bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 76
Trong ngày: 99
Trong tuần: 949
Lượt truy cập: 773244

NHỮNG HỒI CHUÔNG

NHỮNG HỒI CHUÔNG...
Bài đăng trên trang 9 báo QĐND cuối tuần số 834 ra ngày 25-12-2011
 
                    NGUYỆT VŨ

 anh_vu-nguyet-2-696x696
                  TÁC GIẢ NGUYỆT VŨ
 
Đêm, chiếc đồng hồ quả lắc cổ thong thả đánh từng tiếng. Mỗi một tiếng chuông trong đêm khuya lặng nhói vào tim con, dội vào miền tiềm thức. Trên chiếc giường ở gian bên tiếng thầy ho khúng khoắng khó nhọc…Chiếc đồng hồ quả lắc của Pháp cổ lỗ sĩ lắm rồi, chỉ có mình thầy biết cách sử dụng. Trước đây mỗi lần con về thầy thường hãm chuông, không cho nó kêu vì sợ con không ngủ được.
Cơn đột quỵ bảy tháng trước đây đã biến thầy từ một ông cụ gần 90 tuổi đẹp lão nhất làng thành một nắm xương bọc da, liệt gần như toàn phần chỉ còn sống nửa thực vật dù chúng con đã xoay xở hết cách rồi, thuốc gì hay, thầy nào giỏi chúng con cũng đã tìm để thầy sống thêm được ngày nào hay ngày đó. Nếu chúng con không xoay xở kịp thì cũng chưa chắc đã giữ được sự sống cho thầy như bây giờ.
Hồi chuông thứ nhất đưa con về cái ngày con chập chững bước về làm dâu. Con sinh cháu xong gửi về cho ông bà, ở lại làm luận văn tốt nghiệp. Thầy là giảng viên của học viên quân sự Đà lạt về hưu để trông cháu cho con. Ngày con về nước, lơ ngơ như một đứa trẻ, chào các bác các chú, bố mẹ chồng trong bữa liên hoan đón con. Đêm đó mất điện, đèn dầu lờ mờ, sáng hôm sau thầy về quê sớm con chưa kịp nhớ mặt. Một tuần sau thấy một bác đứng trước cửa nhà cười rất tươi, con nhanh nhẩu chào:
- Bác hỏi ai đấy ?
- Con à, thầy đây. Lúc đó con chưa quen với cách gọi bố chồng là thầy ở quê mình nên ớ người ra...
Con đâu biết rằng nụ cười ấm áp đó đã chở che cho con suốt cả cuộc đời…
Cháu, hơn một tuổi xa mẹ, lạ nước, mụn nhọt đầy người như cóc ghẻ, khóc ngằn ngặt cả đêm. Ông một sỹ quan cao cấp trong quân đội quen được phục vụ khuya sớm dỗ cháu rồi lo thuốc lo men. Con trai đi tập huấn quân sự, con dâu đi học xa, những năm đó mọi thứ đều thiếu thốn, vất vả. Con đâu chín chắn như bây giờ để hiểu hết được sự vất vả ngày ấy của thầy. Bây giờ nhìn thấy nỗi khổ của biết bao gia đình có con cái hư hỏng, mỗi lần có người khen hai cháu con lại nghĩ nếu không có thầy…
Hồi chuồng thứ hai đưa con về những năm con về nước sinh thêm cháu, rồi đi làm. Mỗi buổi sáng thầy dạy sớm, dắt chiếc xe đạp ra nắn cái lốp, xem cái đũa cái vành, chỉnh cái phanh…cho con đèo cháu đi trẻ, đi làm. Rồi những năm tháng cùng cực cũng qua đi.
Hồi chuông thứ ba đưa con về những ngày Liên xô cải tổ, con nghỉ một cục ở nhà, bằng Đỏ trong tay mà không kiếm đâu được việc vì chỗ nào cũng giảm biên chế. Thầy cặm cụi đọc báo hàng ngày rồi một hôm thầy bảo:
- Con ơi, trong tờ báo này có đang cần thủ kho, quản lý cho một trạm bảo hành. Thầy nghĩ con có thể làm được nhưng hạn hồ sơ là ngày thứ Hai, hôm nay thứ Bảy mất rồi. Con thử xem.
- Vâng…
Nhờ mẩu tin cuối cùng ấy mà hai tháng sau con được nhận vào làm Phụ trách trạm bảo hành & phòng trưng bày sản phẩm Sony, lương trả bằng tiền đô và làm việc cho một hãng danh tiếng của nước ngoài. Câu chuyện này bây giờ chắc ai cũng thấy quá bình thường nhưng với một người thất nghiệp, mở hiệu may, may hàng chợ để kiếm tiền nuôi con là cả một bước đổi đời…Từ bước đệm đó, con đi học, rồi chuyển nơi này nơi kia, bàn chân con đặt hết châu Á, châu Âu, châu Úc và sang Mỹ. Nếu không có mẩu tin của thầy khi ấy …
Hồi chuông thứ tư đưa con về những ngày chúng con chồng chất nợ nần vì mua nhà. Cái nhà ở Kim liên trên đường La thành, trong một khu dân cư chật chội và mất vệ sinh chúng con đành bán đi. Hàng ngày cứ thấy thầy lóc cóc đạp xe đạp đi loanh quanh nhưng con cũng không hỏi thầy đi đâu. Một hôm mồ hôi ròng ròng, mặt đỏ phừng phừng thầy bảo:
- Hôm nay thầy đi xem một chỗ này nhà mặt đường, vuông vức, nhưng đường xá gồ ghề khó đi, tuy nhiên là mặt sông nên sau này phát triển sẽ tốt con ạ. Con thử đi cùng thầy, nếu con ưng thì sẽ bảo chồng con xuống xem sau…
Hai bố con đèo nhau đi, vào trong nhà ngồi con có cảm giác ấm cúng. Người bán nhà là một bà lão khá sắc sảo, từng là vợ của giám đốc một trại gà, sau khi chồng chết đứa con trai hư hỏng quá đành bán nhà đi ở với con gái. Nhà treo biển mãi mà chẳng có ai mua. Tối hôm đó con đã cùng chồng con cầm theo một chỉ vàng đi xem lại và đặt cọc luôn. Đó là ngôi nhà mà con thích ở và đang ở cho đến bây giờ…
Hồi chuông thứ năm đưa con về ngày công ty OTIS cử con đi học ở Singapore, Philipin, Mỹ cả nửa năm trời. Con bảo:
- Con đi học thì cũng tốt vì được đào tạo nhưng các cháu còn nhỏ quá, ông bà sẽ rất vất vả.
- Con cứ đi đi, người ta muốn đi học còn chả được, con không lo gì cả, các cháu ở nhà bố mẹ lo…
Phụ nữ có chồng con rồi, học hành nhiều mà làm gì, nhiều ông chồng còn nghĩ thế huống hồ bố mẹ chồng, nhưng con may mắn…và có lẽ vì thầy như thế nên chồng con cũng chả dám ý kiến ý cò gì.
Hai ông bà cứ luân phiên nhau, một người ở quê, một người lên Hà nội. Nếu không có ông bà con đâu được như bây giờ, các cháu đâu có ngoan ngoãn khiến ai gặp cũng khen mẹ khéo dạy.
Hồi chuông thứ sáu đưa con rưng rưng về những ngày thầy ở Hà nội với vợ chồng con, năm nào cũng như năm nào cứ đến ngày giỗ bố con là thầy lại mua con gà về làm, mua lễ về để đó, con đi làm về là nhắc:
- Hôm nay giỗ ông ngoại đấy, thầy chuẩn bị rồi, các con đi thắp hương đi. Bố con mất từ khi con mới ba tuổi, con chưa nhớ được bố đẻ chăm sóc như thế nào.
Hồi chuông thứ bảy đưa con về những lần vợ chồng xích mích, con sai con đúng gì thì thầy cũng từ từ phân xử. Bố mẹ luôn tâm niệm rằng trai gái dâu rể phải như nhau. Con thường được bênh nhiều hơn. Ở nhà ta có mấy chị em dâu nhưng chưa ai dám cãi lại bố mẹ chồng nửa tiếng. Con về quê cũng luôn hãnh diện vì ở làng mình, gia đình nhà mình luôn được tôn vinh là danh gia vọng tộc bởi lễ giáo gia phong, trên kính dưới nhường. Chúng con có thể làm điều này điều khác trái ý chồng nhưng nếu cãi lại bố mẹ thì chắc không có đường trở về nhà. Đó cũng chỉ là một phần nhưng cái chính là chúng con không tìm được lý do gì để cãi hoặc láo cả. Thầy mẹ luôn luôn đúng mực và yêu thương, con luôn có cảm giác về nhà mình mỗi lần về thăm quê mình.
Hồi chuông thứ tám khiến con nhớ lại những ngày thầy nằm viện trước đây, con đưa tập thơ của con về và thầy đã cho biết bao nhiêu bệnh nhân mượn và đọc. Vì khi con đến cổng viện đã có bệnh nhân nhận ra con là con ông Thuyên rồi và đi tìm thầy giúp con…Con phát khóc khi nhìn thấy một cụ bà hơn 60 tuổi ngồi trên giường bệnh với cuốn Dấu yêu ơi của con đọc chăm chú đến mức không nghe thấy con chào. Khi nghe thầy nói chuyện với con các cụ đều hỏi:
- Con gái cụ có phải không?
- Vâng, thưa các cụ con dâu của tôi ạ.
Rồi lần con đưa nhạc sỹ Minh Thu về thăm nhà và sau đó anh ấy sửa bài hát mà thầy đã viết về quê mình làng Bao Ngạn ( Bao Hàm). Con hiểu tình yêu của thầy với đồng đất quê mình...
Bao ngạn hỡi….Bao hàm ơi
Bóng dáng làng tôi
Thập thình chày cối thâu canh
Cò hương nên cốm thơm tình quê hương
Bóng dáng làng tôi
Quyện khói thuốc lào
Thơm toả cánh đồng
Say cả bốn phương
Hồi chuông thứ chín đưa con về với bàn tay của thầy bây giờ đã bị rút gân co quắp. Bàn tay ấy đã chăm cháu chăm con, khâu may quần áo cho vợ. Bàn tay ấy đã xoay mẹ đang nằm chéo giường cho ngay ngắn rồi buông, rồi ghém màn cho mẹ ngủ. Bao nhiêu năm trời con làm dâu mà chưa bao giờ nghe thầy mẹ to tiếng với nhau nửa lời. Thầy đã làm tất cả để bù đắp cho mẹ những ngày nuôi con chờ chồng đằng đẵng gian nan. Con chưa thấy cặp vợ chồng nào hạnh phúc, âu yếm nhau hơn. Con cứ ước rằng tất cả các cặp vợ chồng trên thế gian này đều yêu thương nhau, đầu gối tay ắp cho đến lúc đầu bạc răng long như thầy và mẹ. Con tỉ mẩn cắt từng cái móng tay cho thầy mà thấy lòng mình nặng chình chịch...
Hồi chuông thứ mười đưa con lên vành móng ngựa của một đứa con, những lần con làm thầy giận. Chưa bao giờ thầy mắng con, chỉ lặng lẽ buồn. Con đi đây đi đó, làm nọ làm kia nhưng con cũng vẫn chỉ là một đứa con thôi thầy ơi. Nếu được làm lại chắc gì con đã làm khác đi...lần cuối cùng chính con cũng giận thầy ghê gớm, nhưng bây giờ nuốt nước mắt ngẫm lại...nếu con là thầy con cũng làm thế mà thôi. Thầy không thể nghe con xin lỗi được nữa rồi, nhưng những giọt nước mắt của con dành cho thầy hôm nay đâu phải là giọt nước mắt của “ cô con dâu khác máu tanh lòng” mà nó chảy ra từ tim con thầy ạ. Thầy hãy yên tâm, con sẽ cố gắng tất cả để làm theo ý nguyện của thầy.
Hồi chương thứ mười một chỉ cách đây đúng bảy tháng trời. Hôm trước nhà điện lên ông mệt, chồng con về rồi lên ngay nói ông đỡ rồi. Ngay chiều hôm đó cháu gọi cho xon mếu máo:
- Mẹ ơi, ông bị đột quỵ, cấm khẩu rồi.
Con vừa khóc vừa đóng máy tính tất tưởi chạy về nhà để về. Trong cơn choáng váng con mới hiểu con sợ mất thầy như thế nào? Gọi điện về quê, mọi người đã mất hết hy vọng, con gào lên “ còn nước còn tát chứ” và gọi cho bác sỹ Hoà - bạn lâu năm của vợ chồng tôi - trưởng khoa cấp cứu bệnh viện 108, tả cho anh ấy nghe triệu chứng của ông. Bệnh viện huyện báo nhồi máu cơ tim, anh Hoà bảo ông bị nhũ não rồi, đưa lên Hà nội ngay. Tôi bảo nhỡ đưa lên ông mất dọc đường thì sao, anh Hoà nói như quát:
- Để nhà cũng chết, đưa lên nếu chết thì mang về nhà.
Về đến nhà phải nhùng nhằng lắm bệnh viện huyện mới cho đi, mãi mới gọi được xe cấp cứu và thầy đã được cứu sống nhưng không nói được, tay bị liệt và ngày một teo tóp. Chả nhà thương thầy chăm bẵm nâng niu mà thầy chẳng có cách nào phục hồi được. Con chạy vạy hỏi đó đây chỉ có một câu trả lời:
- Ông già quá rồi chỉ có phép nhiệm màu thôi.
Sao không có phép nhiệm màu nào hết Bụt ơi!
Con về gỡ cái màn của thầy đem giặt, thầy xua tay không cho gỡ. Con ôm lấy vai thầy nựng :” con giặt cho trắng rồi mắc trả lại cho thầy, thầy vốn rất sạch sẽ và tác phong quân đội cơ mà”. Con cảm giác được thầy đã cố đưa tay bên tay thầy chưa bị liệt sờ vào tay con rồi nằm yên...
Chiều nay con leo lên giàn thiên lý hái bao nhiêu là hoa, định bụng ra chợ mua mấy con cua đồng về nấu canh, nhưng rồi nước mắt lại ngấn ra khi nghĩ rằng thầy đâu có ăn được nữa. Đồng đất quê mình hoa màu quanh năm, thầy vẫn khen con nấu cơm vừa miệng cơ mà...
Thầy…thầy hãy dậy đi, hãm chuông cho con ngủ. Con bịt chặt tai rồi, con không muốn nghe hồi chuông cuối cùng. Con sợ…con sợ lắm! Thầy có nghe thấy nước mắt con đang lăn dài trên má. Con sợ rằng một ngày khi con về quê, con không hình dung nổi nụ cười rất tươi của thầy bước ra từ sau cánh cửa. Con sợ cái hơi thở yếu ớt cuối cùng ở gian bên rồi một ngày cũng lụi. Gần chín mươi năm trong cuộc đời, 60 năm huy hiệu đảng, hơn 40 năm trong quân ngũ thầy đã là một sỹ quan liêm chính, một người bố, người ông, người cụ hiền nhân, đức độ, luôn có trách nhiệm cao nhất với cuộc đời. Con đã thật may mắn hạnh phúc, làm con của thầy gần ba mươi năm trời, con có một người bố thứ hai.
Thầy…thầy hãy dậy đi, hãm chuông cho con ngủ…Thầy ơi!
P/S hôm nay là ngày giỗ thứ 10 của bố chồng tôi. Nếu còn sống năm nay cụ 100 tuổi tròn. Tôi viết bài này khi ông đang sống thực vật trên giường bệnh.
BTV, Đại tá nhà thơ Mai Nam Thắng đã chọn đăng lên báo QĐND vào đúng dịp 22/12/2011 trước khi Cụ mất vài tháng; cháu tôi đã đọc cho Cụ nghe. Không hiểu Cụ có nghe và hiểu gì không nhưng nước mắt Cụ tràn ra như mỗi khi có con cháu ở xa về hoặc người làng đến chơi ...
Tôi đưa bài lên để tưởng nhớ về Cụ và xin được nói rằng tôi đã may mắn được làm dâu của Cụ và Cụ như người Cha đẻ thứ hai của tôi.

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
14-02-2022 08:59:01 VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ NGUYỆT VŨ VÌ BÀI VIẾT XÚC ĐỘNG!

xIN PHÉP ĐƯA VỀ TRANG ĐỂ MỌI NGƯỜI CÙNG ĐỌC!

Trả lời

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)