bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 313
Trong tuần: 1375
Lượt truy cập: 638112

VỀ TÁC GIẢ BÀI THƠ GỬI NẮNG CHO EM

NHÀ THƠ BÙI VĂN DUNG với bài thơ “GỬI NẮNG CHO EM”

 

Bùi Minh Trí

 nh_bi_vn_dung

                         NHÀ THƠ BÙI VĂN DUNG

Nhà thơ Bùi Văn Dung sinh năm 1941 tại xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ở tuổi 21, tức là vào năm 1962, anh tình nguyện nhập ngũ rồi trở thành lính pháo binh. Năm 1967, khi đang làm Chính trị viên đại đội, anh được điều động vào miền Nam chiến đấu. Dấu chân của anh đã từng in ở khắp các chiến trường như: Kon Tum, Tây Ninh, Quảng Trị 81 ngày đêm rực lửa (1972), Sài Gòn tháng tư 1975. Năm 1978 khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam anh được điều động tăng cường lên mặt trận này. Sau đó Bùi Văn Dung được chuyển ra Bắc. Năm 1979 anh lại ba lô, dép lốp lên chiến trường biên giới phía Bắc. Năm 1986, anh được nghỉ hưu với quân hàm thượng tá.

 

Thời chiến anh ngược xuôi giữa bom rơi đạn nổ. Thời bình bên cạnh việc cầm súng anh còn có loại vũ khí khác: Đó là nguồn thơ và tình thơ. Năm 2002, Bùi Văn Dung in tập thơ "Gửi nắng cho em", NXB Hội Nhà Văn gồm 74 bài. Năm 2010 anh cho in tập thơ “Nhìn ngoài đôi mắt”,Nhà xuất bản Phụ nữ, trong lời tựa:anh viết “Tôi lý giải chiến tranh / Thay cho chiến thuật vũ khí”.

Tôi đã biết tiếng anh từ lâu với hai bài thơ của anh được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc là “Gửi nắng cho em” và “Con kênh ta đào”, nhưng mãi tới năm 2014, khi đến dự buổi họp mặt giao lưu thơ tại chùa Biện Sơn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc mới được gặp anh. Anh em cùng họ gặp nhau tay bắt mặt mừng. Sau đó hai anh em còn được gặp nhau liên tiếp tại các buổi sinh hoạt chung, và năm 2016 là buổi họp ra mắt tập thơ THI TUYỂN 1. Thi đàn Biện Sơn được thành lập vào tháng 3/2012, do đại đức Thích Minh Pháp là trưởng thi đàn, với 45 hội viên sáng lập, là những nhà thơ, những người yêu thơ. Thi tuyển 1 tập hợp gồm 147 tác phẩm thơ của 45 tác giả, dày 235 trang in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Trong đó, có những tác phẩm của các nhà thơ như: Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Hồng Thanh Quang, Đỗ Hàn, Nguyễn Hòa Bình, Cao Ngọc Thắng, Trần Gia Thái,Trần Minh; một số tác giả là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc. Các tác phẩm trong tuyển tập tập trung phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, truyền thống anh hùng cách mạng, hướng đến tính nhân văn và tính thiện... Mỗi người được làm một pano thơ có ảnh chân dung của mình. Pano thơ của Bùi Văn Dung là bài “Gửi nắng cho em”, còn Bùi Minh Trí được làm pano bài “Hương hoa sữa”. Anh em thường ngồi bên nhau nghe thơ và tâm tình. Vào tuổi cổ lai hy, nhưng trông anh vẫn mạnh khỏe, giản dị, tính tình vui vẻ, hóm hỉnh như lời kể chuyện của anh: “Mình có phải là nhà thơ, nhà văn gì đâu, chỉ là anh lính pháo binh, cảm nhận cái nắng của Sài Gòn mà ứng khẩu thôi”

 

Bây giờ, ở cái tuổi cổ lai hy, anh sống cuộc đời giản dị như một nông dân trên quê hương mình, vẫn làm thơ và rất đỗi thân tình với các bạn thơ và dân làng. Vì cùng tham gia thi đàn Biện Sơn và được làm pano thơ như kể ở trên, nên tôi có hỏi thêm nhà thơ Bùi Văn Dung hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Gửi nắng cho em” thì anh cho biết : Hồi ấy cuối năm 1975, mình ở trong đội ngũ bộ đội tiếp quản Sài Gòn. Một buổi trưa nắng rực rỡ, vừa ăn cơm xong đang ngồi uống nước thì nghe bản tin Dự báo thời tiết, nói miền trung du Bắc Bộ đang chịu ảnh hưởng đợt gió mùa đông bắc, trời rất rét, nhiệt độ xuống tới 5 độ C. Mình nghĩ đến vợ đang làm ruộng vất vả ở nhà, chắc là đang cùng mọi người vào vụ cấy, nên cứ miên man nghĩ và rồi những câu thơ cứ dần dần xuất hiện trong đầu, mình ghi ra thành một bài và lấy nhan đề của bài thơ như vậy. Thế là cả trưa mình không ngủ, gọi điện thoại cho nhà báo Cung Văn làm việc ở báo “Sài Gòn Giải Phóng ”, đọc bài thơ cho nhà báo nghe. Nhà báo Cung Văn khen hay, bảo mình đọc chậm lại cho anh chép rồi hôm sau anh đã đăng bài thơ “Gửi nắng cho em” lên báo. Thế rồi mình không ngờ là một năm sau, bài thơ đã được nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Tuyên phổ nhạc.

 

Đã có nhiều bài viết và cảm nhận khá hay về bài thơ “Gửi nắng cho em”.

Báo Tuổi trẻ viết:Người mở "tiệc nắng" giữa đời. WEBSITEVIET thì ca ngợi : Bài thơ ngọt ngào đi vào năm tháng. Tạp chí Quân khu 7 thì nhận xét: Gửi nắng cho em - Mối đồng cảm giữa thơ và nhạc Riêng tôi đang cùng ngồi với Bùi Văn Dung vừa là bạn thơ vừa là anh em cùng họ Bùi, với cái chân chất của anh thì tôi cũng có vài cảm nhận giản dị .Điều đầu tiên, tôi thấy đầu đề bài thơ đã là một tứ thơ “đắt”, vì người ta tặng nhau là tặng những vât thể như bông hoa, chiếc nhẫn, cái bánh…ở đây tác giả gửi “nắng” là cái phi vật thể là đã thơ rồi. Tiếp theo tôi thấy rõ nét là bài thơ hợp cảnh, hợp tình và xuất phát từ tấm lòng.

 

*Về hợp cảnh hơp tình của bài thơ

 

Chịu ảnh hưởng của gió mùa và xa hơn là do địa hình phức tạp nên khí hậu Việt Nam luôn thay đổi trong một năm, giữa các năm hoặc giữa các vùng (từ Bắc vào Nam và từ thấp lên cao). Ở miền Bắc mùa đông có đặc điểm là lạnh với lượng mưa phùn lớn và ít nắng, càng lên cao càng lạnh.Ở miền Nam nhiệt độ cao quanh năm và thời tiết nắng ấm.Chả thế mà đang vào dịp cuối năm, ở Sài Gòn thì nắng ấm, trời xanh trong, mận hồng đào đang cuối vụ. Là người miền Bắc anh thấy cảnh mùa đông phương Nam thật là lạ và diệu kỳ, nên anh mở đầu bài thơ bằng cảnh quan này:

“Anh ở trong này chưa thấy mùa đông

Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ

Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ

Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam”

Lời thơ mộc mạc nhưng diễn tả được nét đẹp của Sài Gòn mùa đông với “nắng đỏ”, “trời xanh” đầy quyến rũ.

Trong khi đó ở miền Bắc thì đang vào cuối đông, trời rét buốt, những cây đào đang ươm nụ, chuẩn bị đón Tết, vào xuân. Tác giả đã nhớ ngay đến người vợ hiền đang ở trong mùa đông giá rét, nên mong vợ vững vàng như cây thông:

“Anh hiểu sức vươn của những cành đào

Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày tết

Như cây thông vững vàng trong giá rét

Em hãy làm cây thông xanh nghe em”

Tác giả đã nhân cách hóa những cành đào có sức vươn lên, vẫn đỏ hoa ngày tết và cây thông thì vững vàng trong giá rét. Đảo lại là nghệ thuật ví von “Em hãy làm cây thông “ thật là đẹp.

 

*Bài thơ xuất phát từ tấm lòng.

 

Trong hoàn cảnh mùa đông ở hai đầu đất nước ấy, tác giả hướng về quê hương, nhớ người vợ hiền, đang phải chịu cái rét mà mình thì ở nơi nắng ấm như đã nói ở trên.Chưa hết tác giả thương vợ đang phải dầm chân xuống ruộng giá buốt cấy lúa cùng những người nông dân đang cày bừa vào vụ, cho nên nảy ra ý “Muốn gửi ra em một chút nắng vàng” cho em bới lạnh. Chia nắng chính là chia tình thương .Tình thương yêu ấy như được ứa ra đầu ngọn bút, rất cụ thể mà nhẹ nhàng sâu lắng, không hào nhoáng, không nặng về vật chất. Chia đều là chia đều niềm vui, nỗi khổ, niềm thương nỗi nhớ:

“Muốn gửi ra em một chút nắng vàng

Thương cái rét của thợ cày, thợ cấy

Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy

Có tình thương tha thiết của trong này.”

 

Muốn em có cái nắng vàng Sài Gòn để bớt lạnh, và em vững vàng như cây thông trong giá rét như đã nói ở trên.Và muốn hai vợ chồng cùng hòa trong cái vui của đất nước thống nhất, vui với đồng bào hai miền cùng vào một vụ chiêm, nơi tạo ra hai vựa lúa của đất nước. Tác giả đồng cảm , nên cho rằng vợ cũng nghĩ như vậy, anh hiểu thấu lòng em , cũng như em hiểu tấm lòng anh:

“Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm

Hai vựa thóc cùng nặng tình của đất

Cùng vào mùa một ngày vui thống nhất

Hơn lúc nào anh hiểu thấu lòng em”

 

Hai câu thơ kết là hợp nhất các ý tình của bài thơ, gửi nắng cho em là để sưởi ấm những bàn tay bị cóng bởi mùa đông và cấy lúa trên đồng buốt giá, và cũng chính là sưởi lòng. Để rồi vợ chồng tay nắm với bàn tay:

“Gửi nắng cho em, gửi nắng cho em

Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay”

 

Sau đây là toàn văn bài thơ:

 

GỬI NẮNG CHO EM

Anh ở trong này chưa thấy mùa đông

Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ

Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ

Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam

 

Muốn gửi ra em một chút nắng vàng

Thương cái rét của thợ cày, thợ cấy

Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy

Có tình thương tha thiết của trong này

 

Anh hiểu sức vươn của những cành đào

Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày tết

Như cây thông vững vàng trong giá rét

Em hãy làm cây thông xanh nghe em

 

Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm

Hai vựa thóc cùng nặng tình của đất

Cùng vào mùa một ngày vui thống nhất

Hơn lúc nào anh hiểu thấu lòng em

 

Gửi nắng cho em, gửi nắng cho em

Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay

 

Bùi Văn Dung Sài Gòn, 12.1975

tho-bien-dem

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)