bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 3
Trong tuần: 566
Lượt truy cập: 612416

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (6)

Cầm Sơn


XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (Chương 6)

  Trời vẫn cứ sập sùi, mới hoe nắng lên được vài ngày chưa kịp khô đường thì lại nối vào trận mưa khác. Đường Lâm nghiệp chạy trong rừng cứ động mưa một tý là nhão nhoét, bùn đất trơn như đổ mỡ mà lại quanh co lắm cua nhiều dốc. Các tay lái  già dơ cự phách cũng không dám đánh xe vào rừng, lớ ngớ vào được mà không ra được thì có mà nằm lại trông xe hàng tháng trong rừng, còn rủi hơn có khi trôi cả xe xuống vực.  Gần như năm nào cũng vậy, hễ cứ đến mùa mưa quý ba là tiến độ khai thác vận chuyển gỗ của các công ty Lâm nghiệp đều sụt giảm. Các công ty Lâm nghiệp đã khốn đốn vì đầu tư cho trồng rừng chậm được Ngân Hàng cho vay vốn nay lại không vận chuyển được gỗ về nhà máy thì coi như “treo niêu”. Kêu lên Tổng công ty thì được trả lời là Tổng công ty còn khó khăn hơn, phải tự thân vận động chứ cứ ngồi đấy mà kêu cấp trên quen theo kiểu từ thời bao cấp thì lỗi mốt rồi. Đi vay Ngân Hàng thì anh nào cũng đều quá hạn mức vì đã phải lấy vốn tín dụng ngắn hạn sử dụng cho mục đích đầu tư dài hạn và cũng đã từng phải làm động thái đáo hạn nhiều lần. Không phá bung ra thì sẽ còn khổ, mà bung ra không cẩn thận dẵm phải vết xe ông Vệ cũng chết. Tuy khó khăn vậy nhưng cái ghế giám đốc công ty Lâm nghiệp cũng còn khối thằng ngoài Tổng công ty nhòm ngó. Nhưng kiểu gì thì kiều cũng phải có tiền để chi tiêu. Muốn thoát ra được dẫu bằng cách gì mà có gắn lợi ích của sếp vào thì chắc chắn sẽ giải quyết nhanh. Nghĩ vậy, Hoàng cho gọi trưởng phòng Kỹ thuật yêu cầu thống kê ngay tất cả những diện tích rừng sắp đến tuổi khai thác ở gần đường lộ rồi đem lên Tổng công ty gặp trực tiếp Chu Tài trình bày  những khó khăn của mùa mưa, đề nghị cho khai thác trước tuổi một loạt lô rừng ở gần đường lộ để đảm bảo kế hoạch hàng vào nhà máy và  Hoàng cũng không quên đưa cho Chu Tài gói lợi ích phần của sếp trong quý hai. Tất nhiên Chu Tài hiểu ngay là nếu không có cách khắc phục thì cái gói này của quý ba sẽ nhỏ nhẹ hơn. Dẫu sao thì cũng phải chất vấn đôi điều. Chu Tài không nhìn vào Hoàng, ông vén tấm rèm cửa sổ ngó ra ngoài buông một câu hỏi vào khoảng không:
- Liệu khai thác trước tuổi như thế thì sản lượng có bị ảnh hưởng gì không?
- Dạ! tất nhiên là sẽ có giảm tí chút nhưng không nhiều vì tốc độ tăng trưởng  lớn nhất của rừng đã xảy ra từ năm thứ sáu rồi, đến năm thứ tám thì tốc độ tăng trưởng đã giảm, đẵn sớm một năm không gây thiệt hại nhiều lại giải phóng được vốn sớm, có khi khoản lãi vay ngân Hàng của số tiền thu được khi đẵn sớm rừng lại còn cao hơn độ tăng trưởng của rừng.
   Thế là chẳng cần phải thông qua phòng Lâm sinh, chẳng cần ông phó Tổng phụ trách khối Ngô Hoàng làm gì cho nó rắc rối, Chu Tài phê duyệt đồng ý ngay vào lề công văn đề nghị của Hoàng. Có biết bao nhiêu thứ lý do để biện minh cho cách làm việc nhanh gọn như thế. Nào là phải tập trung nguyên liệu dự trữ trong mùa mưa cho nhà máy, nào là phải đổi mới cách làm việc, có những việc phải giải quyết trực tuyến để tránh phiền hà cho bên dưới…nói tóm lại, đã là sếp trưởng thì làm gì mà chả đúng. Và đương nhiên khi đã có ý kiến phê duyệt của sếp trưởng thì các thủ tục tiếp theo như thiết kế, giấy phép khai thác…chẳng còn có gì để mà khó khăn nữa.
 Được biết hôm nay Bí thư Huyện ủy Đinh Sáng có chuyến công tác về làm việc tại xã Tân Lâm. Hoàng gọi điện cho Đinh Sáng bảo hôm nay em cũng có công việc của công ty ở Tân Lâm, buổi tối mời các anh lãnh đạo Huyện ủy cùng các đồng chí lãnh đạo xã gặp gỡ giao lưu với lãnh đạo công ty ở nhà hàng Hương Rừng. Được Đinh Sáng đồng ý, ngay buổi chiều, Hoàng cho gọi trưởng phòng kỹ thuật công ty cùng xuống Tân Lâm để bàn giao lô rừng khai thác cho Thành Hưng. Việc bàn giao rừng cho Thành Hưng khai thác thì không có gì phức tạp vì các lô rừng lần này đều ở sát ngay chân đường tỉnh lộ, lại đã có hồ sơ thiết kế, chẳng cần phải ra hiện trường cũng có thể lập biên bản bàn giao rừng được, điều chủ yếu là Hoàng xuống để nhắc Hưng chuẩn bị chu đáo cho cuộc giao lưu buổi tối. Hưng đã cho người sang yêu cầu Nhứng bắt hai con dê ở trại rừng nhà lão Mánh, một con dê non để lấy thịt còn một con dê cụ để bố trí món “ ngọc dương” hấp, ngoài ra còn có món dúi nấu với củ chuối rừng và một đĩa thịt gà nhiều cựa. Riêng về khỏan rượu thì đề nghị sếp cho ý kiến. Hoàng bảo rượu Tây thì cánh huyện họ uống thường xuyên mấy lại đông người thế không cần, đỡ lãng phí, cứ cái anh rượu ngô nấu bằng men lá của người Dao để lâu là tốt rồi, ông Đinh Sáng ông ấy thích cái loại rượu ấy. Mấy lại bây giờ ăn uống mặc dù vẫn phải cẩn thận nhưng thực khách họ cũng không coi là quan trọng nữa. Điều quan trọng là sự đón tiếp phải cho nó lịch sự, chu đáo. Hưng bảo bên nhà hàng đã bố trí cho mấy em trẻ  đẹp đứng hầu bàn rót rượu cho các sếp rồi. Ăn xong các sếp có thể hát Karaoke cho nó hả rượu. Chả biết các sếp huyện thế nào chứ các sếp xã thỉnh thoảng em vẫn bố trí cho cả phần vui vẻ nữa. Hoàng bảo quan trọng là không được ồn ào, cứ kín đáo an toàn thì sếp nào mà chả là người, mà đã là thằng đàn ông thì thằng nào mà chả thích của lạ.
  Nhà hàng Hương Rừng bây giờ đã trở thành một nhà hàng có tiếng ở huyện.  Lợi thế của nó là có nguồn thực phẩm sạch an toàn, đều là gia súc gia cầm  nuôi tự nhiên không sử dụng đến các loại thực phẩm tăng trọng, chủ yếu được cung cấp bởi trại rừng nhà lão Mánh, các loại rau, măng  lấy từ rừng cũng là rau sạch, mặt khác lại phong phú đa dạng, từ lợn lửng, cầy cui, gà nhiều cựa đến đặc sản thú rừng hươu nai đều có. Nhưng nổi tiếng nhất là món thịt dê. Nhiều đại gia ở mãi tận thành phố tỉnh lỵ ngày nghỉ rủ nhau đánh xe vào chỉ để thưởng thức một bữa thịt dê rồi lại quay về. Không dùng  loại dê già quá hoặc non quá, sau khi chọc tiết, làm sạch lông thì phải cắt ngay bộ cà và bốn cái chân, mổ bỏ nội tâm ra ngoài, cho các loại lá thơm như cúc tần, mắc mật vào bụng khâu lại rồi mới thui lửa. Thịt không bị hôi mùi dê. Được chế biến thành nhiều món như dê tái chanh vừng, thịt hầm thuốc Bắc… nhưng không thể thiếu món tiết canh hạt dổi, món “ngọc dương” hấp chấm muối xẻn rất hấp dẫn đối với cánh mày râu…ấy là người ta cứ kháo với nhau thế nên quán Hương Rừng  ngày càng đông khách. Những loại khách VIP thì có phòng riêng chạy máy điều hòa. Quán Hương Rừng là nơi Hoàng hay chọn để tiếp khách, nhiều khi khách của Tổng công ty từ các Bộ trên trung ương về làm việc cũng được gửi về cho Hoàng tiếp. Đối với huyện Hoàng cũng xây dựng được mối quan hệ rất khăng khít. Trong giao tiếp, bề ngoài có vẻ thân tình xuồng xã nhưng thực chất là Hoàng rất thận trọng. Ví như trường hợp bí thư Đinh Sáng kém Hoàng một tuổi nhưng lúc nào Hoàng cũng anh anh em em và Hoàng bảo là ngày xưa khai tăng lên một tuổi để đi học chứ tuổi thực là cùng tuổi với bí thư lại còn sinh sau mấy tháng. Xem ra ngày nay, trong quan hệ công tác cũng như giao tiếp người ta lại hay chú ý đến cái tuổi của đối tác xem có hợp với tuổi của mình không, tương sinh hay tương khắc. Với cấp trên mình kém một chút thì trong giao tiếp sẽ dễ dàng thân mật hơn nhiều. Trong buổi gặp gỡ hôm ấy, Hoàng được Thắng - phó huyện Công An  là kíp chơi thân mật với nhau cho biết mấy hôm nữa Thắng sẽ cùng đi với bí thư sang thăm quan Thái Lan, vậy là ngay trước lúc chia tay, Hoàng gặp riêng Đinh Sáng thân tình:
- Được chú Thắng cho biết mấy hôm nữa ông anh có chuyến đi công tác xa, cũng không nhiều nhặn gì, em gửi anh chút ít để góp thêm cho anh chi tiêu vặt.
   Bí thư Đinh Sáng vui vẻ nhận. Trong những trường hợp như thế, Hoàng nghĩ không được đưa ít và cũng không được đưa nhiều, tránh việc để cấp trên nghĩ khác đi, điều quan trọng là tạo được một không khí chân tình, thân thiện thì chẳng ai từ chối cả, mà không từ chối thì tức là họ đã chấp nhận mối quan hệ ở mức thâm tình. Tiễn đoàn khách huyện và xã đi rồi, Hoàng gọi Hưng nói:
- Tháng sau có cuộc họp khách hàng của Tổng công ty bố trí ở Đồ Sơn, cử chú mày đi theo tháp tùng. Được biết chú mày là người cùng quê với Hán Văn Lập, họp xong cố mời ông ấy vào chơi. Chú cũng biết đấy, tôi với hắn vốn dĩ là bạn học từ thời phổ thông, nhưng từ ngày tôi không nhận đi Nam hắn phải đi thay tôi vẫn cứ thấy áy náy. Cũng muốn có một cuộc chuyện trò hàn huyên nhưng nếu tôi mời thì chả có lý do gì để hắn nhận lời. Chú lấy tư cách là người làng lại có thân thiện với nhau từ trước cứ thử rủ hắn vào chơi xem sao. Mà chú cũng nên lấy lòng hắn, hắn sắp làm phó Tổng thay ông Ngô Hùng rồi đấy. Tiếp hắn cho trịnh trọng chu đáo vào!
- Vâng! Việc ấy thì sếp khỏi lo, em với anh Lập còn có họ hàng với nhau nữa kia đấy. Bây giờ mời sếp về phòng nghỉ, em đã lệnh cho bà chủ bố trí nhân viên phục vụ được tuyển chọn kỹ lưỡng. Sếp cứ yên trí vui vẻ!
   Hán Văn Lập với Hoàng là bạn học cùng lớp từ thời còn là học sinh cấp ba trường huyện. Hồi ấy, những học sinh ở xa trường đến trên mười cây số vẫn cứ đạp xe đi về. Nhà Lập và Hoàng tuy khác xã nhưng đi về cùng một lối, Lập nhà xa hơn nên ngày nào Hoàng cũng đợi Lập đến rồi mới cùng đi, hôm nào có xe bị hỏng chưa kịp chữa thì hai đứa lai nhau trên một chiếc xe đạp, cứ thế suốt ba năm học cấp ba. Học hết phổ thông, Lập đi học Đại học Lâm nghiệp còn Hoàng thi trượt Đại học chuyển sang học trung cấp kế toán. Mãi sau này khi đã làm kế toán trưởng một Lâm trường Hoàng mới tiếp tục theo học Đại học hàm thụ. Lập ra trường được phân công về một Lâm trường làm kỹ thuật rồi dần dần được bổ nhiệm lên tới chức Giám đốc. Từ ngày sáp nhập các Lâm trường về Tổng công ty thì Hoàng làm phó phòng kế toán trên Tổng công ty còn Lập là Giám đốc dưới công ty cơ sở. Hai người vẫn giữ mối quan hệ bạn bè từ thuở xa xưa nhưng không đến mức thân tình.
  Cuộc gặp mặt khách hàng của Tổng công ty đến chiều ngày thư ba thì kết thúc. Những đại biểu ở gần thì ra xe về luôn còn những người ở xa thì đợi sáng hôm sau mới về. Hoàng cũng về luôn còn tạt qua thăm nhà. Hôm trước, khi ngồi trên tàu từ Đồ Sơn sang thăm Vịnh Hạ Long, Hưng đã có cuộc trao đổi với Hán Văn Lập. Rằng bác ở trong Nam ra, về nhà mấy ngày còn thì cũng nên đi chơi đây đó thư giãn một hai hôm. Thằng em bây giờ cũng là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn muốn mời bác vào thăm. Mai kia bác có về thay bác Ngô Hùng thì bọn đàn em còn được nhờ. Bác vào kỳ này em tặng bác mấy đôi gà chín cựa mang vào trong Nam làm quà thì chỉ có là tuyệt hảo. Cứ thế, Hưng dẻo mồm tán làm cho Lập cũng thấy vui vui nhận lời vào chơi. Vậy là Lập cũng  nghỉ lại  để mai cùng đi vào thăm công ty của Hưng.
  Khoảng 4 giờ chiều thì xe của Hưng và Lập về đến công ty Thành Hưng. Gọi là công ty nhưng nó không có văn phòng bề bộn hoành tráng, chỉ có một ngôi nhà cấp bốn vừa là văn phòng làm việc vừa là nơi nghỉ  của cả giám đốc lẫn nhân viên. Phía ngoài có một cây xăng bán cho khách hàng nhưng chủ yếu là để phục vụ cho chính những phương tiện của công ty. Phía sâu bên trong có một ngôi nhà sàn gỗ lợp lá dành cho cánh lái xe ăn nghỉ, còn lại là bãi gỗ rộng ước chừng ba nghìn mét vuông xếp đầy gỗ nguyên liệu. Hưng nói với Lập:
- Công ty của em cũng chỉ có thế thôi, cái cơ bản là khai thác vận chuyển được nhiều sản phẩm chứ chả cần phải có văn phòng hoành tráng làm gì. Hiện bây giờ em có năm đầu xe loại hai mươi tấn, một cái Volvo để chở gỗ những ngày mưa và kinh doanh một cây xăng. Bác làm giám đốc mãi chả lạ gì. Em cứ phải tập kết gỗ về bãi để còn phân loại to nhỏ non già rồi mới phân phối hàng đi các nơi. Tý nữa bác sang nhận phòng nghỉ bên nhà hàng, tắm rửa xong rồi chúng ta sẽ ăn tối ở đấy. Nhà hàng ấy cũng có cổ phần của em. Trước đây nó trực thuộc công ty em bây giờ cho nó tách ra tự hoạt động nên bác cứ thoải mái như ở nhà. Bây giờ em gọi cho anh Hoàng mời luôn sang đây giao lưu.
   Hưng rút điện thoại, phải bấm đến mấy lần mới liên lạc được với Hoàng:
-         A lô anh  ạ!  anh Lập đã vào chơi, mời anh sang gặp gỡ giao lưu.
-          Ồ! Hưng hả, lại bận mất rồi, hôm nay có ông anh từ quê lên thăm phải ở nhà tiếp. Buổi trưa làm vài chén nên còn đang choáng váng không vào được. Chú nói với ông Lập thông cảm và nhớ tiếp khách cho chu đáo, mai tôi sẽ vào sớm, kịp giao lưu “ Chào buổi sáng”.
  Do Nhứng đã được Hưng gọi về báo trước nên việc đón tiếp Lập được chuẩn bị rất chu đáo. Về ẩm thực có  một con lợn rừng nhỏ nuôi bên trang trại nhà lão Mánh và không thể thiếu đĩa gà nhiều cựa là đặc sản riêng có của địa phương. Mâm cơm được bày trên trên chiếc bàn thấp, xung quanh được đặt các lõi đệm nhỏ bằng thổ cẩm để thực khách ngồi, hai chai rượu Naponeon cho mâm cơm và hai em gái mắt xanh mỏ đỏ trẻ đẹp được bố trí ngồi hầu rượu ở mỗi mâm. Những bữa cơm khách kiểu này đối với Lập cũng không có gì là lạ nhưng quan trọng là ở chỗ thịnh tình hiếu khách của Hưng nên chỉ sau vài ly, mọi khoảng cách ý tứ đã bị san lấp. Khách chủ hòa hợp thân tình. Cái giống rượu ngoại nó đã thơm lại êm, rồi còn được mấy em gái rót rượu cũng chịu chơi, mỗi lần khách yêu cầu cùng uống cũng không ngại ngần gì làm cho không khí càng thêm phần thân thiện lả lơi. Đợi đến khi khách chủ ngà ngà, Hưng cho gọi cả bà chủ Nhứng và mấy em nữa ùa vào chúc rượu, các em  nhẩy ngay vào lòng quàng tay qua cổ đổ rượu vào mồm khách lại còn lấy nhịp hát đồng ca: “ Ơi sếp của em, em ôm sếp vào lòng, sẻ chia túi ai, xem mấy đồng nào…nặng lòng với sếp, xin sếp một thằng cu, gửi trọn tình em vào sếp thương yêu…” Thế rồi một hai cặp dìu nhau đi.  Lập vẫn còn lờ mờ hiểu được sự việc nên khi có cô gái kéo  đứng dậy thì  Lập không đi, chỉ đến khi Hưng bảo mời sếp sang phòng bên hát Karaoke thì  Lập mới đứng dậy. Ừ, hát Karaoke thì được, nó cũng mau hả rượu.
  Trong lúc ấy thì dưới huyện Công an, cán bộ trực ban báo cáo với trung tá Thắng phó huyện trưởng:
- Báo cáo anh có một cú điện thoại gọi đường dây nóng báo  ở nhà hàng Hương Rừng đang kinh doanh bất hợp pháp liên quan đến mại dâm.
- Có biết người báo là ai và liệu có chính xác không?
- Họ không xưng tên, nói là sợ bị trả thù.
- Thôi được, cậu cứ về phòng để tôi kiểm tra lại thông tin.
Thắng rút điện thoại gọi Hoàng:
- A lô! ông đang ở đâu?
- Hôm qua đi họp về hôm nay còn đang ở nhà
- Thế thì tốt rồi, có tin báo quán Hương Rừng đang có hiện tượng hoạt động mại dâm, liệu có phải là quân của ông không?
- Các ông cứ cho làm thẳng thừng. Quân tôi cũng phải trị, tôi đã nói mãi chúng rồi. Chơi bời thì cũng phải kín đáo không được ồn ào để thiên hạ người ta nhìn vào là rất không có lợi. Nếu đúng là chúng thì cũng phải cho chúng một bài học mới nhớ đời được.
   Thắng gọi trực ban yêu cầu báo ngay cho tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.
 Quán Hương Rừng bị tổ công tác của Công an huyện phối hợp cùng với Công an xã và Công an khu vực kiểm tra. Nhứng phải ký vào biên bản về việc nhà hàng có chứa chấp mại dâm. Hai cô gái ở trên phòng ngủ bị bắt về đồn Công an, mấy khách hàng bị thu giấy tờ tùy thân hẹn sẽ phải cùng với chủ nhà hàng ngày mai đến đồn Công an làm bản tường trình. Kể cả Lập tuy đang ngồi dưới phòng hát nhưng cùng một nhóm khách nên cũng bị thu giữ giấy tờ.
 Đúng như đã hẹn, sáng hôm sau Hoàng đến sớm và Hưng bị một trận mắng té tát lên bờ xuống ruộng, còn dọa sẽ bị cách chức. Hoàng nói với Lập.
- Ông thông cảm, quân tôi nó sơ ý quá.
Nhứng vin áo Hoàng khóc mếu:
- Bác Hoàng ơi! Bác ra tay cứu giúp chứ không thì kỳ này nhà em sạt nghiệp, không khéo lại còn bị tù tội nữa chưa biết chừng.
Hoàng gạt Nhứng sang bên rồi nói.
- Không phải trình bày, chả cứu sao được, còn ông bạn tôi đây nữa kia mà. Các người làm ăn luộm thuộm bỏ mẹ. Thôi bây giờ cho cái gì ăn sáng rồi tôi sẽ cùng đi với các người xuống huyện Công an.
    Nhứng rối rít mừng ra mặt vội giục đám giúp việc chuẩn bị bữa sáng.
 Cả Nhứng, Hưng và  Lập đều phải cám ơn Hoàng rất nhiều. Hoàng đã  lăn lộn chạy ngược chạy xuôi để lo cho bên Công an họ không làm to chuyện. Cuối cùng thì Nhứng cũng chỉ bị cảnh cáo nộp phạt còn  Lập và Hưng thì bị công văn thông báo về các cơ quan, tổ chức quản lý cấp trên. Sau cái vụ ấy, đang đúng lúc triển khai mười chín điều Đảng viên không được làm. Tỉnh ủy yêu cầu Lập làm kiểm điểm. Về phía Tổng công ty không tổ chức nào đả động gì nhưng nó vẫn cứ trở thành một vết nhọ, một cái án vô hình cho sự thăng tiến của Lập. Đành rằng khi sảy ra sự việc Lập chưa làm gì nhưng trong đoàn của anh có người đang hành sự còn anh đang ngồi hát với mấy cô “mắt xanh mỏ đỏ”, ai dám chắc rằng rồi sau đó anh sẽ làm gì?
  Cuộc họp giao ban của Tổng công ty với giám đốc các công ty Lâm nghiệp kỳ này có cả Chu Tài dự họp. Mọi khi  khối Lâm nghiệp họp hành thế nào thì do Ngô Hùng phụ trách tổ chức, Chu Tài không mấy để mắt đến. Nhưng do lần này có một việc của Tổng công ty liên quan đến khối Lâm nghiệp mà Chu Tài rất quan tâm, ấy là Tổng công ty dự định tham gia góp vốn cùng với công ty Thanh Lê xây dựng một nhà máy chế biến tinh bột sắn mà sản phẩm của nhà máy này sẽ được Tổng công ty bao tiêu phần lớn vì nó là một phụ gia trong quy trình sàn xuất của Tổng công ty. Tổng công ty đề nghị các công ty Lâm nghiệp tham gia góp vốn và trồng xen sắn vào rừng để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Lại nói việc trồng xen cây sắn với cây rừng. Những năm trước, do sức ép quá mạnh về đất đai nên rừng của các công ty Lâm nghiệp hầu hết đều phải cho dân trồng xen cây sắn ở năm thứ nhất. Những lô rừng không được kiểm soát gắt gao thì dân cứ việc trồng dầy đặc. Sắn vươn lên làm cho cây rừng bị thiếu nắng cứ ngoi cao lêu đêu, đến cuối năm dân nhổ sắn đi thì cây rừng đổ rạp xuống, nhiều diện tích năm sau lại phải trồng lại. Chính vì vậy, Tổng công ty đã có quy định, một quy định rất cực đoan là nghiêm cấm không cho phép được trồng sắn vào lô rừng trồng. Đến bây giờ cần có sắn để làm nguyên liệu nên cuộc họp giao ban kỳ này tập trung xoay quanh thảo luận về việc trồng xen sắn như thế nào. Nhiều ý kiến phát biểu là trồng xen cây sắn trong rừng tuổi một là rất có lợi, đấy chính là một hình thức Nông Lâm kết hợp. Mấy năm qua , mặc dù Tổng công ty cấm không cho trồng xen nhưng ở dưới các công ty Lâm nghiệp vẫn không thể cản được dân nên đã hướng dẫn  và kiểm tra quyết liệt yêu cầu dân trồng theo mật độ phù hợp, khi dân trồng sắn họ cho sới cỏ toàn diện, cây rừng không bị cạnh tranh dinh dưỡng, mặt khác do mật độ hợp lý ánh sáng vẫn đủ nên cây rừng  phát triển rất tốt. Mà khi cây đã tốt thì ban nghiệm thu của Tổng công ty cũng không có gì để bắt bẻ. Thế là quy định cấm trồng xen sắn vào rừng trồng không những bị bãi bỏ mà Tổng công ty còn yêu cầu các công ty Lâm nghiệp sử dụng triệt để diện tích rừng trồng mới để trồng xen sắn. Cũng vì vậy mà từ nay may nhờ có chủ trương xây dựng nhà máy chế biến bột sắn mà các công ty Lâm nghiệp được công khai trồng xen cây sắn vào rừng.
 Kết thúc buổi họp, Chu Tài bảo Hoàng lên phòng gặp riêng. Chu Tài nói:
- Tôi dự định sẽ đặt cái nhà máy ở chỗ chú. Chú về tìm sẵn địa điểm trước, nơi nào thuận tiện cho việc vận tải nhưng quan trọng là phải gần nguồn nước và xa dân để họ khỏi kêu ca. Cái anh chàng chế biến bột sắn này nước thải rất ô nhiễm, việc xử lý nếu làm đúng tiêu chuẩn thì đào đâu ra tiền mà làm. Khi thành lập nhà máy sẽ cử chú đại diện phần vốn của Tổng công ty làm kiêm luôn chức vụ Tổng Giám đốc nhà máy, bên công ty Thanh Lê vốn  lớn hơn nên nó làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Mặt khác, cái ghế phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đối với chú Lập coi như tiêu, bây giờ anh chấm đến chú mày. Có điều trong Tổng công ty cũng còn nhiều người hội tụ đầy đủ tiêu chuẩn và họ còn sáng giá hơn chú mày nên cần phải có thời gian vừa chứng minh, vừa vận động hành lang nữa. Việc bố trí xây dựng nhà máy chế biên bột sắn ở chỗ chú mày cũng là còn có ý ấy.
- Báo cáo anh thế thì chả cần phải đi tìm đâu xa, lấy ngay cái đội ba của em mà làm là thuận lợi nhất. Ở đấy có một cái đập nước gần đường lại đang thừa nhà cửa vì trước đây nó là văn phòng cũ của Lâm trường. Mà anh cũng đã đến đấy rồi còn gì.
- Dẫu sao thì cũng vẫn cứ có đoàn khảo sát do một phó Tổng giám đốc đi một số nơi cho khách quan. Liệu mà hướng dẫn, trình bày để tranh thủ sự đồng thuận của họ.
   Công ty cổ phần chế biến bột sắn Thanh Thanh ra đời. Toàn bộ đất đai, nhà cửa của đội ba thuộc công ty Lâm nghiệp Xuân Lâm được bàn giao sang công ty Thanh Thanh theo giá trị còn lại trong sổ sách kế toán và tính vào phần vốn góp của Tổng công ty, giá trị đất không phải tính tiền nên coi như cho không. Những thành viên sáng lập của công ty cổ phần Thanh Thanh gồm có công ty Thanh Lê, Tổng công ty Lô Giang và ba cá nhân nữa trong đó có vợ Chu Tài. Về vốn góp công ty Thanh Lê giữ bốn mươi phần trăm, Tổng công ty Lô Giang giữ hai mươi phần trăm, hai mươi phần trăm nữa của ba cá nhân còn hai mươi phần trăm dành cho các công ty Lâm nghiệp nhưng chẳng công ty nào quan tâm nên cuối cùng cái hai mươi phần trăm ấy ba cá nhân kia lại góp vốn nắm giữ nốt. Tiếng là làm Tổng giám đốc nhưng thực chất Hoàng chẳng phải làm gì trong cái công ty cổ phần ấy. Những chủ trương lớn đã có Thanh Lê còn việc điều hành công ty thì do phó Tổng giám đốc người của Thanh Lê đảm nhận. Hoàng cũng đủ tinh khôn để thừa hiểu rằng đây là “Sân sau”  của sếp nên mặc dù làm Tổng giám đốc, là người đại diện vốn của Tổng công ty nhưng tất cả những quyết sách của Thanh Lê dẫu có làm tổn hại đến quyền lợi của Tổng công ty Hoàng cũng lờ đi coi như ngô ngọng không biết, ở đời nhiều khi biết quá hóa dại. Bây giờ mình đang là quân cờ trong tay người ta, người ta bảo tiến thì tiến, bảo thoái thì thoái chứ biết làm sao, với một cao thủ như Chu Tài thì đừng dại gì mà làm trái ý. Thôi thì cứ đóng vai bù nhìn một chút cũng đã có sao đâu. Việc chính Hoàng vẫn là Giám đốc công ty Xuân Lâm kia mà. Mà xét cho cùng, cuộc đời này là một màn kịch, được phân vào vai nào thì cố mà đóng cho khéo, cho hay, thế mới là diễn viên cừ chứ.
                                                                             C.S

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)