bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 201
Trong tuần: 686
Lượt truy cập: 666796

VŨ NHO NÓI VỀ ĐOẠN TUYỆT CỦA NHẤT LINH

CHƯƠNG TRÌNH SÁCH & CUỘC  SỐNG CỦA VOV TV

KỊCH BẢN VÀ BIÊN TẬP: MINH QUYÊN
MC: HUYỀN PHƯƠNG
QUAY PHIM : SỸ THÀNH
KHÁCH MỜI : VŨ NHO
PHÁT LÚC 16H 45 NGÀY 9/10/2021
ĐÂY LÀ BẢN ĐẦY ĐỦ. KHI NÓI CÓ BIÊN TẬP VÀ LƯỢC BỚT

TRẢ LỜI MINH QUYÊN VOV TV VỀ TIỂU THUYẾT ĐOẠN TUYỆT

PV:  - Trước hết xin được hỏi nhà phê bình văn học Vũ Nho, “Đoạn tuyệt” nhắc đến vấn đề  thời đại nào của xã hội đương thời? Và nó thể hiện tư tưởng tiến bộ của nhà văn ra sao?
VŨ NHO (VN) : - ĐOẠN TUYỆT là tiểu thuyết nhắc đến vấn đề quan hệ nàng dâu và mẹ chồng, nhưng rộng hơn là quan hệ giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái bảo thủ, lạc hậu trong quan niệm hôn nhân và gia đình. Ở đây đặt ra vấn đề thế nào là người con có hiếu với bố mẹ. Thế nào là nàng dâu hiểu thảo? Cuộc sống  một gia đình như thế nào được coi là hạnh phúc? Quan hệ của người phụ nữ với chữ tam tòng  (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) còn đúng nữa không? Người con dâu có phải là một vật mua bán và chỉ đóng vai trò người hầu hạ gia đình chồng, một cái máy đẻ làm nhiệm vụ sinh ra con cái nối dõi tông đường?
          Nhà văn ủng hộ người phụ nữ Âu hóa, người phụ nữ tân thời. Tác giả ủng hộ người phụ nữ có học, dám đoạn tuyệt với lề thói cổ hủ, dám mơ ước hôn nhân tự do, dám sống đời tự lập. Người phụ nữ đó là Loan. Tác giả đã mượn lời luật sư bào chữa cho Loan, phản bác lời buộc tội của ông chưởng lý và kết luận : “Cái chế độ gia đình phong kiến vô nhân đạo kia đã đến ngày tàn, buộc phải nhường chỗ cho chế độ gia đình khác, hợp với cái đời mới bây giờ”.
          Cũng cần chú ý đến nhân vật Dũng và tư tưởng “đoạn tuyệt”. Dũng bị bố mẹ từ, đưa lên báo công khai. Một người bị bố mẹ đẻ “từ” là đứa con bất hiếu, nghịch tử theo quan niệm cũ. Nhưng Dũng là người tử tế. Anh không màng chuyện thừa kế tài sản. Anh sống cuộc sống nghèo nhưng tự do, tự chủ.
          Việc Dũng không quên được Loan, càng ngày càng yêu và lo lắng cho Loan, mặc dù nàng đã có chồng cũng là một biểu hiện “đoạn tuyệt” tư tưởng cũ. Nhất là sau khi Dũng biết Loan trắng án, Loan không còn khả năng sinh nở, nhưng chàng vẫn tỏ tình và mong được Loan chấp nhận. Đó là tư tưởng rất mới mẻ, rất tiến bộ.

PV:  -Dưới ngòi bút sắc sảo và giọng văn thẳng thắn phê phán, đả kích của Nhất Linh, cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái cũ và cái mới, hủ tục và tân thời diễn ra khốc liệt như thế nào trong “ Đoạn tuyệt”?
VŨ NHO (VN) : - Quả thật đấy là một cuộc đấu tranh gay gắt và khốc liệt. Loan, cô gái được học hành, có tư tưởng tiến bộ. Nhưng lúc đầu Loan đã vâng theo lời của bố mẹ mình để cho hai thân vui. Loan đã nhận lời lấy Thân, một người tầm thường mà nàng không yêu. Loan đã chịu đựng những lề thói cổ hủ của gia đình Thân, nhất là bà mẹ chồng. Đứa con trai mà Loan sinh cho gia đình chết oan vì bà mẹ chồng chữa bệnh bằng cầu cúng, mê tín dị đoan. Rồi Loan phải cưới Tuất, làm vợ lẽ cho Thân. Phải nhận lấy  sự vái lạy của kì cục của Tuất với mình. Loan đã cố chịu, cố gắng nhẫn nhịn. Nhưng sự chịu đựng có hạn. Giọt nước tràn li chính là khi bà Phán Lợi yêu cầu Thân đánh Loan, chỉ vì Loan dám “cãi” bà.  “ Đánh chết nó đi cho tôi. Chết đã có tôi chịu tội”. Và Thân đã hăng hái làm theo mẹ. Thân đã bộc lộ sự vũ phu khi  đấm Loan, rồi cầm cái lọ đồng xông vào quật Loan. Kết cục là trượt chân ngã, bị  con dao  trong tay Loan cầm  tự vệ đâm chết.
          Một bên là Loan, người phụ nữ có học, theo thời mới. Bên kia là bà Phán Lợi, Thân, Tuất, những người trong gia đình Thân như cô Bích, cô Châu.
          Kết cục của cuộc đấu tranh là cái chết của Thân và Loan phải ra trước vành móng ngựa.

PV:  -Hình tượng nhân vật Loan, mặc dù vẫn mang những nét tính cách rất điển hình của người phụ nữ Việt Nam, sẵn sàng bỏ cả ước mơ, bỏ cả tương lai cùng người mình yêu cho gia đình. Tuy nhiên, khác với các tác phẩm của TỰ LỰC VĂN ĐOÀN trước đó như Gánh hàng hoa, Đời mưa gió,…người phụ nữ trong “Đoạn tuyệt” mang những nét riêng, tân thời nào?vovtv_a_tuyt_1
VŨ NHO (VN) : - Loan là cô gái có học, có hiểu biết. Nàng rất mực thương cha mẹ. Nàng cố gắng làm cha mẹ vui lòng khi lấy Thân, một người nàng không yêu, nhưng hai gia đình đã có đính ước. Loan đã  hi sinh, đã chịu đựng, đã nhân nhượng mọi người để có một cuộc sống bình thường, có gia đình yên ấm.
Nhưng càng hi sinh thì càng bị chèn ép, bị vây hãm và dồn đến bước đường cùng. Loan đã phản ứng.
  • Loan khao khát cuộc sống tự lập, không phụ thuộc vào người khác.
  • Loan hiểu rõ phẩm giá của mình, không chịu nhận mình trong thân phận “nô lệ” của nhà chồng, không là cái máy đẻ của gia đình chồng.
  • Không giống với các cô Minh Nguyệt và Lệ Hồng tìm đến cái chết. Cũng không giống chị Cả Đạm, sợ mang tiếng có học, không dám giữ vệ sinh, bị lây bệnh lao của mẹ chồng. Loan sòng phẳng với bà Phán Lợi.
  • Tại Tòa, Loan xin lỗi mẹ chồng, mặc dù suy cho cùng thì không ai có lỗi, mặc dù trong cuộc xung đột CŨ – MỚI, Loan “ là người  đã chịu nhiều đau đớn nhất, là người đáng thương nhất”.
  • Sau khi được tha tại tòa, Loan đã bán nhà trả nợ bà phán Lợi, mở trường dạy học. Sau đó viết  và dịch cho báo của ông  Hoạch.
PV:  -Tôi cứ nghĩ mãi về cái câu mà Loan thốt lên khi đứng trước vành móng ngựa : “ Tôi nói cốt để chị em gái mới đến đây nghe, biết rằng nếu các chị muốn được hưởng hạnh phúc với chồng con, thì điều trước nhất, các chị em phải tìm cách sống một đời riêng, một đời tự lập, tránh sự chung sống với bố mẹ, họ hàng nhà chồng và nhất là cố vượt hẳn ra ngoài quyền của cha mẹ chồng thì mới mong gia đình được hòa thuận”. Cái bài học khắc cốt ghi tâm này của cô Loan cách đây 80 năm có còn giá trị đối với phụ nữ ngày nay không thưa ông?
VŨ NHO (VN) : - Thật ra, Loan nói ra điều ấy từ bài học đắt giá của bản thân đối với gia đình nhà chồng.  Điều đó đúng hoàn toàn với riêng Loan. Và cũng  đúng với nhiều chị em khác. Người phụ nữ có công ăn việc làm, có kinh tế độc lập, ổn định, không phụ thuộc vào chồng hay nhà chồng là điều hầu hết các chị em có học bây giờ đạt được. Có độc lập về kinh tế, mới có thể nghĩ đến độc lập về cuộc sống. Một khi độc lập kinh tế, mới có sự tôn trọng, bình đẳng. Mới có điều kiện để giữ mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.
Bài học đó bây giờ vẫn có giá trị với phụ nữ ngày nay. Chứng cớ là khi bị “nhầm lẫn” trong hôn nhân, người phụ nữ có quyền và có cơ hội làm lại dễ dàng khi có một cuộc sống riêng, kinh tế riêng vững chắc.
 
PV:  - Ngoài vấn đề về quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, việc ứng xử trong gia đình thì “Đoạn tuyệt” còn đề cập đến vấn đề “trinh tiết” của người phụ nữ. mặc dù so với quan niệm ngày xưa thì vấn đề này được các bạn trẻ cũng như các bậc phụ huynh ngày nay không coi quá quan trọng. Tuy nhiên đâu đó cũng vẫn còn có những bi kịch xảy ra vì vấn đề “trinh tiết”. Câu nói của Loan trong “Đoạn tuyệt” : “ Chỉ có sự trinh tiết của tâm hồn là đáng quý thôi” có ý nghĩa như thế nào đối với các bạn trẻ và các phụ huynh ngày nay thưa ông?
VŨ NHO (VN) : - Ở đây có chuyện trinh tiết “thân xác” với nghĩa đen và chuyện trinh tiết “tâm hồn” với nghĩa bóng. Không phải đợi đến thời đại mới, mà ngay từ xưa, các cụ cũng nhìn vấn đề này rất thoáng:
          Rượu ngon, cái cặn cũng ngon
          Yêu em bất luận chồng con mấy đời
Vua Đinh Tiên Hoàng, khi chinh phục Ngô Nhật Khánh, đã lấy Ngô Bà là mẹ của Nhật Khánh làm vợ và lập  làm Hoàng hậu.
Câu nói này của nhân vật Loan ( thật ra là ý nghĩ trong đầu) trong đêm tân hôn, khi Loan nhìn thấy Thân trải  miếng vải trắng lên chiếu mà nàng coi là  hành vi “mọi rợ” mà nàng kinh bỉ. Vâng “ sự trinh tiết  của tâm hồn là đáng quý”! Không sai! Bây giờ không ai quá coi trọng sự trinh tiết thân xác.
          Nhưng nếu người con gái hiến dâng cho người mình yêu cả sự trinh tiết thân xác và sự trinh tiết tâm hồn thì càng đáng quý!
 
PV:  - “ Đoạn tuyệt” là dứt bỏ cái cũ để tìm đến cái mới, là hi sinh đời tình ái để mở lối soi đường cuộc cách mạng của giống nòi. Xã hội thời nào cũng vậy, trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới rất cần sự dứt khoát ấy. Nhưng”đoạn tuyệt” ở đâu? Với cái gì? Để không nhầm lẫn với sự chối bỏ giá trị truyền thống, cội nguồn của dân tộc mình, thưa ông?
VŨ NHO (VN) : - Đoạn tuyệt là dứt bỏ không thương tiếc, dứt bỏ dứt khoát! Cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ đòi hỏi phải có thái độ DŨNG CẢM ĐOẠN TUYỆT, cần DỨT KHOÁT chứ không phải  là do dự, nước đôi. Nhưng có một vấn đề là đoạn tuyệt cái gì, đoạn tuyệt ở đâu, đoạn tuyệt như thế nào để không bị nhầm lẫn, không chối bỏ cả những giá trị truyền thống.
          Đây là một vấn đề nghiêm túc, quan trọng, cần được nhận thức thấu đáo.
Ngay trong tiểu thuyết “Đoạn tuyệt”,  tác giả cũng cảnh báo về sự tỉnh táo của việc đoạn tuyệt trong lời lẽ hùng hồn của vị luật sư:
          “Gia đình bây giờ không thể để nguyên như gia đình về thế kỉ trước được nữa”; “ Giữ lấy gia đình! Nhưng xin đừng lầm giữ gia đình với lại giữ nô lệ” ( tr. 187).
Có những thứ một thời chúng ta coi là đẹp, là niềm tự hào. Như hàm răng nhuộm đen của người Việt. Quang Trung tuyên bố “ Đánh cho để dài tóc! Đánh cho để đen  răng ”. Rồi thì ca dao viết:
          Răng đen nhưng nhức hạt dưa
          Miệng cười tủm tỉm như chưa có chồng
          Ba thương má lúm đồng tiền
          Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Thế nhưng chúng ta vẫn “đoạn tuyệt” với răng đen!
 
PV:  -Đoạn tuyệt không những dễ nhầm lẫn mà còn chưa bao giờ dễ dàng. Vì vậy, tinh thần “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh cần thiết và có giá trị như thế nào trong việc tạo dựng cách sống tự do, tự lập và tự trọng  của mỗi chúng ta?
VŨ NHO (VN) : - Đoạn tuyệt dễ nhầm lẫn và không dễ dàng. Đúng vậy. Rất dễ nhầm khi cho rằng mọi cái “cu cũ” cần đoạn tuyệt!
  • Ăn nói dịu dàng dễ nghe là một tiêu chuẩn có vẻ cũ lắm. Nhưng muốn tỏ ra MỚI, tỏ ra tiến bộ, có người ĐOẠN TUYỆT với sự dịu dàng. Nói năng lấc cấc, nhâng nháo,không coi ai ra gì được coi là cá tính, thời thượng, mô đéc!
  • Ăn mặc đẹp nền nã, kín đáo bị coi là lạc hậu. Áo ngắn, áo cổ trễ, quần ngáp, quần sooc te tua mới là sành điệu, mới là hiện đại.
  • Rồi thay người yêu như thay áo, sống thử, dễ dãi trong quan hệ tình yêu, tình dục được một số ít coi là hiện đại, là văn minh, là tiến bộ,…
Đó là những  nhầm lẫn tai hại.
Không phải mọi cái cũ đều xấu, đều đáng đoạn tuyệt.
Nhà thơ Phạm Công Trứ viết:
     Cũ càng như cái bánh chưng
     Mỗi năm Tết lến lại bưng lên thờ
Mới như nhạc rốc bây giờ
Vài năm  mà đã ngẩn ngơ về già
Tự do, tự lập, tự trọng không có nghĩa là đoạn tuyệt với truyền thống!
Vấn đề giữ gìn những gì là bản sắc văn hóa dân tộc là một vấn đề rất quan trọng. Một mặt chọn những cái lỗi thời, lạc hậu dể ĐOẠN TUYỆT! Mặt khấc cũng không khư khư chối bỏ những cái mới, cái hay của thế giới. Rõ rệt nhất là trong lĩnh vực thời trang:
     Nhà thơ Nguyễn Bính “ van em em hãy giữ nguyên quê mùa” cũng không được.
Nhà thơ Phạm Công Trứ chấp nhận áo chẽn, quần bò và hơn thế:
     Em ốp đầu Nhật
     Em đánh móng Tây
     Lúc đầu thấy chướng
     Lâu dần thấy hay
Không hề dễ dàng khi đoạn tuyệt CÁI CŨ và tiếp thu CÁI MỚI.

                                   Hà Nội, 4/10/2021


 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)