bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 27
Trong ngày: 240
Trong tuần: 723
Lượt truy cập: 613000

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (5)

Cầm Sơn


XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (Chương 5)


V
- A lô! Diệp à, có việc gì đấy?
- Dạ thưa chị! Hôm nay sinh nhật chị, vợ chồng em sang nhà chúc mừng chị. Em đang đứng trước cổng nhà chị, giờ  chị đang ở đâu đấy?
Thế thì đến luôn đây đi, nhà hàng Quán Mưa ấy nhé!
Nhà hàng Quán Mưa đúng là lúc nào cũng mưa. Nhà hàng tọa lạc trên một mảnh đất rộng, những căn nhà sau khi đổ bê tông người ta cho lợp lá cọ lên trên trông như những ngôi nhà sàn của đồng bào miền núi, rồi người ta cho bơm nước lên mái nhà, ngồi trong nhà có cảm giác như trời đang mưa. Hôm nay là sinh nhật Quyên vợ Chu Tài, cả gia đình cùng mấy chú em Chu Tài và em Quyên theo đề nghị của hai cháu kéo nhau ra nhà hàng chúc mừng sinh nhật Quyên.
- Chào anh chị và cả nhà!
- Cô chú vào đi
- Dạ thưa anh chị và cả nhà, chúng em sang nhà  thấy khóa cửa, lại biết cả nhà đang ở đây nên mang hoa đến chúc mừng nhân ngày sinh nhật chị.
Diệp tươi cười ôm bó hoa có gài cái phong bì bên trong lớp giấy bóng gói trao cho Quyên .
- Cô chú tân tiến quá, trừ đám thanh niên với trẻ con ra, bây giờ người lớn đã có ai tổ chức mừng sinh nhật. Hôm nay là do các cháu nó  yêu cầu nên mới kéo nhau ra đây, chỉ gọi mấy chú em trong nhà thôi chứ có tổ chức sinh nhật sinh nhiếc gì đâu. Thôi mời cô chú ngồi!
Sau những lời mời chào, bắt tay và ổn định chỗ ngồi . Chu Tài quay sang Hoàng.
- Dạo này bận việc quá hay sao mà lâu không thấy có mặt ở Tổng công ty.
- Dạ thưa anh thì cũng có bận thật. Nhưng cơ bản là sợ anh giận nên ngại chưa dám đến gặp anh.
- Cái chuyện đi miền Nam chứ gì, chú không đi thì có người khác đi, Tổng công ty thiếu gì người, Có gì mà phải giận.
- Dạ anh nói thế thì em xin cám ơn, chứ thực tình em cũng ái ngại quá.
- Tôi thì không sao nhưng nhiều người cho là chú giả ốm để trốn tránh  đấy. Không đi trả lời ngay từ đầu thì không sao, đằng này đã đi khảo sát cả nửa tháng về mới kêu ốm. Thôi,  không nhắc đến cái chuyện ấy nữa. Nào, nâng cốc lên!
     Ừ, thực ra thì cũng có gì quan trọng lắm đâu, ông ấy cũng đâu có quan tâm gì nhiều đến việc này. Việc là việc chung, tình là tình riêng, lại là hàng xóm lân bàng đâu có gì mà phải ngại. Tốt nhất là mọi việc cứ nói thẳng, nói thật cho nó rõ ràng. Thời buổi kinh tế thị trường, anh nào làm kinh doanh mà chẳng tìm kiếm lợi nhuận. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, khi anh được ngồi vào cái ghế giám đốc đâu có phải là lộc của cha ông nhà anh mà lúc ấy anh là người của Nhà nước, mà  Nhà nước gần nhất chính là  người xếp đặt anh vào cái ghế ấy. Do đó khi kiếm được tiền thì phải lo mà nộp lên để nuôi người trên chứ. Chuyện ấy đơn giản như cơm ăn nước uống thường ngày có gì mà phải lăn tăn, ngần ngại.
          - Này, vợ chồng chú mày đến chúc mừng bà chị mà sao lại trầm ngâm thế!
Thế là bắt đầu từ đấy, cuộc vui càng vui, càng đậm đà ấm cúng.
 Sáng hôm sau, như đã có hẹn trước, Hoàng đến Tổng công ty đi thẳng lên phòng Tổng Giám đốc. Những việc cần trao đổi kín thường là phải diễn ra càng nhanh càng tốt bởi bây giờ ai làm sếp mà chả bận rộn, trong ngày có biết bao thông tin cần xử lý, biết bao nhiêu người cần gặp, vì việc chung có, vì việc riêng cũng có. Nghĩ vậy nên không cần chờ Chu Tài mời sang bàn uống nước, Hoàng vào nội dung công việc ngay
- Dạ thưa anh, từ công tác khai thác và tiêu thụ hàng về nhà máy, do sự chênh lệch trong quy đổi giữa cầu cân nhà máy đo bằng tấn và thiết kế khai thác ở các công ty bằng  mét khối.  Dưới công ty chúng em có phát sinh ra một khoản tiền dùng để phân phối cho anh em quản lý và lãnh đạo cấp trên. Đây là phần của anh thuộc kết quả quý vừa rồi. Chúng em xin gửi anh.
Hoàng lấy một phong bì dày từ cặp đặt lên bàn làm việc của Chu Tài.
- Dạ, đây là ba trăm triệu đồng. Từ nay cứ mỗi quý chúng em sẽ phân phối một lần, số tiền nhiều, ít là do kết quả hoạt động sản xuất tiêu thụ của quý. Công việc hôm nay xin gặp anh chỉ có vậy. Bây giờ em xin phép để sếp còn làm việc.
- Cám ơn chú mày!
Chu Tài đứng dậy bắt tay, một tay để trên vai Hoàng rất thân mật, vừa tiễn Hoàng ra cửa ông vừa dặn:
- Từ nay hễ lúc nào cần gặp  thì cứ gọi số máy di động riêng của tớ, không cần phải đăng ký với Văn phòng làm gì.
Hoàng đi rồi, Chu Tài quay lại bàn lấy cái phong bì, mở khóa tủ bỏ vào rồi quay ra bàn ấn nút gọi văn phòng. Ngay lập tức một cô gái mở cửa bước vào phòng
- Dạ, thưa bác cần truyền đạt gì ạ!
- Cho mời ông Hùng phó tổng và trưởng phòng Lâm sinh lên phòng tôi hội ý!
Cô gái quay ra được một lát thì Ngô Hùng và Định trưởng phòng Lâm sinh bước vào.
- Mời các ông ngồi, tôi có chút việc cần trao đổi.
Trong khi Ngô Hùng và Định khuấy cốc trà Lipton do tạp vụ mang đến thì Chu Tài lật đống giấy tờ tìm công văn rồi quay ra bàn nước đưa tờ công văn cho Ngô Hùng:
- Có một công văn yêu cầu Tổng công ty tổ chức cho đại diện năm Bộ đi khảo sát thực tế về tình hình sản xuất và sử dụng đất Lâm nghiệp của Tổng công ty. Văn phòng chuyển lên chỗ tôi, không muốn chuyển qua Văn phòng nữa, tôi mời hai ông lên hội ý và gửi  thẳng các ông, đề nghị các ông lo hoàn tất cho vụ này. Vừa rồi trong đề án sắp xếp lại Lâm Nông trường Quốc doanh có nhiều ý kiến xung quanh việc sử dụng đất nông, lâm nghiệp, ý kiến của các Bộ cũng chưa thống nhất nên họ yêu cầu đi khảo sát và làm việc với từng công ty Lâm nghiệp. Về phía Tổng công ty, quan điểm là phải giữ đất thậm chí còn phải yêu cầu Nhà nước các địa phương cấp thêm đất để chuẩn bị trồng rừng nguyên liệu cho giai đoạn hai của dự án mở rộng nhà máy. Các ông có trách nhiệm hướng dẫn đoàn tiếp xúc với giám đốc các công ty và quán triệt chủ trương này của Tổng công ty. Một việc nữa là cách xử lý ý kiến của cậu Đức công ty Tứ Lâm trong buổi họp giao ban quý trước về việc đề nghị Tổng công ty có văn bản chính thức hướng dẫn cách quy đổi sản phẩm từ đơn vị trọng lượng sang đơn vị khối lượng các ông đã cho tiến hành khảo sát chưa?
Ngô Hùng quay sang Định
      -    Ý kiến của cậu thế nào?
- Báo cáo hai anh là về quản lý đất rừng thì ngay trong các công ty Lâm nghiệp thuộc Tổng công ty đã có những ý kiến trái ngược. Có ý kiến cho rằng trên sổ sách hiện nay các công ty Lâm nghiệp quản lý quá nhiều đất nhưng thực tế thì lại không phải thế. Có nhiều công ty đến hai phần ba diện tích đất bị dân lấn chiếm, hiện  có những nơi đã là nhà cửa, vườn nương của dân không thể nào thu lại được. do bản đồ cấp đất của các tỉnh cho các công ty Lâm nghiệp căn cứ vào bản đồ quy hoạch từ những năm xa xưa nên đến nay không còn giá trị thực tế nữa. Mặt khác, căn cứ năng lực trồng rừng những năm gần đây thì nhiều công ty đề nghị  cắt trả lại địa phương để khỏi mang tiếng là quản lý nhiều đất và để tránh những tranh chấp về đất giữa các công ty Lâm nghiệp với dân hiện rất nóng bỏng và bức xúc ở khắp mọi địa phương có rừng.
- Tôi đã nói quan điểm của Tổng công ty là phải giữ được đất. Dự án giai đoạn hai mở rộng nhà máy, lắp đặt thêm dây truyền sản xuất nâng công suất lên gấp bốn, năm lần sẽ cần có hàng triệu mét khối gỗ nguyên liệu một năm. Nếu Tổng công ty không có đất, liệu Chính phủ có phê duyệt dự án hay không? Trồng được rừng hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là tiền vốn. Các anh cũng biết là bên Ngân Hàng Phát triển họ cho vay rất nhỏ giọt. Trước mắt hãy biết trồng thế thôi đã. Nhưng đất thì vẫn cứ phải giữ thì mới có cơ sở cho việc xây dựng dự án mở rộng nhà máy giai đoạn hai chứ. Vậy thôi, việc này không cần phải trao đổi dài dòng gì nữa. Còn việc khảo sát quy đổi giữa mét khối sang tấn của nguyên liệu vào nhà máy ý kiến của các ông thế nào?
- Ngày trước khi mới chuyển cách thức nhận hàng sang cầu cân thì hình như nhà máy đã có văn bản hướng dẫn quy đổi rồi, nhưng lúc ấy chưa sáp nhập các công ty Lâm nghiệp vào nhà máy nên các công ty Lâm nghiệp không có văn bản ấy, Phòng Lâm sinh hiện nay triển khai quyết toán cuối năm với các công ty về khai thác rừng vẫn áp dụng tỷ lệ quy đổi một một, nghĩa là cứ một tấn hàng thì được tính là một mét khối.
- Việc chuyển sang thể thức giao nhận hàng bằng trọng lượng là do chính tôi chỉ đạo thực hiện chứ ai.
- Nếu thế thì anh biết rõ cái văn bản hướng dẫn quy đổi ấy chứ?
- Ngày ấy đã giao cho phòng Nguyên liệu làm và đã thực hiện thành nền nếp rồi.
  -  Có điều trong thực tế thì tỷ lệ quy đổi này chưa phù hợp. Vì gỗ vào cầu cân có  nhiều  loại tỷ trọng khác nhau. Tỷ trọng gỗ to khác với gỗ nhỏ, gỗ già khác với gỗ
non, gỗ tươi khác với gỗ khô rất phức tạp, việc quy đổi bình quân quả thực là khó  định. Theo khảo sát sơ bộ, những cây gỗ già tuổi có đường kính trên hai mươi phân nếu  đẵn xong chở ngay về nhà máy thì tỷ trọng có thể lên tới 1,4 còn loại gỗ để khô trong  rừng  mới chở về thì tỷ trọng chỉ được trên dưới 0,8. Giả sử có cho khảo sát họ lại đối phó chở toàn gỗ khô, gỗ nhỏ về thì kết quả cũng không chính xác được.
        -   Thôi thế này nhé, tôi cứ ký quyết định thành lập tổ khảo sát. Còn việc có cần khảo sát lại  hay   không thì là do các ông.
   Ngô Hùng và Định đi ra  rồi, Chu Tài quay về bàn làm việc ngả người trên tấm ghế vươn vai thư giãn. Ông nghĩ cái thằng cha Đức ở công ty Tứ Lâm này cũng lắm chuyện, tưởng cấp trên không biết hay sao, người ta đã để cho một cửa mà làm ăn lại còn đề nghị khảo sát lại. Thực ra muốn khảo sát cho nó đến điểm cận chính xác cũng không khó nhưng như thế thì còn hương vị gì nữa. Kỳ này dẫu có ký quyết định thành lập tổ khảo sát thì chắc gì cánh Ngô Hùng đã làm. Thằng cha Đức cũng là người dầy dặn trong công tác quản lý, nó cần phải có tờ quyết định hướng dẫn để làm cái gậy chống, nó thực hiện quyết toán quy đổi như thế dẫu sai đúng là do lỗi cấp trên quy định. Từ ngày Chính phủ cho sáp nhập các Lâm trường vào nhà máy rồi đổi tên thành công ty Lâm nghiệp, Ngô Hùng đành về làm cấp phó nhưng xem ra hắn ta vẫn nắm được cấp dưới. Mới đây không có vụ đi khảo sát công ty nguyên liệu Miền Nam thì chắc gì thằng Hoàng đã chịu phục thiện về với cửa giám đốc. Thôi được, cứ để  từ từ rồi xem cánh Ngô Hùng làm ăn ra sao. Lại còn cái vụ đất đai của mấy  công ty Lâm nghiệp này nữa. Mấy ông tỉnh, mấy ông Bộ cứ đòi cắt bớt đất trả cho địa phương để giao cho dân. Hừ! không có đất để giải trình có vùng nguyên liệu chủ động phía sau làm nền thì cái dự án mở rộng nhà máy giai đoạn hai làm sao có lý để giải trình trước hội đồng thẩm định dự án. Chỉ cần giữ lại sau khi dự án được phê duyệt rồi thì muốn cắt bao nhiêu đất cũng chả sao. Tiền đâu mà đổ vào rừng nhiều thế…Đang lan man suy nghĩ thì có chuông gọi. Chu Tài với tay lấy điện thoại hỏi:
- Hoàn à, có việc gì đấy!…..ai…Hiến xây dựng cơ bản à, ừ bảo cậu ấy lên ngay đi!
Sau tiếng gõ, Hiến đẩy cửa bước vào phòng. Vốn dĩ Hiến là họ hàng bà con bên vợ Chu Tài. Học xong Đại học xây dựng được phân công về nhà máy, cọc cạch mãi làm được đến cái chức phó quản đốc dưới phân xưởng. Từ ngày  lên thay Tổng giám đốc cũ về nghỉ hưu, Chu Tài mới đưa Hiến lên chức trưởng phòng Xây dựng cơ bản theo tinh thần luân chuyển cán bộ cho trưởng phòng cũ xuống cơ sở.
- Báo cáo anh em có trao đổi với bên phòng Kế hoạch họ nói là trong kế hoạch 45 tỷ  vốn từ quỹ xí nghiệp cho xây dựng công trình phúc lợi có thể phải để dành lại ít nhất 15 tỷ đồng  cho phát triển trồng rừng nguyên liệu.
- Đấy là lý thuyết, vốn trồng rừng nguyên liệu đã có khoản vay ưu đãi từ bên Ngân Hàng Phát triển. Mặt khác nếu thiếu thì Chính phủ cho phép trích đến 5% từ giá thành rồi. Cần gì phải sử dụng đến Quỹ xí nghiệp.
- Nhưng bên Kế hoạch họ nói hiện nay giá thành chế biến của Tổng công ty ta đã cao trên mức bình quân cả nước nên không thể trích cho trồng rừng nguyên liệu được nữa.
- Vốn cho trồng rừng nguyên liệu khác có người lo. Ông Ngô Hùng phụ trách thành thạo về Lâm nghiệp ông ấy sẽ có cách. Còn phòng cậu cứ cho thuê thiết kế theo như kế hoạch đầu năm.
- Vâng, em vẫn cho triển khai bình thường. Phần thiết kế đã hoàn tất cho ba công trình vũ trường, bể bơi và sân tennit. Tổng vốn chi phí cho ba công trình này hết bốn mươi tỷ. Còn năm tỷ dự kiến cho công trình hồ nước sinh thái.
- Gì mà hết lắm tiền thế
- Theo yêu cầu sếp bảo phải làm cho nó hoành tráng thì tiền phải tốn. Mới lại các hạng mục công trình thiết kế đều theo đơn giá của địa phương tỉnh  quy định. Cái này thì sếp cứ yên tâm, bên thiết kế họ không thể làm sai được. Còn đơn vị thi công anh định cho ai thì thông báo cho họ làm thủ tục dự thầu. Em đã làm sẵn giấy mời thầu đây anh ký để đưa cho họ gửi luôn.
- Không làm tắt thế được. Sẽ giao cho công ty thằng Thanh Lê làm vũ trường và bể bơi còn thằng Trường Minh thì làm sân tennit. Chú liên hệ với chúng nó xem nó nhờ công ty nào làm quân xanh rồi gửi thư chào thầu thông qua Văn phòng Tổng công ty.
- Dạ vâng! Như thế thì chặt chẽ quá!
- Không chặt chẽ sao được, Xây dựng cơ bản là lĩnh vực mà người ta… nhất là cánh thanh tra hay nhòm ngó lắm. Cậu phụ trách việc này cần  phải thận trọng. Quy trình đấu thầu, mở thầu phải làm hết sức kín kẽ, công khai bình đẳng và minh bạch. Cần thì hôm mở thầu mời cả đám báo chí đến tặng cho họ cái phong bì, chả đáng bao nhiêu mà lại còn được tiếng. Không được để sơ hở chỗ nào đâu đấy.
    Hiến chào  xin phép ra về nhưng Chu Tài bảo Hiến ngồi lại . Ông nhấc máy điện thoại bàn  gọi trưởng phòng kế hoạch của Tổng công ty là Nguyễn Đức Tùng và chủ tịch Công đoàn Quản Văn Hội  lên phòng hội ý. Sau khi  hai người có mặt. Chu Tài  quay lại phía Tùng nói:
- Tôi mời mọi người đến đây để trao đổi cho nhất quán một tiếng nói về các hạng mục công trình xây dựng cơ bản năm nay thuộc nguồn vốn quỹ xí nghiệp. Theo như kế hoạch đầu năm đã thông qua tại Đại hội CNVC thì năm nay ta sẽ dành bốn mươi năm tỷ đồng trích từ quỹ xí nghiệp để xây dựng vũ trường, bể bơi, sân quần vợt và hồ nước sinh thái. Vừa rồi anh Hiến nói bên phòng kế hoạch bảo rút bớt 15 tỷ là nghĩa làm sao.
Trưởng phòng kế hoạch  Đức Tùng trình bày:
- Báo cáo anh không phải phòng kế hoạch bảo thế mà việc này là có nguyên nhân  từ cuộc họp  với sự có mặt của các  bên công ty tư vấn Hương Việt đang giúp Tổng công ty xây dựng đề án sắp xếp lại các Lâm trường Quốc doanh, chuyên viên của Bộ Kế hoạch Đầu tư, chuyên viên của Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ. Khi được chất vấn nếu Ngân Hàng Đầu tư Phát triển không cho vay thì sử dụng vốn từ đâu, sếp đã cho ý kiến là đã được Chính phủ cho phép trích từ giá thành và trước mắt sẽ sử dụng 15 tỷ từ quỹ xí nghiệp để bố trí chuyển sang vốn trồng rừng nguyên liệu, đảm bảo ổn định nguyên liệu đầu vào. Báo cáo anh biên bản làm việc chính tay em ghi có đủ chữ ký các bên vẫn còn đây ạ.
- Thì lúc ấy phải nói thế để khẳng định rằng mình có vùng nguyên liệu chắc chắn  làm cở sở cho  dự án mở rộng nhà máy giai đoạn hai chứ. Còn trồng rừng thì các công ty Lâm nghiệp vẫn cứ trồng đấy chứ sao. Thiếu vốn thì rồi khác chạy được. Xưa nay có bao giờ được vay vốn kịp thời từ Ngân Hàng phát triển đâu. Có được Ngân Hàng phát triển cho vay hay không chính là việc của phòng Kế hoạch các cậu. Còn việc xây dựng các hạng mục công trình phúc lợi  thuộc quỹ xí nghiệp thì không dừng lại được – nói đến đây Chu Tài nhìn sang phía Quản Văn Hội  cười và như nói vui -  Đã thông qua Đại Hội CNVC rồi, dừng lại không làm thì đồng chí chủ tịch Công đoàn đang ngồi đây đồng chí ấy để yên cho à! Việc chăm lo đến đời sống cho cán bộ công nhân viên không thể lơ là được.
- Ấy là tại anh Hiến sang hỏi về việc bố trí nguồn vốn cho các hạng mục công trình xây dựng cơ bản  thì em cũng trao đổi lại tinh thần sếp phát biểu tại cuộc họp thế, chứ đến giờ cũng chưa có văn bản chính thức về bố trí phân bổ vốn cho năm nay.
- Cậu về chuẩn bị ngay đi, cuộc họp Hội đồng Quản trị Tổng công ty tuần sau tôi sẽ giải trình để Hội đồng phê duyệt. Riêng nguồn vốn thuộc quỹ xí nghiệp thì chủ yếu là do tôi và  anh Hội đây thống nhất là được. Việc trình Hội đồng Quản trị chẳng qua chỉ là hình thức.  Anh Hội có ý kiến thêm gì không?
- Dạ không! Đối với Công đoàn cứ có thêm công trình phúc lợi công cộng thì tốt quá rồi, còn có ý kiến gì nữa ạ!
- Thôi được rồi, cứ thế mà làm nhé!
Ra khỏi cửa phòng Tổng giám đốc, vốn dĩ là bạn đồng môn cùng học Đại học Kinh tế Quốc dân, cùng về công tác một nơi nên Đức Tùng và Quản Văn Hội khá gần gũi. Trên đường về phòng làm việc, Tùng nói với  Hội:
- Cán bộ công nhân viên Tổng công ty có trên hai ngàn người. Đến ngay như tôi với anh cũng còn chẳng biết cái Vũ trường nó múa nhảy thế nào, quả bóng quần vợt nó làm bằng chất liệu gì huống hồ là công nhân. Cứ nói là chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên, liệu rồi đây trong số cán bộ công nhân viên của Tổng công ty được mấy người lai vãng đến cái sân quần vợt với cái Vũ trường ấy?
- Cũng là cán bộ công nhân viên nhưng là loại đại gia, mà chủ yếu là để giao tiếp với các đại gia bên ngoài nữa chứ.
- Anh làm chủ tịch Công đoàn, đại diện cho người lao động thế à. Trường mầm non, sân vận động, nhà văn hóa… bao nhiêu thứ thiết thực phục vụ cho đời sống người lao động thì chẳng thấy quan tâm chỉ lo cho mấy ông cán bộ quý tộc.
- Cậu cứ thử ngồi vào cái ghế của tớ mà xem. Đang làm Tổng kho trưởng thì  luân chuyển cán bộ bị kéo vào cái ghế này. Tiếng là lên chức nhưng tớ đâu cũng có thích thú gì. Bổn phận của tớ bây giờ như người ta thường nói là “ ăn theo, nói leo, vỗ tay dẻo”. Cứ thử ra cái giọng như cậu vừa nói là đại diện cho người lao động xem. Lại luân chuyển cán bộ, có khi còn bị tống vào mãi tận miền Nam. Hay là Đại hội Công đoàn sắp tới để tớ báo cáo Đảng ủy cho cậu thay tớ.
- Anh chỉ được cái khéo bao biện, ghế chủ tịch Công đoàn của anh đâu có dễ thế được.
Mọi người đi rồi, Chu Tài lấy điện thoại di động gọi cho Thanh Lê thông báo mấy cái hạng mục công trình giao cho Thanh Lê và Trường Minh thi công đã được thống nhất thông qua, Chu Tài yêu cầu họ gặp Hiến trao đổi cụ thể vể các thủ tục chuẩn bị cho công tác đấu thầu công trình. Thanh Lê mừng rơn, cám ơn rối rít. Ngay đêm hôm ấy, hắn đến nhà Chu Tài:
- Dạ thưa anh cả, nhà em thật có phúc gặp được anh, lại được anh quan tâm đến miếng cơm manh áo cho cả nhà. Kỳ này anh cho cái vũ trường và cái bể bơi, em xin đưa tạm anh mười phần trăm giá trị công trình, em cũng còn phải lo cho các phòng ban có liên quan nữa. Khi nào hoàn thành, thanh quyết toán xong công trình em sẽ lại đến cám ơn anh.
Thanh Lê  lấy từ trong cặp ra một bọc gói giấy nói:
- Em đã quy đổi theo tỷ giá Ngân Hàng ngày hôm nay và gửi anh bằng Bảng Anh cho gọn.
-  Thẳng thắn, dứt điểm như chú mày thì cửa nào mà chả qua, chả trách mấy năm vừa rồi chú mày cứ phất lên như diều
- Dạ em có mang theo một chai nghiệp vụ Chivac ba mươi năm với vài đồ nhắm làm sẵn, hay là anh gọi thêm cả anh Hiến đến để cùng mừng cho thằng em
- Cũng được, thế thì chú cũng gọi luôn thằng Trường Minh đến cho vui. Tuy hai chú không liên quan gì đến nhau nhưng cùng làm ở chỗ anh lại cùng một thời điểm thì cũng nên thân mật, đoàn kết với nhau.
- Vâng, em sẽ gọi cho nó tự hành đến, bây giờ em cho xe đi đón anh Hiến.
   Thế là đêm hôm ấy, trong phòng ăn nhà Chu Tài, bốn anh em chí cốt chén tạc chén thù, cứ mỗi một chén là lại có một lời của người nọ khen ngợi, tán tụng người kia lấy lý do để chạm chén. Rượu vào lâng lâng, nghe người khác tán dương, ai cũng tự thấy mình như thần tượng, như là  một điểm chói sáng, điển hình tiêu biểu về làm ăn  trong thời kỳ hội nhập, đổi mới đất nước. Hết chai Chivac Thanh Lê đem đến còn uống thêm sang cả chai Mactin lấy từ tủ rượu nhà Chu Tài cho mãi đến tận khuya.

                                                                                       C.S

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)