VỀ NHÀ THƠ XUÂN QUỲNH VỚI HAI BÀI THƠ TÌNH HAY NHẤT
BÙI MINH TRÍ
Xuân Quỳnh (1942 – 1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 .Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Chị đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Vienna (Áo).
Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam.Sau khi học xong, làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam.Xuân Quỳnh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Từ năm 1978 đến lúc mất, Xuân Quỳnh làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới.
Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.
Các tác phẩm chính:Tơ tằm – Chồi biếc ( in chung phần Chồi biếc, NXB Văn học, 1963), Hoa dọc chiến hào (in chung, 1968), Gió Lào, cát trắng (1974),Lời ru trên mặt đất (1978),Cây trong phố – Chờ trăng (in chung phần Chờ trăng, 1981),Sân ga chiều em đi (1984),Tự hát (1984),Hoa cỏ may (1989), Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994), Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (1994),Không bao giờ là cuối ( 2011).
Chi được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017
Ngày 6 tháng 10 năm 2019, nhân dịp kỉ niệm 77 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh, Google đã chính thức thay đổi ảnh đại diện logo trên trang chủ của mình thành bức hoạ cách điệu mang dáng hình nhà thơ Xuân Quỳnh cùng với hình ảnh con thuyền lướt trên sóng và đàn chim trên bầu trời. Tại Sài Gòn, có một con đường nội khu của một khu đô thị mang tên Xuân Quỳnh.
Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Sóng (viết năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào năm 1968), Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh,...Các bài thơ Sóng, Truyện cổ tích về loài người (Lời ru trên mặt đất, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1978) được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ: Thuyền và biển (4/1963), Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh. Đây là hai bài thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh. Đã có nhiều tác giả bình luận và cảm nhận hai bài thơ này. Tôi là người vừa yêu thơ vừa yêu ca hát, nên xin góp đôi lời cảm nhận theo hai lĩnh vực THƠ – NHẠC về hai bài thơ này để thể hiện lòng yêu quý thơ Xuân Quỳnh của tôi.
Nguồn: Xuân Quỳnh, Chồi biếc, NXB Văn học, 1963
Bài thơ “Thuyền và biển” của nhà thơ Xuân Quỳnh được độc giả yêu mến và đón nhận nhiệt liệt. Bài thơ lại được nhạc sĩ nổi tiếng Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc với giai điệu trữ tình bay bổng, khiến mọi người càng hâm mộ và thuộc cả bài hát, cả lời thơ. Các ca sĩ thể hiện: Quang Lý, Bảo Yến, Thu Trang, Elvis Phương ….
Để diễn tả mối tình - mối quan hệ tương hỗ giữa chàng và nàng, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã dùng tứ thơ (hình tượng) THUYỀN VÀ BIỂN.Tác giả sử dụng phép ẩn dụ, qua bài thơ ta hiểu Thuyền là “anh” và Biển là “em”. Thuyền và Biển được viết theo thể thơ ngũ ngôn trường thiên, 7 khổ thơ , mỗi khổ thơ 4 câu. Lời của bài hát được chắt lọc từ bài thơ ở những phần, những câu giầu nhạc điệu nhất.Bài thơ diễn tả tình yêu của thuyền và biển chính là nói lên một tình yêu đẹp của đôi lứa.
Hai câu mào đầu: “Em sẽ kể anh nghe /Chuyện con thuyền và biển”.
Khổ thơ thứ nhất diễn tả cảnh “làm quen”, biển rủ thuyền vào biển, để cánh hải âu sóng biếc đưa thuyền đi muôn nơi:
“Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi”
Khổ thơ thứ hai là tình yêu ban đầu chớm nở, chàng ngỏ lời yêu và nàng đón nhận, tuy nhiên đôi bên còn khoảng cách.:
Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa... còn xa”
Hai khổ thơ ba và bốn diễn tả thời gian êm đềm của tình yêu. Em như cô gái nhỏ dịu hiền thì thầm gửi tâm tư đến anh như sóng vỗ nhẹ mạn thuyền, và đôi khi nũng nịu dỗi hờn một chút ào ạt xô thuyền (thế mới là tình yêu):
“Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)”
Và cứ thế hai người yêu nhau tha thiết, tháng ngày quấn quýt chẳng rời xa.
Ở khổ thơ thứ năm,khi đã yêu nhau thì sự đồng cảm và hiểu nhau đã được thể hiện rất sinh động và rất “trúng”; thuyền đi nhiều mới thấy biển mênh mông (anh thấy lòng em rộng mở) và biển nâng thuyền đi nên biết thuyền đi đâu về đâu (em thấu hiểu chi hướng của anh):
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu”
Đến đây lời hát bắt đầu cất lên du dương như lời kể nhẹ nhàng khiến lòng ta xao xuyến.Tình yêu thật là đẹp!
Khổ thơ thứ sáu diễn tả những ngày đôi lứa vắng xa nhau.Em thương nhớ anh vô bờ đến bạc đầu (ở đây phép ẩn dụ biển bạc đầu – hình ảnh là sóng bạc đầu, nhưng ý tứ thì thương nhớ đến bạc cả đầu, thật là tuyệt!). Còn khi không ra biển(không gặp biển) thì lòng anh đau, như thuyền nằm trên bãi (lại phép ẩn dụ, lòng thuyền bị rạn vỡ là thực , nhưng ý tứ thì anh nhớ thương em đến quặn lòng, thắt ruột, thật là tài tình!). Ta nghe lời hát trầm xuống, buồn man mác, diễn tả tình cảm nhớ thương tha thiết mãnh liệt làm rung động hồn ta, biển nhớ như lòng ta nhớ, thuyền đau như lòng ta đau:
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ”
Đến khổ thơ kết – khi đôi lứa yêu nhau tha thiết mà phải từ giã nhau thì không nỗi đau khổ nào bằng. Nếu từ giã anh (thuyền) thi em (biển) chỉ còn sóng gió, nghĩa là biển động liên miên (chỉ còn ). Và kết luận tác giả nói thẳng ra là nếu phải cách xa anh (rõ ràng anh là thuyền) thì lòng em chỉ còn bão tố (rõ ràng em là biển), nghĩa là nỗi đau đã đến tột độ. Lúc này nhạc lên cao vút , dâng tình cảm thành cao trào, khiến ta cũng thấy đau đớn vô hạn, (tôi nghe hát mà nước mắt dàn dụa, quý vị có cảm động đến rơi lê không ?)
“Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió"
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố”
Tình yêu của Xuân Quỳnh thật là chân thành tha thiết, nồng nhiệt và thủy chung, khao khát và cháy bỏng vượt qua không gian và thời gian! Bài thơ Thuyền và Biển sẽ xanh mãi với thời gian, nhiều thế hệ sẽ nói tới, sẽ đọc sẽ hát và ca ngợi.
2.THƠ TÌNH CUỐI MÙA THU
Nguồn: Xuân Quỳnh, Tự hát, NXB Tác phẩm mới, 1984
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc.Các ca sĩ thể hiện: Tân Nhàn, Phạm Phương Thảo, Quang Linh, Cẩm Ly, Nhã Phương, Quang Lý, Anh Thơ, ...
Bài thơ này cũng được viết theo thể thơ ngũ ngôn trường thiên với5 khổ thơ.
Trong bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng hấp dẫn lòng người. Nhưng có lẽ mùa thu với sắc vàng đặc trưng của lá, của nắng, của hoa, cái nhè nhẹ của gió, cái trong vắt của bầu trời, hương thơm của đồng nội là được ưu ái hơn cả, nên đã được diễn tả rất nhiều và rất hay trong âm nhạc, hội họa và thơ ca.
Khổ thơ đầu “Thơ tình cuối mùa thu”bằng vài hình ảnh nhà thơ đã dệt nên không gian thu đầy màu sắc, có mây trắng, lá vàng, dòng nước ….diễn tả sự giao cảm của đất trời và lòng người. Mùa thu là mùa của lá vàng khoe sắc, nhưng tác giả tả cảnh cuối mùa thu nên “Lá vàng thưa thớt quá”. Nhà thơ giải thích rằng lá đã về rừng, đã cùng mùa thu xuôi ra biển cả, hay có chăng được giữ lại ở hoa cúc, màu hoa quen thuộc và thuỷ chung,để rồi “Chỉ còn anh và em”. Đây là hai nhân vật chính cũng là mục tiêu của bài thơ là câu thơ điệp và điệu nhạc cất lên mang tính chất tâm tình kể lể:
“Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em”
Sang khổ thơ thứ hai, cuộc đời dài rộng thế, mùa thu này tới mùa thu khác nối nhau đi. Nhưng những điều đích thực còn ở lại, đó là anh và em của mùa thu cũ, với gió heo may. Gió heo may làm cho mùa thu cũ trở lại xao động, làm cho “Lối đi quen bỗng lạ”. Hơn thế nữa, gió cònlàm “Cỏ lật theo chiều mây”, tâm tình trở về cảnh thực “Đêm về sương ướt má/Hơi lạnh qua bàn tay”:
“Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay”
Khổ thơ thứ ba diễn tả sự sống chảy trôi và tiếp diễn, cũng như tình yêu nhiều vẻ ,với những nỗi niềm...Tác giả dùng nghệ thuật so sánh để diễn tả tình yêu “Tình ta như hàng cây”, “Tình ta như dòng sông”. Hàng cây thì đã qua mùa bão tố, còn tình “Đã yên ngày thác lũ”với âm hưởngnhạc lắng dịu, bình tâm nhưng đầy tin cậy, sâu sắc:
Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa bão tố
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ
Thời gian trôi chảy không ngừng chỉ có một chiều duy nhất đó là từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Do sự vận động không ngừng của thế giới vật chất từ vi mô đến vĩ mô (và kể cả trong ý thức, nhận thức) mà trạng thái và vị trí (xét theo quan điểm động lực học) của các vật không ngừng thay đổi, biến đổi. Chúng luôn có những quan hệ tương hỗ với nhau và vì thế "vị trí và trật tự" của chúng luôn biến đổi, không thể trở về với trạng thái hay vị trí trước đó được.Khổ thơ thứ tư diễn tả về vấn đề này, nhưng tác giả lại cho rằng thời gian đi trất nhanh như là gió, cùng với “Mùa đi cùng tháng năm”. Tuổi tác con người cũng thế cứ theo mùa đi mãi, tóc xanh rồi tóc sẽ bạc… nhưng điều cốt yêu là: “Chỉ còn anh và em” nghĩa là tình yêu xanh mãi với thời gian:
“Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em”
Đoạn cuối bài thơ khẳng định tình yêu vững bền, tha thiết, vượt qua những đổi thay, trắc trở của cuộc đời, như qua bao mùa heo may. Ở đâyâm hưởng nhạclên cao trào và lặp lại câu thơ điệp“Chỉ còn anh và em”, và “tình yêu ở lại” đọng dư âm đẹp mãi trong lòng người đọc và người nghe.Tình yêu của chị chung thủy, chân thành, ấm áp, nhạy cảm chứa đầy tin yêu:
“Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại...
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may”
Bùi Minh Tri
Người gửi / điện thoại