:
 
- Nhiều nhà sư là thương binh nặng, là nạn nhân nhiễm chất độc da cam nhưng có cuộc đời huyền ảo lắm. Đàm Thân, một nhà sư gương mẫu rất có bản lĩnh. Chuyện đời của Thân cũng lạ lắm. Hôm nào thư thái, tôi đưa anh đi chùa, anh sẽ có khối chuyện ly kì để viết đấy.
 
Lần theo lời anh Phan Văn Toại, trưởng phòng thương binh huyện, tôi rong ruổi qua hai bẩy ngôi chùa ở các xã nam Kiến Xương và Tiền Hải, gặp 29 sư thầy, sư bác. Hơn 20 năm trước các nhà sư này đều là những cô thanh niên xung phong trẻ măng ở Trường Sơn, là những chiến sỹ quân y, thông tin, giao liên ở các binh trạm trong tuyến lửa. Đằng đẵng khi Miền Nam giải phóng, cũng là lúc tuổi xuân các cô đã phai tàn. Về làng, phần thì do nhiễm chất độc ốm đau, thương tật, sốt rét, phần thì các bạn trai cùng lứa nhiều người đã thành liệt sỹ, nên cơ nhỡ, lỡ thì, các cô đã tìm vào nơi cửa Phật yên thân. Nhưng cũng không ít trường hợp chúng tôi gặp trên bước đường hành hương xa rời trần tục, lại có những ý tưởng, nguyện ước khác lạ.
 
Trong số ấy, nhiều cô một thời từng dũng cảm lập công trong bom đạn, từng được tặng thưởng huân chương. Nay sống nơi linh tiên, tam bảo, có người vẫn để lại tiếng thơm cho đời. Cho dù trầm mình trong cõi hư vô mà họ vẫn chẳng vô tình vô nghĩa.
 
Sư bác Trương Thị Minh quê ở Nam Hà - Tiền Hải, nguyên là một Đảng viên, chiến sỹ thông tin trung đoàn Sao Đỏ, về xã, Minh đã xin nghỉ công việc của Đảng vào “đèn nhang” tại chùa Thanh Tân hơn 10 năm nay.
 
Đem thân vào chốn thiền quang, sư Minh bảo: đâu chỉ mong đắc đạo lo toan kiếp mình.
 
Mười năm thoát trần tục, nhưng sư bác Trương Thị Minh vẫn chăm lo việc nghĩa của “trần đời”. Vừa tĩnh tâm tu tại, sư Minh vừa nhận chăm sóc nuôi dưỡng chín đứa trẻ mồ côi và một bà cụ ăn mày hơn 80 tuổi là bà Nguyễn Thị Mon. Hơn 8 năm Minh coi bà như mẹ đẻ. Mái ấm ngôi chùa và tấm lòng nhân ái của sư Minh đã làm bà nghẹn ngào nói với chúng tôi:
 
- Tôi không có con nên tuổi già phải lang thang xin ăn kiếm sống. May sao lại được trời Phật run rủi, được nhà sư rước về coi tôi như thân mẫu của người. Tôi sống được đến giờ là nhờ sư Minh đấy.
 
Sư thầy Nguyễn Thị Phương vừa là nạn nhân nhiễm độc, vừa là thương binh 4/4, hiện là Đàm Phương, 21 năm trước đã cùng tiểu đội cứu 17 xe hàng trong một đêm “mưa bom” ở ngã ba binh trạm 14, được tặng thưởng huân chương chiến công hạng hai. Sau 9 năm mở đường Trường Sơn, chiến tranh đi qua, cô về “hành đạo” ở chùa Cau Đẻ xã Vũ Hội.
 
- Về làng sao Đàm Phương lại đi tu? Tôi hỏi:
 
- Mô Phật! Người ta nói những người bị nhiễm chất độc da cam, nếu đi xây dựng gia đình sinh con, đứa con ấy không mù thì chột hoặc là dị tật đau đớn suốt đời. Tôi không muốn trút sự đau đớn ấy cho con tôi.
 
Sư Phương nói tiếp:
 
- Là người bị di chứng chất độc, hoàn cảnh lại đơn côi, tôi nghĩ mình gửi thân vào chùa là tốt hơn cả. Hơn nữa, ở chùa, đạo Phật là “khuôn vàng thước ngọc” không chỉ dẫn dắt chúng sinh qua mọi kiếp luân hồi, mà còn hướng con người sống thiện hơn, nhân đức hơn!
 
- Bạn cùng thời với nhà sư ở Trường Sơn, có ai đi chùa không? Tôi hỏi.
 
- Có. Ở chùa Thiên An gần đây có sư bác Đỗ Thị Vui, cũng bị nhiễm chất độc da cam và bị thương như tôi. Ngày mới về, yếu sức không đi lại được. Vào chùa tu hành đến nay đã đỡ nhiều rồi.
 
Đàm Phương vẻ mặt ưu sầu nói tiếp:
 
- Vừa qua tôi đi thăm hai người bạn ở Vũ Linh, trước cùng đơn vị 816 - binh trạm 14 với tôi. Một người hồi đó bị mảnh bom vào đầu, bây giờ về bị điên, suốt ngày chỉ tha thẩn nhặt lá dong, lá bánh ở chợ đưa lên miệng nhấm nháp. Một người bị nhiễm chất độc, mù cả hai mắt. Hoàn cảnh gia đình của hai người khốn khó lắm. Tôi định sắp tới sẽ đón hai người bạn này vào chùa của tôi!
 
Bất ngờ trước ý định của sư Phương, tôi hỏi:
 
- Nhà chùa vốn đã khó khăn, đưa người điên, người mù vào đấy, lấy gì mà sinh sống?
 
Sư Phương bảo:
 
- Đúng, nhà chùa khó khăn thực. Nhưng nhờ “lộc Phật” cũng sống được. Tình đồng đội năm xưa, chúng tôi vẫn thương nhau lắm. Vào đây, chị em dựa vào nhau hẳn sẽ tốt hơn ở nhà.
 
   Sư bác Bùi Thị My nguyên là bộ đội đường dây 559, tu ở chùa Vũ Lạc. Sư thầy Phạm Thu Thuỷ từng là thanh niên xung phong binh trạm 32 đang ở chùa Thanh Quan, nói với chúng tôi về một câu thuyết linh của nhà Phật: “Nếu tự mình xuất gia làm điều thiện hoặc giúp người khác xuất gia làm điều thiện công đức còn lớn hơn xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp cao chọc trời”. Còn sư thầy Đoàn Thị Hoa đơn vị 474 bộ đội Đường 9 Nam Lào tu tại chùa Bình Dương - Tiền Hải và cô thanh niên xung phong C4 đoàn 286 Trường Sơn Vũ Thị Mùng tu tại chùa Phượng Vĩnh thì cho rằng:fff
 
Tại gia tắc sự thân rĩ hiếu
 
Tại quốc tắc sự quân rĩ trung
 
Tại chùa tắc sự nhân rĩ đức
 
   Nghĩa là ở nhà thì phải có hiếu. Đi làm việc nước thì phải trung. Ở chùa phải có nhân có đức. Làm được những điều đó thì ở đâu, làm gì con người cũng đều có ích mà lòng dạ lại thanh tịnh quang minh. Có nhà sư vào ẩn nơi cửa thiền lại vì một lý do riêng. Sư thầy Đào Thị Ngọc Hân chùa Hải Lăng, nguyên là đại đội trưởng thanh niên xung phong C4 đoàn 520 nói với tôi: ở chiến trường chị ít bị sốt rét, nên khi về, tuy lớn tuổi nhưng chị vẫn còn chút nhan sắc hơn các chị em khác. Người bạn trai cùng xóm đẻ 3 con gái nên đã bỏ vợ thương chị, hy vọng chị sẽ sinh cho anh một “qúy tử” để nối dõi tông đường. Chị đã từ chối vì biết mình không thể đáp ứng được yêu cầu ấy, vì mười năm ở chiến trường nam Quang Trị, chị đã bị nhiễm chất độc hoá học.
 
   Giọng Ngọc Hân buồn buồn: Tôi có người bạn là Vũ Thị Lan nhiễm chất độc da cam cùng ngày ở đơn vị với tôi, về lấy chồng, ba lần sinh, ba lần rùng rợn. Cháu đầu không có chân, cổ dính liền vai. Cháu thứ hai nửa người, nửa vượn, mặt mọc đầy lông, chân tay teo tóp. Lần thứ ba sinh ra một cục thịt trắng bệch. Nghĩ mình cũng không tránh khỏi cảnh rùng rợn đó nên tôi đã đoạn tuyệt mối tình với người bạn cùng xóm để vào đây.
 
   Lời tự bạch khiến tôi hiểu được một phần nỗi niềm của sư thầy Ngọc Hân. Trốn nơi cửa thiền phần vì Hân không muốn đời mình để lại những đứa trẻ quái dị, đau đớn tồn tại trên thế gian này. Phần thì vào đây, Hân bảo có điều kiện cầu nguyện cho những người đàn ông, đàn bà bị nhiễm chất độc để họ đẻ ra những đứa con nguyên vẹn là người. Rời cõi “phàm tục” niềm hy vọng muốn trút vợi nỗi đau cho đồng loại, âu cũng là nỗi đau phận người con gái như Hân.
 
    Gặp sư thầy Đàm Lộc thương binh 4/4 tu chùa Long Bối - Đông Hưng, nguyên thanh niên xung phong C127, sư bác Nguyễn Thị Chiêm chùa Đô Kỳ - Hưng Hà C217. Sư thầy Thích Đàm Nhuần vợ liệt sỹ, tu chùa Kỳ Bá, C16. Ni trưởng Lương Đàm Thanh từng được tặng thưởng 6 huân chương, tu ở chùa Tiền - thị xã Thái Bình .v.v… đều là những người tận tâm với đạo, tận tình với đời, được mọi người kính nể. Phải chăng đó là những bức thông điệp dưới tán bồ đề. Bức thông điệp gửi vào mai sau nói về một thời có những con người như thế.
 
    Qua gần chục ngôi chùa, tôi dừng lại một ngày để đến chùa Đông Am xã Quang Bình huyện Kiến Xương. Ngôi chùa có sư Đàm Thân. Tôi thật không ngờ, Thân vừa tu hành, vừa nhận nuôi dưỡng năm đứa trẻ tàn tật, con của những người đồng đội bị nhiễm chất độc da cam, bố mẹ đều đã chết. Người quân y sĩ tôi gặp ở binh trạm 31 hơn hai mươi năm trước, giờ đây đã trở thành vị “bồ tát” nhân từ đang ngồi trước mặt chúng tôi.
 
    Đàm Thân vừa đi giám định nâng loại thương tật về. Cùng đến thăm chùa, tôi mời cả chị Vũ Thị Bích, tỉnh uỷ viên, chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, có một thời sống với nhà sư ở chiến trường.
 
   Tôi nghĩ, dẫu mình là chỗ quen biết Đàm Thân, nhưng hỏi chuyện đời của nhà sư thật quả rất khó. Vì hầu như những người đã đến cửa chùa, họ không muốn mọi người biết thân phận quá khứ của họ. Có chị Bích, người bạn cũ, lại là phụ nữ, họ dễ thông cảm, dễ tâm sự với nhau hơn.
 
   Sau những phút niềm nở gặp nhau, ôn lại chuyện xưa, thăm hỏi gia đình, Bích gợi chuyện:
 
- Cứ tưởng ngày đó ra miền Bắc, Thân đi học bác sỹ. Gần đây mới biết tin Thân đi chùa. Không ngờ sư thầy Đàm Thân lại chính là bạn. Bích ngập ngừng rồi hỏi:
 
- Vì sao Thân lại vào đây? Thân bảo:
 
- Sau khi xa cậu, mình không ra Bắc mà chuyển về Lao Bảo. Từ đó mọi ý nghĩ của mình đều thay đổi. “Sự cố” cuộc đời đã dắt mình vào nơi cửa Phật. Với lại vào đây, có lý do riêng của mình.
 
   Lý do “sự cố” và con đường hành đạo nơi cửa thiền của chuẩn uý Lê Thị Thân là điều lấp khuất, bí ẩn. Song rất may nhờ Vũ Thị Bích chúng tôi đã am hiểu được đôi điều lấp khuất, bí ẩn ấy.
 
   Đàm Thân ngồi trầm lặng, ngước nhìn lên, vẻ mặt xa xăm, mắt chớp chớp hồi nhớ một thời đã qua. Thân kể: Từ binh trạm 31 của đoàn 559, Thân chuyển về làm bệnh xá phó của Trung đoàn 8. Ít lâu sau được cử ra Miền Bắc học tập, nhưng Thân đã tình nguyện ở lại phục vụ hết chiến dịch mới ra. Giữa những ngày ấy, Thân nhận được tin do một người bạn từ Tây Ninh ra cho biết: Nguyễn Hồng Quân, người yêu của Thân đã hy sinh. Chết chóc ở chiến trường là chuyện thường tình, nhưng tin Quân tử trận vẫn làm Thân bàng hoàng đau đớn. Bởi với Thân, anh là một nửa sự sống của cô. Những ngày hăm hở lao vào phục vụ chiến đấu nơi mặt trận cũng một phần vì anh. Thân hy vọng khi đất nước thống nhất, Thân và anh sẽ trở về mãi mãi sống hạnh phúc bên nhau. Vậy mà Quân không còn. Anh hy sinh, Thân đau xót cảm như một nửa đời mình “đã chết”. Nhưng rồi chiến trường chẳng cho ai buồn lâu, nhớ lâu. Nhiệm vụ dồn dập đến, Thân theo đoàn xe chở bộ đội về Lao Bảo - Quảng Trị. Ngày 12 tháng 2 năm 1975, cái ngày tiến quân ào ào như cơn lốc ấy, Thân bảo: xuýt nữa đời cô đã đi vào cõi vĩnh hằng. Hôm đó, đoàn xe vừa lên tới đỉnh dốc Chu Linh thì máy bay địch ập đến bắn phá. Khói bom và đất đỏ tung bay mịt trời. Đoàn xe trúng bom khựng lại, nhiều chiếc bốc cháy, xô đổ, lao xuống vực sâu. Thân bị ba vết thương ở đầu, ở gối chân và ở cột sống, bất tỉnh. Cô được đưa tới một đội điều trị dã chiến sơ tán trong dân. Khi tỉnh lại biết mình sống được là nhờ hai chiến sỹ cùng đơn vị khiêng đi cấp cứu và hiến máu tình nguyện để cứu cô. Khi quay về hai chiến sỹ ấy đã hy sinh vì trúng pháo bầy của địch, nên Thân cứ nằm thương khóc hoài. Cơ sở Thân nằm điều trị là một gia đình Phật tử, thờ Phật tại gia. Thân bảo ngày ngày đều đặn cô được nghe gia chủ thỉnh kinh gõ mõ. Lời kinh Phật nhân từ, sâu lắng làm tâm hồn cứ lâng lâng du mộng, sau này Thân mới hiểu đó là Báo ân chân kinh và kinh Pháp hoa. Một hôm nghe kinh tới khuya, mệt quá, thiếp đi, Thân nằm mơ, một giấc mơ kỳ lạ. Cô thấy hàng trăm chúng sinh, hầu hết là bộ đội, thanh niên xung phong, người thì không đầu, người cụt chân, mất tay, ngồi im phăng phắc như những pho tượng, nghe kinh và thỉnh thoảng họ lại cúi rạp xuống ý bảo gia chủ cầu nguyện để họ nhập xác được nguyên lành. Thân nghĩ có lẽ người chết đang cầu mong nhờ vả người sống chăng?
 
    Biết đâu trong những người ấy có cả đồng đội của Thân, có cả hai người chiến sỹ tiếp máu cho cô. Tuy là giấc chiêm bao, nhưng Thân cứ ám ảnh đó là sự thật. Bởi vì, những năm làm quân y ở chiến trường cô đã băng bó, cấp cứu và chứng kiến biết bao chiến sỹ hy sinh, thân mình tan nát, có người chết chỉ còn một dúm xương. Nhớ lại cảnh tượng đoàn xe trúng bom, hơn trăm chiến sỹ văng xuống vực thẳm, thịt xương tan vào cát bụi, họ chết đâu được nguyên lành. Cả anh Nguyễn Hồng Quân của cô nữa… Từ đấy ý nguyện muốn trở thành người tu hành đã nảy sinh trong lòng Thân.
 
   Thân bảo: “Thế là từ đó đạo Phật cứ ngấm dần, ngấm dần rồi chuyển hoá tôi. Tôi bắt đầu học chữ Nho, học ngay khi đang nằm điều trị. Học rất khó, nhưng học Paven – Thép đã tôi thế đấy – nên tôi quyết chí, khó mấy cũng học, cũng làm”. Thế là từ ngày đó tâm tưởng của Thân luôn luôn bị cuốn hút vào thế giới hữu vi, vô vi.
 
    Khi lành vết thương, cũng là lúc tiếng súng trên chiến trường miền Nam im hẳn. Cuộc chiến kết thúc, với 62% thương tật, Lê Thị Thân trở về Nam Cường - Tiền Hải hưởng chế độ thương binh 2/4. Về quê, xanh xao những cơn sốt rét rừng Trường Sơn đã “biến mất”, sức khoẻ dần dần hồi phục. Nét đẹp duyên dáng của người con gái làng biển lại thức dậy trên đôi má trắng tròn và mái tóc dài óng mượt của Thân. Trai làng có người để ý. Nhưng từ lâu Thân đã ấp ủ nguyện ước phó thác cuộc đời nơi Tam bảo. Phần thì để giữ trọn mối tình đầu thuỷ chung với Hồng Quân, người là nửa sự sống của đời cô. Phần vì giấc mơ ngày ở chiến trường luôn luôn linh ứng ám ảnh. Thân muốn được cầu nguyện cho ân nhân của mình, cho những người đồng đội, cho cả anh Quân nữa để vong linh họ siêu thoát, thi thể họ nguyên lành. Thân bảo đi chùa:
 
“Đâu vì thân độ đấng thân
 
Mà mong đồng đội trầm luân vẹn toàn”.
 
   Những ngày đầu bố mẹ Thân ngăn cấm không cho xuất gia. Cô phải trốn đi. Thương con, bố Thân lặn lội lên rừng, xuống biển hơn tháng trời mới tìm thấy cô ở động Hương Tích. Ông bắt Thân về “xuất giá tòng phu”. Về nhà Thân vẫn quyết chí hướng tới nơi cửa Phật, kiên trì thuyết phục xin cha mẹ cho được đi tu.
 
Thấy chí con không đổi, cuối cùng thầy mẹ cô đành chấp nhận. Riêng ông chủ tịch xã vẫn “nhùng nhằng” và “tiếc”. Khi Thân ra uỷ ban làm thủ tục, ông đăm đắm nhìn cô rồi mỉm cười nói:
 
- Nếu cô quyết đi tu thì xã không giữ, nhưng đi phải giữ lại bộ tóc đấy.
 
Thân lắc đầu bảo:
 
- Tôi ra đi, thân còn chả tiếc, tiếc gì tóc xanh.
 
- Cô không tiếc, nhưng người khác tiếc. Cắt đi phí lắm Thân ạ.
 
Rồi ông rướn tay định cầm tay Thân. Cô rụt lại và lẳng lặng đi ra.
 
   Những ai mơ tưởng vào nơi cửa Phật là trút bỏ mọi nhọc nhằn của kiếp người trầm luân, là những mong “đắc đạo hoá toan phận mình”. Không phải, với Lê Thị Thân những ngày bước vào cửa thiền là những ngày đầy khổ ải, vất vả, gian nan.
 
   Ngôi chùa đầu tiên mở cửa đón Thân là chùa Đông Trú, Kiến Xương. Nhiệm vụ của Thân vừa làm công việc của một chú tiểu, vừa lo săn sóc, nuôi dưỡng sư bác Trần Diệu Tánh bị tàn tật do di chứng nhiễm chất độc da cam, chân tay co quắp, liệt toàn thân. Thân bảo:
 
- Để hoàng dương cho mình và mọi người, tôi xác định: “Trước hết mình hãy chăm sóc và hoàng dương cho sư bác bớt nỗi bất hạnh mà người đang phải gánh chịu”. Từ đó, ngày ngày Thân làm việc cần mẫn từ sáng sớm tinh mơ đến tận sao khuya. Vừa quét dọn chùa, chuẩn bị nhang đèn, sắm sửa lễ ngãi, vừa trồng cấy, chăn nuôi tự túc lương ăn, vừa giặt giũ, tắm rửa, thuốc men chăm sóc sư bác Trần Diệu Tánh. Dù bận mải tối ngày, Thân vẫn tranh thủ học chữ nho, đọc kinh Thánh, tu luyện nhân tâm. Đều đặn, gần 5 năm khổ công thử thách và hành đạo, chú tiểu Lê Thị Thân được lên sư bác và mấy năm sau nữa được phong là sư thầy. Sư thầy Đàm Thân được Giáo hội Phật giáo điều về chủ trì chùa Cảnh Đông Am xã Quang Bình này.
 
   Vào chốn linh thiêng, tâm hồn được thanh thản, thể xác được an nhàn. Có người nghĩ thế. Đàm Thân bảo: đó chỉ là ảo vọng và cho rằng ở chốn linh tiên con người tu luyện không chỉ bằng tâm thể mà còn phải bằng hành thể. Nghĩa là ngoài đọc kinh, hành đạo còn phải “xắn tay” xốc vác những công việc của người đời.
 
Đàm Thân bảo:
 
- Ba giờ sáng dậy làm vệ sinh. Bốn giờ lên thỉnh một hồi chuông, sau đó vào tụng kinh đến sáu giờ. Ban ngày tăng gia sản xuất. Chín giờ tối đến một giờ đêm lại tĩnh tâm niệm Phật. Sáng chiêu, tối mộ, là bổn phận của nhà chùa.
 
Nghe thời gian làm việc sít sịt ngày và đêm. Quả là ở chốn linh tiên con người tu luyện cũng phải có nghị lực rất lớn.
 
   Lên bậc sư thầy Thân vẫn chẳng nề hà việc chi. Đi đâu, tới chùa nào Thân cũng được mọi người mến mộ, kính nể. Ở chùa Đông Am, vừa lễ Phật, cầu kinh, sư thầy Đàm Thân vừa xốc vác cùng mọi người tu sửa, cải tạo, mở mang, biến ngôi chùa này, một di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng, vốn hoang tàn, thành ngôi chùa cảnh sạch cỏ, đỏ nhang. Từ ngày Đàm Thân về chủ trì, chùa Đông Am liên tục đoạt danh hiệu chùa bốn gương mẫu. Khi trao đổi với Ủy Ban Mặt trận huyện Kiến Xương tôi mới hay: Sở dĩ Đông Am là chùa gương mẫu vì sư thầy Đàm Thân không để các tạp giáo, bá đạo len lỏi vào chùa. Không lợi thế cửa Phật để làm những điều nhảm nhí, mê tín, đồng bóng, xóc thẻ, yểm bùa, đốt mã, gọi hồn.v.v…
 
Đặt cuốn kinh Phật đã quăn góc lên bàn, Đàm Thân nói:
 
- Người chính thống theo đạo Phật thì suốt đời chỉ tâm niệm với chính đạo mà thôi. Cuốn kinh Pháp hoa này răn dạy người đời nhiều điều từ tâm, linh nghiệm lắm.
 
  Rồi Đàm Thân nói về thuyết luân hồi, nói về những điều linh ứng của kinh Pháp hoa và bảo: “Ai đọc được ba vạn tám ngàn lần kinh Pháp hoa, người ấy sẽ nhìn thấy được hoa của lòng người”. Tôi chưa hình dung nổi hoa của lòng người ra sao, Thân giải thích:
 
- Hoa của lòng người như mạt điện từ trường trong dòng điện, người thường không ai nhìn thấy mà vẫn rọi sáng cả thế gian.
 
Thân nói tiếp:
 
- Hoa của lòng người bay đến nơi đâu, nơi ấy có đầy đủ nhân, nghĩa, tín, lễ, trí…
 
Đang trò truyện bỗng một chú tiểu rất trẻ, mắt sáng, đầu chít khăn nâu bước vào, người hơi cúi xuống, khẽ thưa:
 
- Dạ thưa thầy, có đệ tử vào dâng hương ạ.
 
Đàm Thân xin lỗi khách đi lên chùa Phật, chừng một lát lại xuống phòng tiếp chúng tôi. Nhìn dáng đi hơi xiêu lệch, chợt nhớ hôm gặp sư thầy ở phòng thương binh Tiền Hải, tôi hỏi:
 
- Nhà sư mới làm thủ tục khám nâng loại thương tật phải không?
 
- Vâng!
 
- Nghe nói lên thương mỗi bậc mất dăm bẩy triệu đồng, nhà sư có tốn lắm không?
 
- Không. Nhà chùa chuyên làm việc thiện, nên phòng thương binh cũng làm việc thiện với nhà chùa.
 
Đàm Thân mỉm cười nói tiếp:
 
- Nhà chùa được biết một số người không đủ tiêu chuẩn nâng mới phải chạy. Còn nhà chùa đây vết thương ở đầu, ở cột sống tái phát luôn, ai cũng biết mà.
 
   Trò chuyện với Lê Thị Thân, Vũ Thị Bích và tôi cảm thấy như khoảng cách nhà sư dần được thay bằng tình cảm của đôi bạn. Tình cảm của hai cô gái từng chung sống trong một cái lán dưới rừng Trường Sơn hơn hai mươi năm trước. Và họ đằm thắm thổ lộ tâm tình cùng nhau. Bích hỏi:
 
- Thân vẫn đẹp như ngày xưa. Ở chùa có người nào đến quấy quở không?
 
Nhìn Thân thoáng buồn, người thừ ra, im lặng. Bích tiếp:
 
- Ở chùa cảnh tĩnh lại trăng thanh gió mát, Thân đẹp thế, sao mà tránh khỏi phải không?
 
- Mô Phật. Không. Thân lắc đầu. Chỉ có một đêm… Thân nói rồi im lặng.
 
Bích hiểu ở nơi xa rời phàm tục, chắc là có một đêm không bình thường. Thân nhìn Bích rồi khẽ khàng kể lại cái đêm ấy.
 
Thân đang ngồi xếp bằng, một tay gõ mõ, một tay gõ chuông, lòng tĩnh tâm, miệng đọc kinh niệm Phật. Đêm khuya thanh vắng, tiếng chuông càng ngân vang. Bỗng lòng dạ bồn chồn như có người mong đợi. Cố đọc hết hai quyển kinh Di đà và kinh Phổ môn, gấp lại, tay xách cây đèn bão, Thân lững thững bước ra. Thoáng ánh đèn, bất chợt thấy khuôn mặt một người đàn ông đứng bên gốc cây đại, sát mái hiên chùa. Thân bàng hoàng nhận ra khuôn mặt ấy rất giống Hồng Quân người yêu của cô. Đứng lặng người trong trạng thái như vừa mê, vừa tỉnh. Thân chợt nghĩ, trong những năm tháng cầu nguyện cho Quân, bây giờ vong linh anh ấy đã hiện hình.
 
- Mô Phật. Thân từ từ nâng một bàn tay lên chắp trước mặt, miệng lẩm bẩm mô Phật. Cầu mong cho anh mau chóng siêu thoát, sống khôn chết thiêng, phù hộ cho mẹ cha và Thân mạnh khoẻ.
 
Người đàn ông nghe Thân lẩm bẩm, từ gốc cây đại khẽ khàng bước ra, miệng nói:
 
- Không! Anh là Quân đây. Anh còn sống. Anh mới về, Thân không nhận ra sao?
 
Thân mơ hồ rồi bừng tỉnh. Một tay giơ cây đèn, một tay chìa lên phía trước run run, mắt chăm chăm nhìn, miệng nói líu lại:
 
- Anh là … Quân thật ư?
 
- Thật. Anh là Quân đây mà.
 
- Trời ơi! Anh còn sống. Vậy mà…
 
Các chú tiểu người đốt nến, thắp hương, người lấy nước tiếp khách và họ được chứng kiến cảnh tượng gặp lại người thân của sư thầy thật éo le. Khi còn hai người ngồi đối diện nhau qua cái bàn gỗ lim của nhà chùa. Hồng Quân đã kể lại vì sao hy sinh mà “thần chết” lại tha anh.
 
Hôm ấy đơn vị Quân tập kích một đại đội lính nguỵ bên sườn núi Bà Đen. Bị lộ, địch gọi máy bay tới bắn phá huỷ diệt lực lượng của ta. Nhiều chiến sỹ trúng bom thân hình tan nát. Quân bị trọng thương và sức gió của trái bom nổ gần hất tung vào một khe đá, bất tỉnh. Sau đêm đó, đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu cho cả trung đội, trong đó có Hồng Quân. Nằm chờ chết trong khe đá đến ngày thứ tư mùi thối vết thương bay ra làm những người đi rừng dừng lại tìm kiếm. Lần theo mùi thối, họ vạch lùm cây bên tảng đá, thấy Quân đang thoi thóp. Họ khiêng Quân về bản Tà Keo, chạy chữa thuốc men rồi giao lại cho một đội điều trị gần đấy. Quân sống sót là nhờ dân bản. Khi tỉnh táo, Quân nhận được tin Thân đã hy sinh ở chiến trường Lao Bảo. Anh nói:
 
- Vì thế khi giải phóng miền Nam, phần thì còn ở lại chờ phẫu thuật vết thương tái phát. Phần thì nghĩ về quê Thân có còn đâu.
 
Hồng Quân tiếp:
 
- Đến khi sang bên này thăm thầy mẹ, mới hay là Thân còn sống và đang ở chùa. Quân cảm động nói tiếp:
 
- Người ta bảo Thân đi chùa là vì tôi. Xin cảm ơn Thân nhiều. Nay biết Thân tu ở chùa này, tôi đến đón Thân về đây.
 
Đường đột gặp lại người thương và nghe Quân kể chuyện từ cõi chết trở về. Thân vừa mừng vừa thương. Mừng vì anh còn sống, thương vì cô không thể chăm lo phần đời còn lại của Quân được nữa. Thân nói, lòng nghẹn ngào:
 
- Anh Quân ơi! Nếu em chưa phát nguyện tu hành thì nhất định em sẽ về với anh. Nhưng bây giờ em đã theo đạo Phật rồi, anh thông cảm cho em nhé anh.
 
Nhìn Thân vẫn khuôn mặt vầng trăng, và đôi mắt đẹp thơ mộng như ngày xưa. Vẫn nước da trắng mịn và lời nói dịu dàng, Quân bảo:
 
- Tu nơi cửa Phật, nhiều người vẫn phá giới về với cõi đời. Thân về với tôi đi. Tôi sẽ xin cho Thân hoàn tục.
 
- Mô Phật! Không. Em đã hoàng dương rồi. Nhà Phật không cho người hoàng dương về đâu.
 
Chối từ mãi, Quân vẫn van vỉ, tha thiết khuyên Thân xa rời cõi hư vô về với tổ ấm gia đình. Thân đành phải nói rõ thân phận của mình, nói cái điều mà cô chưa hề thổ lộ cùng ai. Đó là do hậu quả di chứng chất độc da cam và vết thương cột sống. Nó thường xuyên làm nửa người phía dưới của Thân tê dại. Bác sỹ đã kết luận Thân không còn khả năng… Thân không thể đem lại tương lai và hạnh phúc cho Quân được. Chỉ có ở nơi hư vô cửa Phật, lòng Thân mới bớt nỗi sầu đau.
 
Nghe Thân giãi bày, Quân đau đớn ngồi im, thương quá mà lực bất tòng tâm. Những ngày yêu nhau trong đạn bom, hai người thầm mong ước, bao giờ hết giặc, họ sẽ về mãi mãi sống bên nhau. Vậy mà hết chiến tranh rồi, tiếng bom vẫn âm thầm nổ trong “lòng họ”. Chiến tranh đã cướp mất tình yêu.
 
Thân lau nước mắt, khẽ nói chỉ đủ hai người nghe rõ:
 
- Ở nơi cửa thiền, em sẽ cầu nguyện cho anh có cuộc sống mới luôn luôn tốt lành và hạnh phúc!
 
Rồi đêm đó hai người chia tay nhau.
 
Thân quay sang Bích và bảo:
 
- Cái đêm hôm ấy là thế đấy.
 
Bích nắm bàn tay bạn, thở dài:
 
- Vậy mà mình cứ ngỡ… thì ra anh Quân vẫn còn sống và vẫn nhớ tới Thân.
 
Bích tiếp:
 
- Bây giờ anh Quân ở đâu? Lâu nay Thân có gặp lại anh ấy không?
 
- Có! Thân nói. Vừa qua tôi đi lễ Phật Đản bên chùa Bình Dương. Vừa tới cửa Tam Quan, bông giật mình khi gặp một người đàn ông đầu trọc, chít vành khăn nâu, vận quần áo nhà chùa. Thấy tôi, người ấy lúng túng vẻ muốn tránh mặt. Tôi nhận ra và thốt lên: Anh Quân. Anh đi chùa sao không cho Thân biết. Lúc đó anh ấy chẳng nói gì cả.
 
Nghe Thân kể, Vũ Thị Bích từng được chứng kiến bao cảnh đời éo le, vẫn không ngờ Quân lại tìm vào nơi cửa Phật, Bích hỏi:
 
- Thân có biết vì sao anh Quân lại đi tu?
 
Thân ngượng ngùng, nói:
 
- Anh Quân bảo, anh bị nhiễm chất độc Đi-ô-xin ngày còn ở núi Bà Đen. Khi về quê nhìn thấy cảnh “tật nguyền quái dị” của những người đồng đội cùng bị nhiễm độc như anh, anh Quân sợ làm khổ đời Thân sau này, nên có ý định muốn xa Thân. Nhưng khi gặp nhau, anh ấy bảo, tình yêu đã át hết, nên mới nài nỉ khuyên Thân “phá giới” rời chùa.
 
Thân nói tiếp:
 
- Khi Thân từ chối, ra về, anh ấy quyết không xây dựng tổ ấm gia đình nữa, vì biết mình cũng sẽ gây đau khổ cho vợ con như bạn mình. Anh ấy bảo, nghe chuyện Thân vào chùa vẫn làm được nhiều việc hữu ích, vì thế anh ấy đã quyết định đi chùa.
 
Bích nói:
 
- Anh Quân đi tu, theo mình, còn một lý do nữa.
 
Im lặng, vẻ mặt hơi ngượng ngùng, Thân hỏi Bích:
 
- Lý do gì?
 
Bích khẽ mỉm cười:
 
- Chung thuỷ với mối tình xưa, đúng không?
 
Bích nói tiếp như để an ủi bạn mình:
 
- Gặp được một người như anh Quân, dù phải cách xa nhau, cũng là mãn nguyện Thân ạ.
  
   Thân khẽ gật đầu. Bỗng cửa chùa có khách vào dâng lễ. Mô Phật, sư thầy Đàm Thân đứng dậy, vẫn cái dáng đi hơi lệch, tập tễnh trong bộ quần áo nâu sẫm, tay cầm quyển kinh Pháp hoa, thư thả bước lên chùa. Nhìn bóng Đàm Thân khuất sau cánh cửa Tam Bảo, tôi chợt nhớ lời nhà sư nói về sự linh ứng của kinh Pháp hoa, và cứ mường tưởng như thể mình đã nhìn thấy hoa của lòng người.
 
                                                                                  M.C
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)