VỀ CUỐN SÁCH SƯƠNG LẠI CÀNG LONG LANH

noi_cho_n.an

                                       VŨ NHO VỚI MC HUYỀN PHƯƠNG

VŨ NHO NÓI VỀ SƯƠNG LẠI CÀNG LONG LANH TRÊN VOV TV!

Câu hỏi 1:Thưa ông, có nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học nhận xét về “Sương lại càng long lanh” và cho rằng nhà văn Nguyên An như một họa sĩ vẽ chân dung bằng chất liệu “ngôn từ” để trưng bày 29 bức chân dung các nhà văn cầm súng và cầm bút, quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?

                       Tôi hoàn toàn tán thành với nhận xét của các đồng nghiệp. Chân dung có thể vẽ bằng màu sắc, đối với hội hoa. Còn vẽ bằng “ngôn từ” là đổi với việc “vẽ” của các nhà Văn. Nguyên An không phải là người đâu tiên, mà chắc chắn không phải là người cuối cùng. Trước anh ấy đã có những tập chân dung bằng văn xuôi của Vân Long, Vũ Từ Trang, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Quế,… “vẽ” bằng thơ như của   Nguyễn Vũ Tiềm, Vũ Quân Phương, Xuân Sách, Đỗ Hoàng, Nguyễn Khôi,…

                       Chính nhà văn Nguyên An cũng khẳng định cuốn sách của mình là “chân dung văn học” kia mà.

Câu hỏi 2:Thưa ông, những người cầm bút luôn giữ trọng trách như người thư ký của thời cuộc, của lịch sử, và trong từng câu chuyện nghề được nhắc tới ở “Sương lại càng long lanh” ông cảm nhận thế nào về việc thực hiện trọng trách này của những nhà văn, nhà thơ đương đại?

                       Mỗi người cầm súng, cầm bút có hoàn cảnh riêng khi bước vào hoạt động trong lĩnh vực văn chương.  Họ đều là những người của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ. Họ là những người thấy làm công việc văn chương là một trọng trách, một nhiệm vụ.

 Như nhà thơ Chế Lan Viên viết:

                       Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ

                       Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi

Họ viết văn, làm thơ với tình thần của một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Hồi đó chưa có kiểu nhà thơ nhà văn  là người hát rong, là người  lãng du, người ham chơi, có khi là gã xẩm ngọng, gã khùng, gã khờ,… như gần đây. Chân dung của họ qua các bức vẽ của Nguyên An cho thấy họ là những nhà văn chiến sĩ, là những người phấn đấu cho một lí tưởng cao cả, một tương lai tốt đẹp của đất nước. Họ là những người góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc trong hai cuộc chiến tranh. Cuộc đời của họ rất  đáng tự hào, rất đáng được tôn vinh.

                        

Câu hỏi 3:Thưaông, với rất nhiều nhà văn được nhắc tới trong bình diện chung của sự phát triển văn chương Việt Nam, nhất là trong những năm tháng kháng chiến, với vai trò là người trong cuộc, là một nhà văn, ông đánh giá thế nào về những góc nhìn sâu sắc của tác giả khi bình về đồng nghiệp, về các cây bút khác trong “Sương lại càng long lanh”?

Đối tượng của nhà văn Nguyên An là các nhà văn nổi tiếng. Họ từng cầm súng rồi mới cầm bút. Hoặc là cùng một lúc cầm súng và cầm bút. Nguyên An, với tư cách là nha phê bình văn học khi viết chân dung, đã đánh giá cao phần đời sống cũng như phần đóng góp văn học của các tác giả. Những giá trị  mà mỗi nhà văn góp vào văn mạch của đất nước, dân tộc. Chưa thống kê, nhưng nhiều nhà văn đã được các giải thưởng cao quý là giải thưởng nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.  Những cố gắng của Nguyên An là rất đáng khích lệ.

 

Câu hỏi 4:Có rất nhiều bài viết trong cuốn sách và có ý kiến cho rằng “Viết công trình nghiên cứu về mỗi nhà văn chiến sĩ có vẻ như dễ hơn viết mươi trang chân dung văn học” Trong tác phẩm “Sương lại càng long lanh” với 29 chân dung nhà văn chiến sĩ mang theo chất riêng, gửi gắm tâm sự, suy nghĩ riêng của tác giả, quan điểm của ông như thế nào khi đọc các bài viết đầy tâm sự này?

          Tôi nghĩ tùy vào cái tạng của người viết mà kiểu viết được coi là khó hay dễ. Có thể là khó với người này nhưng dễ với người kia. Chẳng hạn có người có thể viết hàng ngàn trang tiểu thuyết dễ, nhưng không  thể viết được một bài thơ tứ tuyệt vì khó! Có người viết phê bình dễ, viết hay,  nhưng làm thơ thì quá khó hoặc có cố thì cũng chả ra sao.

 Chính Nguyên An nói viết chân dung KHÓ hơn viết nghiên cứu. Nhưng anh lại chọn việc khó ấy cho mình. Có vẻ như là sự “tréo nghoe”. Nhưng nghĩ cho cùng, bản thân Nguyên An là người làm luận án Tiến sĩ về chân dung văn học. Anh có cả một hệ thống lí thuyết về chân dung văn học. Và anh chọn cái khó này để vượt qua nó vừa để mở một lối riêng cho mình, vừa là thể nghiệm những vấn đề lí thuyết vào thực tế đời sống văn học. Bản thân tôi đánh giá cao những chân dung văn học của Nguyên An đã dựng.

Câu hỏi 5:Thưa ông, qua 29 bài viết chân dung văn học về những cái tên như Vũ Cao, Phùng Quán, Đỗ Chu, Lê Chí, mỗi bài viết cảm nhận về các sáng tác, các nhà văn, nhà thơ và đó không chỉ là chuyện của những con người riêng lẻ, đó là chuyện của một thời kỳ và là một trang của cuốn sách văn chương riêng, vậy cảm nhận của ông như thế nào về sự góp nhặt, tỉ mỉ, trân trọng của tác giả Nguyên An với đời sống văn chương?

                         Đây là chân dung các nhà văn đáng kính trong nền văn học của chúng ta, không chỉ là những cái tên mà bạn vừa gợi. 29 cuộc đời, 29 gương mặt, 29 số phận, mỗi người góp những nét riêng về cuộc đời, về sáng tạo của mình vào dòng cháy văn chương chủ lưu của đất nước. Tôi nghĩ rằng thái độ đúng đắn của bất cứ nhà phê bình văn học nào khi viết về những nhà văn mặc áo lính, viết về những người đem tính mạng để bảo chứng cho những trang viết của mình,  đều cần phải  tỉ mỉ, trân trọng. Họ là những người đáng ngợi ca. Xin nói riêng, tôi có soạn cuốn sách “ Người lính với văn chương” ( sắp in) cũng với tinh  tần góp nhặt  tỉ mỉ, trân trọng như Nguyên An!

Câu hỏi 6:Thưa ông, là người gắn bó với hoạt động văn nghệ trong nước, với những nhân vật và câu chuyện được thể hiện qua từng câu từ của “Sương lại càng long lanh” tác phẩm này sẽ có ý nghĩa thế nào khi đồng hành với sự nghiệp văn chương hiện nay nhất là khi nhắc lại những trang văn người lính?

Những trang văn của người lính phần lớn viết về cuộc chiến tranh mà họ trực tiếp tham gia. Với nước ta, tiểu thuyết, trường ca, thơ viết về chiến tranh vẫn là mảng đề tài được khuyến khích. Mà viết về kháng chiến chống giặc  thì không bao giờ cũ, không bao giờ là thừa.  Chúng ta đã sống đời hòa bình. Nhưng những trang văn chiến tranh là dấu ấn lịch sử.  Lịch sử  là điểm tựa tinh thần của mỗi quốc gia, dân tộc. Cùng với Lịch sử trong Sử biên niên, văn chương cũng là tư liệu Lịch sử sinh động. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh trong thơ cổ:

                         Người lính già đầu bạc

                         Kể mãi chuyện Nguyên Phong

( Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.  Thơ Trần Nhân Tông. Người lính kể chuyện Nguyên Phong là niên hiệu vua Trần Thái Tông, đánh tan quân Nguyên)

Câu hỏi 7:Thưa ông, dưới góc nhìn của một nhà văn, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của các bài viết trong “Sương lại càng long lanh”?

Điều đáng chú ý nhất là trước một dối tượng, càng có nhiều góc nhìn khác nhau thì chúng ta càng phát hiện thêm nhưng nét thú vị, đáng chú ý của đổi tượng đó. Không phải ngẫu nhiên mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh rất chú ý đến góc máy, ánh sáng, tư thế của đối tượng. Nhà văn cũng vậy. Khi được nhiều nhà phê bình “vẽ” chân dung, chúng ta có cơ hội hiểu sâu những vẻ đẹp của con người và tác phẩm. Cũng tác giả đó, dưới ngòi bút của Trần Đăng Khoa, không giống với dưới ngòi bút của Vũ Từ Trang, lại có nét khác trong bài viết của Vân Long. Chân dung do Nguyên An vẽ là chân dung vẽ  của người  vẽ có nghề, giúp người đọc thấy ở nhà văn và tác phẩm của họ những nét mà những bài viết khác còn mờ hay khuyết thiếu; hoặc tô đậm thêm điều đồng nghiệp đã đề cập.

 

Câu hỏi 8:Thưa ông, với góc nhìn là một độc giả, điều ông ấn tượng và thích thú nhất với “Sương lại càng long lanh” là gì?

                         Tôi đóng vai độc giả trước khi đóng vai nhà phê bình. Góc nhìn của một bạn đọc giúp tôi có cạm nhận sơ bộ, cảm tính, nhưng rất cần thiết cho nhà phê bình. Điều thích thú nhất là tôi được thấy các nhà văn ( nhiều người tôi quen) theo cách vẽ của Nguyên An. Cả đời thường và tác phẩm.  Chỉ nêu một ví dụ. Tôi có 15 ngày đi Nga với nhà văn Lê Văn Thảo. Sau đó còn có một số lần gặp gỡ anh.  Và tôi như thấy anh chỉ trong một câu thuật của Nguyên An : “Ông Thỉnh nói mình ra, bận thấy mẹ, mà không ra không được, có việc gì vậy mày”!

                         Có rất nhiều chi tiết đời thường và tác phẩm thú vị mà Nguyên An đã đưa vào sách! Bởi vậy giải C của Hội đống lí luận và phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho cuốn sách là thỏa đáng!

                                     Hà Nội, 20 tháng Tư năm 2022

                                                 

 muaxuan1234

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung