bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 103
Trong tuần: 759
Lượt truy cập: 625581

VỀ NƠI BÁC ĐÃ SINH RA

VỀ NƠI BÁC ĐÃ SINH RA

                                                                                                        Hoài Khánh

Sáng tháng Năm con lại về quê Bác

Lúa vụ chiêm đang mẩy hạt sai bông

Nắng miền Trung sôi tiếng ve bỏng rát

Vẫn ngan ngát hương sen như thể thêm hồng

 

Con đứng lặng trước ngôi nhà tranh ba gian xưa cũ

Chính nơi đây Bác cất tiếng khóc chào đời

Cánh cổng tre đơn sơ đón gió vào lối nhỏ

Cho mỗi sớm mai thức gọi ánh mặt trời

 

Chiếc võng này còn vẳng khúc à ơi

Cậu Nguyễn Sinh Cung lớn khôn trong lời ru của mẹ

Lẫm chẫm bước chân trần tập đi hồi thơ bé

Bám vịn chõng tre quê để mai sau bôn ba khắp bốn phương trời

 

Khung dệt vải ngỡ còn tiếng đưa thoi

Bao canh khuya sáng ngọn đèn dầu lạc

Dáng hình mẹ in sâu trong tim Bác

Cả những câu dân ca theo Bác đến trọn đời

 

Tấm phản gỗ còn ấm chỗ cha ngồi

Giọng xứ Nghệ trầm hùng trang sách cổ

Nửa thế kỉ xa quê dẫu thành lãnh tụ

Bác không quên cây mít mật sau nhà

 

Cứ mỗi bận về thăm quê Bác Hồ

Mắt con cay xè trước điều giản dị

Dù lãnh tụ hay danh nhân cao quý

Đều biết nâng niu trân trọng tuổi ấu thơ.

Nguồn: Đi cùng thương nhớ - NXB Văn học - 2020 (trang 57)

 

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

          Ở Việt Nam, hầu như ai cũng yêu thích và thuộc nằm lòng câu ca dao:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Bởi Bác là người đã dành muôn vàn tình yêu thương cho mọi tầng lớp nhân dân, cả cuộc đời phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh trở thành nguồn cảm hứng lớn của các loại hình nghệ thuật: thơ ca, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh… Trong số đó, tôi rất ấn tượng với bài thơ "Về nơi Bác đã sinh ra" rút trong tập "Đi cùng thương nhớ" NXB Văn học - 2020  của nhà thơ Hoài Khánh (1959 - Hải Phòng), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

          Thi phẩm gồm sáu khổ thơ tự do, mỗi câu từ 8 đến 14 âm tiết, tác giả đưa bạn đọc về thăm ngôi nhà nơi Bác chào đời đúng vào dịp sinh nhật của Người: "Sáng tháng Năm con lại về quê Bác/ Lúa vụ chiêm đang mẩy hạt sai bông/ Nắng miền Trung sôi tiếng ve bỏng rát/ Vẫn ngan ngát hương sen như thể thêm hồng". Những câu thơ tái hiện không gian một "Sáng tháng Năm" rất đáng nhớ: Lúa chiêm được mùa đang mẩy hạt sai bông, thoảng trong gió mùi hương sen ngan ngát, nắng như thể thêm hồng. Niềm vui về với miền đất địa linh khiến người viết cảm nhận phong cảnh thiên nhiên nơi đây thật đẹp. Phép đảo ngữ "Nắng miền Trung sôi tiếng ve bỏng rát" vừa tả thời tiết miền Trung khắc nghiệt vừa nhấn mạnh âm thanh tiếng ve náo nức. Không gian rộn rã bên ngoài hoàn toàn đối lập với sự yên tĩnh bên trong ngôi nhà Bác đã từng sống thuở ấu thơ: "Con đứng lặng trước ngôi nhà tranh ba gian xưa cũ/ Chính nơi đây Bác cất tiếng khóc chào đời". Nhịp thơ chậm rãi, cảm xúc lắng đọng, ngôn ngữ thơ gợi tả, gợi cảm. Nơi Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, cất tiếng khóc chào đời chỉ là ngôi nhà tranh ba gian xưa cũ. Và đây nữa hình ảnh "Cánh cổng tre đơn sơ đón gió vào lối nhỏ/ Cho mỗi sớm mai thức gọi ánh mặt trời". Hai hình ảnh đối ngẫu Cánh cổng tre/ ánh mặt trời gợi liên tưởng về Bác, một con người bình thường nhưng vĩ đại. Phép tu từ nhân hóa khiến cánh cổng tre như biết đón gió vào lối nhỏ và "thức gọi ánh mặt trời". Hoài Khánh giúp  bạn đọc cảm nhận: con người được sinh ra đi từ nơi đơn sơ ấy thức gọi ánh mặt trời hay cũng chính là quá trình Người khát khao tiếp nhận ánh sáng tư tưởng cách mạng tiên tiến nhất của thời đại để sau này"tìm đường đi cho dân tộc theo đi", thấy được “Hình của Đảng lồng trong Hình của nước” (Chế Lan Viên). Mạch cảm xúc tiếp tục đưa bạn đọc đến với những vật dụng thân thuộc khác gắn với tuổi thơ cậu bé Nguyễn Sinh Cung: chiếc võng gai dường như "còn vẳng khúc à ơi ... lời ru của mẹ"; chiếc chõng tre giản dị, quanh đó "Lẫm chẫm bước chân trần tập đi hồi thơ bé...để mai sau bôn ba khắp bốn phương trời". Hình ảnh khiến người đọc xúc động nhất là: "Khung dệt vải ngỡ còn tiếng đưa thoi/ Bao canh khuya sáng ngọn đèn dầu lạc/ Dáng hình mẹ in sâu trong tim Bác/ Cả những câu dân ca theo Bác đến trọn đời". Đoạn thơ ôn lại những năm tháng tuổi thơ của Bác sống trong tình yêu thương của mẹ: bà Hoàng Thị Loan, người phụ nữ lam làm, ngày đêm vừa chăm sóc con vừa lo mưu sinh bằng công việc canh cửi, dệt vải. Quanh năm Bà thức khuya dậy sớm nuôi con, nuôi chồng để Ông Nguyễn Sinh Sắc được yên tâm dùi mai kinh sử, về sau thi đỗ đến Phó bảng. Công ơn và những kỷ niệm về người mẹ dịu hiền, yêu thương chồng con, đảm đang, giàu đức hy sinh cùng những câu dân ca ngọt ngào xứ Nghệ mẹ thường hát ru đọng mãi trong trái tim của Bác đến trọn đời.
        Nhà thơ tiếp tục hoá thân vào cảm xúc của người con để cảm nhận những  đồ vật thân thuộc khác gắn với hình ảnh người cha của Bác, một nhà nho yêu nước. Chính qua những lần trò chuyện với con, những dịp đàm đạo với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Vương  Thúc Quý… Ông đã gieo trong tâm trí Bác tình cảm yêu nước thương dân, ý thức trách nhiệm đối với đất nước. Trong ngôi nhà ấy giờ đây "Tấm phản gỗ còn ấm chỗ cha ngồi/ Giọng xứ Nghệ trầm hùng trang sách cổ". Sau này, dẫu xa nhà tới nửa thế kỷ, đi khắp năm châu bốn bể tìm đường cứu nước, trở thành nguyên thủ quốc gia, Hồ Chí Minh vẫn “không quên cây mít mật sau nhà”. Nhà thơ vô cùng xúc động trước điều giản dị của lãnh tụ:“Cứ mỗi bận về thăm quê Bác Hồ/ Mắt con cay xè trước điều giản dị/ Dù lãnh tụ hay danh nhân cao quý/ Đều biết nâng niu trân trọng tuổi ấu thơ”.

Tri ân nguồn cội, hiếu kính với đấng sinh thành, trân quý gia đình và những kỷ niệm tuổi thơ là những nét đẹp trong đạo làm người. Bài thơ giúp chúng ta thêm một lần bày tỏ niềm kính yêu, ngưỡng mộ và biết ơn đối với Bác Hồ.  Tuy đã đi xa về miền mây trắng nhưng hình ảnh Bác, tư tưởng đạo đức tác phong và công lao trời biển của Bác sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và trong sự nghiệp của chúng ta.

 

NGUYỄN THỊ THIỆN – Nhà số 2 ngõ 19/20 Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.

hoa-sen-phat

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)