bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 13
Trong tuần: 917
Lượt truy cập: 684221

NƯỚC NON MỘT DẢI

Thu Phương  

NƯỚC NON MỘT DẢI NGHĨA TÌNH NẶNG SÂU                                                                                   

Tôi  đến Ninh Bình vào hai ngày cuối tuần đầu thu. Thời tiết mát mẻ, trong lành, xua tan cái oi nồng của mùa hè vừa mới vài hôm trước đó.
   Ninh Bình cách Hà Nội gần 100 ki-lô-mét về phía Nam, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Tôi ngồi trên xe gần hai giờ đồng hồ di chuyển trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, chúng tôi đã đến địa phận tỉnh Ninh Bình. Trước khi đến trung tâm thành phố, chúng tôi bon qua quốc lộ 1A, hai bên ven đường là cánh đồng mới được xuống mạ mang màu xanh tươi mát, non tơ. Xa xa vài cánh cò trắng vờn bay điểm tô giữa không gian bao la, êm dịu.                                 
Để tôi tận hưởng cái man mác của cánh đồng những ngày đầu thu này, cửa kính phía trên ô tô từ từ hạ xuống, làn gió lững lờ ngoài không gian ùa vào trong xe. đi qua đám cỏ xanh ven đường đàn trâu vừa giẫm nát lại thoảng mùi ngai ngái đặc thù.
Ruộng đồng ở Ninh Bình không có sự khác biệt so với của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, mặc dù vậy, cảm giác thanh bình, êm dịu nơi đây, nhất là khi vừa thoát ra khỏi sự ồn ào ở Hà Nội đã khiến tôi xúc động ít nhiều.
  Ninh Bình sở hữu rất nhiều các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Tam Cốc – Bích Động (vốn được người đời ví là Hạ Long trên cạn), cố đô Hoa Lư đã đi vào huyền thoại lịch sử, Đền Vua Đinh – Vua Lê trên đỉnh của một dãy núi sừng sững , rừng nguyên sinh Cúc Phương với cây chò ngàn năm đã thành biểu tượng của khu rừng, hay thắng cảnh tâm linh với Chùa Bái Đính hoành tráng, choán ngợp như chốn tiên bồng…
  Tuy nhiên, ngoài những danh thắng nổi tiếng ấy, Ninh Bình còn rất nhiều cảnh hữu tình “đặc biệt” mà không phải ai cũng biết tới, trừ khi được chính người dân địa phương giới thiệu. Tôi may mắn có bạn thân ở ngay lòng thành phố, anh là người rất quan tâm đến văn hóa của Việt Nam, đương nhiên cũng vì vậy mà văn hóa Ninh Bình được anh thấu rõ. Chúng tôi đặt chân đến nhà anh thì hoàng hôn cũng đã buông xuống, anh nói tôi nghỉ ngơi rồi tối đưa tôi đi ăn đặc sản trong lòng thành phố và sáng mai sẽ dẫn tôi đến những nơi thật đặc biệt.
  Khi phố nhỏ lên đèn, anh lấy chiếc Vespa chở tôi đi, anh giải thích, buổi tối rong phố bằng xe máy mới thú vị, tha hồ mà ngửi hương hoa dọc đường.
  Chỉ mất  hơn mười phút, anh đã đưa tôi tới phố ẩm thực. Anh táp xe vào một quán ốc núi Ninh Bình. Anh cho tôi gọi thực đơn, sau một hồi chờ đợi, chủ quán bê ra nhiều món ăn phong phú được chế biến ốc núi đá như ốc nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả, trộn gỏi hành tây… Lần đầu tôi được chứng kiến nhiều món ăn phong phú được chế biến từ ốc như thế. Tôi là người khá khó tính trong việc thưởng thức ẩm thực, thế mà món ốc núi này đã hoàn toàn thuyết phục được tôi. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc rất hấp dẫn… Tôi và anh ăn ngần ấy món mà chủ quán đã đưa ra. Một phần vì ốc rất ngon, phần nữa là vì những câu chuyện đặc biệt về đặc sản này mà tôi được nghe từ anh. Anh cho biết, loài ốc núi Ninh Bình cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hang đá, phải đến mùa mưa từ tháng Tư đến tháng Tám ốc núi mới bò ra tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Ốc núi có ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan, Hoa Lư. Ốc núi rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm mà bắt được…
   Bình minh được chào đón qua những tiếng chim líu lo bên hàng cau và trên cành nhãn quanh sân nhà anh. Tôi thức dậy, bước ra ngoài hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành sớm tinh khôi. Sau khi ăn sáng, anh lại chở tôi bằng xe máy, chạy dọc theo con đường Lê Đại Hành mát rười rượi bởi hàng cây xung quanh. Sau đó chúng tôi đến một địa danh là Chùa Non Nước và Đền thờ Trương Hán Siêu.
  Chùa Non Nước là một ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Non Nước, bên bờ sông Đáy và cửa sông Vân. Quả thật quá hữu tình. Trước khi vào lễ Chùa, anh có giới thiệu cho tôi về gốc tích và lịch sử tồn tại của ngôi chùa này. Theo lời anh kể, dưới đời vua Lý Nhân Tông, quốc sư Nguyễn Minh Không xây dựng một ngôi chùa thờ Phật dưới chân núi Dục Thúy Sơn. Chùa được xây bằng đá, mái cong rồng lượn và đã xuất hiện tháp là nơi thờ Phật. Trong tháp đặt một tượng Phật chính và một số tượng phụ. Đến thế kỷ thứ XIII, tháp được tách ra, thành hai kiến trúc riêng là chùa và tháp. Tháp không còn là chùa mà trở thành mộ sư. Sau này, đến đời Trần, tháp Linh Tế đổ vỡ. Vào năm 1337 thời vua Trần Hiến Tông, tháp Linh Tế được khởi công xây dựng lại. Trong bài ký "Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký" (Bài ký tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy), Trương Hán Siêu đã viết rõ "Tháp xây 4 tầng, đêm tỏa hào quang, kẻ xa người gần đều trông thấy rõ". Rồi đến cuối thời Hậu Lê tháp Linh Tế bị đổ vỡ, được Phạm Đình Hồ viết trong sách "Tang thương ngẫu lục" rằng: "Sau khi vạc đổi, Cung bỏ làm trường lương Tràng An, tháp Linh Tế cũng đổ nát"…
  Sau khi lễ chùa, chúng tôi leo lên đỉnh núi non nước mát rượi bởi độ cao và sự bao phủ của những cây xanh. Nhìn xuống phía dưới, bao quanh ngọn núi là dòng sông hiền hòa, đỏ ngàu phù sa màu mỡ, lăn tăn gợn sóng khiến cho tôi bị mê hoặc.
Tôi và anh lán lại trên đình núi ngắm cảnh nước non hữu tình và lại luận bàn chuyện văn chương tới nửa buổi sáng. Dẫu chưa muốn dời nhưng anh thúc tôi phải đi tiếp, vì nếu đến Ninh Bình mà chưa trải nghiệm điểm “này” thì chưa thấy hết được hồn cốt của Ninh Bình.
  Chỉ mất vài phút để chúng tôi đến được nơi mà anh muốn giới thiệu. Nó là một dãy núi nhỏ, sau tòa nhà 5 tầng khá cũ. Trước khi giới thiệu địa danh này, anh nói tôi nhìn kỹ dãy núi (nhìn từ dưới lên trên) rồi cho anh biết nó giống cái gì. Tôi háo hức nhìn và không khỏi ngạc nhiên, dãy núi nhìn giống như một cánh diều đang lơ lửng trên không trung. Tôi thốt lên những gì tôi nghĩ và được anh khen có đôi mắt tinh tường. Anh nói đó là núi Cánh Diều hay còn có tên gọi khác là Ngọc Mỹ Nhân. Trong khi tôi còn tròn mắt chưa hiểu hết thì anh giải thích:
“Với dãy núi này, khi em nhìn từ dưới lên nó sẽ có hình của một cánh diều nên người xưa gọi là núi Cánh Diều. Nhưng khi em leo lên đỉnh núi mà nhìn xuống, núi mang hình một thiếu nữ khỏa thân, ngực trần, nằm trải dài mái tóc ra phía biển Đông”.
   Tôi bị hấp dẫn đến mức ngạc nhiên sau lời nói của anh rồi một mạch leo lên núi mà không cần anh hướng dẫn, khiến anh phải gọi theo nhắc nhở “không có lối mòn lên núi nên em phải hết sức cẩn thận”.
   Quả thật trèo lên được đỉnh ngọn núi này không hề dễ nhưng tôi có đủ động lực để leo lên tới đích, tôi muốn tận mắt mình được ngắm người con gái ngực trần, nằm trải dài mái tóc ra biển. Quả đúng như những gì anh tả. Tôi không tin nổi vào mắt mình, núi tự nhiên mà cứ như có người khắc vẽ. Một thiếu nữ kiều diễm biết bao, ngọt ngào biết bao, thơ mộng biết bao. Ôi chao! Tôi đã từng đi du lịch Ninh Bình bao nhiêu lần cùng với cơ quan và bè bạn. Đi theo kiểu nghỉ dưỡng cũng có, kiểu du lịch tâm linh cũng có, hay khám phá kiểu phượt thủ cũng có, ấy vậy mà đến bây giờ tôi mới được chứng kiến Ngọc Mỹ Nhân này. Sự xúc động cứ trào lên, tôi thấy mình hạnh phúc, một niềm hạnh phúc ngọt ngào thật khó diễn tả. Trong sự xúc động cao độ ấy, tôi chợt nhớ ra mình đã từng nghe trong một bài hát nào đó về địa danh này mà không để ý. Đem thắc mắc này ra hỏi, anh bạn tôi cười trả lời, đó là ca khúc “Ninh Bình quê mẹ” của nhạc sỹ Thuận yến, trong đó có những câu như “Bởi quá yêu, không thể hát bằng lời, em hóa đá, để được nằm với đất, tóc xõa ngực trần tắm gió biển Đông…”. Rồi anh hát cho tôi nghe cả bài hát đó, nó chạm đến đáy của trái tim tôi, ngấm sâu vào máu thịt của tôi khiến cho luồng cảm xúc của tôi tuôn chảy, và tôi biết, tôi sẽ viết những gì cho Tạp chí số tới của mình…
  Anh đưa tôi trở lại Hà Nội khi kết thúc ngày nghỉ cuối tuần. Nhắm mắt thiu thiu trên xe sau một ngày khá mệt vì khám phá vùng đất Ninh Bình, nhưng trong đầu tôi vẫn du dương những nốt nhạc ngọt ngào, êm đẹp về vùng đất Ninh Bình sơn thủy hữu tình tuyệt vời và huyền diệu ấy.

                                                                                                                     T.P
 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)