bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 35
Trong tuần: 1106
Lượt truy cập: 794057

NGƯỜI TẠO LẬP...

NGƯỜI TẠO LẬP THỂ THỨC VÀ GIỌNG ĐIỆU THƠ RIÊNG
Nhà văn – Phê bình lý luận Văn học Đỗ Ngọc Yên
 
Lời mở
 
   Nhà thơ Trần Quang Quý sinh ngày 2/1/1955 tại làng Hạ Bì, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Ông nhập ngũ 12/1972, xuất ngũ 1/1977, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học- Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ông từng học khóa II trường Viết văn Nguyễn Du; cử nhân tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1992- 1994 ông tốt nghiệp khóa Lý luận chính trị cao cấp. Ông đã tham gia 2 khóa là Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng trải qua các lĩnh vực công tác như: Trưởng ban biên tập báo Nông dân Việt Nam (Nông thôn ngày nay); Tổng biên tập Tạp chí Dân số và Gia đình; Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội; Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn; Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII.
    Sự nghiệp cầm bút của nhà thơ Trần Quang Quý đã để lại một số tác phẩm.  Về thơ gồm: “Viết tặng em trong ngôi nhà chật” (1991); “Mắt thẳm” (1993); “Giấc mơ hình chiếc thớt” (2003); “Siêu thị mặt” (2006); “Màu tự do của đất” (2012); “Ga sáng” (2016); “Namkau” (2016); “Nguồn” (2019); “Chảy trên dòng thời gian” (2020); “Ướp nhớ” (thơ Namkau, 2020); “Miền tỏa bóng tâm hồn” (2022); “Những nẻo người thương nhớ” (2022)…
    Về văn xuôi có: “Bờ sông trăng sáng” (truyện ngắn, 2010); “Bay lên những giấc mơ” (bút ký, 2015); “Ngô Văn Dụ - Người làng Rau” (ký, 2019)… “Đốt đèn tìm lửa thơ” (phê bình văn học- 2014); “Lời sám hối muộn mằn”, “Chị Câu” (kịch bản phim - VTV3).
     Ông đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như: Giải thưởng của Hội Nhà văn: “Giấc mơ hình chiếc thớt” (2004); “Màu tự do của đất” (2012); “Nguồn” (2019). Nhà thơ Trần Quang Quý được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt IV, 2016 cho cụm tác phẩm: “Giấc mơ hình chiếc thớt”; “Màu tự do của đất”; Siêu thị mặt”.
 
Tạo lập thể thức thơ riêng
 
    Việc khởi phát và tạo lập được một thể thức thơ nào đấy như thơ “Haiku”,
“Tanka” của Nhật Bản, “Đường luật” bên Trung Quốc, ‘‘Thơ ca Lãng mạn” Pháp, “Thơ Mới”, “thơ chống Pháp”, “thơ chống Mỹ” ở Việt Nam... những tưởng từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều là công việc của nhiều người, thậm chí là nhiều thế hệ kế tiếp nhau mới có thể làm được.  Ở Việt Nam, từ khá lâu rồi, có một người tự mình âm thầm sáng tạo ra một tập thơ hoàn toàn theo một thể thức mới mang tên “Namkau” (năm câu) với 99 bài chỉ trong một thời gian không phải là dài (2010 - 2016). Đấy là nhà thơ Trần Quang Quý. Trước đây, hiện tại cũng như về sau này, đã, đang và sẽ có nhiều nguời viết một vài bài thơ năm câu một cách ngẫu nhiên, tùy hứng, nhưng chưa có ý thức rõ rệt như ông ở khía cạnh quan niệm về việc tạo lập một thể thức thơ mới và cho đến nay cũng chưa thấy ai làm được một số lượng bài nhiều như Trần Quang Quý. Việc đặt tên cho tập thơ “Namkau” là minh chứng sinh động nhất về ý thức tạo dựng một thể thức thơ hoàn toàn mới ở ông. “Namkau” là cách gọi và viết theo tiếng Anh hay là cách nói lái của cụm từ ghép không cố định “năm câu” trong tiếng Việt. Nó không phải là tên một tập thơ được chọn theo một ý tưởng hay nội dung chủ đề nào đấy, như ta vẫn thường thấy, mà là tên gọi một thể thức thơ mới và cả tập duy chỉ có những bài thơ được làm theo thể thức này, năm câu. Ngay ở lời Ngỏ của tập sách, Trần Quang Quý đã không ngần ngại trình bày rõ quan niệm của mình vì sao ông lại chọn thể thức thơ “Namkau” như sau: “Thể thơ cũng được gợi ý từ quan niệm phương Đông về Ngũ hành và số 5, số sinh. Nhưng trước tiên nó khác với những hình thức thơ ngắn khác đã có từ lâu đời như thơ Đường (Thất ngôn bát cú, Ngũ ngôn bát cú, Thất ngôn tứ tuyệt) từ thế kỷ 7 của Trung Quốc, thơ Haiku từ thế kỷ 17 của Nhật, với 3 câu, 17 âm tiết (5+7+5) và có yếu tố Thiền… Có thể tạm cấu trúc bài thơ theo hai phần. Với câu thơ tự do, Phần 1 có 3 câu, tương ứng với Trình diễn. Phần 2 có 2 câu, tương ứng với Kết & Nghiệm”.
    Và đây là những bài thơ tiêu biểu của ông: “Có một chiếc răng rụng/ tôi vẫn để trong ví mỗi ngày/ một mảnh đời đã tuột ra khỏi gốc số phận/…/ Mỗi lần mở ví ra tôi thấy/ chiếc răng vẫn đang nhai ký ức.” (Rụng). Hay: “Mùa thu giặt những đám mây trắng/ phơi lang thang bầu trời/ vắt ngang gió một lườn sông chảy/…/ Trong bình minh chợt nhú/ ban mai vừa cởi cúc mùa thu.” (Cảm thức).
Và theo ông thể thức thơ “Namkau” không chỉ được sử dụng với thể thơ tự
do, mà còn “có thể làm với lục bát, nhưng lục bát là các cặp câu nên Phần 1 để 4 câu (2 cặp câu). Phần 2 chỉ 1 câu kết (ở câu 6 chữ - lục), vì kết ở câu lục nên cái kết có độ hẫng, thường gợi mở… có thể tạo ra một hiệu năng thú vị, nếu thành công”. Ví dụ: “Đã từng đi nát con đường/ gỗ hương long mộng chân giường đứng ngây/ Đã từng hẹn tuột vỏ cây/ gió ghen vần vũ đám mây tụt quần/…/ Đã yêu yêu cạn mùa xuân…” (Bước yêu).
 
*
    Theo thiển nghĩ, thơ Trần Quang Quý nói chung và thơ “Namkau” của ông nói riêng tốt nhất là nên tiếp xúc trực tiếp văn bản tác phẩm mới có thể cảm nhận hết được cái mới, cái lạ, cái hay, cái đẹp của nó và cả những cái dở (nếu có). Đấy là lý do chính yếu khiến tôi trích nhiều thơ của ông trong chuyên luận này. Có lẽ vì thế, có những điều tôi viết về ông hôm nay, trước đây từng đã có hàng chục người viết, có cả các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà lý luận phê bình chuyên và không chuyên nghiệp viết. Viết để giới thiệu một bài thơ, một tập thơ với công chúng bạn đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo in hay báo mạng, đối với nhiều người không phải là chuyện quá khó. Với người có nhiều năm kinh nghiệm và được đào tạo chuyên môn cơ bản, tôi tin là hoàn toàn có thể làm được điều ấy. Nhưng để viết về một đời thơ, một phong cách tác giả và tác phẩm thơ khá mới mẻ như Trần Quang Quý lại là điều không hề đơn giản.
    Về quan niệm tạo lập thể thức thơ mới “Namkau” của Trần Quang Quý không cần bàn thêm nhiều, vì ông đã nói khá rõ trong “Ngỏ”. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, thể thơ theo cách hiểu thông thường từ quan niệm phân chia của các nhà thơ Trung Quốc thời Trung đại, cho tới nay của số đông bạn đọc, cũng như của các nhà chuyên môn thường là định lượng số chữ trong mỗi câu như: ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, lục bát, song thất lục bát... Và cũng có khi đi kèm với số câu trong bài như: thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú... Còn thể thức thơ “Namkau” của Trần Quang Quý chỉ xác định số câu trong một bài, chứ không quan tâm đễn số chữ trong mỗi câu, cũng như trong toàn bài. Cái đáng bàn là trước ông chưa ai có được một quan niệm rõ ràng, sòng phẳng và khúc chiết về một thể thơ do chính ông sáng tạo ra như thế. Và đến thời điểm này, nếu tôi nhớ không nhầm ông là trường hợp độc nhất vô nhị có cho riêng mình hai một tập thơ “Namkau”. Có thể tới đây, ý tưởng và cách làm của Trần Quang Quý sẽ có sức lan tỏa nhất định, đặc biết đối với những người ngưỡng mộ thể thơ này trong “Câu lạc bộ thơ “Namkau” do ông làm Chủ tịch. Câu lạc bộ này sau một năm hoạt động đã cho ra mắt bạn đọc tuyển tập thơ “Namkau” mang tên “Khúc dạo một con đường”, dày khoảng trên
220 trang in, tập hợp 402 bài thơ của 55 tác giả ở khắp mọi miền của đất nước. Và chỉ sau 3 năm 2016 - 2019, nhà thơ Trần Quang Quý đã cho ra đời tiếp tập thơ “Namkau” thứ hai có tên là “Ướp nhớ”. Ở tập này cũng chỉ có 99 bài, nhưng phạm vi chủ đề được mở rộng hơn. Nhà thơ hướng sự chú tâm của mình đến những vấn đề của đời sống xã hội hiện đại, đến thân phận kiếp người, mặc dù vẫn không sao nhãng sự đổi mới ngôn ngữ, tạo sinh nghiã và giọng điệu mới cho mỗi   bài thơ. “Có lúc mong khâu lại nỗi buồn/ lại chạm phải nỗi buồn không sẹo”/ (Khâu sẹo). Hay: “Sáng soi gương giật mình/ làm sao gỡ khỏi tôi một cái mặt cùn?” (Gỡ mặt). Và: “Những thanh sắt nằm gỉ như sắt gỉ/ nấc thời gian duỗi ngang sông Hồng/ phơi mặt cả trăm năm Pháp thuộc/…/ Duy nhất không chịu gỉ/ lịch sử càng mài càng Long Biên” (Cầu Long Biên). Cuối cùng: “Cây xuống tóc/ lá vàng xao xác phố/ vẽ mùa thu se sắt nao lòng/…/ Có vẻ đẹp làm ta xao động/ lại là khi chiếc lá lìa cành” (Lá thu). Đặc biệt bài thơ viết tặng bạn văn Dương Hướng, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng “Bến không chồng”, người đồng đội năm xưa, những người từng đi qua chiến tranh: “Mùa xuân về “Bến không chồng”/ thương bao phận cải quá ngồng lỡ dưa/ Thụy Vân ơi đắng niềm xưa/ Trời xanh có vá lại bờ cô đơn?/…/ Chiến tranh vắt cạn tủi hờn…” (Bến ấy). Còn với người nông dân khi đồng ruộng đã miếng mồi béo bở cho các dự án bê tông hóa nhà cửa, đường xá, khu công nghiệp trăm tỉ nghìn tỉ của các ông chủ lớn, cuối cùng người nông dân chỉ còn biết đứng nhìn: “những thửa ruộng đứng lên đòi tự trị mùa/ trên đất ngàn đời trồng cấy sinh tồn/…/ Sáng, nước mắt nông dân nhòe ướt/ cọc bê tông cắm vào tim đất”
(Ruộng).
    Tuy nhiên, đối với Trần Quang Quý, cũng như thi ca nước nhà, đây mới chỉ là những viên gạch đầu tiên, mang tính khai phá, ngõ hầu tìm cho thơ Việt đương đại một hướng đi, một diện mạo mới, thay vì cứ loay hoay, khư khư ôm mãi những thể thức thơ truyền thống, mà chủ yếu là ảnh hưởng của phương Đông nói chung và thơ Đường luật Trung Quốc nói riêng. Những nhà thơ thuộc các thế hệ từ chống Pháp đến chống Mỹ và hậu chống Mỹ đã làm và có những thành tựu rất khó để vượt qua, đặc biệt là với các thể thức thơ: Thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, thất ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn, lục bát, song thất lục bát,...
    Nhưng có lẽ Trần Quang Quý đã không bằng lòng với những gì mà các thế hệ cha anh đã làm được cho thơ, nên ông hướng sự quan tâm của mình vào sự đổi mới cả về ngôn từ, giọng điệu lẫn thể thức theo một cảm quan mới về thế giới và một hệ hình thẩm mỹ mới, nhưng vẫn trên căn cốt văn hóa Việt nói chung và thơ Việt nói riêng. Chúng ta hãy đọc: “Những con cá bay lên bầu trời, những con chim lặn vào nước/ bầy cá mọc cánh trong một thế giới khác/ bầy chim mọc vây vào dòng sông siêu thực/.../ Không ước mơ lạ kỳ, khám phá/ không có thế giới thực” (Ngược).
Âu đấy liệu có phải là một tuyên ngôn sáng tạo của ông bằng thơ.
 
*
    Với hai tập thơ gồm 99 bài/ tập, mỗi bài chỉ có 5 câu, dù viết theo lối tự do hay lục bát, nếu không đủ bản lĩnh và tài năng, lao tâm, khổ trí tìm tòi và sáng tạo, không thận trọng thì rất dễ tự lặp lại chính mình và rất dễ gây cho bạn đọc sự nhàm chán nhất định. Đấy chính là cái khó của người tạo sinh ra nó. Nhưng với Trần Quang Quý điều ấy không những đã không xảy ra, trái lại càng đọc, càng thấy thú vị. Mỗi bài là một nhát cắt, mảnh ghép cuộc sống mang đầy tính triết lý nhân sinh về lòng người, cõi đời, khiến người đọc phải hết sức cảnh giác với nhiều thứ, nhiều cái cũng như nhiều hiện tượng của đời sống xã hội hiện đại, trong nền kinh tế thị trường hôm nay. Nhiều cái, theo logic thông thường nó sẽ là như thế này, nhưng thực tế nó lại là thế khác. Như vậy cũng có nghĩa là đọc hết hai tập “Namkau” của ông, người đọc có thể lĩnh hội được ngần ấy vấn đề cần suy nghĩ, uốn nắn lại tư duy cũng như hành vi sống của mình: “Những câu thơ bay lên chưa chắc câu hay/ Những câu thơ không bay chưa chắc câu dở/ Bong bóng thơ lên cao cùng vỡ tan theo gió/.../ Thơ hay đâu cần thả/ Những câu hay buộc ở hồn người” (Thả thơ). Hay: “Cây xuống tóc/ lá vàng xao xác phố/ vẽ mùa thu se sắt nao lòng/.../ Có vẻ đẹp làm ta xao động/ lại là khi lá chết lìa cành” (Lá thu).
    Tuy là một thể thức thơ cố định về số câu (năm câu) trong mỗi bài, nhưng nó không hề bị giới hạn bởi số chữ trong mỗi câu và số chữ trong toàn bài nên đã tạo cơ hội cho người thơ mặc sức sáng tạo. Cái khó là ở chỗ, đối với thể lục bát, buộc bài thơ phải được kết thúc ở câu lục. Kết thúc bài thơ ở câu lục, trong khi thể thức lục bát truyền thống lại thường được kết thúc ở câu bát. Đây là một thử thách không nhỏ đối với những ai mới thử sức mình ở thể thức thơ “Namkau”. Vả lại theo quan niệm của người sáng lập ra nó, câu lục thứ ba của bài thơ buộc phải mang trong mình sứ mệnh kếtnghiệm. Tức là nó vừa phải đóng vai trò kết thúc một ý tưởng nào đấy cũng như cấu trúc hình thức cho một bài thơ hoàn chỉnh mà người ta không thể tùy tiện kéo dài thêm được nữa. Nhưng đồng thời, dứt khoát nó phải đạt đến độ phải đưa ra một nghiệm sinh nào đấy đối với tự nhiên trời đất, vũ trụ và con người. Quả là trăm dâu đổ đầu tằm chẳng có sai. Mọi cái khó đều đổ dồn lên đầu câu bát này. Nếu không có một cái kết vừa chặt chẽ về cấu tứ, vừa thâm cao về ý tưởng, vừa thoáng mở về trường liên tưởng, vừa phải dồn nén về cảm xúc, ngõ hầu làm bật tung sự bất ngờ thú vị đối với người đọc, thì coi như bài thơ không đạt yêu cầu về chất lượng, cái làm nên giá trị thực của thi ca.
Đấy là chỗ khác biệt căn bản giữa “Namkau” của Trần Quang Quý và các thể thức thơ khác đã từng có trong lịch văn chương nước nhà. Việc khởi đầu tạo ra một thể thức thơ mới là nỗ lực riêng của cá nhân Trần Quang Quý đóng góp vào dòng chảy cách tân của thơ Việt đương đại, rất đáng ghi nhận.  
 
Và một giọng điệu thơ mới 
 
    Thơ Việt viết về nông dân và nông thôn đã có từ xa xưa trong ca dao, tục ngữ. Văn chương dân gian và văn chương thành văn ở mọi thời đã có tới hàng ngàn, hàng vạn bài như thế. Cũng là điều dễ hiểu, vì ở một đất nước đi lên từ nông nghiệp như nước ta, đại bộ phận các nhà thơ đều xuất thân từ những làng quê nông thôn mà ra, nên họ đích thực là những thi sĩ của làng. Ngay cả đến thời hiện đại dư chấn ấy cũng không dễ gì có thể được xóa đi trong một sớm, một chiều.
    Người đọc thấy có rất ít sự suy tư, trăn trở của nhà thơ trước thân phận của cảnh vật hay con người với tư cách là cái được phản ánh, trong những bức tranh chốn làng quê tuyệt đẹp ấy. Những cảnh tượng ấy tuy rất sống động, nhưng mới chỉ là sống động ở những điều mắt thấy tai nghe, biểu tượng trực giác được miêu tả bằng ngôn ngữ thơ ca thôi, chứ chưa thực sự sống động ở sự trồi sụt của suy tư, trăn trở của trí tuệ. Cảm quan thẩm mỹ ấy rất cần thiết, đảm bảo cho chúng ra thấy rằng đất nước mình là chốn bình yên, đáng sống, những người nông dân rất đáng yêu và trân quý vô cùng.
    Dưới con mắt của Trần Quang Quý, người phụ nữ nông dân được khắc họa với những góc cạnh xù xì, thô ráp, nhưng cũng rất đáng yêu, đáng thương và đáng trân trọng hơn. Nhưng thật sự trớ trêu trong cuộc đời mưu sinh của họ, từ những góc nhìn khác nhau, theo cảm quan thẩm mỹ phi truyền thống của Trần Quang Quý, họ hiện ra không mấy thi vị. Họ không còn là những người chỉ biết có cần cù, hay lam hay làm, không sợ khó, sợ khổ, suốt đời chỉ biết thương chồng, thương con, không còn là những cô má đỏ hây hây, khăn nhung quần lĩnh rộn ràng hay lại múc trăng vàng đổ đi,... như trong ca dao, dân ca và thơ ca truyền thống trước đây.
Trái lại, người nông dân nước ta đang phải đối mặt với với một thực tế đa chiều, phức nhiễu trong cuộc mưu sinh của mình. Đọc những câu thơ Trần Quang Quý viết về họ khiến người ta phải chau mày, nhíu mặt, quặn đau trước thân phận của người nông dân nói chung và người phụ nữ nông thôn nói riêng từ bao đời nay, suốt đời chỉ mang theo mình giấc mơ về cái máng lợn: “Tuổi xuân của em là nối dài những chiếc máng lợn/ chiếc máng hầu bao hy vọng/ và một ngày những giấc mơ đến thật lạ/ em cưỡi trên chiếc máng, bay qua những bờ tre lầm lũi/ có một chân trời tít tắp và lấp lánh vẫy gọi/…/ những bến sông chôn đứng con đò/ thành phố mọc từ bờ ẩn ức” (Huyền thoại bên máng lợn).
    Hay là cuộc mưu sinh từ những gánh ve chai bất kể mưa hay nắng, bình minh hay hoàng hôn, những mong kiếm được đủ bát cơm, manh áo mới cho con khi Tết đến, Xuân về. Tiền bạc thì chẳng đáng là bao, nhưng chí ít các bà, các chị, các cô cũng được lãi về những niềm hy vọng nhỏ nhoi: “... Mặt trời dắt họ héo dọc mùa hè/ Cơn mưa dắt họ đi như bầy lá rũ/ Một bình minh đồng nát/ Một hoàng hôn bãi rác…” (Những phụ nữ quê vào thành phố).
    Rõ ràng cách nhìn của Trần Quang Quý về một đề tài tuy không mới, nhưng đã không lập lại cảm quan thẩm mỹ nghiêng về tính chất anh hùng ca và tình ca một chiều như thơ của nhiều thế hệ cha anh đi trước. Ông đã nhìn thấy ở những người nông dân từ xa xưa cho đến tận hôm nay như một thực thể tồn tại trong sự vận động đa chiều với nhiều sắc màu của thân phận nổi trôi lúc trầm, lúc bổng, khi thăng, khi giáng bằng một cảm quan thẩm mỹ mới.
    Nhưng theo tôi, cái khác biệt và sự mới lạ của Trần Quang Quý chủ yếu là ở chỗ ông có một khả năng chọn dùng chữ để tạo sinh nên nghĩa mới cho đơn vị câu thơ, cũng là tạo nên một giọng điệu riêng là điều rất đáng ghi nhận. Trước đây người ta có thể bắt gặp một vài câu, bài thơ, một vài nhà thơ nào đấy cũng đã từng có những bứt phá về cách dùng từ mạnh bạo để tạo sinh nghĩa mới cho câu và bài thơ.
     Có thể thấy một số thủ pháp tìm chữ tạo cho nghĩa đơn vị câu thơ của Trần Quang Quý trong hành trình sáng tạo của mình như sau: thứ nhất, là không ngại đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ, khiến cho nhiều đơn vị câu thơ của ông trở nên mới, nhưng lại không quá lạ hoắc với bạn đọc và dễ được giới chuyên môn chấp nhận và đánh giá cao. Nói là đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ, nhưng với ông, đấy là thứ ngôn ngữ đã được chọn lọc, chưng cất kỹ càng, đến mức không thể nào làm
khác được: “Ta rót mắt em đầy Huế/ Em một ngày rót Huế say ta. (Huế)
   Giả định rằng chúng ta thử thay những chữ rót mắt em đầy Huếrót Huế say ta trong hai đơn vị câu thơ trên bằng những chữ khác, nhất định sẽ làm cho nghĩa của đơn vị câu thơ thay đổi. Hoặc là thay các chữ giặt tôi, kì cọ tôi trong hai đơn vị đơn vị câu thơ “các nàng giặt tôi, kì cọ tôi bằng chiều quê cổ điển/ bằng cổ tích Ba Vì.” (Sơn Tây), bằng các chữ khác, ắt nghĩa đơn vị câu thơ thay đổi và sẽ không còn là giọng điệu thơ của Trần Quang Quý nữa. Tương tự như vậy ở những đơn vị câu thơ sau cũng có những chữ mà chỉ riêng ông mới có thể viết được như vậy: “Làng đã đóng đinh tôi vào cánh cửa/ Mỗi ngày khép mở giữa câu thơ. (Cổ tích làng); “Ngoài kia sông Thao nôn nao xuôi bỏ lại tôi mắc cạn lưng đồi/ mắc cạn bầu ngực em hổn hển ngõ vắng/ tôi lần cởi từng nút xuân Xuân Lũng. (Ở Xuân Lũng giờ này). 
    Những chữ thơ như vậy ta có thể không quá khó để tìm thấy ở chỗ này, chỗ khác, người nọ người kia, nhưng đậm đặc suốt trong hơn một chục tập thơ mà Trần Quang Quý đã xuất bản trong gần 30 năm trở lại đây, thì quả là hiếm: “Đi qua những ngày cơ nhỡ/ anh vẫn còn giáp hạt mắt em./ (Tháng ba quê); “Những linh hồn chữ chết/ treo trong đầu rỗng/ Cái chết không tuyên án/…/ Rỗng và tăm tối/ Nhà tù trí tuệ! (Hồn chữ).
   Tuy mạnh dạn đưa ngôn ngữ đời sống vào trong thơ, nhưng có thể nói Trần Quang Quý là một trong số ít nhà thơ Việt Nam có khả năng tiết chế ngôn từ giữa thanhtục trong giới hạn chữ dùng để tạo nghĩa và cũng là tạo lập giọng điệu mới cho đơn vị câu thơ. Đọc qua, nhiều người tưởng như những chữ ấy đang dẫn dụ ta đến miền trần tục, mà xưa nay thơ phương Đông nói chung và thơ Việt nói riêng rất kiêng kỵ (taboo custom). Nhưng thực ra, đấy là những chữ rất đời thường, nhưng do truyền thống quá khắt khe của quan niệm thơ phương Đông, do tư tưởng đạo Nho chi phối, mà chúng bị đuổi ra khỏi sân chơi của loại hình nghệ thuật thanh cao này, thơ.
 
Tạm khép
 
    Trong khi việc tạo lập thể thức mới thơ Việt, đặng tìm cho nó một hướng đi khả dụng theo xu hướng phát triển của thơ ca đương đại, với nỗ lực cá nhân và tài năng sẵn có, Trần Quang Quý đã bước đầu làm được điều mà không nhiều người có thể. Dẫu rằng đây đó, có những đơn vị câu thơ, bài thơ hay, nhưng chưa có những tác gia thơ hay. Theo tôi, chỉ có đổi mới một cách róng riết và quyết liệt trên cơ sở truyền thống dân tộc, thơ Việt mới có thể tự mình tồn tại và phát triển trên một diện mạo mới, vừa nỗ lực tiếp thu những tinh hoa của cha ông để lại, vừa chắt lọc những thành tựu của thơ ca thế giới để vun đắp cho mình, tạo dựng một thời đại thi ca vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa hiện đại, mới hy vọng làm thỏa mãn được một phần nào đấy thị hiếu lành mạnh của công chúng thời nay; vừa là mục tiêu cuối cùng của mọi nền văn chương, nghệ thuật, vừa là thước đo về sự phát triển, lớn mạnh của thi ca nước nhà.
    Chính vì thế, những thành công bước đầu và hướng đi của nhà thơ Trần Quang Quý là rất đáng trân trọng. Xin chúc mừng ông./.
                                                                                           5/2022
                                                                                               Đ.N.Y

 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
13-08-2024 16:00:01 VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

Trả lời

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)