bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 22
Trong tuần: 1037
Lượt truy cập: 697386

TÌNH XOAN

Đỗ Xuân Thu

TÌNH XOAN 

Đang thiu thiu ngủ thì bất chợt tiếng hát vọng đến bên tai tôi. “Em đố anh biết huê gì nở mùa đông vàng trắng vàng, nở mùa đông vàng trắng vàng...”. Lựa lại thế, tôi nằm yên, dỏng tai lên nghe.

Giọng con gái? Đúng rồi! Không thể giọng bà già được. Nghe trong trẻo du dương lắm. Nhí nhảnh, điệu bộ, véo von, tung tẩy thế cơ mà? Hình như tiếng hát ở nhà bên vọng sang? Nghe gần lắm. Ngay sau hàng rào râm bụt giữa hai nhà thì phải? Tiếng hát khe khẽ vừa đủ nghe. Đêm khuya vọng sang rõ mồn một. Cô nào mà hát hay thế chứ lị? Tròn vành rõ chữ. Luyến láy mượt mà. Nghe ngọt lịm. “Tềnh là tềnh, leng ấy lại là leng. Tềnh là tềnh, leng ấy lại là leng...”. Câu cuối lặp đi lặp lại mấy lần, kéo dài ra, nhỏ dần rồi tắt hẳn. Dư âm của nó còn đọng lại mãi trong đầu tôi.

“Này. Cậu có nghe thấy tiếng hát không?”. “Hưng ba toác” huých cùi tay vào sườn tôi hỏi. Thì ra thằng này chưa ngủ. Nó cũng nằm im thin thít để thưởng thức tiếng hát vừa rồi. Tôi đáp khẽ: “Có. Hay quá. Không biết em nào mà hát hay thế mày nhỉ?”. “Hát Xoan mày ạ”. “Thì vưỡn”, ra vẻ hiểu biết, tôi đáp lại. “Mai, bọn mình phải xem mặt em này mới được. Mày để tao chinh phục nàng nha”, “Hưng ba toác” nôn nóng. Nghe nó nói vậy, tôi bực lắm. Cái thằng... cứ thấy gái là xoắn. Ghét thế cơ chứ lị. Mà sao cái số tôi lại cứ phải đi với nó không biết? Nó bẻm mép, kẻng trai. Còn tôi thì nhu mì, thấp hơn nó. Thực ra, cũng kẻ tám lạng, người nửa cân. Tuy không chênh nhau là mấy nhưng tôi vẫn cứ có cảm giác như mình bị lép vế. Cái tính tự ti của tôi nó thế. Vậy nên, trong đám đông, tôi thường khép nép so với sự nổi trội của “Hưng toác”. Hai thằng chúng tôi “cắn nhau như chó với mèo” nhưng lại rất thân nhau. Thế mới lạ.

Là mì chính cánh của tổ sinh viên, tôi và “Hưng toác” về thực tập ở làng Cổ Cò. Cả tổ có mười người thì có tới tám người là nữ. Còn lại hai thằng tôi là nam. Chẳng biết “mì chính cánh” được ưu tiên, oai oách ở đâu nhưng những việc nặng nhọc trong tổ đều đến tay chúng tôi. Cày, bừa, gánh phân, cuốc góc, bốc vác, bưng bê... Những việc đó chẳng lẽ lại để cho bọn con gái làm? Thế nên, tôi và “Hưng toác” như cửu vạn, kiêm vệ sĩ cho cả tám cô nương. Cũng là sinh viên đi thực tập mà tổ chúng tôi sao lại vất vả thế không biết. Chẳng khác gì nông dân. Thì đại học nông nghiệp, khoa trồng trọt chẳng làm những việc đó thì còn việc gì nữa? Không thực tế đất cát, không nắm bắt cây trồng, không theo dõi mùa vụ, không phòng bệnh, trừ sâu... thì sao mà ghi chép, đối chứng được? Bác Hồ chẳng đã dạy “Học phải đi đôi với hành”, “Lý luận phải gắn liền với thực tiễn”; “Lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông. Thực tiễn mà không có lý luận soi đường là thực tiễn mù quáng” đó là gì? Vậy nên, mặc chúng nó “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa”, tôi vẫn cứ chọn, cứ yêu ngành nông lâm này. mhtruyentinhxoanngoxuankhoi

Sau bốn năm học, đây là học kỳ thực tập. Được áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế nên ai cũng hăm hở, hào hứng. Toàn con nhà nông cả nên không đứa nào bỡ ngỡ. Thậm chí chúng tôi còn khoái nữa là đằng khác. Đang gò bó ở trường, cắm đầu vào dùi mài sách vở giờ về được thỏa chí giữa đồng quê, tự do hương đồng gió nội bảo sao mà không thích.

Lãnh đạo nhà trường, ban cán sự lớp liên hệ địa điểm thực tập cho sinh viên. Phòng Kinh tế huyện giới thiệu chúng tôi về làng Cổ Cò. Làng thượng du này trước đây đã có phong trào trồng ngô đông trên đất lầy thụt và đang triển khai dự án phát triển cây ăn quả theo mô hình VCRR (vườn, chăn nuôi, rừng ruộng). Thế nên, nghe tin có tổ sinh viên đại học nông lâm về thực tập, bà con ai cũng mừng. Nhà nào cũng muốn nhận sinh viên đến ở. Tám cô nữ được bố trí ở bốn nhà, khá gần nhau. Tôi và “Hưng ba toác” được ở nhà ông Thuận, trưởng thôn. Ông đáng tuổi bố tôi, rất vui tính. Cả hai ông bà sàn sàn tuổi nhau, y hệt bố mẹ tôi. Họ cũng có hai con. Anh lớn đang tại ngũ. Cô thứ hai đang trọ học trường chuyên ở dưới tỉnh. Nhà cửa rộng rãi, thoáng mát. Chúng tôi được ông bà chủ bố trí cho ngủ trên chiếc giường đôi, ngay cửa sổ gian bên. Một không gian riêng tha hồ cho chúng tôi ngắm vườn tược, trăng sao, đón gió mát. Tôi và “Hưng toác” thích lắm. Đến lúc sáng thì chiều mọi sự thăm dò, ý tứ giữa chủ và khách không còn nữa. Hai thằng tôi gọi ông bà Thuận là bố mẹ cứ ngọt xớt, nhất là thằng Hưng.

Sáng dậy, không thằng nào bảo thằng nào, cả tôi và “Hưng toác” đều ngó qua hàng rào râm bụt. Không thấy gì. Nhà bên đã đóng cửa. Tiếng hát đã đi đâu đó. Ông bà Thuận cũng đã ra đồng từ lúc nào. Có lẽ người nhà bên cũng vậy. Mùa hè nắng oi, họ tranh thủ đi làm từ sớm. Chỉ có lũ sinh viên vẫn quen với giờ giấc ở trường là đủng đỉnh.

Bảy giờ. Cả tổ tập trung. Mặt trời đã lên được cây sào. Ánh nắng le lói, chói chang báo hiệu một ngày oi bức, ngột ngạt. Cái Trang, tổ trưởng liền nói với cả bọn: “Từ mai, sáu giờ sáng chúng ta cũng ra đồng. Đi sớm, nghỉ sớm. Chứ lạc loài thế này ngượng với bà con nông dân lắm”. “Hưng ba toác” tỏ ý không vui nhưng cũng không dám nói gì. Riêng tôi, thấy thế là phải. Ai lại người ta ra đồng làm từ tám hoánh nào rồi mà lũ sinh viên sức dài vai rộng vẫn nằm ườn ra với nhau ở trên giường? Chướng tai, gai mắt lắm. Với lại, phơi đầu ra lúc nắng gắt chả kinh à? Thôi thì đi sớm, nghỉ sớm. Đằng nào chả thế. Làm nông là phải tùy thời. Không máy móc công nghiệp được.

Chúng tôi đang thí nghiệm về các giống lúa. Xã cho mượn hẳn hai sào đất để canh tác. Theo sách dạy, chúng tôi chia ô để cấy. Mỗi giống lúa cấy một ô. Triển khai liền một lúc mấy công thức. Nhắc lại, luân phiên, đối chứng. Tất cả các công đoạn đều tỉ mỉ. Vừa làm thực tế, vừa mang theo cả sách vở để ghi chép theo dõi. Lâu ngày không mó tay vào việc nên đứa nào đứa ấy mồ hôi, mồ kê mệt nhoài. Tuy vậy, sức trẻ, lại cùng trà cùng lứa nên ai cũng vui. Vừa làm vừa đùa nghịch, tán tỉnh nhau. “Hưng ba toác” chốc chốc lại ngó ra cánh đồng tìm bóng hồng. Sáng nay, nó có vẻ ngơ ngác hơn. Chắc hẳn nó đang tìm kiếm cái em hát xoan đêm qua. Tôi cũng vậy. Chẳng biết ruộng nhà nàng ở đâu? Mà nàng thế nào nhỉ? Đã gặp đâu mà biết. Có khi chính cái em đang nhí nhéo cấy đằng kia cũng nên? Bọn cái Trang thấy chúng tôi thế liền cảnh báo: “Tập trung chuyên môn nha. Liếc vừa thôi, kẻo nhầm lẫn ảnh hưởng tới kết quả đấy. Mà bọn tớ xinh thế này việc gì phải nhìn em nào nữa?”. Nói đoạn, cả bọn cùng ngoác miệng ra cười. Tôi nín lặng. Thằng “Hưng toác” lên tiếng: “Xin các bà. Để yên cho chúng em lành. Các bà mà xinh thì chúng em đã rung động đậy từ trường rồi”. Nghe vậy, cái Liên đốp chát: “Đúng là mắt cậu có vấn đề. Hoặc là “Bụt chùa nhà không thiêng”. Được thôi! Chị bảo thế cho mà biết. Kẻo sau này ra trường rồi lại tiếc”. 

Buổi chiều, tổ chia thành hai nhóm. Một nhóm lên đồi thực tập về cây ăn quả. Nhóm ở lại tiếp tục cấy các giống lúa. Tôi và “Hưng toác” bị tách ra. Nó lên đồi. Tôi được Trang giữ lại xuống ruộng. Bực thật. Lại bị chân lấm tay bùn. Chết cái, Trang lại thích tôi. Mà tôi thì lại biết cấy. Con trai mà cấy được thì hiếm lắm. Hôm tôi xăng xái cấy, cả bọn con gái đều ngỡ ngàng. Có đứa còn cấy chậm hơn cả tôi. Ngu chưa? Ai bảo nhanh nhảu ra tay, lộ tài? Giờ thì chết nhé. Kêu ca cái nỗi gì? Trang để ý và có cảm tình với tôi từ lâu. Đi đâu nó cũng lấy quyền tổ trưởng để bắt tôi đi cùng nó. Biết được tài lẻ này của tôi, nó càng “xoắn” tôi hơn. Tuy Trang rất xinh, năng nổ, nhiệt tình, thuộc diện mỏng mày hay hạt của lớp nhưng tôi vẫn cứ dửng dưng. Tình yêu thật lạ. Người yêu tôi, tôi lại yêu người khác. Gần thì chẳng bén duyên cho, xa xôi cách trở đường đò lại yêu. Và bây giờ, tôi lại đang bị “tềnh tềnh leng leng” hớp hồn từ đêm qua rồi. Chưa biết mặt nàng đâu nhưng tiếng hát ngọt lịm ấy đã đánh thức con tim trai lì, ương bướng của tôi rồi. Chẳng lẽ đó là tín hiệu ban đầu của tình yêu?

Chiều muộn, đi làm về, tôi nghe trong nhà tiếng bà chủ và cả tiếng con gái nữa ríu rít. Vội buông ống quần đang xắn xuống, sửa lại quần áo, tôi bước vào. Miệng tôi chào bà chủ nhưng mắt thì lại liếc sang cô gái đang ngồi ở bàn nước đối diện với “Hưng ba toác”. “Sao về muộn vậy? Chắc la cà bia bọt ở đâu phỏng?”, “Hưng ba toác” hỏi tôi. Tức thế cơ chứ lị. Nó “dìm hàng” phủ đầu mình đây. Tự nhiên lại bảo mình bia bọt, la cà. Tôi trả lời nó là phải cấy nốt cho xong ô số ba. Nghe nói đến cấy, mắt cô gái sáng lên. Nàng nhìn tôi từ đầu tới chân. Hình như nàng không tin việc tôi cấy lúa. Mặt tôi đỏ bừng. Thấy vậy, “Hưng ba toác” liến thoắng: “Giới thiệu với ông, đây là Nguyệt, cô gái nhà bên. Tớ gặp em đang trên đường về và về cùng luôn. Còn giới thiệu với Nguyệt đây là cậu Lập, bạn anh”.

Tôi và Nguyệt nhìn nhau với ánh mắt thân thiện, làm quen. Bà Thuận lên tiếng: “Cái Nguyệt hát hay lắm. Diễn viên văn công đấy. Hai thằng biết chưa?”. Tôi tròn mắt nhìn nàng. Má nàng ửng hồng. Mắt nàng long lanh. Đẹp! Đẹp thật! Đúng là văn công có khác! “Hưng ba toác” loe xoe: “Cháu nhìn cái là biết em ấy diễn viên văn công rồi bá ạ!”. Nguyệt bẽn lẽn thanh minh: “Em không phải là diễn viên. Em chỉ là sinh viên đang học ở trường văn hóa nghệ thuật tỉnh thôi anh ơi”. “Hưng ba toác” vẫn liến thoắng: “Nhưng mà xinh, lại hát hay nữa. Chả là văn công thì là gì? Bá Thuận nhỉ?”. Thằng cha này tán ghê thật. Tôi nghĩ. Vừa lúc đó, bà Thuận đáp: “Thì vưỡn! Trước sau là phải thế”. Nguyệt vẫn khăng khăng: “Con học quản lý văn hóa chỉ làm phong trào thôi bá ơi! Làm sao mà con làm văn công được?”. Vừa nói nàng vừa ý tứ nhìn hai chúng tôi. Bà Thuận thủng thẳng: “Văn hóa cũng là văn công. Hát hay, xinh gái thế ối đứa diễn viên cũng không bằng ấy chứ”. “Bá cứ nói thế”, Nguyệt chống chế. Rồi nàng quay sang hai thằng tôi: “Nhà em ở kế bên nhà bá Thuận đây, hai anh ạ. Em học dưới tỉnh. Đợt này đang kỳ nghỉ hè, em về quê đúng dịp xã chuẩn bị tổ chức đêm văn nghệ khá hoành tráng. Các làng đều có tiết mục tham gia. Chi đoàn làng em biết em học trường văn hóa nghệ thuật tỉnh nên nhờ em đạo diễn, dàn dựng chương trình cho làng. May quá, các anh về đây thực tập, em sang mời và nhờ các anh, các chị cố vấn, tham mưu, tham gia giúp em với ạ”. “Đúng đấy. Chị Nguyệt nói đúng đấy”. Tiếng ông Thuận oang oang ngoài sân. Ông vừa rửa chân tay xong đang bước vào nhà. Vừa đi, ông vừa nói tiếp: “Bác đang định tối nay nói với hai anh ý của chị Nguyệt vừa rồi. Thôi thì tiện thể nói luôn. Hôm này, xã khánh thành nhà lưu niệm Bác Hồ kết hợp với đón nhận danh hiệu “xã nông thôn mới” có tổ chức một chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” do các làng tham gia. Làng Cổ Cò, bác đã giao cho chi đoàn rồi. May có chị Nguyệt về nghỉ hè, giờ lại có tổ thực tập của các anh nữa. Các anh, các chị phối hợp cùng với chi đoàn làng giúp cho bác một chương trình văn nghệ thật ngon nghẻ nhé”.

Cả tôi và “Hưng ba toác” đều bị bất ngờ. Tôi ngồi im như thóc. “Hưng ba toác” nghệt mặt ra. Thế rồi, bất ngờ nó vỗ đùi, chỉ tay vào tôi: “Bác và em Nguyệt khỏi lo. Khoản văn nghệ thì tổ cháu có thể đảm đương được. Gì chứ cậu Lập đây sẽ sáng tác một hoạt cảnh dân ca đúng cây nhà lá vườn luôn. Tự biên tự diễn, ăn giải là cái chắc”. Quay sang tôi, nó vỗ vai tôi và liến thoắng: “OK chứ? Cậu viết toàn Xoan cho tớ. Chủ đề Bác Hồ, xây dựng nông thôn mới. Cứ tềnh tềnh, leng leng vui là được”. Tôi còn đang ú ớ chưa kịp nói gì thì ông Thuận vồ vập: “Tuyệt! Thế thì còn gì bằng. Nguyệt tổ chức chi đoàn chuẩn bị cùng tổ thực tập, tập luôn nha!”. Nguyệt hớn hở: “Vâng ạ. Cháu sẽ triển khai ngay”. Nói xong, Nguyệt chào chúng tôi và chạy ù ra cổng. Vừa chạy cô vừa í a hát xem chừng phấn khích lắm.

“Hưng ba toác” tiếp tục ba hoa sít tốc về tài năng sáng tác văn nghệ của tôi cho ông bà chủ nghe. Họ nhìn tôi với con mắt ngưỡng mộ. Còn tôi, cứ ngồi ngây thộn ra bối rối. Ông Thuận trầm tư. Lát sau, ông nói như tâm sự: “Các cháu về đây thực tập đúng dịp xã bác có sự kiện trọng đại. Đó là đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới và khánh thành nhà lưu niệm Bác Hồ. Các cháu biết không? Xã bác được Bác Hồ về thăm đầu năm 1961 đấy. Dạo ấy, phong trào hợp tác xã nông nghiệp của xã bác mạnh lắm. Thi đua với Đại Phong luôn. Được tin Bác Hồ về, bà con kéo đi đón Bác đông lắm. Tất cả tập trung ở khu đất rộng gần trụ sở để nghe Bác nói chuyện. Ngày đó, hai bác đây còn nhỏ chẳng biết gì. Về sau, nghe bố mẹ bác kể lại rằng Bác Hồ giản dị lắm. Bác đã hỏi thăm tỉ mỉ công việc của hợp tác rồi căn dặn mọi người phải đồng lòng, đồng tâm xây dựng hợp tác xã tiến nhanh, tiến mạnh sánh vai với Đại Phong, làm cho mọi người, mọi nhà đều no ấm. Nghe lời Bác Hồ, phát huy truyền thống đó, nhiều năm qua, xã bác luôn dẫn đầu các phong trào. Và giờ đây, đã đạt danh hiệu “xã nông thôn mới” đầu tiên của huyện đấy. Ghi ơn công đức Bác Hồ và dấu ấn ngày Bác về thăm, huyện và xã đã xây dựng nhà lưu niệm mang tên Bác. Mai, các cháu lên đó mà xem. Đẹp, khang trang, bề thế nhưng lại rất gần gũi. Biết đâu, có thể gợi ý cảm hứng cho Lập sáng tác ca cảnh được chăng?”.

Ông Thuận còn nói nhiều về làng Cổ Cò, kể nhiều chuyện về ngày  Bác Hồ về thăm, về phong trào xây dựng nông thôn mới của xã. Giọng ông hào hứng, say sưa. Tôi cũng bị cuốn hút vào câu chuyện. Mặt thằng “Hưng ba toác” rạng lên. Nó hết nhìn ông Thuận lại nhìn tôi.

Tối hôm đó, nằm bên “Hưng toác” tôi cự nự với nó về việc tự nhiên lại khoác cho tôi cái chuyện sáng tác văn nghệ. Đành rằng, ở trường tôi cũng có đôi lần viết hoạt cảnh cho lớp nhưng đó chỉ là văn nghệ cấp trường. Còn đây là cấp xã, cấp huyện. Chủ đề thì lại lớn lao. Tôi làm sao mà kham nổi? “Hưng ba toác” sùy một tiếng rồi nói: “Mày đúng là đần thối ra rồi! Tao tạo điều kiện cho mày, nhường sân cho mày, tạo đất diễn cho mày để mày có cơ gần em Nguyệt mà mày không cảm ơn tao thì chớ lại còn trách cứ. Hơn nữa, mình phải có trách nhiệm với cái nơi mình thực tập chứ. Đặc biệt, sự kiện này rất ý nghĩa. Mai, tao sẽ trao đổi với cái Trang để cả tổ vào cuộc, tạo điều kiện cho mày sáng tác. Cần thiết, cái Liên, cái Thủy, cái Dung sẽ vào vai hát hò nếu mày thấy cần. Đây là dịp mày điều động giao việc cho chúng nó đấy. OK đi. Tao thấy mày làm được tao mới vơ vào. Mày thấy em Nguyệt tuyệt vời chưa? Chớp thời cơ mà thể hiện đê!”.

Nó thủ thỉ bên tai tôi. Cái thằng lúc này cứ như cụ non vậy. Thì ra nó cũng sâu sắc phết. Cái sự ghen tị với nó khi nó ba hoa trước em Nguyệt lúc chiều tự nhiên tan biến mất. Phần vì tôi hiểu được thực chất của vấn đề. Phần nữa, thấy thái độ của nó lúc này rất thực lòng. Không phải “Hưng ba toác” tán được em Nguyệt, dẫn được em ấy về đây mà nó về trước tôi. Còn em Nguyệt thì lại đến đây trước khi nó về. Em ấy đến để báo cáo trưởng thôn về tình hình đội văn nghệ và vô tình đã gặp nó. Khi tôi về thấy vậy nó bốc phét lên cho oai. Ba toác mà. Của đáng tội, giá không có vụ văn nghệ thì chắc gì nó xuống nước nhường Nguyệt cho tôi. Nàng đẹp như thế cơ mà? Hát hay như thế cơ mà? Đêm qua hai thằng chẳng đã trằn trọc mãi về tiếng hát ấy là gì? Thằng Hưng chỉ giỏi khua môi múa mép chứ hát hò, đàn sáo, viết lách thì chúa tệ. Thế nên, nó mới “đá” sang tôi đấy chứ.

Được. Đã thế thì ra tay. Ông trưởng thôn đã có lời, Nguyệt đã có lời, thằng Hưng đã thiết kế, sự kiện trọng đại thế tha hồ cho tôi cảm hứng và sự thôi thúc để sáng tạo. Chỉ hơi e ngại ở chỗ liệu Trang có ủng hộ tôi không? Mặc. Không ủng hộ cũng làm. Nguyệt ơi! “Em đã đố thì anh xin giảng...”. Em sẽ là nhân vật chính chắp cánh cho những câu Xoan của anh vút cao bay xa em nhé! Cứ thế, mạch cảm xúc, ý tưởng về ca cảnh cứ ào ạt chảy trong đầu tôi. Câu chữ, hình ảnh gọi nhau ra. Tôi bật dậy mở laptop. “Hưng ba toác” biết ý không huyên thuyên nữa. Nó nằm yên ngắm trăng qua cửa sổ để không gian tự do cho tôi sáng tạo. Tôi mê mải theo “Tềnh tềnh, leng leng”. Vừa gõ máy, tôi vừa gõ tay làm nhịp. Chữ gọi chữ, câu gọi câu rồng rắn nối đuôi nhau hiện lên trên màn hình.

Ngỡ tưởng Trang sẽ gây khó dễ cho tôi, nào ngờ khi tôi nói sẽ giúp đội văn nghệ của làng, đưa kịch bản sơ bộ cho Trang xem, Trang gật đầu đồng ý liền. “Bác Thuận đã nói với tớ rồi. Cậu Hưng cũng kể lại việc cậu viết kịch bản này rồi. Cả bạn bí thư chi đoàn của làng nữa. OK. Cả tổ mình sẽ xúm vào. Đứa nào làm được việc gì cậu cứ giao. Hát, múa, làm nền, chạy phông cánh gà, bưng bê, kê dọn... miễn là góp công, góp sức cho làng là được”.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi lao vào chỉnh lý kịch bản, đạo diễn cho đội văn nghệ luyện tập. Các quả cách, các điệu hát Xoan, những làn hát Ghẹo được tôi sử dụng uyển chuyển. Nhân vật có trẻ, có già, có nam, có nữ. Được cái, làng Cổ Cò có truyền thống văn nghệ nên tuyển chọn “diễn viên” rất dễ. Mấy ông bà cao tuổi được vào vai thích lắm. Chính họ cùng với Nguyệt lại quay lại hướng dẫn lớp trẻ hát múa, giúp tôi chỉnh sửa lời cho sát với thực tế của làng và hợp với các làn điệu Xoan Ghẹo. Thế là, ngày chúng tôi đi làm, tối lại ra đình tập văn nghệ. Tiếng hát tềnh tềnh leng leng, tiếng trống tùng tùng cắc cắc vang lên rộn rã cả xóm. Nhiều người thấy lạ cũng đến xem. Vui phết. Chúng tôi, ai cũng mong cho chóng tối để được hát hò. Ông Thuận tối nào cũng có mặt cổ vũ, động viên. Tôi và Nguyệt gắn với nhau như đôi sam. Em bảo: “Không ngờ anh học nông lâm mà lại sáng tác đặt lời cho dân ca hay thế. Đúng là năng khiếu trời cho. Em mà được như anh thì...”. Bỏ lửng câu nói ở đó, nàng nhìn sâu vào đôi mắt tôi. Tôi đỏ mặt bối rối.

Nguyệt năm nay vừa tròn hai mươi tuổi. Nàng đang học năm thứ hai trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh. Cao ráo, trắng trẻo, Nguyệt được cả dáng và da. Khuôn mặt trái xoan, thanh tú. Đôi mắt bồ câu đen láy lúng liếng. Hai má luôn ửng hồng. Mái tóc đen dài óng mượt. Đặc biệt, hai cái lúm đồng tiền ở hai bên má nàng có sức hút đến khó tả mỗi khi Nguyệt cười. Khuôn ngực thanh tân săn chắc nhô cao như mời gọi. Mặc dù không cố ý nhưng mỗi khi ngắm em, tôi cứ bị hút mãi vào cái thóp ngực của nàng, thấy rõ cả khe trắng mịn màng giữa đôi gò bồng đảo đang phập phồng cùng hơi thở. Hình như Nguyệt biết. Nàng đỏ mặt nhìn lại tôi. Tôi bối rối vội ngoảnh đi chỗ khác. Tim tôi đập thình thịch y như người bị bắt lỗi.

Nguyệt hát chuẩn và hay. Nàng giúp tôi chỉnh sửa từng nốt, từng câu cho mọi người. “Phải luyến thế này này”. “Chỗ này đảo phách bạn ạ”. “Chụm các ngón tay lại, để sát hông rồi đưa từng bàn tay xòe dần các ngón ra theo câu hát thế này này”. “Nhịp chân hơi nhún nhảy, nhẹ nhàng. Không được mạnh như nhảy sạp”. “Mọi người phải nhớ cho, múa Xoan là múa thuở sơ khai nên động tác đơn giản không phức tạp như múa hiện đại. Tuy vậy, vẫn phải mềm mại, uyển chuyển, ăn nhịp với câu hát. Nghe nhịp trống mà vào. Như thế này này”. “Thuở hồng hoang các cụ nhà ta múa hát được vậy là văn minh lắm rồi”... Vừa làm động tác, Nguyệt vừa giảng giải. Lúc đó, nàng như lên đồng, chẳng biết xung quanh mình có ai nữa. Hình như hồn nàng để tất cả trong câu hát, điệu múa. Tôi nhìn nàng ngất ngây. Đúng là đẹp như con công nó múa. Đến cả Trang và bọn con gái trong tổ thực tập cũng phải tấm tắc xuýt xoa khen.

“Này. Đã được gì chưa?”. Khuya, Hưng ba toác” nằm quay mặt vào tôi hỏi. Tôi ú ớ: “Gì là gì thế nào?”. “Là... là ấy ấy?”. Tôi nằm im không trả lời. Nó xấn xổ: “Là... hôn được nàng chưa?”. Tôi bực mình đáp: “Đến cầm tay tao còn chả dám nữa là...”. “Giời ạ! Đần thế. Thảo nào, đêm nào tập xong mày cũng bám gót tao về luôn. Ngố quá. Đêm mai, mày phải tách ra, tạo cớ tiếp cận nàng mà tâm sự. Nghe chưa? Tao sẽ thiết kế cho”. “Hưng toác” lải nhải bày cách cho tôi tán tỉnh Nguyệt. Thực lòng, tôi cũng muốn lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Cái tính nhút nhát của tôi thật tai hại. Được “Hưng ba toác” vạch lối, chỉ đường, tôi ok liền.

Công việc cấy lúa thí nghiệm đã xong. Làm cỏ đợt một cũng xong. Xới cỏ, bón phân vườn cây ăn quả cũng ổn. Chúng tôi nhàn hơn. Chỉ còn việc ghi chép các thông số kỹ thuật, so sánh sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, theo dõi nhiệt độ ngày nắng, ngày mưa, phát hiện sâu bệnh, ghi chép mực nước, đo tốc độ gió... Những việc này không nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ, hợp với chúng tôi hơn. Vì thế, việc tập luyện văn nghệ càng có điều kiện. Cũng sắp đến ngày hội diễn rồi.

Chương trình chạy thử khá ổn. Ông Thuận quán triệt thêm. Mọi người tập trung tâm trí diễn như thật. Chương trình sạch sẽ hẳn. Không còn hạt sạn nào. Bà con đến xem vỗ tay rầm rầm. Ông Thuận thích lắm. Khi các diễn viên làm động tác cúi chào khán giả thì thằng “Hưng ba toác” cầm đầu đứng lên. Nó vừa vỗ tay vừa reo: “Lại đê! Lại đê!”. Lũ trẻ hùa theo phấn khích. Tôi và Nguyệt nhìn nhau mừng rơn. “Chỉ cần vài buổi tập nâng cao nữa là ổn, anh ạ”, Nguyệt thì thầm bên tai tôi. Tôi nhìn sâu vào mắt nàng, gật đầu và cấu nhẹ vào sườn nàng. Tín hiệu gặp nhau sau buổi tập. Nguyệt ngúng nguẩy ẩy nhẹ tôi ra rồi chạy lên sân khấu. Người tôi lâng lâng mong sớm kết thúc buổi tập để được sóng đôi cùng nàng.

Cánh đồng làng Cổ Cò đêm trăng tuyệt đẹp. Tôi chưa thấy cánh đồng nào đẹp như thế này. Có lẽ, tình yêu đã cho tôi cái nhìn như vậy chăng? Chẳng biết được. Chỉ biết rằng đi bên Nguyệt giữa cánh đồng bát ngát ánh trăng, mơn man gió hạ sao mà nó nên thơ đến vậy. Lúa đang thì con gái mướt mát dưới trăng. Chúng tôi dừng chân ở khu ruộng thí nghiệm. Từng ô lúa hiện ra trước mắt vuông vắn như những ô bàn cờ. Tôi say sưa chỉ cho Nguyệt biết. Đây là giống Tạp giao 5, kia là giống Nếp cái. Ô này là Bắc ưu, ô kia là giống ĐB5... Rồi trà mùa sớm, mùa muộn. Rồi gieo, cấy ngày nào, phân bón, chất đất ra sao. Tôi còn giải thích cho Nguyệt biết về cảm ôn, cảm quang, về quang hợp, hô hấp, về các câu tục ngữ, thành ngữ của các cụ trong nông nghiệp. Tỉ như “mùa hơn đêm, chiêm hơn sướng” hay “chiêm bóc vỏ, mùa xỏ tay” là thế nào...

Nguyệt ngẩn ra nghe tôi nói. Nàng bảo: “Sao anh tài thế? Cái gì anh cũng biết. Lại sâu sắc nữa. Đúng là kỹ sư nông nghiệp có khác. Đã vậy, lại còn biết viết văn, làm thơ nữa. Cô nào mà lấy được anh thì chỉ có nhất”. Chớp thời cơ, tôi nói: “Cô nào? Cái cô làm văn hóa này này”. Vừa nói, tôi vừa liều mình ôm chầm lấy Nguyệt. Bị bất ngờ, Nguyệt lúng túng gỡ tay tôi. Mặc, tôi càng ôm chặt nàng hơn. Nguyệt đành đứng yên trong vòng tay của tôi. Nàng thủ thỉ: “Còn em, ngoài tình yêu ruộng đồng ra em còn yêu hát hò nữa. Đặc biệt hát Xoan Ghẹo anh ạ. Sau này, ra trường, em sẽ về quê thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ của làng lên. Hát Xoan, di sản văn hóa thế giới mình phải giữ gìn và phát triển nó anh ạ”. Được thể, tôi tiếp lời: “OK. Chúng mình đồng hành bên nhau em nhé. Kinh tế, văn hóa song hành đi lên. Đồng ý chứ?”.

Nguyệt nhìn tôi lặng lẽ gật đầu. Tôi xiết chặt vòng tay ôm Nguyệt. Nàng ngửa mặt nhìn trăng mơ màng. Lập tức, tôi cúi đầu ghé môi hôn Nguyệt tới tấp. Người Nguyệt mềm nhũn ra, lả đi. Tôi đỡ nàng cùng nằm xuống. Hai đứa quấn xiết lấy nhau trên thảm cỏ. Hừng hực. Hổn hển. Cuống quýt. Ánh trăng tràn qua nhễ nhại. Bất ngờ, Nguyệt vùng dậy, ẩy tôi ra. Tôi ngơ ngác giây lát rồi kéo nàng lại ngồi cạnh mình. Sau đó, cả hai lặng lẽ bên nhau ngắm trăng, nghe hơi thở của nhau, nghe gió đồng rì rào. Rồi chúng tôi cùng tâm sự với nhau về những dự định tương lai sau ngày ra trường. Mãi tới tận khuya, hai đứa mới dìu nhau về nhà.

Lễ khánh thành khu lưu niệm và đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới diễn ra rất trang trọng. Đêm văn nghệ thật tưng bừng. Tám làng trong xã đua nhau thể hiện. Chương trình của làng Cổ Cò là tuyệt vời nhất. Giải A luôn. “Chuyện. Cái “Nguyệt văn hóa” với cái nhà anh gì nông lâm dàn dựng, đạo diễn lo chả oách”. “Chi đoàn làng ấy có tổ sinh viên thực tập phối hợp thì nhất là đúng rồi”. “Công nhận họ khéo đi. Mở đầu chương trình đã làm luôn màn mời rượu các đại biểu và khán giả thì ai mà chối từ được”. “Tay tiên nâng chén rượu đào/ Đổ đi thời tiếc uống vào thì say”. Mắt thì lúng la lúng liếng. Hát thì ngọt như mía lùi. Rượu thì thơm lừng như thế. Đến tôi cũng còn ngất ngây nữa là các bà”. “Chỉ hát toàn Xoan Ghẹo nữa mới đặc biệt chứ”. “Thì thế mới là bản sắc”. “Nội dung thì toàn nói về công ơn Bác Hồ và xây dựng nông thôn mới. Khôn thật”. “Vậy nên nó mới được giải A”...

 Mọi người xi xao bàn tán. Tôi nghe mà mở cờ trong bụng. Nguyệt cũng thế. Hai đứa nhìn nhau đắm say. “Hưng toác” đến bên. Nó kéo hai đầu chúng tôi lại, chạm vào nhau đánh cốc một cái. Đau điếng. Đang vui nên tôi và Nguyệt chỉ bo đầu suýt xoa. “Hưng toác” cười vô tư nói: “Thành công ngoài sức tưởng tượng rồi nhé. Hôn nhau đi”. Trang và cả tổ thực tập cũng vừa tới. Họ vây quanh đội văn nghệ. Ông Thuận từ ghế đại biểu cũng ào đến. Mọi người hân hoan chúc mừng.

Hai hôm sau, tháng nghỉ hè đã hết, Nguyệt trở lại trường học. Tối hôm trước, bố mẹ Nguyệt làm mâm cơm mừng sự kiện của làng cũng là để tiễn con gái về trường học tiếp. Tôi và “Hưng ba toác”, cả Trang nữa, thay mặt cho tổ sinh viên cũng được mời. Với tư cách hàng xóm và là trưởng thôn, ông Thuận được bố mẹ Nguyệt mời trân trọng. Trong bữa tiệc, mọi người tiếp tục bàn tán sôi nổi về đêm văn nghệ. Thằng Hưng lại ba hoa. Nó bô bô gán ghép tôi với Nguyệt. “Công nhận anh chị này hợp nhau. Kẻ tung người hứng nên chương trình văn nghệ của làng mới được vậy”. Ông Thuận cười tươi đắc ý: “Đúng đấy. Không có anh Lập, chị Nguyệt, không có tổ sinh viên giúp thì chắc gì văn nghệ làng Cổ Cò được nhất. Tôi thấy hai đứa đẹp đôi đấy. Có duyên với nhau đấy. Ông bà Quang (tên bố mẹ Nguyệt) nhận con rể đi là vừa”. Trang và Hưng reo lên ủng hộ. Tôi bối rối đỏ mặt liếc nhìn Nguyệt và nhìn bố mẹ nàng. Tim tôi đập thình thịch. Người tôi lâng lâng như bay trên mây.

Sau bữa liên hoan, dọn dẹp xong, chờ cho mọi người về hết, tôi xin phép bố mẹ Nguyệt đưa nàng đi chơi. Ông bà nhất trí liền. Họ mỉm cười nhìn tôi nắm tay Nguyệt sánh đôi ra ngõ. Trăng lên lùa cành tre, gió thổi về mát rượi. Hai đứa chúng tôi ríu rít bên nhau đi về phía cánh đồng. Ngày mai, em về trường. Tôi ở lại tiếp tục chăm sóc khu ruộng thí nghiệm cho tới mùa thu hoạch. Xa em rồi nhưng chúng tôi đã có nhau, mãi mãi bên nhau. Đây sẽ là quê hương thứ hai của tôi.

Không biết, có phải duyên Xoan, tình Xoan đã cho chúng tôi gặp nhau để bây giờ thân thiết yêu thương nhau quá chừng thế này không? Chỉ biết rằng, trăng đầu tháng trên trời kia, chỉ như một mảnh liềm cong cong thôi mà đã sáng rờ rỡ lắm rồi. Bất chợt, trong đầu tôi nhịp phách trống Xoan điệu “Mó cá” lại vang lên tưng bừng rộn rã. Dư âm tềnh tềnh leng leng ngân vang. Và kìa, Nguyệt đang cười rạng rỡ, nhún nhẩy múa. Nàng liếc nhìn tôi, lung linh cùng trăng...

                                                Đ.X.T

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)