bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 17
Trong ngày: 143
Trong tuần: 1000
Lượt truy cập: 630415

XÓM BÌNH YÊN

XÓM BÌNH YÊN

 

 

 TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

nh_v_thin_khi_1

             NHÀ VĂN VŨ THIỆN KHÁI

 

Ông Hòa nghỉ hưu loáng cái đã mươi năm. Đời người trôi nhanh vùn vụt, nhưng rồi ngẫm lại, ông chợt thấy mười năm là cả một đoạn đường dài thật là dài. Nhớ thời còn công tác ở quê nhà, ký ức ông vẫn in rõ từng chân tơ kẽ tóc mọi chuyện. Vậy mà chẳng hiểu sao những chuyện chỉ mới vài năm, thậm chí vài tháng, vài ngày qua ông quên lãng khá nhiều. Phải chăng đấy cũng là lý do cả tháng nay vợ con ông cứ một mực cho là ông bị tâm thần?

Trước đây ông Hòa làm cán bộ tổ chức Phòng Giáo dục huyện T… hơn hai chục năm liên tục. Gốc gác xa tít ngoài Bắc, ba đứa con hiện đều đã có gia đình yên ổn trong Nam, nên hai vợ chồng ông quyết định không về quê nữa. Cả đời ông vốn coi sự phục tùng như là chuyện hiển nhiên phải vậy, nên khi cấp trên gợi ý cho hưu sớm vài năm, ông chẳng bận tâm. Không còn phận sự sáng sáng lo đến cơ quan đúng giờ như cái máy, nên năm giờ sáng mỗi ngày, ông đi bộ một vòng, từ nhà qua cầu Tha La, cả đi lẫn về đúng năm cây số. Mất đúng một giờ. Sáu giờ rưỡi dắt thằng cháu ngoại đến trường. Thong thả quay về, bữa gặp bạn già thân thiết thì vào quán nhâm nhi với nhau ly cà phê, tào lao vài câu chuyện. Không thì ông về thẳng nhà, vào phòng sách viết lách, đọc tài liệu. Có bận vợ ông phải gõ cửa, ông mới sực nhớ đã tới bữa trưa. Chiều đến, hôm nào nắng ráo, ông thủng thẳng ra bến sông Tha La, kiếm chỗ yên tĩnh ngồi câu. Được cá hay không, chẳng có gì quan trọng. Có được vài giờ xa lánh ồn ào phố thị, thanh thản ngắm dòng nước trong xanh chảy dưới chân cầu, được nghe tiếng con chim nào đó từ lùm cây chợt bay vù lên, là ông sảng khoái mãn nguyện rồi. Nhờ vậy, bẩy chục tuổi rồi, tuy không nhanh nhẹn như lúc trẻ trung, nhưng cũng chưa ộ ệ chậm chạp tuổi già. Mấy bữa dự giải cầu lông huyện tổ chức, ông đi ba ta trắng, quần soọc trắng, áo thun trắng cộc tay, để lộ cơ bắp tròn lẳn, tung tẩy trên sân đấu, mấy bà bạn sồn sồn ngắm mòn con mắt. Họ đùa ông: Chị nhà không khéo giữ là chúng em cướp anh đi đấy. Vậy mà cả tháng nay, người ta thắc mắc tại sao ông vắng bặt. Có bạn già không yên lòng, đến tận nhà tìm ông thì gặp hai cánh cổng khép im ỉm. Vừa bấm chuông, ông bạn già đã thấy ông vui mừng chạy ra, tưởng ông mở cổng mời vào. Ai dè, người trong, người ngoài cổng cứ thế đứng nhìn nhau. Ông than thở:

- Ông thông cảm, bà ấy đi chợ, tôi không có chìa khóa. Chả là ít bữa nay, bà ấy và các cháu đều cho là tôi bị ấm đầu, lẫn cẫn tâm thần rồi, nên giữ gìn chặt chẽ lắm.

- Thế trong người ông có thấy đau đớn gì không?

- Đau yếu bệnh tật là thế nào. Mấy đứa đều bố láo. Biện bạch hết nhẽ chúng cứ một mực cổng đóng then cài, coi kỹ như coi tù. Còn dọa hễ đi câu ngoài sông Tha La, chỗ ấy có dớp, năm nào Hà Bá cũng lấy đi mấy mạng người.

Vừa lúc bà Hòa vợ ông đi chợ về. Khi cả ba cùng ngồi trong phòng khách, ông bạn già đề nghị nên đưa ông Hoà đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe xem sao. Chiều ấy, sẵn dịp cả ba đứa con công tác trên thành phố, tranh thủ chủ nhật về thăm bố, cùng nhất trí, ngày mai đưa bố đi bệnh viện. Sau hàng loạt các xét nghiệm cần thiết, cùng nhiều câu hỏi trắc nghiệm tâm lý của bác sĩ, ông đều trả lời trôi chảy. Biết ông tinh thông hai ngoại ngữ, họ đưa bản tiếng Nga, ông đọc rồi dịch chính xác. Sau cùng, hội đồng chuyên khoa thần kinh kết luận, thần kinh ông hoàn toàn lành mạnh. Cả nhà mừng rỡ. Về đến nhà, chưa ngồi yên chỗ ông trách nhẹ:

- Đã nói còn không tin, bọn bay mắc chứng khinh thường bố từ bao giờ vậy?

Vợ ông bảo:

- Thế hôm ấy ông khoe với tôi câu được hai con chép đẹp lắm, sao trong giỏ không có cái vảy nào? Làm gì có cái xóm Bình Yên nào bên kia cầu Tha La? Toàn rừng rậm với ngút ngàn cao su, làm gì có cái xóm toàn người từ quê mình vào sinh sống? Nào có ai nhìn thấy cái xóm ấy bao giờ? Ông không tâm thần thì là gì?

-  Cái xóm ấy chính mắt tôi nhìn thấy, hoàn toàn có thực mà. Không tin, tôi dẫn bà và các con đến đấy chơi, chỉ qua cầu một tẹo là tới, đâu có cách trở gì.

Cả bốn mẹ con bà Hoà cùng kêu trời kinh hãi, cho là ông bệnh hết thuốc chữa rồi.

 

Ngày giáp tết Nhâm Thìn 2012, cách nay cả tháng trời ấy, chính xác là hôm ông Táo về trời. Nếu hôm ấy vào văn phòng viết lách như mọi khi, thì ông đã không trông thấy những chiếc xe ba bánh chở đầy những chậu quất cảnh, những giỏ cúc vàng đến nhói lòng chạy ngang qua cửa nhà. Cái màu xao xuyến ấy làm bùng lên trong ông nỗi nhớ quê, nhớ những Tết xưa náo nức. Ông bồn chồn, bứt rứt không yên. Từ sâu thẳm tâm hồn ông trào lên một tiếng gọi, vừa cồn cào không yên vừa mang mang, bảng lảng như trong chiêm bao. Thường thì chiều chiều ông mới đi câu. Nhưng sáng ấy, như có sự xui khiến, tự nhiên ông đeo túi đồ nghề câu, đeo chiếc giỏ tre lên vai rồi líu quíu đạp xe về phía cầu Tha La. Đến chỗ ngồi quen thuộc, sợi chỉ câu chìm dưới nước rồi, ông vẫn không nguôi bồn chồn. Cây cầu xi măng mọi khi ông thấy nặng nề, vậy mà bây giờ tựa như một nét cong cong thanh mảnh chơi vơi của họa sĩ nào vẽ lên da trời xanh thắm. Trên mặt cầu, những chiếc xe máy, xe tải chở đầy sắc vàng mơ màng của mai, của cúc. Và mặt sông sóng cũng lăn tăn màu mỡ gà long lanh sắc nắng cuối năm. Màu nắng non còn trải vàng trên cây cỏ ven sông, trên những con đò thanh mảnh nhẹ lướt giữa dòng. Cứ như là mộng ảo.

Chiếc phao lông ngỗng nhấp nhô trên mặt sóng rồi chìm lỉm. Ông giật được một con cá chép đỏ tía cỡ bàn tay, râu hai bên mép cá đỏ tươi, dài lướt phướt. Đôi mắt nó tròn xoay lồi lên vòm xương đầu. Ơ, lạ kỳ thật, mắt cá liếc ngang liếc dọc và long lanh như mắt con người vậy. Định thả cá xuống sông, ngần ngừ một chút, ông cho vào giỏ rồi ngâm xuống nước. Tiếp tục thả lưỡi câu, chưa kịp suy nghĩ về cái sự lạ vừa rồi thì đầu cần lại víu xuống, ông giật lên được một chép nữa giống con trong giỏ. Khi gỡ cá ông lóng ngóng để lưỡi câu chích vào đầu ngón tay đau nhói. Ông tính về sớm, hai chú cá này sẽ ngự lên mâm cúng ông Táo trưa nay. Ông đang rút từng khúc cần câu cho vào túi thì nghe có tiếng sau lưng:

- Tết nhất đến nơi còn thong thả câu cá, sướng vậy anh Hòa?

Tiếng ai nghe quen quá. Ông ngẩng lên, cách ông vài bước là một phụ nữ áng chừng trên dưới ba mươi tuổi. Cô mặc quân phục bộ đội thời chiến tranh, màu cỏ úa, nơi hai vai áo đã bạc. Dưới vành mũ tai bèo, khuôn mặt bầu bầu với đôi mắt to tròn, long lanh gợi nhớ... Ông thoáng liên tưởng tới đôi mắt chú cá ông vừa câu được. Ai vậy nhỉ? Ông còn đang gắng lục lọi trí nhớ thì người ấy đã cất lên:

- Làm quan rồi thì quên bạn cũ phải không? Đùa thôi, anh Hòa không nhận ra Thiêm - Thiếp, cùng lớp xã hội 10+3 với chị Liên vợ anh ngày xưa à?

-  Ôi trời ơi! Đúng là cô Thiêm cùng học sư phạm với vợ ông năm nào rồi. Mà sao cô ấy không già đi nhỉ? Còn cả cái tay Thiếp lém như cuội - chồng cô, liệu có ở đây không? Dễ đến mấy chục năm rồi không gặp. Mà hình như họ… Chẳng để cho ông kịp hỏi han thắc mắc, cô nắm tay ông kéo đi, theo một lối mòn. Hai bên đường lúp xúp toàn những bụi hoa trắng muốt, giống giống hoa huệ. Suốt lối mòn thoang thoảng mùi thơm rất dễ chịu, dường như hương hoàng lan. Tâm trí ông cứ lơ mơ thắc thỏm, cho đến khi ông chợt thấy cái cổng chào kết dây leo xanh biếc. Phía trên, chính giữa cổng nổi bật dòng chữ đỏ “Chào mừng năm mới Nhâm Thìn 2012”. Phía dưới một chút là hàng chữ hoa bay bướm: Xóm Bình Yên. Ông chợt nhận ra đây là một xóm ông chưa hề biết tới. Qua cổng chào, hai bên vệ đường, những cổng tre đơn sơ cách nhau một quãng khá đều. Bên trong cổng là những ngôi nhà ba gian kiểu Bắc, mái lợp tranh vàng óng. Loáng thoáng có người đi lại sau khung cửa. Trên đường loang thoáng những người rất trẻ, họ đều mặc quân phục như nhau. Đến một cổng tre mở sẵn như bao cổng khác, cô Thiêm vừa bảo đây là nhà em, thì đụng một người áo quần xốc xếch, hai tay ủ bụng, mặt ngửa lên trời, cười không thành tiếng, lướt nhẹ qua ông. Quen lắm, nhưng ông không nhớ ra là ai. Biết ý, cô Thiêm khẽ nói:

- Anh Thu, con ông giáo Vũ người làng ta đấy.

Ông định chạy theo thì cô Thiêm giữ lại thì thào:

- Anh ấy bị tâm thần chẳng biết gì đâu? Ngay từ ngày đầu đăng ký hộ khẩu xóm này đã vậy rồi. Mỗi lần sắp lên cơn, anh ấy lại móc lá thư trong túi ngực, đọc rồi khóc nấc.

Chắc là nghe tiếng vợ ngoài cổng, anh giáo Thiêm bạn ông chạy vội ra. Nhận ra bạn cũ, hai người ôm nhau mừng rỡ còn hơn cả đã chết rồi sống lại.

Bước vào nhà hai bạn, ông thấy kiểu dáng giường chiếu, bàn ghế, sắp đặt y hệt các nhà ở quê ông những năm sáu, bẩy mươi thế kỷ trước. Tự nhiên lòng dạ ấm áp thân thiết vô cùng. Đang muốn hỏi thì bạn ông đã tự khai:

- Chúng tôi không sinh con được nữa, nên nhận nuôi hai đứa trẻ. Bố mẹ chúng bị chết đau đớn bởi bom Mỹ thời chiến tranh.

Chưa nghe dứt lời ông đã thấy hai đứa chừng tám, chín tuổi đứng trước mặt như từ trên trời rơi xuống. Cô Thiêm sai một đứa đi gọi chú Tung. Quả là đầy những bất ngờ. Chú Tung, con út cụ Chánh Tăng, người cùng họ tộc cùng ngồi giỗ Tổ hàng năm với ông ngày xưa, cũng ở đây sao? Thế quái nào mà mấy chục năm nay, vợ chồng ông vẫn ở đây mà không biết có cái xóm toàn những anh em bạn bè thân thiết đồng hương ngoài Bắc, gần nhà mình nhỉ? Đúng là chú Tung đang đứng trước mặt ông đây này. Chỉ hơi lạ, đã mấy chục năm qua mà sao chú vẫn trẻ măng như ngày chú trốn nhà xung phong vào bộ đội. Chú nằng nặc đòi ra chiến trường đánh Mỹ trả thù cho người anh trai hy sinh năm trước. Định nói luôn cho chú biết chuyện người yêu của chú vừa xuống tóc đi tu, nhưng Tung đang vui vẻ quá, ông không nỡ. Chao ôi! Thế gian này sao quá nhiều nông nỗi, quá nhiều chuyện đau lòng thế? Ông Hòa rất muốn ngủ lại để gặp anh Thu. Biết đâu, ông có thể cất cho anh gánh nặng đầy đau đớn? Nếu ông nói cho anh nghe những chuyện ông đã biết về gia đình anh, chắc chắn anh sẽ khỏi bệnh tức thì. Và cả vợ chồng cái anh chàng Thiếp lém này nữa, có biết chăng…

Câu chuyện chưa có cơ hội mở đầu, thì chủ nhà đã bảo vợ đưa ông Hòa về kẻo khuya lắm rồi. Lý do là âm khí nơi đây lạnh lẽo lắm, sợ ông không chịu nổi. Ơ hay! Tại sao vậy nhỉ? Rồi ông Hòa chợt thấy mình đứng ở bờ sông, chỗ vừa câu được hai con cá chép. Cái xe đạp và cái giỏ ông ngâm dưới nước còn nguyên đấy. Nhấc giỏ lên, hai con chép giãy đành đạch. Ông chẳng bận tâm. Sao tay Thiếp nói khuya rồi mà bóng nắng chưa tròn nhỉ. Đúng là mấy chục năm Thiếp lém vẫn hoàn Thiếp lém. Nói dối như cuội. Trên đường chầm chậm đạp xe về nhà, ông Hòa vui lắm. Đôi chép đẹp cúng Táo quân về trời, chắc vợ ông mừng lắm. Chắc bà ấy còn mừng hơn, khi được báo cái tin động trời, ông vừa phát hiện ra cái xóm Bình Yên bên kia cầu, toàn anh em bạn bè người làng sinh sống đã lâu. Thế là từ nay thi thoảng vợ chồng ông đã có chỗ đi lại, thăm thú nhau cho vơi nỗi hoài hương. Mở cổng, bà ra đón. Không để ý bà trách nhẹ sao về trễ vậy, ông đưa cái giỏ, khoe liền:

- Có đôi cá chép đẹp lắm, bà thả vào chậu chốc nữa cúng Táo công. Rồi chiều vợ chồng mình đem ra sông Tha La phóng sinh, nhân thể mình vào xóm Bình Yên thăm nhiều người làng ta. Họ ở đấy đã lâu mà mình không hay.

Bà vợ ông Hòa nghiêng giỏ. Giỏ rỗng không, bà kinh ngạc nhìn ông:

- Cá đâu? Tết nhất đến nơi ông còn lỡm tôi, còn dối cả ông Táo nữa.

- Sao kỳ vậy nhỉ? Rõ ràng lúc gỡ nó khỏi lưỡi câu, ngón tay trỏ của tôi còn bị đâm chảy máu đây này. Mà hai con cá này lạ lắm bà ạ, mắt nó liếc láo liên như mắt người.

Bà Hòa sợ hãi:

- Mà ông bảo xóm Bình Yên ở đâu, mà còn nhiều người làng mình nữa?

- Thì chú Tung, vợ chồng cô Thiêm cùng khóa sư phạm với bà ngày xưa. Lại còn anh Thu, con ông giáo Vũ nữa. Họ ở cả đấy từ lâu lắm rồi, trước cả khi vợ chồng mình vào đây công tác.

Nghe tới đó, bà Hòa kêu lên tuyệt vọng:

- Họ toàn là liệt sĩ đã báo tử từ mấy mươi năm nay rồi. Ông bị điên rồi ông ơi!

- Nói láo! Họ còn sống sờ sờ ra đó, tôi vừa gặp tức thì. Bà thừa biết vô số trường hợp báo tử nhầm đấy thôi.

Đến bữa ăn, ngồi vào bàn rồi ông vẫn còn ấm ức. Lại chạy ra chỗ treo cái giỏ, đôi cá chép vàng tươi vẫn đang nằm dưới đáy. Để chắc ăn, ông cúi sát hom nhìn rõ hai đôi mắt cá tròn xoay chớp chớp nhìn lại, ông mới sung sướng reo lên đắc thắng:

- Bà ra đây mà coi, không đôi cá vàng thì cái gì trong giỏ đây?

Buông đũa, bà vợ ông lật đật chạy ra thì trong giỏ lại chẳng có gì. Ngay đêm hôm ấy, các con ông đang công tác ở xa bị bà gọi về khẩn cấp. Một cuộc bàn bạc rì rầm tới sáng, đi đến quyết định từ ngày mai bà sẽ khóa cổng, canh coi ông thật kỹ.

 

Tuổi càng cao, nỗi nhớ làng xưa càng thêm thôi thúc ông Hòa, bất kể giờ giấc sáng đêm. Cồn cào hơn cả, vẫn là những hồi ức bi hùng thời chiến tranh chống Mỹ. Đến bây giờ, trong lòng ông vẫn nguyên vẹn niềm xót xa, kính phục sự hy sinh không gì so sánh được của gia đình cụ Chánh Tăng, người anh em thúc bá vai dưới ông nội ông. Có bốn con trai thì anh con cả là liệt sĩ thời chống Pháp. Đến thời chống Mỹ, hai người con cụ Chánh lại mặc áo lính, xung phong ra chiến trường. Tới khi người con út là chú Tung đang học lớp mười, chích máu viết quyết tâm thư, xin tòng quân trả thù cho anh trai. Cụ ông và cụ bà không nỡ ngăn cản, cùng chống gậy lên xã, ký giấy tình nguyện cho chú nhập ngũ. Chú Tung lên đường ra trận chưa lâu thì hai cụ nhận được giấy báo tử người con thứ hai. Hết chiến tranh, một người anh chú Tung về làng, với vết thương quái ác, không bao giờ có thể sinh ra những đứa cháu, mà hai cụ đêm ngày mong mỏi nữa. Chú Tung cũng không về. Mộ phần chẳng bao giờ biết ở nơi đâu. Vậy là trong ba gian nhà gỗ xoan xưa luôn đầy ắp tiếng cười, đông vui ríu rít như tổ chim sắp ra ràng ấy, còn lại có ba người lặng lẽ nương tựa, đùm bọc nhau, vịn vào bao nỗi nhớ thương mất mát mà trôi đi ngày tháng. Ông cụ về trời trước. Mấy tháng sau, anh con trai thương binh cũng đi theo cụ, vì di chứng sốt rét rừng. Ba gian nhà cũ giờ còn một mình cụ bà tuổi ngoài tám chục ngày ngày chống gậy, ra ngơ vào ngẩn. Khi cụ lặng lẽ như một cái bóng lang thang quên cả đường về, khi ngồi bất động, xõa mái tóc trắng phơ phơi nắng chiều, ngây ngô quay mặt phía rừng xa. Rất may là ngày đang học cấp ba, chú Tung đã có một mối tình rất đẹp với cô Lan cùng lớp, cùng làng. Buổi đưa tiễn tân binh, cô Lan tự tin hứa trước mọi người, hứa với chú Tung sẽ chung thủy chờ chú đến ngày chiến thắng trở về. Và thực sự cô đã làm được gấp nhiều lần lời hứa. Chính mắt đã đọc giấy báo tử chú Tung, cô vẫn một dạ đinh ninh người yêu cô chưa hề mất. Niềm tin son sắt ấy đã cho cô quyết tâm vài năm một lần, hễ dành dụm tiền lương giáo viên đủ cho một cuộc đi tìm mộ, cô lại một mình lặn lội khắp các nghĩa trang trong Nam, theo dấu chân chú Tung trên mọi nẻo chiến trường xưa. Mỗi lần trở về vô vọng, tóc cô thêm vài sợi bạc. Đã có mấy người thương cô thực lòng, ngỏ ý muốn tính chuyện trăm năm, nhưng cô đều thẳng thắn trả lời, chừng nào chưa tìm được mộ anh Tung, cô chưa thể tính chuyện riêng tư. Đến khi anh trai chú Tung đột ngột qua đời, cô xin phép gia đình sang ở hẳn nhà chú Tung chăm sóc cụ bà, cô coi đó là bổn phận của con dâu với mẹ chồng mình. Hơn chục năm trước, ông Hòa đã nhận được tin bà cụ Chánh, bà Mẹ Việt Nam anh hùng nằm xuống. Vài năm gần đây, ông lại được biết cô Lan đã xuống tóc đi tu, trong tâm trạng đau đớn chấp nhận người cô yêu thương thực sự hy sinh rồi.     

Thiếp là bạn học từ tiểu học tới đại học với ông Hòa. Học xong, Thiếp về tỉnh dạy học rồi xây dựng gia đình với cô giáo Thiêm. Sau Mậu Thân, Thiếp đi bộ đội rồi vào chiến trường miền Nam. Mấy năm đằng đẵng, Thiêm chỉ nhận được thư chồng duy nhất một lần. Trong thư anh nói đang ở chiến trường miền XX. Vài năm sau, thằng Trung, con của hai người tròn năm tuổi, cô Thiêm xin phép hai bên bố mẹ gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ chiến trường. Cô hy vọng biết đâu trên các nẻo đường chiến tranh, cô có thể gặp được anh Thiếp. Sau 1975, cả Thiêm và Thiếp đều có giấy báo tử. Bây giờ thằng Trung con anh chị đã là Viện phó một Viện Khoa học gì đó ở Thủ đô Hà Nội. Trung đã nhiều lần vào Nam ra Bắc kiếm tìm mộ cha, mộ mẹ, nhưng vô tăm tích. Ông Hòa đã nhiều lần thấy Trung nghẹn ngào nấc lên, trước di ảnh hai người bạn ông. Nước mắt hai bác cháu mặn đắng ly rượu giỗ.

Câu chuyện xẩy ra với gia đình anh Thu, trong những năm bom đạn ấy còn nặng nề chua xót hơn. Cha anh Thu là ông giáo Vũ. Thày giáo Vũ đã dạy ông Hòa suốt những năm tiểu học, thời kháng Pháp. Trong lòng ông Hòa, thày Vũ luôn luôn là một người đáng kính phục về mọi phương diện. Anh Thu  và em gái anh còn nhỏ đã mồ côi mẹ. Thày Vũ không tục huyền, cặm cụi dạy học, cặm cụi cày cuốc thửa ruộng hương hỏa bé teo của tổ tiên, mới tạm đủ tiền nuôi hai con ăn học. Sau này anh Thu có bằng kỹ sư cầu đường, em gái anh có bằng đại học sư phạm. Cả hai đều được công tác ở tỉnh nhà. Ngày anh Thu được điều động biên chế vào binh chủng công binh, rồi theo đơn vị tiến dần vào chiến trường, thì vợ chồng anh đã có một con trai đang tuổi mẫu giáo. Em gái anh lấy chồng khác huyện. Nhà anh chỉ còn hai ông cháu với người con dâu. Cái ác đã sinh ra từ hoàn cảnh ấy. Khi thày Vũ đau đớn nhận ra con dâu có biểu hiện ngoại tình, đi khuya về muộn một cách bất thường. Thày bóng gió xa xôi khuyên nhủ. Chẳng dè bị hai kẻ gian phu dâm phụ cài bẫy. Một đêm khuya tháng tám mưa dầm rả rích, nghe trong buồng con dâu có tiếng lạch cạch mèo cậy vung niêu cá kho, lại nghe tiếng con dâu:

- Thày vào đuổi con mèo ăn vụng cá hộ con với. Cháu bị cảm sốt nóng quá, con không dậy được.

Đã có bụng cảnh giác, nhưng thày Vũ lú lẫn chẳng thắp lên ngọn đèn. Vừa vào trong cửa, đã bị con dâu túm chặt lấy, cùng lúc miệng ả kêu cứu thất thanh. Ngay lập tức, mấy ánh đèn pin cùng soi vào thân thể ả nọ lõa lồ đang giằng co cùng thày Vũ. Quần thày bị lôi tuột qua đầu gối tự lúc nào. Một biên bản hiện trường nhoáy cái đã được đọc lên như là được thảo sẵn. Tất nhiên thày Vũ nhất quyết phản đối, nhất nhất kêu oan và chị con dâu thì rống rống khai ra đã bị thày sàm sỡ mấy lần. Câu chuyện đểu cáng này ngày ấy bị bơm lên to tát lắm. Bọn chúng qui cho thày Vũ phạm một lúc đủ mọi tội hình thời chiến, kể cả tội loạn luân đốn mạt. Nếu không có con là bộ đội đang ở chiến trường và bản thân thày Vũ không được tiếng mô phạm một đời, thì thày đã phải ra tòa rồi. Lo lắng và uất ức cho cha, con gái thày viết thư giục anh trai về làm cho ra nhẽ trắng đen, minh oan cho bố. Mấy tháng trời chẳng thấy anh về, cũng chẳng có hồi âm, lại thấy cái bụng chị dâu mỗi ngày một to lù lù, em gái anh Thu lên Hà Nội, nhờ ông Hòa về giúp đỡ. Ông Hòa về hôm trước thì hôm sau giấy báo tử anh Thu về tới xã. Trong buổi lễ truy điệu liệt sĩ Thu, người vợ tội lỗi của anh quỳ thụp giữa hội trường lạy vong linh anh, lạy ông Vũ. Cô thú nhận đã bị tay đội trưởng đội sản xuất dụ dỗ, đi đến sa ngã với hắn. Cả việc hãm hại ông Vũ cũng là do hắn bày mưu, ép cô phải làm. Vậy là mọi sự được sáng tỏ, tên đội trưởng kia bị xử mấy năm tù. Thày Vũ được minh oan, nhưng nhà thày tan nát. Người con dâu sau đêm ấy ôm cái bụng lặc lè đi biệt, đến nay chẳng ai biết tăm hơi. Ngôi nhà anh Thu từ đấy thui thủi hai ông cháu. Thày Vũ mất lâu rồi. Đứa con anh nay đã là một cán bộ Đảng nổi tiếng tài năng, liêm khiết, thường xuất hiện trên sóng truyền hình tỉnh.

 

  1. 4.

Ông Hoà hiểu ra cái sự ông được vợ con chăm sóc kỹ càng đến vậy, là do ông vẫn khăng khăng cái xóm Bình Yên là có thật. Để đạt được tâm nguyện sớm thăm lại cái nơi thân thiết ấy, ông nghĩ ra mẹo vờ công nhận bữa ấy mình đã quá lời, ba hoa xích thố, nhăng nhít cho vui chuyện. Quả nhiên hiệu nghiệm. Hai cánh cổng cả tháng trời im ỉm khóa sáng nay được mở tung. Vừa tủm tỉm cười một mình, ông vừa sửa soạn bộ đồ câu, dắt chiếc xe đạp ra sân, trước vẻ mặt tần ngần thương cảm của bà vợ già. Linh cảm có sự chia ly vĩnh viễn, tự dưng trong lòng ông trào dâng một niềm xao xuyến nghẹn ngào. Ông lại gần, vỗ nhẹ lên bờ vai gầy guộc của bà, rưng rưng nói nhỏ:

- Tôi đi câu nghe mình.

Đáp lại, bà nắm chặt tay ông âu yếm:

- Mình nhớ về sớm, kẻo trưa nắng gắt.

Rồi ông quay đầu xe hướng bến sông Tha La, thong thả đạp xe đi.

Chẳng biết tại sao, sáng nay mọi giác quan ông đều mở ra, nhạy cảm khác thường. Nắng không còn là nắng mọi ngày, cứ như tơ óng ánh phủ mềm vạn vật. Chảy dài dưới mỗi vòng xe lăn êm ái, không phải là mặt đường, mà là một dải lụa mịn màng màu hổ phách. Những chiếc xe máy vượt qua ông, ngược chiều ông theo một trật tự không chê được. Cả những khuôn mặt người loáng thoáng ông gặp cũng đều hiển hiện một vẻ vô cùng thân mật, gần gũi đến se lòng. Quang cảnh nhộn nhịp vậy mà không gian thanh sạch êm ru. Ông lắng nghe tiếng chim đua nhau thánh thót. Rồi ông thấy mình đang dạo trong một khu vườn thiên đường, hệt khung cảnh một phim hoạt hình ông từng say mê thời thơ ấu. Mê mải suy tư, mê mải hân hoan vui sướng, đến khi đầu xe chạm vào gốc cây bằng lăng bên bờ sông quen thuộc, ông mới sực tỉnh. Chẳng kịp nhìn mặt sông lăn tăn từng đợt sóng như vảy cá vàng lóng lánh, y như mặt sông hôm giáp Tết. Ông hồi hộp đưa mắt tìm con đường cô giáo Thiêm đã dẫn ông đi bữa ấy. Nhưng ông chỉ thấy một bờ cỏ gai rậm rịt tiêu điều. Thận trọng gỡ từng cành tua tủa gai sắc nhọn, ông tự tin lách mình qua. Trước mắt ông đúng ra phải là cái con đường hai bên đầy hoa trắng mùi hương ngát lên rất lạ. Nhưng lúc này lại là những hàng cây cao su thẳng tắp, kéo dài đến vô cùng. Ông cất lên tiếng gọi  khẩn thiết: Chú Tung  ơi... Thiêm - Thiếp ơi. Đáp lời ông chỉ là những hồi âm xa xăm, trôi vào âm u thăm thẳm. Gặp một nữ công nhân cạo mủ đi tới, ông hỏi đường đến xóm Bình Yên. Đáp:

- Đây là trang trại cao su của ông X.... Cháu làm ở đây đã nhiều năm rồi, chẳng nghe nói có một xóm Bình Yên nào cả.

Thất vọng, nhưng chân ông vẫn men theo bìa rừng thẳng bước. Lại một nữ công nhân nữa xuất hiện trong bộ đồ lao động màu tím sậm, hai con mắt long lanh dưới vành nón tai bèo. Ông giữ lại hỏi thăm xóm Bình Yên. Đáp:

- Có đấy, có một xóm Bình Yên toàn người nói tiếng Bắc như bác ấy, ở sâu tít trong kia kìa.

Vậy là chắc chắn có một xóm Bình Yên, cả tháng nay ông nhung nhớ khôn nguôi. Vậy là có thêm một chút manh mối tin cậy cho ông vững bụng, băng qua mấy cánh rừng cao su, sâu vào những cánh rừng già. Có lúc ông đã chợt thấy con đường đầy hoa trắng thơm ngát, với cái cổng chào kết lá đơn sơ Chào mừng năm mới Nhâm Thìn bữa trước. Nhưng rồi tất cả cứ như ảo ảnh, mất tăm tích trong mầu xanh bát ngát đến vô cùng. Chính ông cũng chẳng hiểu sao, đôi chân già nua luôn đau nhức của mình, lại có thể vượt qua cỏ rậm, cây gai dằng dặc như vậy. Mà từng bước cứ nhẹ nhàng như không, cứ lướt bay bay như trong giấc mơ đôi hài vạn dặm. Dù có xa đến vô cùng vô tận, hai chân có sưng tấy, gai cào tướp máu, ông cũng phải lết đến tận nơi ấy. Ông phải gặp bằng được những người anh em họ hàng thân yêu ông hằng kính trọng, thương nhớ. Ông phải nói tất cả mọi điều sâu sắc và thầm kín, giải tỏa những ẩn ức, những bi kịch của những con người khốn khổ đã ám ảnh ông không dứt…

Trưa hôm ấy, không thấy ông Hoà về nhà, bà Hoà cùng các con hốt hoảng chạy ra bến sông tìm kiếm. Họ trông thấy chiếc xe đạp và bộ đồ câu của ông bỏ lại, cạnh gốc bằng lăng. Họ đến nơi, gốc cây già bỗng trút một cơn mưa cánh hoa tím xuống triền sông, như những lời chào từ biệt. Bạn bè ông cũng đổ xô đi tìm. Thật kỳ lạ, di vật của ông lúc hiện ra trước mắt mọi người, lúc nhòe mờ rồi biến mất. Mọi người đang hoang mang chợt một chị công nhân cạo mủ từ đâu xuất hiện. Hai mắt chị như hai hạt sao đêm. Chị bảo vừa gặp một ông già chân mang ba ta trắng, quần soọc, áo thun trắng tít trong rừng sâu. Ông hỏi thăm đường đến xóm Bình Yên. Đúng là ông Hoà rồi. Cô gái biến mất trong nháy mắt...

Xóm Bình Yên? Liệu có một xóm Bình Yên trên cõi đời này?

Có ai dám bảo là không có?

Đêm qua, người chép truyện này đã gặp ông Hoà. Ông quả quyết có một xóm Bình Yên giữa thế gian này. Thực đấy.


 product2531506759683

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)