bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 298
Trong tuần: 1270
Lượt truy cập: 634966

VŨ NHO GIỚI THIỆU

 

          MỘT NGƯỜI SAY  ĐẮM THƠ CA

              Đôi lời cho tập thơ CÒN LẠI YÊU THƯƠNG của Nguyễn Sỹ Bình

                                      PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho

ong_nho

         VŨ NHO - ẢNH PHẠM VĂN SƠN

Cách chưa lâu lắm, tôi có tham dự buổi ra mắt thơ của tác giả Nguyễn Sỹ Bình tại Hội trường lớn, Hội Nhà Văn Việt Nam ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Ấn tượng của tôi:  tác giả là người yêu quý nàng thơ, là người “chịu chơi” với thơ ca, mặc dù anh bước vào địa hạt đó khi không còn trẻ. Chuyện duyên thơ thì có bao người có bấy nhiêu hoàn cảnh. Có người làm thơ rất sớm , nhưng rồi cũng sớm bỏ thơ. Có người xuất hiện sớm rồi bền bỉ theo thơ như một nghiệp suốt đời là trường hợp nhà thơ Trần Đăng Khoa. Có  không ít người khi nghỉ hưu mới cầm bút làm thơ nhưng say sưa, bền bỉ, cũng in nhiều tập rồi thành Hội viên hội nhà văn địa phương, hội nhà văn Trung ương. Cửa ngôi đền thơ lúc nào cũng rộng mở, mời gọi những “tín đồ”, không phân biệt tuổi tác, giới tính, vùng miền, nghề nghiệp,…

            Tôi ngạc nhiên khi  cầm tập bản thảo dày dặn gồm 81 bài thơ tác giả sắp in. Một điều khiến chú ý là  hầu hết các bài thơ này đều ghi ngày tháng ở cuối bài, một tác phong rất chuyên nghiệp. Một thống kê cho thấy duy một bài không ghi ngày tháng là bài “Yêu nhau thôi”, tác giả đã viết 52 bài thơ trong năm 2022,  còn lại 28 bài thơ viết năm 2023. Có ngày viết 2 bài, có tháng viết đến 12 bài ( tháng 9). Không say đắm thơ ca, không thể viết nhiều như vậy. Tất nhiên chả cứ thơ mà trong mọi lĩnh vực  nghệ thuật cũng như đời  sống “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tuy vậy số lượng cũng là điều không thể bỏ qua.

            Tác giả viết về các chủ đề khá đa dạng. Có bài thơ ca ngợi cô giáo, có bài thơ nói về nghề nghiệp  “người lính thị trường”, nhiều bài thơ ca ngợi  quê hương,  bè bạn; và đặc biệt là nhiều  bài thơ  về chủ đề tình yêu, hạnh phúc gia đình.

            Tác giả là người ham viết đầy đủ những cảm xúc, những tri nhận của mình đối với  cảnh, với tình, với mùa ( Xuân, Hạ, Thu, Đông), với  kỉ niệm, nên các bài thơ thường dài. Sẽ khó tìm thấy một bài 2 câu, tứ tuyệt hay  5 câu (namkau) kiểu thơ Trần Quang Quý,  hay 1,2,3 kiểu thơ do Phan Hoàng đề xướng.

            Những câu thơ đẹp về tình cảm học trò với cô giáo:

                        Cô ơi cô cô vẫn là cô Tiên

                        Trong lòng con và trong bao thế hệ

                        Cô là Cô nhưng cũng là người mẹ

                        Để chúng con yêu mến cả cuộc đời

                                                (Cô tiên lái đò)

Có những câu thơ đẹp về làng quê trong mắt nhìn thi sĩ:

                        Làng tôi ở như một chiếc thuyền trôi

                        Giữa màu xanh của mênh mông biển lúa

                        Gió thổi qua mặt đồng xanh như lụa

                        Bỗng dập dờn như sóng biển khơi xa

                                                ( Làng tôi)

 Thi nhân dẫu trải nhiều cảnh đẹp trên đất nước, vẫn không quên “mùa cải vàng” ấn tượng của  quê hương:

                                    Sau những tháng năm miệt mài mê mải

                                    Đã ngắm hoa tam giác mạch ngây thơ

                                    Đã chạnh lòng trước  cải trắng mộng mơ

                                    Vẫn da diết mùa cải vàng thuở trước

                                                            (Mùa cải vàng)

Bạn đọc sẽ gặp một tâm hồn chân thành, cởi mở khi nghe tác giả tự thuật:

                        Đã bước qua nửa đời người nếm trải

                        Ngọt bùi, Đắng cay, Thành công, Thất bại

                        Đã trao đi và nhận lại cũng nhiều

                                                (Ngày yêu thương)

                        Cuộc đời tôi nay đây mai đó

                        Cũng khát khao đi tìm chút công danh

                                                ( Mùa cải vàng)

                        Tôi đã có những tháng ngày vật vã

                        Của áo cơm, sự nghiệp và công danh

                                                (Nhật kí)

Tác giả dành khá nhiều trang cho thơ tình. Nếu theo cách phân chia của nhà thơ kiêm Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật Phạm Công Trứ  thì thiên hạ có  duy vật, duy lí, duy tình ( Người ta duy vật khắp nơi/ Em thì duy lí, còn tôi duy tình). Nguyễn Sỹ Bình thuộc phái duy tình của Phạm Công Trứ. Có rất nhiều bài thơ tình trong tập trước và tập này. Cả tên tập thơ cũng  chỉ  dấu “ duy tình” : Bốn mùa thương nhớ,  Còn lại yêu thương. Đó là tình yêu trong “miền kí ức”. Một tình yêu trẻ trung trong nỗi nhớ:

Nhớ ngày nắng, nhớ ngày mưa

Nhớ khi mỗi lúc anh đưa em về

Nhớ em trong cả cơn mê

( Nhớ mong)

Một tình yêu mãnh liệt :

                        Yêu nhau như chưa được yêu lần nào

                        Tình cuồng si say đắm và ngọt ngào

                        Như thế gian không còn ai bên nữa

                                                ( Vùng kí ức)

Đó là những kỉ niệm của tình yêu không thành kiểu  “ Hai ta không biết vì đâu/ Hai con đường rẽ xa nhau xa hoài” ( Phan Thị Thanh Nhàn – Con đường). Chia biệt, thì thái độ của  người con trai là một thái độ văn hóa kiểu A. Puskin  trong bài thơ nổi tiếng “Tôi yêu em”do Thúy Toàn dịch :

                        Anh chúc em luôn được bình an

                        Gia đình công danh thật vẹn toàn

                        Chúc em gặp được tình yêu mới

                        Hạnh phúc đong đầy không sẻ san

                                    ( Nhớ em)

Ở trên đã nói đến thơ dài của tác giả. Vấn đề không phải là dài ngắn. Nhưng với người mới viết thì thường cứ thoải mái chuồi theo cảm xúc. Vì vậy mà tứ thơ sẽ không thật chặt, cảm xúc  dễ dàn trải.

            Muốn đi xa hơn nữa  trên con đường sáng tạo, thiết tưởng cần nhắc nhở tác giả cũng không thừa.

Dẫu sao, có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ. Chúc mừng tập thơ mới của người say đắm thơ ca Nguyễn Sỹ Bình. Hân hạnh có đôi lời giới hiệu cùng bạn đọc.

                                                Hà Nội, 13 tháng 9 năm 2023

 

 

                                   

                                               

                       

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)