bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 242
Trong tuần: 901
Lượt truy cập: 626491

VỀ THƠ CỦA NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ

ĐỌC THƠ CỦA MỘT NHÀ GIÁO ƯU TÚ

GIỚI THIỆU THƠ PGS.TS.NGUT. NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ

                                              

                             GS.TS nhà thơ Trịnh Quốc Thắng

 

MỞ ĐẦU

Tôi quen biết nhà thơ Bùi Minh Trí đã hơn chục năm nay. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp ông, là một nhà giáo vui vẻ và lịch lãm, một người thầy luôn đạo mạo trong trang phục lịch sự và sự giao tiếp rất sư phạm. Tôi biết ông là giảng viên của Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, với học hàm học vị Phó giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo Ưu tú, đủ cho thấy ông đã rất thành công trong sự nghiệp khoa học và làm thầy của mình. Nhưng khi được đọc các tập thơ của ông, thì tôi thực sự kinh ngạc về sức làm việc phi thường của ông ở cả hai lĩnh vực khoa học và thơ.

 

I.ĐÔI NÉT VỀ THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

1- Tìm hiểu về nhà thơ Bùi Minh Trí

Đã có rất nhiều các bài viết giới thiệu các tập thơ của Bùi Minh Trí của các nhà thơ nổi tiếng như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Phi Tuyết Ba, nhà thơ Bùi Việt Mỹ, nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, nên khi được viết bài giới thiệu thơ ông, thực sự là một điều không dễ đối với tôi. 

Trước hết là bởi các bài viết về các tập thơ của ông, các nhà thơ có tên tuổi đã viết quá hay rồi, hơn nữa khối lượng thơ của ông lại rất đồ sộ, tới 8 tập, lại in trong một thời gian dài mấy chục năm, nên không thể gói gọn trong một bài viết được. Cần phải làm một đề tài nghiên cứu chuyên sâu về thơ của ông, kiểu như một luận văn Thạc sĩ. Vì vậy tôi phải chọn một cách viết khác, bởi ông là một nhà Toán học nên tôi sẽ phải dùng ngôn ngữ toán và một vài công cụ toán để diễn tả.

Trước hết để giới thiệu trích ngang Tiểu sử nhà thơ, tôi sẽ số hóa các dữ liệu và nhận được kết quả sau:

1/ Nhà giáo - Nhà thơ Bùi Minh Trí, sinh ngày 6 tháng 11 năm 1939 tuổi Kỷ Mão, trong một gia đình trí thức ở thành phố Hải Dương, hiện ông sinh sống và làm việc ở Hà Nội.

2/ Tốt nghiệp đại học toán tại Đại học Tổng hợp Khackop - Ukraina năm 1966

- Năm 1966 về nước làm giảng viên toán tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

- Tốt nghiệp Tiến sĩ toán học tại Đại học Tổng hợp Leningrad Liên Xô 1973

- Những năm1983-1984 thực tập sinh tại Pháp

- Chuyên gia giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Algeria ( 1991-1994)

3/ Hiện nay đã nghỉ hưu

- Hiện là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội cựu giáo chức Việt Nam.

- Chủ tịch Câu lạc bộ thơ Nhà giáo Việt Nam .

- Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội

-Tác giả của 35 bài báo khoa học

- Tác giả 17 giáo trình đại học

- Tác giả 8 tập thơ đã xuất bản và 11 tập thơ in chung

-Tham gia 8 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ

Các giải thưởng:

-Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Bằng khen Thủ tướng Chính phủ

-Bằng khen chiến sĩ thi đua do UBND Thành phố Hà Nội cấp

- Danh hiệu Nhà giáo ưu tú

-Huân chương lao động hạng ba

-Huy chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất

-Huy chương vì sự nghiệp giáo dục

-Huy chương vì sự nghiệp khoa học

- Sáu giải thưởng về thơ

  1. Sự ra đời các tập thơ và thời gian làm thơ

Tôi sẽ thể hiện sự ra đời các tập thơ của Bùi Minh Trí trên trục tọa độ Descartes

( 2006 – 2007—2010—2012—2016—2020—2021—2022 )

1- Hạnh phúc là gì. NXB Giáo dục- 2006

2- Những dòng sông quê hương. NXB Hội Nhà văn -2007

3- Bâng khuâng hội thu. NXB Văn học - 2010

4- Gió thông xanh. NXB Văn học - 2012

5- Miền thu. NXB Hội Nhà văn - 2016

6- Nước Nga thân thương. NXB Văn học -2020

7- Khúc quê. NXB Văn học - 2021

8- Tình yêu nước Nga. ( Song ngữ Việt – Nga ) NXB Văn học - 2022

Như vậy trong khoảng thời gian 16 năm ra đời 8 tập thơ, trung bình 2 năm 1 tập thơ. Nếu lấy bình quân mỗi tập 100 bài như vậy có khoảng gần 1000 bài thơ đã được xuất bản. Đây là một khối lượng rất lớn mà nhiều người làm thơ mơ ước.

Về thời gian làm thơ:

Những bài thơ đầu tay được ông viết từ những năm 60 của thế kỷ trước, tính đến nay đã được sáu mươi năm, vắt qua hai Thế kỷ, một quãng thời gian rất dài so với cuộc đời một con người. Năm 1962 khi học tập ở nước Nga, nhớ về Tổ quốc  ông viết bài thơ “Hương cau”, với bốn câu mở đầu:

Thân cau thẳng như lòng trung thực

 Mỗi đốt vòng đếm một mốc thời gian

 Thương từng tàu lá rơi vì gốc

 Cho cây cao vượt mái nhà tranh…”

Bốn câu giữa nói về ý nghĩa của hương cau bằng hình tượng thật đẹp:

Nước từ chin tầng mây dịu ngọt

 Pha hương cau thơm mát xanh trong

 Lan tỏa ra thấm vào gan ruột

 Nắng hè như dịu xuống bên song”.

Và bốn câu kết là hình ảnh quê hương in đậm trong lòng ông:
“Quê ta mái đình cong giếng nước

Cây đa xanh trùm mát cổng làng

Tre lả ngọn bóng cau cao vút

Đậm lòng ta hình bóng quê hương”

 Tiên sĩ Cao Ngọc Châu nhận xét một cách tinh tế: ”Tôi nhớ khoảng năm 1958 trong sách giáo khoa có bài “Nhớ dừa” của Nguyễn Xuân Sanh. Năm 1962 Bùi Minh Trí sáng tác “Hương cau” thì năm 1972 Nguyễn Duy sáng tác “Tre Việt Nam”. Cái chung của ba bài là dùng những loại cây chia đốt này để tượng trưng cho người dân Việt.            Và năm 2022 ông vừa viết bài “ Chuyến đò nhân nghĩa “ chào mừng Kỉ niệm 25 năm CLB Nhà giáo VN.Vì thế có thể suy ra, sự nghiệp thơ ca của ông song hành cùng với sự nghiệp khoa học.

Mặc dù thời gian dành cho thơ không nhiều, nhưng ông có một tình yêu dành riêng cho thơ, ông viết thơ như một nhu cầu để ghi lại những kỉ niệm cuộc đời mình, để bày tỏ tình cảm của mình với cuộc sống, và để cân bằng với sự nghiệp toán học nhiều công thức:

“Cuộc sống ồn ã muôn màu

Thơ tìm phút giây giao cảm

Rủ sông chậm lại cho phù sa lắng

Cho mầm lá xanh, nụ hoa nhú hồng”

II . CÁC CHỦ ĐỀ TRONG THƠ BÙI MINH TRÍ

Bây giờ thử điểm qua các chủ đề của cuộc sống có trong các tập thơ của ông

Đến đây tôi phải mượn một sơ đồ toán học để thể hiện, hay còn gọi là bản đồ tư duy ( Mind map )


 

                                                                          

THƠ

BÙI MINH TRÍ                        

 

ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI ( QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI,

THẾ GIỚI)

 


TÌNH YÊU                                        

THẾ SỰ (XÃ HỘI ,CUỘC SỐNG, TRIẾT HỌC)

                                              

           *Về mảng thơ Đất nước và con người

Ông đã quan tâm tới hơi thở của đất nước trong đó con người là chủ đạo. Một sự kiện lịch sử đặc biệt là Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Đông đô - Hà Nội, Ông đã ca ngợi bằng tất cả tấm lòng trong bài “Thăng long có bao giờ đẹp thế”

Với những cảnh:

“Hồ Gươm sóng lụa biếc hàng cây

Tà áo muôn màu hẹn tới đây

Như máu về tim từ mọi ngả

Tràng An thương nhớ một vòng tay

Với con người:

Em cười nắng lóa nghiêng vành nón

Hoa của Ngọc Hà thơm ngất ngây

Dạo gót hồng sen tươi Phố Cổ

Gió về mơn nhẹ má hây hây

và những chiến công:

Ngày ấy Ngọc Hân đào báo tiệp

Anh hùng vó ngựa, pháo râm ran

Chiến công hiển hách còn in dấu

Trấn Quốc cờ hoa soi bóng lồng

Thành phố Hòa bình viên ngọc quý

 Có bao giờ đẹp thế Thăng Long

Lễ hội nghìn năm được tổ chức trang trọng vào những ngày thu dịu dàng tại Thủ đô thanh lịch.Trong cái vui chung có nỗi buồn riêng, đó là tâm sự của cô gái tiễn người yêu ra trận:

Thu về vạt nắng hanh hao

Len trong khóe mắt, xoáy vào nỗi riêng

Lòng nhớ thương được diễn tả:

Hội vui lòng nhớ thương nhiều

Hồ Gươm để lại tình yêu lên đường

Dấu chân anh vẫn còn vương

Mà hồn anh có phủ sương vai gày.

                         (bài “Bâng khuâng hội Thu”)

Mùa xuân là mùa của lễ hội và vui chơi. Chúng ta được đi lễ chùa và cầu mong hạnh phúc đến với mình và người thân. Đóng góp vào chủ đề này, trong bài “EM ĐI TRẢY HỘI MÙA XUÂN”, Bùi Minh Trí diễn tả tâm tư, tình cảm của cô gái trẻ:
"Kéo dài nỗi nhớ Tháng giêng
Em đi trảy hội lòng riêng bề bề
Núi sông vời vợi hồn quê
Khăn xuân trễ nải, tóc thề ngang vai
Để thương để nhớ cho ai
Em đi cầu phúc cầu tài cầu duyên"
Em qua suối Giải Oan cùng dòng người nô nức chen đường mà lòng riêng say chuyện tình Từ Thức – Giáng Tiên, bởi tình yêu đang là khao khát của con tim:
“Chuông gieo dọc suối Giải Oan
Nắng lên, gió nhẹ nâng màn khói sương
Người hoa nô nức chen đường
Em say Từ Thức – Giáng Hương chuyện tình”
Câu kết thể hiện rõ lòng mong ước của cô gái trẻ: "Còn em chỉ ước lấy chồng năm nay".
Rồi đến hình ảnh tham gia lễ hội “EM HÁT TRỐNG CƠM”:
“Đêm xuân em hát hội làng
Khăn điều yếm thắm xênh xang lụa đào
Nuột nà xuân hội xôn xao
Ngón tay thon thả ôm vào nhớ mong”.

Em hát và đưa duyên, gửi hồn vào tình quê cho quên đi nỗi sầu: “Duyên đưa đôi mắt lim dim/ Tình quê em hát nổi chìm bể dâu. Tay em vỗ nhịp quên sầu/ Môi hồng má thắm hát câu tình bằng” và em “Vỗ vào cả nỗi vui buồn/ Đêm về suối hát lòng son dạt dào”.

Ông đã viết về quê hương, đất nước, về các cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, hay các địa danh ghi dấu những kỷ niệm của cuộc đời:

Bồng bềnh mây núi Sa Pa

Thiên thai một chốn nhạt nhòa chợ sương

Say nghiêng say ngả mười phương

Ngỡ ngàng Tiên nữ Thiên đường xuống đây

Bùi Minh Trí có cách viết riêng của mình, chân thật và giản dị, nhưng cũng không kém phần tinh tế, nhiều bài thơ đã chạm được đến trái tim người đọc:

“Choé rượu lên men nhà Bản Lác

Váy xoè áo coóng, tiếng em mời

“Khèn lên” lửa trại rừng xanh ngát

Bối rối sàn rung ánh mắt cười

Mai sớm cùng em lên chợ núi

Pha Luông trời vẽ bức tranh màu

Một rừng hoa nở trên vai áo

Đào mọng thơm lừng hương Mộc Châu

Đây là bài ông tả cảnh thu, ta thấy có cái man mác của thơ cổ điển Trung Hoa:

Chuông buồn lan tỏa bến thu sương

Một tiếng từ quy dạ vấn vương

Trăng vẫn ôm thuyền vời vợi nhớ

Trải lòng non nước gửi ngàn phương.

 

Sợi tơ giăng mắc trong vòm lá

Tiếng vạc lưng trời vọng nỗi thương

Thế sự ngâm hoài thơ Lý Bạch

Bồ đào nâng chén giục lên đường.

Còn cảnh mùa đông cũng có nét riêng đặc sắc:

Sương rắc muối, chiều đông trời giá buốt

Bàng đứng buồn, chút lá đỏ còn vương

Gió nói gì mà đàn chim thôi hót

Chụm vào nhau ngơ ngác giữa phố phường.

Trong khoảnh khắc ”Thăm vườn”:

Hoa rụng bời bời xuân chóng tàn

 Thăm vườn thương cảm kiếp hồng nhan”,

 nhà thơ nhắc đến cái rụng, cái tàn của hoa, nhưng cái chính là thăm người đẹp, thấy cái chóng tàn của tuổi xuân, mà thương cảm cho cả một kiếp bạc mệnh. Hai câu thơ sau:

        “May còn một đóa màu tươi đỏ

 Thắp lửa lòng ta với thế gian,”

Nhà phê bình văn học Lương Hữu viết:”Bùi Minh Trí giải nỗi buồn cho người xưa, cũng là giải nỗi buồn cho mình bằng hai chữ “May còn”, trong đó chữ “                   

   May ” là chữ  Mắt (nhãn tự) cứu bài thơ, cứu các nhà thơ ra khỏi mọi bi lụy của nỗi rụng, nỗi tàn của kiếp hoa mong manh, kiếp người ngắn ngủi ! Xin nhớ là một “đoá”, chứ không phải một bông, và đóa hoa ấy, hình dáng, kích cỡ, cánh hoa, nhụy hoa, hương hoa như thế nào không cần rõ, chỉ rõ màu hoa là màu tươi đỏ, hoa không có tên, tên hoa là do người yêu hoa tự đặt. Nhà thơ cần một sự tri âm trong cách tôn vinh,“ một đoá màu tươi đỏ”, may mà không phải thắm với thời gian.“Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy” của Nguyễn Mỹ trong “Cuộc chia ly màu đỏ”, có “màu  tươi đỏ” của Bùi Minh Trí trong “Thăm vườn” song hành với thời gian.“.

Trong bài XÔN XAO ĐÀN TRỜI, ta được nghe những âm thanh của quê hương như nhắn gửi tác giả từ nơi xa xôi đất người trở về để được sống trong những cảnh thân thương của làng quê:

“Xôn xao âm hưởng đàn trời

 Ra khơi man mác, từ khơi vọng về

 Du dương làn điệu hồn quê

 Thông reo, gió hát, đê mê chuông chùa”.

Điều ông tâm niệm là:

“Đã qua trăm nẻo trời Tây

 Tình quê còn mãi đong đầy hồn tôi

Sân ga, bến nước xa xôi

 Về đây để uống những lời yêu thương”.

*Về mảng đề tài tình yêu

Thơ Bùi Minh Trí, đi từ cái tôi đến cái ta, đi từ cái riêng đến cái chung, tất cả đều nằm trong một trường cảm xúc chân thực và giản dị.Nói thì dễ nhưng để làm được điều này thì rất khó, ai cũng muốn chân thực, nhưng nhiều khi ngoại cảnh và cảm xúc thái quá, làm cho nhà thơ không làm chủ được ngòi bút của mình, rất may là nhà thơ Bùi Minh Trí luôn có một nhà toán học ở trong, vì thế cái mơ mộng của thơ và cái chính xác của toán học bổ sung cho nhau, làm thơ của ông luôn giữ được sự cân bằng.

Trong bài “Tôi nợ em mùa xuân” ta thấy cái duyên cái phận tạo nên định mệnh của mỗi con người.Nhà thơ ở tuổi nào đó nhất là khi không còn trẻ nữa, nhớ lại quá khứ của mình, bỗng cảm xúc đưa ta trở về tuổi hoa niên đầy mơ mộng và lãng mạn:

“ Có một mùa xuân nhung nhớ

 Nắng vương vòm lá lung linh

Đôi chim trên cành thủ thỉ

 Gió chảy bờ vai nhỏ xinh”.

Trong mùa xuân xanh mát ấy, nhân vật trữ tình xuất hiện, người đọc hình dung ra một cô gái trẻ, đẹp đầy quyến rũ, đó là nghệ thuật của hội họa tranh lụa, nét vẽ mơ hồ run rẩy“ Gió chảy bờ vai nhỏ xinh”. Có thể là do sự rụt rè của tuổi trẻ, sự e lệ của cô gái, hay tại số trời để duyên không bén nên hai người đành xa nhau. Bây giờ thi nhân nghĩ lại thấy tiếc đã bỏ lỡ một mối tình đẹp đẽ và thơ mộng:

“Một lời sao em không nói

 Mắt em sáng ngời nét xuân

Giá được cầm tay bối rối

 Để chắp đôi cánh thiên thần

 Mong manh nỗi niềm thầm kín

Sao khờ cứ giấu trong tim

 Số trời để duyên không bén

Từ mùa xuân ấy nợ em.”

Tương tự bài CÂU HÁT LỜI THƠ CHƯA TRÒN cũng là để tự trách mình chủ quan “Tưởng được lại thua”:

“Bâng khuâng uống mắt người thương

 Còn trong tâm tưởng khói sương cuối mùa

Dòng đời tưởng được lại thua

 Chút tình ai sẻ còn chừa giọt đau”.

Cho nên cái duyên không thành:

“Đâu còn cái phút chờ nhau

Cái duyên vừa bén đã nhàu thời gian

Tìm trong ánh mắt miên man

 Trả em về với cô đơn nửa đời”.

Cũng có nét vui những lần về quê, gặp lại người bạn thuở xưa:

Bỗng gặp em bàn tay ấm ân cần

 Như thấy lại cả một thời trai trẻ”

Và ông đã có câu thơ khác lạ của tình yêu bạn gái đồng quê:

“Lời sẻ chia xoa dịu nỗi cô đơn

 Em xới anh phơi dưới màu nắng mới”

Với tình yêu thương mãnh liệt, trí tưởng tượng phong phú, bút pháp so sánh cách điệu táo bạo, Bùi Minh Trí đã thể hiện được sự ngưỡng mộ và tri ân thắm thiết đối với người bạn đời yêu dấu:

“Mắt em là biển nhớ,

Xao xuyến bờ bao la”…

“Tình em như ngọn lửa,

ấm lòng anh phương xa”

“Cửa sổ em anh gõ

khe khẽ bằng bài ca”!

Ông diễn tả tình cảm vợ chồng trong bài CÒI TÀU ĐÊM XUÂN:

“Tình đời lắng đọng trong tim

Trời cho duyên phận ta tìm thấy nhau

Xanh trầu quyện đỏ hương cau

 Niềm vui chung góp, nỗi đau chia đều.”

Thơ tự đến với ông, hay ông tự đến với thơ, tôi cũng không biết nữa. Tôi cho rằng Thi ca cũng có duyên số như tình yêu vậy. Nhưng cũng như tình yêu không phải cứ muốn là được, cần phải có thời gian và sự bền bỉ, sự lao động miệt mài và cả sự dâng hiến nữa. Để theo đuổi được Nàng Thơ kiều diễm và khó tính này, có người đã bỏ cả cuộc đời mà chắc gì đã thành công. Nhưng với Nhà thơ Bùi Minh Trí tôi tin là ông đã làm được điều đó.Trước hết là ông đã được trời phú cho năng khiếu thơ văn từ khi còn nhỏ, sau đó là sự đam mê cháy bỏng mà ông đã nuôi dưỡng suốt cả cuộc đời, và hơn nữa ông lại có một tầm nhìn văn hóa cao sâu và chuẩn mực, một trình độ cao về học thức.Tất cả những điều đó cộng với tấm lòng nhân hậu và yêu đời, đã giúp ông viết được rất nhiều các công trình khoa học và văn học:

“Sông bình yên đổ bóng những lâu đài

Dẫu tóc bạc lòng người không bạc

Ta trèo lên bồn chồn từng bậc

Mấy năm ròng náo nức đi về”

Và với cách làm việc rất khoa học, ta có thể thấy ông làm thơ ở mọi lúc mọi nơi, khi có điều kiện và cảm xúc.

Công trình Nga nổi danh cùng Véc xay

Ta ngây ngất ngắm đài phun tuyệt mĩ

Những lâu đài uy nghi vài thế kỉ

Tháp rực vàng phô rõ cảnh xa hoa

Nhà toán học người Mỹ Norbert Wiener đã có câu nói rất nổi tiếng:

“ Giống như người làm thơ - người làm toán cũng cần phải có một tâm hồn mơ mộng và cảm xúc lãng mạn cho sự sáng tạo toán học ‘’

Tôi tin là nhà toán học Bùi Minh Trí thành công trong sự nghiệp toán học của mình có sự đóng góp không nhỏ của những vần thơ lãng mạn và một tình yêu bay bổng.

*Về mảng thơ thế sự hay là thơ chính luận

Là khi nhà thơ đề cập đến những vấn đề của đời sống xã hội, mảng đề tài này hơi khô khan và rất khó viết, nhà thơ Bùi Minh Trí không viết theo lối gượng ép các triết lý cao siêu khô cứng,mà ông chỉ đưa ra cách suy nghĩ của mình để người đọc tự chiêm nghiệm, chẳng hạn khi viết về người thầy ở nước Nga:

“Ta bé nhỏ trong vòng tay bao dung và mạnh mẽ

Như tựa vào nước Nga vạm vỡ

Trong mắt thầy dịu mảnh trăng non”

Hay khi ông suy nghĩ về hạnh phúc và khổ đau:

“Nơi gặp giỡ của hai chiều lên xuống

Là mong manh giữa hạnh phúc khổ đau

Cặp lá lộc nảy trên thân cây chết

Đóa hoa tàn rụng xuống đất thêm màu”

Và ông tự nhủ:

“Về bến lặng cánh buồm căng hạ xuống

Để lòng ta suy nghĩ riêng chung”

Về những cuộc sống lao động vất vả,và  những chiến tích anh hùng của làng quê trong chiến tranh, ông viết:

“Chỉ có lòng sông mới hiểu

Nước mắt, mồ hôi, máu thắm ruộng đồng.”

Và:

Dãy cau nhà vẫn hiên ngang thẳng tắp

 Kể ta nghe chuyện cổ tích giữ làng.”

Cũng nhiều khi ông nói thẳng những suy nghĩ của mình:

Nghề cao xa lánh bon chen

Chẳng màng danh lợi nhỏ nhen thói thường”

Hoặc:

“Vì đời thầy bắc nhịp cầu

Đường xa dù có sông sâu cũng gần

Chữ gieo ươm cả mùa xuân

Trồng người chọn thế uốn dần cây non.”

Trong bài “Gió thông xanh” ông viết “Nết người nét chữ thanh cao/ Hành trang nâng bước em vào tương lai”, với hình ảnh rất gợi: Thông xanh vờn gió trăng trong, Bút nghiên một gánh cây lồng bóng sân.” Và ông chớp được một hình tượng đẹp:

 “Tinh hoa kiến thức của đời,

Ta xâu chuỗi lại trao người bước sau”.

Dù cho “Có lúc cánh bay như chấp chới/ Bởi còn sâu hại đục nhành hoa”. Và cảnh “Tình đời đem đục pha trong/ Nổi trôi ghềnh thác đau lòng nước xanh”. Nhưng sau khi chấp nhận tình thế “Nỗi buồn ta thả lên trời/ Niềm vui san sẻ cho người thân thương” cho nên“Đã đến tuổi chia tay bục giảng/ Lòng còn lưu luyến mái trường xưa/ Trồng người nhiệt huyết luôn bừng lửa, Kén vẫn vàng ươm vẫn nhả tơ”.Ở đó:

Đầu sương bên mái đầu xanh

 Nghề thầy đắp lũy xây thành nghĩa nhân”.                                                                              

Ông viết về các Anh hùng liệt sĩ như chiến sĩ công binh Bùi Ngọc Dương, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người lính sinh viên Nguyễn Văn Thạc. Thật cảm động khi ông viết về người Phi công trẻ Vũ Xuân Thiều đã lao thẳng máy bay do anh lái vào chiếc máy bay B 52 của giặc Mỹ khiến nó bùng cháy.

“Từ trên cao Anh lao vào con ó

Trời đêm xanh một khối lửa bùng lên

Thiêu ra tro mác “ Không quân chiến lược’

Giặc loạn bay, nháo nhác vỡ tan đàn

Mười hai ngày đêm đối đầu huyền thoại

Tổ quốc sáng lên với mỗi chiến công

Thiên Anh hùng ca ngàn năm hát mãi

Vũ Xuân Thiều- Điện Biên Phủ trên không.”

Đọc những bài như thế, ta không còn thấy thơ nữa, mà chỉ thấy tấm lòng. Sự chân thực và cái Tâm trào ra từ ngòi bút.

*Một điều rất đặc biệt trong sự nghiệp thơ Bùi Minh Trí, là mảng thơ viết về nước Nga                                                                                                                               Với đề tài này ông có một tập thơ riêng “ Nước Nga thân thương ‘’ gồm 126 bài. Tôi cũng là dân học ở Nga về, cũng sống qua bao mùa thu vàng, và mùa đông tuyết trắng, cũng đi dọc dài khắp đất nước Nga vĩ đại, cũng đã viết nhiều bài thơ về nước Nga. Nhưng để viết nhiều được như ông quả thật không dễ dàng gì. Ông là nhà thơ viết về nước Nga nhiều nhất như tôi biết. Nước Nga hiện lên trong thơ ông bằng những vẻ đẹp kì vĩ, mà ít nơi nào có được:

“Dòng sông uốn khúc chiều thanh vắng

Lả lướt hàng cây nhóm lửa lòng

Gió lạnh về bầu trời chợt tím

Đôi môi em chúm chím thơm nồng”

Hay khi ông viết về Thành phố Leningrat cổ kính, nơi ông đã từng sống và học tập nhiều năm:

“Gập ghềnh đá hoa cương

Nê- va trắng

Đôi bờ trinh nguyên trắng

Dịu dàng tuyết bay xui lòng ta tĩnh lặng

Dấu chân nào vương vấn một thời trai”

Và đặc biệt khi nói đến nước Nga là phải nói đến con người Nga, như người Thầy bao dung và đôn hậu.

“Thầy đón tôi đôi mắt già ứa lệ

Dáng thanh cao áo gió phôi pha

 Ông rất tự hào về người thầy của mình:

Dòng Neva mãi mãi trôi đường bệ

Dù bể dâu đất lở cát bồi

Sóng vẫn dạt dào thầm chứng kiến

Tấm lòng Nga như của thầy tôi.”

Và đây là hình ảnh cô giáo dậy tiếng Nga cho ông, mà ông luôn coi như người mẹ

“Nhớ cô giáo từng nụ cười ánh mắt

Bao yêu thương che chở thuở ban đầu

Mẹ Nga ơi giờ này mẹ nơi đâu

Muốn nắm tay nói Spasibo mẹ.”

Ngoài mảng thơ viết về nước Nga, ông còn một tập thơ song ngữ Việt – Nga do NXB Văn học ấn hành năm 2022. Có thể nói đây là một ấn phẩm đặc biệt, nói đặc biệt vì hiện nay đa số các tập thơ song ngữ thường là Anh – Việt, hoặc Nga – Việt. Vì vậy nó gợi lên trong tôi rất nhiều kỉ niệm về đất nước Nga vĩ đại, đặc biệt là tiếng Nga, một ngôn ngữ giàu âm sắc và biểu cảm, tiếng của Puskin với những câu thơ tình bất hủ, tiếng của văn học và âm nhạc.Ông đã dịch những bài thơ ông viết sang tiếng Nga một cách nhuần nhuyễn, đảm bảo được sự chính xác của nội dung cũng như nhịp điệu câu thơ. Cần lưu ý rằng nhịp điệu của thơ Nga khác với nhịp điệu của tiếng Việt, nên nhiều từ ngữ có lúc phải chọn khác đi so với nguyên bản. Nhưng tôi tin là những người biết tiếng Nga và chính người Nga sẽ cảm nhận được điều đó, như thấy ở bài thơ CHÀO NƯỚC NGA:

Tờ lịch nhắc tôi năm tháng xa

Giật mình nửa thế kỉ đã qua

Chuyến tàu mang tuổi xuân hăm hở

Bát ngát Siberi nở hoa

Chào Moskva ! vui bỡ ngỡ

Đẹp như huyền thoại những lâu đài

Ngôi sao lấp lánh bừng tươi đỏ

Tim đập Kremli dọi nắng mai.

 

III.NGHỆ THUẬT THƠ BÙI MINH TRÍ

Xuyên suốt các tập thơ là sự song hành của hai xu hướng thơ, thơ chân mộc truyền thống và thơ trừu tượng - ẩn dụ. Tôi hay ví von thơ với hình học. Với thơ chân mộc truyền thống tôi gọi là thơ Hình học phẳng Euclid, khi đó hình tròn phải thật tròn, hình vuông phải thật vuông, câu thơ dễ nhìn dễ hiểu. Còn với thơ trừu tượng- ẩn dụ như Hình học không gian, khi ấy hình tròn không còn tròn nữa, nó nhìn như hình Elip, hình vuông không còn vuông nữa, nhìn nó như hình bình hành, câu thơ không còn dễ hiểu nữa, phải phân tích ra để hiểu.

Ví dụ khi nhà thơ viết

“Bên nhau Lục bát – Ca dao

Như hai giọt nước thấm vào nhân gian

Tình đời đắng ngọt sẻ san

Luân hồi bao thuở hợp tan mất còn.”

Thì tất cả người đọc đều hiểu như nhau. Nhưng khi nhà thơ viết.

“Cánh cò mềm cả thinh không

Lũy tre, bến nước, dòng sông nghiêng vào

Mênh mông biển lúa rì rào

Lời ru gói cả trăng sao trên trời”

Bài thơ rất nhiều ẩn dụ trừu tượng, không phải ai cũng thấy hay ngay và cảm nhận như nhau.Tuy nhiên còn một loại Hình học nữa gọi là Hình học Vi phân. Khi ấy không thấy hình đâu cả. Tất cả chỉ là các kí hiệu toán học. Ví như người ta gọi hình cầu là R, mặt phẳng là F và đường thẳng là Y= ax + b. Tôi gọi thơ dạng này là thơ Siêu thực, để hiểu nó phải tượng tượng ra, và nhiều khi chỉ có thể cảm nhận được nó mà không thể bình luận hay phân tích được.Thơ này kén người đọc, phải có một trình độ học vấn nào đó mới hiểu được, có lẽ vì thế mà ông không dùng nhiều nó để viết.

Về các thể loại thơ, Bùi minh Trí dùng đủ các thể loại, từ truyền thống như Lục bát hay Thất ngôn bát cú, đến các thể thơ mới hay thơ tự do … Ở thể loại nào ông cũng thành công, cái chính là ông đã biết chọn thể loại đúng cho tứ của bài thơ, giống như lựa chọn thời trang cho đúng người đúng cảnh vậy.

Ví dụ khi ông viết về Nguyễn Bính thì chỉ có Lục bát là phù hợp nhất.

“Rừng chiều cô gái hái mơ

Mây che sườn núi xanh lơ bềnh bồng

Màu xanh mát mắt cánh đồng

Hồn thơ theo gió mênh mông chân trời”.

Nhưng khi viết về một khoảnh khắc, phải minh bạch thì ngắn gọn:

“Đã vay thì phải trả

Đắn đo gì riêng chung

 Hãy uống rượu mình có

 Ngon đến giọt cuối cùng”.

Có thể nói ngoài chọn các thể loại thơ cho phù hợp, Nhà thơ Bùi Minh trí còn có vốn từ phong phú, và nghệ thuật dùng từ điêu luyện, như nghệ thuật Nhân hóa, Nghệ thuật ẩn dụ, Nghệ thuật đối lập, so sánh, Nghệ thuật điệp từ, Nghệ thuật chơi chữ.. vì thế ông đã làm chủ được ngòi bút của mình, đã đạt được hiệu quả cao trong tìm ý và tứ bài thơ, trong xây dựng hình tượng, trong khai thác ngôn từ và cấu thành vận điệu. Ví như khi ông viết :Dẫu tóc bạc mà lòng không bạc” thì quả là nói ít hiểu nhiều thật là đắc địa. Những câu thơ:

 "Chiều buông trên ngàn lau

Ngọn nguồn ai dò mở

Ngẫm nghiệp đời vạn cổ

Thác bạc đêm phủ mây"

trong bài thơ NIỀM THU MUỘN quyện nhuyễn đậm đà hai yếu tố cảm niệm và cảm luận, khiến người đọc cũng phải "gia công" cảm nhận như người viết "gia công" sáng tạo vậy!

KẾT LUẬN

Nếu biểu diễn thơ của Bùi Minh Trí bằng một hàm số toán học

 U = F(x,y,…z ), thì đấy là một hàm nhiều biến số mà ta khó tập hợp hết các giá trị tổng quát.

Tôi đưa ra một cách nhận giá trị khi tôi tìm được các biến số là các hằng số không thay đổi cho tất cả các tập thơ:

a = Sự chân thực của tác giả

b = Cảm xúc vừa lãng mạn đắm say vừa tỉnh táo

c = Đề tài đa dạng và phong phú

d = Thơ có tính truyền thống

e = Thơ có tính hiện đại và tính thời sự

f = Nghệ thuật có nhiều đổi mới trong từ ngữ

Người làm thơ chỉ cần đạt được một trong những điều ấy là đã đạt được đỉnh cao rồi. Còn các hàm riêng biệt dạng Y = F( x ), Ví dụ: Tình yêu trong thơ Bùi Minh Trí, Nước Nga trong thơ Bùi Minh Trí, hay Tính dân tộc truyền thống trong thơ Bùi Minh Trí,… Ở trên tôi có điểm qua nhưng chưa đầy đủ, tôi xin nhường cho bạn đọc tự tìm hiểu và khám phá.

Tôi chỉ nói thêm rằng đọc thơ ông nên đọc chầm chậm và đọc lại nhiều lần, sẽ thấy

rất nhiều điều thú vị, vì thơ của ông nhỏ nhẹ thẩm thì, mang phong cách tao nhã của một nhà giáo, lại phong phú đa dạng như những phương trình nhiều biến số.

Người xưa nói: Thơ là Người, đọc thơ Bùi Minh Trí ta thấy rõ đây là thơ của một

nhà giáo, một nhà khoa học, có sự trong sáng trong suy nghĩ và cách thể hiện, có

sự sang trọng của câu chữ nhịp điệu và có cả sự bay bổng lãng mạn mơ hồ của thi sĩ Ông đã thành công trong sự nghiệp khoa học của mình và cũng lại thành công trong sự nghiệp thơ ca, mà ông yêu thích suốt cuộc đời.

 

Hà Nội 30-7- 2022

hoa-sen-phat

 

 

 

                                

                                                                      

                                                                      

                                                                          

 

                                                                

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)