Vũ Thảo Ngọc
ÁNH ĐÈN LÒ (Chương 3)
3
Cũng giống như muôn ngàn đứa trẻ sinh ra khác ở các làng quê. Đào Văn Đáo cũng sinh ra trong một gia đình thuần nông có tới chín anh chị em. Những đận đói dài không có điểm dừng đã ám ảnh người mẹ nông dân khốn cùng. Đến nỗi anh em Đáo có những cái tên rất chi đặc sắc. Lúc mới mẹ còn thong thả đặt: Đĩnh, Đạc, Thong, Thả, Phúc, Lộc, sau thì cái đói bám diết nên mẹ không ngần ngại đặt tên lũ con một cách ngẫu nhiên, không phải suy nghĩ nhiều, chữ nghĩa mà làm gì. Thế là: Túng, Bấn, Giáp, Hạt, Đáo. Cái tên Đáo là mẹ đặt khi ông bác họ đồng ý cho đáo hạn nợ thóc vụ chiêm đến vụ mùa, ông bác bảo thím sắp đẻ đứa nữa, thôi thì tôi đáo hạn đến chiêm sau trả cũng được. Mẹ đã không nửa giây suy nghĩ khi bố đi làm khai sinh thì ghi luôn tên của anh cu vừa đẻ là Đào Văn Đáo.
Cái tên nó ám ảnh và lưu giữ khoảnh khắc thời gian của đời người mẹ nông dân quanh năm bám mặt với ruộng đồng. Chỉ có mỗi giấc mơ là làm sao lo cho đàn con chín đứa no bụng, ấm thân. Khát vọng bé nhỏ ấy cứ lớn dần từng ngày và từng ngày nuôi lớn nỗi lo của mẹ. Ruộng đồng chỉ ngần ấy, đắp đổi qua ngày với cả chục miệng ăn như thần trùng, chỉ nghĩ thôi cũng đã phát hãi.
Cánh đồng làng Trong cũng mênh mông, nhưng chỉ mỗi năm hai vụ lúa thì thùm cho dân làng đủ vén lỗ miệng. Người đông lên, đồng không rộng ra, làm nông nhưng chỉ “trông trời, trông đất trông mây” thì làm sao có nhiều lúa gao được. Nếu không phong đăng hỏa cốc thì chỉ có nước ăn cháo cám đến mùa giáp hạt may ra còn kiếm bát cơm mới. Năm nào cũng thế, cứ đến mồng Một tháng Mười là vào ăn cơm mới tưng bừng, thì dân cả làng rộn ràng ra đình để kiếm bữa cơm mới làng khao sau khi cúng thổ thần đã phù hộ độ trì để con dân của làng được mùa lúa bội thu. Ấy thế nhưng chỉ qua được cái Tết với cái nếp “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” thì lại đâm vào cái đận giáp hạt tháng ba thóc cao gạo kém. Người nông dân không thể thoát ra khỏi cái sự đói cận kề, lại phải đem rau, đem củ mà độn với cơm cho qua ngày đoạn tháng... Cái đói luôn ám ảnh từ người già đến trẻ con, nhất là nhà Đáo và những nhà đông miệng ăn trong làng. Cái đói như một quả bom khổng lồ luôn treo trên đầu đe dọa mỗi gia đình, mỗi con người suốt nhiều năm, nhiều tháng. Đáo cũng bị ám ảnh miết về cái đói từ thuở thiếu thời ở làng Trong, nên vì thế, dù sau này đi làm thợ lò, được nhiều gạo theo tiêu chuẩn có lúc anh vẫn phải gửi về quê giúp đỡ thày mẹ...
Năm tháng theo chân lũ trẻ đến trường, may sao dạo ấy nhà nước lại miễn học phí nên cả lũ chín mười anh chị em đều được đi học. Đứa học thấp cũng hết lớp 7 trường làng, đứa học cao thì đến hết lớp 10 khi ấy để đi học trung cấp. Riêng Đáo, mẹ thương cấn cơm, cấn sữa nên động viên học tiếp đến lớp 10 cho mà thành tài để mẹ cha còn nhờ sau này. Nhưng không phải mẹ thương mà Đáo học được. Vốn dĩ được nuông chiều vì út ít nên cậu bé Đáo phá phách nghịch ngợm nhất làng. Học hành thì chểnh mảng, vì thế, mới đến lớp năm đã nổi tiếng quậy phá trong làng. Học đến hết lớp bảy thì ở nhà theo trâu cùng bố. Cái lý của Đáo đơn giản là, học chỉ để tính công điểm, thế thì học đến lớp năm là đủ tính được công điểm cho thày u rồi. Mà học mãi có hết đói đâu. Năm nào nhà cũng thiếu gạo, đói thế, học nhiều làm gì. Thế rồi cậu bỏ học luôn, không ai bắt cậu đến trường được nữa.
Những tưởng cậu bé ngỗ ngược chỉ còn biết “lấy đít trâu làm thước ngắm cuộc đời”, nhưng ai dè, nhờ cái bước ngoặt khi chú Tuyến người làng làm ngoài mỏ về tuyển thợ lò đi làm mãi Quảng Ninh, anh cu Đáo xung phong đầu tiên. Cả nhà đều lác mắt vì cái quyết định hung hăng của thằng “trẻ trâu” và khi thày Đáohỏi :
-Mày có biết về công việc đó thế nào không mà hăng thế, ra đó rừng thiêng, nước độc...
-Thày cứ nói thế, chú Tuyến nói, đi làm có sổ lương, sổ gạo, ngoài mỏ rộng mát mẻ lắm. Thợ lò còn được hăm mốt cân gạo cơ. Có nhiều gạo con gửi về cho thày mẹ đỡ được đận đói tháng ba, tháng tám nhá. Chú Tuyến cũng ở ngoài đó, thày mẹ có nhìn thấy chú da bủng beo đâu.
-Tiên sư anh, nói cứ như đinh đóng cột ấy.
-Thì con đi, nếu có sao...thày mẹ cứ bắt đền chú Tuyến ấy.
Bà Đục thì sụt sịt:
-Con nghĩ kỹ chưa. Mẹ lo cho con lắm, người ta bảo ra cái nơi đó là khỉ ho cò gáy, là ruồi vàng, bọ chó, khi đi thì xanh tốt, khi về thì bủng beo....
-Mẹ cứ nghe ai đó nói, ngày xưa thôi, giờ khác rồi, chú Tuyến nói, ở ngoài đó hơn làm ruộng ở quê nhà mình nhiều.
Và ông bà Đục chỉ còn cách là chuẩn bị cho cu Đáo lên đường mà thôi. Đáo tùng teng mấy bộ quần áo cũ mẹ gấp cẩn thận nhét vào cái túi vải cũng cũ ríchtheo chú Tuyến ra mỏ Quảng Ninh. Thày mẹ thì buồn rũ, nhưng cậu trai út thì hí hửng vô cùng. Ai cũng lo thể nào nó cũng trốn về cho mà xem. Đang được nuông chiều ở nhà, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ...giờ ra đó phải tuân thủ theogiờ giấc quy định thì đã chắc gì nó chịu ở lại cái nơi xa xôi đó...Thày mẹ Đáo đều nghĩ thế. Lo lắng cho con của cha mẹ thì vô vàn rồi. Nhưng với Đáo, có lẽ, ông bà cũng quá ư lo lắng mà thôi.
Nhớ lại cái hồi nó mới học lớp năm hay lớp sáu gì đó, có gánh xiếc tổng hợp về làng. Buổi ấy họ diễn ngay trên sân khấu tại sân kho hợp tác. Ông cầm chịch trò biểu diễn màn đầu tiên là quấn con trăn đen trắng lên người nhảy múa tưng bừng một thôi. Bọn trẻ con cho đến cả người lớn đều phấn khích, khoái chí vì tiết mục đó. Ông cầm chịch dừnglại khi tiết mục kết thúc, ông nói to:
-Mời khán giả bà con lên cùng làm diễn viên nào. Ai quấn được con trăn vào người múa như tôi thì lên đây, phần thưởng sẽ là …sẽ là…
-Là gì? Cả rừng người hô vang.
-Là tặng luôn con trăn này.
Vỗ tay. Cả rừng bàntay vỗ rầm trời, nhưng không ai dám lên thử. Ông cầm chịch lại hô:
-Ai lên diễn cùng tôi nào. Phần thưởng là con trăn. Ai lên diễn cùng tôi nào. Phần thưởng một con trăn.
Chắc đã diễn trò này ở nhiều nơi và chả ma nào dám lên diễn, dù phần thưởng khá…hấp dẫn. Ông cầm chịch như đang rất khoái chí vì không có ai dám lên thi thố với ông, chân ông đá bên này, tay ông vung bên kia… Nhưng ông cầm chịch bỗng kêu váng.
-Thiên tài đây rồi, kìa, xin mời em, xin mời cậu bé, xin mời tráng sĩ.
Giọng ông cầm chịch phấn khích liến thoắng những mỹ từ vui tai, khán giả dưới sân đều xuýt xoa với cái điệu diễn hài hân hoan của ông ta, nghe thấy ông ta nói đều lây lan một sự hào hứng ghê gớm…
Tất cả khán giả giả có mặt đều ồ lên.
-Ôi, thằng Đáo, thằng cu Đáo nhà ông Đục.
-Ghê chưa, đúng là bạo gan số một.
-Thằng này đến thần sấm nó cũng chả sợ nhá.
Đáo lên và theo hướng dẫn của ông cầm chịch, quấn con trăn từ từ vào người mình rồi cũng bước đi, múa may như ông cầm chịch, ở dưới sân kho, khán giả vỗ tay rầm trời, ai cũng thót tim khi nhìn thằng bé quấn trên người con trăn to tướng thế kia, lỡ ra thì… Ui trời sao mà nó bạo gan, bạo phổi đến thế. Đó, mỗi trò nghịch ngợm của Đáo đều được dân làng biết đến một cách ngộ ngĩnh về sự bạo gan, bạo phổi của cậu. Sau buổi diễn đó, khi cu Đáo về tới nhà, ông Đục chả cần hỏi lý do đã “nện” cho mấy roi và bảo cậu:
-Mày chừa cái thói ngông ngạo dở hơi đó đi. Ba cái tuổi ranh đã lanh chanh, có ngày hối không kịp con ạ.
-Hề hề hề…thày cứ nói thế, con trăn người ta huấn luyện rồi, ông cầm chịch mà quấn được thì ai cũng quấn được, mọi người cứ nghĩ nó cắn, nhưng mà con đã hỏi trước, nó hiền và được người ta dạy để biểu diễn rồi. Có thế con mới dám xông lên biểu diễn chứ thày tưởng con thày ghê gớm lắm đấy.
-A, thế cơ à, thế thì mày giỏi, mà cha tiên sư anh, thế mà nghe bọn trẻ trong xóm xem màn trình diễn của anh trên sân kho về kể, anh làm thày anh hết hồn. Thế thì được.
-Hừ, hừ, thế mà thày còn nện con mấy roi, đau chết đi được.
-Sư anh, không cho anh mấy roi thì anh còn làm trò ngang ngược gì nữa.
Đáo là thế, một cậu trai hiếu động và mạnh bạo. Có lẽ thế mà khi làm thợ lò, anh đã có những phẩm chất khác biệt hơn hẳn với những người thợ lò cùng tổ khác.
Ngày đầu tiên đến cái vùng đồi xa hút này Đáo cũng đã toan trốn về nhà. Nhưng vì ngày đó đi lại quá khó khăn, có hơn trăm cây số mà vắt vẻo trên xe tới ba ngày. Đấy là còn đặt được vé xe, còn khi có việc gấp cứ ra đường quốc lộ, vẫy bất cứ xe chở than, chở hàng, xe con, xe to...bất chợt xe nào mà tài xế giúp cho về thì lên luôn và rồi tăng bo từng chặng mà bò về tới quê. Có người trong khu tập thể nhận được điện bố mẹ mất, nhưng khi di chuyển về tới nhà thì các cụ đã mồ yên mả đẹp ba ngày! Phần vì khi gặp Nam, hình như ở Nam đã có sức hút đặc biệt mà Đáo đã bị cuốn vào công việc mới không phân vân. Phần vì ở nhà thày mẹ đã không muốn cho Đáo đi, giờ mà bỏ về thì thày mẹ sẽ mừng lắm, nhưng với Đáo thì như một sự thất bại. Vì khi nằng nặc đòi đi, Đáo đã khẳng định với thày mẹ là Đáo sẽ mang gạo, mang tiền về giúp đỡ thày mẹ, giờ mà bỏ về thì còn ra sao...
Bữa đó Đáo đi được tới địa chỉ mà ông cán bộ tuyển lao động chỉ dẫn cũng là lúc tối thui. Chiếc xe có cánh cán bộ cùng về mỏ với Đáo còn có một cán bộ trẻ và ba cán bộ trung trung tuổi, nghe họ nói chuyện, Đáo đóan họ ở những mỏ than và lên tỉnh công tác từ khi sáng, giờ thì về. Họ chuyện trò râm ran như pháo nổ, cảm giác như cười vỡ cảxe.
Trong câu chuyện trên chuyến xe ấy, có anh cán bộ địa chất còn trẻ nhưng nắm khá rõ về vùng này. Thấy chỉ còn có chàng trai đi cùng mình đến điểm cuối, anh địa chất vồn vã xưng tên và hỏi Đáo:
- Này, mình tên Nam, anh bạn về mỏ nào đấy?
- Dạ, em về mỏ lò Làng Bang ạ.
- Hahaha…đúng là lính mới, ngày xưa tớ cũng thế, nhưng chỉ gọi về Làng Bang là được, không ai gọi là mỏ lò nhé. Hahaha….tớ xin tự giới thiệu, tớ là Vũ Quốc Nam, kỹ sư địa chất. Tớ cũng về nhận công tác ở đó, tớ nhìn cậu biết ngay là cậu lính mới tò tè. Nhưng không sao đâu, tuổi trẻ cứ là phải nhìn về phía trước, mà cậu có người yêu chưa, chứ hồi năm kia, khi tớ có giấy báo nhận công tác ở Quảng Ninh, cô bạn gái thân cùng trường tiễn tớ ra bến xe Kim Mã để tớ đi Quảng Ninh, cô ấy khóc như mưa, như thể tớ đi ra trận không bằng. À, mà tên cậu là gì nhỉ, biết để dễ gọi, biết đâu sau này mình lại cùng đơn vị công tác.
- Vâng, tên em là Đáo, Đào Văn Đáo làng Trong tỉnh Đông.
- Hahaa…cậu cũng có tính cách như tớ đấy, hòa đồng, dễ thích nghi. Tớ thích đi đến những miền đất xa xôi khác nhau để xem hình hài đất nước mình rộng hẹp ra sao, vì thế, khi thi đại học tớ chọn nghề địa chất đấy. Còn cậu, tuổi gì và đã học hành gì chưa?
- Dạ, em ở quê, làm ruộng, có cán bộ về tuyển đi làm thợ lò, em chưa biết lò, chưa biết công việc đó thế nào cũng như chưa được ra khỏi làng bao giờ, thế là em đăng ký đi luôn.
- Chà chà chà, thế thì cậu khác gì tớ đâu, ham tìm chân trời lạ, gì nhỉ, có bài hát gì gì đó, hay ghê mà mình quên béng…có một chân trời xa xôi, bâng khuâng chân trời lạ, đưa anh đến đó để mà nhớ em, bâng khuâng chân trời lạ, ta như cánh chim đại bàng …hahaa…xuống xe thôi ông bạn, cổng mỏ đây rồi.
Đáo gần như bị lôi tuột khỏi chiếc xe u oát bụi bặm đó. Trước mắt cậu là một màn đêm đen như nhung, xa tít trên phía đồi cao theo tầm mắt nhìn lên mới thấy lốm đốm ánh đèn. Không gian bị xé toang bởi tiếng xe tải hạng nặng, tiếng ầm ì đâu đó vọng đến chứ không im lặng như đêm ở quê nhà. Không như hình dung của chàng trai vừa qua tuổi mười bảy về một vùng công nghiệp lạ huơ, lạ hoắc này, trong đầu Đáo nghĩ là ra mỏ sẽ có những nhà máy to, có ống khói vươn cao, như trong bài tập đọc nào đó có tả về ống khói nhà máy ở thủ đô, tả về thành phố có những cái nhà máy khổng lồ. Ở đây chỉ toàn núi rừng. Những ánh đèn nhấp nhô phía dãy núi bên trên, hôm sau Đáo mới tận mắt biết đó chính là những dãy nhà tập thể cho cánh thợ lò như Đáo được phân về đó ở. Những dãy nhà được dựng theo các triền đồi, mỗi triền đồi một vài dãy, nên nhìn ánh đèn ban đêm theo những dãy nhà, cảm giác như những vồng sóng ánh sáng cứ lấp lánh uốn lượn theo các triền đồi trong màn đêm đen thẳm thấy đẹp và đó chính là hình ảnh đầu tiên khi đặt chân đến mỏ ám ảnh Đáo cho đến hết cuộc đời làm mỏ, gắn bó, buồn đau, hạnh phúc, thành bại với mảnh đất than bụi này...
Đáo còn đang ngất ngây với cảm xúc được người đồng hành chia sẻ thì kỹ sư Nam đã xốc chiếc ba lo lên vai, anh sải những bước chân tự tin. Đáo còn khựng lại nhìn khoảng trời thăm thẳm đầy sao, không biết bắt đầu từ đâu thì kỹ sư Nam đứng lại và khóat tay bảo Đáo:
- Sao ngẩn tò te thế cậu, đi theo anh, cứ về khu tập thể là mọi chuyện đâu vào đấy.
- Vâng, vâng, em đi theo anh với nhé, giờ tối thui thế này, ai người ta sắp xếp chỗ ở cho em nữa.
- Không sao, yên trí đi, cán bộ giờ này chưa ngủ, mà có ngủ tớ vẫn lo cho cậu được, ngày mai tính tiếp.
Theo chân kỹ sư Nam, Đáo đến một khu nhà tập thể dài, hình như có nhiều dãy nhà, tiếng huýt sáo, tiếng ghi ta bập bùng đâu đó, âm thanh xôn xao chạm vào Đáo khiến cho vồng ngực mười bảy như muốn bung ra. Khát vọng của chàng trai nhà quê đã thành hiện thực. Đáo đã đến được chân trời lạ như mong muốn, như câu hát của anh Nam vừa hát.
- Đáo, vào phòng anh đã, gì mà cứ ngẩn tò te thế cơ chứ, mai thì tha hồ mà ngẩn, ở đây có nhiều điều thú vị lắm.
- Vâng ạ, em cảm ơn anh.
Đáo ngó căn phòng của kỹ sư Nam, năm chiếc giường của năm anh chàng kỹ sư là đây. Anh Nam vừa hạ ba lô vừa nói với Đáo:
- Mỏ ưu tiên cho những kỹ sư về đây công tác nên dành riêng hẳn cho bọn anh một dãy nhà tập thể, gọi luôn là lô nhà kỹ sư. Chứ công nhân ở đây đông lắm, cả ngàn thanh niên trai tráng, mai cậu sẽ về bên lô nhà dành cho công nhân lò. Cứ yên trí tắm táp, ngủ một giấc sáng mai tính nhé. Hôm nay phòng anh có ba anh đi công tác nên cậu nằm giường nào cũng được.
Kỹ sư Nam khoát tay nói nhanh những điều cần thiết rồi huýt sáo vang giai điệu bài hát “tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ, trong những ngày cờ đỏ…” Đáo cũng lây cái hồn nhiên của chàng kỹ sư trẻ tuổi, một người anh mới quen mà như thân thiết tự bao giờ. Nhờ cái tính hồn hậu, tình cảm chân thành của kỹ sư Nam mà Đáo nhanh chóng quên đi những bỡ ngỡ và hòa nhập với môi trường mới. Đêm đó Đáo ngủ ngon lành đến sáng. Khi tỉnh dậy đã không thấy anh Nam đâu. Đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, khi Đáo vừa mặc quần áo chỉnh tề xong thì một anh cao lớn tiếng oang oang đi vào phòng nói:
- Kỹ sư Nam đâu, nào nào, cho tôi rước ông thợ lò về bên kia, không rồi lãnh đạo lại phê bình không chăm sóc cẩn thận hạt giống đỏ của mỏ nào. À, đây phải không, trông cậu cũng được đó, tên gì, quê quán, thôi, khỏi nói, đi theo tớ.
Đáo còn ngơ ngác thì ông ta tiếp:
- Kỹ sư Nam giao cậu cho tớ rồi, nó đi công trường từ tám hóanh, giờ cậu mới dậy thì mặt trời đỉnh núi rồi. Hôm nay bỏ qua nhé, nhưng khi vào ca kíp thì đừng có mà ngủ dậy khi mặt trời đã bằng con sào nhé.
- Vâng ạ, cháu cảm ơn chú. Hóa ra anh Nam đã…
- Hihi…cậu nhìn tớ già thế sao mà gọi là chú, tớ to xương, lộ vía nên nhìn già chứ chỉ đáng vai anh cậu thôi.
- Vâng vâng, cháu à em…vâng vâng, em gọi anh là anh nhé.
Anh cao to tên Bộc, làm quản trị trưởng khu tập thể, anh đưa Đáo vào một phòng cũng có năm cái giường một ngay ngắn xếp hàng. Anh Bộc đưa Đáo vào cái giường ở giữa và nói:
-Đây, giường của cậu đấy, bốn giường kia của bốn tên khác, ở đây và mọi chuyện sẽ ổn dần, có gì thì báo về quản trị cho tớ biết. Phòng quản trị ở cái đầu dãy đằng kia nhé. Mọi việc sẽ đơn giản thôi mà. Cậu biết cậu về phân xưởng nào rồi chứ gì. Bốn tên ở đây cũng mới vào hôm qua, lát cáccậu làm quen nhau nhé. Tớ đi đây, chúc sự nghiệp làm mỏ của cậu như ý nhé.
Anh Bộc đi rồi, Đáo vẫn còn ngơ ngác. Hay thật, tối qua là anh Nam kỹ sư, sáng nay là anh Bộc quản trị, đều là những con người bộc bạch, tình cảm chân thật và hồn hậu. Người ở mỏ đông như thế này. Ai cũng to cao và khỏe mạnh. Thế mà thày mẹ cứ lo cho mình ra cái xa xôi này sẽ khổ sở, sẽ ốm đau. Thể nào cũng có ngày mình về đưa thày mẹ ra đây để biết được nơi mình ở ra sao, là chú Tuyến đã nói đúng. Đáo đang nghĩ ngợi lan man với những lạ lẫm và bỡ ngỡ thì bốn tay trai trẻ ùa vào phòng, họ đồng thanh cất tiếng:
-A, chào lính mới.
-Vâng, tôi chào các anh.
-Hahaa làm gì mà cậu chào và nhìn chúng tớ như người từ hành tinh khác đến thế. Bọn tớ đều quê tỉnh Đông, khác huyện, khác xã thôi. Ông Tuyến bên làng Ngòai về tuyển đấy, cậu có phải đi đợt ông Tuyến về tuyển không?
-Ôi, thế thì tớ ở làng Trong, bọn mình cùng quê, vui quá, tớ đang lo mình không quen ai, buồn chết được ấy.
- Yên trí đi, rồi bọn mình sẽ ra trò trống gì chứ. Tớ là Hùng, kia là Chúng, Văn và Tu còncậu tên gì?
-Tôi tên Đáo, Đào Văn Đáo.
- Tốt, chúng mình cùng ở với nhau, nhớ phải biết chia sẻ mọi điều đấy nhé, nhất là tội trộm cắp. Tớ chúa ghét tội đó.
- Tớ cũng thế
Cả bọn đồng thanh nói.
Màn làm quen như thế là ổn. Sau đó thì cả bọn bắt đầu những bài học đầu tiên về công việc của một gã thợ lò.
Mãi sau này Đáo vẫn không quên cái buổi vào lò thực tập công việc cuốc lò đầu tiên ấy. Đường lò tối thui, bước chân thập thõm, đi mãi mới bước thật, những bước đầu cứ như bước vào khoảng không vô định. Sau này quen việc, quen đôi ủng dưới chân, quen cái ánh đèn nhỏ xíu treo trên chiếc mũ lò trên đầu, quen bóng tối trong lò, quen hơi hướm trong cái lò sâu thăm thẳm ấy, Đáo vẫn luôn châng lâng như trong một giấc mơ.
Cái buổi đi lò đầu tiên nóng hầm hập ấy đã găm vào trí óc của Đáo với biết bao ngổn ngang ý nghĩ. Bước chân như hụt hẫng trước đường lò, hụt hẫng trước bao bỡ ngỡ. Những ngày đầu đầy bỡ ngỡ. Nhớ bữa ăn bảy tám bát cơm với cà muối không biết lo, giờ thì cũng ăn nhiều cơm nhưng ăn với cá...mìn. Thứ cá kho hay nấu đều có mùi gì đó rất khó ăn, thịt cá thì nhẽo nhẽo, ăn phát sợ. Mãi sau Đáo mới biết người ta đem mìn đi đánh cá và mang cá đó về ướp lạnh và cá đó đi vào các bếp ăn công nhân nên công nhân như Đáo cứ phải cố nuốt những loại thức ăn mất giá trị dinh dưỡng như thế. Ngày đó thực phẩm cũng khan hiếm lắm, dù mỏ Làng Bang ngay bên bờ sông, ngay cửa biển, ấy thế mà cứ phải ăn cá ướp lạnh từ đâu mang tới mà cá thì đã mất hết cả mùi vị của cá, nó đã mục mủn theo thời gian... Cho nên khi được bác Bổng là phó quản đốc lò nhờ mấy thanh niên trẻ khỏe đến giúp bác làm lại cái nhà bếp, đưc[j ăn bữa cá song biển nấu riêu, Đáo nhớ suốt đời. Bác Bổng gái người Trà Cổ - là Đáo nghe bác Bổng giai nói thế chứ có biết Trà Cổ ở đâu, có khác gì cái mỏ Làng Bang này không. Tại vì giọng Trà Cổ của bà Bổng cứ tiếng bổng, tiếng chìm, âm thanh nghe cứ nặng nặng và lạ, Đáo nghe bà nói thì cứ ngơ ngơ. Đáo cứ tưởng bà Bổng bị ngọng, nhưng sau thì biết đó là giọng của người miền biển nó bị “trại” ra thế. Ông Bổng rổn rảng, âm sắc có nhẹ hơn bà Bổng, nhưng nghe vẫn đơn đớt mỗi chữ khi nói. Ông Bổng cất tiếng khàn khàn rằng bà ấy hôm nay mua được con cá song to đến cỡ gần bốn cân nhé. Sẽ nấu riêu chua cho các giai ăn một bữa thỏa thích, để mà biết mùi cá biển ngon như thế nào.
Bác Bổng gái bảo:
-May quá, hôm nay u đi chợ sớm nên tóm được con cá này từ nhà chã, chứ đi muộn thì còn lâu mới có. Mấy thằng chúng bay thế mà may nhỉ, được ăn cá biển tươi mới có dịp mà so sánh cá mìn ở nhà ăn mỏ nhé.
Ông Bổng cười khì khì:
-Bà chỉ được cái màu mè, nhờ các cháu nó xuống làm giúp cho, mệt lắm đấy, bao nhiêu là việc, phải bồi dưỡng cho chúng nó thoải mái đi. Mỗi con cá song tươi đã kể lể thế thì còn gì...
-Hừ, ông chỉ cái chặn họng là không ai bằng, thì có thể nào nói thế vớ.
Mấy thanh niên cùng Đáo đều cười vui với vợ chồng ông Bổng. Đáo nhanh miệng đáp lời bà Bổng :
-Thế thì tuyệt quá bác gái ạ, cháu ở quê ra, từ bữa ra đến nay chưa biết mùi cá biển thế nào đâu ạ. Chỉ ăn cá mìn, ăn thịt ở nhà ăn mỏ, hôm nay được ăn canh riêu chua cá song thì nhất chúng cháu rồi bác gái ạ.
-Ừ, mày nói thế bu cũng mát ruột, mát gan, chứ ông mày thì chỉ có mà coi thường bu thôi.
-Gớm, ai mà coi thường bà được. Ông Bổng tiếp lời. Thôi bà đi chuẩn bị hậu cần đi, để mấy thầy trò tôi còn làm đây, đứng xớ rớ đó cái bụi bay vào mắt lại đổ tại tôi.
Cả bọn Đáo đều cười vui vì ông Bổng đùa bà Bổng. Công việc cũng chả có gì, mấy thằng thanh niên làm ù tí xong cái trái nhà, dọn dẹp sạch sẽ để chuẩn bị mai làm cái nhà xây cho nó khang trang. Thật ra Đáo thấy ở mỏ cũng nhiều nhà còn nghèo như nhà mình ở quê. Ông Bổng kể, ông từng là công nhân quân khí, giải phóng miền Bắc dạo 54 thì được biên chế về mỏ. Ông cũng về xưởng cơ khí cậm cạnh một thời gian, rồi do nhiều lý do ông về phân xưởng đào lò. Ông cũng lấy vợ muộn. Mà ở mỏ làm gì có con gái,thế là về tận Trà Cổ quê nhà lấy cô hàng xóm là bà Bổng bây giờ. Cơm mỏ chả hiểu có tốt hơn cơm làng chài không nhưng bà cứ đẻ sòn sòn cho ông bảy người con vừa giai vừa gái. Các anh chị lớn đứa nào cũng vào mỏ làm đứa ấy, giờ hai ông bà với hai đứa út còn đang học phổ thông. Cái nhà ông bà đang ở ông bảo nó cũng cũ nát như đời ông rồi, giờ chắt chiu tí lương làm lại cái nhà ngang cho nó sạch sẽ, để những lúc các con về chơi có chỗ ăn nghỉ đàng hoàng. Chứ làm gì có tiền mà xây tướng lên đâu. Đáo vừa làm vừa nghe ông tâm tư. Nhìn ông mới qua năm chục tuổi một chút mà cái sự già nua hiện trên gương mặt ông phải đến...bảy chục. Đáo thầm nghĩ, đúng sức lực làm công việc ở mỏ thật là vất vả, nó lấy đi sức của con người ghê gớm.
Mấy anh em Đáo nhanh nhẹn nên công việc ông Bổng nhờ cũng nhanh chóng dọn xong những việc ông yêu cầu. Cả bọn được bữa say túy lúy với con cá song biển nấu riêu chua. Rượu thì bà Bổng không đi làm mỏ nên ở nhà nấu rượu nuôi lơn, vì thế, chỉ sợ không có sức uống thôi, chứ rượu bà Bổng nấu rất ngon và uống thì cứ gọi là vô tư. Lần đầu tiên bước chân vào lò thì không bao giờ quên được là đúng rồi, nhưng lần đầu tiên được ăn miếng ăn ngon thì đời Đáo đúng là có một không hai. Cảm nhận từng miếng cá song biển trắng tươi, ngọt thỉu nhai trong miêng mới thấy cái miếng cá mìn ở nhà ăn nó thế nào. Đúng là miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời. Sau này thì nhờ có những thành tích của công việc, Đáo được đi ăn chỗ này chỗ kia, cũng cao lương mỹ vị lắm, nhưng cái bữa riêu cá song ở nhà ông Bổng ngày đó thì đời Đáo không bao giờ quên.
Công việc làm lò cuốn Đáo đi như những cơn gió, như tuổi thanh xuân vô lo, vô nghĩ, chả bận rộn gì. Chỉ làm và làm, không so đo, không ngẫm ngợi. Giống như những đồng đội cùng tổ, Đáo đã hòa nhập vào cái gia đình đông đúc thợ lò toàn đàn ông đó. Thật ra, sức trai tuổi đôi mươi đã hối thúc tinh thần làm việc của Đáo. Thời ấy giá trị đồng lương cũng được quan tâm, nhưng hầu như không ai tính đếm đến cái đồng lương đó, mà chỉ ghi nhận tinh thần làm việc của mỗi người. Đáo đã làm hết với khả năng của mình, luôn được mọi người quý trọng, quý ở cái thật thà, quý ở cái tính khí anh cả, không bao giờ Đáo làm vì quỵ lụy, đã làm làm hẳn hoi, nghiêm túc. Chỗ khó gọi Đáo, chỗ nặng nhọc gọi Đáo, chỗ nguy hiểm gọi Đáo. Đáo luôn luôn được đồng đội tin yêu và luôn luôn dẫn đầu của tổ về năng suất. Tổ đào lò nhanh- mô hình đầu tiên của mỏ thí điểm áp dụng chọn tổ lò của Đáo. Mô hình được nhân rộng tòan ngành. Hăm lăm tuổi Đáo đã là một tổ trưởng tổ đào lò có thành tích xuất sắc toàn Ngành. Đáo mang những thành tích đó về quê khoe thầy u, không ai không ngạc nhiên, vì chỉ nghĩ, cái thằng Đáo ấy chỉ có mà giời trị được nó, cái tính ương gàn, thích thì làm, không thích thì bỏ ấy.
Thật không ngờ là Đáo đã làm được những điều ngòai sức tưởng tượng mà bậc cha mẹ nào cũng mong muốn. Từ anh thợ lò Đáo đã làm rạng rỡ gia đình từ những món tiền thưởng, từ những danh hiệu của các cấp tặng cho anh thợ lò Đào Văn Đáo. Trong hội nghị tuyên dương chiến sĩ thi đua toàn quốc, tên và ảnh thợ lò Đào Văn Đáo đã vang vọng khắp nơi. Thời ấy ở quê chỉ nghe Đài tiếng nói Việt Nam nên khi nghe tên Đáo trên đài cả làng ai cũng trầm trồ. Trong xóm có ông bác họ trên Hà Nội đã không quên mang về tờ báo có ảnh thợ lò Đào Văn Đáo có ghi rõ quê quán, thành tích của Đáo về cho bố mẹ Đáo, ai cũng mừng vì thành tích mà Đáo đạt được. Cầm tờ báo của ông bác họ đưa, ai cũng trầm trồ nhìn ngắm gương mặt Đáo sáng ngời trên tấm ảnh với nụ cười tươi rạng rỡ, giọt mồ hôi còn lăn trên má, những vết than đen còn lấm tấm trên gương mặt rạng ngời ấy, nhưng hơn cả là nụ cười tươi tắn của Đáo không trộn với với ai được. Từ thành tích này đến thành tích khác, Đáo đã làm cho cha mẹ và làng xóm vui mừng vô kể, niềm vui cứ nhân lên khi Đáo lấy vợ và tiếp tục gặt hái những thành công ở vùng mỏ gian khó và xa xôi ấy.
Trong cùng đợt đi làm thợ lò dạo ấy, không ít người đã bỏ về quê, bỏ về vì nhiều lẽ, xa cha mẹ, xa quê hương với công việc đồng áng dù có nặng nhọc cũng vẫn bình yên hơn với giáp mặt với sự hiểm nguy luôn rình rập hàng giờ, hàng ngày trong lòng đất hun hút màn đêm ở mỏ. Bỏ vì không chịu được với công việc thợ lò đầy gian khó và nỗi nhớ nhà, nhớ cái nếp sống nông nhàn ở quê khi mùa màng đã vãn, còn ở đây thì không có mùa nông nhàn, mà chỉ có chiến dịch nối tiếp chiến dịch. Chỉ có tiếng than rơi và tiếng mìn nổ ầm ì vọng vào lòng đất. Chỉ có những bữa ăn đầy cơm trắng hơn ở quê vào cữ giáp hạt... Vì thế, Đáo trụ lại, gắn bó với nghề lò như một duyên nghiệp, nhiều bậc cha mẹ ở quê đã lấy Đáo ra răn dạy con cháu, anh Đáo có khổ luyện mới thành người như thế, chứ lười nhác như tụi mày có mà dài lưng tốn vải thôi con ơi....
Nói về sự nguy hiểm của nghề thợ lò thì không thể kể hết, nó muôn hình vạn trạng, nó xuất hiện ở chỗ này, chỗ khác, nó không hề báo trước. Đã có những lúc một ca làm việc của tổ Đáo vào lò đã được thông báo những hệ số an tòan, nhưng trong quá trình làm việc, khi đến cái họng sáo, hay hàm ếch nào đó, anh em ham làm, cuốc đang bổ vào gương than đang hăng, dòng than đang đẹp đổ xuống máng cào, sự hăng say của cánh thợ là vô cùng quý, tinh thần lao động ấy luôn được khích lệ từ phía lãnh đạo trực ca đến lãnh đạo mỏ. Nhưng đâu biết phía sau gương than ấy là sự đe dọa nguy hiểm do yếu tố của địa chất, do tác động ngẫu nhiên nào đó của lòng đất mà gây họa cho cánh thợ. Cuộc đời Đáo đã chứng kiến nhiều những đớn đau, dằn vặt khi anh em tổ thợ gặp nạn. Một ca làm việc bị bục nước lò, bị nổ khí mê tan, có những ca lại bị nạn vì dụng cụ lao động vô tình hay vô ý tác động nên những vụ tai nạn đau đớn không đáng xảy ra…và muôn vàn những rình rập khác.
Đáo nhớ thằng Trọng chết trong tư thế như bị Chúa đóng đinh câu rút. Ấy là khi cánh thợ của Đáo vào cứu hộ thì đập vào mất mấy anh em là hình ảnh một thợ lò bị mắc kẹt khi bị sụt tầng, hình ảnh của đồng đội áp vào gương than, hai tay như bị Chúa Giê-su đóng đinh câu rút! Hình ảnh ảnh đó đã làm cho cả tổ thợ của Đáo cùng òa khóc giữa đường lò. Rồi cả tổ thợ khóc đồng đội xấu xố ấy bằng cả tuần...uống rượu để tang! Xót lắm, hôm qua còn tươi cười sau ánh đèn lò đi về phía những gương than lấp lánh, là đi vào nơi mang về cho vợ con những niềm vui sau một ngày cuốc than nhọc nhằn, ai ngờ chỉ tích tắc thôi đã hóa vào than hết, lòng người ai không khỏi xót xa. Ai cũng nghĩ, hôm nay là đồng đội,biết đâu ngày mai là...mình! Vì thế, tinh thần đoàn kết, tinh thần gắn bó của cánh thợ lò bao giờ cũng không lấy gì so sánh được.
Và, với Đáo, sự quyết liệt trong chỉ huy của Đáo luôn giữ cho tổ thợ “cài số an toàn” cao nhất. Tính mạng anh em phải đặt trên hết, dù đến thời điểm những năm đầu thế kỷ hăm mốt, đã được cơ giới hóa hầm lò, nhưng hai chữ an toàn với thợ lò thì vô cùng đặc biệt. Trong tổ thợ của Đáo ít nhất có ba nhà đặt tên con là An và Toàn. Đó là một điều thú vị mà chỉ riêng cánh thợ lò mới hiểu được cái giá của sự An Toàn nó nặng nhẹ ra sao. Chính vì thế mà trong cuộc đời làm nghề lò của Đáo, anh luôn canh cánh trong lòng về sự an toàn ấy.
Ở mỏ Làng Bang ai chẳng biết Đáo suýt bị kỷ luật vì... dám chặt chân một thợ lò! Cái tai nạn hi hữu ấyluôn làm anh dằn vặt và day trở mỗi khi được nghỉ ngơi mà nghĩ ngợi về nó. Câu chuyện này sau rất nhiều diễn giải của các thành viên hội đồng kỷ luật của mỏ, sự việc tưởng như đi vào ngõ cụt không ngã ngũ lý do Đáo làm sai hay đúng. Việc đó được Đáo tường trình kỹ với lãnh đạo mỏ, nhưng không có ai tin, vì thêm một vài giả thiết, sẽ là tư thù cá nhân, là thói coi thường tính mạng đồng đội…khi chưa tìm ra giải pháp tối ưu nào để cứu anh thợ lò đồng đội của mình. Đáo trình bày kiểu gì cũng không thuyết phục được hội đồng kỷ luật của mỏ. Đây là vụ kỷ luật hi hữu của mỏ, vì từ trước tới giờ, khi hội đồng kỷ luật đã kết luật thì chỉ có chính xác, vậy hà cớ gì mà lần này giám đốc phải vào cuộc trực tiếp. Và khi giám đốc Nam cùng vào cuộc, anh đã đi đến cách giải quyết thấu tình đạt lý vụ chặt chân công nhân của tổ trưởng Đào Văn Đáo là hòan toàn chấp nhận được. Đáo đã trình bày hình ảnh và thực địa để giám đốc Nam xem xét vụ việc. Cuộc tranh luận gay gắt với hội đồng xét kỷ luật của mỏ. Dù họ biện hộ pháp lệnh, nguyên tắc này nọ rất hùng hồn, sắt đá, dẫn dụ những tài liệu này nọ, nhưng Đáo vẫn kiên định khẳng định trước hội đồng kỷ luật mỏ:
-Tôi xin cam đoan hành động của tôi là hành động cứu đồng đội.
Trưởng ban pháp chế, kiêm phó ban thường trực hội đồng kỷ luật của mỏ đã bác bỏ:
-Anh Đáo nói thế nào chứ, tôi khẳng định, anh đã vô nguyên tắc để làm việc đó, không thiếu gì cách để cứu đồng đội, chứ không chỉ có riêng cách chặt chân người ta rồi bảo cứu đồng đội.
-Tôi lấy danh dự của tôi, lấy mạng sống của tôi để minh chứng cho việc làm của tôi là hoàn toàn đúng đắn, không vì động cơ cá nhân.
- Hừ, trong đường lò tối thui đó, biết đâu được...
- Đúng đó, anh Đáo nên thành thực...
- Lòng người ai biết nông sâu...cái thành tích mà anh vừa khẳng định đó, chúng tôi chỉ biết anh là tổ trưởng, anh không được phép làm bậy.
-Tôi phản đối - Khi nghe các ý kiến của các thành viên hội đồng như thế-Đáo đã đứng phắt dậy, giọng anh như tiếng gầm của con hổ bị trúng thương, gương mặt sạm vì những vết chàm của than cứa vào, vì cái thứ bụi mỏ đã bám chặt vào gương mặt của một thợ lò kỳ cựu. Đáo cứng cỏi tiếp lời mấy vị hội đồng: Tôi phản đối những ý nghĩ đen tối của các anh, các anh hãy làm một thằng thợ lò như tôi trong lò, trong tình huống ấy các anh sẽ biết xử lý thế nào. Các anh đừng cậy quyền này nọ mà áp đặt sự việc đó với động cơ xấu xa. Các anh có còn nhớ vụ nước ở mức âm 130 năm kia không? Ai có chứng kiến cái chết của anh em trong lò mới thấu được hành động của tôi, năm đó, khi chúng tôi cùng lực lượng cứu hộ vào, cái ngách lò thượng ấy, cái ngách mà chúng tôi vẫn thường chờ những cơn gió tự nhiên thổi vào, khi nước dâng ngập, anh bạn thợ lò của thôi không thể thoát đã dán mình vào đó mà trút hơi thở cuối. Nếu có ai đó, giời ơi, nếu có ai đó, chỉ cần chặt một bàn tay của anh ấy mà cứu sống được anh ấy thì ơn giời đã là phúc cả mả dày cho cả tổ thợ chúng tôi. Vì thế, trong tình huống cả một tảng đá như trái núi nhỏ trong lò đè vào chân đồng đội, chúng tôi đợi cứu hộ thì đến bao giờ đồng đội của chúng tôi mới có thể đến để được cứu? Thử hỏi, trong tình huống ấy, các anh quyết định để đồng đội chết hay sao? Hả, giời ạ, xin các người đừng kết tội vô lý như thế. Chúng tôi ở trong lò chúng tôi hiểu mình phải biết giải quyết tình huống thế nào chứ, sao các người vô lý thế. Đó, tôi đồng ý các người kỷ luật tôi thiếu trách nhiệm đó, kỷ luật tôi, kỷ luật tôi đi. Tôi chết để chứng tỏ tôi đúng. Tôi thề. Lời thề thợ lò là cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Trong lò tối thui nhưng lòng thợ lò chúng tôi không tối đen như cái anh nghĩ. Thế đủ chưa thưa các ông cán bộ?!
Trong cơn xúc động đó, Đáo đã như gào lên hết những tâm cảm của mình và khóc rưng rức. Cả phòng họp im lặng như tờ. Không một ai có thể cất lời. Bỗng nhiên phía cuối phòng có một người thợ vừa mở cửa vào, anh đi cùng một phụ nữ đỡ bên cạnh. Tay anh thợ kẹp nạng. Người thợ đó cất tiếng ồm ồm:
- Tôi xin lỗi làm phiền các vị. Tôi là Trần Văn Thống, thợ lò phân xưởng lò đá số Một, quân của tổ trưởng Đào Văn Đáo, tôi chính là kẻ đã bị Đào Văn Đáo chặt chân đây. Tôi xin các ông, các bà cán bộ, tôi khẳng định anh Đáo không có tội. Nếu tôi là anh Đáo tôi cũng cứu đồng đội như anh ấy. Vì tôi hay ai đó rơi vào hoàn cảnh đó thì không thể chờ đẩy trái núi ra để cứu đồng đội được. Vì thế, mất cái chân nhưng tôi còn mạng sống. Tôi mang ơn kiếp này với tổ trưởng Đáo. Phải không em-anh quay sang người phụ nữ đang đỡ anh bên cạnh.
Chị phụ nữ cất lời:
- Vâng, em là Thoa, báo cáo các bác em là vợ anh Thống, vợ chồng em không phải đến đây xin xỏ cho anh Đáo đâu, mà chúng em đến để nói cho các bác hội đồng biết, chúng em mang ơn anh Đáo.
Những gương mặt các thành viên hội đồng kỷ luật như dãn ra, những cái chau mày, những cái lắc đầu, nhưng cuối cùng là những cái gật đầu vì sự đồng thuận.
Cũng chưa cần đến tình huống vợ chồng thợ lò Trần Văn Thống đến “xin” hội đồng cho Đáo, mà Giám đốc Nam đã cặn kẽ xem xét từng chi tiết và yêu cầu Đáo đưa đến hiện trường, dù hiện trường đó khi đến nó bị đánh sập hoàn toàn. Nhưng là một chuyên gia về địa chất nên giám đốc Nam đã hiểu lý do sắt đá của Đáo vì sao đã quyết định quyết liệt thế, vì đó là cả một lượng đất đá liền khối ập xuống, nếu đưa phương tiện máy móc vào cứu thì chỉ có thêm nguy hiểm cho nạn nhân. Điều cốt tử như ở chiến trường, không còn cách nào khác phải nhanh chóng giải quyết để đưa được nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Và chính cái thìu cuốc than mọi khi đã phải dùng để…chặt chân anh thợ lò không may mắn! Dù biết là đau đớn, là xót xa, nhưng Đáo đã phải nén lòng cùng tổ thợ đưa được đồng đội ra khỏi lò an tòan tính mạng dù bị mất đi một phần thân thể còn hơn là để đồng đội đau đớn mà hy sinh. Một việc làm mà không thể ngay lập tức ai cũng hiểu và chia sẻ được. Người tốt và kẻ xấu ở đâu chả có. Lòng tốt đôi khi bị đặt lên bàn cân để nghi ngờ, còn điều xấu đôi khi lại được tung hô. Biết thế nhưng Đáo luôn luôn giữ cho lòng mình thăng bằng để đối thoại với những việc mình khẳng định đã làm là đúng. Cái tính ương ngạnh cao đạo ngày nào bùng lên dữ dội khi bị ai đó đem hành động cứu đồng đội của mình ra để bảo rằng Đáo làm vì mục đích cá nhân thì Đáo không bao giờ chịu được. Kẻ cho rằng Đáo thể hiện cái thứ gọi là anh hùng rơm muốn thể hiện tính quyết đoán trong công việc, muốn thể hiện để khẳng định mình đã dám nghĩ, dám làm để ghi thành tích cho mình mà thôi. Người thì khen Đáo đã quyết liệt giải quyết sự việc hết sức can đảm để giúp đồng đội thoát chết trong gang tấc nên không cần phải bàn nhiều mà nên động viên Đáo để cho anh em thợ lò lấy đó làm bài học kinh nghiệm xử lý tình huống tai nạn trong lò.
Khi phòng họp hết xôn xao về sự xuất hiện của cặp vợ chồng công nhân lò bị chặt chân thì giám đốc mỏ Vũ Quốc Nam đứng lên phát biểu và đưa ra các chứng cứ để xác minh và đưa ra những căn cứ xác đáng, thuyết phục tuyệt đối hội đồng xét kỷ luật - giám đốc Nam không dựa vào vai trò làm giám đốc mà dựa trên chính những đặc tính địa hình nơi xảy ra tai nạn để đưa ra căn cứ kết luận. Căn cứ theo đó, ông giám đốc nói:
-Trước hết thay mặt lãnh đạo mỏ cảm ơn vợ chồng anh Trần Văn Thống đã đến đây và cho chúng tôi những thông tin có giá trị nhất để chúng ta không bị vướng sai lầm mà xử lý kỷ luật cán bộ. Về phía hội đồng kỷ luật của mỏ tôi tán thành về hình thức kỷ luật là nhắc nhở cái hành động bột phát của Đào Văn Đáo - tổ trưởng tổ đào lò số một- nhưng cũng đề nghị đặc cách khen thưởng đột xuất hành động dũng cảm, nhanh nhạy của anh Đáo về hành động cứu đồng đội. Hành động của anh Đáo hoàn toàn được tuyên dương vì cái tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám xả thân vì đồng đội. Bản chất thợ lò là không được lùi bước, dũng cảm trước nguy nan. Đó là tinh thần chúng ta cần phải nhân rộng trong đội ngũ chúng ta.
Cả hội đồng vỗ tay chấp thuận. Đương nhiên, miệng thế gian lại tuôn trào những lời ác ý. Người tốt khen ông giám đốc Nam biết phân minh phải trái, khen đúng công trạng và phê đúng khuyết điểm của đương sự. Kẻ xấu bụng lại đồn đoán, cái tay giám đốc Nam cũng ham hố thành tích nên mới đưa chiều hướng tốt nhiều hơn xấu đó, chứ bình thường thằng Đáo chắc chắn bị kỷ luật nặng vì cái tội ngông nghênh không coi ai ra gì. Sướng lên là phéng. Khổ thân thằng thợ lò mất mẹ nó một chân mà còn phải cảm ơn hành động dũng cảm của nó! Ở đời cái sự đàm tiếu, thị phi người tốt ra kẻ xấu lâu nay thiếu gì, nhưng đa phần những người tốt đều nhận diện được vấn đề của Đáo hành động hoàn toàn đúng và chấp nhận cái sự ...liều của anh để hòng cứu đồng đội. Nếu như không là Đáo, mạng thợ lò kia chắc cũng sẽ hóa vào gương than khi không có biện pháp cứu hộ kịp thời!
Phần Đáo, anh thầm cảm ơn giám đốc Nam đã hiểu và chia sẻ với anh. Chia sẻ với những con người cùng công việc trong lòng đất ấy nó thế nào. Chỉ có người ở đó mới thấu hiểu những gì diễn ra trong tích tắc đó thế nào là nguy nan, thế nào cơ may. Đáo và tổ thợ của anh đã thuộc lòng từng góc cạnh đường lò, từng đoạn đường ray, từng đoạn gương kẹp xít, từng đoạn gương dày chỉ có than là than…Trong công việc âm thầm đó cánh tổ thợ quá hiểu nhau, quá hiểu họ đang làm việc ở nơi âm phủ ấy như thế nào. Tình thương yêu chỉ có nhân lên chứ không thể chia sớt, lý do đơn giản là vì, cũng giống như người lái máy bay trên trời, vút một cái vào không trung bao la, có bao người vợ mỗi sáng tiễn chồng đi và đến tối đợi chồng về trong vô vọng. Ngày mai anh lại tiếp tục công việc trong đường thăm thẳm than ấy. Nhưng Đáo luôn thấy trái tim mình ấm nóng vì đã luôn cố gắng làm được điều gì đó cho mình và đồng đội thân yêu. Anh chợt nhớ đến cái ánh đèn lò đã soi sáng bước chân anh và đồng đội cả cuộc đời làm thợ. Nó như ngôi sao hộ mệnh của mỗi chàng thợ lò vâm váp đã và đang đồng hành cùng anh vào nơi đường lò sâu thẳm kia....
Cánh thợ lò của Đáo cũng thế, đường lò hun hút, sâu thăm thẳm…sự bất trắc cũng không kém gì. Chỉ khi nào được ra “nuy” ở nhà tắm công cộng mới có thể nói yên tâm sau một ca làm việc, có mấy ai hiểu điều đó đâu. Có cả mấy cô nàng vợ thợ lò khi không còn yêu thương được nhau nữa thì cũng bỏ chồng luôn sau một thời gian chung sống không thương tiếc. Lý do chỉ vì anh chồng là thợ lò. Thằng Cạnh, tổ viên của Đáo là một ví dụ. Nó kể lại cho Đáo vì mọi người trong tổ thợ đều khuyên vợ chồng nó từ từ rồi tính, năm bỏ làm mười còn được, huống hồ, đã có mặt con với nhau, mà mâu thuẫn thì có to tát gì đâu. Nghe thế thì Đáo hỏi Cạnh:
-Thế nó nói câu gì mà cậu không tha thứ được. Đàn ông đại lượng tí cho đàn bà nó nương vào. To tát làm gì khổ con, dang dở cả vợ chồng...
Cạnh đáp ngay không cần cân nhắc, giọng hắn bỗ bã như muốn bổ vào mặt người ta:
- Nói với ông Đáo nhá, tôi nhìn cái mặt con vợ là muốn đấm vào mặt nó cho bõ tức, vì nó xúc phạm đến cái nghề nghiệp của chồng. Thợ lò hay kỹ sư lò thì cũng vào lò cả, nó lại vênh mặt lên bảo chồng thế này thì ai chịu được cơ chứ hả các bố. Tôi nhầm, tôi xin lỗi anh, nên giờ anh giải thoát cho tôi, giá như khi yêu anh cứ nói anh là thợ lò, đằng này anh lại nói anh làm kỹ sư lò. Giờ thì anh thấy đó, tôi, một nhân viên bàn giấy lại ở cạnh một ông chồng milơ…thật chua chát!
Đáo và mấy anh em ngồi đó đều thở dài ngao ngán. Mỗi người chế thêm một câu càng làm cho cậu ta cáu bẳn thêm.
-Cho chết ai bảo đi tán gái còn nói dối.
-Đáng đời nhà mày chưa, cứ toạc móng heo như bọn tớ để cho càng thương...
-Ờ, sao mà mày lại nghĩ ra mày tên là kỹ sư lò để ngày ấy cho nó mê, giờ ăn quả đắng chưa.
-Chả lạ cái bẻm mép của nó, chắc lúc ỡm ờ thì buông câu anh là kỹ sư, xong rồi cũng quên béng, nhưng bây giờ chả còn yêu nhau nữa, con kia muỗn giãy ra nên lấy cớ xúc phạm thằng Cạnh nhà ta thôi.
-Ờ nhì, thế thì ...ông Cạnh ơi, bình tâm lại, xem có cố gắng vớt vát tình cảm với mẹ cháu mà vì con là chính, hạ bớt nóng giận mà chia sẻ với nhau đi, đường ai nấy đi chỉ tội cho con cái thôi...
Mỗi người thêm một câu, nhưng dù gì, thằng Cạnh có nói quá cho con vợ hư, thì nghe ra con vợ nó cũng không ổn rồi. Ai đời vợ con gì mà lại thế nhỉ. Thế thì bao nhiêu vợ thợ lò đều bỏ chồng đi ...lấy kỹ sư hết à. Thật là chả ra làm sao. Chắc cái cô ấy chán chồng nên sinh sự lý lẽ vậy thôi.
Thằng Cạnh uất ức lắm, cái từ milơ từ thời Pháp cô ta dùng để nỉ non ném vào mặt Cạnh làm cậu điên tiết tát cho cô ta một phát nhớ đời và ký đơn ly hôn. Cả tổ thợ bàn ra, tính vào, cuối cùng cũng thấy thằng Cạnh không nên nói dối mới đúng. Nhưng khổ nỗi kể cả Đáo và các anh em trong tổ thợ, nếu cứ nói mình là milơ đố cô nào trong vùng dám lấy. Vì ai cũng biết đó là một nghề nguy hiểm. Ở vùng mỏ có nhiều loại công việc khác nhau, ở trong mỏ lộ thiên hay mỏ hầm lò thì đều được, miễn không là thợ lò. Khi thằng Cạnh bị vợ đòi ly hôn, thằng Chúng cũng bị một cô chê ỏng eo, nhưng rồi Chúng cũng lấy cô công nhân nhà đèn cùng ca, vì cô công nhân phát đèn cho thợ lò thì hiển nhiên hiểu thợ lò hơn cả nên họ đã có một gia đình êm ấm. Câu chuyện của các chàng trai thợ lò đi tán vợ thì có cả tá. Mỗi chàng đều có những câu chuyện vừa bi vừa hài, khi đi tán gái, ngày đầu đố cậu nào dám chìa bàn tay ra để nắm tay cô gái bày tỏ năm châu bốn bể sống vì nhau. Vì thế, nhiều cô đã ... chê cánh thợ lò nhát như cáy ngày, đi tán gái lại không dám cầm tay con gái thì tán tỉnh nỗi gì, chỉ có mà nhờ bà mối cho xong. Vì chả dại mà đưa bàn tay thợ lò đầy vết chai chằm chéo của than cứa mà cầm tay bạn gái, vì thế trong mỏ ai cũng bảo cánh thợ lò tuy cuốc than khỏe thế nhưng lại...nhát gái là thế!
Những câu chuyện đưa đẩy về cánh thợ lò thì muôn hình vạn trạng chỉ để mà cười cho khoái chí, vì thật là lạ, họ vào lò cuốc than hùng hục, sức vóc trai tráng thế cớ gì đi tán gái lại nhát, hay là….hay là…cuốc chim thì sắc như dao, mà chim anh bé tựa... cành rào khô nên tán tỉnh con gái mới thế!Nhưng không phải vậy, bàn tay cánh thợ lò cũng khác, nó khác là nó cũng dài, cũng nuột, cũng khỏe như muôn triệu triệu bàn tay bình thường khác. Nếu nó èo uột sao nó cầm cuốc cuốc than được, vì nó lạ, nó đặc biệt vì nó có cơ man những vết chằm xanh lam tím ngang dọc mảnh như sợi chỉ đan chằng chéo nhau trên bàn tay. Bàn tay thô ráp của thợ lò cầm tay con gái mềm như bún thì ai dám “lộ” sớm, vì thế, đi tán gái, riêng cánh thợ lò đều ngồi nghiêm ngắn từ xa, chỉ đến khi nào đối tượng tự chia sẻ thì mới dám…xáp lại. Những vết chằm từ mảnh những hòn than kíp lê găm vào da thịt đã tạo nên màu lam tím, thọat nhìn ngỡ đó là một bệnh lạ gì đó, không dám gần. Nhưng chẳng sao cả, nó có khắp nơi trên thân thể cường tráng của cánh thợ lò, vì điều kiện làm việc như thế, dù có bảo hộ cẩn thận đến đâu cũng không tránh khỏi những mảnh than văng ra sau những nhát cuốc chim bắn vào người và găm vào da thịt. Vì thằng Cạnh đẹp giai nhất tổ, cậu ta tự tin tán gái văn phòng, ai biết họ thề non hẹn biển đến đâu mà lại tan vỡ. Chứ cánh milơ của Đáo, cứ bình bình chọn mấy chị em nhà đèn, nhà quạt, nhà ăn, nhà tắm sấy mà tìm hiểu. Công việc ngòai cửa lò và trong lò đều hiểu về nhau cặn kẽ, thế nên phù hợp cả đôi ba đường. Đáo cũng thế, anh là người gần như cuối cùng của đám “lính mới” về Làng Bang ngày nào lấy vợ. Cô ấy là thợ nhà đèn. Vì đi cùng ca nên dễ bắt quen. Ngày đầu Liên cũng ngại Đáo lắm, anh cao to lại ăn nói mạnh bạo, dù ít nói, nhưng khi đã nói thì lại rất có uy lực, lại còn làm tổ trưởng khi tuổi còn ít, có thể nói, Đáo khá “oách” ở cái tuổi hai mươi rừng rực đó. Ông Tá, thợ lò già, vì sức khỏe yếu chuyển ra ngòai làm cùng tổ phát đèn với Liên đã trêu cô:
-Mày lấy thằng Đáo được đó, ít ra nhìn nó cũng tướng tá, không đến nối “cành rào” đâu mà lo. Lấy chồng thợ lò sướng làm sao. Ăn lo rồi lại nằm khò hết đêm. Hơhơhơ
Liên đỏ mặt và bụm miệng cười bảo ông già Tá:
-Ông thì, ông cứ trêu tôi thế, tôi không lấy được tổ trưởng Đáo là chết già đấy nhá.
-Hơhơhơ…con này mày sợ nó rồi hả, chưa gì đã sợ thế thì làm sao mà đi lấy chồng được. Yên trí đi, em là con gái nhà đèn, chọn chồng cứ chọn thợ lò là hên. Yên trí, thằng này cũng nhát như thỏ, to cao vạm vỡ thế thôi, để tao….tán mày cho nó.
-Ơ hay, ông buồn cười nhỉ, thời nào rồi còn đi…tán tỉnh hộ người khác.
-Kệ mày, việc đó của tao, hà hà hà. Gái nhà đèn như hoa thiên lý. Giai thợ lò chỉ một tí là xong. Nhá, cô mày cứ yên trí, lão già này sẽ bắn súng cho, súng không lên tao sẽ đền ...đạn!
- Khỉ gió nhà lão già.
-Haha ha, nói thế chứ cả tá thằng thợ lò trong mỏ, tao không bắn thằng này thì tao đền thằng khác cho mày, nếu mà xuôi chèo mát mái nhớ công lão già này nhá cô em cháu ạ.
-Khỉ gió nhà lão.
Tiếng cười của ông Tá như váng một góc rừng. Cữ ấy đang là mùa sim chín. Má liên cũng ửng lên như màu quả sim đang vào độ chín vì cái cách trêu chọc “không biên giới” nổi tiếng của ông thợ lò già này.
Chuyện lấy vợ của cánh thợ lò cũng khá bi hài, cứ tưởng làm thợ lò lương cao, đẹp giai thể nào chả nhanh chóng cưa cẩm được cô gái mỏ nào cho riêng mình. Vậy mà đâu có được dễ dàng như thế.
Có chuyện bên tổ đào lò số 2 có tay Huyên, dáng người thấp đậm, tóc luôn để búi,nhìn rất “nghệ sĩ”, câu chuyện của Huyên khi đi tán cô Mận làm vận hành ở khu sàng tuyển thì cả mỏ đều biết, vì nó vừa bi vừa hài. Huyên nổi tiếng trong cả rừng thợ lò vì mỗi khi có hội diễn của mỏ, bao giờ Huyên cũng đóng hai vai vừa gái vừa trai. Tiết mục đặc sắc làm khán giả thợ mỏ vỗ tay rầm trời. Hễ hát bài song ca nam nữ, Huyên sẽ mặc quần áo nửa nam, nửa nữ, hát giọng nữ sẽ nghiêng người về phía khán giả với trang phục nữ và khi hát giọng nam thì ngược lại. Huyên còn biết đánh đàn bầu cũng rất giỏi, tiết mục tự biên, tự diễn của Huyên luôn làm cho hội diễn của mỏ nóng lên. Cũng vì mải đi làm, mải đam mê hát, mê đàn nên Huyên cũng bị tình trạng báo động ...ế vợ!
Cùng lứa với Huyên ai cũng yên bề gia thất, chỉ riêng Huyên thì lại mải chơi nên cứ “kệ” chuyện vợ con. Khi đã ngoài ba mươi tuổi, bị gia đình giục giã nhiều quá nên anh chàng mới đi tìm hiểu, nhưng gái mỏ thì như mì chính cánh thời đó nên Huyên chả tìm được ai. Nghe mấy chị cùng phân xưởng bảo, nếu không chê thì đi tán em Mận còn sót lại của khu tập thể nữ, cậu với nó có khi hợp duyên được đấy. Huyên biết Mận vì cùng khu tập thể với nhau, nhưng vẫn đi qua nhau mà chả cần biết mình là ai. Huyên tìm cách đánh tiếng và đến tán Mận.
Biết Huyên là thợ lò nên Mận cố tình né tránh. Huyên ta thấy mình cũng “chả đến nỗi nào” mà chả lẽ lại không tán nổi cái cô Mận gái nhà sàng ấy. Cái cô Mận thì có gọi là đẹp xinh gì đâu cơ chứ, cũng đến tuổi quá lứa nhỡ thì đến nơi rồi đã cập bến cập bờ nào đâu. Thế mà Huyên đánh tiếng còn làm cành cao. Nghe mấy chị ở khu tập thể nói cô này cũng có tí ‘tinh vi”, biết gái mỏ hiếm, trai mỏ thì nhiều nên còn hóng chỗ nào hay hơn mới gật. Nhưng càng hóng thì càng chả có chàng nào đến nữa. Thôi thì nghe câu ca của các cụ “ đâu bằng em đợi nhưng đâu hơn thì em ừ”, song Mận lại sợ lấy thợ lò, vì...thợ lò đen thui thủi cả ngày! Các chị ở phân xưởng của Huyên kể, con Mận sạch sẽ lắm, nó nhìn đâu cũng thấy bẩn. Nó nhìn thợ lò nó bảo nếu mà...lên giường với chồng vẫn nghĩ mặt chồng đen như than ấy thì làm gì được nữa! Hư thực như thế nào không biết, nhưng mấy bà chị cười ngả nghiêng. Rồi các chị tiếp, cậu Huyên mà lấy được cô Mận chúng tôi sẽlàm cỗ cho ba ngày mừng luôn. Huyên thì chỉ biết nhăn răng cười và thách các chị:
-Tôi mà không lấy được em Mận, tôi bắt con gái các bà làm vợ luôn đấy.
Các chị cùng hơ hớ cười vang và bảo:
-Con chị còn đi mẫu giáo nhé.
-Con chị mới học lớp một nhé.
-Cậu đợi các con chị thì cậu rụng răng, tóc bạc phơ rồi nhé.
-Cho cậu đi tán cô Mận đi đã, các chị cứ nói để dành con gái cho nó thì còn lâu nó mới tán được cô Mận.
-Haha, các chị đừng có thách nhà giàu húp tương. Cứ đợi đấy nhá.
Huyên đi rồi, nhưng các bà chị ở phân xưởng còn cười ngặt nghẽo.
Còn về phần cô Mận, dù tuổi cũng đã cứng nên cũng muốn thôi thì đến đâu cũng được, nhưng khi nghe Huyên đánh tiếng thì cũng giả bộ làm cao đấy thôi. Mấy chị phân xưởng biết thế đã xui Huyên:
-Cậu cứ tán mạnh vào, kiểu gì nó chả xuôi, báo động bom nổ chậm rồi, khu tập thể nữ chỉ còn mấy bà cô thôi. Sót lại nó gái ba mươi đã toan về già rồi. Cậu không thất bại đâu, cứ tiến lên đi.
Được sự đưa đẩy của mấy bà chị tập thể, Huyên đến tán Mận với một niềm tin tất thắng. Cái chất ngông nghênh nghệ sĩ nửa mùa của cậu được thể bùng phát. Thế rồi nàng cũng có vẻ xuôi xuôi, nhưng ra chiều còn ngại ngần gì đó. Thấy thế Huyên hăng lên nói với Mận:
-Anh thề nếu em không lấy anh anh sẽ nhảy từ tầng ba nhà tập thể này xuống, để chứng minh tình yêu của thằng thợ lò này như thế nào.
Cô Mận thấy vậy, sợ quá, gật đầu, nhưng vẫn nói thêm:
-Nhưng anh phải hứa...
- Hứa gì anh cũng hứa, anh lấy được em anh sẽ xây cho em hẳn ngôi nhà ba tầng đẹp hơn nhà chủ mỏ nhé.
-Không, anh phải hứa...không làm thợ lò nữa.
-Hả, thế thì anh nhảy tầng luôn đây.
Huyên hét to. Mận thấy thế vội vã túm áo Huyên và can:
-Ôi, không, không...là em bảo thế, nếu anh vẫn thích làm thợ lò thìvẫn làm...em...vẫn lấy anh.
-Đấy, có thế chứ. Gái nhà sàng phải bản lĩnh lấy giai lò mới đúng chất chứ.
Câu chuyện được dân mỏ thêm thắt tí mắm muối chỗ này, thêm tí hoa hòe hoa sói chỗ kia thành giai thoại về chuyện lấy vợ của thợ lò vừa bi vừa hài là như thế. Câu chuyện của Mận Huyên luôn được cánh thợ lò đưa ra làm câu chuyện vui về tính khí của những gã thợ lò có bản lĩnh,dám sống chết với cái điều mình đã chọn. Đó là bản chất chỉ thợ cánh thợ lò mới có. Như một sự cảnh báo ngầm đừng có mà xúc phạm đến nghề thợ lò của chúng tớ nhé. Mỗi khi có dịp trà dư tửu hậu là cánh thợ lò lại có dịp đưa câu chuyện ra tếu táo về cái vui, cái buồn của nghề thợ lò nhọc nhằn nhưng rất đáng trân trọng thế. Tuy trục trặc ban đầu thế, nhưng khi lấy nhau rồi vợ chồng Mận Huyên cũng rất hạnh phúc, dù muộn mằn nhưng họ đã có một gia đình êm ấm trong khu tập thể mỏ.
Đáo cũng thuộc loại muộn vợ, và vì thế suýt bị giám đốc Nam đưa vào danh sách …mối lái! Ở vùng mỏ tuy rộng lớn, tuy đông người, một mỏ có cả mấy ngàn người, nhưng ở tổ thợ, phân xưởng nào, nhà máy, công trường nào có ai muộn vợ, muộn chồng thì lãnh đạo mỏ đều biết cả. Ông giám đốc sẽ giao cho công đoàn mỏ quan tâm đến họ, sẽ tìm cách ghép đôi cho họ xem sao và cũng khá nhiều đôi thành gia thất trong bối cảnh đó. Có chuyện cặp vợ chồng chị Hương anh Thanh ai cũng nhớ. Anh Thanh kém chị Hương những bảy tuổi, cứ mải mê đi lò, mải mê làm lụng và cũng …quên lấy vợ, chị Hương làm công nhân vận hành sàng thì cũng đã …quá lứa, nhưng chẳng có mối manh gì, tổ công đoàn ở đó đã làm công việc mai mối cho họ. Thời ấy, vợ chồng lệch tuổi như thế là sự lạ trong cuộc sống bất cứ ở đâu, hò vè vang khắp phố thợ khi cặp đôi đó được công đoàn phân xưởng tổ chức đám cưới ở nhà ăn mỏ. Nào là, chồng trẻ mà lấy vợ già, vừa sạch cửa nhà vừa ngọt cơm canh. Nào là, gái già lấy thằng trẻ ranh/ ba ngày thì cũng tan tành ...như chơi. Rồi, vợ già như cú thành tinh, giai trẻ mà lấy...âm binh có ngày.... Mặc những lời gièm pha đàm tiếu của đám thợ mỏ vốn dĩ thích đùa tếu quá trớn ấy, cặp đôi vẫn thành, họ chấp nhận nhau giản đơn như cuộc đời vẫn trôi theo dòng thời gian lặng lẽ. Ban đầu tổ công đoàn cũng lo, không khéo làm khổ họ, ai ngờ, hai anh chị cứ thế tiến lên, gia đình ấm êm hạnh phúc, ba năm chị sinh ra hai thằng cu con mập mạp, hệt bố Thanh. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi, nhìn cặp đôi “lệch” đó, dân mỏ không khỏi mừng cho họ, làng mỏmỗi ngày một sinh sôi thêm những chủ nhân tương lai từ những điều giản dị này.
Ở mỏ các cặp đôi công nhân lấy công nhân quá lứa nhỡ thì cũng nhiều,ai cũng biết trong mỏ còn có anh kỹ sư điện rất giỏi, là trai tân còn lấy nạ dòng mới là câu chuyện để dân mỏ bàn tán. Người bảo con mụ góa phụ lừa tình, kẻ bảo, thằng kỹ sư trẻ kia động rồ hay sao mà “đâm đầu” vào đó, trai tân lại là kỹ sư giỏi lấy chó đâu chả được con gái tử tế... Nhưng kệ thiên hạ đàm tiếu, anh chị vẫn hồn nhiên bên nhau, hạnh phúc như trào ra trong khóe mắt họ. Cuộc hôn phối cặp đó hòan toàn bình thường, chị có hai cô con gái, lấy anh đẻ thêm hai cô con gái nữa, một gia đình đồng thuận vui vẻ, ai nhìn vào cũng thấy đó là một gia đình hòan hảo. Sự gièm pha cũng trôi đi như những ngọn gió biển vô hồi thổi vào vùng biển lặng. Đúng như câu ca của các cụ “cười ba tháng chứ ai cười ba năm”, miễn họ yêu thương nhau, biết sống vì nhau, thiên hạ đôi khi cứ hay dỗi hơi. Hạnh phúc cứ thế nhân lên của những người thợ mỏ vốn dĩ luôn biết thích nghi với hoàn cảnh của mình để tồn tại và phát triển. Những cặp đôi lệch, những mối tình “bất thường” ấy đã như tổ mối cứ đẩy đầy lên cái ụ mối sung sức và phát triển của vùng mỏ ngày một lớn mạnh thêm. Tạo ra một cộng đồng dân cư vùng mỏ đầy sôi động với nhiều câu chuyện độc đáo và khẳng định cái chất thợ trong cánh thợ mỏ ở vùng than biển vừa mạnh mẽ vừa lãng mạn...Để mỗi sáng vào ca, cánh thợ không khỏi bâng khuâng xao xuyến khi vừa đi vừa dập dìu bước chân theo điệu nhạc của đài truyền thanh mỏ giai điệu ngọt ngào và quấn quýt: “đi qua Hòn Gai thấy biển trời Đông Bắc, Hạ Long biếc xanh theo hướng con tàu đi...” rồi, “Mỗi khi tan ca, anh cùng em lại ghi thêm một chiến công...” điệp khúc là la lá la...như gieo vào tâm hồn họ những âm thanh tươi mới, căng tràn sức trẻ, căng tràn tình yêu cuộc sống biết bao.
Chuyện lấy vợ của Đáo cũng trong trào lưu ấy, dù là tổ trưởng, lương cao, nhưng là thợ lò, kiếm được cô vợ cũng không phải dễ dànggì. Chuyện ra chuyện vào, cũng ẩm ương mấy bận thì hai người kết thân. Cũng do ông Tá một phần thật, bố mẹ Liên cùng tổ thợ với ông Tá từ thời mới đi làm, bố mẹ Liên đã về hưu, còn ông Tá ít tuổi hơn nên còn đang làm cùng với cánh Đáo mấy năm nữa. Phần Đáo anh cũng nhát thật, dân vùng mỏ ai chả biết biệt danh “gái làngBang” ấy là một vùng gái đẹp mà rất đanh đá. Biệt danh “gái làng Bang” thì cũng có nguyên do của nó, đanh đá vì ở đây tòan đàn ông làm mỏ, bọn đàn ông nào có tha các cô. Nhìn thấy em nào hay con mắt thì lao vào tán bừa, nếu cô nào hiền hiền quá là bị nó bắt nạt luôn. Cánh đàn bà có chồng cũng như con gái chưa chồng đều bị đám đàn ông con trai không tha mà tán tỉnh, mà cưa cẩm tuốt tuột. Vì thế, gái làng Bang không những vừa chống chế những đám trai lơ tán tỉnh linh tinh mà còn có khả năng tán luôn...các trai mà các nàng thích.
Nguyên do ở ở giữa khu mỏ bây giờ có còn tên một làng quê dù làng không còn, nhưng ngày xa xưa, nơi đây có một làng quê rất trù phú. Nghe đâu toàn cung tần mỹ nữ bị đầy ra miền khỉ ho cò gáy này vì đã phạm những lỗi mà triều đình tha chết, nhưng cho sống thì cho đi đầy. Triều đình chắc tưởng đưa các nàng đi về phía rừng thiêng nước độc thì các nàng sẽ đối mặt với cái chết là cầm chắc, triều đình đỡ bị mang tiếng đã giết họ. Nhưng không phải như thế, mà các nàng đến được cái làng Bang bên sông Dương thì lại được ân huệ trời đất cho gặp những chàng trai ở làng Bang là một làng dân tộc ít người đã sống ở đây rất lâu rồi. Cuộc đời các nàng tưởng sẽ kết thúc trong đau đớn nơi bến sông xa vắng này, ai ngờ lại nở hoa trên chính mảnh đất ấy. Làng Bang cứ bám dọc sông Dương, ăn lộc của biển cả phía trước, ăn lộc của rừng sâu phía sau. Vì thế ở đây còn có câu ca : “Gái làng Bang vừa xinh vừa đẹp. Trai làng làng Bang vừa giỏi vừa hiền”. Nếu không có những người xứ khác đến đào xuyên những ngọn núi, cánh rừng quanh làng Bang thì có lẽ, ngôi làng bé xíu ấy cũng ngàn đời nằm khuất trong cánh rừng già nguyên sinh êm ái như nó từng hiện hữu. Làng Bang bừng lên khí sắc mới từ những người khác xứ đến, ấy là một buổi chiều tối thẫm cuối
Mãi rồi mới có người mũi lõ ở đâu đó đến khai thác từ ruột núi ra những đống đất đen xì. Người làng Bang mãi mới hiểu đó là than, thứ than đem đun thành lửa thay cho củi đóm mà dân làng đã quen từ khi sinh ra. Họ đưa về máy móc, đưa người khắp nơi về ngụ luôn phía cánh rừng của làng Bang và moi móc từ ruột núi toàn than là than. Cái mỏ than hình thành nên thì người tây cũng gọi luôn là mỏ Làng Bang từ dạo đó.
Người làng Bang mãi sau này vẫn nhớ, đám người mũi lõ gọi là chung là Tây hết. Cái bọn người Tây ấy đã vào làng tuyển dụng trai làng đi vào làm công việc moi trong lòng núi những dòng than đen xì ấy. Cuộc sống cũng thay đổi theo cái công việc của đám người mũi lõ ấy. Thời gian trôi phủ lấp mọi điều, và khi cái bọn người Tây chiếm lĩnh hết cánh rừng để moi than thì làng Bang chỉ còn trong ký ức những người già. Chỉ biết ở vùng này, con gái đẹp, giỏi giang, ủy mị nhưng cũng dữ như...bà chằn, đàn ông còn lâu mới bắt nạt được họ. Vì thế khi ai nói đến biệt danh gái làng Bang thì biết họ là ai.
Thế mới có chàng thợ lò giai tân, chưa kịp cưa cẩm thì một góa phụ hai con đã...cưa chàng trước nhân cái đêm tổ thợ liên hoan... Cũng chẳng sao, vùng mỏ rộng lớn, có dễ dàng kiếm nổi cô vợ đâu, thợ lò kiếm được góa phụ vẫn…son! Và góa phụ với giai tân thì...khi ập vào nhau còn ranh giới gì đâu, họ vẫn là một cặp vẹn nguyên dành cho nhau mà thôi, thiên hạ thì cứ dỗi hơn tán vào, tán ra vậy chứ họ phải lòng nhau thì trời đất còn bé xíu nhé.
Chuyện này cũng ít người biết, chính giám đốc Nam có lần vui miệng kể với cánh thợ lò khi đến chúc mừng họ vừa hoàn thành một đoạn đường lò mới. Vui chuyện, giám đốc Nam hỏi trong tổ thợ này có còn ai...ế vợ, thì cả tổ đều đáp ơn giời may quá, cả tổ đều đã có những cô gái nhà đèn, những nàng làm công tác phục vụ ngoài mặt bằng đã kịp...chôm hết các chàng.
Giám đốc Nam nghe thế thì nâng cốc rượu cười khà khà và kể:
- Bữa trước bên tổ lò đá có cậu Tuyn đã bị một cô góa chồng ....
- Sao hả giám đốc, thằng Tuyn tồ em biết mà....
- Ừ, thằng Tuyn tồ ra mỏ cùng đợt mỏ tuyển với em mà, nó thật thà như đếm, cũng chưa kiếm được vợ thì phải...
- Hà hà hà...thì ra các cậu biết hắn. Các cậu có biết không, có mỗi bữa thịt chó liên hoan tổ chào mừng năm mới mà thành ra cậu Tuyn...có vợ, suýt nữa thì về quê kiếm vợ không xong ấy chứ.
- Ôi, có thật thế hả giám đốc?
-Chuyện hay quá, em tưởng thằng Tuyn tồ có vợ rồi chứ, tài nhỉ, thế cô kia góa phụ lâu chưa hả anh?
-Cũng bốn năm gì đó, chồng cô ấy cùng tổ với tay Tuyn, bị tai nạn lò mất, cậu Tuyn vẫn đến giúp giập cho mẹ con cô ấy. Không hiểu sao, cái đêm đó trời lại thương hai con người ấy thế. Hà hà hà...
- Giám đốc ơi, thế, thế....giám đốc không nghĩ đó là cái ...bẫy?
-Không, mình nghĩ, thật ra, gọi là góa phụ, nhưng chị ấy cũng có hơn anh chàng Tuyn đâu ba tuổi gì đó, quen hơi bén tiếng nhau rồi nên ....cũng may.
- Câu chuyện kết thúc có hậu. Dù sao cũng là một chuyện tình hay.
- Hoan hô giám đốc đã không phê bình thằng Tuyn tồ và cô góa phụ kia, phen này em mà có lỡ...giúp đỡ cô góa nào thì giám đốc bỏ qua nhá. Hahaha.
-Cậu cứ đùa, cậu tưởng làm được việc đó dễ lắm đấy phỏng?
-Thế em mới hoan hô giám đốc mà lị.
Cả tổ thợ cùng nâng cốc với giám đốc Nam và những tiếng cười như làm vỡ bung đêm ca ba ấy, một đêm trời đầy sao và thanh bình đến lạ. Chỉ có tiếng máy mỏ ầm ì xa xa vọng lại. Một khoảng lặng không thể xen cái gì vào được. Hình như mọi người nghe được nhịp đập của trái tim mình. Cái khoảnh khắc diệu kỳ đó đã lan tỏa sang mọi người. Cánh thợ lò đâu có học hành nhiều, họ chỉ có sự cảm nhận từ trái tim của mình với những câu chuyện về đồng đội như thế. Còn giám đốc Nam thì vốn dĩ là dân “lãng tử” nên rất đồng điệu với những câu chuyện mang tính nhân văn ấy. Mà cũng hiếm có giám đốc nào lại có thể “ngồi bệt” cùng cánh thợ lò uống rượu và tán dóc như thế. Ở mỏ đã có nhiều ông giám đốc khét tiếng “hét ra lửa”, cả cấp dưới và thợ thuyền đều sợ xanh mắt khi ông ấy quát nạt, văng tục, mạt sát cấp dưới. Nhưng ban đầu thì họ sợ, sau thì họ...ghét.
Chả bù cho một ông phó giám đốc mỏ say mê môn bóng bàn đến cháy bỏng để đến nỗi, mỗi khi có thời gian rảnh thì tức khắc tìm nhân viên bằng được để làm vài séc cho thỏa cơn nghiền! Ban đầu cấp dưới còn hoan hỉ đánh “đối ngoại” với sếp, nhưng sau thì các “tuyển thủ” phải chùn bước, vì sếp càng thua, sếp càng hăng gỡ, mà càng gỡ lại càng thua. Thế nên nhân viên biết chơi môn bóng bàn hay cấp dưới của ông có đủ “tay cơ” chơi được đều phát hãi vì ông chơi đến dốc hết sức lực thì thôi. Chơi không giữ sức, dốc hết sức trong hàng chục “séc” bóng không phân thua thắng lại càng mệt, có chị tuyển thủ của mỏ phải giả vờ thua ông liên tiếp ông mới cho nghỉ, vì quá mệt! Ông lại còn có cá tính thường quát nạt cấp dưới, thậm chí còn dùng nhiều lời lẽ mạt sát họ rất thô thiển. Nhất là đám thợ nữ trực ca ba ở các vị trí có thể ngồi đan len, thêu móc gì đó, vô phúc đúng buổi ông đi ca đêm kiểm tra thì chỉ có nước ăn kỷ luật, không giải thích lý do, không xin xỏ, kỷ luật là kỷ luật! Chính vì vậy mà tên tuổi ông được cánh thợ mỏ đi xe lên tầng kháo nhau hàng ngày nên vùng mỏ ai cũng biết có một ông tên là “ông Chu hắc xì dầu”. Công nhân,cán bộ đều né tránh vị phó giám đốc này, người ta né tránh không phải vì sợ mà người ta né tránh vì người ta không thích ông...biết đến. Lỡ ông biết đến thì chả may người ta gặp họa. Rồi thì chính ông đã tự làm mất thanh danh của ông vì những điều vụn vặt ấy, lấy cớ cấp trên quát nạt công nhân, cấp dưới, nên chẳng ai trọng ông nữa.
Vì thế cánh thợ ở mỏ Làng Bang rất khoái tính cách Nam, nhất là cánh thợ lò, công việc đã nặng nhọc lại thêm bao nỗi lo cơm áo gạo tiền nữa,thành thử gặp ông giám đốc mà thoải mái động viên thì không sao, đằng này cả đời gặp có một hai lần mà hạch xách này nọ thì quên luôn đi cho nhanh. Vì thế, giám đốc Nam được cánh thợ trong mỏ rất yêu mến và kính trọng. Biết anh ở tập thể một mình, nhiều lần vợ thợ lò bảo nhau lúc mang cho anh ít gạo ngon ở quê gửi ra, lúc đưa anh con gà hay cân thịt lợn nhà tăng gia được cho anh bồi dưỡng thêm. Tình cảm của giám đốc với cánh thợ gần như không có khoảng cách. Đến nỗi có đận, vợ giám đốc Nam ra chơi, khi buổi chiều, chị đang rửa bát ở phía sau nhà, thì có mấy cô công nhân nhà sàng thập thò vào và không cần rào đón trước sau cứ năn nỉ:
-Em xin anh, anh ơi anh tha cho em, chồng em mà anh ý biết thì anh ý giết em.
-Anh ơi, anh tha cho bọn em nhé, anh đừng nói rộng ra, chồng em mà biết, em đến chết mất thôi.
Giám đốc Nam kể lại cho cánh thợ nghe, và giải thích:
-Các cậu có biết tại sao có mẩu đối thoại như thế không? Đương nhiên là không rồi, bà vợ mình còn nghe câu được, câu chăng đã đánh choang rơi một chiếc bát vỡ đấy. Hà hà hà...có gì đâu, chả là ba cô nhà sàng đi trực lại mắc màn ngủ, tớ đi kiểm tra bắt được, lập biên bản đề nghị kỷ luật. Các cô ý bèn đến nhà tớ để xin...tha!
- Ui trời, thế mà em cứ tưởng....
-Ừ, thế mà em lại nghĩ câu chuyện khác cơ, chắc mấy cô đi tằng tịu gì gì...nên nhờ sếp giúp đỡ không chồng nó đánh đòn. Hahaaa
Tổ thợ của Đáo rất hay được “ngồi bệt” cùng giám đốc Nam vì giám đốc Nam có quan niệm cánh thợ lò là lao động chính của mỏ, sản lượng, kế hoạch, đồng lương ...tất tật đều từ họ mà ra cả. Vì thế, giám đốc Nam đặc biệt quan tâm đến đám thợ lò vâm váp và một sống một chết với tầng than, đường lò sâu kia. Tình cảm chân thành của giám đốc Nam thật sự đã đi cùng năm tháng với cuộc đời làm thợ lò của họ. Sau này, khi có chút dư giật, mỏ phát triển hơn, cánh thợ còn xin đất làm nhà bên kia những dãy đồi lúp xúp sú vẹt chạy dọc dòng Dương. Họ đã kiếm dây cáp, lập cái cầu treo qua sông để đi về, sau thì chính giám đốc Nam đã động viên anh em bằng cách trích kinh phí xây dựng của mỏ ra để làm một cây cầu xi măng nhỏ đủ để xe ô tô, xe bò và xe thô sơ qua lại bình thường. Vì thế, cái cầu đó được bà con thợ mỏ gọi luôn cầu ông Nam. Thật sự đó là một món quà ý nghĩa của một đời người với cương vị là giám đốc như Nam cũng thật hiếm. Cái chất lãng mạn, cái chất hào hiệp ở chàng kỹ sư địa chất luôn thăng hoa cùng các cung bậc khác nhau đã tạo hiệu ứng giá trị vô cùng to lớn trong cộng đồng công nhân mỏ của Nam mà ít ông giám đốc có được. Cũng như ở các mỏ khác, đã bao đời ông giám đốc đến, rồi đi, nhưng những công trình phúc lợi cho dân mỏ thì vẫn là con số không tròn! Riêng giám đốc Nam, việc anh quan tâm luôn hướng về tâm điểm là người công nhân, quan tâm chăm lo cho họ những gì họ còn thiếu. Dù Nam cũng sinh trưởng từ một làng quê nghèo, nhưng khát vọng làm thay đổi vùng đất mình đang được sinh sống là khát vọng vô cùng. Anh hơn nhiều người đã được đi máy bay, đến một chân trời xa lạ với biết bao điều mới lạ, sang trọng và được học tập với một bể kiến thức của nhân loại, khi mà đa số những người thợ mỏ của anh mới chỉ được học hết lớp bảy trường làng như Đáo, như Đệ, như bao cánh thợ mỏ khác ở vùng mỏ này. Anh được ăn những bữa cơm thịnh soạn, thì họ vẫn ăn bánh “nắp hầm”, ăn cơm độn sắn, độn khoai. Anh được xem phim, nghe nhạc ở những rạp hát lộng lẫy, xa hoa, được ngắm những đồ vật trong các bảo tàng lớn nhất nhì thế giới, bước trên những tấm thảm đỏ để chiêm ngưỡng những bức tượng, bức tranh kinh điển nổi tiếng thế giới...Anh cứ tự vấn, mình được ăn học, được hưởng thụ nhiều quá, còn công nhân mỏ của mình thì sao, câu hỏi cứ day trở trong anh, thường trực nhắc nhớ về nghĩa vụ của mình với những người thợ mỏ mà anh đã gắn bó bao năm qua.
Khi những thợ mỏ nơi đây vẫn chỉ được thưởng thức mỗi năm hai đến ba bận xem phim của đội chiếu bóng lưu động, vui hơn cả là các dịp lễ tết mỏ tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng. Cánh thợ nườm nượp đi xem chồng, con, bạn trai, bạn gái cùng tổ lò, cùng phân xưởng mình lên sân khấu. Khi lên sân khấu, họ hóa thân vào vai diễn, vào ca khúc âm nhạc đều lấp lánh vô cùng, tiếng vỗ tay không ngớt mỗi tiết mục diễn xong. Có lần dự xem đêm hội diễn của mỏ, trong không khí ấy, Nam đã rơm rớm nước mắt. Nhìn sân khấu tạm bợ ngay khu tâp thể, anh chị em diễn gần như “phô”, không cần phục trang nhiều, nhưng thật là hay, độc đáo....Những ý nghĩ về ngày được theo học đại học bên nước ngoài, được thưởng thức những tinh hoa nghệ thuật thế giới, anh không khỏi chạnh lòng. Những ý nghĩ đó đã nung nấu, đã dồn dập hối thúc để khi nhận nhiệm vụ giám đốc, việc đầu tiên anh tổ chức họp bàn cho xây một cái nhà văn hóa tại khu tập thể, sức chứa hơn ba trăm ghế ngồi, trong khu nhà còn có riêng một thư viện chứa cả ngàn đầu sách, đây cũng là ước mơ mà Nam đã ấp ủ từ lâu. Hy vọng từ những việc nho nhỏ này có thể bù đắp cho công nhân mỏ ở cái khu xa cả “bản nha, xa cả huyện đường” được tiếp cận với ánh sáng văn hóa trước tiên từ sách, trước tiên từ không gian văn hóa nhỏ này. Ước mơ của Nam đã được cả mấy ngàn công nhân mỏ và gia đình của họ tung hô như một luồng gió mới tươi mát thổi về thung lũng than bên dòng Dương này. Nam cũng bất ngờ vì cái mạnh bạo quyết liệt của anh khi đưa ra họp bàn cùng ban lãnh đạo mỏ, nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, công nhân đi làm cả ngày,thời gian đâu mà đi chơi thể,thao, đọc sách, xem kịch ở cái nhà văn hóa đó, chắc ông Nam nhiễm thói hưởng thụ tư bản nên mới ...đè ra mà xây nhà văn hóa! Nhưng vốn dĩ luôn có lập trường vững, luôn bảo vệ cái quan điểm của mình khi đã đưa ra là luôn thấu tình đạt lý nên dù số người đồng thuận chỉ là quá bán, Nam vẫn quyết tâm chỉ đạo bằng được việc xây dựng Nhà văn hóa mỏ. Và, thật ngạc nhiên khi Nhà văn hóa hoàn thiện, buổi lễ cắt băng khánh thành, cả khu tập thể đã nô nức kéo đến để được chiêm ngưỡng, được vào ngồi ghế, xem “nhà hát của mỏ”. Cụ ông Đỗ Văn Từ, thợ lò từ thời thuộc địa móm mém vuốt chòm râu bạc trắng cười khà khà nổi bật giữa đám đông trong khoảng sân nhà văn hóa, cất tiếng hào sảng nói với mọi người:
- Giám đốc Nam đúng là người con của thợ mỏ, quý lắm, quý lắm, ông Nam làm được cái việc này to quá, chúng tôi chả bao giờ mơ đâu. Tôi ở đây đến ba đời làm thợ mỏ rồi, nhưng chỉ ngẩng mặt lên là ngắm núi Trọc, cái làng Bang chỉ có núi và biển, nghèo lắm, giờ nhìn thấy nhà văn hóa mỏ Làng Bang thế này tôi phải sống đến trăm tuổi. Chà chà giám đốc Nam giỏi quá.
Sự kiện ra đời nhà văn hóa mỏ như làm rung chuyển cả vùng mỏ, nó như một ngôi sao sáng rực rỡ trên nền trời vùng Đông Bắc. Nhiều năm sau, những mỏ bạn cũng học tập mô hình như ở mỏ Làng Bang, cũng có nhà văn hóa, thư viện, nhà truyền thống, sân thể thao...bề thế. Không ai còn nhớ sự bắt đầu đó từ đâu, chỉ biết, cả vùng mỏ nơi nào cũng có những công trình bề thế của công nhân mỏ với những công trình văn hóa riêng biệt. Nào là tượng đài thợ mỏ, nào là xây dựng đội bóng đá nữ. Lại nói về đội bóng đá nữ. Giám đốc Nam đã khá bất ngờ khi chị em thợ mỏ Làng Banglại nhiệt huyết đến thế. Ban đầu đồng chí Lê Đủ -chủ tịch công đoàn mỏ báo cáo giám đốc Nam:
- Báo cáo anh, tôi có đề xuất thế này, phong trào của công nhân ta có nhiều phong trào lắm, nhưng đá bóng thì chị em nhà ta có vẻ nhiệt huyết lắm, hôm nọ tôi đến dự hội nghị người lao động của phân xưởng phục vụ thì hóa ra mình chưa phát huy hết tài năng của chị em anh ạ.
Giám đốc Nam cười ha hả và bảo:
-Thế thì còn gì mà không tổ chức đi ông công đoàn ơi, về mặt phong trào, tôi luôn ủng hộ, làm lụng đã vất vả rồi, nên thế, nên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao để khích lệ tinh thần anh chị em hăng say lao động hơn.
-Ôi, thế thì còn gì tuyệt vời hơn, cảm ơn anh quá. Vậy tôi cho triển khai luôn ạ.
-Nhất trí, về mặt này đồng chí cứ chủ động, chuyên môn ủng hộ tuyệt đối, chỉ có điều...phải gặt hái thành tích cho nó ra tấm, ra miếng nhá.
Nói rồi, giám đốc Nam cười lớn và bắt taychủ tịch công đoàn mỏ Lê Đủ, họ như truyền tinh thần đồng thuận cho nhau.
Sau bữa đó thì công đoàn mỏ tổ chức một đội bóng đá nữ mà lấy luôn đội hình từ chị em ở phân xưởng phục vụ. Chỉ định luôn chị Nguyễn Thị Nga làm đội trưởng đội bóng đá. Tại buổi giao nhiệm vụ, chị Nga giẫy nảy:
-Ấy chết, các sếp đừng giao cho em, em chỉ nấu bếp giỏi chứ đá bóng thì...
-Không sao, chị lớn tuổi, chị làm đội trưởng là phù hợp, còn bảo ban thêm các em nó.
Và đội bóng nữ của mỏ đầu tiên ra đời. Ban đầu chỉ thi đấu trong mỏ, sau thì thi đấu giữa các mỏ, sau lên đến cấp công ty, sau nữa đến cấp quốc gia. Chị Nga, người mẹ năm con là đội trưởng đầu tiên ngày đó mỗi khi nhớ lại đều rưng rưng, vì không hiểu sao mình lại…đá được bóng! Chứ đừng nói đến làm đội trưởng, lại còn một đàn vịt giời nheo nhóc, không hiểu sao vẫn …đá bóng được. Có những điều đã đi ra ngoài những điều tưởng tượng của con người. Những chị phụ nữ đã có chồng, những cô gái mảnh mai chưa bao giờ dám mặc quần sọoc ra đường, giờ mặc quần sọoc lại còn chạy lông nhông đá bóng cho cả ngàn …đàn ông xem! Ui chao, nghĩ đến thôi đã thấy mình liều mạng quá.
Kỷ niệm về đội bóng đá nữ này, khi Nam đã lên làm Tổng giám đốc, anh không quên một kỷ niệm mà cứ nghĩ đến là ứa nước mắt. Số là, khi các đội bóng đá nam, nữ của Tổng công ty thi đấu xong, anh được mời lên tặng hoa. Vì nghĩ có cả đội nam nên khi tặng hoa anh đã ưu tiên tặng hoa các nữ tuyển thủ trước. Anh đã bỏ qua một nữ tuyển thủ nhìn như...nam giới đến hai lần. Sau đó có anh cán bộ đi cùng phải nhắc:
-Anh ơi, anh bỏ qua nữ cầu thủ xuất sắc hai lần rồi ạ.
-Đâu, cậu có nhầm không, tớ ưu tiên trao hoa cho các cô nữ trước cơ mà. Chả lẽ tớ lại nhầm à?
-Vâng, thủ trưởng ơi, cô ấy đây ạ.
-Trời ơi. Nam hét to và ôm chầm cô gái có vóc dáng như nam giới rồi bảo. Tôi thành thật xin lỗi em. Không nghĩ bóng đá làm các em gái mỏ của tôi giống...nam giới thế này. Chúc mừng em, chúc mừng các em nhé. Tôi thật có lỗi đã tặng hoa em cuối cùng.
Những người có mặt ở đó đều rất xúc động vì hành động của Nam.
(còn nữa)
Người gửi / điện thoại