bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 103
Trong tuần: 2013
Lượt truy cập: 655374

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (9)

Đan Thành

Úp trại giặc Khánh Dư lập công đầu
Mải lùng ăn A Truật suýt toi mạng
 
   Trên kia đang nói Triệt Triệt Đô dẫn quân tiến xuống, bỗng gặp một tướng trẻ đứng chặn đường. Triệt Triệt Đô quay lại hỏi các tướng:
   - Có ai ra bắt thằng nhãi kia không?
   Cổ Hà Cáp Hoa vỗ ngựa tiến lên. Cổ Hà Cáp Hoa là dũng sĩ đã từng đánh Đông dẹp Bắc, thường dùng cặp song chuỳ thiết xích, đánh như gió bão, ít người địch nổi, lại có tài ném sợi báo trường càn khôn tuyến bắt địch thủ như trở bàn tay. Tướng trẻ kia cũng cho ngựa tiến lên đón đánh. Hai ngựa giao nhau hơn hai mươi hiệp, Cổ Hà Cáp Hoa không hạ nổi tướng ấy mới lùi ngựa lại rút báo trường càn khôn tuyến tung về phía địch thủ. Tướng trẻ kia thấy Cổ Hà Cáp Hoa đang đánh tự nhiên lùi lại, đã đề phòng, sợi dây ruột báo vừa tung tới, liền quay đốc thương gạt một nhát rơi xuống đất. Cổ Hà Cáp Hoa thấy tướng kia phá mất bảo bối của mình, hoảng hốt, bị tướng ấy sấn tới đâm cho một thương, may né người tránh được, mũi thương xuyên trúng vào đùi, máu chảy toé ra, vội chạy vào trận. Tướng kia phi ngựa đuổi theo bén gót. Triệt Triệt Đô thấy nguy, liền ra lệnh cho cung thủ bắn chặn tướng kia lại. Tướng ấy múa thương gạt tên rơi lả tả rồi quay ngựa cho thu quân về giữ ải. Suốt ngày hôm ấy không ra đánh nhau nữa.
   Triệt Triệt Đô báo tin ấy cho Cốt Đãi Ngột Lang biết. Cốt Đãi Ngột Lang thở dài, nói:
   - Cổ Hà Cáp Hoa theo ta đi đánh trận nhiều năm, chưa có ai địch nổi ông ta mà nay chịu bại với một tên tướng vô danh. Không ngờ ở cái xó rừng nước Nam này mà cũng có người tài như thế.
   A Truật nghe vậy, khí tức bốc lên, bước ra nói:
   - Sao cha lại đề cao quân giặc như vậy, làm giảm nhuệ khí quân ta. Mai con xin bắt sống tên tướng ấy.
   - Việc của con không phải ở đấy. Đây là đất Nam, hãy lo giữ cho chắc phía sau. Còn việc kia ta đã có chủ định.
   Hôm sau Cốt Đ•i Ngột Lang lên xem địa thế, thấy hai bên sườn núi cao vút, đường vào cửa ải hẹp tới mức không thể đi hai ngựa song hàng, cửa ải và tường ngăn toàn bằng gỗ tươi, xem ra mới được xây dựng, quay lại bảo các tướng:
   - Ta xem ải này tuy hiểm nhưng không chắc chắn, có thể phá được. Tín Thư Phúc! Ngươi mau cho quân đi tìm xem có còn con đường nào khác nữa không.  Triệt Triệt Đô cứ việc đánh ải.
   Triệt Triệt Đô liền lên ngựa đến trước ải khiêu chiến, trông thấy tướng trẻ kia trên mặt thành mới gọi hỏi:
   - Bớ tướng kia! Hôm qua đánh nhau kiểu gì mà ta chưa kịp hỏi họ tên ngươi đã chạy mất thế hả?
   Tướng kia trên mặt thành nói vọng xuống:
   - Ta chỉ ngại nói tên ra ngươi lại sợ hết hồn thôi! Ta họ Trần tên là Khánh Dư ở núi Chí Linh đây. Nhà ngươi là quỷ phong Triệt Triệt Đô phải không? Đã có vợ con chưa? Cha mẹ ngươi có còn không?
   - Ta là tiên phong sao ngươi lại gọi là quỉ phong? Ngươi hỏi cha mẹ, vợ con ta làm gì? Có đánh nhau thì xuống đây, nói chuyện quả cà ra dây muống sốt ruột lắm.
   - à! Ta hỏi để biết. Nếu nhà ngươi có vợ dại con thơ, cha già mẹ yếu, chưa chắc ta đã giết.
   Triệt Triệt Đô nghe nói vậy, gầm lên vì tức mà không biết đó là mẹo của Khánh Dư. Số là khi Khánh Dư mang quân đi, Quốc Tuấn có dặn chỉ cần giữ chân giặc năm ngày là được, đi gần tới Yên Khâu, nghe tin Yên Khâu đã thất thủ, Khánh Dư mới lui binh lại, chọn nơi hiểm đạo, cho quân chặt gỗ xây ải chắn ngang đường.  Lúc quân Thát tới, Khánh Dư chỉ đánh lấy lệ, mỗi lần giao tranh toàn nói chuyện con cà con kê giết thời gian để quân Thát không tiến lên được. Đến ngày thứ tư, quân Thát vẫn không phá được ải mà Khánh Dư hôm nào cũng ra đánh vài hiệp rồi lại lên thành. Triệt Triệt Đô tức quá, cầm giáo chỉ lên, nói:
   - Thằng nhãi kia hèn thế, hôm nào cũng chưa đánh đã chạy, nếu sợ quá thì hàng đi. Ta tha chết cho.
   Khánh Dư đắc chí cũng chỉ xuống, nói:
   - Ta đã bảo rồi. Ta chỉ muốn chỗ lương thảo của các ngươi thôi. Cứ để lương thảo lại, ta mở cửa ải cho muốn đi đâu thì đi.
   - Ngươi chỉ nói phách. Thực ra ngươi sợ ta nên không dám ra đánh.
   Khánh Dư cười lớn, nói:
   - Ta mà lại sợ ngươi sao xứng là tráng sĩ dưới trời Nam. Đã là tướng, được đánh nhau thì sướng như được ăn ngon vậy. Nhưng ăn phải bình tĩnh đàng hoàng chứ đâu có hùng hục như cái đồ cuốc mướn nhà ngươi. Mỗi ngày đánh một trận cho nó tiêu cơm là đủ rồi.
   Triệt Triệt Đô cáu tiết xua quân vào đào gỗ dưới chân ải. Khánh Dư cho quân ném gỗ đá xuống làm quân Thát chết hại vô số. Sang ngày thứ năm, Hoài Đô hiến kế:
   - Quân do thám không tìm được đường nào khác. Chẳng lẽ quân ta nằm mãi ở đây. Bọn người man lại thường ra bắn lén gây sợ hãi cho binh lính. Theo tôi, Nguyên soái nên làm thế này... mới có thể vào được ải.
   Cốt Đãi Ngột Lang Bảo:
   - Ngươi nói phải lắm.
   Liền truyền cho Triệt Triệt Đô, Đoàn Hưng Trí, Tín Thư Phúc y kế thi hành. Tín Thư Phúc chọn trong đám mấy vạn quân được hai trăm tên rất thạo nghề trèo núi, đêm hôm ấy cho mỗi tên đeo một bó cỏ tẩm dầu, leo qua vách đá lên ải, nhất loạt phóng hoả. Triệt Triệt Đô thấy lửa cháy trên ải, biết mưu kế đã thành, xua quân ào ạt xông lên nhưng đến khi vào được ải, hoá ra là ải không người, chẳng thấy Trần Khánh Dư đâu. Thì ra hôm ấy Khánh Dư hết hạn năm ngày nên từ chiều đã mang quân vào rừng rồi. Trên thành chỉ còn mấy lá cờ cắm nghi binh.
   Hôm sau Cốt Đãi Ngột Lang hành quân cấp tốc ba ngày liền cũng chẳng thấy bóng dáng quân Đại Việt ở chỗ nào, đến tối cho quân đóng trại lại nghỉ. Hoài Đô nói:
   - Chỗ này có nhiều rừng thưa mà quân ta lại dàn ra quá dài, nếu quân Nam dùng xung binh mà đánh tất quân ta bị cắt ra nhiều đoạn khó ứng cứu được nhau.
   A Truật nói:
   - Tôi đang muốn quân Nam đến xem chúng nó thế nào đây. Ta đi suốt ba ngày hôm nay có thấy gì đâu.
   Hoài Đô nói:
   - Xin chớ nên khinh địch. Phía trước ta chưa rõ chúng bố phòng thế nào, đằng sau lại không biết Trần Khánh Dư ở đâu. Nếu hai đầu chúng đánh ập lại, quân ta nguy mất.
   Cốt Đãi Ngột Lang bảo:
   - Hoài Đô nói phải đấy.
   Liền cho các trại dồn cả lên phía trước. Riêng các xe lương phía sau tránh đoạn rừng thưa, dựa vào sườn núi đá đóng trại đề phòng quân Đại Việt đánh hoả công.
   Trần Khánh Dư từ khi cho quân vào rừng lập trại, ngày nào cũng cử thám mã đi dò xét địch tình, hôm ấy biết chắc quân Thát nghỉ lại quãng rừng thưa mới lệnh cho quân sĩ mỗi người mang theo năm bó đuốc, đầu canh hai khởi hành. Cuối canh ba là lúc quân Thát đang ngủ mệt, Khánh Dư cho quân lính đốt đuốc cắm khắp rừng rồi nổi trống hò reo đánh thốc vào trại giặc. Quân Thát bàng hoàng tỉnh dậy thì hỡi ôi khắp rừng chỗ nào cũng có đuốc sáng, không biết quân Đại Việt nhiều hay ít, hoảng loạn xô nhau  bỏ chạy, thành  ra tự gây hại rất  nhiều. Khánh Dư cho đánh cướp hết các xe lương cùng trâu bò phía sau kéo vào rừng, cái gì không mang đi được phóng hoả đốt hết. Cốt Đãi Ngột Lang thấy đằng sau lửa cháy rực trời, thúc quân chạy miết. A Truật cầm cây trường thương đi đoạn hậu, gặp ngay Khánh Dư đuổi đến. Hai bên đánh nhau mấy chục hiệp không phân thắng bại. Quân sĩ reo hò vang trời dậy đất. Hoài Đô thấy A Truật ham đánh sợ có điều sơ suất mới đem quân cung thủ quay lại nhất loạt bắn chặn quân Đại Việt. Khánh Dư ít quân không dám đuổi xa, lại đã lấy được nhiều lương thực của quân Thát, bèn thu quân về trại trong rừng.
   Cốt Đãi Ngột Lang cho quân chạy đến sáng mới dám dừng, kiểm điểm quân sĩ người ngựa không thiệt hại bao nhiêu nhưng mất toi mấy vạn thạch lương cùng rất nhiều trâu bò, quân dụng. Quân do thám của Đoàn Hưng Trí về báo:
   - Khánh Dư chỉ có một nghìn du binh1 nhưng cho đốt đến năm nghìn ngọn đuốc để quân ta tưởng là chúng đông.
   Cốt Đãi Ngột Lang biết vậy phàn nàn mãi:
   - Không ngờ thằng nhãi ranh này lại nhiều mưu mô đến thế, dám lừa cả ta.
   Nói xong cho đòi A Truật vào, mắng:
   - Ngươi đoạn hậu để mất quân lương, tội chẳng thể tha. Quân đâu! Lôi ra chém.
   A Nhĩ Hải, Bố Nhĩ Hải, Triệt Triệt Đô, Đoàn Hưng Trí, Tín Thư Phúc năm tướng cùng quỳ xuống xin tha mạng cho A Truật. Nhưng Cốt Đãi Ngột Lang vẫn hằm hằm nổi giận, nói:
   - Nó là con ta. Cha giết con há chẳng xót sao nhưng để mất quân lương làm quân ta lâm vào thế nguy khốn, không giết thì tướng sĩ có phục nữa không?
    Hoài Đô quì xuống, nói:
   - Tội của A Truật quả đáng phạt nặng nhưng từ khi thống tướng xuất binh đến giờ chưa có trận đánh nào lớn mà đã chém đại tướng của nhà, e rằng đó không phải là điều hay. Vậy xin thống tướng hãy cho nợ lại để A Truật đới công chuộc tội.
   Xưa nay Cốt Dãi Ngột Lang thường hay nghe lời Hoài Đô nên mới nói:
   - Nếu các tướng đã nói như vậy, ta tạm tha cho nó. Nhưng đổi Bố Nhĩ Hải xuống đoạn hậu.
   Trong đám lính Bắc Thoán nhiều kẻ nhớ nhà túm tụm nhau bên bờ sông than thở. Lại có người vỗ kiếm làm nhịp hát:
 
         Ô kìa đôi én giữa trời
         Song song bay lượn khiến người ngẩn ngơ
         Gác son lầu ngọc giờ vui thoả
         Cửa vàng đây màn gấm êm đềm
         Bách Lương lửa bỗng cháy trùm
         Cùng nhau lánh nạn bên thềm vua Ngô
         Lầu vua Ngô - Cô Tô cũng cháy
         Tổ rụng tàn lại hại con thơ
         Một thân còn những xác xơ
         Cánh run nhớ bạn bơ vơ góc trời
         Bay đôi thôi đã hết rồi
         Cõi lòng thương nhớ bùi ngùi xót xa2 .
  
   Hát xong lại cùng nhau nhìn về ải Bắc mà khóc. Có người đến báo việc ấy. Cốt Đãi bảo với các tướng:
   - Ta cần tiến quân cho nhanh, đánh lấy kinh thành của Đại Việt, cướp lương thảo để yên lòng quân sĩ.
   Nói xong, Cốt Đãi Ngột Lang cùng các tướng dẫn quân xuôi theo bờ sông Cái, đi mấy ngày nữa ra khỏi rừng đến miền đồng bằng. Trên các cánh ruộng vừa mới gặt chỉ còn trơ lại gốc rạ. Đó đây đã có ruộng được cày vỡ. Tiền quân đi nhanh quá, bỏ hậu quân rớt lại một đoạn khá xa. Cốt Đãi Ngột Lang nói với các tướng:
   - Ta nên đóng trại lại để chờ hậu quân của Bố Nhĩ Hải và Tín Thư Phúc. Nay xem dân Nam mới thu hoạch vụ mùa. Các ngươi đem quân vào làng bản cướp lấy lúa gạo, trâu bò bù cho chỗ đã mất.
   Hoài Đô nói:
   - Nơi đây sâu trong đất giặc, ta đưa quân đi cướp phá phải đề phòng, không nên ham quá nhỡ mắc mưu chúng.
   Cốt Đ•i Ngột Lang nói:
   - Đoàn Hưng Trí, Hoài Đô trông coi các trại, cho quân tuần tra rộng ra vùng xung quanh, thấy có quân Nam phải về báo ngay. Triệt Triệt Đô, A Truật, A Nhĩ Hải mỗi ngươi mang một nghìn quân vào các làng, bất kì cái gì ăn được đều phải lấy về. Trai tráng kẻ nào muốn theo, cho theo để chúng dẫn đường, kẻ nào không theo, giết hết.
 
*
 
   - Hư! Hư!...Hư! Người ta đã bảo không đi, lại cứ bắt đi. Người ta có phải là đàn bà, trẻ con đâu..ư..ư...
   Thằng cu Quý vừa khóc vừa kể lể. Nó đang tức các anh bắt theo đám đàn bà con gái đi chạy giặc. Nhâm cũng bực lắm, dỗ mãi mà cu Quý vẫn nhất định đòi ở lại theo các anh đánh giặc. Nhâm gắt:
   - Mày ở lại chỉ làm vướng chân người ta ra thôi. Ông bác đã bảo tất cả trẻ nhỏ đều phải đi hết. Mày không nghe thấy à?
   - Tôi mười ba tuổi rồi, đâu có còn là trẻ nhỏ. Các anh chỉ biết đánh giặc lấy một mình. Tôi ứ đi! Tôi cứ ở lại đấy, các anh đánh được, tôi cũng đánh được.
   Cu Quý vênh mặt nói. Cái bàm tóc múi bưởi trên thóp nó toẽ ra rất ngang ngạnh. Nhâm bực bội vứt con dao đang vót tên xuống chiếc trõng tre, nói:
   - Thôi! Mặc xác mày. Tao sang nhà ông bác, gọi anh cả về để anh ấy tai cho mày một trận.
   Nhâm vừa đi, cu Quý thấy ai đó ném miếng mấu tre vào chân mình. Nó quay lại, sửng sốt kêu lên:
   - Ơ! Na! mày chưa đi à? Ai cho mày ở nhà thế. Thôi! Đi đi, đàn bà con gái không được ở nhà.
   Na là con bé hàng xóm, kém Quý một tuổi, hai nhà ở gần nhau nên nó thường sang chơi với Quý. Na thấy Quý lên mặt đàn anh, cười hí hí, nói:
   - Anh Quý ra đây em bảo này.
   Quý chạy ra. Na bảo:
   - Không được đuổi em đi, em cho xem cái này.
   - Tao chả xem cái gì hết. Tao đợi anh cả về còn theo đi đánh Thát.
   - Đợi anh cả về lại chả bị tống đi sớm. Em có cái này đánh được Thát, ra đây em cho xem.
   Na kéo Quý ra góc vườn, rút trong bụi chuối ra một cây nỏ hun bồ hóng đen kít, dây vẫn còn chắc nguyên. Mắt cu Quý sáng lên, hỏi:
   - ở đâu ra thứ này thế?
   - Của thầy em đấy. Khi trước thầy em chưa vào lính vẫn dùng nó đi săn mà.
   Cu Quý lên dây nỏ nhưng cánh nỏ cứng quá hí hoáy mãi vẫn không sao kéo được sơi dây lên đến mỏ lẫy. Na chỉ vào cái cần gỗ gạt dây, bảo:
   - Thày em vẫn cầm cái này kéo một cái là lên được.
   Cu Quý làm theo, nó đỏ mặt kéo cần gạt, sật một cái:
   - A! Được rồi!
   Quý giơ nỏ nhắm vào cây chuối kéo lẫy. Phựt! Cái Na há mồm nhìn, reo lên:
   - Trúng rồi! Trúng rồi!
   Hai trái đào của nó bồng lên xẹp xuống theo nhịp nhảy. Quý đưa ngón tay trỏ lên miệng suỵt một tiếng, ra hiệu im lặng, nói:
   - Có tên đâu mà đòi trúng rồi!
   - ừ nhỉ! Hì hì...
   - Mày ở đây đợi, tao đi kiếm tên.
   Nói xong, cu Quý chạy vào nhà, thuổng luôn ba mũi tên của Nhâm, chạy ra vườn. Hai đứa trẻ biến mất vào những ngôi nhà bỏ trống.
   Làng Đồng Bảng1 vắng teo vắng ngắt. Dân làng đã đi lánh giặc từ khi nhận được bố cáo của triều đình, chỉ còn mấy chục tráng đinh ở lại giữ làng. Họ tập trung trong đình vây quanh lý trưởng Phùng Lộc Hộ bàn kế đánh giặc. Phùng Lộc Hộ ngồi ngay ngắn giữa chiếu, ông hỏi cả Bính:
   - Thằng cu Quý nhà anh đã chịu đi chưa?
   - Thưa bác. Hôm qua cháu về nhà không thấy nó. Đến bây giờ cũng không ai biết nó ở đâu. Chắc con Na rủ nó đi rồi. Cái con Na cũng ương lắm, bé tí mà cứ đòi ở lại đánh Thát.
   Phùng Lộc Hộ cả cười, nói:
   - Trẻ con cũng ham đánh giặc, thật phúc cho đất nước. Tôi mới nhận được tin bên Tam Dương anh em Lỗ Định Sơn vừa thắng lớn. Họ dùng bẫy sập làm cho giặc chết hại rất nhiều. Làng ta phải nghĩ cách đánh cho chúng biết mặt dân Nam.
   Một người nói:
   - Làng ta không ở cạnh đường, chưa chắc chúng đã đánh vào, hay là ta đem quân tập kích chúng.
   Phùng Bính nói:
   - Quân ta có mấy chục người mà đi tập kích, e bất lợi. Giặc thế nào cũng dừng lại chờ nhau. Bọn tiền đội nhất định phải đi cướp phá kiếm cái ăn. Ta nhân đó mà đánh.
   - Thế chúng không đi cướp thì sao?
   - Làm gì có giặc nào là giặc không đi cướp bao giờ.
   Phùng Lộc Hộ nói:
   - Anh Bính nói đúng lắm. Các chú cứ vót nhiều tên nhiều chông vào. Nhất định giặc sẽ đến, lúc đó tha hồ mà đánh. Mà chúng không đến, ta kéo chúng đến chứ lo gì.
   Một người nói:
   - Ta cũng nên học anh em bên Tam Dương làm nhiều bẫy sập mới được.
   Phùng Lộc Hộ lắc đầu nói:
   - Địa thế làng ta khác, không thể làm bẫy sập được. Vả lại giặc đã đề phòng cách ấy của ta rồi, không dễ gì chúng mắc lại. Ta nên có cách đánh khác. Bây giờ các chú về tranh thủ nghỉ ngơi, ai vót thêm tên thì vót. Các đô trưởng Bính, Giáp, Dũng, Long, Hào ở lại nhận kế.
   Khi chỉ còn lại năm vị đô trưởng, Phùng Lộc Hộ mới dặn nhỏ mỗi người mấy câu. Ai nấy vui vẻ đi lo phần việc của mình, không biết trong hậu đình có hai đứa bé ngồi nghe mọi người bàn cách đánh giặc. Trời tối gió rét, cái Na bảo:
   - Rét ghê! Anh Quý ơi em đói quá!
   - ừ! Tao cũng thế. Bây giờ có cái gì ăn thì hay thật. Hay mày ở đây để tao về xem có cái gì  ăn được mang ra cho!
   - ứ! ở đây một mình em sợ lắm. Ông tượng kia cứ nhìn trừng trừng. Có cả chuột nữa.
   - Nhưng mày theo về nhỡ các anh bắt được, tống đi luôn đó. Chịu khó đợi anh một lúc đi, cứ cầm chặt cây nỏ này là hết sợ đấy.
   Quý nói xong, dúi cây nỏ với mấy mũi tên cho cái Na, nó chạy biến ra ngoài. Cái Na ôm cây nỏ ngồi lại một mình, thỉnh thoảng lấm lét nhìn trộm ông tượng. Trong ánh sáng lờ mờ của đĩa đèn dầu lạc với mấy nén nhang, ông tượng nhìn nó không chớp mắt. Lúc lúc có ít gió lọt qua khe cửa làm ngọn đèn lung lay, cái Na thấy ông tượng như cười với nó, lúc sau không còn sợ nhưng đói đau cả bụng, nó mong cu Quý nên mon men ra cửa ngóng. M•i cu Quý không quay lại, cái Na ôm chặt cây nỏ, ngồi ngủ gật ngay dưới chân bệ ông tượng. Gần canh hai cu Quý mới mò về, không biết nó kiếm đâu được ít cơm nguội với mấy củ khoai luộc còn nóng, lay vai cái Na, gọi:
   - Na ơi! Có cơm có khoai đây, dậy ăn đi này.
   - ứ! Buồn ngủ lắm, chẳng ăn đâu.
   - Dậy ăn đi chứ, đói ngủ sao được. Ăn đi mai mới có sức mà đánh Thát.
   Nghe nói mai đánh Thát, cái Na tỉnh như sáo hỏi:
   - Mai đánh Thát thật hả anh Quý?
   - Thật.
 
*
 
   Triệt Triệt Đô bảo A Truật:
   - A Nhĩ Hải không cướp được lương lại thiệt hại quân mã. Nếu chúng ta không kiếm thêm được lương thảo e rằng chẳng mấy ngày nữa mà nguy khốn.
   A Truật bảo:
   - Ông nói phải lắm. Ngày mai chúng ta nhất định phải tìm bằng được nơi cất giấu lương thực của người Nam.
   - Muốn vậy ta đi xa ra một chút. Các làng phía ngoài kia thế nào cũng có nhiều. Dân ven đường này mang lương thực đến cất ở đó chứ đâu.
   Sáng sớm hôm sau, A Truật và Triệt Triệt Đô chia quân làm hai đường đến các làng xa nhưng tuyệt nhiên không thấy một tiếng gà kêu chó cắn, cũng không hề thấy một hạt lúa củ khoai nào cả. Đến gần trưa hai cánh quân gặp lại nhau trên một cánh đồng rộng, bỗng xa xa thấy có đoàn người quẩy gánh hối hả chạy, ra vẻ nặng nề lắm. A Truật bảo:
   - Lương thực kia chứ đâu. Không đuổi gấp bắt lấy, để làm gì.
   Hai tướng thúc quân đuổi theo. Đoàn người quảy gánh chạy dần về phía cánh rừng nhỏ phía xa rồi toẽ ra làm hai đi vào một làng lớn, đó là làng Đồng Bảng. Quanh làng có luỹ tre gai dày bao bọc. Cánh rừng nhỏ chắn ngay phía đầu làng như một tấm bình phong. Chia con đường thành hai lối tả hữu đi vào. A Truật bảo Triệt Triệt Đô:
   - Ông đi vào cánh tả, tôi vào cánh hữu, làng này lớn, ta hội quân ở giữa đình làng.
   Trời đã ngả về chiều, nắng yếu nhưng mà hanh. Cánh quân của Triệt Triệt Đô theo phía tả đi vào khỏi cổng làng, thấy đường ngang ngõ tắt phơi đầy rơm rạ. Triệt Triệt Đô bảo đám lính:
   - Làng này xem ra trù phú lắm. Các ngươi gắng tìm kĩ nhất định có lương thực.
   Một tốp lính đã vào đến khu vườn chùa, thấy các khóm chuối ở đây vẫn còn nguyên buồng nặng trĩu, liền xúm nhau lại lấy kiếm chặt đem ra.
   Phựt!
   Một mũi tên cắm trúng ngực tên lính Thát, nó đổ kềnh giãy giãy. Bọn lính Thát ngơ ngơ ngác ngác không biết tên từ đâu bắn tới, một đứa nữa bị mũi tên thứ hai xuyên trúng đùi. Nó kêu thét lên, ngồi bệt xuống đất. Bọn còn lại đã nhìn thấy Quý, một đứa tuốt kiếm xông tới chém. Dòng máu đỏ tươi ứa ra dưới lưỡi kiếm. Quý nằm gục trong mảnh đất vườn chùa, tay ghì chặt cây nỏ còn mũi tên chưa bắn. Cái Na từ bụi chuối phía sau xông ra ôm lấy xác Quý, khóc nấc lên:
   - Anh Quý ơi! Anh Quý ơi! Đừng chết anh ơi...
   Một tên lính Thát quát:
   - Bắt lấy con nhãi.
   Tên lính khác túm lấy Na kéo đi. Na giằng lại, ghé miệng cắn một miếng thật mạnh vào tay tên lính Thát làm bật ra miếng thịt đỏ lòm. Tên lính Thát kêu ré lên vì đau đớn, nó đâm thẳng mũi kiếm vào ngực cô bé. Na từ từ lả người ôm lên xác Quý. Sau sự kháng cự yếu ớt đó, cả làng lại im lặng. Một sự im lặng dồn nén ngột ngạt oi nồng như trước cơn bão táp.
   Cánh quân của A Truật từ phía hữu đi vào đến giữa làng, thấy trên bãi đất  rộng có năm sáu cây bồn trát bằng rơm trộn bùn vừa cao vừa to, bên trên lợp rạ chống mưa. A Truật reo lên bảo:  
   - Lương thực đây rồi. Các ngươi cứ tìm nữa đi, nhất định còn nhiều đấy.
   Bọn lính xúm xít phá các cây bồn tìm lương thực nhưng bồn nào bới ra cũng toàn rơm khô củi nỏ tẩm dầu. A Truật nói:
   - Chết rồi! Có lẽ chúng ta đã mắc mưu quân Nam. Lui binh mau.
   Nhưng không kịp. Vô số những mũi tên quấn giẻ ở đầu có lửa từ khắp mọi nơi bắn tới. Rơm cỏ khắp làng cháy lên ngùn ngụt. Quân Thát rối loạn, xô nhau chạy ra phía cổng nhưng các lối đều có xe chở rơm rạ cháy tơi bời chắn mất. Trời hanh lại gió hây hẩy, khói bụi bốc lên mù mịt. Lửa cháy bên tả. Lửa cháy bên hữu. Khắp đất trời chỗ nào cũng toàn là lửa. Tiếng tù và, tiếng trống ngũ liên nổi lên liên hồi rồi tên nỏ không biết từ đâu bắn ra như châu chấu. Quân Thát sợ hãi giày xéo lên nhau mà chạy, nhiều đứa nhảy cả xuống ao tránh lửa, không biết dưới ao đầy những rào tre gai và chông nhọn đang chờ. Triệt Triệt Đô cầm búa Nguyệt Lãng gạt lửa, xông pha đi tìm A Truật. Quân Thát đang hoảng loạn không biết chạy đường nào, A Truật bảo các tướng:
   - Không liều đánh ra, chịu chết cả ở đây sao?
   Chúng tướng liều chết xông vào lửa đạn đánh thốc sang con đường bên tả. May gặp Triệt Triệt Đô tới đón, cầm mộc che tên đưa A Truật và quân lính theo lối vườn chùa ra ngoài, mặt mũi chân tay A Truật đã đầy vết bỏng.
   Phùng Lộc Hộ hô anh em xông ra đuổi đánh. Tiếng trống, tiếng thanh la rầm trời. Gần tối, quân Thát cắm đầu cắm cổ chạy cho mau. Triệt Triệt Đô thấy Phùng Lộc Hộ đuổi gần đến nơi mới lén rút mũi tên bắn một phát trúng ngực trái Phùng Lộc Hộ. Ông thét lên một tiếng thấu trời rồi ngã xuống, máu trong tim tuôn ra thấm đỏ luống đất còn cày dở.
   A Truật và Triệt Triệt Đô đang chạy bỗng phía trước có một toán quân hò reo xốc tới. A Truật bảo:
   - Phen này ta chết thật mất rồi.
   Thật là:
 
      Lửa đạn phía sau chưa chuồn  thoát
     Quân vây mặt trước lại đến gần.
 
   Mời bạn đọc tiếp chương sau xem A Truật có thoát được không.
 
 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)