LÝ TƯỞNG VÀ TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG THƠ
NGUYỄN HỒNG MINH
BÙI MINH TRÍ (BÌA PHẢI) VÀ NHÀ THƠ NGUYỄN HỒNG MINH
Nhân dân Việt Nam vẫn thường gọi bộ đội bằng cái tên thân mật: người lính cụ Hồ - chính họ đã và đang hy sinh chiến đấu, góp phần giải phóng đất nước , bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam . Trong rất nhiều những phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, qua thơ Nguyễn Hồng Minh tôi thấy hiện lên vẻ đẹp lý tưởng sống và tình yêu của người lính.
Lý tưởng sống ở anh lính Nguyễn Hồng Minh thật là giản dị.
Là những người trai trẻ “Một thời hoa lửa”, khi còn ở quê nhà anh cũng như các bạn muốn xung phong và tìm mọi cách để vào bộ đội đi chiến đấu, đánh giặc:
Thời chúng tôi
Ai cũng ham đánh giặc
Nhập ngũ ghi tên dành chỗ trước sau
Thằng thiếu chiều cao, cố kiễng chân sào
Thằng nhẹ cân, lén quần sau giấu đá
Tuổi mười sáu, khai tăng tuổi lạ
Con một hoãn đi, giả chữ ký mẹ cha...
Thời chúng tôi
Đi đánh giặc phương xa
Cả làng thôn trống chiêng như mở hội.
Vâng lời Bác Hồ
Không có gì quý hơn độc lập tự do
Rồi ra trận thực hiện nguyện vọng ấy:
Họ ra trận
Lấy máu xương mình để làm người bất tử
Tạc lên hình đất nước những bài ca
Nơi Trường Sơn máu lửa, gian khổ mà gan không núng chí không sờn:
Đường Trường Sơn bom đạn đội lên đầu
Mưa xô người khát cháy khô cọng cỏ
Áo sờn vai máu trộn bùn nâu đỏ
Vết chân mài nhẵn đá vịn bóng cây
Măng đắng, sấn hoang, giang, chút, tàu bay
Xì xụp húp canh, tiếng cười vang suối vắng
Tất cả cùng chung một ý chí là trút lửa căm thù vào đầu ngọn súng:
Em cùng anh vượt qua chông gai
Chút lửa hờn vào đầu ngọn súng
Bởi lẽ
Bầu trời chung mang khúc quân hành
Nặng hai vai chiến hào đánh Mỹ
Rồi hình ảnh đẹp “Thần tốc tiến vào Sài Gòn”:
Đồng chí nhanh chân lên
Trận đánh cuối cùng rồi
Chưa bao giờ chúng tôi cười vui như thế
Vào cái chết mà như đi mở hội
Những câu thơ đó của tác giả làm bạn đọc nhớ tới câu nói nổi tiếng của Anh hùng trẻ tuổi Lê Mã Lương: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.
Điều đó đã tạo nên bản lĩnh vững vàng, kiên định cùng động lực to lớn, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn quân nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết một lòng: “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Người lính thời đại Hồ Chí Minh không chỉ đẹp bởi lý tưởng sống vì độc lập, tự do của tổ quốc, mà họ còn là những chàng trai, cô gái có trái tim giàu yêu thương. Ở họ, đó là sự kết tinh của cái bình thường và phi thường, của vĩ đại và giản dị, vừa yêu thương mênh mông,vừa căm hờn cháy bỏng, rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng.Trong phút đối mặt với thử thách, khó khăn, các anh vẫn lạc quan, vững vàng bởi tình yêu nơi hậu phương vững chắc:
Tặng anh cả thời thiếu nữ
Mộng mơ e ấp nụ đời
Bông hoa trắng tinh trước gió
Đợi anh... riêng của anh thôi
Nếu Nguyễn Mỹ có “Cuộc chia ly màu đỏ” - cái màu cờ ấy như một biểu tượng, một dấu ấn sâu sắc cháy lòng nung nấu một tình yêu sắt son chờ đợi của cả người đi và người ở lại, thì Nguyễn Hồng Minh có “Cuộc chia ly màu tím”:
Chia tay anh chân trời màu tím
Dòng sông quê nước chảy êm đềm
Anh đi xa , mai vào tuyến lửa
Khoảng trời xanh mang cả em đi
Bước vào trận đánh, người chiến sĩ luôn có em bên mình:
Đêm công đồn
Súng nổ dồn trận đánh
Có em bên mình thêm sức mạnh em ơi
... Sợi nhớ sợi thương
Gửi bao điều muốn nói
Ngôi sao Mai nhấp nháy bên trời
Anh đi xa nhớ lắm buổi em tiễn đưa:
Ngày anh đi xa
Hoa xoan rụng hiên nhà
Em tiến anh
Bờ đê làng trắng sương cỏ dại
Dòng sông Thương bồng bềnh bến bãi
Hoa gạo bung thắp lửa chiều rơi
Tình cảm của người chiến sĩ với quê hương thật là tha thiết:
Chúng tôi lên đường nhớ dáng mẹ quê tôi
Nắm cơm gói mo cau ngày ấy
Lưng mẹ còng ruộng nhà như dấu hỏi
Dấu trong lá trầu, vôi đầu bạc mẹ ơi!
Ngày về phép mẹ bắt cưới vợ. Cuộc sống vợ chồng, khi hơi ấm chưa quen anh đã lại lên đường. Em đã thay chồng thờ mẹ, nuôi con. Anh rất thông cảm với em:
Đêm lạnh trời
Sương vườn rơi tí tách
Nhớ chồng. thương con, lóc cóc tiếng xe trâu
Hòn Vọng phu xa lắc ở đâu
Quê làng mình chỗ nào cũng có
Chúng ta cùng thưởng thức bài thơ “Mình ơi mình” tặng vợ ngày sinh nhật của chặng đường 30 năm ngày cưới:
Em đến bên anh
Mùa đông xanh Hồ Gươm ngày ấy
Đánh thức tình yêu anh trỗi dậy
Người lính ngủ vùi qua năm tháng chiến tranh
Em là hoa thơm
Là ngọn gió mát lành
Là mật ngọt vị đời
Cho anh mùa xuân bất tận.
Rộng ra tác giả có những bài thơ diễn tả rung động của trái tim chiến sĩ trước những mối tình đẹp. Hành trang tinh thần một thời đuổi giặc của người lính là những dòng thơ và tình yêu mộng mơ ban đầu. Trong vắt, nguyên sơ và thánh thiện. Tâm hồn, tình yêu người lính là như vậy. Nhờ đó đã góp phần tạo ra sức mạnh ở họ để làm nên chiến thắng.
Đây là tình yêu của cô thanh niên xung phong với anh chiến sĩ:
Có cô thanh niên xung phong
Cùng người lính ước hẹn vợ chồng
Đêm Trường Sơn chỉ có trăng và gió
Thoảng mùi khét bom dầy tọa độ
Vội vã nụ hôn đầu, đồng đội gọi hảnh quân
Chàng trai ra đi… trẻ mãi tuổi thanh xuân
Để nhớ để thương cho người ở lại
Lá trầu vàng, quả trầu vàng ai hái
Chiều sông quê em giặt áo đợi người
Và đây nữa là Câu chuyện tình cảm động Ngã ba Đồng Lộc:
Hai đứa chúng mình thân tấm bé
Tháng năm mùa lúa tuổi trăng ngà
Lương duyên hẹn ước nhờ cha mẹ
Chiến tranh lan về, gác tình xa
Tòng quân mưa nắng rơi nước mắt
Lọn tóc tặng anh thơm mùi hương
Em bảo chờ nhé nơi khói lửa
Nghe tin xa em đến chiến trường
Đồng Lộc đêm ngày chìm khói lửa
Ngã ba chồng nghìn hố bom rơi
San lấp đường xe thông tiền tuyến
Đội bom bão đạn chẳng nghỉ ngơi
Tưởng gặp được em sau tuyện lửa
Bom thù dội xuống lấp em rồi
Máu nhòe dòng chữ thư chưa gửi
Chết nửa lòng anh… nhớ khôn nguôi.
Tình yêu của người lính quả thực là muôn màu, nhưng có một điểm chung ở họ, ấy là sự hòa quyện giữa tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa trong tình yêu tổ quốc; họ biết đặt lợi ích của dân tộc lên trước hết và nhiều khi phải hy sinh tình yêu của riêng mình.
BÙI MINH TRÍ
Trả lờiChuyển tiếp |
Người gửi / điện thoại