bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 168
Trong tuần: 1105
Lượt truy cập: 795364

ÁNH ĐÈN LÒ (C1)

Vũ Thảo Ngọc

Chương I
          Chiều phố mỏ vẫn như mọi khi. Nhưng với khu phố Đoàn Kết hôm nay thì khác. Một sự kiện chưa từng thấy sẽ diễn ra tối nay. Thời tiết đẹp, vào cữ giữa tháng nên có cả trăng, gió thổi nhè nhẹ, lòng người cũng như thư thái hơn.Ánh trăng hình như cũng thấu hiểu lòng người mà cứ rời rợi sáng. Ở phố mấy ai còn đi ngắm trăng khi các phương tiện nghe nhìn của thời hiện đại đã chật ních mỗi nhà. Bỗng nhiên có ngày ra đầu phố nhìn thấy vầng trăng treo giữa bầu trời trong veo thì cảm giác đó siết bao xúc động chen lẫn niềm hạnh phúc của kẻ đã đủ đầy mọi thứ, chợt nhớ vầng trăng xưa đã theo người suốt hành trình cuộc đời. Chẳng thế mà trong khu phố mỏ khối các chị các em hát rất hay bài dân ca xứ Thanh rộn ràng có những lời ca mộc mạc mà vô cùng ám ảnh: “...ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...ba bốn cô có hẹn cùng trăng...có hẹn cùng trăng...” cứ tưởng trăng đi vào dĩ vãng, nhưng hôm nay thì dân khu phố Đoàn Kết nơi đây như chợt nhận ra mình còn một báu vật luôn treo trên trời mà tất cả như chợt lãng quên...
   Hôm nay cả khu phố Đoàn Kết hân hoan vì nhà Đáo có tiệc mời. Gọi là khu phố là theo cách gọi ngày nay, chứ nó vốn dĩ là một dãy nhà cấp bốn được xây dựng từ đầu thế kỷ, cái thời sản xuất than thủ công thì những dày nhà này cũng nhuốm màu than bụi, cũ kỹ. Dạo đầu thế kỷ hai mươi người ta gọi chung là lán, chỉ nơi ở của những người thợ mỏ khắp nơi về vùng này kiếm sống bằng hòn than dưới thời thuộc Pháp. Khi xã hội thay đổi, người thợ mỏ được làm chủ, được nhà nước quan tâm nên  nên những dẫy nhà cũng như được thay đổi số phận theo và mang tên gọi mới Khu tập thể công nhân mỏ, rồi Khu phố Đoàn Kết, Thắng Lợi, Hòa Bình... được thay thế cái tên của thời đen tối gọi chung là Lán!
Những dãy lán thợ nhà cấp bốn lúp xúp chạy theo triền núi Trọc. Chả hiểu tại sao lại gọi tên núi là vậy, hoặc người ta thấy những quả núi như bát úp nối đuôi nhau chạy xa tít về phía rừng sâu mà không có cây mọc ở đỉnh nên gọi là núi Trọc. Hoặc vì muôn vàn những lý do nào đó khi những cư dân đầu tiên đến vùng đất này khai sơn, lập lán. Rồi dân cư đông lên, những dãy lán thợ cũng phát triển  theo. Thế hệ này rồi thế hệ khác, cứ thế mà neo vào đó mà sinh cơ lập nghiệp. Ngày trước lèo tèo vài lán chứ bây giờ thì cả trăm dãy nhà liền kề nhau, nhìn từ dưới biển lên vào ban đêm, ánh đèn từ các căn nhà hắt ra cũng làm nên một bức tranh vùng mỏ than sống động.
Thời đại mới, người ta không gọi là lán (chẳng hạn lán người Thái Bình thì gọi luôn là lán Thái Bình, lán người Nam Định thì gọi luôn lán Nam Định), thậm chí có cả lán Ba Cô - chỉ nơi các cô hành nghề bán phấn buôn hương của cái thời đen tối dưới ách thực dân nữa, mà bây giờ gọi là khu tập thể công nhân mỏ. Vì thế, các dãy lán thợ ngày ấy đã được thay cái tên mới  theo tinh thần xã hội mới với những cái tên Đoàn Kết, Hòa Bình, Thắng Lợi là như thế...
 Rồi thành tên phố, tên phường của vùng đất mà mấy thế hệ cha ông đã ra làm lụng, gây dựng nên cơ đồ từ hòn than nhọc nhằn. Thế hệ trước nếu không kể ra tường tận về lai lịch những dãy nhà liền kề chạy theo triền núi Trọc có cả trăm năm qua thì bọn trẻ thời nay cũng chịu không biết sao mình lại ở trong những căn nhà dài như một khoang tàu hỏa
   Nhà Đáo cũng vậy, cũng được sở hữu một căn nhà dài như một toa tàu dài đuỗn theo khuôn đất đã có sẵn. Phía trước là cái hè nho nhỏ, rồi đến phòng khách, phòng ngủ, rồi phía sau là khoảng đất trống bớt lại làm tí sân vườn, nhà bếp, nhà vệ sinh. Cuộc sống của cánh thợ mỏ như thế gọi là khá tươm tất. Ban đầu mỏ còn quản lý khu nhà gia đình, nhưng sau thì theo quy định của thành phố các gia đình được hóa giá mua lại của nhà nước, được cấp sổ đỏ hẳn hoi. Thế là nhà nào có điều kiện bung luôn để xây lên tầng, hoặc chê chật hẹp thì bán đi mua khu đất mới để làm nhà cho rộng rãi, vừa có đất làm nhà ở, vừa có vườn nuôi gà, trồng rau. Nhà Đáo cũng chỉ tùng tiệm đủ ăn nên chỉ dám mơ phá đi và xây lên hai tầng là ở thoải mái, bởi cái “con tàu” này dài nhưng vẫn chứa đủ bốn người nhà Đáo một cách trọn vẹn. So ra với nhiều người thì Đáo vẫn được ưu tiên. Lý do ưu tiên là Đáo có thành tích lao động cao, hai vợ chồng cùng làm mỏ, thế là được ưu tiên căn nhà đầu hồi lãi thêm được cái khoảng không đầu hồi còn trồng được mấy luống rau, ngăn ra làm được cái chuồng gà nuôi mấy con cho nó đẻ trứng. Đáo bằng lòng với cuộc sống vốn nhọc nhằn của đời thợ mỏ.
  Năm tháng qua đi nhanh như những cơn gió mùa giông bão, đến hôm nay, đầu đã hai thứ tóc thì mới thấm thía từng chặng đường qua, chứ ngày xưa, bước chân ra khỏi làng Trong của thày mẹ, Đáo đâu biết có ngày hôm nay, ngày mà Đáo đã trải qua biết bao vinh nhục của cái nghề nặng nhọc và được vinh danh. Đáo luôn nghĩ, mình trở thành một gã thợ lò vâm váp ở mỏ đã là tuyệt vời lắm rồi. Đáo chả dám mơ có ngày được lên bục vinh quang để nhận được danh hiệu cao quý Chủ tịch nước trao tặng. Đó là niềm vui tột cùng không chỉ của riêng Đáo mà của cánh thợ lò đông đảo ở vùng mỏ. Bởi lẽ, chỉ có cánh thợ lò mới thực sự hiểu cuộc đời của họ, không phải lúc nào họ cũng gặp may để trong cuộc đời mình có thể tiến đến bục vinh quan mà nhận phần thưởng của nhà nước dễ dàng gì. Chỉ cánh thợ lò mới thấu hiểu cái ánh đèn lò của mình dẫn đường cuộc đời của một người thợ đào lò đi và đến như thế nào. Cái ánh đèn trên mũ lò như đôi mắt thứ hai của mỗi người thợ lò đề họ dấn bước từng ngày trước gương than. Cái ánh đèn lò ấy như người bạn đồng hành cùng người thợ để anh chinh phục những tầng than trong lòng đất tối thui trong suốt cuộc đời. Cái ánh đèn lò như người anh, người bạn, như người yêu để cùng anh vững bước mỗi khi vào ca. Với Đáo, ánh đèn lò là ngôi sao vĩnh cửu dẫn dụ anh từng bước dù thành công hay thất bại thì luôn là ngôi sao hộ mệnh cho anh vững tin vào cuộc đời. Và mắt Đáo cũng chỉ quen với ánh đèn lò là thế, vì vậy mà mỗi khi được nghỉ ngơi ra ngoài phố, anh nhìn cái gì cũng thấy...lóa. Bước đi trên đường phố lấp lánh ánh đèn phố thị mà vẫn nghĩ đi trong...lò sâu!Cái ánh đèn lò - ngôi sao hộ mệnh của anh là như thế. 
 Trên thân thể anh, gương mặt anh đã có biết bao nốt bằm sâu của những mảnh than mấy chục năm qua.  Hôm nay  Đáo muốn bà con khu phố cùng chia ngọt sẻ bùi với anh và với cái gia đình nhỏ bé thân thương của anh về cái niềm vui to lớn mà anh vừa nhận được.
    Bà Huệ tổ trưởng khu phố đang chỉ đạo các cháu thanh niên và bà con trong khu sắp sửa bàn ghế, cốc chén, giọng bà xởi lởi chen lẫn những người khác, không khí trước bữa tiệc rất rôm rả:
-Các ông các bà ạ, tài thế cơ chứ, nhìn chú Đáo củ mỉ, cù mì thế mà tài ghê. Ai lại lên được cái chức Anh hùng mới kinh chứ.
-Eo ơi - giọng một thanh niên – bác Huệ lại gọi là lên chức anh hùng bao giờ, phải gọi là được phong tặng chứ.
-Tiên sư anh, chỉ được cái trứng khôn hơn vịt, được lên chức mới oách, chứ gọi được phong tặng nghe như gió thổi, nó chả thổi mẹ nhà anh đi à.
- Ui ui...chết cười với bác Huệ mất thôi.
-Kệ tao nhá, gọi gì thì gọi, tao vẫn nói đúng chức nhà anh cu Đáo là Anh hùng lao động còn gì.
-Thế bác biết bác Đáo được Anh hùng là thế nào không?
-Hừm, là Anh hùng thì anh hùng thôi, chúng mày chỉ được cái vặn vẹo!
Cả đám cùng cất lên tiếng cười không ngớt, những tràng cười như không thể dứt được. Giọng một ai đó cất lên:
-Chết thôi, rách cả mép nhà cháu, lát chả ăn được cỗ bác Đáo khao đâu, bắt đền bác Huệ đó.
-Ừ, thế đứa nào giỏi thì nói cho bác Huệ và cả nhà nghe, bác Đáo làm thế nào mà lên chức Anh hùng lao động được.
-Là làm cái việc không ai dám làm.
-Là dũng cảm lao vào chỗ chết cứu người.
-Là ...là...là...
-Sai bét. Bác Đáo lên Anh hùng vì...
-Vì sao mà cứ ấp a, ấp úng thế.
-Vì ....vì ...chặt chân ông thợ lò cùng tổ đấy nhá!
-Khiếp. Chúng mày chỉ bịa toạc. Làm việc ác thế ai cho lên Anh hùng. Bọn này điên hết cả rồi. Ăn nói cho cẩn thận không có ngày đi tù con ơi.
-Thật mà, cháu nghe bố cháu nói, bác ý còn suýt bị kỷ luật đấy...
-Ui trời...thế ra cái anh cu Đáo này cũng phức tạp nhỉ.
-Thế mới gọi là Anh hùng, các bác biết đấy, trong lò tối thui, việc làm tốt cũng thành ra xấu nếu không ai làm chứng cho coi như đảo lộn hết. Nghe nói các bác bị bác Đáo lấy cuốc lò chém đứt chân để cứu bác ấy ra khỏi cái chết bị đá đè, bác ý đã lấy mạng sống ra để đảm bảo với các bác cấp trên là hành động của bác Đáo không sai, nếu không làm thế, bác ấy đã chết. Vì thế, bác Đáo là một anh hùng.
-Câu chuyện ly kỳ hấp dẫn quá. Thế thì càng ngưỡng mộ bác Đáo khu phố ta.
-Ôi, bác Huệ - tiếng Đáo âm âm vang lên - ôi, các bác khu phố, các cháu, hôm nay cho phép gia đình nhà cháu được mời cả khu phố ly rượu nhạt gọi là mừng cái thành quả lao động của tôi. Cả đời làm thợ lò, hôm nay như được lên thiên đường, nhìn các bá, các chị, các cháu ai cũng đẹp lung linh. Cảm ơn mọi người đã đến giúp nhà cháu nhiều ạ. Nhất là bác Huệ tổ trưởng, cảm ơn, xin cảm ơn tất cả ạ.
-Gớm, bố cu hôm nay văn hoa quá cơ - bác Huệ đáp lại lời Đáo. Chúng tôi là vui gấp nhiều lần vì khu phố ta có người lên chức Anh hùng, niềm vui ấy thì không gì so sánh được. Ông Đáo lên bố vợ, bố chồng cũng không vui bằng. Ai lại vui thế cơ chứ, có phải không bà con.  Nào các chị, các cháu, bưng đồ ăn ra thôi.
Sau “hiệu lệnh” của bác Huệ thì các mâm cỗ được bày ra thịnh soạn. Bác Huệ vẫn giọng rổn rảng bảo vợ Đáo:
-Cái nhà mẹ Liên vào thay quần áo đẹp đi, chuẩn bị tiếp khách cho nó lịch sự. Không phải tay năm tay mười đâu, để đây bác chỉ đạo là được rồi. Cả đời người mới có một lần thế này nên cứ phải hoành tráng, nhá, đi vào, đi vào thay quần áo đẹp đi.
Nghe thế, gương mặt Liên như rạng hồng hơn, chị nhỏ nhẹ:
-Vâng em cảm ơn bác, thế còn gì bằng, cơ mà cỗ bàn thế này để các chị giúp thật phiền quá cơ.
-Vẽ, mẹ mày không phải ý tứ, vào đi, vào đi mà thay cái áo dài nào đẹp nhất ấy nhé, cứ là phải tươi rói, lịch sự, hoành tráng, mẹ mày ạ.
Cả đám giúp làm cỗ đều cười vui vẻ. Các mâm cỗ đã bày biện xong. Trăng cũng đã treo nghiêng ngọn tháp nhà thờ ở phía dưới đường. Ánh điện hôm nay cũng như bị ánh trăng giữa tháng làm mờ đi thì phải.
Vợ chồng Đáo trịnh trọng áo dài, comlpe ngượng ngập như ngày làm đám cưới. Hai vợ chồng tay trong tay đi nâng rượu mời mọi người. Ánh mắt của hai vợ chồng Đáo như ánh sao lấp lánh lại như ánh đènlò của Đáo mỗi khi vào ca...
 Đáo trịnh trọng tuyên bố trước khi vào bữa tiệc. Ngập ngừng mãi chưa nói ra được lại bị bác Huệ “thúc”:
-         Cứ nói điều giản dị đi chú. Đừng câu nệ làm gì, chị em ta đều cánh áo ngắn, có gì phải màu mỡ riêu cua. Phải không cả nhà.
-         Đúng rồi, có gì thì cứ nói giản dị cho chúng tôi biết lý do được ăn cỗ là được rồi chú Đáo ơi.
Mỗi người một câu râm ran, niềm vui cứ lan tỏa. Đáo bật lên mấy lời :
-Dạ, thưa các bác, các anh chị, các em và các cháu, chuyện là thế này, tôi năm nay, e hèm...cũng may mắn, cũng là ...niềm vui chung của phố ta. Tôi vừa được phong Anh hùng lao động, hôm nay có chén rượu nhạt mời tổ dân phố chung vui với vợ chồng tôi.
Tiếng vỗ tay không dứt. Ai đó hô dô nào, nâng cốc nào...thế là đám tiệc tưng bừng náo nhiệt hẳn lên, chả ai còn kịp nghe Đáo định bày tỏ điều gì nữa. Vợ chồng Đáo chỉ còn biết nở nụ cười tươi, chỉ còn biết cùng nâng cốc với tất cả mọi người. Râm ran bàn tán. Ai cũng bảo, cái nhà anh Đáo đi làm lụng cả năm cả đời chịu thương, chịu khó, về đến nhà là dọn dẹp cửa nhà tinh tươm cho vợ con, thật bất ngờ anh ấy lại lập công to thế. Ai cũng bất ngờ vì niềm vui to lớn của anh. Ai cũng vui, niềm vui của những người thợ mỏ cùng xóm thợ. Mà như ai đó có khi còn giấu giếm cái bổng lộc đi, chứ nhà Đáo thì đem ...khoe với mọi người để được nhận thêm tình làng nghĩa xóm hơn. Mà có thế mới biết cái công việc cuốc mỏ nó nhọc nhằn thế nào, nó gian nan ra làm sao. Đúng là cái anh cả Đáo thật là hóm...Bất ngờ một giọng nam trầm cất lên: “Tôi là người thợ lò sinh ra trên đất mỏ...” và một người hát, mấy người vỗ tay, rồi cả bàn tiệc bừng bừng khí thế theo không khí trầm hùng của những ca từ trong bài hát mà cánh thợ mỏ đã thuộc nằm lòng từ bao giờ. Đáo ngợp trong chứa chan hạnh phúc. Giọt nước mắt anh ứa ra. Liên nhìn thấy chồng vậy thì đưa bàn tay ra nắm chặt tay Đáo. Họ lâng lâng trong niềm hạnh phúc riêng chung vô hạn.
   Trăng lên, điện sáng, hôm nay có một góc phố mỏ tràn ngập những niềm vui không thể tả nổi. Phía xa xa kia là biển Hạ Long lung linh huyền ảo, nhấp nhô với cả ngàn đảo đá biến ảo khôn lường. Trên đầu là những trái núi chứa cả tỷ tấn than, trong lòng núi ấy, hôm nay ai vào ca ba...Lòng Đáo dâng lên những niềm vui không tả xiết. Anh nhớ đến những đồng đội sát cánh bên anh giờ đứa còn, đứa mất, nhớ đến những ngày đầu tiên nằng nặc rời xa thày mẹ từ làng Trong ra mỏ, nhớ người anh trong tâm tưởng là giám đốc Nam...Tất cả những điều đó đã làm nên một Đáo hôm nay. Đêm nay có lẽ là đêm vui nhất trong cuộc đời của Đáo!
  Đáo hòa vào cái vui chung của khu phố về chiến công của anh. Đáo ngất ngây giữa hàng hàng tiếng hô nâng cốc dô dô và tiếng hát cất lên giọng của những người thợ lò khàn đục lẫn trong trẻo, những câu ca không đầu, không cuối nhưng vẫn vui lắm, tràn trề niềm vui : “...mỗi khi tan ca anh cùng em lại ghi thêm nhiều chiến công, là la lá la....” âm hưởng lời hát, tình thân của anh em phố thợ như làm say lòng người hơn, câu hát ngân xa, niềm vui nhân ba, vợ chồng Đáo ngập tràn trong hạnh phúc giản dị ấy.

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)