bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 229
Trong tuần: 953
Lượt truy cập: 696897

DÂU ÚT

DÂU ÚT 

                        Truyện ngắn của Kim Hoa

 anh_kim_hoa

       Một người con gái sinh ra nơi miền Tây sông nước, gia đình chị sống trong một giáo xứ người Công giáo Bắc kỳ chín nút 54.

Chị có đôi mắt đen láy, tròn như hai viên bi, lóng lánh trên gương mặt bầu bĩnh với làn da nâu mạnh mẽ.

Một cô bé hay giăng nắng, đội mưa, chạy nhảy bắt chuồn chuồn cho cắn rốn khắc sẽ biết bơi. Mà thiệt, do chị tin như thế nên sau khi vạch rốn, cắn răng cho con chuồn chuồn đực to kềnh nó cắn xong, là chị không ngại nhảy xuống sông và bơi như con rái cá.

     Chị lấy chồng con út ở tuổi mười tám. Ai cũng trầm trồ bàn tán "chị là người may mắn nhất. Được làm dâu vào một gia đình đạo đức, nền nếp". Thế mà, cả mấy năm trời làm dâu, chị cũng chưa hiểu được hết tánh tình và ước muốn của mẹ chồng. Khi nào bà cũng có một lý do mới để chì chiết, cằn nhằn. Nào là múc bát cơm cho mẹ chồng mà vơi như múc cho mèo; nào là bát cơm múc đầy như cho ăn mày; nào là lau nhà mà quên chùi mấy khung hình của ông bà cố, trên bàn thờ tổ tiên; nào là quét dọn mà cứ quay cái lưng về phía võng bà đang ngồi nhai trầu; cũng có khi thì hái lá trầu mà không xếp theo đúng số lượng từng mớ để bà têm cho chính xác... Bà luôn đóng vai người cầm cân nảy mực trong gia đình mà!

        Mỗi năm gia đình chồng có đến hơn chục cuộc họp mặt gia đình: lễ, tết, giỗ chạp, lễ bổn mạng... Lần nào cũng phải chuẩn bị bữa ăn cho ngót trăm người con, cháu, chắt... quây quần về.

        Vì con út sẽ được hưởng nguyên hai mẫu đất của cha mẹ để lại. Cho nên công việc của hai vợ chồng là canh tác ruộng cho tốt, chăm lo bố mẹ, đẻ con, chăm con và chịu trách nhiệm đảm đương các dịp họp mặt gia đình.

        Cũng như vài lần trước, hôm nay, mẹ chồng lại ra nằm vạ ngoài bụi chuối trước giờ ăn. Mấy người con gái ở xa về thấy vậy thì xúm vào năn nỉ mẹ vào nhà nằm nghỉ. Nhưng vô hiệu, bà cứ nằm nghiến răng kèn kẹt, rồi than thân, trách phận có một đứa con dâu chết bầm. Bà lẩm bẩm chửi là để bắt đầu cho cuộc tra tấn hội đồng đổ lên đầu vợ chồng thằng út. Đây là cái trò khổ nhục kế để vu vạ cáo gian hiệu quả nhất. Thế là các chị chồng được thể chạy vào bếp tra hỏi em dâu: 

- Cô đã làm gì để mẹ phật ý?

        Và không ngớt rao giảng những lời đạo đức giành cho dâu thảo, chồng hiền. Tội nghiệp cho chị! Quanh năm chị vừa cùng chồng lo mang bầu sinh con, vừa lo ruộng vườn, cơm nước, để thờ cúng ông bà tổ tiên, và hầu hạ đến những người hiện diện và những kẻ sẽ được sinh ra của gia đình. Chưa kể thỉnh thoảng trong các anh chị em và con cháu đã ra riêng. Ai làm ăn thua lỗ hay thiếu hụt tài chánh, thì cũng chạy về nhờ trợ cấp.

Thế nên, thời gian đâu mà sinh chuyện và làm phật ý mẹ chồng!

       Bố chồng hiểu chuyện, nhưng ông chỉ một lần lên tiếng bênh con dâu:

- Bà đừng làm quá đáng! Dù sao nó cũng là dâu con trong gia đình!

        Bà cong môi, giương cổ, gương mặt đang hồng hào chuyển sang đỏ tía rồi tím tái. Bà điêu ngoa bảo:

- Ông có ăn nằm với nó chứ gì? 

        Thế là ông im bặt và không bao giờ dám lên tiếng nữa. Dù sao ông làm chánh trương của giáo xứ, nên phải giữ thể diện nữa. Kẻo chuyện không có thật mà để cái loa của bà nó phát bậy, cho dù có vô lý, cũng có khối người tin và bàn tán xôn xao. Không tin sao được, khi mà một bà chánh trương đạo đức đi lễ mỗi Chúa Nhật và cả lễ ngày thường. Gia đình thì đọc kinh ra rả sớm tối! Ai đi qua mà chả nghe thấy họ đọc kinh lần hạt hàng giờ mỗi ngày!

        Chồng chị à? Anh hiểu mẹ, anh yêu chị. Nhưng cũng chỉ có thể đồng hành với chị, cùng đồng cam cộng khổ. Chứ biết làm gì hơn, khi người ta cứ xói vào tai "giàu con út, khốn khó con út. 

Và anh cũng đâu dám lỗi điều răn thứ tư là phải "thảo kính cha mẹ"!

 

        Chị đang sụt sịt vì khói bếp, mồ hôi nhễ nhại, nóng ran, đang cùng chồng đảo cái chảo "heo giả cầy" khổng lồ trên bếp lửa nấu bằng củi tre. Đã sắp đến giờ tiệc họp mặt rồi. Các anh chị em đang tụm năm tụm ba ngoài sân nhà và dưới gốc mấy cây ổi. Anh khích lệ chị: 

- Thôi thôi, em cứ ra mà xin lỗi mẹ, mời mẹ vào nhà, để bếp đấy cho anh. Khổ thân kiếp con út!

        Thế là, chị ra quì xuống bên cạnh mẹ chồng:

- Con xin lỗi mẹ! Có gì mẹ cứ dạy bảo, xin mẹ bỏ qua. 

Lời xin lỗi sáo rỗng qua loa, chứ chị có biết là lỗi gì!

- Tôi thù cha mẹ cô và muốn cô phải trả nợ. 

        Rồi bà hậm hực đi vào ngồi lên chiếc võng cho mấy cô con gái xúm vào bóp vai, và chải tóc lại cho mẹ. 

        Ui trời! Đúng là cũng chưa tới tru di tam tộc mà! Chị không biết và cũng không muốn biết mối thù là gì! Có lẽ cùng lắm cũng chỉ là hai bà đã từng tranh nhau mua cùng một con heo giống. Mà mẹ ruột đã nhanh nhảu mua được trước. Chứ nếu là chuyện to tát hơn thì bà đã chẳng muối mặt mà làm sui gia. 

Chuyện này chị giấu ở trong lòng và không hề muốn cho mẹ ruột biết được, sợ mẹ đau lòng.

 

        Ở tuổi hai mươi lăm, chị đã mang thai đứa thứ ba.

Khi thằng con thứ hai mới chập chững biết đi. Em rất là năng động và cứ thích vuột khỏi tay mẹ để chờm ra, vừa bò vừa đi một mình. Lúc này em rất thích được tự do chứng tỏ khả năng tự lập của mình. Nên rất liều lĩnh và ương bướng đáng yêu. Mỗi tối, vợ chồng chị cùng nhau tập đi cho con là mỗi màn cười vui hạnh phúc nhất.

        Chiều nay, vợ chồng chị đi bón phân và xịt thuốc ruộng lúa. Chị về trước lo cho con cái. Vì chúng ở nhà chơi với ông bà nội cả ba tiếng đồng hồ rồi. Sợ ông bà mệt. Anh thì tranh thủ nán lại cắt một ít quả mướp đắng và mấy mớ rau về để chuẩn bị làm giỗ cho bà cố ngoại của anh ngày mốt. 

        Chị về lau dọn nhà cửa xong thì tắm rửa cho hai đứa con, xức phấn bột trẻ em thơm phức và mặc quần áo sạch sẽ. Chị vừa ngồi xuống hiên nhà ôm hai con trai vào lòng âu yếm, hưởng chút gió chiều đang lay, luồn qua mấy chiếc lá mãng cầu bên cạnh bờ ao. 

        Cũng là lúc chị chồng dắt ba cháu gái về đến để dự đám giỗ bà cố ngoại. Bà nội sung sướng đón con gái với cháu ngoại và ngồi tụm xuống nền sân gạch mới lau chùi mát rượi. Bố chồng thì sau màn chào hỏi cũng hăm hở dắt ba cô cháu ngoại và thằng con lớn của chị ra hái ổi sau vườn.

        Chị chồng vừa ngồi kể lể vừa têm trầu giúp mẹ. Bà mẹ nhét miếng trầu vào miệng, vo một miếng thuốc lào rồi dùng chùi lên hàm răng đen nháy. Những chiếc răng đã mòn đến hơn phân nửa. Rồi bà nhét vo thuốc vào một bên má. Cộm lên như đang ngậm viên kẹo. Bà quay sang hỏi dâu út:

- Tối nay cô làm cái gì ăn dễ nuốt một tí, để chị với các cháu mới đi đường về mệt đấy! Để thằng bé đấy tôi trông cho.

Hiểu ý mẹ chồng, chị nhanh nhẹn đặt thằng con trai vào lòng chị chồng và nói:

- Chị cho em gửi cháu để ra bắt con vịt về nấu cháo. 

        Bầy vịt đang còn tranh thủ ngụp lặn bắt tép mé bờ ao. Chúng kêu quang quác rủ nhau chạy. Có lẽ chúng biết rằng sẽ có đứa phải hiến mạng. Vì vậy, mà chị dùng tất cả sức lực mệt mỏi của một bà bầu đã năm tháng sau một ngày lao động, để le lũ vịt một cách rất là vất vả. Cả ba mươi phút mà chưa bắt được con nào. Chị lấy mấy cục đất ném xuống ao để đuổi chúng lên bờ. Thì chúng lại bay sang phía mương bên nhà bên cạnh. Như là vừa trêu ngươi chị vừa nài nỉ hãy buông tha tụi tôi. 

        Chị bỗng thấy lòng nôn nao bất an, không tả nổi. Cảm thấy chuyện gì không hay xảy ra. Chị nghĩ ngay tới thằng bé con. Nên vội vã vứt cây roi lùa vịt và chạy thục mạng về nhà. Mẹ chồng và chị chồng vẫn còn ngồi ngoài sân cùng với mấy cháu ngoại ăn ổi chấm muối ớt. 

- Thằng bé đâu? Con trai tôi đâu? 

        Chị chạy xuống cầu ao tìm không thấy. Bờ sông! Ừ bờ sông. Chị chạy ra bờ sông. Trong khi mẹ chồng, chị chồng và mọi người cũng còn chưa hoàn hồn. Bà nội kêu lên:

- Thằng cháu của tôi! 

        Họ cũng chạy theo chị. Từ chỗ sân gạch họ ngồi, ra tới mé sông chỉ không đầy hai mươi mét. 

        Chị đã thấy rồi! Thấy con trai rồi! Nó đã uống nước no bụng và nổi úp người dưới mé sông trước nhà hàng xóm trong lúc không có ai đi ngang qua. Với cái bụng bầu mới hơn năm tháng, chị lao xuống sông và bơi ra vớt con lên. 

        Mọi người chạy theo kêu la cầu cứu. Khi đó chồng chị cũng từ ngoài ruộng vừa về đến nhà. Anh vứt cái thúng khổ qua đổ tung tóe ngoài mé chuồng heo và chạy ra ôm con. Anh làm hô hấp cho con ộc nước ra. Nhưng chân tay anh run rẩy và không thể... Khi này những người hàng xóm cũng đã đến giúp. Các chú, các bác có kinh nghiệm chữa đuối nước được gọi đến. Mọi người thay phiên cứu đứa bé đang nằm sóng soài trên nền gạch. Họ hút mũi, họ làm hô hấp, họ ấn ngực, họ đập lưng... nhưng vô vọng. Chị thì ngất lên ngất xuống trong tay các bà hàng xóm. Họ không cho chị đến gần con nữa. Vì họ tin rằng mẹ không thể cứu con bị đuối nước được. 

 

       Rồi! Bố Mẹ đã vĩnh viễn mất con rồi! Vợ chồng chị thay phiên ôm con khóc mà không hề, và không dám oán trách ai cả. 

        Đám tang đứa bé được diễn ra trước sự chứng kiến của mọi người bà con trong gia đình ngày hôm sau. Phải chôn cháu nhanh thôi! Vì anh chị còn phải lo làm đám giỗ cho bà cố ngoại ngày hôm sau. Mất con là một chuyện. Còn bổn phận lo giỗ chạp, họp mặt gia đình cũng không vì vậy mà bị sao nhãng. 

        Tuy nhiên đây là dịp họp mặt mà mẹ chồng chị không ra nằm vạ ngoài bụi chuối sau nhà. 

 

        Dù sao, với tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ. Anh chồng đã giúp chị chu toàn trách nhiệm dâu út. Phụng dưỡng bố mẹ chồng suốt hai mươi lăm năm. Cho tới khi bà mẹ chồng nhắm mắt, hàm răng của bà đã mòn sát nướu răng. Nhưng không rụng chiếc nào. 

        Hai vợ chồng con út được trời phú cho thêm những đứa con ngoan. Anh chị có đến bảy người con tất cả. Vợ chồng chị đã lo cưới vợ, gả chồng và khuyến khích con út của họ cũng ra riêng. Có lẽ, anh chị mong muốn có được cuộc sống riêng tư bấy nay. Họ có thời gian chăm sóc nhau và gìn giữ ngôi nhà của cha mẹ để lại.

 

        Thỉnh thoảng anh xách vài con vịt xuống nhà mẹ vợ nấu nồi cháo và trộn gỏi cùng với mấy anh em cột chèo. Chỉ cần vài chai thôi mà zô zô... cũng đỏ mặt tía tai. 

 

                            Bruxelles 

                            26/08/2020

unnamedmn

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)