bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

ĐỨC BÌNH - 0969781942

XIN CÁM ƠN BAN BT đã đăng bài ĐÁ BIẾT ĐAU !

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐINH Y VĂN! BÁC ĐÃ CÓ Ý KIẾN RIÊNG VỀ "NHÂN CHỨNG CÂM"! CHÚNG TÔI LUÔN HOAN NGHÊNH CÁC Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỌC! VŨ NHO

 

Đinh Y Văn

Tôi là một người con của làng quê, cũng có những tán cau vươn trên lũy tre làng, cây gạo cây bàng cổ thụ… Là bạn đọc thường xuyên của Trang Nhà nên chân thành “hưởng ứng” câu hỏi của Tổng biên tập, “n...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ MỘT MỐI TÌNH THUỞ HỌC TRÒ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC SĨ HÀ HẢI ANH ĐÃ CỘNG TÁC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!BÀI THƠ TẶNG PHU NHÂN RẤT THÚ VỊ!CHÚC CÁC BÁC AN KHANG THỊNH VƯỢNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 63
Trong tuần: 883
Lượt truy cập: 958619

BẮT SỐNG "PHI CÔNG"?

BẮT SỐNG “PHI CÔNG”?


               HỒ BÁ THƯỢC

 

Thoạt nhìn, ai cũng tưởng ông người vùng biển. Với khuôn mặt rám, vuông vức có vẻ nắng gió đã làm da mặt ông thô ráp, xạm như da cá chết. Đôi vai nở nang. Hai cục u chai sần nổi lên ở vai. Rõ ràng chài lưới, dây dợ chà xát lên đôi vai cùng với thời gian năm tháng nhọc nhằn. Hơn nữa hai chân ông có dáng đi “vòng kiềng” -  bằng chứng việc đi lại chắc chắn. Nếu không ông rất dễ bị ngã mỗi khi sóng xô con thuyền chao đảo. Chòng chành “như nón không quai”, ngã là cái chắc. Nhưng ông vững chãi lắm.

 Giọng nói của ông đặc trưng vùng sông nước. Chuyện trò hay giao thiệp với ai, ông “oang oang” như lệnh vỡ. Hình như ông không thể nói nhỏ hoặc nói thầm được bởi lồng ngực ông rất nở, thừa hơi. Đó là con người “ăn sóng nói gió”. Nơi nào có mặt ông, nơi đó ầm ầm như giông bão, không bao giờ có chuyện “sóng yên, biển lặng”!

Tính cách, người ngợm là vậy nhưng chưa bao giờ ông “dính” đến chài lưới, biển cả. Một ngày rong chơi ngoài biển cũng không. Hỏi, ông cười. Cuối cùng ông ngượng ngùng thú nhận mình sinh ra ở vùng trung du đồi cọ, chưa biết đến biển cả rộng lớn thế nào. Thời trẻ, chỉ loanh quanh trong thôn xóm. Lớn lên đi bộ đội cũng chỉ rừng rú. Ông đã thuyên chuyển, trải qua nhiều đơn vị, nhiều chiến trường. Bây giờ mới được về đơn vị vận tải, hoạt động quanh năm cũng ở rừng. Ở quê ông toàn đồi là đồi. Hết đồi nọ dính liền với đồi kia. Ngô, khoai, sắn, sỏi đá và đồi cọ đã tạo ra con người ông như thế.

 Khi vừa lọt lòng, chưa mở mắt, đã mở mồm, mồm rộng đến mang tai. Cậu khóc oang oang, giật cả mình. Khóc như hét, tưởng đứa trẻ lên một, lên hai, chứ đâu còn đỏ hỏn. Cha ông ngồi uống nước với mấy người bạn đến thăm. Thấy tướng mạo “phi thường” của con như vậy, ông cười khà khà khoe: Thằng cu lớn lên đi lính, sẽ “thét ra lửa”. Sau này đi bộ đội lâu năm, trở thành cán bộ lãnh đạo, thấy nơi nào hoặc thuộc cấp dưới quyển sai sót, người ông sôi lên, nóng giận, quát mắng ầm ầm. Tính khí chẳng khác gì Trương Phi. Ai không hiểu, chắc không thể thông cảm được cho ông.

Nhưng thật lạ, tâm địa ông hoàn toàn khác với vẻ xù xì bên ngoài. Ông nhường nhịn từng miếng ăn ngon cho chiến sĩ lái xe. Ông nói chỉ người lái xe vận tải vất vả nhất, ngày nào cũng cận kề bom đạn, nguy hiểm khôn lường. Ông sát sao với bộ phận hậu cần, mắng mỏ họ quá “bủn xỉn” với cánh lái. Ông yêu thương, quí lái xe lắm. Đi đâu ông cũng khoe họ là con chim đầu đàn của ngành vận tải, phải cho ăn no, đôi cánh khỏe mới bay lên được.

 Một lần, chờ máy bay địch đánh phá ngoài trọng điểm xong, mới cho đội hình xe xuất phát. Trong lúc chờ ông vui vẻ kể cho lính lái xe nghe chuyện tình của mình mấy chục năm trước. Cũng vì tội “ăn to, nói lớn” xuýt mất người yêu. Đã thế còn bị ông bố vợ tương lai, “tặng” cho mấy gậy vào người, vào mông, đau ê ẩm cả tuần.

 Ông kể, vốn dĩ địa phương ông là nơi “đất lành, chim đậu”. Nhiều đơn vị tân binh trước khi vào chiến trường đều đến địa phương ông tập kết, huấn luyện. Vì địa hình quê ông gần giống với thực địa các chiến trường. Từ đó, huấn luyện xong, quân cán mới phân bổ vào các đơn vị chiến đấu. Ban ngày huấn luyện xong, ban đêm lính tráng rỗi rãi mò vào xóm, gặp gái “tán” như điên. Vì thế dân tình, bà con bảo nhau phải giữ gìn, cảnh giác. Nhà nào có con gái lớn, ngại lắm, không muốn cho ra đường, không cho đi lại vào đêm hôm khuya khoắt.

   Chiến tranh bùng nổ lan rộng ra miền Bắc, vừa hay chàng trai học xong cấp hai không đi học tiếp nữa  tình nguyện vào bộ đội. Đăng ký làm thủ tục với đơn vị nhận quân xong, sáng mai lên huyện đội tập trung rồi sang bên kia sông huấn luyện.

 Ở quê mình con trai, con gái mười sáu, mười bẩy  bắt đầu tìm kiếm người yêu. Trong đó có cả mình. Cô ấy tên Hoa, hai đứa học cùng lớp, tuổi ngang nhau. Cũng nói thật với các cậu, nhìn bên ngoài hai người không thực sự xứng đôi lắm. Mình cao to, xù xì, vừa thô, vừa lớn tiếng. Còn cô gái nhỏ nhắn, cân đối. Ai đã nhìn thấy một lần, muốn nhìn mãi. Đặc biệt khuôn mặt rất xinh, tóc chấm ngang vai nhìn trẻ lắm, tựa như mới mười sáu tuổi thôi. Cha mẹ đặt tên Hoa rất đúng vì cô ấy tươi như hoa thật.

 Trong lớp, người ngồi bàn trên, người ngồi bàn dưới, thỉnh thoảng lại dúi cho nhau vài chữ. Mẩu giấy lúc đầu to hơn hai đầu ngón tay một chút, vài câu vui đùa trêu chọc. Ai ngờ sau đó mẩu giấy mỗi ngày một to, câu chữ mỗi ngày một nhiều, lời lẽ táo bạo hơn. Thế rồi chúng tôi yêu nhau lúc nào không biết, nhưng chưa bao giờ hẹn hò, chưa dám cầm tay, dấu tiệt chuyện yêu đương với đám bạn học.

 Trước hôm lên đường nhập ngũ, lần đầu tiên tôi hẹn với Hoa, chờ đêm xuống hai đứa ra khu đồi phía sau nhà để tâm sự. Khu đồi nhà nàng thật tuyệt vời, không chỉ một đồi, có hẳn hai đồi xinh xắn, rất đẹp dốc thoai thoải, dễ đi. Nếu nhà thơ, tôi sẽ tưởng tượng hai đồi cọ nhà nàng thành hai trái “đào tiên”. Giá như có thể, tôi sẽ ôm trọn lấy hai trái đào trinh nguyên ấy của nàng, đi vào cõi “thiên thai”. Ánh trăng vàng lọt qua những lá cọ trên cao trải lên những lá cọ còn non ở phía dưới, lấp lánh như dát vàng, tôi ngỡ đó là chiếc giường cưới cho đôi uyên ương mà chúng tôi sắp được tận hưởng. Tôi chui vào đó ngồi đợi. Khi thấy nàng ra, đang nhớn nhác tìm, mừng quá, tôi reo lên:

  • Hoa, anh đây! Anh ngồi ở chỗ này cơ mà.

  Bất chợt, nhớ ra mình nói to quá, nhưng lỡ mồm mất rồi. Tự trách đã hẹn hò phải kín đáo, ai lại oang oang “tôi ngồi ở bụi này”. Khi cô gái vừa đi tới, tôi đã vội trách:

  • Sao em ra muộn thế, muỗi cắn chết anh rồi đây này. Lại một câu nói to nữa.

  Hoa nhoài người đến, hai tay bịt lấy miệng tôi, sợ hãi nhìn xuống dưới chân đồi, ánh đèn chập chờn trong nhà hắt ra, con chó nhỏ nhà cô thấy ồn ào trên đồi, nhóc nhách sủa.

  Hình như quá chăm chú quan sát, sợ người yêu lại nói to nữa nên Hoa quên béng việc bỏ tay ra, khiến chàng trai nghẹt thở. Không chịu được nữa, chàng thô bạo hất mạnh tay người yêu, mồm bật ra thành tiếng:

-    Không, em buông tay ra, anh ngạt thở lắm…!

 Chưa dứt lời, không biết từ đâu, chàng trai nhận được hai gậy liên tiếp vào lưng, nghe vừa chắc, vừa êm. Lúc khom người để chạy, được tặng thêm một gậy nữa vào mông. Chàng trai thốt lên:

  • Cháu, cháu đây mà!
  • Cháu nào cũng chết với ông. Không có đứa cháu nào mất nết như cậu.

Ông sấn thêm mấy bước, chàng trai vội lủi xuống đồi, lặn mất tăm…

Ba tháng sau chàng trai xuất hiện trong bộ quân phục còn mới. Vừa lấp ló đầu ngõ, cô gái ở trong nhà đã reo lên:

  • Ôi! anh đã về!

  Lần này, chàng trai bước vào nhà rất đĩnh đạc, chào hỏi mọi người đàng hoàng. Hoa kéo ghế cho anh ngồi rồi giới thiệu với cả nhà đây là người yêu. Tên anh ấy là Nguyễn Quốc Phòng, người cùng xã nhưng ở thôn bên.

Tuyệt nhiên cô không dám lộ chuyện anh đã bị cha cô “tẩn” cho mấy gậy tháng trước. Thấy chàng trai cao to, rắn rỏi, khỏe mạnh, giọng sang sảng như tiếng chuông; Vả lại được con gái nói người yêu nên ông rất mừng. Các nếp nhăn trên khuôn mặt già lão dãn ra. Ông xởi lởi tiến lại, vừa cười vừa giơ tay ra bắt. Hai người, một già một trẻ hồ hởi bắt tay nhau, giật đi giật lại mấy lần. Bỗng cha cô kêu:

- Ối! Ối! - Rồi giật phắt tay ra.

Cô gái sợ hãi hỏi cha làm sao thế? Thấy cha nhăn mặt, hướng về phía chàng trai nháy mắt mấy cái liền. Cô gái biết người yêu làm gì rồi. Không biết cơ gân khỏe đến đâu hay vì để trả thù ba gậy ông đập vào người hôm nào, chàng trai bóp tay mạnh quá, khiến ông đau, kêu oai oái. Khi biết mình lỡ tay, cho dù không cố tình, chàng trai vẫn thấy ân hận, mặt thuỗn ra. Trong khi cô gái đang vui mừng bỗng nhiên xì hơi, mặt sa sầm, giận dỗi nguýt chàng trai một cái rõ dài rồi chạy tụt vào buồng, ngồi yên trong đó, để lại anh chàng đứng ngoài ngượng ngùng, bối rối.

   Kể đến đây ông cười khùng khục. Bọn lái xe thấy thú vị, giục ông kể nốt chuyện đang hay, sau đó xảy ra thế nào?

- Có gì nữa đâu mà kể, cấp trên còn cho tôi một đêm nữa cơ mà. Tối hôm ấy dù không còn dịp gặp mặt để hẹn hò nhưng tôi vẫn mò lên đồi phía sau nhà nàng, kín đáo ngồi đợi, lòng thắc thỏm không biết nàng có hiểu lòng khát khao của tôi không? Nàng còn giận nữa không? Đang băn khoăn lo lắng, tim tôi như ngừng đập khi thấy nàng lại đến chỗ cũ. Lần này chúng tôi không nói chuyện nữa, chỉ “nhường” cho đôi tay lần mò khắp cơ thể nàng… Không lâu sau đó, trước khi vào chiến trường, đại đội cho về nhà ba ngày, tôi tranh thủ cưới nàng làm vợ.

Từ trên đèo Noọng Dẻ đi xuống, Tham mưu trưởng cùng với cậu trợ lý cầu đường vừa đi vừa nói, chuyện nổ ra cứ như ngô rang. Giá như địch thả “cây nhiệt đới” xuống khu rừng để thu âm phát hiện hoạt động của đối phương, chắc hẳn Trung tâm chỉ huy điện tử Hoa Kỳ đều nghe hết câu chuyện hai thầy trò đang “phô” ra rất nhiều “bí mật”. Chỉ có hai người nói chuyện với nhau, âm thanh thu được tiếng quát tháo, tiếng nói lái pha thêm thổ ngữ địa phương. Chắc hẳn đến “cụ” chúng nó bên kia Tây Bán cầu cũng phải phát điên lên mất, không hiểu đối phương nói chuyện hay đang chửi nhau?

Tham mưu trưởng nhận được mệnh lệnh của cấp trên mùa này ra quân sớm hơn mùa khô các năm trước để phục vụ cho chiến dịch đánh lớn. Dù đêm khuya cuốc bộ trên đường, vui chuyện xởi lởi với cấp dưới vài lời, nhưng ông không hé nửa câu cho viên trợ lý của mình biết. Đây là chiến dịch hết sức “tuyệt mật”. Cấp trên chỉ phổ biến vắn tắt có thế, còn cụ thể ra sao ông cũng mù tịt.

 Đến đầu ngầm Mường Xén, thấy đoàn xe của mình hàng hóa đã nạp đầy. Ông sờ xe, sờ nhíp, xe nào nhíp cũng thẳng băng, chắc chở quá tải rồi. Đường sá đang xấu, chở đầy hàng thế này, mau hỏng xe lắm. Ông thấy mừng vì lá ngụy trang còn xanh rì, có lẽ  đại đội mới cho lính thay lá hồi chiều? Ông ngạc nhiên hơn vì có nhiều xe binh khí kỹ thuật gồm pháo lớn, pháo nhỏ, xe tăng, xe bộ binh cơ giới… của Bộ mới xuất hiện, tấp vào hai bên đường, nằm im ỉm. Ông chậc lưỡi :

- À, chiến dịch lớn sắp xẩy ra đây. Trận đánh này, có lẽ đánh tổng lực Hợp đồng binh chủng chăng?

Trong bụi cây vẳng ra cuộc thoại rì rầm của lái xe, tiếng lúc to, lúc nhỏ xen lẫn tiếng cười. Ông kéo áo viên trợ trí rồi đưa tay lên miệng ra hiệu im lặng để nghe ngóng.

Lái xe vận tải của ông:

  • Này, bên ấy lần đầu xuất kích đấy à? Nhìn khẩu pháo to lớn thế này lạnh hết cả sống lưng. Mỗi phát đạn, khác gì quả bom? Khủng khiếp thật ? Đánh ở đâu đấy? Không lẽ Cánh Đồng Chum ?

        Lái xe đơn vị pháo của Bộ Tổng Tham mưu :

  • Tất nhiên, việc giải phóng Cánh Đồng Chum đã được cấp trên phê chuẩn rồi. Nghe nói chiến dịch này có biệt danh “chiến dịch Z” đấy. Quả thật Cánh Đồng Chum tựa như cô gái Lào đẹp người. Lúc cố vấn Mỹ, lính Vàng Pao, lính đánh thuê Thái Lan kiểm soát, nắm giữ. Lúc ta đánh chiếm lại. Hai bên dằng dai mấy bận rồi. Năm ngoái Cù Kiệt. Năm nay Cánh Đồng Chum, không chừng còn xơi luôn Xảm Thông, Long Chẹng cũng nên. Ông tướng Tư lệnh chiến dịch nhà ta nói một câu xanh rờn, bọn tớ được nghe, sướng như điên.
  • Câu gì vậy? - Trận này, đánh cho bọn lính đánh thuê Thái Lan đến ba đời còn sợ hãi.
  • Tại sao lại có lính đánh thuê Thái Lan ở đây?
  • Bọn Mỹ đổ tiền ra thuê hàng chục tiểu đoàn GM của Thái, lính Vàng Pao của Lào chiếm giữ Cánh Đồng Chum và phía bắc Lào?
  • Đã thế đánh cả Mường Sủi lấn ra đến tận Salaphukhun nữa ấy chứ?
  • Đó là chiến dịch đợt 2 sau khi ta giải phóng Cánh Đồng Chum… Bên các ông chở gì, hòm xiểng nặng thế?
  • Đấy, mỗi viên đạn một thùng nặng gần trăm kí, không biết đạn cho loại pháo gì?
  • Của bọn tớ chứ còn ai? Pháo 130 - được mệnh danh “Vua chiến trường” đấy, lần đầu tiên xuất trận, tầm bắn liều tăng, liều giảm…

 Khi nghe lính tráng “phô” đủ thứ chuyện, lộ hết “quân cơ”, ông đã muốn gầm lên. Nhưng chính ông cũng không biết sắp tới ta đánh ở đâu, cụ thể ra sao. Trong khi lính pháo, lính tăng của Bộ lại biết tường tận đến thế? Đúng là lính của Bộ có khác, bí mật gì cũng biết. Nghe lính nói, ông thấy rất đã, tâm trạng lâng lâng. Thôi từ nay, đoàn xe vận tải của ông qua đèo Fu Nốc Cốc không còn sợ pháo cối trên cao điểm Mu Lao của địch nã xuống nữa… Nhưng khi thấy câu chuyện của cánh lái xe đang quá đà, ông “hèm” một tiếng rõ to, rồi quát:

  • Này, các ông tướng!

          Trên thân pháo có ba, bốn cậu lái xe đang nằm ôm lấy nòng pháo như ôm cột đình ngày hội, trịn người vào nòng thép bóng nhẫy, có vẻ thích thú lắm. Nghe tiếng quát lớn, giật mình rơi phịch người xuống đất, tựa như bao tải gạo trên xe ném xuống. Khi nghe giọng quen, biết ngay thủ trưởng của mình, lái xe bò lồm cồm, cãi lại:

  • Thưa thủ trưởng, chúng em không phải tướng, là lính lái xe thôi ạ.
  • Lái xe phải về xe của mình ngay, còn tụ tập đây làm “Quân sư” nói mò à?

 Cánh lái xe lủi mất, ông cùng cậu trợ lý lại cuốc bộ về Sở chỉ huy Bản Bà. Bình thường từ đường ô tô vào Binh trạm có một con đường mòn men theo suối. Đề phòng máy bay OV10 trinh sát phát hiện, ông cho chiến sĩ rào lại. Mùa khô bắt mọi người lội qua suối xóa dấu vết. Mùa mưa nước to suối ngập, cho đi lại đường mòn cũ vì máy bay ít hoạt động. Để tôn vinh sáng kiến của ông, mọi người quen mồm gọi con đường đó là Đường Quốc Phòng.

Tờ mờ sáng, hai “thầy trò” men theo đường Quốc Phòng, đến mé suối, để nguyên dày vải trì trật lội qua các hòn đá tròn lông lốc dưới lòng khe, trượt lên trượt xuống, ướt đến quá đầu gối. Lên được bờ bên kia, ướt sũng trên hai ống quần, chảy dài theo lối đi. Được một đoạn, bất ngờ thấy một áng mây mù nhẹ, xôm xốp giống như tấm voan mỏng từ trên cao thả xuống. Giọt sương bên vệ đường lóng lánh như giọt thủy tinh. Mấy ngôi nhà tạm dưới lùm cây, một dãy hang bên vách suối dành cho bộ đội ở đã mờ mờ hiện ra. Ông sải bước có vẻ khó khăn lắm vì trong dày cao cổ sũng nước kêu ộp oạp rất khó chịu.

  Ông nhận ra ngay cậu “Inh một tai” công vụ của mình đang vít cổ, cắt tóc cho một cụ già. Chưa nhìn rõ mặt nhưng thấy dáng người cụ ông gầy gầy, xương sống lưng nổi lên sau tấm áo nhàu nhàu, màu gụ các cụ già trong bản vẫn thường mặc. Cụ ngồi trên vỏ gỗ thùng đạn, mái tóc hoa râm. Nhìn thấy cảnh tượng đó, lòng ông sôi lên, khuôn mặt biến đổi mau lẹ: cằm bảnh ra, hai thớ thịt bên gò má nổi lên, mắt ông trợn trừng, miệng hét rất to:

  • Đồng chí Inh! Tại sao để cụ già vào khu vực quân sự? Đồng chí vi phạm qui định “phòng gian, bảo mật” của cơ quan rồi đấy. Tôi sẽ cho làm kiểm điểm.

Ở trước cửa hang, viên trợ lý Tác chiến thấy bên ngoài thủ trưởng của mình đã về, còn lớn tiếng khiển trách cậu công vụ, vội vàng chạy ra, mặt xanh như tàu lá, nói không ra hơi:

  • Báo cáo thủ trưởng không phải thế đâu. Đêm qua, đoàn chiến dịch của Bộ Tham mưu đi vào mặt trận, tạm thời đóng quân tại cơ quan Binh trạm của ta. Đó không phải cụ già trong bản. Đồng chí là Tư lệnh trưởng chiến dịch đấy ạ!

Không biết tâm trạng của ông “tướng võ biền” nhà ta lúc bấy giờ thế nào? Nhưng “người nhà binh” rất quen thuộc xử lý tình huống mau lẹ. Ông chỉ kinh ngạc mất mấy giây rồi lật đật chạy đến đúng khoảng cách theo qui định, dập đôi dày sũng nước với tư thế nghiêm trang, ưỡn ngực, giơ tay chào:

  • Báo cáo đồng chí Tư lệnh, tôi Tham mưu trưởng Binh trạm, thiếu tá Nguyễn Quốc Phòng, vì không biết, thành thật xin lỗi đồng chí”.

Tư lệnh cũng muốn ngẩng đầu lên xem người đứng trước mặt mình vóc dáng thế nào mà tiếng nói oang oang, cùng với sự nghiêm khắc cần thiết. Nhưng vì rất ngại con dao cạo sắc lẹm của cậu công vụ đang nhảy nhót điêu luyện trên bộ râu lâu ngày không cạo của ông. Nhỡ ra dao kéo vô tình có thể xẩy ra điều đáng tiếc, Tư lệnh không dám nhúc nhích đầu, đành phẩy tay mấy cái như thể cho qua.

 Tham mưu trưởng vào đến bàn họp trong hang đá để giao ban buổi sáng như thường lệ. Tất thảy các ban bệ đã tề tựu đầy đủ. Họ có ý chờ ông từ lâu. Dường như hôm nay, ông thấy có điều gì là lạ, nét mặt mọi người rất hân hoan. Tay trợ lý Tác chiến vội vã đứng lên:

  • Báo cáo, đêm qua Đại đội 2 Công binh của đồng chí Đào Công Ẩn ở Nậm Tiền báo cáo về Binh trạm đã bắt sống phi công, hiện đang giam giữ dưới hầm.

   Tham mưu trưởng gắt với trợ lý:

  • Đơn vị pháo nào bắn? Máy bay rơi loại máy bay gì? Bắt sống phi công trong hoàn cảnh nào? Bây giờ tình hình sức khỏe tên phi công ra sao?

 Ông dằn từng tiếng một:

  • Đã là cán bộ Tác chiến phải nắm chắc tình tiết sự việc… Báo cáo lại đi!
  • Dạ báo cáo Tham mưu trưởng, chúng tôi mới nắm được có thế, hỏi tiếp thông tin điện thoại bị mất liên lạc. Truy hỏi nhiều lần nhưng đường dây chưa thông. Chắc chắn ta bắt sống được phi công rồi.

Còn nữa, sau khi chúng tôi báo cáo với Tham mưu phó, mọi người nhất trí báo cáo sơ bộ tình hình về Sở chỉ huy hậu phương rồi. Ở ngoài đó họ mừng lắm. Cấp trên chỉ thị Binh trạm phải điều xe đưa phi công về Hà Nội ngay trong đêm nay, nhưng phải thật an toàn. Trực ban ngoài đó hối thúc gọi điện liên tục, nhưng đành chịu. Bây giờ trời đã sáng rồi, xe không chạy được ban ngày. Đề nghị Thủ trưởng cho ý kiến chỉ đạo!

        Tay trợ lý Tác chiến còn tỏ ra vẻ thông thạo đưa thêm tin giật gân. Tôi nghe đài báo nói ở Hà Nội một thanh niên tên là Lụa mới 17 tuổi chỉ với một con dao trong tay, dám bơi ra giữa lòng hồ Trúc Bạch bắt sống được trung úy phi công Mỹ John McCain. Mặc dù đang bơi dưới nước, cậu thanh niên vẫn hô theo thói quen “Haut le mains”. Đang ở dưới nước làm sao “giơ tay lên” được, làm mọi người cười ồ. Còn Binh trạm ta chỉ có tay không cũng bắt sống được phi công. Thật tuyệt vời phải không các đồng chí. Có tiếng vỗ tay rào  rào tán thưởng .

  Bỗng trước cửa hang, tay trực ban của cơ quan  thập thò, thấy mọi người đang ồn ào phấn khích, chần chừ chưa dám vào. Tham mưu trưởng thấy thế khích lệ vẫy tay.

  • Báo cáo thủ trưởng, đường dây liên lạc với ngoại tuyến vừa mới thông rồi ạ. Tôi trực ban từ tối hôm qua đến bây giờ đã liên lạc được với anh Ẩn đại đội trưởng C2. Sự việc không phải thế đâu ạ. Ta bắt Phi Công nhưng không phải phi công Mỹ, mà người của chúng ta.

Tham mưu trưởng gắt:

  • Tại sao lại thế? Ta bắn nhầm vào máy bay của mình à. Việc liên lạc trên không và dưới mặt đất lâu nay ta hợp đồng chặt chẽ lắm cơ mà, làm sao lại có chuyện “quân ta bắn quân mình”. Một sự nhầm lẫn chết người?
  • Không ạ! Ta bắt được Trần Phi Công. Mọi người thường ngày không gọi họ đầy đủ, quen mồm gọi cậu ta là Phi Công. Đồng chí Phi Công này là cán bộ trung đội trưởng đang bị sốt nằm dưới hầm được cô y tá xuống chăm sóc. Vì họ ở dưới hầm lâu quá, cậu công vụ đại đội sốt ruột, xuống xem tình hình thế nào bắt gặp họ không mảnh vải trên người, đang quấn vào nhau. Thế là vỡ lở câu chuyện bắt sống Phi Công. Trực ban đơn vị đang báo cáo điện thoại thì đường dây mất liên lạc, chúng tôi chỉ nghe được báo cáo đoạn đầu, nên mới hiểu…

Mọi người kinh ngạc há hốc nghe trực ban giải trình sự việc “tréo ngoe” hết sức nhạy cảm. Bỗng nghe “rầm” một tiếng rất to, tưởng chiếc bàn bị gãy làm đôi. Mấy chiếc ca uống nước trên mặt bàn nhẩy lách tách dưới bàn tay rắn chắc của Thủ trưởng giáng xuống.

  • Thế này có chết tôi không? Đã báo cáo lên cấp trên rồi, biết giải thích sao đây?

 Mặt ông đỏ lừ, hầm hầm bước ra khỏi bàn họp, ai nhìn thấy cũng hoảng.

 Câu chuyện bắt sống phi công nhầm sau khi nghe đơn vị tường trình, có lẽ cấp trên cũng bỏ qua cho đơn vị vì sự ấu trĩ, hồ đồ. Vả lại cấp trên còn nhiều việc lớn khác phải làm nên không trách cứ gì nhiều. Nhưng ở đơn vị câu chuyện nực cười bắt sống Phi Công vẫn còn dư âm. Trước mắt bài học rút kinh nghiệm, nhưng quyết tâm bắt sống phi công Mỹ vẫn luôn cháy bỏng trong lòng Tham mưu trưởng.

Sau đó, xảy ra một chuyện thật bất ngờ khi cấp trên chuyển vào cho ông ba tấn đạn DKP, gần một trăm quả. Cơ quan Tác chiến cấp trên nói sơ bộ trên điện thoại đây là hỏa tiễn đất đối đất, tựa như tên lửa Kachiusa. Ta cải tiến thành tên lửa đất đối không tầm thấp. Dù hiệu quả tiêu diệt mục tiêu không cao nhưng ít ra cũng có thể đánh lừa, hù dọa địch để chia sẻ mỗi khi pháo phòng không của ta đơn lẻ lên tiếng. Hơn nữa khi ta bắn máy bay sẽ tăng thêm ý chí, vững tay lái cho các chiến sĩ lái xe đang hoạt động trên đường.

 Ông rất mong mỏi sớm có được thứ vũ khí mới, nhưng “ngã ngô” khi xe đạn đưa vào chỉ có đạn, không có bệ phóng. Kèm theo xe,  một ông trợ lý Tác chiến với hai bàn tay trắng cùng dăm lời dặn dò. Nhận đạn rồi, tâm trạng ông không vui xen lẫn hoang mang. Trong khi địch đưa vào hoạt động loại máy bay AC130 được cải tiến từ máy bay C130 thông thường địch đã sử dụng mấy năm trước. Đây là loại máy bay quái ác nhất gây khó khăn rất lớn cho đơn vị xe vận tải của ông. Loại máy bay này được tiếp dầu trên không, sức chở lớn, bay liên tục suốt ngày lẫn đêm, phát hiện mục tiêu tấn công ngay, sau đó mới gọi máy bay cường kích đến ném bom hủy diệt.

 Cấp trên chỉ thị cho pháo phòng không và các đơn vị trên toàn tuyến cố gắng hạ bằng được máy bay AC130, bắt sống phi công để nghiên cứu, tìm cách đối phó. Thậm chí Bộ còn chỉ thị cho Sân bay Dừa sẵn sàng cho máy bay của ta xuất kích để săn lùng hạ máy bay đặc biệt nguy hiểm này của địch.

 Cuối cùng ông cũng toại nguyện tìm ra được ống phóng đơn giản bằng việc đào hố sâu làm máng trượt bằng đất sét mài nhẵn, đặt viên đạn vào đó, nối dây điểm hỏa bằng pin hoặc máy điểm hỏa bộc phá.

 Đích thân ông cùng với hai trợ lý Tác chiến, Công binh, một trung đội công binh chuẩn bị trận địa. Ông đi khảo sát thực địa rất kỹ càng, xa đường nhưng dễ tác nghiệp khi phóng tên lửa, có đường lui quân. Ông liên hệ chặt chẽ với đơn vị pháo cao xạ ở Bản Ban, hợp đồng tác chiến sau khi đã xác định hướng bay, tầm bắn.

 Đó là một đêm đẹp trời, đáng nhớ. Sáu viên đạn nằm trên sáu máng trượt được nối dây điện cách trận địa hơn hai trăm mét. Mọi người hồi hộp chờ lệnh. Như thường lệ trời bắt đầu xâm xẩm, máy bay AC130 đã vè vè lượn lờ. Có lẽ chúng được trang bị thêm tia hồng ngoại nên dễ phát hiện các mục tiêu dưới mặt đất. Chính vì vậy ông cho các xe tải cắm lá nguy trang được phun bùn đất giống với đất đá trên  mặt đường làm lu mờ mục tiêu. Khi trận địa pháo ở Bản Ban bắt đầu lên tiếng. Bên này ông phát lệnh điểm hỏa. Giữa khoảng không bao la, tất cả giật mình khi nghe một tiếng hô khẩu lệnh của Tham mưu trưởng: “Bắn!...”

  Một quầng lửa bao trùm lên trận địa, sáu con rồng vụt lên bầu trời hung hãn kéo theo một vệt lửa sáng rực. Bất ngờ nhất sau tiếng pháo nổ, máy bay AC130 mất hút.

Không biết trong khoảng lặng được bao lâu, quân cán của ông chuẩn bị thu quân ra về, bất chợt, máy bay ở đâu xộc đến. Không ai đếm được bao nhiêu chiếc máy bay vây lấy trận địa của ông, nhưng nghe tiếng gầm rú, xé nát bầu trời, cũng đủ biết không phải ít máy bay đang điên loạn muốn tiêu diệt trận địa tên lửa. Các loại bom, rốc két thả xuống vô tội vạ. Dù cách xa vị trí nổ đến vài trăm mét nhưng vẫn trong vòng xoáy bom đạn khốc liệt nhất. “Cha con” ông Tham mưu trưởng nai lưng chịu trận. Dường như không thể nằm lại để hứng chịu, ông cùng với đám binh sĩ cố sống, lăn xả chạy tháo thân.

 Sau khi về được doanh trại, kiểm tra lại không thấy thiếu một ai, ngoài hai, ba chiến sĩ bị xây xát nhẹ. Nhưng nghĩ lại giây phút hãi hùng ấy mới thấy kinh hoàng. Ông đã từng trải qua nhiều lần trực diện với bom đạn, nhưng chưa lần nào ông lại thấy chúng đánh trả hung hãn đến thế. Ông không hiểu được làm sao mọi người thoát hiểm một cách thần kỳ đến vậy. Không ai bị thương mặc dù vách ta luy cao hàng chục mét chưa kể gai góc, đất đá, mảnh bom đầy rẫy trên sườn dốc, lăn xuống mặt đường vẫn an toàn?

 Hơn thế, ông vừa nhận được điện thoại của đơn vị pháo cao xạ thông báo sau khi ta nổ súng, máy bay địch kéo theo một vệt lửa dài lao về phía Tây nam Thẩm Hoa, có thể máy bay địch bị cháy. Họ đề nghị Binh trạm tổ chức người truy tìm máy bay rơi, có thể bắt sống được phi công càng tốt!

 Ông không thể chờ đến sáng mai họp giao ban để thông báo thắng lợi bất ngờ này, liền cho công vụ thông báo triệu tập Ban Tham mưu họp gấp ngay trong đêm, dẫu bây giờ đã gần sáng. Đương nhiên ông không cần xác minh ai là người bắn rơi máy bay. Điều ông cần nhất phải tìm được xác máy bay để xác minh có thật máy bay rơi hay không? Biết đâu ông gặp may nếu tóm được tên phi công đang ẩn náu đâu đó trong rừng.

 Sẵn có trung đội công binh vừa thực hành trận địa tên lửa, ông cho họ truy tìm xác máy bay được cho là máy bay AC130. Ông chỉ thị cho bộ phận Hậu cần cơ quan chuẩn bị ngay đầy đủ lương thực, thực phẩm cho một trung đội với thời gian 15 ngày đi đường, kèm theo 50kg muối, vài lạng đá lửa để trao đổi quan hệ với dân bản. Sáng sớm đội tìm kiếm lên đường. Đích thân ông kiểm tra chặt chẽ súng ống, các trang bị khác với tinh thần “tinh nhuệ, gọn nhẹ, cơ động”.

 Ngoài ra ông còn ra lệnh chuẩn bị thêm khẩu phần lương khô 702, 705, thịt hộp cao cấp nếu bắt sống được phi công phải cho ăn uống tử tế, tuyệt đối không để “tù binh” bị ốm đau. 

Nhớ lại việc bắt nhầm cán bộ Trần Phi Công của mình thành chuyện bắt sống phi công Mỹ dạo nọ, ông cảm thấy buồn và tự trách mình thiếu sâu sát, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo. Thậm chí đôi lúc ông thấy xấu hổ. Ông tự hứa với mình sẽ cố gắng rèn luyện tính hay nổi nóng, tật nói to…

 Để chắc chắn hơn, ông chỉ thị cho Trực ban tác chiến không được “bép xép” báo cáo với cơ quan cấp trên về sự việc Đội tìm kiếm đang tiến hành chưa thể  biết kết quả ra sao.

Đã mười ngày trôi qua, đội tìm kiếm vẫn “bặt vô âm tín”, lòng ông như lửa đốt. Không biết họ có làm sao không, lành ít hay dữ nhiều? Đôi khi lòng ông xao xuyến, chao đảo không biết mình tổ chức như thế đúng sai thế nào? Đáng lẽ mình tổ chức thêm một đội nữa để tiếp ứng? Tính mạng hai chục con người chứ có phải là ít? Ông thấy trách nhiệm của mình có phần dao động?

Ông đang đứng suy nghĩ, lòng ngẩn ngơ bên cửa sổ. Trên hàng cây cao tầng tầng, lớp lớp, rừng xanh bạt ngàn, nối liền nhau dường như không thấy ánh mặt trời. Như thường lệ máy bay ầm ào lướt qua, sau đó lại có tiếng bom nổ đâu đó ngoài trọng điểm. Ông chợt thấy một toán người dưới suối đang leo dốc đi lên hướng về Sở chi huy Tiền phương. Ông thở phào: Đội tìm kiếm đã về. Ông nheo mắt nhìn đám đông, không thấy người nào cao to nổi trội. Ông nghĩ ngay tới việc không bắt sống được tên phi công. Nhưng ngược lại trong số họ có khá nhiều chiến sĩ ba lô nặng trĩu sau lưng.

Ông đón mọi người trước cửa nhà. Tay trung đội trưởng vội bỏ ba lô xuống, dập gót đứng nghiêm:

  • Báo cáo Thủ trưởng, Đội tìm kiếm đã về, quân số đầy đủ, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.
  • Tốt! Thế máy bay đâu, phi công đâu? – Tham mưu trưởng hỏi.
  • Chúng tôi ráo riết đi khắp các bản Lào trong khu vực, bao gồm bản cũ và bản sơ tán mới. Dạ, đến được bản Muang Thè xa nhất, dân bản nhặt được nhiều mảnh máy bay lắm, chúng tôi chỉ đưa về đây một ít, nhưng họ nói mảnh máy bay này nhặt được từ năm ngoái.
  • Thế còn bắt sống phi công?… Giọng ông không oang oang như mọi bận, mà phát ra rất nhỏ, run run không hỏi tiếp được nữa.
  • Dạ không ạ. Dân bản không bắt sống, họ bắn chết tại chỗ, chỉ còn lại cốt thôi. Chúng tôi thuyết phục mãi, họ mới đồng ý đổi muối và đá lửa. Tranh thủ thời gian, sẵn nồi của dân bản, chúng tôi đã nấu thành cao rồi ạ.
  • Tại sao lại nấu cao?
  • Dạ, vì đó là xương hổ ạ!!!

                                        Hà nội 02-02-2020

anh_cua_trung_nguyen_11

 

              

 

                 

 

 

                 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com