CẢO THƠM LẬN ĐẬN
LÃ THANH TÙNG
“Văn học đồng hành cùng Dân tộc” - Chúng ta thường nghe câu khẩu hiệu (slogan) này trong một số sự kiện văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức gần đây, như một tuyên ngôn, một ước muốn, hay một khẳng định tính định hướng của cả một tổ chức đại diện cho giới cầm bút.
Nhưng theo góc nhìn của riêng tôi, lời sấm này vốn tồn tại từ xưa, ít nhất là ở Việt Nam, như một đặc tính có sẵn, như thể thiên định, chân mệnh của loại hình nghệ thuật chủ đạo này.
Đặc tính ấy vì đâu mà có? Đương nhiên là bởi giá trị của nó. Các tác phẩm nếu đã trở thành “văn học”, đạt phẩm chất “văn”, thì chắc chắn sẽ được độc giả đón nhận, và trở thành một phần máu thịt của đời sống tinh thần cộng đồng. Không có cách gì chia lìa, tách rời, hay ngược chiều, lảng tránh cái nôi hay những kẻ sinh ra và cưu mang nó. Hơn nữa, nhà văn, nhà thơ (ý tôi muốn nói những “nhà” đích thực) là những kẻ yêu đời, yêu người, yêu quê hương đất nước và nền tảng đạo đức, nhân văn hơn ai hết. Không có lý do gì họ không muốn, không biết cách gắn mình với số phận chung của số đông những người cùng nguồn cội, cùng hoàn cảnh với mình. Do vậy, nếu có sự “biến dị”, “trái khoáy” nào, thì đó không bao giờ còn là bình thường nữa. Sẽ không thể còn chất “văn”, yếu tố “giá trị” nào nữa, nói gì đến chuyện tồn tại hay tương tác cùng ai.
Sở dĩ tôi phải nói dài dòng, thậm chí hơi có phần “lảm nhảm” vậy trong những lời mở đầu cho việc giới thiệu tác phẩm “Đồi thông hai mộ” của văn sĩ Tùng Giang - Vũ Đình Trung, là bởi vì có một thời, thậm chí khá dài, vì lý do này lý do khác, chúng ta (ý tôi nói một số người cầm trịch việc thẩm định và đánh giá các tác phẩm văn học) đã có những sự hiểu, cách cảm, và lời phán định ít nhiều chưa thật sự công bằng với tác giả - tác phẩm.
Ra đời từ nửa cuối thập niên 1940, khi Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã lan rộng ra khắp các chiến trường, tác giả Tùng Giang - Vũ Đình Trung tuy vẫn đi tản cư, lên hẳn vùng núi Lương Sơn, Hòa Bình, nhưng vẫn chưa ra khỏi vùng giáp ranh, tranh chấp giữa Việt Minh và Quân đội viễn chinh Pháp, đương nhiên chưa thể công khai một quan điểm sáng tác có hơi hướng ủng hộ “kháng chiến”. Hơn nữa, là một người từng được trau dồi học vấn khá uyên thâm trong thời Thuộc địa, nói tiếng Pháp và tiếng Quan hỏa giỏi, đến mức viết sách và đi dạy được, thì dễ hiểu là ông sẽ chưa thể dễ dàng rời bỏ cái bầu khí quyển văn hóa có tính hàn lâm, phong vị kinh kỳ ông từng quen thuộc, để dấn thân vào cuộc trường chinh ông chưa có điều kiện hiểu kỹ. Nhất định là ông sẽ chú tâm hơn đến những vấn đề của đời sống cộng đồng quanh mình, những số phận éo le, trầy xước của những cá nhân trong vòng xoáy tơi tả của thời cuộc.
Lại nữa, giữa lúc giới văn nghệ sĩ có sự phân hóa dữ dội, phần đông ra đi theo sự nghiệp kháng chiến của Đảng Cộng sản, một số (chắc cũng không ít) ở lại theo đuôi người Pháp và Chính quyền “Quốc gia” Bảo Đại, các tác phẩm của cả hai bên chỉ xoay quanh việc phân định ai đúng, ai sai, ai chính nghĩa, ai gian tà đượm màu tranh đoạt, thì một bối cảnh khác lạ nơi sơn thủy hữu tình chim bay thú chạy xứ Mường chắc chắn sẽ hấp dẫn, thu hút được con tim và tâm trí của người trí sĩ làng Văn Quán ven đường số 6 (nối Hà Nội đi Hòa Bình và vùng Tây Bắc).
Liệu trong lúc ngâm ngợi phổ hồn vào những con chữ, Tùng Giang - Vũ Đình Trung có bị ám ảnh, lắng đắng gì về cuộc chiến đang diễn ra cách nơi ông tạm thời ẩn trú không xa (từ Lương Sơn- Hòa Bình sang Hạ Hòa - Phú Thọ, vùng Tự do Kháng chiến, chỉ khoảng 50 km đường chim bay) hay không? Ông có chút nào nghĩ ngợi về phận làm trai của mình, nguy cơ nô lệ của Dân tộc trước họa tái xâm lăng của giặc Pháp nữa không? Tôi nghĩ là có đấy. Bằng vào những câu thơ tài tình mà gan ruột thấp thoáng trong khắp tác phẩm, ví dụ:
Trí ngang dọc non sông nghĩa vụ
Nợ cao dày vũ trụ tang bồng
(khắc họa hình ảnh Đinh Lăng)
hay:
Mải vui quên chí bình sinh
Quên nhà, quên nước, cốt mình ấm no
(lời hờn, trách- thức giả định- của Mỵ Dung với người yêu xa vắng)
hay:
Nếu anh cùng non sông còn sống
Máu hiên ngang dòng giống phi thường
(ước ao của Mỵ Dung về một Đinh Lăng mà nàng hằng ngóng đợi)
hay:
Nếu thác vì giống nòi sở ước
Vì giang sơn tổ quốc vinh quang
Thì em thác chẳng hồn oan
Tuyền đài với cả hân hoan em chờ
(một giả định sáng của Mỵ Dung về sự hy sinh của Đinh Lăng)
hay:
Cùng phường vong quốc an thân
Cùng phường vô đạo, bất nhân, tội tình
(giả định xấu về chàng)
hay:
Giang san tổ quốc làm đầu
Nhà tan, nước mất còn đâu thân mình
(chí nguyện của tác giả trong đoạn dẫn mạch truyện)
hay:
Hoắc lê tự chủ ngọt bùi
Còn hơn mỹ vị sực mùi quốc vong
(tâm sự của Đinh Lăng trước mồ Mỵ Dung)
hay:
Trên đường quốc nạn đòi ưu thắng
Trên đường đầy cay đắng gian lao
Trên đường chính nghĩa tối cao
Trên đường “bờ cõi giữ sao vẹn toàn”
(lời thề của chàng khi chia xa nấm mồ người yêu)
Nhiều lắm, tôi đếm có đến hàng đôi chục lần tác giả buông những lời bóng gió về tình cảnh nước mất nhà tan và chí trai nghĩa vụ như thế.
Mà rõ nhất là trong lời tâm sự trực diện giới thiệu bối cảnh ra đời “Đồi thông hai mộ”. Tác giả viết:
Cuối năm 1946, cuộc chiến tranh Việt-Pháp (chẳng lẽ lại gọi thẳng ra là cuộc tái xâm lăng của Pháp đối với nước Việt Nam độc lập!) bùng nổ. Giờ chót, lệnh tản cư thi hành triệt để... Thế rồi, vì “tản cư là yêu nước, tản cư để kháng chiến” ... tôi được dịp ôn lại một thiên tình sử... đáng ghi làm kỷ niệm của quãng đời nhà tan nước loạn...
... (hai mộ) gắn kết, sẵn sàng đối phó với giông gió xâm lăng... để bảo tồn “giang sơn hữu chủ” ...
...tâm hồn tôi đồng vọng với tâm hồn toàn dân nhất trí mong mỏi đợi chờ “Độc lập vinh quang” ... tôi viết Đồi thông hai mộ.
Vậy đấy, tác giả không hề là người bàng quan với vận nước, càng không phải là kẻ “ham sống sợ chết”, hay “gỗ đá vô tình” gì. Chẳng qua chỉ vì “hoàn cảnh gia đình”, hay nói đúng hơn là vì còn nặng tình với số đông những người không thể đi, không thể chạy, phải dừng chân trước ngưỡng cửa vùng sơn cước nước độc rừng thiêng mịt mù lam chướng.
Đến đây tôi muốn dừng lại một chút, bởi không thể né tránh một câu hỏi có tính dắt dây: Vậy thì vì sao trong tác phẩm cũng như những lời bộc bạch của mình, tác giả đã phần nào thể hiện niềm day dứt “nước mất nhà tan” hay “họa xâm lăng”, phải “kháng chiến”... (rất gần với góc nhìn của Hội Văn nghệ Cứu quốc trên Việt Bắc) như thế, mà Bảo Đại, đứng đầu chính thể bù nhìn, đối đầu với Việt Minh, lại vẫn khen ngợi (những lời rất trân trọng) và ban thưởng cho Tùng Giang - Vũ Đình Trung một số tiền khá lớn, 5000 đồng Đông Dương, tương đương nhiều cơ ngơi đồ sộ? Trả lời câu hỏi này hẳn phải cần một con mắt lịch sử chi tiết và thấu đáo, nhưng theo chủ quan của tôi, có lẽ bởi hai lý do:
Thứ nhất, chủ đề chính của Đồi thông hai mộ là lên án hủ tục cưỡng hôn ở một vùng Lang Mường kề cận Long Thành, ca ngợi gương kiên trinh chung thủy của các bậc trai tài gái sắc, với những câu thơ da diết, chân thực, đầy ắp tình người, vừa ra đời đã được đông đảo công chúng độc giả đón nhận, tán thưởng (xem các tiểu dẫn và phần “Những lời vàng ngọc” đầu sách cùng tên, in lần thứ ba của Nhà xuất bản Yên Sơn- 42 Hàng Than, 1952 - bản “Sách hạn chế” mã 20201 của Thư viện Quốc gia), nhiều người còn chép tay, thuộc lòng, ngâm ngợi như một pho tình sử diễm lệ. Không lý gì một đấng quân vương đang theo đòi “văn minh”, “tiến bộ” lại không biết và đoái quan tâm, cổ súy.
Thứ hai, khi Việt Minh nổi lên, Bảo Đại là Đương kim Hoàng thượng đã (buộc phải?!) trao ấn tín với câu nói (chẳng biết thật lòng đến đâu) “thà làm dân một nước tự do, còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Dù là sau đó, người Pháp quay lại đàn áp Việt Minh, ông ta có hợp tác với Pháp, nhưng vẫn dưới chiêu bài “Chính phủ độc lập” (Bảo Đại tự tấn phong làm Quốc trưởng tháng 7 năm 1949), chỉ nhờ Pháp “bảo hộ” mà thôi, ông ta không thể trái lời đã nói để đi trừng phạt một người ca ngợi “giang sơn hữu chủ”, “Độc lập vinh quang”. Ngược lại là đằng khác, khen tặng cho Tùng Giang, vừa được tiếng “nhân văn, biết thưởng thức nghệ thuật”, vừa che đậy cái bản chất “hữu danh vô thực” của cái ghế “Quốc trưởng” ông ta đang ngồi.
Hai lý do này dù thực lòng đến mấy cũng không thể là cớ để vu cho Tùng Giang - Vũ Đình Trung cùng kiệt tác của ông là “xa rời chính nghĩa”, “bàng quan thời cuộc”.
Bây giờ nói về chủ đề chính, cái lý do lớn nhất để Đồi thông hai mộ ra đời, đi vào lòng người và truyền tụng theo một phương cách hết sức thú vị.
Phải nói rằng kiểu tích truyện (motif hay motive) “trai anh hùng, gái thuyền quyên”, “yêu nhau không lấy được nhau” trong văn học sử ở Việt Nam, thậm chí thế giới, là không hề hiếm. Những Romeo và Julliet, Người đẹp và quái thú (Beauty and the Beast), Phạm Tải Ngọc Hoa, Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao), Đồi gió hú (Wuthering Heights)… thậm chí đến nước đường cùng, đôi trẻ cũng chết cùng bên nhau, tạo thành mộ đôi như một biểu tượng của tình yêu chung thủy, như Romeo và Julliet, bi kịch lừng danh của Thi hào Shakespeare vĩ đại, đã gây ám ảnh khôn nguôi cho người đọc. Nhưng dễ thấy là tất cả những tích truyện ấy đều muốn chuyển tải những thông điệp dữ dội, ấy là sự éo le của số phận, mà phần lớn đều do hận thù hoặc dục vọng tham sân si của cõi người mang lại.
Trường hợp của Văn sĩ Tùng Giang - Vũ Đình Trung là tương đối khác. Tích truyện của người Mường do Chế Quang Tuyển kể lại (tác giả nói thế chúng ta biết thế) dường như chủ yếu lên án hủ tục ép duyên của cha mẹ nhân vật nữ chính đối với cô. Nếu giả như Mỵ Dung cam chịu số phận, ngoan ngoãn chịu đựng anh chồng được gả ép (như bao cô gái khác thời trung đại hay tiền hiện đại) thì cuộc đời cô có lẽ cũng khác, chắc gì đã bi phẫn như cô tưởng tượng:
Người ta từ dáng hình hạnh kiểm
Không điểm nào là điểm em ưa
Lại là phải kính phải thờ
Kết duyên chồng vợ, thảm chưa hỡi trời!
Vậy là cô quyên sinh một cách quyết liệt, chóng vánh. Không phải một lần mà đến ba lần. Hai lần đầu có vẻ như cơ sự chưa thật nghiêm trọng:
Đã hai lần vấn danh nài ép
Đã hai lần liều chết quyên sinh
Để hồn bay bổng theo anh
Để tim khỏi rạn máu tình rẽ ngang
Nhà trai kia chắc cũng biết dừng lại (để nghe ngóng?). Nhưng đến lần thứ ba thì hết:
Ngày cưới Dung rợp trời náo nhiệt
Nhạc hòa ca, yến tiệc hòa ca...
Và trong tình cảnh đó, Dung đã nghĩ kỹ rồi:
Trời vừa tối, gặp cơ hội tốt
Sẵn “tiên đan” nàng nuốt một liều
Giờ sau phách lạc hồn siêu
Tiệc hoa tan vỡ, người kêu gọi rầm
Cái chết do quyên sinh của Quách Mỵ Dung tuy “thuần túy biểu cảm” nhưng cũng có thể “lấy được nước mắt” của những người đa cảm. Chứ còn sự xông pha ra nơi tiền tuyến của Đinh Lăng sau khi đọc bức “Huyết thư nhòa lệ” của người yêu, để:
Nợ gia đình, nợ quốc gia
Bao nhiêu nợ nặng hai ta giả cùng
thì chất lý trí đã trỗi dậy trong chàng, một trang nam tử biết “biến đau thương thành hành động”, nặng về “hành lý tưởng” kiểu tráng sĩ mất rồi!
Kể từ đây về cuối truyện, những diễn biến, tình tiết dù khác thường hay logic, suy cho cùng cũng chỉ để dẫn đến cái chết của chàng trai, để rồi họ được chôn trong hai nấm mộ đặt cạnh nhau giữa khoảng đồi thông gió mây vi vút.
Thì tất cả những điều đó chắc hẳn cuốn sách của Chế Quang Tuyển (nếu có thật) cũng thừa sức lột tả, chỉ cần một bản dịch văn xuôi tốt là bạn đọc người Kinh phổ thông đã có cơ hội để nắm bắt như đọc một truyện ngắn hay truyện vừa kiểu Tiểu thuyết thứ bảy thời Tự lực Văn đoàn trước đó không xa.
Đằng này không vậy. Tùng Giang - Vũ Đình Trung đã vận dụng thể thơ Song thất lục bát một cách nhuần nhuyễn để gia công tích truyện bình thường kia trở thành một bản tình ca day dứt, đẫm nước mắt, giàu tính nhạc điệu, và hàm ẩn những thông điệp nhân sinh thuyết phục.
Trước hết nói về thể thơ Song thất Lục bát. Đây là một mô hình văn vần thuần Việt, đặc sắc Việt Nam, vừa có phong vị đăng đối chặt chẽ theo kiểu thất ngôn của thơ cổ Trung Quốc, vừa lấy “nhãn tự” là yêu vận và cước vận (bắt vần lưng và vần chân) làm nền tảng diễn chuyển, đúng chất “khí nhạc” Việt Nam. Thể thơ này trong lịch sử từng đạt đến ngưỡng thành tựu cao chót vót với Chinh Phụ Ngâm, Ai Tư Vãn, Văn tế thập loại chúng sinh, Cung oán ngâm khúc, Tỳ Bà Hành, Hải Ngoại Huyết Thư..., nhưng đến thời tiền hiện đại (khoảng giữa thế kỷ 20) đã không còn mấy người thực hành nữa (có lẽ một phần do những quy định về vần luật phức tạp và nghiêm khắc của nó).
Chúng ta ngày nay đang sống trong môi trường Tiếng Việt hiện đại mà thậm chí vẫn có thể ngẩn ngơ với những câu thơ đẹp tươi, dễ hiểu, không lạm dụng việc cài điển tích, của thứ Tiếng Việt cách đây 70 năm như thế này:
Nhưng một buổi sớm mai em nhớ
Một sớm thu mưa gió âm thầm...
Đồi thông gắn bó sắt cầm
Đồi thông tiễn biệt lệ đầm áo xanh
(tâm sự của Mỵ Dunbg về không gian, thời gian, bối cảnh ngày chia tay của đôi trẻ)
hay:
Người ta để tang, tang có hạn
Còn em đeo hận, hận không bờ
Uyên chia nhạn lẻ bơ vơ
Thân em chiếc bóng đợi chờ quãng không
(lời than của Mỵ Dung về nông nỗi nàng phải gánh chịu. Bạn đọc có thể chú ý nhịp phách tung hứng đăng đối thắt buộc của hai câu thơ vế song thất, và hình ảnh vừa ước lệ vừa chơi vơi hụt hẫng đau thương của cặp lục bát).
Hay là, tôi đặc biệt thích thú với đoạn Đinh Lăng cảm thán cùng thiên nhiên hùng vĩ quanh mộ Mỵ Dung trước khi nén đau thương, lên đường trả nợ nước:
Suối ơi suối! Gần quanh ta mãi
Tâm hồn ta sạch nỗi oan hờn
Lòng ta lòng suối ai hơn?
Lòng cùng trinh bạch, cô đơn cũng cùng.
Đồi ơi đồi! Một vùng bát ngát
Nhạc thông reo, réo rắt tơ lòng.
Cho ta tiêu giải não nùng,
Cho ta siêu thoát non bồng cảnh tiên
Núi ơi núi! Thiên nhiên hùng vĩ,
Che chở ta bền bỉ trường thành
Tình ta vững với trời xanh
Núi xanh, xanh mãi, mộng tình dài lâu
Rừng ơi rừng! Xa đâu mà lạ
Với đồi thông, rừng đã quen lâu
Thâm u huyền bí nhiệm màu
Tình duyên ta lỡ, ta cầu rừng thiêng...
Nhiều lắm, có thể nói hơn một nghìn câu thơ “đẹp như gấm, tươi như non” (lời khen của Tam Lang, chủ bút báo “Giang Sơn” Hà Nội, 19.1.1951) của Đồi thông hai mộ đã thực sự chinh phục hầu hết các tầng lớp độc giả thời ấy. Có thể nói, truyện thơ song thất lục bát xuất sắc nhất thế kỷ XX đã làm dậy sóng văn đàn cả nước trong khoảng thời gian ngót 10 năm (1948-1957), và dư ba của nó vẫn còn ngấm sâu, lan xa trên cả hai bình diện không gian (trong Nam ngoài Bắc, ra cả Hải ngoại) và thời gian (ngày hôm nay, nhiều người còn thuộc, luôn sốt sắng đề nghị cho nghiên cứu, bình chú, tái bản, và khai thác dưới những hình thức phù hợp).
Nhưng...
Cuộc sống vẫn có những khúc quanh kỳ lạ. Đến đây, số phận của tác phẩm Đồi thông hai mộ và tác giả Tùng Giang - Vũ Đình Trung có vẻ đã bắt đầu chuyển sang một giai đoạn khác, đáng khóc, đáng cười, nhưng quan trọng nhất là đáng suy ngẫm.
Những năm giữa thập niên 1970, khi còn đang học cấp III ở Hà Đông, tôi đã được gặp hàng ngày một cụ già lọ mọ ra hành nghề hàn xoong nồi guốc dép ngoài Bến xe Hà Đông. Cụ là ông nội của bạn tôi, Vũ Đình Thảo - Lớp trưởng Lớp 10A, Trường Phổ thông Công nghiệp, đóng sau Vườn hoa và Ty Bưu điện.
Khí đó do còn quá trẻ, chúng tôi còn chưa hiểu gì về văn, về đời, lại càng không biết tý gì về sự nổi tiếng của tác phẩm “ủy mị, ướt át” cùng tác giả “từng được Bảo Đại tấn vinh, khen thưởng” ấy. Chỉ thấy cụ già mà chúng tôi hay gọi “Ông ơi” thường rất ít nói, nhưng có đôi mắt rất sáng, dáng đi chậm chạp (vì gánh nặng tuổi tác?) nhưng hiền từ, yêu con trẻ hơn tất cả. Bao nhiêu cây trái trong khuôn vườn rộng, lũ chúng tôi leo trèo và rung hái bất tử, mà Ông vẫn không phạt. Bạn tôi mải chơi cùng lũ giặc, đến nhiệm vụ cỏn con là đặt cơm hai ông cháu cùng ăn, cũng quên, mà Ông cũng chỉ hiền từ nhắc nhẹ. Năm Bà mất (hình như 1974), Ông đau buồn làm bài thơ dài Tùng Giang khóc vợ, có dễ đến mấy trăm câu, với những lời đau xót, nhưng theo kiểu người già nên chúng tôi cũng đọc mà không hiểu, không nhớ. Chỉ thấy Ông trân trọng bài thơ lắm, để trên ban thờ Bà, hàng ngày hương nhang đều như cơm ăn nước uống. Người già là một thứ gì đó vừa thân thuộc, vừa “lạ lạ” trong con mắt chúng tôi.
Chúng tôi vào đại học, đi học rồi đi làm xa, Ông vẫn kỳ cạch với cuộc sống cũ kỹ như thế ở sau Chùa Đỏ... đến năm 1985 thì mất, như một người bình thường, không vướng bận.
Dòng sông cuộc sống vẫn trôi chảy, những lời đao to búa lớn về “nhân sinh quan”, “thế giới quan” trên báo chí, trong xuất bản, được giảng dạy... cứ thay nhau đến rồi đi. Càng ngày, tôi càng nghe nhiều, biết nhiều về các tác phẩm văn chương ngày trước “có vấn đề”, trong đó có câu chuyện về mối tình Mường bi thảm chúng ta đang bàn. Nhưng đến lúc này thì ôi thôi, có vẻ muộn rồi. Ông đã đi xa, chẳng kịp dặn lại gì nhiều về cuộc đời giông gió cùng tác phẩm vương máu và nước mắt.
Lạ một điều, Đồi thông hai mộ của Tùng Giang - Vũ Đình Trung thì ai cũng thuộc, chí ít mấy câu mở đầu (Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ/ Anh của em yêu quý nhất đời/ Anh đi mù mịt xa khơi/ Phượng hoàng tung cánh phương trời mải bay...). Nhưng nói cho ngọn ngành thì không ai biết (thậm chí trên mạng, điển hình là trang: http://phituanhung-families-friends.blogspot.com/2008/10/doi-thong-hai-mo.html, hàng trăm người tranh luận với nhau từng câu từng chữ mà khhông ai biết tên thật tác giả). Thậm chí đến những nhà nghiên cứu gạo cội, rất nhiều thành tựu, khi được hỏi cũng chỉ “tôi có nghe”, “hình như bị đánh phải không?”. Trong khi đó, mọi người vẫn truyền tụng một “Đồi thông hai mộ” ở xứ Đà Lạt mộng mơ, là mộ của đôi uyên ương Lê Thị Thảo (chết ngày 13.3.1956) và Vũ Minh Tâm (trở về sau đó và chết bên mộ người yêu), rồi cùng nhau nghe bài hát của nhạc sĩ Hồng Vân (với phần lời não nề, u ám, đến mức “vàng vọt”), qua các giọng ca của những Lệ Quyên, Hoàng Oanh, Dạ Hương...!
Vậy đấy, rõ ràng Đồi thông hai mộ của Tùng Giang - Vũ Đình Trung ra đời trước ít nhất là 8 năm so với giai thoại cùng tên ở Đà Lạt, và nổi tiếng khắp cả nước, không thể nói là những người truyền tụng (hay thêu dệt nên?) câu chuyện bên hồ Than Thở không biết.
Vậy tại sao không ai nói một lời (chưa kể “nói lại cho đúng” và “tái vinh danh”) về cụ già hàn đồng nát bên bến xe Hà Đông - ông nội của bạn tôi - kia?
Dĩ nhiên tôi hiểu, cuộc sống vẫn có những sự trớ trêu, thậm chí sự tích và tua du lịch về “Thành phố buồn” cũng rất lý thú và xứng đáng. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta, những người làm văn học, công chúng yêu văn chương cả nước, và cả các nhà quản lý, các nhà làm văn hóa, du lịch... nên và cần phải nhìn nhận lại, ít nhất là ngồi lại cùng nhau và lần tìm đến những khuất lấp. Vẫn biết chân lý và sự công bằng không phải bao giờ cũng dễ đạt được, nhưng một sự cẩn trọng, biết cân nhắc và dám ưu tư, trở trăn, thay đổi, theo tôi vẫn rất đáng được hiện diện và thi triển trong những ngày tươi lành sắp tới.
Mong lắm thay.
Hà Nội- Hòa Bình- Xuân Kỷ Hợi 2019
L.T.T
Người gửi / điện thoại