bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 37
Trong tuần: 901
Lượt truy cập: 773136

BÌNH THƯỜNG VÀ BẤT THƯỜNG

Lê Thanh Kỳ
 
BÌNH THƯỜNG VÀ BẤT THƯỜNG
 (Truyện ký)
 
     - Đi Trại, ngoài viết văn còn làm gì? Tôi hỏi
     - Chơi. Người thì cắm đầu vào để viết. Nhưng theo Hảo thì các Nhà văn học được từ nhau vô vàn những bài học bổ ích. Đây mới là cái được nhất của việc mở Trại
     - Nâng kỹ năng sáng tác?
     - Đúng!
     - Viết truyện có khó không?
     - Không khó. Viết truyện là kể một câu chuyện trên giấy. Người viết trình bày một tập hợp ký hiệu và cho người ta biết anh ta định nói gì.
     - Khó chứ! Khó lắm ý!
     - Ừ thì có ai bảo nó dễ đâu. Viết truyện trước tiên tìm một cái tứ, chọn tình huống rồi lắp các chi tiết vào. Thế thôi!
     - Ui, viết truyện ngắn đơn giản thế thôi à?
     - Tất nhiên nó không thể thế! Truyện mà không có vấn đề thì mọi thứ có cũng như không. Nhạt toẹt!
     Võ Thị Hảo ngừng nói, liếc ngang dọc như chừng chọn hướng. Tôi hỏi:
     - Mình đi đâu đây?
     - Đi đâu thì đi, miễn đừng đến chỗ có đông con người là được.
     Chúng tôi lững thững bên nhau từ Trại sáng tác ra phía Đầm Mô. Hảo sợ đông người. Tôi hỏi:
     - Hà Nội đông thế. Sao không lên rừng mà ở? -  Hảo hơn tôi một tuổi nhưng quyết không gọi bằng chị cho dễ nói chuyện.
     - Còn phải nói. Hà Nội đông đúc, ở cách xa ba chục cây số vẫn ngửi thấy mùi người
     - Buồn nôn?
     - Phải. Buồn nôn!
     - Sao Hảo thơm thế!
     Cười. Nói chuyện ba lăng nhăng xí xộ. Anh Tỏ - Nhà văn mặc áo lính – Đảng viên được chỉ định làm lớp trưởng không biết từ đâu hiện ra. Anh toét miệng cười với Hảo. Hỏi:
     - Cô đi đâu đấy?
     - Đi đâu thì phải làm đơn à?
     Cười toét – Không. Anh hỏi thế thôi. Hảo đi đâu thì đi nhưng đến giờ ăn cơm phải về.
     “Phải về á?”. Nhìn vẻ mặt khó chịu của Hảo tôi thầm đoán lớp trưởng của Trại viết trong vai trò của một Chính ủy. Không hiểu sao tôi rất thần tượng các nhà văn mặc áo màu cỏ úa. Đơn vị của tôi ngày trước có vị chính ủy thường đeo súng lục để làm thơ. Hình ảnh ấy in đậm trong tâm trí tôi không thể phai mờ.
Bình thường đến bất thường
     Tháng 11/2009 tôi dự Trại sáng tác văn học tại Đồng Mô, Sơn Tây do Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc mở. Hà Nam có hai người: tôi và họa sỹ Đỗ Kích. Hai chúng tôi được xếp chung một phòng. Đỗ Kích dặn:
     - Anh nghe nói Trại đợt này có Võ Thị Hảo đến dự. Viết văn như chú là may lắm đấy. Nhớ tìm cách mà học hỏi. Ngoài viết văn anh còn biết Hảo vẽ tranh rất đẹp. Tôi cũng muốn xem tranh của Hảo.
     Là người mới nhưng tôi cũng biết Đỗ Kích là một tay cọ sừng sỏ. Anh lại ân cần với tôi như thế. Tôi vâng nhưng cũng chưa biết làm gì trong 15 ngày dự Trại. Trại có 15 hội viên các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên… Trại có hai khách mời tham gia: Nhà văn Võ Thị Hảo đến từ thủ đô Hà Nội và Nhà văn Nguyễn Hương Duyên từ Quảng Bình ra.
     - Đi Trại sáng tác văn học, cái cần nhất không phải dành cho sự viết, cắm đầu vào mà viết cho hết cơm của Trại, cái bổ ích là được học hỏi kia. Văn là nghề người. Đối tượng là con người. Sản phẩm lại không trông thấy, không ăn được nhưng sống được, lại như chết đi được. Một nghề oái oăm không dạy được mà cũng không học được. Tức anh ách! Giải thích tan tành vẫn ra hai chữ nghề người. Nghề nào thì nghiệp ấy, không lẫn vào đâu được. Không có nghề mà dựng nghiệp khác nào dở hơi đi bơi. Ở Trại học được những cái hay của nhau, của những bậc thầy nghệ thuật và thấy cả những cái dở của những tay thợ vụng lại nhút nhát nhưng cực kỳ nhiều lời. Trại sáng tác còn được học, hiểu thêm những thứ ngoài văn chương. Có hàng hà sa số thân phận kiếp người. Văn chương chỉ như hạt cát giữa sa mạc đời người. Người đời thì tích lũy những thứ ăn được. Văn thì tích lũy những thứ để sống, sống một cuộc sống khác. Nhà văn lúc nào cũng chỉ đi có một mình. Một mình một đường. Không bao giờ đi trên con đường người khác mở sẵn. Con đường ấy là con đường cảm xúc, rất dễ lạc lối.
     Tôi nghĩ và ghi nhớ những điều Hảo nói nhưng không hiểu mấy những điều Hảo nói. May mắn thay, vừa mới kết nạp hội viên đã được dự Trại (kết nạp Hội tháng 5, tháng 11 đi dự Trại/hên/hic). Trên cả may mắn, trên tất cả mọi thứ là được gặp gỡ nhà văn Võ Thị Hảo. Tôi từng nghe nói văn chương đất nước thời kỳ này như những con lươn đang loay hoay tìm hướng để thoát ra khỏi ống lươn. Ống lươn thì kín mít, trong ngoài không nhìn thấy nhau. Tôi thích hình ảnh cái rọ cá rô hơn. Những cá rô vừa khỏe, gai góc nhưng không tài nào thoát ra được những cái nan vừa mảnh, vừa thưa. Cá rô nhìn thấy bên ngoài, vô cùng thèm thuồng, nhưng không sao thoát được ra ngoài. Văn nhân Men có đến cả một sư đoàn. Các nhà văn nữ biên chế chỉ chừng một tiểu đội nhưng xem ra lại có phần táo tợn, sầy vẩy nhiều hơn. Có một Nhà văn nói thế. Tôi biết thế. Tôi biết Dương Thu Hương, biết Lê Minh Khuê, biết Phạm Thị Hoài, biết Y Ban, biết Minh Thư, Võ Thị Xuân Hà …nhiều lắm, cả các nhà văn trẻ tuổi Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu… nhưng chưa từng được gặp ai. Lần đầu tiên được gặp một nhà văn nổi tiếng như Võ Thị Hảo tại đây. May mắn thay!
     Lại nhớ lời dặn của anh Kích tôi liền cầm bản thảo truyện ngắn Leo ơi! Hàng gì rẻ thế! Chuẩn bị sẵn ở nhà đi sang phòng Hảo. Hảo cũng đưa tôi truyện ngắn của mình Người còn sót lại của rừng cười Chúng tôi giới thiệu làm quen với nhau. Hảo đặt bản thảo lên bàn, rủ:
     - Mình đi ra ngoài nói chuyện. Tối về Hảo đọc rồi góp ý sau nhé! Kỳ cũng đọc của tớ rồi mình “đổi công” cho nhau.
     Chúng tôi đi ra hướng hồ Đầm Mô. Đến một đoạn đường hình chữ Y. Một cạnh chữ y đường rải nhựa, rất đẹp. Cạnh kia đất đồi tự nhiên. Chúng tôi chọn đi đường nhựa cho nó mát chân, chừng hai trăm mét thì gặp cái barie, một bốt canh. Hai anh mặc đồng phục bảo vệ nhìn thoáng qua cũng biết chúng tôi là dân văn nghệ nên nhanh chóng mời ra ngoài. Thì ra đây là lối vào sân golf 36 hố đẹp nhất Đông Nam Á. Chúng tôi quay lại đường chữ Y. Đầm mùa này nước cạn, diện tích thu hẹp lại trơ những roi đất pha cát xung quanh đầm nước. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện. Tôi rất muốn hỏi Hảo cách viết truyện ngắn nhưng không biết bắt đầu thế nào, chỉ hỏi vu vơ như đoạn kể ở trên. Hảo đi bên cạnh, dáng thanh mảnh, trẻ hơn tuổi và rất đẹp càng làm cho tôi thêm rụt rè. Con khóc thì mẹ mới cho bú nhưng không biết hỏi thế nào cho dễ “khui” nhất. Với lại tôi cũng phải có cái gì để đổi chác chứ, ai lại xin không người ta, mà người ta lại là một phụ nữ. Ngại chết! Tôi nhớ ra Hảo có một Công ty truyền thông – Văn hóa, liền tiếp cận theo kiểu con buôn:
  • Công ty của bà làm ăn ra sao? Doanh số năm rồi thế nào?
  • Chặc/ Chán lắm. Hảo bỏ rồi.
Đóng cửa rồi à?
-   Tạm thời thì chưa. Tớ giao lại cho đứa cháu hoạt động. Tớ nhẩy hẳn ra ngoài. Bây giờ thì chuyên tâm sáng tác thôi.
- Tại sao bỏ?
- Ở xứ ta, việc kinh doanh khó lắm!
- Ồ, dễ chứ!
Hảo nghi ngờ nhìn tôi. Cái nhìn không hẳn ngạc nhiên, cũng không ra tò
mò, cũng không ra xem thường. Có vẻ ngoài luồng. Tôi hỏi:
     - Theo Hảo thì khó ở chỗ nào?
     - Nó chẳng có luật lệ gì cả. Ở nước ngoài, mình thấy cái gì cũng có luật. Ai làm gì cứ theo luật mà làm. Vót tăm có luật cái tăm. Hàn quả tên lửa có luật tên lửa…
     Tôi cười hơi lớn một chút nhưng không để Hảo khó chịu. Tôi bảo:
     - Nên nhớ cho, bạn đang buôn bán ở Việt Nam. Kinh tế Việt Nam như một nồi cơm chưa chín. Vậy Hảo giải tán là phải rồi. Càng sớm càng đỡ thiệt hại. Thà bị thương còn hơn bị chết!
     - Thế theo Kỳ thì dễ ở chỗ nào?
     - Đây nhé…
     Có tiếng chuông điện thoại reo. Nhạc chuông không phải của tôi. Hảo lấy điện thoại từ chiếc túi vải thổ cẩm: “Alo. Anh Tỏ. Em đây. Em đi chơi với Lê Thanh Kỳ ở Hà Nam. Không tin anh cứ tra danh sách mà xem. Vâng, vâng…không có gì…vâng, em nhớ”
     - Cái ông Tỏ này hay thật. Truy vấn người ta như cán bộ điều tra.
     Lê Thanh Kỳ liệu có giống một lưu manh hay một sát thủ không? Thảo nào lúc nãy trông anh Tỏ dáng vẻ như một trinh sát Sư đoàn. Bây giờ tôi lại cần phải cảnh giác với chính tôi. Hảo giục Kỳ nói tiếp đi.
     - Bà còn nhớ cái Luật công ty không?
     - Không. Không biết. Tớ chỉ biết Luật doanh nghiệp thôi
     - Vấn đề thì nhiều - Tôi lấy ví dụ - Luật công ty thì công ty được kinh doanh những mặt hàng nhà nước cho phép và Luật doanh nghiệp thì cho phép công ty kinh doanh những mặt hàng nhà nước không cấm. Vì thế hàng loạt doanh nghiệp sau này được thành lập. Cứ làm trước rồi ra luật sau. Còn lâu mới có bộ luật hoàn chỉnh như Hảo nói. Nhé! Luật ra rồi nhưng còn sửa đổi bằng chán! Thay đổi phương thức sản xuất phải có luật mới, không thể dùng đầu chó xử lý mình dê. Một khi luật cứ lẽo đẽo chạy theo lực lượng sản xuất thì sẽ tạo cơ hội cho những kẻ làm giầu không chính đáng nhưng chả bị làm sao cả. Dễ là dễ ở chỗ ấy!
     - Làm ăn theo kiểu ấy thì…
     Chuông điện thoại lại reo. Cắt ngang. Hảo móc điện thoại. Nhìn rồi bảo: “Lại ông Tỏ. Gì nữa đây? Vâng…Trời mưa ạ? Đâu có. Thời tiết này mà mang áo mưa có mà điên à! - Quay ngang giải thích -  Ông Tỏ nhắc Hảo mang theo áo mưa kẻo sợ thời tiết Sơn Tây bất thường. Ông ấy bất thường thì có!
     Tôi ngửa mặt lên nhìn trời. Sơn Tây đẹp. Rất đẹp! Trời chiều đẹp lắm.  Hanh khô, cây xanh, mây trắng, nắng vàng. Mưa làm sao được. Kiếm chuyện thì có. Tôi nghĩ anh Tỏ lo cho Hảo giống như một người anh trai lo cho cô em gái sẽ hợp lý hơn, lại còn đi chơi với kẻ vô danh. Hảo lại giục:
     - Kỳ nói tiếp đi. Mấy cái luật ấy thì có gì liên quan?
     - Tớ dẫn dắt vòng veo một tý. Bây giờ hỏi Hảo một câu – Tôi nhìn Hảo. Hảo lúc ấy không nhìn đường đi mà nhìn vào khoảng không như không quan tâm bất cứ cái gì nhưng thực ra Hảo đang rất tập trung – Hảo có nhận xét gì về giao thông ở Việt Nam?
     - Hỗn loạn
     - Đúng. Giao thông hỗn loạn. Vậy ta đi như thế nào?
     - Cần thì vẫn phải đi thôi
     - Nhưng đi như thế nào cơ? Cần thì vẫn đi nhưng khác nhau ở cách đi. Cuộc sống cần tiền thì đi kiếm tiền. Kiếm tiền là công việc của những thằng lao động như tớ đây này. Tiền của bạn gọi là tiền đầu tư. Bạn muốn làm giầu và dễ dàng làm việc riêng. Kinh tế hiện giờ cũng hỗn loạn như giao thông vậy. Nhanh chết, chậm chết, đứng im càng chết. Bạn phải biết cách đi trong sự hỗn loạn. Luật lệ thì cũng gọi là có đấy nhưng bạn xem có ai chấp hành đâu? Nhà nước nợ dân thì chầy bửa. Dân nợ nhà nước thì xử phạt. Bản chất nhà nước là gì, ai chả biết. Cứ như đùa ấy! Khoảng cách giầu nghèo ngày càng tăng nói lên điều gì? Đó có phải bất thường không? Người nghèo thì cứ nghèo mãi là điều bình thường, phải không nào? Bạn phải vờ yêu, rất yêu những thứ mình căm ghét mới hòng thu lợi được chứ! Trong vai người tốt, lương thiện, lòng đầy cảm thán mà đem tiền đi kinh doanh chỉ tổ đốt tiền thôi. Nhà văn mà làm con buôn. Chả trách!
     - Thì thế! Hảo mới nói là nó khó. Ngay cả đi đòi nợ. Nó nợ mình. Mình đòi, nó còn dọa đánh cả mình.
     - Hê…nó không đánh mình đâu, dọa thế thôi nhưng muốn cướp tiền là có thật. Đứa nào ra đường mà nhìn thấy tiền thì đó là doanh nhân, số đông chỉ nhìn thấy công việc thì là thằng lao động. Người kinh doanh có tố chất đặc biệt khác người nhưng không bao giờ thiếu phẩm chất lưu manh của con buôn. Nhà văn mà lưu manh thì dễ lộ. Lưu manh mới quản trị tiền bạc tốt nhất. Tiền và súng lục. Hảo có không? Không có tý gì chứ gì? Nói đến lưu manh thì chả ai nhận nó đâu. Mỹ có lưu manh không mà sao nó giầu thế? Là do ganh ghét mà ra cả. Hảo có biết không, tiền sẽ đổi tên từ lưu manh thành ra kẻ mạnh -  Ngon lành cành đào! Tiền làm thay đổi diện mạo con người.
     - Xì…!
     - Thật đấy! Tiền cân đối thị trường, cân bằng cảm xúc. Viết văn có cần tiền không? Cần quá đi chứ lị!
     Tôi lại cười. Tôi không dám cười nhạo Hảo mà cười vì nhìn ra Hảo đã đứng sai vị trí. Tôi nói:
     - Mới khảo qua sát lại như thế đủ thấy Hảo không làm doanh nghiệp được. Nhà văn mà đi buôn thì hay thất bại lắm. Lưu manh và chết đứng – Chọn đi! Buôn bán khát vọng rừng rực, ý chí, hoang dã như một con sói. Doanh nhân thông minh như quạ, nhanh như sóc, tinh như thỏ, mạnh như hổ. Cạnh tranh, tham vọng là thú vui nhất trên cõi đời doanh nhân. Bạn có những thứ đó không? Nhà văn thiên về tình cảm. Văn với đời là một thì vứt đi. Vứt! Nhà văn cũng phải biết nói một đằng làm một nẻo, bớt xén cái tử tế. Nó phải lập lòe biến ảo, thực thực, hư hư hay còn gọi là loại tâm lý huyền ảo. Công ty văn thì dựa vào văn mà kiếm tiền, tiện thể vơ luôn cả cái danh hão nữa. Con buôn luôn đi liền với lưu manh. Lưu manh không hẳn là xấu cũng như số đề so với sổ xố, cả hai đều chung bản chất làm tan cửa nát nhà người ta. Thế mới thành công chứ! Bạn làm con buôn mà chống lại sự lưu manh thì phá sản – Tôi khuyên -  Hảo kinh doanh cảm xúc của chính bản thân thì thành công. Bạn còn kinh doanh kiểu chết đứng thì ngập trong dư nợ. Giả tán là công việc đầu tiên nên làm.
     Hảo chăm chú lắng nghe nhưng không đồng tình. Rõ là không đồng tình bởi những suy nghĩ lưu manh mà Hảo thì ghét cay, ghét đắng. Hảo được đào tạo trong môi trường đầy bong bóng của sự giả dối. Tôi bơm vào mớ hiện thực đường phố làm vỡ bong bóng khiến Hảo không chấp nhận được. Tôi biết Hảo muốn dẫn dắt công ty của mình bằng cửa chính nhưng tôi lại xui Hảo lén mở cửa sau gia tăng lợi nhuận, vừa tốt cho việc bảo trì. Tôi muốn Hảo hiểu rằng cửa trước hay cửa sau thì vẫn là cái cửa, miễn sao vào được trong nhà. Tôi nhìn nét mặt hơi căng thẳng thì điện thoại lại đổ chuông. Hảo không nghe. Chuông cứ réo. Tôi bảo:
     - Nghe đi
     - Không nghe! Chắc lại ông Tỏ gọi
     - Nghe đi!
     Tôi lại giục. Hảo không quen với việc nghe nhạc thỉnh thoảng lại bị chèn quảng cáo vào. Cuối cùng thì Hảo cũng nghe nhưng không alo, tôi nghe thấy tiếng anh Tỏ vọng ra: “Em ơi, còn nửa tiếng nữa là đến giờ ăn cơm. Em nhớ về sớm nhé. Bữa nay có Nhà văn Ka Cờ và cậu Khải ở Liên hiệp từ Hà Nội đến ăn cơm em ạ. Em không có mặt là mất vui. Bọn anh chờ. Nhớ về đúng giờ đấy!”
     Mất vui cái gì? Hảo đâu phải thứ đem ra để mua vui? Hảo khó chịu ra mặt. Đàn bà khó chịu hóa ra lại rất hấp dẫn. Hảo vừa hấp dẫn lại đẳng cấp nữa. Tôi không thấy việc dự cơm với lãnh đạo thì có gì hay ho, chỉ thấy diễn kịch với nhau. Tôi bỗng ghen tỵ với Hảo. Ghen tị là một tính xấu. Ghen tị với Hảo lại là niềm tự hào, có cái gì như chất phản lực. Tôi thích!
     Đầm Mô nằm trong quần thể của Làng văn hóa Việt Nam. Lần đầu đến đây, hơi choáng ngợp một tí. Ngợp vì non non, nước nước. Núi Ba Vì xanh xẫm, nổi bật trên nền trời. Nếu không có núi Ba Vì, không có cái sân golf 36 lỗ thì vài ba vạn mẫu nước ở đây cũng như cái đầm nước mà xưa kia Trần Khánh Dư đào xung quanh ấp Dương Hòa quê tôi cũng thế mà thôi. Quen mắt, không có gì lạ nữa. Hoàng hôn xâm sấp mặt hồ. Hảo vẫn giữ dáng vẻ như thế, thanh dáng mà cứng cỏi, cô đơn mà kiêu hãnh. Hảo nói rất nhỏ:
     - Hảo nghe bạn nói nhưng không biết có đúng thế không? Ghê chết đi được. Mình chưa bao giờ có những suy nghĩ gian dối trong công việc. Mình thì muốn đàng hoàng mà không thể đàng hoàng. Mình chán nản. Tính mình không thích gây chuyện vì tiền
     - Ngày nào Hảo chả lượn một vòng ở chợ mà bạn không thấy sao? Có những nhà buôn ở Việt Nam tài sản còn nhiều hơn ngân khố quốc gia. Muốn thành công thì Hảo phải giết chết cảm xúc không thương tiếc, từ mặt cả cái sự đàng hoàng kia nữa. Hảo muốn quản lý công ty thì việc đầu tiên là phải thay đổi. Lấy đạo đức, pháp luật, tôn giáo làm phương tiện nhưng mồm phải luôn nói thượng tôn. Quyền lực bao giờ cũng chi phối tất cả. Bạn có tý gì không? Kinh doanh bằng cảm xúc chỉ cho bạn kết quả bằng điểm hòa vốn trở xuống. Càng hỗn loạn thì càng dễ kiếm. Tớ không cổ vũ cái xấu nhưng phải biết cái xấu cũng là một tài nguyên. Cái xấu bao giờ cũng làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, lại tạo ra vô số cơ hội. Không ai nói cho bạn biết cũng giống như không ai dạy doanh nhân cách trốn thuế. Như bán hàng đa cấp chẳng hạn, như Uber chẳng hạn… sự hỗn loạn cho bạn thứ cơ hội trốn tránh thuế gia tăng một cách hợp pháp nhưng lương tâm bạn không cho phép. Phải không? Phải gió cái lương tâm! Văn chương của bạn đầy tính kinh dị, huyền ảo đến không thể hiểu nổi. Công ty là cụ thể, bạn ứng dụng nó trở nên huyền ảo xem nào? Kinh doanh huyền ảo ăn cơm thịt cơm cá. Kinh doanh trung thực đá chẳng có mà hầm.
     - Kinh doanh kiểu bất lương ấy thì…nhavanlagi
     Hảo đang nói thì thụt chân xuống một cái hố, kêu ối một cái. Tôi tấn công thì Hảo chơi phòng ngự phản công. Hảo vẫn giữ quan điểm của mình. Phải đàng hoàng. Tôi thì vui mừng khôn tả. Hảo vẫn là Hảo Hảo. Tôi còn muốn đem chuyện những lá bài đỏ đen để khơi gợi thêm. Chợt nhớ đến phần mình, tôi đành trơ trẽn bảo:
     - Tôi hỏi bạn nốt điều này, sau đó đến lượt Hảo bố thí cho tôi chút lợi nhuận trong viết truyện nhé!
     - Khiếp! Thì bạn hỏi luôn đi, đừng nói chuyện kinh doanh nữa. Ghét lắm!
     - Rồi. Bọn mình chỉ là những đứa vỡ lòng, vỡ ruột của giới Doanh nhân. Thôi thì thôi. Ai bảo bạn đâm đầu vào chỗ không phải sở trường của mình. Sợ vỡ mật rồi phải không? Nói như thế là chưa hiểu hết con người Doanh nhân. Tiền khuân ngoài thương trường đổ nhiều mồ hôi và máu nên nó rất lạnh lùng. Doanh nghiệp ôm chặt vào lòng và sưởi ấm hơi người rồi sẻ chia với cộng đồng. Thơm lắm! Lúc ấy tiền mới có giá trị cao nhất. Thôi! Nói xuông với nhau thế chẳng để làm gì. Bây giờ đến lượt tớ hỏi. Hảo không quỵt nợ chứ?
     Chúng tôi cứ men theo phần nước cạn lòng hồ mà đi. Ngấn nước loang bẩn thân cây.  Hảo nghe tôi nói thế không hề giận, thậm chí còn tỏ ra hào hứng. Hào hứng một cách dễ dãi. Chuyện nhỏ.
     - Viết truyện thì dễ thôi. Nếu bạn muốn nói cái gì thì tìm các chi tiết xoay quanh cái chủ đề ấy mà diễn, chứ có gì đâu!
     Có gì đâu! Với Hảo thì dễ mà tôi thật khó làm sao nhưng viết một truyện thành công thì đâu chỉ có thế. Tôi hỏi:
     - Hảo thấy dễ nhưng với tôi thì khó biết chừng nào
     - Thì chung quy lại, nó chỉ có nhiêu đấy thôi, bày biện ra rối mắt lắm, như một bàn tiệc vậy, có nhiều món vẫn là một bữa. Một món cũng là một bữa. Quan trọng là ngon miệng. Ngon miệng và no bụng. Thế thôi!
     Thế thôi! Tôi có vẻ tự ti, không dám tin. Tôi hỏi:
     - Có khuôn mẫu nào không?
     - Khuôn chỉ có trong việc dạy nhồi sọ ở nhà trường thôi. Chỉ có nhà trường mới có văn mẫu thôi. Bố ạ! Công việc sáng tạo là sáng tạo của sáng tạo. Nó liên tục được diễn ra. Giáo dục nhiều cái bất thường vẫn coi như bình thường. Học sinh học để đáp ứng ý chí của cô giáo, không có sáng tạo, sáng tiếc gì cả.
     - Ví như Pa ven cooc - sa - gin là một hình mẫu về lý tưởng cách mạng của thanh niên. Nhà văn Ốt - trốp – xki cho biết thành quả là mù và què. Chị Dậu đã trốn thuế lại đánh người thi hành công vụ rồi đem bán cả đứa con do mình đẻ ra. Thật là đẹp mặt!
     - Đầm Mô, cái đầm mà chúng ta đang thong dong thưởng ngoạn nó đây này, như một khách du lịch ấy, chẳng mảy may suy nghĩ gì. Nghe nói ngày xưa diễn ra trận chiến giữa Sơn Tinh với Thủy Tinh -  Hảo đưa tay chỉ lên dãy núi Ba Vì xanh xanh, xa xa – Sơn Tinh ngày nay vẫn còn đóng quân ở trên ấy đấy. Thủy Tinh bị nhà vua chơi khăm, ở dưới nước thì kiếm đâu ra gà chín cựa, ngựa chín ngà? Làm gì mà không tức!... Ông vua mới là người gây ra cuộc chiến liên miên giữa Sơn – Thủy chứ! Nhưng không ai được phép lật tẩy giá trị. Chỉ thương ba ba, thuồng luồng, lũ cá mương, cá chép, lòng đong, cân cấn…  công việc của nhà văn đấy chứ còn đâu nữa. Hố đen nhan nhản đầy ra đấy, chỉ việc phản ánh nó thôi chứ có gì đâu!
     Chuông reo. Điện thoại đành đạch trong túi. Lúc này là nhạc chuông của tôi. Tôi lấy máy ra. Ngại quá liền chìa máy cho Hảo:
     - Anh Tỏ gọi
     - Tớ tắt máy. Không gọi được. Anh ấy gọi cho Kỳ. Nghe đi! Nghe xong nhớ tắt nguồn đi!
     Tôi liền nhấc call: “Alo…”
     - Cậu đưa máy cho Hảo để tôi nói chuyện.
     Tôi chìa máy cho Hảo. Hảo rảo bước về phía trước, giơ tay xua như kiểu đuổi muỗi. Tôi vừa chạy theo vừa nghe, vừa hình dung ra khuôn mặt của anh rất dài, dài thuồn thuỗn. Mắt đổi màu sáng quắc, cơ mặt cuồn cuộn. Anh Tỏ bình thường đậm người, mặt vuông, phúc hậu chẳng qua tôi láo toét mà tưởng tượng ra như thế. Cuống họng anh như tráng hòn the, âm giòn, không dính:
     - Cậu bảo với Hảo quay về ngay. Các cậu phải biết tôn trọng quy định của Trại! Đến giờ cơm là phải có mặt để đảm bảo sức khỏe sáng tác phục vụ nhân dân chứ! - Ngừng ba giây rồi lại nói tiếp – Cậu nói với Hảo về ngay nhé. Anh Ka Cờ với cậu Khải đang đợi. Người làm không bực bằng người chực xơi cơm. Nhớ chưa!
     Tôi nhớ chứ. Anh Tỏ ơi, dù em chết rồi vẫn không hết nhớ! Nhà tôi đông anh em, có tới tám đứa. Cơm cạn là đã quây quần đông đủ, bậu đen quanh mâm. Đũa quật vào miệng bát lanh canh…lanh canh, là thứ âm nhạc no bụng, tràn trề hy vọng, vô cùng nhộn nhịp. Khi chúng tôi còn bé, làm thì chẳng thấy ai, đến bữa cơm thì chả thiếu đứa nào. Thiếu đứa nào thì những đứa khác ăn hết, không biết chờ chực là gì. Nhưng từ lúc đi học tôi đã biết học lễ nghĩa, học cách ứng xử. Sau này ra xã hội học cách đối nhân xử thế. Nó quan trọng gấp nhiều lần ở gia đình. Tôi biết bữa cơm có lãnh đạo dự nghiêm trọng đến thế nào. Người cao thì lỉnh, người thấp muốn đến làm quen, đến thì trịnh trọng, lễ phép còn hơn cả ông nội ở nhà. Sao Hảo lại làm như thế? Tôi ao ước mãi còn không được. Tôi đã đi song song với Hảo. Hảo hỏi:
     - Xong rồi à? Lúc nãy sao không bảo các ông ấy cứ ăn đi. Mình là cái thá gì mà trọng vọng thế.
     Hảo không hiểu cho tôi. Tôi thấp bé, nhẹ ký hơn Hảo. Tôi là một kẻ vô danh. Nếu không chấp hành tốt kỷ luật của Trại. Ông Chủ tịch Hội ở nhà mà nghe điện thoại từ bề trên gọi xuống, thử hỏi lần sau tôi còn được đi dự Trại nữa hay không? Mà tôi lại cực kỳ ham hố đi Trại. Thế mới chết!
     Hảo hình như cũng đoán ra những suy nghĩ của tôi. Vị thế của tôi chỉ như một học sinh tiểu học bị bao giữa một rừng Ban Giám hiệu. Hảo cười. Mấy hôm ở Trại tôi chưa bao giờ thấy Hảo cười to. Con gái Hà Nội duyên dáng, ý tứ, thông minh trong cả nét cười. Hảo sinh ở Nghệ An nhưng may mắn được sống ở Hà Nội. Văn hóa Hà Nội ngấm vào gần như thay máu người con gái xứ Nghệ. Nhưng văn hóa Hà Nội không tẩy não được Võ Thị Hảo. Tôi nhỏ bé đi bên. Hảo nói:
     - Mất cả hứng! Thật bất thường. Chuyện cá nhân của người ta các vị cứ can dự vào. Cơm của ai thì nấy ăn. Không ăn là quyền của người ta. Anh Tỏ dọa thế, Kỳ có sợ không?
     Sợ quá đi chứ! Tôi còn không dám tắt máy điện thoại nữa cơ. Hèn! Thường là như thế. Một người thông minh như Võ Thị Hảo sẽ không nghĩ tôi hèn. Nhưng tôi tự thấy mình hèn vì mình tự đánh mất quyền riêng tư. Hảo nhìn trời, nhìn hoàng hôn đang ngáp ngủ. Tháng mười nó thế! Trời bỗng chớp mắt mấy cái rồi ho sù sụ. Hảo chỉ tay lên không trung rồi bảo:
     - Đến Trời cũng bất thường. Về đi!
     Tôi tiếc vì chưa kịp hỏi Hảo về truyện ngắn, về bố cục, kết cấu ra sao, nội dung, ngôn ngữ, nhịp kể, không khí nhộn nhịp tưng bừng, hay nhịp kể chậm, buồn thê thảm. Làm thế nào để hợp với nội dung? Kết truyện ra sao? Kết hình trái tim hay hình móng ngựa? Kết hình tròn hay kết bằng một viên đạn bắn thẳng? Biết bao nhiêu câu hỏi muốn hỏi. Viết một truyện ngắn đâu chỉ như Hảo nói, còn bao nhiêu thứ làm nên nữa chứ? Hảo bỗng nhớ ra:
     - Lúc nãy bạn còn nợ tớ một câu hỏi nữa đấy
     - À, ờ. Hỏi nhá: Hợp đồng là gì?
     Hỏi gì lạ vậy? Ai mà không biết. Tôi nhìn Hảo thấy có chút gì đó như vừa ngạc nhiên lại có vẻ như cảnh giác. Tôi giục: “Nói đi”. Hảo thủng thẳng trả lời kiểu như học trò giỏi miễn cưỡng trả lời thầy giáo xoàng:
     - Thì hợp đồng là văn bản pháp lý dựa trên những cam kết của các bên buộc phải theo. Hợp đồng thì có nhiều loại nhưng đều dựa trên một nguyên tắc thống nhất có tính pháp luật
     - Tồn kho và thu nợ là hai vấn đề khó chơi nhất của doanh nghiệp – Tôi lại loanh quanh -  Bạn đi bán các sản phẩm truyền thông hay văn hóa gì đó, có làm hợp đồng không?
     - Có chứ!
     - Thế thì làm hợp đồng để làm gì? Không biết chiếm dụng vốn thì doanh nghiệp quái gì. Nó không táng bạn là may. Thế lúc ấy pháp luật ở đâu? Nó có được tôn trọng không? Ai cũng bảo cho nợ là mất khách! Cho vay là mất bạn. Vậy các công ty cho thuê tài chính đòi nợ kiểu gì? Trông cậy vào pháp luật chắc? Bạn nên đặt lưu manh ở một cách nghĩ khác xem nào.
     Hảo đứng lại, nhìn thẳng muốn nói vào mặt tôi câu gì đó nhưng rồi không tìm đâu ra một lời phù hợp. Bất ngờ buột ra:
     - Thật là bất thường
      Tôi nói:
     - Thôi không nói nữa – Tôi vội nói - Biết Hảo căm ghét lưu manh. Lúc đầu tôi có nói Hảo muốn kinh doanh thì phải thay đổi. Đúng không? Mọi vấn đề mình chỉ cần hiểu một cách đơn giản nhất. Bạn đừng hiểu theo từ điển. Cách hiểu ấy chỉ đem lại cho bạn thứ lòng tin của sự lãng mạn. Bạn chỉ cần hiểu hợp đồng là tôn trọng bất đồng. Thế thôi! Đừng ỷ lại vào luật pháp, có ngày phải ngửa mặt lên trời mà than: “Trời không có mắt”. Bạn bảo nó khó vì bạn là Nhà văn, nghề của bạn là nghề người, bạn không phải là lưu manh. Bỏ đi. Không nói nữa. Hết!
Bất thường hóa bình thường
     Tôi vừa nói xong câu hết cũng là lúc chúng tôi đã đi về đến cái ngã chữ Y. Trời lúc này đã tối xẫm. Ánh sáng khuất phục bóng tối. Cách đó vài trăm mét khách sạn đã rực đèn. Ra khỏi ngã chữ Y, cây rừng thưa thớt, có vẻ sáng ra. Hảo nói:
     - À mà tớ muốn nói với bạn thêm rằng viết truyện thì đừng cầu mong danh lợi, đừng cho là nó hay. Nó hay với bạn chứ đâu hay với người? Cứ tự nhiên mà viết. Văn chương bao giờ cũng tự nhiên nhi nhiên. Tự nhiên thì hay, sắp đặt gò bó thì chọc mắt người ta. Nhà văn tả cởi truồng viết văn có nghĩa là cởi bỏ hết, thả lỏng nó ra. Làm thơ thì cất súng đi. Người nhanh mồm miệng thì rủa như thế là đồ đĩ, bẩn thỉu! Câu chuyện sáng tác thực chẳng có bí quyết hay kỹ thuật gì đâu. Cậu định viết về một điều gì đó, chắc chắn với ý nghĩa đó thì tìm các chi tiết xoay quanh nó mà viết. Nó cũng đơn giản như cách cậu hiểu về hợp đồng ấy. Luật đời cũng là luật cả. Nhưng nó là bản chất, trắng phớ. Cái điều mà cậu định đề ấy chính là xương sống giúp truyện đứng vững, còn chi tiết là da thịt. Mảnh mai hay cơ bắp là chân dung, cá tính của bạn. Thế thôi!
     Thế thôi! Thế là tôi cũng đã hiểu phần nào của công việc viết văn. Nói đi nói lại, trước sau gì thì Hảo cũng chỉ chia sẻ có chừng đấy thôi, là đủ. Bàn tiệc một món như Hảo nói cũng là một bữa. Thịnh soạn cũng là một bữa. Lúc nãy tôi còn chưa hiểu, giờ hiểu thêm chút nữa. Tôi còn phải tìm hiểu bằng hiểu mới thôi. Không biết những lời Hảo nói có phải thế không? Nó có phải trò chơi không? Trò chơi này chỉ có một người chơi. Lọ mọ. Chán chết đi được!
     Có bóng người đứng nép ở trụ cổng bảo vệ khách sạn. Đến gần thì nhận ra anh Tỏ. Trên người anh khoác chiếc áo gió, tay cầm đèn pin như chuẩn bị đi canh điếm đê. Trông anh giống như một trung đoàn trưởng. Hảo hơi nép vào người tôi, nói khẽ:
     - Trông bất thường quá!
     Đợi hai chúng tôi bước qua cổng sắt. Anh Tỏ bước lại. Có hai nhân viên nhà bếp phóng xe máy chèn giữa, tách thành hai nhóm. Anh Tỏ bảo Hảo:
     - Hai người đi chơi giờ này mới về khiến tôi lo quá!
     - Anh lo cho anh đi. Đây là Trại viết văn chứ không phải vườn bảo mẫu.
     Anh Tỏ cười rồi bảo:  
     - Anh không có ý đó. Tự do và giới nghiêm đều cần phải tôn trọng. Là anh lo cho cô thật đấy. Cô là khách mời của Trại. Là khách quý của Trại, tôi không lo sao được.
     Hai người đi phía trước. Tôi đi sau vài bước chân. Tất cả đi lên cầu thang. Tôi nhìn về cuối dãy, nơi phòng tôi ở, thấy khóa cửa. Chắc anh Kích đi chơi đâu đó. Ở sàn tầng hai, phòng của Hảo rẽ trái, tôi rẽ phải. Tôi nghe anh Tỏ nói:
     - Cơm tối tôi đã mang về phòng cho cô. Cô tắm rửa xong rồi ăn cơm. Tối nhớ đi ngủ sớm đảm bảo sức khỏe. Tôi nhờ phòng lễ tân cắm nóng lạnh cho cô rồi đấy. Nhé!
     Thấy tôi lẽo đẽo theo sau, anh Tỏ quay hẳn người lại bảo:
     - Cơm của chú tôi đã báo nhà bếp để phần tử tế. Chú xuống mà ăn đi, nhanh cho nhân viên nó dọn. À, có chai rượu tiếp anh Ka Cờ tôi dấu nó sau tủ quầy ấy. Chú lấy ra mà uống nhé!
     Võ Thị Hảo nói lớn:
     - Không. Cứ để cậu ấy ăn cơm với em. Thật là bất thường!
     Anh Tỏ xoay người lại đẩy Hảo về phía cửa phòng. Tôi nghe anh nói nhỏ nhưng cũng đủ để cho tôi nghe thấy:
     - Cô khác thường thì có! Cô là nhân tài, là khách quý của trại. Tôi là lớp trưởng, không bất thường thì không phải anh Tỏ.
     Tôi cũng quay gót lối xuống cầu thang, nói với lại:
     - Tất cả những việc anh Tỏ làm đều là bình thường, bạn ơi! Ok. Bất thường hóa bình thường! Quen rồi. Ok. Có gì lạ đâu.

                                                                                   L.T.K
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
21-12-2023 14:39:15 vũ nho 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Lê Thanh KỲ! Ghi chép khá thú vị!

Trả lời

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)