CẢM XÚC CỦA MỘT BẠN TRẺ 9X KHI ĐỌC
TIỂU THUYẾT DẠ KHÚC CỦA TÁC GIẢ THU LÂM
TÁC GIẢ THU LÂM
Đôi dòng cảm xúc khi đọc tác phẩm “Dạ Khúc” của bác gái Phi Yến – Thu Lâm
Nguyễn An
Nói là làm, mỗi năm “nhà văn già (hơn 70 tuổi) – cây bút trẻ (mới cầm bút được 3 năm)” cho ra mắt, xuất bản một tác phẩm: “Say nắng”; “Nước mắt đàn ông”; “Dạ khúc” chủ yếu viết về đề tài hôn nhân, gia đình. Có quá không khi dùng lời của Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát khi nói về Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”.
Chắc cũng không quá đâu, bác tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi ạ.
Tác giả viết bằng lối văn kể chuyện, rất dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm và lôi cuốn. Lời văn hồn hậu, các mốc thời gian liền mạch, tuyến nhân vật rõ ràng, không có những tình tiết giật gân, không hàn lâm triết lý nhưng đọc rất trôi, rất đi vào lòng độc giả. Tác giả như đặt mình vào từng nhân vật để viết, nên xuyên suốt cả câu chuyện, có thể thấy hình bóng của tác giả trong tất cả các nhân vật từ già, trẻ, nhân vật chính, nhân vật phụ... đều hiện lên một cách rất hiền hòa, hướng thượng, chân thành, giàu tình yêu thương, đức hy sinh như chính tác giả ngoài đời thực. “Dạ khúc” như một lời kể chuyện, nhẹ nhàng, ấm áp, làm cho người đọc lúc trầm buồn thương cảm, lúc hân hoan như đang có mặt cùng các nhân vật trong khung cảnh của câu chuyện.
Câu chuyện một lần nữa khẳng định: những thứ phi thường luôn tới từ tình yêu thương, khi mà các tiến bộ y học, khoa học kỹ thuật đều chịu thua, thì tình yêu thương vô bờ lại làm được điều kỳ diệu. Các nhân vật trong tiểu thuyết đều mang những nỗi niềm không vừa ý, bất lực của riêng mình: bố mẹ đều là thành phần ưu tú trong ngành nhạc, con thì lại không thể chơi nhạc; cậu thanh niên tây khỏe mạnh đẹp như tượng Hy Lạp, lại không có năng lực sinh con… Đọc tác phẩm này, bạn đọc nên bỏ ngoài những nghĩ suy theo logic thông thường, đừng cố lý giải mọi việc theo góc nhìn của khoa học, hãy để tình yêu thương của các nhân vật lan tỏa và chiêm nghiệm ra rằng, chỉ có nhân duyên mới giải thích được mọi vấn đề tưởng chừng rất khó hiểu ấy. Nhân duyên làm cho 2 nhân vật chính quý mến nhau từ bé, phải xa nhau lúc trưởng thành, trải qua nhiều khổ đau thất vọng, quay trở lại tìm nhau, để rồi nhận ra giá trị đích thực.
Đề tài hôn nhân, gia đình, vấn đề về trẻ tự kỷ, kết hôn với người nước ngoài đều là những chủ đề nóng và khó viết, nhưng bất ngờ là tác giả đã làm rất tốt, câu chuyện đã chạm được tới cảm xúc của người đọc, lan tỏa được sự ấm áp, tình yêu thương nhiệt thành, kiên trì bền bỉ không bỏ cuộc, đề cao giá trị gia đình… đó đã là điều rất đáng quý trong thời đại đầy rẫy thông tin tiêu cực như hiện nay.
Tác phẩm như một đốm lửa ấm, được sẻ chia từ chính tâm hồn tác giả, gửi đến cho người đọc. Tin chắc rằng, độc giả sẽ tìm thấy bản thân mình ở đâu đó trong câu chuyện, vì tác phẩm đề cao cái đẹp, là hiện thân của tình yêu thương, mà tình yêu thương thì, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có.
Và hãy nhắc lại câu nói bất hủ của đại thi hào người Đức J.W.Goethe “Khi ngôn ngữ bất lực, hãy để âm nhạc lên tiếng”
Thân tặng Bác Phi Yến – Thu Lâm
Hà Thành, mạnh Đông, Canh Tí
Người gửi / điện thoại