bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 12
Trong tuần: 886
Lượt truy cập: 629572

ÂN TÌNH THỜI COVID (TIẾP)

TRUYỆN CỦA THU LÂM

thu_lm

Bà Đào trở về căn hộ của mình cũng cùng khu chung cư với ông Nam, chỉ khác toà nhà. Nếu ông Nam không phải về ăn cơm với con cháu, thì không biết câu chuyện của họ còn kéo dài đến đâu.

Với tâm trạng vui vẻ, bà bắt tay vào chuẩn bị bữa tối cho con gái đi làm và cháu ngoại đi học chưa về.

Vào cái năm Đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, người từ thành phố phải sơ tán về các vùng nông thôn tránh những cuộc ném bom của không quân Mỹ. Lúc đó, bà Đào mới là cô gái tuổi trăng rằm, bắt đầu bước vào học lớp mười.

Một hôm, cô vừa đi học về thấy bác trưởng xóm và hai anh thanh niên lạ mặt đang ngồi nói chuyện với bố mẹ cô. Cô lễ phép chào mọi người rồi vào buồng lắng nghe xem có chuyện gì.

Bác trưởng xóm rất trịnh trọng nghiêm túc đặt vấn đề:

-   Báo cáo anh Công, chị Sự. Tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, Đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, chúng đã bắn phá Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Bởi vậy, chủ trương của Nhà nước là sơ tán tất cả các cơ quan, trường học, dân thường ra khỏi thành phố. Các vùng nông thôn như chúng ta phải sẵn sàng tiếp nhận, chào đón, giúp đỡ bà con thành phố về.

Lần này, xóm ta vinh dự đón một trường Đại học lớn của quốc gia về sơ tán. Đó là khoa Văn của trường Đại học Tổng hợp. Chúng ta phải hết sức giúp đỡ họ. Gia đình ta tiếp nhận hai anh sinh viên năm thứ ba về sống cùng. Đây là cậu Nam lớp trưởng cùng bạn Hậu. Bắt đầu từ hôm nay, anh chị thu xếp chỗ ở cho hai cậu sinh viên này.

Nghe tới đây, cô Đào giật nẩy mình. Hồi đó, Đào là một cô gái có tính cách rụt rè bẽn lẽn. Là con gái độc nhất nên bố mẹ chiều, không bắt cô làm đồng áng nặng nhọc như đa số thiếu nữ nông thôn ở làng quê. Cô được ăn học đến nơi đến chốn, cái ăn cái mặc cũng đầy đủ hơn các bạn cùng trang lứa. Được cái khuôn mặt xinh xắn với nước da trắng trẻo nên được nhiều trai làng để ý.

Bỗng dưng, có hai chàng trai lạ vào nhà sống cùng, cô cảm thấy ngượng ngùng mất tự nhiên. Cô lẻn ra sau bếp thì thầm vào tai mẹ:

-   Tại sao bác Tèo lại phân công hai anh con trai vào nhà mình, mẹ bảo bố đổi hai chị sinh viên cho con dễ thở. Nhà mình toàn đàn bà con gái bất tiện chết đi được.

Bố cô đứng đằng sau, sẵng giọng nói chen vào:

-   Mày thì biết cái gì, người ta chọn nhà mình là đảng viên lại rộng rãi mới đưa anh lớp trưởng vào ở. Nhà mình sẽ là nơi hội ý hội báo mọi việc trường lớp. Có phải nhà nào cũng được chọn để lãnh đạo ở đâu? Có gì mà bất tiện, trước sống thế nào bây giờ vẫn thế. Mẹ con mày trong buồng có ảnh hưởng gì đâu.

Kể từ hôm ấy, cuộc sống của cô gái tuổi mười bảy bị đảo lộn. Không được tự nhiên ăn nói, hát hò ngẫu hứng hay kéo bạn gái về tán gẫu. Phải yên tĩnh để các anh ấy học tập, nghiên cứu… Đối với anh Hậu, cô thấy tự nhiên hơn vì anh hay chuyện trò, hỏi han tình hình học tập, có hôm còn giảng bài giúp cô. Còn anh Nam thì đúng là lãnh đạo, nghiêm nghị, đạo mạo, già trước tuổi. Lúc nào cũng cắm cúi vào sách vở không thì lại lúi húi viết lách… Những lúc ấy, anh Hậu cười nháy mắt với cô nhìn về phía anh Nam nói nhỏ: “anh ấy đang viết văn, tác phẩm mới đấy, em đừng mất trật tự”.

Thứ bảy hay chủ nhật, thỉnh thoảng lại thấy anh Nam hội họp với các thày hoặc các anh chị khác ngay bàn nước gian giữa nhà cô. Có lần cô để ý nghe, thấy ý kiến anh thật sắc sảo, hầu như mọi người thường gật gù tán thành. Vậy là một thần tượng dần hình thành trong tâm hồn trong trắng của cô gái mới lớn.

Cô hay lén nhìn trộm dáng cao gày của anh đi lại, suy nghĩ điều gì đó bên bờ ao rợp bóng cây. Hoặc ngắm nhìn khuôn mặt sáng sủa với đôi mắt thông minh đang chăm chú lướt trên từng trang giấy… Thế rồi một cảm giác nhớ mong anh trở về nhà mình mỗi khi anh cùng mọi người đi chở gạo, củi, thực phẩm cho nhà bếp của trường. Có lần anh nói đi thăm bố mẹ sơ tán cách đây khá xa… Đã ba ngày trôi qua, chưa thấy anh trở về, lòng cô như lửa đốt, đứng ngồi không yên nhưng vẫn cố nén cảm xúc. Chỉ có mẹ cô tinh ý nhận ra, bà Sự mắng yêu cô:

-   Này con gái! Đời còn dài, tuổi con chưa phải là tuổi neo đậu một chỗ đâu. Con còn phải thi vào đại học, thành sinh viên như các anh ấy đã. Sau này ra trường tha hồ mà chọnlựa, xinh gái như con ối anh theo, bố mẹ tha hồ lo tiếp khách.

-   Con có sao đâu! Mẹ cứ lo xa.

Cô nũng nịu dụi đầu vào ngực mẹ.

Thế rồi ngày thứ ba anh trở về, người đầy bụi đường. Anh chào bố mẹ cô, biếu gia đình mấy phong bánh địa phương nơi bố mẹ anh sơ tán. Buổi chiều gặp cô ở cầu ao, anh đưa tặng cô chiếc cặp “ba lá” rồi hỏi một câu xã giao:

-   Em khoẻ không? Vẫn đi học đều đấy chứ? Tặng em này.

Cô ngượng nghịu lí nhí trả lời:

-   Vâng! Em vẫn đi học, em cảm ơn anh…

Có vậy thôi mà đêm đó cô trằn trọc thao thức mãi quá nửa đêm mới thiếp đi được.

Thế rồi có những chuyện hy hữu rất đời thường mà chẳng lỗi tại ai, đã khiến cho tình cảm mới chớm nở e ấp của cô gái mới lớn bị một lực cản vô hình làm cho khựng lại.

Số là cái thời đó cuộc sống cực kỳ khó khăn, ăn chưa đủ no, nhà không đủ ở, thì làm gì có khái niệm nhà vệ sinh như bây giờ, cứ là “thiên nhiên” hay “công cộng”. Nhất là ở các vùng thôn quê, điều này lại càng bị xem nhẹ. Nhà ông Công bà Sự cũng như tất cả các gia đình khác trong xóm đều như vậy.

Để giải quyết vấn đề “đầu ra”, bà con thường che tạm bợ túm lá chuối khô ở góc vườn, đặt một cái nồi đất nung để chứa nước tiểutận dụng tưới rau. Vậy là mỗi lần ai đó cần “giải quyết nỗi buồn”, góp công chăm rau tươi tốt, đều phải nhìn trước ngó sau, lén lút vụng trộm rồi tranh thủ “phát tán” làm nặng mùi không khí sang cả mấy nhà hàng xóm… Thói quen sinh hoạt lạc hậu đó đã ăn sâu bắt rễ trong nếp sống của bà con.

Khổ thân cho cô thiếu nữ Đào bị một phen nhớ đến già. Sáng hôm đó, ông bà Công ra đồng, hai anh sinh viên đã đến lớp học từ sớm, chỉ có mình Đào ở nhà vì được nghỉ hai tiết đầu. Cô dọn dẹp nhà cửa hồi lâu rồi chuẩn bị đến trường. Trước khi đi, cô thay bộ quần áo tươm tất nhất. Hồi đó, con gái thường được mẹ may cho chiếc quần lụa đen ống rộng, áo sơ mi xanh trứng sáo là diện nhất.

Bỗng nhiên, cái “sự buồn” phát sinh. Cô bình thản ra sau nhà, đến bên chiếc nồi đất, làm động tác vén một ống quần rộng, cong mông “phát tán” vào nồi chứa chất tưới cây…

Ngay lúc đó, Đào giật mình. Trời ơi! Là anh Nam sao lại săm săm đi vào đây, đầu cúi như đang suy nghĩ điều gì, chẳng nhìn ngang nhìn ngửa.Bỗng nhiên, anh vấp mô đất rồi ngẩng đầu lên, bộ dạng của Đào đập ngay vào mắt anh. Anh vội cụp mắt và lập tức quay người đi nhanh ra khỏi góc vườn.

Còn cô bé Đào thì khỏi nói, vội vàng bỏ ống quần xuống, mặt cô đỏ gay vì xấu hổ. Cái sự thẹn thùng của cô gái mới lớn nó khổ sở đáng yêu làm sao, chỉ muốn chui xuống lỗ nẻ. Mấy ngày sau đó, cô tìm cách tránh mặt anh Nam, xin phép bố mẹ sang nhà bạn làm bài. Còn anh Nam cũng có vẻ gượng gạo, lại càng ít tiếp xúc chuyện trò với cô, chỉ thấy cắm mặt vào giấy bút.

Thế rồi hè năm ấy lại xảy ra một tình huống khiến cho Đào chỉ biết nguyền rủa mình: “sao số mình nó đen thế không biết”. Cũng chỉ tại cáithói quen sinh hoạt thủ cựu của cả làng xóm, chẳng ai quan tâm đến đời sống của phụ nữ. Mọi tắm rửa, sinh hoạt kín đáo của chị em đều diễn ra tất tần tật ở cái cầu ao được bắc bằng mấy cây tre trên mặt nước, cũng chỉ được che tạm bằng vài tàu lá chuối khô, chẳng có mái che, chẳng có cửa giả…

Đã nhiều lần Đào nói với bố:

-   Bố! Làm cho con và mẹ một cái nhà tắm trong sân nhà mình đi. Mấy cây tre bắc ngoài ao hỏng hết rồi.

Ông Công ậm ừ, cho là không cần thiết.

Vậy là sự cố xảy ra từ mấy cây tre sắp gãy.Chiều hôm đó, sau khi Đào giúp mẹ dỡ mấy luống khoai trong vườn, khiến cô nóng bức vã mồ hôi. Đào chuẩn bị quần áo ra cầu ao tắm rửa, đủ các thứ lỉnh kỉnh bất tiện lại còn phải bê một chậu nước mưa sạch ra để tráng lại. Mọi việc diễn ra như mọi khi. Công đoạn cuối cùng là tráng nước mưa rồi mặc quần áo là xong.

Điều không may cho Đào đã xảy ra, mấy cây tre ọp ẹp cũ nát đã không chịu tải nổi khi chậu nước mưa đổ ào xuống cùng sức nặng của cô gái. Thế là một tiếng “ùm”, Đào chới với gần giữa ao. Không may cho cô vì cái tính nhút nhát nên không biết bơi. Cô vùng vẫy tuyệt vọng nhưng vẫn kịp kêu to:

-   Mẹ ơi! Cứu con.

Rất may lúc đó anh sinh viên Nam đang thơ thẩn dạo gót bên bờ ao bên kia. Nghe tiếng kêu cứu, anh không đắn đo nghĩ ngợi vội nhảy ùm xuống bơi nhanh đến chỗ có tiếng kêu. Anh chợt nhận ra Đào, trên người không mảnh vải che thân chỉ còn độc chiếc quần lót màu đỏ. Trong đầu anh chỉ nghĩ duy nhất một điều là làm sao nâng cô lên và đẩy vào bờ. Còn Đào thì sặc sụa vì uống nước ao quá nhiều, cô gần như lả đi.

Vừa lúc đó, có ngay sự ứng cứu của bố mẹ cô gái. Bà Sự nhanh ý đã chạy ra bờ ao đón con trong tay cầm theo chiếc áo tơi lá cọ chùm ngay lên người con gái…

Sự việc xảy ra khiến ông Công tỉnh ngộ. Ông cầm dao bực bội chém xuống mấy cây tre cầu ao cũ nát, miệng lẩm bẩm: “mày giết con tao…”.

Ngay ngày hôm sau, với sự trợ giúp của hai chàng sinh viên, ông đã làm nhà tắm cho vợ và con gái sau bếp. Anh Nam đã trở thành ân nhân của gia đình. Còn cô gái, kể từ khi được anh cứu sống không dám ngẩng mặt nhìn anh, chứ nói gì đến lời cảm ơn. Cô xấu hổ vô cùng tận, nỗi thẹn thò đáng yêu của một cô gái thanh tân.

Thế rồi, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt. Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá với mục tiêu “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Vùng quê đồng bằng Bắc Bộ của Đào cũng không còn yên bình nữa, hầm trú ẩn được đào dự phòng, những chiếc mũ rơm được tết cho các em bậc trung học, tiểu học để phòng tránh bom bi. Các ụ pháo được dân quân tự vệ xây đắp, cả làng xã sôi sục khí thế chiến đấu.

Hai tuần sau vụ cứu người đuối nước ao nhà, hai anh sinh viên Nam, Hậu tạm biệt gia đình ông Công. Trường Đại học được lệnh rời đi sơ tán xa hơn, nghe đâu tận miền núi Đông Bắc. Bữa cơm chia tay không có mặt Đào, cô vẫn còn ngượng chưa vượt qua được mặc cảm để giáp mặt hai anh, nhất là anh Nam. Cái cảm giác một tay anh ôm lấy eo trần của cô, một tay khoả nước như mái chèo, hai chân đạp nước cố nâng cô lên cao để đẩy vào bờ. Cảm giác ấy như vẫn còn nóng bỏng nơi eo trần khiến trái tim cô đập gấp gáp làm đỏ bừng khuôn mặt xinh xắn.

Ngay đến cả giây phút các anh cảm ơn bố mẹ rồi tạm biệt ra xe, Đào vẫn không dám ló mặt ra. Từ trong buồng cô nghe anh Nam nói:

-   Bác cho cháu gửi lời chào em Đào. Cháu và Hậu tặng em mấy cuốn sách là tập truyện, thơ và lý luận văn học. Chúng cháu mong em Đào sang năm thi vào trường Tổng hợp văn như chúng cháu. Cháu tin sẽ có ngày gặp lại. Cảm ơn hai bác ạ.

Các anh đi rồi Đào buồn bã thẫn thờ mất một thời gian. Sau rồi thời cuộc cũng cuốn cô đi theo dòng đời định sẵn cho mỗi con người.


Cô bé Đào năm ấy đã trở thành cô sinh viên của khoa văn, trường Đại học Tổng hợp. Khi cô vào trường cũng là lúc các anh ra trường. Chiến tranh và nỗi rụt rè e ngại của thiếu nữ mới vào đời khiến cho Đào đứt liên lạc với anh Nam từ đó. Cô chỉ nghe phong phanh các anh tốt nghiệp ra trường năm ấy đa số nhập ngũ bổ sung cho chiến trường miền Nam…

Kỷ niệm những ngày sinh viên sơ tán về làng dần dần bị lớp bụi thời gian phủ mờ. Riêng mấy cuốn sách anh Nam tặng ngày nào thì cô vẫn lưu giữ, trong đó có chữ ký phóng khoáng rắn rỏi của anh, dưới chữ ký là ngày, tháng, năm chia tay.

Cuộc đời Đào cũng chìm nổi như bao người phụ nữ “hồng nhan” khác. Ra trường, trở thành cô giáo dậy văn trường cấp ba ngoại thành, rồi nội thành Hà Nội. Cô kết hôn với một anh giáo viên cùng bộ môn người Hà Nội. Mối lương duyên cũng chẳng được bền lâu, anh ta cậy người gốc Hà Nội hay xem thường và thiếu tôn trọng vợ. Cô giáo Đào cố chịu đựng cho đến khi hai con trưởng thành, họ tuyên bố “đường ai nấy đi”.

Giờ đây bà Đào sống trong một căn hộ nhỏ gần bên căn hộ của vợ chồng con gái lớn. Còn chồng bà sống với cậu con trai thứ ngoài phố cổ Hà Nội. Sau khi ổn định cuộc sống, bà thấy như đời mình bước sang một trang mới. Bà tự tin làm chủ cuộc đời mình, tham gia vào các hoạt động cộng đồng cư dân, các câu lạc bộ văn thể mỹ, hội giáo chức, hội phụ nữ…

Ở thời điểm dịch bệnh lan tràn, bà vừa là tổ trưởng cư dân toà nhà, kiêm nhiệm tổ chức từ thiện giúp đỡ các gia đình neo đơn đang nhiễm bệnh. Quyên góp thực phẩm, thuốc men, cắt cử người gọi điện liên lạc hướng dẫn và mang thực phẩm đến từng gia đình. Bà không còn thời gian rỗi dành cho sự buồn chán.

Mấy năm trước, ký ức xưathường hiện về, bà thường có thói quen theo dõi chương trình “Tác phẩm mới” trên tivi.

Hôm ấy, khi cô MC giới thiệu: “mời các bạn làm quen với nhà văn Nguyễn Trấn Nam cùng tác phẩm mới vừa xuất bản Một thời đã xa, đã được trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật cấp Nhà nước”. Bà Đào vội vàng ngừng tay nhặt rau, nhìn lên màn hình:

-   Ối! Đúng là anh Nam đây rồi.

Đường nét xưa vẫn còn đây. Nhìn anh đã nhuốm màu thời gian, tóc bạc trắng như cước hất lên lộ vầng trán rộng thông minh, đôi mắt sáng cương nghị. Đôi môi hơi mím thể hiện bản lĩnh đàn ông trong con người anh. “Nhìn anh thật phong độ”, bà Đào thầm nghĩ.

Thực ra, trong suốt mấy thập kỷ qua, bà vẫn có ý tìm thông tin của ông Nam. Thông qua báo chí và diễn đàn văn học cả nước, bà đã biết được anh sinh viên Nam sơ tán ở nhà bà xưa kia đã trở thành một nhà giáo, một nhà văn nổi tiếng. Ông đã có vài tác phẩm nhận giải thưởng văn học. Bà đã tìm mua các tác phẩm của ông về đọc, kể cả các bài bình luận trên báo chí bà cũng không bỏ sót. Nhưng tuyệt nhiên bà không biết được hiện ông đang sinh sống ở đâu và cuộc sống gia đình riêng ra sao? May mà hôm nay có buổi phỏng vấn trực tiếp trên tivi, bà Đào mới nhìn rõ ông sau mấy mươi năm. Hình ảnh sống động của ông khiến bà xúc động nhớ lại hồi ức xưa…

Thế rồi, cũng tại khu chung cư này, vào thời điểm đầu dịch Covid bùng phát, Nhà nước bắt đầu khuyến cáo chuẩn bị dãn cách xã hội. Mọi người nhà nhà đua nhau mua hàng hoá nhu yếu phẩm, thuốc men tích trữ. Bà cũng giống như mọi người xuống siêu thị gấp gáp chọn mua. Bỗng nhiên, bà chú ý đến một người đàn ông đã có tuổi dáng quắc thước, đặc biệt có mái tóc trắng như cước, đôi gọng kính lão trắng lấp loáng trên đôi mắt đã bắt đầu mờ đục. Chiếc khẩu trang to bản che hết quá nửa khuôn mặt khiến bà Đào không hình dung được diện mạo ông ra sao.

Đến lúc thanh toán, bà xếp hàng ngay sau ông. Thực ra, số lượng hàng ông mua không nhiều. Bỗng nhiên, câu chào hỏi của cô bé thu ngân đập vào tai bà:

-   Ôi! Cháu chào nhà văn, lâu lắm mới thấy bác mua hàng. Bác để cháu thanh toán xong rồi sẽ cử bạn ấy mang lên tận căn hộ cho bác.

Nhà văn vui vẻ nói:

-   Các cháu tốt quá, bác cảm ơn.

Giọng ông rành mạch, rõ ràng, âm vang. Bà Đào không còn nhớ giọng ông Nam khi xưa ra sao nhưng giọng nói của người đàn ông tóc trắng như cước kia đã làm cho trái tim bà loạn nhịp. Lẽ nào là nhà văn Nguyễn Trấn Nam trong chương trình “Tác phẩm mới” mà bà đã xem trên tivi cách đây mấy năm và cũng chính là anh sinh viên Nam sơ tán về nhà bà năm nào. Bà hồi hộp nghĩ xem có cách gì làm quen với người đàn ông đáng kính này.

Nhưng không kịp, ông đã bước ra khỏi quầy thanh toán. Bà nhìn theo không sao liên tưởng được hình ảnh anh sinh viên Nam khi xưa với người đàn ông cao tuổi này lại là một.

Đến lượt bà thanh toán, vừa xếp hàng hoá lên băng truyền bà vừa tranh thủ hỏi cô bé thu ngân để thẩm định một lần nữa:

-   Bác ấy là nhà văn tên gì đấy cháu? Bác cũng hay đọc sách lắm, không hiểu có cuốn nào của ông ấy không?

-   Dạ! Bác ấy là nhà văn Nguyễn Trấn Nam nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng văn học cấp Nhà nướclắm bác ạ. Bác ấy sống một mình nên chúng cháu hay mua đồ giúp.

Cô bé nhanh mồm nhanh miệng đã lộ bí mật hết thân phận của nhà văn. Bà Đào thầm cảm ơn cô bé đã giúp bà tìm ra tung tích ân nhân của bà, người mà bà hằng ngưỡng mộ, quý mến.

Tuy đã tìm ra ông Nam, nhưng bà chưa biết nên tiếp cận ông thế nào? Số điện thoại của ông chưa có,  thỉnh thoảng đi qua toà nhà ông ở, hy vọng gặp ông đi dạo dưới sân. Nhưng rồi, thời điểm sau đó tình hình dịch bệnh càng căng thẳng, số ca nhiễm càng nhiều. Toàn xã hội dãn cách triệt để, chẳng còn ai dám ra khỏi nhà. Việc vô tình gặp được ông nhà văn khá khó… Thôi thì khi nào hết dịch hẵng hay. Nhưng rồi đại dịch mãi chẳng chấm dứt, việc tổ chức giúp đỡ các gia đình nhiễm bệnh càng nhiều.

Lúc này, trong suy nghĩ của bà Đào luôn nghĩ ông Nam sống cô đơn một mình, chẳng hiểu ông ấy xoay sở ra sao? Vợ con thế nào không biết? Bỗng bà nẩy ra sáng kiến tại sao mình giúp đỡ người khác được còn ân nhân mình lại không giúp nhỉ? Nghĩ là làm, bà xách túi vội vã đến siêu thị chỉ còn phục vụ cư dân nốt hôm nay là đóng cửa, chưa biết đến khi nào mới mở lại.

Bà Đào cắm cúi chọn lựa, nào mì,miến, sữa, rau, thịt… Hồi lâu bà đẩy xe hàng ra quầy thanh toán. Thanh toán xong, bà nói với cô bé thu ngân:

-   Lô hàng này bác nhờ cháu chuyển đến cho bác nhà văn Nguyễn Trấn Nam. Bác ấy đã cao tuổi, lại sống một mình, không có ai giúp đỡ. Đội cứu trợ từ thiện của Phường ta đã giúp rất nhiều nhiều gia đình, lần này đến gia đình bác nhà văn. Cháu có số điện thoại của bác ấy không? Cho bác để gọi điện nhỡ ra có việc gì cần giúp đỡ bác ấy.

À mà này, các cháu không cần nói ai gửi hàng cho bác nhà văn nhé. Cứ lấy danh nghĩa siêu thị là được.

-   Vâng ạ! Bác yên tâm.

Cô bé nhanh nhẩu đáp lời, rồi tìm số điện thoại của ông Nam chuyển sang máy cho bà Đào.

Nhưng rồi, ngay sáng hôm sau bà Đào nhận được điện thoại của cô bé thu ngân:

-   Bác Đào ơi! Lô hàng hôm qua bác nhà văn trả lại không nhận đâu ạ. Bác ra nhận lại hộ cháu để còn dọn dẹp đóng cửa ạ.

Bà Đào nghe xong chợt buồn, bà không nghĩ điều đó lại xảy ra. Giá như ông biết là quà của cái cô Đào bẽn lẽn ngày xưa gửi có khi ông lại nhận. Bà thầm nhủ, mình phải gặp ông, để dành cho ông một điều bất ngờ. Cái cô bé Đào mà ông đã cứu sống đang ở rất gần ông đây. Cũng may, chúng ta lại cùng sống trong một khu chung cư…

Bà vội bấm máy trả lời cô bé thu ngân:

-   Alo! Cháu chuyển hộ bác lô hàng đó cho tổ chức cứu trợ từ thiện, để họ giao cho gia đình khác. Bác cám ơn các cháu đã vất vả. Đợt dịch này mà không có các cháu cùng hoạt động giúp đỡ tổ dân phố, toà nhà các bác khó mà hoàn thành nhiệm vụ.

Sau sự việc đó, bà Đào dự định sẽ chủ động gọi điện thăm hỏi ông Nam. Nhưng bà chưa kịp gọi thì tình hình dịch bệnh có biến chuyển.

Điều cơ bản may mắn nhất là đã khống chế được dịch bệnh. Đó là việc tiêm vacxin đã bao phủ toàn đất nước. Bà Đào cũng như đa số cư dân trong khu chung cư này đã được tiêm mũi thứ ba, đó là một cố gắng rất lớn của Nhà nước lo cho dân. Ngược lại số người nhiễm bệnh (F0) lại tăng lên chóng mặt, nhưng khác hẳn vớithời kỳ đầu, nhờ có mũi tiêm thứ ba mà tình trạng người bệnh nhẹ hẳn đi, chỉ như một đợt cảm cúm. Có gia đình bị lây bệnh cả nhà, nhưng rồi chỉ một tuần sau điều trị tại chỗ, mọi người đã âm tính trở lại. Chính bà Đào cũng trở thành bệnh nhân dạng như vậy. Những ngày tự chữa và cách ly trong nhà, bà luôn trăn trở nghĩ đến ông Nam, liệu có bị lây bệnh không? Cũng như bà, ông là người cao tuổi, nếu có thêm bệnh nền thì sẽ trở nên khó khăn hơn.

Thế rồi, tình hình dần dần khả quan, các F0 được phép điều trị tại nhà, một số trường trung học được mở cửa. Số ca nhiễm bệnh vẫn tăng nhưng tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể. Một vài nước trên thế giới đã tuyên bố Covid-19 đã trở thành bệnh “đặc hữu” giống như cúm mùa. Bà Đào theo rõi tình hình trên tivi hàng ngày mà phấn khởi. Sức khoẻ bà đã trở lại bình thường.

Chiều hôm sau, bà thay bộ đồ thể thao màu ghi, đi đôi giày màu ghi xám, không quen đeo khẩu trang và mặt nạ chống giọt bắn. Bà quyết định ra khỏi nhà, đi dạo trong công viên sau toà nhà. Bà làm vài động tác thể dục nhẹ nhàng, rồi ngồi xuống ghế nghỉ ngơi, hít thở khí trời cuối Xuân ấm áp, hương hoa toả thơm ngát.

Bỗng nhiên, bà nhìn thấy dáng cao gày của người đàn ông có mái đầu bạc trắng đang đi bộ vòng quanh các luống hoa đang đua nở. Ông đi vài vòng rồi nhẹ ngồi xuống chiếc ghế tựa dưới gốc thông.

Bà Đào thầm kêu: “Trời! Đúng là ông Nam rồi. Hoá ra ông cũng đi dạo ở đây sao”? Trái tim bà cũng hơi loạn nhịp một chút, nhưng rồi bà trấn tĩnh được ngay và quyết định phải chớp lấy cơ hội tiếp cận ân nhân của mình. Bà tự trách mình: “hồi trẻ tệ thật, không một lời cảm ơn cho tới lúc ông rời khỏi làng xóm”. Bây giờ là cơ hội trả ơn người đàn ông mà cô đã ngưỡng mộ từ thủa thiếu nữ.

May quá, trong túi bà có cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Nguyễn Trấn Nam. Bà sẽ lại gần và xin chữ ký…

Kể từ hôm đó, cư dân trong khu chung cư thường thấy hai người bạn già đi dạo cùng nhau trong công viên. Trên tay họ thường cầm một cuốn sách hay tạp chí nào đó. Thỉnh thoảng họ ngồi nghỉ bên nhau trên ghế, chuyện trò vui vẻ.

Trên môi họ nở những nụ cười rạng rỡ. Đó là niềm vui của sự hội ngộ, niềm vui cảm thông, tâm đầu ý hợp của một tâm hồn trong hai cơ thể. Tình cảm ấy là nguồn năng lượng tích cực giúp họ dám thách thức với thời gian và dịch bệnh.

 

Hà Nội, cuối Xuân 2022.

unnamedmn

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)