Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...
Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.
ĐỌC TRUYỆN NGẮN VÀ KÝ CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ VÂN ANH
Với gần 500 trang sách bìa mềm, chọn lọc, gói gọn một phần đời sống sáng tác, sự nghiệp văn xuôi của nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh.
Ngoài các tác phẩn chọn trong tập này, chị còn nhiều bài ký gắn với nghề báo, và các tiểu thuyết “Tình yêu và năm tháng”, “Cơn giông đời nhà báo” .... Đặc biệt chị Vân Anh không tạt sang thể loại khác như tạp bút, phê bình hay thơ ca.
Có thể nghề báo với thiên chức do một tay chị gây dựng tờ Nhi đồng, với cương vị Tổng biên tập, sau đó là tờ Nhà báo và công luận đã hút hết tâm sức thời gian vào tổ chức chăm lo đời sống cho một tờ báo lớn, chăm lo quán xuyến đơi sống của mấy chục người không phải chuyện dễ dàng với thiên chức nhà văn.
Trong bài viết này tôi chỉ đề cập trên góc độ của một người viết với một người viết.
Một nhà văn đọc của nhà văn.
Một trái tim đàn bà nhìn về phía đàn bà.
Phần truyện chị nghiêng về cách viết truyền thống, cách kể chuyện như chị đang kể với người nghe rất nhiều mảnh đời phong phú, người trong song sắt, kẻ ngoài cánh cửa. Một bác sĩ chuyên sâu tim mạch, từng cứu vớt trái tim của một chàng trai, và nhân vật con người được cứu, lại sống tàn mạt, ác độc cả đối với đồng nghiêp, đối với sinh mạng con người . Nhân vật Tín cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về phận người, rất cần một nếp nhà, một gia phong như ông bà ta dạy ‘lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống.’ Có những người sống ác mà như chết. chết rôi còn bị người đời nguyền rủa.
Không chỉ trái tim dã thú/ đứa trẻ sau song sắt/ nước mắt chảy xuôi/ hay hoàng hôn tím /chiều cuối đông chợt nắng.
Truyện ngắn Nguyễn Thị Vân Anh thiên hướng vào nội tâm. Cách kể chuyện chân tình, rủ rỉ, khiến người đọc ngậm ngùi về đứa con trong truyện “Đứa trẻ sau song sắt”. Ám ảnh chi tiết tình mẫu tử, và nỗi nhớ con nghĩ về mẹ rung động trái tim người đọc, và cho thấy cảnh huống đẩy đứa trẻ đến tù tội lại do nguyên nhân từ bậc cha mẹ, sự khắc nghiệt của số phận đẩy đứa trẻ đến lao tù.
Người đàn bà trong phòng xử án là một truyện hay. “Tôi tìm lại cho chị đứa con nhưng có giữ được nó trong cuộc sống lương thiện hay không, đó là trách nhiệm của chị.”. đối thoại đanh thép này phải chốt ở đoạn kết mới phải.
Có lẽ trong sức phát hiện tinh tế của một nhà báo từng trải như nhà văn Nguyễn thị Vân Anh đã góp sức trong vai trò văn học, rung lên một lời cảnh tỉnh về vai trò làm mẹ của người phụ nữ Việt. Làm mẹ không hề dễ dàng, làm mẹ không chỉ nuôi, mà còn phải dạy dỗ cho con nên người là cực khó. Cực khó trong thiên chức làm mẹ.
Cái giá của tấm lòng người mẹ trong truyện ngắn này, cũng như thiên hướng của truyện ngắn đều toát lên vẻ “Bồ Tát”. Chất thiền trong truyện rất nhiều. Có những đối thoại hay, bị chìm lẫn trong cách kể. Đọc truyện thấy tác giả, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh luôn luôn thiếu thời gian. Viết cho xong, để giải quyết việc lớn khác. Đọc thấy rõ trái tim không ngủ yên của nhà văn.
Truyện Hạnh phúc mong manh/nhà văn bóc ra một thói tật đa nghi của gã đàn ông, nhìn chung thói đa nghi của cả giới mày râu, khi làm chồng mà đa nghi “Tào Tháo”. Cũng vốn là thứ căn bệnh khó chữa của đàn ông mà nhiều gia đình việt người vợ như cá mắc vào lưới, khó gỡ để hạnh phúc
Truyện Mơ về ngày ấy, Hạnh phúc mong manh… hầu hết các truyện ngắn của nhà văn đều có thân phận, có chi tiết để nhớ. Nhưng cái kết của truyện lại muốn tác giả lược bớt đi những phần giải thích, làm rõ ý tưởng hoặc kết luận của nhân vật.
Đọc tuyển tập này, Tôi vẫn thấy ánh lên một nhà văn có tấm lòng Bồ Tát, nhưng tôi vẫn ước nếu có sự sáng tạo rắn hơn, khắc nghiệt hơn, mạnh tay hơn. Cứ để nhân vật đau đớn, hay bỏ lửng để người đọc tự vấn thì hay hơn. Nghĩa là người đọc khi đọc xong, gấp lại thấy còn khắc khoải, còn thấy trống vắng trong lòng.
Nhiều truyện hay giải thích ở cái kết, đó là cách lý giải của nghề báo, viết là phải sáng tỏ. văn chương đôi khi mờ tỏ lại hay hơn. Sáng tỏ.
Hay như Đại gia bãi rác, chị có thể đẩy nhân vật làm giàu bạc tỉ cơ hội, hay hơn, đẩy cái mánh mung một nhân vật hay hơn thế. Hình như truyện ngắn này chưa đẩy nhân vật lên tới đỉnh. Người đọc thèm nhìn thấy một phía hồ Tây. Một nhân vật gốc cuả đất Hà Thành Thăng Long. Một sự chua xót, mất mát hơn thế khi đất đai đang bị đồng tiền làm mưa làm gió trên đất làng quê xưa.
Ngôi nhà làm bằng đá hoa cương với cái kết chua xót, nhưng đối thoại của nhà văn hơi hiền lành. Người đọc thấy sự vị tha của nhà văn chưa động tới thân phận nó cần giải quyết nó như thế nào…
Phần ký của nhà văn chị viết về bác sĩ Tài Thu, thế hệ hôm nay, giới trẻ ít người biết đến một tài năng bác sỹ Nguyễn Tài Thu. Một bác sỹ tài danh lặng lẽ cứu người, sống ẩn dật cuối đời và ký của chị làm sống lại nhân vật của thế kỷ trước. Nhà văn Nguyễn thị Vân Anh viết ký và tôi thấy vai trò của chị đóng góp cho văn học, cùng với, nhà văn Trần Huy Quang, Xuân Ba, Hoàng Phủ Ngọc Tường… với vai trò tôn vinh và cảnh báo cho xã hội những vấn nạn khác.
Nếu chị tuyển chọn để ra một tập sách chuyên về ký thì tôi tin rằng nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh sẽ có một tập bút ký, phóng sự hấp dẫn, lôi cuốn chẳng kém như Trần Huy Quang viết về Vua lốp. Hấp dẫn lôi cuốn như “Cái đêm hôm ấy đêm gì?”, hay như một bút ký rất nhiều ánh lửa của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi đã đọc một bút ký Của chị Vân Anh viết về nghề osin ở Bệnh viện từ năm nào đã rất lâu rồi in trên báo văn nghệ mà đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi.
Cách phát hiện vấn đề là sức hấp dẫn, là thế mạnh của ngòi bút nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh khi chị viết ký… Cá nhân tôi thích đọc ký của chị Vân Anh hơn truyện ngắn. Vì truyện ngắn của chị gấp sách lại có chuyện vẫn thấy thòm thèm muốn đọc thêm một lời thoại bốp chát, hay một cái tát mạnh tay vào mặt nhận vật, thà cho nhân vật đau đớn hơn là sự vỗ về, nhân ái…
Hay như ký “Tình quê hương.” cho thấy nhà văn đi rộng và đi xa, đi nhiều. Những ấn tượng và cách thoại đều có sức lôi cuốn người đọc. Nhưng riêng cá nhân tôi vẫn thèm sự sáng tạo đẩy nhân vật lên tới đỉnh. Có lẽ nhiều nhà văn làm báo hay bị nghề báo lấn lướt. Mà khi viết theo dòng chảy đam mê thì khó cưỡng lại.
Cho dù chỉ viết với tư cách nhà văn nữ đọc của nhà văn nữ, viết cho nhau, thật lòng, trân trọng, mừng rỡ với tác phẩm của bạn, tôi vẫn có momg ước sau này nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh sẽ có một tập ký ngang ngửa, dày dặn hơn tập tuyển này.