bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 13
Trong tuần: 917
Lượt truy cập: 684253

TẢN MẠN VỀ NGÔ

TẢN MẠN VỀ NGÔ
.
         Tản văn của  Phạm Ngọc Tâm Dung
 
tm_dung
 
Ngay từ khi còn bé tý, trẻ em xứ ta đã được các cô bảo mẫu, dạy cho thuộc lòng bài thơ giông giống bài đồng dao -"Cây ngô"
" Cây ngô là mẹ
Bắp ngô là con
Thân mẹ gầy còm
Thân con béo chắc
Mỗi cây mấy bắp
Hạt căng mẩy tròn
Dồn sức nuôi con
Mẹ đâu dám tiếc"
Bài thơ thật hay về cây ngô, một loại cây thuộc họ ngũ cốc, ở Việt Nam, đã bao đời cùng lúa gạo, sắn, khoai, ... là nguồn lương thực chủ lực, nuôi sống con người.
Thân ngô dong dỏng cao, lá hình kiếm, dài, có thể trồng quanh năm, từ Bắc chí Nam. Thời vụ thuận lợi nhất là mùa xuân và thu. Khi cây trỗ cờ, nhiệt độ không quá 35 độ là vừa đủ. Có thể xen canh ngô với các hoa màu khác. Ngô hợp với tất cả các loại đất. Từ khi nảy mầm đến khi thu hoạch thường trên dưới 70 ngày. Khi còn đương thì, lá mỡ màng, mượt mà, xanh mềm xanh mại.
Mỗi trận gió đùa, tiếng lá dịu dàng, xôn xao hiền lành chứ không xao xác, sắc gọn như nghe trong vườn mía lá reo.
           Mùa xuân hay mùa thu, đi bộ trên đê sông Hồng, đặc biệt là đi tàu hay thuyền trên sông, ngắm những vạt ngô con gái hây hẩy lá, không chỉ mát con mắt mà dạ kẻ đa tình, xốn xang chỉ muốn... làm thơ...
Rồi lại ước có ...ai đó kế bên, nắm tay mình như thuở còn ...đeo cặp cói, cùng lao từ triền đê xuống vạt ngô, chui rõ sâu vào vườn ngô ven sông. Lá cũng đa tình mà ...quơ "cánh tay" xanh, vuốt ve, va chạm. Phả hơi mát rượi vào da, vào tóc...
Ta nghe tiếng của sông, khi khúc khích, lúc rì rào với đôi bờ, với vạt ngô non và cả với ...riêng ta, để ta nghe thẳm sâu nơi lòng mình khúc trào dâng, trong trẻo, khát khao...
Và kia ! Đâu đó bên nách lá, là một đôi bầu bắp, xanh nõn nà, nhu nhú, trinh nguyên, với một dúm râu vàng ươm như những búp tơ của con tằm khổng lồ nào đó chui vào làm tổ.
Thoang thoảng đâu đây một mùi thơm như sữa mẹ đang phả vào làn môi của bé khi ẵm ngửa, cho ta niếm cảm xúc hạnh phúc, cảm xúc của niềm vui no đủ, ngọt ngào mà bình dị thân thương. Rồi bất giác, ta đưa tay vuốt nhè nhẹ "búp tơ" non nõn và mềm mướt mát lạnh kia, ta lại có một liên hệ ngay tới lời thơ như đồng dao của cô bảo mẫu, liên hệ đến nhúm tóc mềm như tơ và vàng hoe của bé, liên hệ
đến nhịp đung đưa của võng  mẹ dập dìu, đưa em vào giấc ngủ khi em quấy nũng, giống như thân ngô mẹ khẽ khàng cùng gió mát lành ru con chờ trông sự mọng mẩy, no tròn, cho mùa này và cho muôn mùa sau...
              Ngày mai kia, khi đàn con mập mạp tròn trịa bao nhiêu thì cây mẹ lại xác xơ tàn tạ bấy nhiêu.Vài cọng lá vàng khô cứng và tiếng ru xạc xào khản đục mỗi chiều sương buông - Ấy là khi các bà mẹ cực kỳ hạnh phúc vì đã làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng muôn đời của tạo hoá...!
              Tuy cùng mẹ sinh ra nhưng lũ con nhà ngô đôi đứa lại ...  không chịu giống ai. Thay vì sự tròn xinh "đều như hạt bắp" thì "nó" lại cứ non mãi, thưa thớt một đôi hạt như thể bị...sún răng. Hay đôi bắp lố nhố hạt to xen hạt nhỏ, trắng chẳng ra trắng, vàng chẳng ra vàng khấp khểnh như thể hàm răng xâu xấu trong truyện ngắn của nhà văn tài hoa Nam Cao...
         Thì ra, ông giời sinh ra muôn loài, cỏ cây, hoa lá và con người đều có sự hài hoà tương đồng và ít nhiều, vẫn có những lỗi “lập trình” tạo nên những số phận thiệt thòi...
             Chắc chắn lúc này đây, một khát khao lâu nay, bị gánh nặng áo cơm nhấn chìm giờ lại nổi lên, đó là...Bạn nhỉ! Bạn có giống tôi không? Khi tôi nói rằng tôi đang ước ao, ngay bây giờ đây, vị thần tuổi trẻ hiện  ra và cho ta "chiếc vé trở về tuổi thơ". Về với lũ trẻ mục đồng bạn ta, mỗi chiều đông giá. Chiều chăn trâu, cắt cỏ, vừa đói vừa thèm mà rủ nhau bẻ trộm ngô nhà bà Lâm, những "kẻ đạo chích" trốn ra tít cánh đồng, vơ rạ nướng ăn. Gió đồng Gòi thì to, lửa thì bốc, hạt ngô thơm mà nào đã kịp chín đâu. Cả lũ năm đứa chia nhau hai bắp, miệng và mặt mũi, đầu tóc đầy tràn tro. Cười nhăn nhở như một ... lũ hề ...
Chán chê, bẻ cờ ngô chơi trận giả. Xót ruột, buồn mồm thì bẻ thân ngô làm ... "mía" để nhai. Bà Lâm quát om sòm, doạ mách bố mẹ. Anh Cu Dũng đứng ra nhận tội, bị bố đánh đòn mà tịnh vô không khóc...
            Sau mấy vụ mất trộm, cuối cùng bà Lâm cũng thu hoạch ngô. Đó là ... ngày hội của bọn trẻ chúng tôi. Đứa nào cũng tranh thủ ... cảm tình để bà cho tham gia. Cho đến bây giờ, tôi chưa thấy ai trồng ngô giỏi như bà Lâm. Theo bà, ông giời sinh ra cây ngô mang... hai "giới tính", hoa ngô phất cờ bên trên là "chồng" và bắp ngô nơi nách lá là "vợ". Mùa yêu đương, sinh sản, hoa nở bung ngàn ngạt, gió trời đóng vai "ông tơ bà nguyệt" đem phấn hoa màu vàng tinh khiết mà rắc vào nhúm lông tơ vàng ươm mềm và âm ẩm như rêu. Để đàn đàn, lũ lũ con nhà ngô là những hạt tròn xinh thơm tho, bùi ngọt hoài thai dần trong bụng bắp, tiếp tục trưởng thành và kế tục sứ mệnh của nhà ngô!
               Do am tường như thế, nên mỗi vạt ngô, bà trồng một loại "thuần chủng" riêng, nhưng mà không hề bị "lai" giống. Bởi vì bà trồng xen kẽ và khéo léo bố trí thời điểm hoa "phất cờ" vào thời khắc ... lệch nhau. Thành ra vườn không rộng mà "có nếp có tẻ". Những bắp ngô nếp, mặc áo màu xanh cốm, hạt đều tăm tắp và trắng bóng nõn nà, xinh như hàm răng ngọc, răng ngà của người đẹp, lấp lánh sau nét cười duyên. Loại ngô này, dẻo và thơm phưng phức, để luộc, nướng ăn chơi, làm quà biếu hay phơi để dành làm xôi lúa...Loại ngô tẻ, thân to, thô, phàm ăn chứ không mảnh mai như chị tiểu thư ngô nếp. Loại này cho bắp to, màu vàng mật, hạt hơi thô và kém mùi thơm. Ngô tẻ năng suất và dùng khi giáp hạt đói kém ăn cho no lòng, chắc dạ mà cày cấy, gánh gồng. Chủ yếu là nấu rượu và chăn nuôi...
Ngô thu về từng thúng, bà buộc từng túm và phơi lên sào cho chóng khô và tránh chuột bọ. Nhưng kiểu gì cũng khao chúng tôi một bữa ra trò. Nồi ngô luộc thơm mùi cơm nếp, bà còn chẻ thêm vài tấm mía vườn cho ngọt thơm nức nở.
Bà Lâm còn có một kho truyện cổ tích trong bụng. Chuyện rằng  ngô là loại cây quý mà một con chim thần đã ban cho cậu bé tên là A Ưng (Ngô) - khi cậu đi tìm thức ăn trong rừng, để cứu mẹ đang đói lả và bệnh tật, nhưng mệt quá thiếp đi.
Bao đời, người ta lấy tên người con hiếu thảo để đặt tên cho loài cây cứu và nuôi sống con người.
           Tôi dám cam đoan với bạn rằng  không có món sơn hào hải vị nào ngon ngọt, thơm bùi , bổ béo và tuyệt vời như khi được nghe bà Lâm kể chuyện, bên nồi ngô luộc đang nghi ngút khói. Để rồi, bao năm nay "lũ trẻ" ngày ấy, cứ có dịp gặp lại nhau, ngoài chuyện vợ chồng,  con ái, công việc... không bao giờ  lại không nhắc đến... nồi ngô của bà Lâm...
            Người vùng cao, canh tác được rất ít lúa, nguồn lương thực chủ yếu là ngô.
Trên sườn dốc cao cheo leo thăm thẳm, trong khe các tảng đá trắng bạc khô cứng là những cây ngô bé nhỏ nhưng dẻo dai và mướt xanh, kiên cường cùng sương trời, gió núi mà góp phần làm cho bữa ăn hàng ngày của bà con vùng cao ấm dạ no lòng. Bát ngô bung nâng bước em thơ tới trường, thoa hồng đôi má nàng sơn cước đang vẳng nghe điệu khèn gọi bạn trên nương ...
Rượu ngô men lá cất bằng nước suối Ngàn, để cho sau phiên chợ tình cô vợ người Hà Nhì bế anh chồng vắt qua lưng ngựa mà ngất ngưởng về bản.  
            Ngô đã đi vào thơ ca gắn liền với những người mẹ lao động cần cù, tần tảo: “Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/ Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô” ( Tố Hữu);  “ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/ Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng” ( Nguyễn Khoa Điềm”. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Trúc Thông khi nhớ về mẹ mình lại viết “ Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió, người không thấy về” ( Bờ sông vẫn gió)!
Trong bài thơ “ Sáng tháng Năm”  nhà thơTố Hữu viết:
"Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn
"…
            Nhưng cũng phải nói rằng, không phải lúc nào, cây lương thực này cũng... lãng mạn đến thế ! Nhớ ngày bao cấp, tôi đi xếp hàng mua gạo từ ba giờ sáng, để con ở nhà, đứa lớn trông đứa bé, đến lượt mình thì kho hết gạo. Chị mậu dịch viên tuyên bố khô khốc:
- Chỉ còn ngô, có ai mua không!
Đã phải đi vay gạo hai ngày rồi. Hôm nay vay đâu?
Đứa con trai lớn háu ăn. Mình cũng phải cho đứa bé bú và đi làm bã người ra!
Chờ đến bao giờ!
Đâu đây, tiếng thơ dài ngao ngán, chị đứng bên, mắt đỏ hoe, xót xa kể lể đận đứa con gái bị bệnh đường ruột...
Tôi không muốn kể nữa, vì bạn cũng sẽ tưởng tượng ra, lũ cần lao chúng ta ngày ấy xoay xở và chịu đựng ra sao với số ngô răng ngựa và những đữa con gầy guộc bé bỏng cùng gánh nặng toan lo...
Nhưng bạn tôi ơi! Thời đất nước sau chiến tranh, còn nghèo, "Có méo mó hơn không!" Bạn hãy nghĩ hộ xem, chúng ta và lũ con ta sẽ thế nào khi không có mớ bo bo, ngô răng ngựa và mỳ ( có mọt)?
Thế mới thấm, hạt ngô đã cùng ta chia sẻ nghĩa tình khi buồn, khi vui!
Mới thấy, bây giơ chẳng mấy ai đói phải ăn độn ngô nữa,  nhưng cây ngô thanh cao và bắp ngô thơm ngọt, hạt ngô thơm giòn vẫn là tri kỷ với loài người.
Tôi đọc đâu đó bài viết về giá trị dinh dưỡng của ngô có khi còn vượt xa cả gạo và mỳ. Là nguồn dưỡng chất cao và độc đáo cho người và gia súc...
Lên Hà Giang, mà không thưởng thức vài chén rượu ngô với thắng cố, mua một vài can về xuôi làm quà; lên lễ Đền Hùng Phú Thọ mà không thưởng thức mấy cặp bánh ngô thì không gọi là người sành ăn Xứ Bắc.
             Lại nhớ ngày " lũ nhóc" của tôi còn be bé, con bé út của tôi thường thức dậy, khi tiếng rao "Xôi nào" của cô hàng xinh xinh người làng Thượng.
Thế nào cháu cũng sấp ngửa dậy và cầm vài nghìn bạc lẻ ra, xuýt xoa với món " xôi lúa" nóng hổi thơm phức hành mỡ mà... mồm ăn,  mắt ... cũng ăn!
Ôi! Một thời của các con tôi!
            Cũng như, những tối đông giá rét, ngồi trong phòng ấm vừa xem ti vi vừa rấm rích túi bắp rang bơ, vừa nhớ ngày mẹ ta thổi hồng bếp củi, mẻ ngô giòn tan thơm phức, cho cha nhâm nhi chén rượu và chị em ta chui vào nhai rúc rích nơi ổ rơm của bà.
              Thời nay, ngô đã " lên đời". Họ hàng, anh em nhà ngô đã xuất hiện trong các gói " bột ngũ cốc" sang trọng dành cho trẻ em và người suy dinh dưỡng được bày trong tủ kính của các cửa hàng sang trọng, nơi siêu thị, xuất khẩu đi nước ngoài lấy đô la, xuất hiện nơi quầy giải khát bổ dưỡng với cốc sữa ngô đặc sánh thơm lừng, trên bàn nhậu đưa cay có món ngô chiên, món  xào thập cẩm bắt mắt giòn ngậy không thể thiếu ngô bao tử.
             Về Hà Nội, mỗi chiều muộn hay đêm đông qua phố, ta lại được ...bổ túc hương vị ngô nướng mà cánh mũi cứ liên tiếp phập phồng khi một chị trung trung tuổi, má hồng rực vì lửa than đang tươi cười gói gói mấy bắp ngô vàng sậm như mật ong trao cho cặp trai thanh, gái lịch dừng xe, mắt long lanh hạnh phúc. Biết đâu, những bắp ngô thơm nức, thơm nở kia sẽ đánh dấu một kỷ niệm đẹp về tình yêu đầu đời trong sáng của các em! Và biết đâu, "nó" sẽ là "nhân vật trữ tình" trong những vần thơ tình hay nhất!
Nhưng một điều có thật, đó là ít nhiều, bạn cũng cùng tôi có sự chia sẻ cảm xúc trong tản mạn về ngô  quê kiểng,thô vụng này!
17 h 5 p.23/12/2019
TD
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)