bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 27
Trong ngày: 202
Trong tuần: 1480
Lượt truy cập: 642958

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (2)

Cầm Sơn

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (Chương II)

 - Anh Đức! Anh không nhận ra em nữa sao?
Ngồi trên bàn thư ký hội nghị nhìn xuống, Hạnh đã để ý thấy Đức ngay từ đầu buổi họp. Hôm nay là kỳ Đại hội Công nhân viên chức  đầu tiên kể từ ngày sáp nhập các công ty sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến để trở thành Tổng công ty Lô Giang. Giờ giải lao, Hạnh đi thẳng đến gặp Đức, lúc ấy anh đang đứng ở ngoài sảnh hội trường khuấy cốc trà Lipton. Lúng túng một lúc, Đức ngập ngừng
- Hình như chị…
- Là Hồng đây, Hồng của ba mươi  năm về trước đây!
- Ôi Hồng! Đúng là tôi cũng thấy ngờ ngợ, nhưng Hạnh không nói thì chắc tôi không dám nghĩ Hạnh lại là Hồng ngày trước.
- Em biết thế nào cũng được gặp anh ngày hôm nay ở đây.
- Không ngờ lại được gặp nhau trong hoàn cảnh này!
- Bây giờ đã cùng một tổng công ty, thông qua công việc, chúng ta sẽ còn gặp nhau nhiều!
          Ngày ấy! Những ngày thuộc về ba mươi năm trước, họ đã từng có một tình yêu trong sáng theo đúng tinh thần đoàn viên thanh niên Cộng sản thời bấy giờ. Hồng là đội viên của một đại đội thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong có nhiệm vụ mở các tuyến đường phục vụ ngành lâm nghiệp và dân sinh cho các bản làng thuộc một tỉnh miền núi phía Bắc. Còn Đức là một chàng công nhân khai thác gỗ rừng tự nhiên thuộc một lâm trường. Đại đội Thanh niên xung phong thì đa phần là nữ, còn đội khai thác gỗ của lâm trường dĩ nhiên phải toàn là nam giới. Do vậy, khi đại đội Thanh niên xung phong mở đường qua đã làm cho đội khai thác nhộn nhịp hẳn lên. Ăn ở ngăn nắp, gọn gàng. Đi đứng, nói năng nhẹ nhàng lịch thiệp chứ không ào ào hỗn tục như xưa. Học hết lớp mười, bấy giờ phổ thông chỉ có mười năm và khoá của Đức là khoá cuối cùng Nhà nước không tổ chức thi đại học. Việc có được học lên đại học hay không. Trong nước, ngoài nước hay trường nào đều do ban tuyển sinh xét tuyển. Đức thuộc diện lý lịch gia đình không rõ ràng nên không được tuyển chọn đi học. Đã hai lần làm đơn xin nhập ngũ mà lại còn trích máu ngón tay để ký mà cũng chưa được gọi. Cũng không thể buồn mãi được, công việc của tổ khai thác, mái nhà của tổ khai thác ở giữa rừng cùng với những công nhân đàn anh về tuổi tác là niềm vui của Đức…
  Mặt trời vượt qua tán cây táu muối phía cuối bãi gỗ, cái cây to duy nhất mà tổ khai thác để lại làm bóng mát ngồi nghỉ mỗi khi giải lao. Một là tán lá nó xanh tốt, hai là loại gỗ này tuy cứng nhưng hễ ngả xuống hôm trước là hôm sau mọt đến hỏi thăm ngay, chẳng có giá trị gì. Trời trong xanh cao ngăn ngắt, nắng chiếu thẳng xuống đỉnh đầu rọi vào những khúc gỗ đã bóc vỏ mới được kéo từ rừng về nằm thẳng hàng trên đà trơn bóng lấp loáng làm tăng thêm sự nóng bức oi nồng.
Mấy con trâu trên mình còn khoác nguyên thiếu vạy đứng dưới gốc cây táu muối thi nhau thở dốc, mép chúng phè ra cả đụn nước bọt ngàu ngàu.
 Tổ trưởng Cương cùng mấy công nhân khai thác tay cầm quẻ rừu vắt qua vai đi từ lõng gỗ đi ra. Anh nói với mọi người:
- Hôm nay nắng nóng quá, ta nghỉ sớm một chút tránh nắng cho cả người lẫn trâu, kể từ sáng mai đi làm sớm hơn nửa tiếng để nghỉ sớm. Bây giờ mọi người tập trung bắn lại mấy chũa gỗ lên đà cho ngay ngắn, còn chú Đức tháo vạy cho trâu xuống suối đằm sau đó về gọi thằng Liếng ra dong trâu đi ăn.
 Đàn trâu xuống suối lội ngay đến khúc có vũng sâu đằm mình. Đức cầm một nhánh cây nhỏ lội đến cạnh lũ trâu quơ trên mặt nước để xua đuổi đàn ruồi bọ từ mình trâu bay quay vòng trên mặt nước rồi anh vò nắm lá kỳ mạnh lên mình con trâu Vạng - con trâu do anh phụ trách việc kéo gỗ. Con suối giữa rừng vào mùa này nước đầy và trong vắt nhìn thấu tận đáy những hòn đá cuội trắng tinh tròn vo nhỏ nhắn, nơi suối dốc thì nước chẩy lắt léo giữa những tảng đá lớn tạo ra những cung bậc của âm hưởng suối rừng. Hai bên bờ, rừng nguyên sinh giao bóng che kín lòng suối làm cho bầu không khí mát lạnh như có máy chạy điều hòa. Đợi cho cái nóng dịu bớt, anh cởi bộ quần áo bảo hộ ném lên một tảng đá. Đang định ngâm mình xuống dòng nước mát thì bỗng nghe thấy tiếng ai đó thảng thốt ở khúc suối quẹo phía trên.
- Hồng ơi! Kìa Hồng, sao thế, mày sao thế, tỉnh lại đi!!!
 Đức vọt lên bờ, vạch cây bụi chạy tắt qua chỗ khuỷu sang khúc suối có tiếng kêu. Anh sững lại khi thấy ở mép suối hai cô gái không mặc gì trên người. Một cô đang ôm vai bạn vừa gọi vừa lắc còn cô kia mắt nhắm nghiền, hai môi mím chặt, khuôn mặt có dại đi nhưng vẫn phảng phất nét yêu kiều quyến rũ, mái tóc dài buông trôi bềnh bồng trên mặt suối. Hai gò nhũ căng tròn đều đặn trên khuôn ngực có làn da trắng mịn màng mà khi nhìn Đức bất chợt thấy cảm giác mát lạnh lan ra khắp cơ thể. Từ thắt lưng cô gái trở xuống ngập trong làn nước suối trong veo chảy dập dờn mơn trớn trên cặp đùi, chòng chành một vùng xanh đen mờ ảo.
Vốn dĩ xuất thân từ một gia đình có nghề chữa bệnh Đông y gia truyền nên Đức hiểu ngay là cô gái kia bị cảm do gặp lạnh đột ngột, nếu không kịp thời cấp cứu, nạn nhân có thể dẫn đến tử vong. Vượt qua sự ngần ngại, Đức lao  xuống chỗ hai cô gái bế bổng cô bị cảm đưa lên bờ suối và nói như ra lệnh cho cô bạn:
- Lấy ngay đống quần áo khô dải xuống đây hộ tôi!
Cô gái lúc này chỉ còn biết làm răm rắp theo lời chỉ bảo của Đức, cũng chẳng còn kịp nghĩ rằng mình đang ở trần. Đức đặt cô gái có tên là Hồng xuống đám quần áo khô do Mai mới giải ra. Anh phủ nốt số quần áo còn lại lên người Hồng rồi nằm đè lên phía trên ủ ấm cho nạn nhân dùng móng tay bấm mạnh vào phần môi giữa mũi và miệng Hồng, nơi ấy gọi là huyệt Nhân trung. Sau khoảng gần nửa phút thì Hồng tỉnh lại, mồ hôi ào ra chảy thành dòng. Đức biết là phải đợi cho Hồng nôn ra thì mới kết thúc việc cấp cứu. Rất may là anh vừa xoay đầu Hồng nghiêng sang một bên thì Hồng nôn thốc nôn tháo, nôn đến không còn gì nữa mà vẫn cứ ọe. Lúc ấy anh mới đứng lên bảo Mai lau người và khẩn trương mặc quần áo cho Hồng. Và cũng đến lúc ấy cả anh và Mai mới đều thấy lúng túng… Mặc dù đã tỉnh nhưng Hồng  không thể tự đi về. Đức phải cõng Hồng trên lưng đưa hai cô về lán của tiểu đội…
      Tiếng vỗ tay dàn dạt làm Đức bừng tỉnh. Chủ tọa giới thiệu Trương Hoàng – Giám đốc công ty Xuân Lâm lên phát biểu. Với chất giọng đều đều nhỏ nhẹ, Hoàng ca ngợi việc sáp nhập các công ty sản xuất nguyên liệu vào nhà máy chế biến là sự sáng suốt của lãnh đạo tổng công ty. Gắn lợi ích của người làm nguyên liệu với chế biến sẽ tạo cho thế mạnh được nhân đôi, những người làm nguyên liệu chúng tôi rất phấn khởi vì sự kiện này, chắc chắn rồi đây đời sống của người lao động trong các công ty sản xuất nguyên liệu sẽ khá hơn lên. Mỗi lần cám ơn Hoàng lại quay sang bàn chủ tọa , nơi có đồng chí tổng giám đốc ngồi điều hành nở  nụ cười với một thái độ kính trọng… Rồi chủ tọa cũng giới thiệu Đức lên phát biểu. Không thưa bẩm vòng vèo, Đức vào thẳng vấn đề rằng việc sáp nhập các công ty nguyên liệu với nhà máy là cần thiết do sự đổi mới, mà đổi mới là để cải cách lề lối làm việc của một thời kỳ hoạt động theo mô hình kế hoạch tập trung, xóa bỏ lề thói xin cho ban phát, cải cách sự quan liêu, bảo thủ của nó. Còn nó có tốt hơn lên không thì vẫn phải là do con người, đặc biệt là những người đang ngồi tại hội trường này. Việc cho là do sáp nhập vào nhà máy đang làm ăn có hiệu quả, có lãi lớn thì đời sống người lao động ở các công ty sản xuất nguyên liệu sẽ khá hơn thì với tư cách là giám đốc một công ty sản xuất nguyên liệu, Đức phát biểu rằng chúng tôi không trông chờ ở điều ấy. Không thể nói ai cho không ai cái gì. Muốn nâng được đời sống cho người lao động, không thể có cách nào khác là mọi người hãy lao động thực sự. Nếu tất cả mọi thành viên trong công ty và nói rộng hơn là cả xã hội đều có tư tưởng như thế thì ắt của cải xã hội sẽ được sản xuất ra nhiều. Cái đáng buồn trong thời kỳ bao cấp, nếu biết khéo léo, luồn lách, đi đúng luồng đúng lạch để vơ sự ban phát về cho địa phương mình, cho ngành mình, cho công ty mình thì lại được coi là tài, là giỏi. Chính vì thế mà có cả một thời kỳ bùng nổ việc chạy dự án và nâng nó lên thành một nghệ thuật. Kiểu tài giỏi ấy đã là vật cản làm trĩu nặng nền kinh tế, nó chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người. Là một đơn vị cơ sở, tôi chỉ mong rằng chúng tôi sẽ lo cày cuốc cho ra nhiều sản phẩm, còn trên tổng công ty thì lo chèo chống, lo đối nội, đối ngoại để chúng tôi chỉ việc chỉn chu, yên tâm tập trung vào sản xuất…Chả biết ngồi bên dưới được mấy người chăm chú lắng nghe, nhưng xưa nay, hễ cứ có ý kiến phát biểu nào xong cũng đều có tràng vỗ tay. Đức trở về chỗ ngồi cũng trong tràng vỗ tay dàn dạt như Hoàng…
- A lô! Anh Đức à, ngày mai anh còn ở lại thăm vịnh hay về?
- Chào Hạnh! Bọn anh cũng đã có lần thăm Vịnh Hạ Long rồi, mai về thôi!
- Vậy thì tối nay chúng mình gặp nhau một lúc đi! Khoảng bảy giờ, ở quán cà phê cổng khách sạn Vườn Đào nhé!
Đại hội Công nhân viên chức của tổng công ty được bố trí tại Bãi Cháy. Đằng nào cũng phải thuê phòng họp, tổ chức ở đây một công đôi việc, tiện để anh em các công ty ra biển du lịch luôn vì trong vài chục công ty trực thuộc dải khắp nước từ Bắc vào Nam cũng có nhiều người chưa một lần được đến thăm Vịnh Hạ Long. Đúng bảy giờ tối, Đức đến chỗ hẹn thì đã thấy Hạnh ngồi chờ.
- Anh uống gì?
- Đức không có thói quen uống cà phê vào buổi tối.
- Vậy chúng ta đi dạo ngoài bãi biển vậy
- Có lẽ như thế hay hơn!
      Hai người ra bãi biển, họ cứ trầm ngâm đi bên nhau không ai nói với ai điều gì, có lẽ vì bãi biển còn đông người nên chưa phải lúc để tâm tình, họ đi về phía cái cầu tàu, ở trên đó tối hơn và ít người hơn. Chọn một vị trí thuận tiện, Hạnh gọi cô gái dịch vụ bảo lấy hai cái ghế dựa và một cái bàn nhỏ để nước và trái cây rồi quay sang Đức “Ta ngồi lại đây thôi”. Biển sâm sẫm đen, xa xa có mấy con tàu vận tải biển đậu lại trong vịnh lấp loáng, rực rỡ sáng đèn. Gió nhè nhẹ mặn mòi thổi từ phía vịnh làm mặt nước nổi những con sóng lăn tăn vỗ nhẹ chân cầu.
- Cuộc sống gia đình anh Đức bây giờ sao rồi?
- Tôi được hai đứa, một trai một gái. Cháu lớn cũng đang làm việc ở tổng công ty, còn đứa thứ hai, cháu gái thì còn đang là sinh viên chưa ra trường.
- Chị ấy thì sao?
- Bà xã nhà tôi nghỉ hưu mất sức từ năm chín mốt, bây giờ ở nhà vườn tược, chăn nuôi nhì nhằng.
- Thế là anh ổn định quá rồi còn gì!
- Còn Hạnh, bây giờ thế nào?
Hạnh chưa trả lời ngay vào câu hỏi của Đức, ngẩng mặt nhìn trời, sao trời hôm nay chi chít chỗ dầy chỗ mỏng, có những ngôi loé sáng, có những ngôi chỉ bé li ti mờ nhạt, lại có chỗ chỉ thấy một vệt tinh vân hừng sáng trên nền trời đen sẫm…
- Hạnh muốn ngồi với Đức như cái buổi cuối cùng chúng ta gặp nhau, cũng không có trăng và trời đầy sao như đêm nay. Chúng ta còn làm việc với nhau, thời gian sẽ cho chúng ta hiểu về nhau hơn…
  Ngay buổi chiều hôm sau cái hôm Hồng bị cảm. Hai cô gái rủ nhau sang lán tổ khai thác để cám ơn. Như mọi buổi chiều khác, sau bữa cơm chiều, những công nhân lớn tuổi đều tản mát đi hết, họ tranh thủ vào bản hoặc đi đâu đó kiếm thêm chút thu nhập phụ cải thiện cho đời sống gia đình. Chỉ còn mỗi mình Đức ở nhà bập bùng mấy bản nhạc cổ điển nước ngoài. Hồng và Mai đi thẳng vào lán làm cho Đức lúng túng đứng dậy, tay vẫn ôm cây đàn mà chưa biết nói thế nào
- Chào  anh! Anh ở nhà có một mình thôi à. Bọn em hôm nay sang thăm và cám ơn anh!
- Ấy chết, có mỗi mình ở nhà nên cũng chẳng chú ý. Xin lỗi các chị, để tôi đun nước đã nhé!
- Thôi, để đấy em làm cho. Anh cứ chơi đàn đi. Tý nữa em vào hát còn anh thì đệm đàn nhé!
Vốn dĩ Hồng đã là một giọng hát hay của đại đội, nay lại được đệm bằng những gam đàn dưới bàn tay khá điệu nghệ của Đức làm cho lời ca mượt mà, đằm thắm,  hoà quyện và xoắn xuýt bổng trầm. Thế rồi từ đấy, họ trở thành cặp hát nổi trội cho những buổi sinh hoạt văn nghệ của đại đội Thanh niên xung phong. Đức lại còn biết vẽ và chữ viết đẹp nên vẫn thường được ban chỉ huy đại đội nhờ sang mỗi dịp làm báo tường… và tình yêu đã đến với họ. Cả đại đội Thanh niên xung phong, cả bên tổ khai thác gỗ, ai cũng mừng và vun vén cho họ…
   Học xong phổ thông, thấy thanh niên trong làng hừng hực khí thế đua nhau tình nguyện gia nhập Thanh niên xung phong. Hồng cũng làm đơn xung phong tình nguyện. Mẹ Hồng không đồng ý yêu cầu Hồng phải đi thi đại học nhưng ba Hồng thì lại không có ý kiến gì. Ông còn đồng thuận với con gái, ông bảo với mẹ Hồng là cứ để nó đi, hai năm đánh vèo một cái, đổi lại nó sẽ trưởng thành lên nhiều. Thế rồi cứ nghĩ Thanh niên xung phong thì sẽ đi vào tuyến lửa mở đường cho những đoàn xe ra trận phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng dân tộc, khí thế hào hùng như trong các bộ phim, ai ngờ người ta lại đưa lên một tỉnh miền núi phía Bắc mở đường lâm nghiệp. Hình như ba Hồng đã biết trước điều này nên ông mới đồng ý dễ dàng như thế… Hồng đưa Đức về nhà vào một chủ nhật. Hôm ấy ba Hồng cũng có nhà, ông là một sĩ quan Công an cấp hàm trung tá đang làm việc ở Ty Công an. Ông nói với mẹ Hồng và cố ý để cho Đức nghe thấy rằng ông đã kiểm tra lý lịch gia đình Đức, bố Đức đang là Phó bí thư Huyện uỷ Đảng Cộng sản Đông Dương bất ngờ mất tích không rõ lý do. Ông không đồng ý cho Hồng có quan hệ sâu hơn với Đức. Sau lần ấy, cũng vào một đêm không trăng đầy sao như đêm nay, Đức nói với Hồng là chúng ta không có duyên đến được với nhau, thôi thì sau này sẽ mãi mãi là bạn tốt của nhau. Hồng bảo hãy cứ kiên trì, từ từ rồi ba Hồng cũng sẽ phải đồng ý. Nhưng rồi, sau cái đêm ấy Hồng không thể nào gặp được Đức nữa, Đức đã chuyển đi làm ở nơi khác. Hỏi các anh trong tổ khai thác thì được biết Đức đã xung phong cùng những người trong đội đi mở công trường mãi tận Khe Giang. Rồi lại nghe nói Đức đã lên đường nhập ngũ. Hết thời gian xung phong, đương nhiên là Hồng phải dự thi đại học theo ngành nghề do ba Hồng chỉ đạo. Với lý lịch gia đình rất cơ bản cộng với điểm ưu tiên đã qua Thanh niên xung phong, Hồng được đi du học tại một học viện nông lâm thuộc Liên Xô cũ. Ra trường được phân công về Viện Lâm nghiệp. Khi thành lập Tổng công ty Lô Giang thì Hồng được điều sang Viện nghiên cứu cây nguyên liệu của tổng công ty. Tên của Hồng bây giờ là Huỳnh Mỹ Hạnh, ba Hồng là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc nên khi có Hồng thì cứ đặt tên theo ý một cách ngẫu nhiên, sau giải phóng miền Nam về quê mới biết là trùng với tên cụ nội nên phải gọi và đổi thành  Huỳnh Mỹ Hạnh. Suốt thời gian công tác, rất nhiều người có cảm tình và chân thành muốn đến với Hạnh, nhiều người còn có học hàm học vị đàng hoàng nhưng  không hiểu vì lý do gì mà cho đến tận hôm nay, gần năm mươi tuổi, Hạnh vẫn không nhận lời với ai…
 
*
     Chiếc Lancruse màu sữa như bò từng bước trên con đường cấp phối rộng ba mét lổn nhổn những đá, thỉnh thoảng lại rồ lên phun ra đằng sau một đụn khói đen xì. Ngồi trên xe, ngoài lái xe ra còn có ba người. Ghế phía trước là một người chừng năm mươi tuổi, gày gò, mặt mũi xương xẩu, lúc nào cũng đăm đăm dáng vẻ khắc khổ. Đó là trưởng phòng tổ chức Kinh. Ngồi ghế phía sau có hai người. Một người thấp nhỏ, hàm răng vổ gần như chìa ra để lộ mấy cái răng vàng. Hình như lúc nào anh ta cũng tươi cười nói đủ thứ chuyện trên đời nhưng toàn là những chuyện trên trời dưới đất từ thuở các cụ đã đi về với tổ tiên hoặc đã nghỉ hưu mà bây giờ những lớp người trẻ không thể biết, tịnh không đả động gì tới việc làm ăn hiện tại. Đó là Trưởng phòng Tài vụ Lương. Ngồi bên cạnh trưởng phòng tài vụ là Đức- Trần Mạnh Đức. Sau khi nhập ngũ, vào chiến trường được ba năm thì Đức bị thương phải xuất ngũ, quay về cơ quan cũ Đức được cơ quan cho đi học chuyên tu Đại học Tài chính rồi lại quay về làm  Phó phòng Kế toán tài chính Lâm trường Thanh Lâm. Nay được đề bạt làm Trưởng phòng Tài chính kế toán Lâm trường Tứ Lâm. Hôm nay, lãnh đạo Liên hiệp các xí nghiệp Lâm Nông Công nghiệp Hoàng Sơn phân công hai ông trưởng phòng đưa Đức đi nhận nhiệm vụ mới. Xe chạy trong miền rừng xào xạc gió thu, lúc ngửa mặt, lúc chúi đầu giữa gập ghềnh khẳng khiu lác đác vài cây gỗ giơ những cành khô gầy như những cẳng tay chới với gọi trời. Toàn những lau lách, cây bụi và cỏ tranh. Thỉnh thoảng lại gặp đôi ba nóc nhà lợp lá cọ lúp xúp giữa sườn đồi nối với con đường lộ bằng một dải dốc đỏ au nhầy nhụa những đất và phân trâu, lợn.                            
   Lương  hứng khởi kể về cái ngày vào những năm bẩy sáu, bẩy bẩy anh đã từng làm chỉ huy trưởng công trường trồng rừng ở Đèo Cum, cái con đèo mà xe vừa đi qua. Chao ôi là gỗ, nứa ngổn ngang. Tận dụng không hết thì cho mồi lửa, cháy rực trời đen đất. Lúc bấy giờ toàn tỉnh  mở một công trường  với kế hoạch hai ngàn năm trăm héc ta rừng trồng mới do đích thân Trưởng Ty Lâm nghiệp Nguyễn Văn Hậu làm tổng chỉ huy. Sáng kiến này cũng chính là do ông đề xuất. Thực ra thì cũng không hẳn là sáng kiến. Trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ năm có nội dung về nông nghiệp là mở ra các công trường thủ công, từng bước đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ông Hậu vốn dĩ là người nhanh nhậy. Đất rừng trong tỉnh mênh mông bao la thế, lực lượng lao động ở các huyện đồng bằng đang dôi dư, tiền đầu tư cho trồng rừng mới đang có sẵn. Có đất, có lao động, có tiền, hoàn toàn đủ điều kiện mở một công trường thu hút và tạo thu nhập cho hàng ngàn người đang đói kém thiếu việc làm. Thực sự là một công trường  với tầm vóc không nhỏ và đấy chính là từng bước đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa còn gì. Chính vì lẽ đó, ý kiến đề xuất của ông đã được Thường vụ Tỉnh uỷ nhanh chóng phê duyệt. Trong một thời gian ngắn, Phòng Quy hoạch của Ty Lâm nghiệp phải tìm đủ số diện tích theo kế hoạch để triển khai. Ý tưởng của trưởng ty chứ có phải chơi đâu. Trưởng phòng Quy hoạch Lê Tuấn Ba ngồi trên chiếc xe U Oát cùng Phó trưởng ty Trương Nghĩa đi khắp các nẻo đường lâm nghiệp của hai huyện miền núi Thanh Lâm và An Sơn. Thỉnh thoảng lại dừng xe mang tấm bản đồ trải xuống mặt đường khoanh một đường bằng bút chì đỏ. Lê Tuấn Ba khoát tay chỉ các mốc giới cho người cán bộ kỹ thuật lâm trường nhớ để sau này hướng dẫn các tổ công trường khai phá trồng rừng. Ông nói:
-         Cùng một lúc phải tìm cho đủ hai ngàn năm trăm héc ta, nên không thể có hồ sơ thiết kế ngay được. Các cậu cứ cho tiến hành phát cải tạo, đốt dọn rồi sau này sẽ có hồ sơ thiết kế chính thức sau.
 Xem ra thì đấy cũng là một sáng kiến, chả là “trong cái khó mới ló cái khôn” mà.
 Công trường của Lương chỉ huy có ba trăm người được đưa từ huyện lúa Tài Minh lên phối hợp với trên một trăm công nhân của đội 8 Đèo Cum thuộc Lâm trường Thạch Sơn. Dân đồng bằng lên núi làm lóng ngóng nhưng vì nhiều người nên tiến độ vẫn đảm bảo kế hoạch. Sau bốn tháng hoạt động, công trường Lương đã trồng được 350 héc ta rừng, tận dụng được hai trăm ngàn cây nứa, ba trăm mét khối gỗ và một ngàn hai trăm ste củi. Lương bảo người ta có số cả, nhờ cái công trường ấy mà Lương được lãnh đạo ty biết đến, thế là sau đợt công trường, Lương được đi học đại học rồi rút về ty làm trưởng phòng.
   Bây giờ xe chạy qua đây, nhìn sang hai bên đường chẳng thấy có cây rừng nào mà toàn là lau, bụi. Lương bảo: Rừng thì có trồng đàng hoàng thật chứ không giống kiểu gian dối như một vài dự án của cái anh ba hai bẩy hay sáu sáu một bây giờ đâu. Nhưng trồng xong, người công trường rút đi thì chẳng còn ai chăm sóc, bảo vệ nữa. Đội lâm nghiệp sở tại thì người ta có rừng theo kế hoạch trồng hàng năm của người ta. Thế đấy! Đang là rừng nguyên sinh phá đi đốt cháy rực trời lửa đỏ để trồng mới và để rồi ra toàn lau cỏ. Có điều chẳng qua là do ấu trĩ hiểu biết về rừng, chứ thực tâm trong lòng mọi người lúc bấy giờ từ anh lãnh đạo cao nhất, đến người công nhân đều chung lòng, chung sức, hừng hực nhiệt huyết xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bây giờ nhìn lại vẫn còn thấy tiếc cái tình người ngày ấy.
  Hai chú trâu đuổi nhau chạy lồng từ bờ rừng ra, xe phanh gấp. Trưởng phòng Tổ chức Kinh đang ngủ gà ngủ gật bỗng dúi người ra phía trước choàng tỉnh. Ông quay đầu lại hàng ghế phía sau.
- Cậu Đức chuyến này có nhiều quý nhân phù trợ, may mắn lắm đấy. Lý lịch gia đình không rõ ràng nhưng vẫn được đề bạt. Cố mà làm việc cho tốt khỏi phụ lòng những người đã giúp đỡ!
    Tuy cảm thấy gờn gợn, khó chịu về cái lối ban ơn của trưởng phòng tổ chức nhưng Đức cũng vẫn nhẹ nhàng
- Vâng! Cám ơn bác. Em cũng được ăn học đến nơi đến chốn, chẳng nhẽ lại không biết thế nào là trên dưới, trước sau!...
 Thoắt cái, thế mà đã gần hai mươi năm, trải qua bao lần sắp xếp, chuyển đổi từ Liên hiệp các xí nghiệp Lâm Nông Công nghiệp về Sở Nông Lâm nghiệp rồi lại về Tổng công ty Lô Giang, chuyển tên từ lâm trường sang công ty nhưng xem ra rốt cuộc thực chất lâm trường vẫn cứ là lâm trường. Vẫn là một đơn vị sản xuất theo kế hoạch, thanh toán vốn theo kế hoạch và giao nộp sản phẩm cũng theo kế hoạch do cấp trên là tổng công ty chỉ đạo. Anh giám đốc nào cũng đều nói hay, nói đẹp. Bản thân Công ty Tứ Lâm mà Đức được đề bạt làm giám đốc thay người tiền nhiệm về làm Phó giám đốc Sở từ trên chục năm nay cũng được đánh giá vào tốp các công ty dẫn đầu của tổng công ty. Vậy mà Đức vẫn thấy nó chứa chất những điều bất ổn. Không phải nó đứng trên đôi chân của nó, nó tồn tại và phát triển được như hiện nay vẫn là phải nhờ đến những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Có điều chẳng anh nào dại gì mà lại nói ra điều ấy…
  Và rồi Hạnh lại là người lên tiếng trước
- Bài phát biểu lúc sáng của anh có thể sẽ động chạm đấy.
- Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải nói thật những suy nghĩ, những nhận định của mình. Có thế mới thực sự là đổi mới. Lâu nay chúng ta quen nói dối và tự dối cả chính mình. Tôi đã quá mệt mỏi vì cứ phải đóng kịch mãi rồi.
- Được biết công ty anh là một trong những công ty được đánh giá là vững mạnh thuộc tốp đi đầu của ngành, vừa được tặng thưởng Huân chương Lao động, được bình chọn là doanh nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Thế tất cả những thành tích ấy đều do nói dối sao?
- Không hẳn  thế. Không ai giấu được cái nghèo, nếu anh yếu kém mà chỉ khéo nói dối thì vẫn cứ lòi đuôi ra. Nhưng nếu anh thực sự tâm huyết xây dựng mà không theo ý của cá nhân một ai đó cấp trên thì chắc gì đã được khoẻ? Hạnh có nghe người ta truyền miệng câu nói này không:“Chú khoẻ anh mừng, nhưng ai cho chú khoẻ? ”
- Con người anh khác hẳn thời xưa rồi.
- Cuộc sống đã dạy tôi cần thực tế hơn.
- Anh còn chơi đàn nữa không, nghe nói anh làm thơ hay lắm mà.
- Đàn thì không nhưng thơ thì túc tắc vẫn thích. Cũng chính vì thế mà nó làm khổ tôi. “Lập thân tối hạ kỵ văn chương ”, cái anh chàng giám đốc kinh doanh mà lại yêu thơ, làm thơ thì thật là tai hại. Có lúc tôi cũng tự giễu mình “Giám đốc mà cứ làm thơ, thì làm kinh tế lơ mơ cả ngày”. Nhưng yêu thơ có tội gì đâu, nó chỉ làm cho người ta sống đẹp hơn lên thôi.
    Và đề tài câu chuyện của họ đã chuyển sang thơ phú, văn chương. Người đọc thơ đã hay, người bình thơ còn hay hơn. Trăng đã nhú lên trên dãy đảo đá, mặt biển hừng lên, lăn tăn, lóng lánh…
 
 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)